23/05/2024 16:26

13 hành vi bị cấm về thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP

13 hành vi bị cấm về thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP

Trong thời gian sắp tới khi Nghị định 52 có hiệu lực, thì những hành vi nào về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ bị cấm? Nhất Nguyên – Cao Bằng.

Chào anh, ban biên tập xin giải đáp như sau:

1. Những hành vi bị cấm về thanh toán không dùng tiền mặt theo Nghị định 52/2024/NĐ-CP

Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024). Trong đó, quy định những hành vi bị nghiêm cấm trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, trật tự và hiệu quả của hệ thống thanh toán, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên. Các hành vi bị cấm bao gồm:

(1) Sửa chữa, tẩy xóa phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán không đúng quy định pháp luật; làm giả phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán; lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả.

(2) Xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi.

(3) Cung cấp không trung thực thông tin có liên quan đến việc cung ứng hoặc sử dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán.

(4) Tiết lộ, cung cấp thông tin về số dư trên tài khoản thanh toán, số dư thẻ ngân hàng, số dư ví điện tử và các giao dịch thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không đúng theo quy định của pháp luật có liên quan.

(5) Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán, ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử; thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh); lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử.

(6) Phát hành, cung ứng và sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp.

(7) Thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khi chưa được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán mà không phải là tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

(8) Thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện thực hiện các hành vi: sử dụng, lợi dụng tài khoản thanh toán, phương tiện thanh toán, dịch vụ thanh toán, dịch vụ trung gian thanh toán để đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gian lận, lừa đảo, kinh doanh trái pháp luật và thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(9) Tẩy xóa, thay đổi nội dung, mua, bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, làm giả Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

(10) Ủy thác, giao đại lý cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động được phép theo Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

(11) Gian lận, giả mạo các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện để được cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.

(12) Hoạt động không đúng nội dung quy định trong Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

(13) Chủ tài khoản thanh toán có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng cung cấp thông tin hoặc cam kết không có tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cho các bên có quyền, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật về giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

(Căn cứ Điều 8 Nghị định 52/2024/NĐ-CP)

Như vậy, từ ngày 01/7/2024 các hành vi bị nghiêm cấm trong việc thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được quy định nghiêm ngặt hơn nhằm bảo đảm tính an toàn, minh bạch và hiệu quả của hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt. Các hành vi bị cấm như: làm giả, sửa chữa trái phép phương tiện thanh toán; xâm phạm an ninh dữ liệu và hệ thống thanh toán; cung cấp thông tin gian dối;…

2. Cách thức Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại Điều 34 Nghị định 52/2024/NĐ-CP cụ thể như sau:

- Ngân hàng Nhà nước xác định phạm vi, ban hành quy định về giám sát và thực hiện giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.

- Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán bằng các biện pháp giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và các biện pháp khác khi cần thiết theo nguyên tắc không làm cản trở hoạt động bình thường của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

- Ngân hàng Nhà nước có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán.

Đồng thời, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và có trách nhiệm chấp hành các quy định, thực hiện các yêu cầu giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
884

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]