26/01/2024 17:29

1 lượng vàng bằng bao nhiêu chỉ? Vay vàng rồi trả bằng tiền có được không?

1 lượng vàng bằng bao nhiêu chỉ? Vay vàng rồi trả bằng tiền có được không?

Tôi muốn hỏi 1 lượng vàng bằng bao nhiêu chỉ vàng? Tôi có xem 1 video nói về việc mượn vàng rồi trả lại bằng tiền tại thời điểm mượn vàng, vậy có được không? “Vân Anh-Vĩnh Long”

Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:

1 lượng vàng bằng bao nhiêu chỉ?

Theo thị trường Việt Nam, đơn vị vàng sẽ được tính như sau:

1 cây vàng = 1 lượng vàng = 10 chỉ vàng = 100 phân vàng.

1 lượng vàng = 37.5 gram vàng.

1 chỉ vàng = 3.75 gram vàng.

1 phân vàng = 0. 375 gram vàng.

1 kg vàng = 2660 phân vàng = 266 chỉ vàng = 26 cây vàng + 6 chỉ vàng.

Như vậy, 1 lượng vàng hay còn gọi là 1 cây vàng và bằng 10 chỉ vàng.

Đồng thời, vàng được tính theo đơn vị ounce như sau:

1 ounce = 31.103476 gram.

1 ounce vàng = 8.29426 chỉ vàng.

1 lượng vàng = 1.20565302733 ounce vàng.

1 ounce vàng = 0.829426 lượng vàng.

Cá nhân có cho vay bằng vàng được không?

Quyền sở hữu vàng hợp pháp của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo vệ theo quy định của pháp luật. (theo Khoản 1 Điều 4 Nghị định 24/2012/NĐ-CP)

Tuy nhiên, cá nhân sở hữu vàng cần lưu ý một số quy định sau:

- Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu không được phép mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu. Trường hợp cá nhân nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mang theo vàng miếng, vàng nguyên liệu phải làm thủ tục gửi tại kho Hải quan để mang ra khi xuất cảnh hoặc làm thủ tục chuyển ra nước ngoài và phải chịu mọi chi phí liên quan phát sinh.

Cá nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu mang theo vàng trang sức, mỹ nghệ có tổng khối lượng từ 300g (ba trăm gam) trở lên phải khai báo với cơ quan Hải quan.

(Theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 11/2014/TT-NHNN)

- Không được sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán (theo Khoản 4 Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP)

Đồng thời, hiện nay pháp luật chưa có quy định về việc cấm cá nhân cho vay mượn vàng mà chỉ quy định phạt vi phạm hành chính với hành vi mua, bán vàng miếng với doanh nghiệp hoặc ngân hàng không có giấy phép, dùng vàng để thanh toán, không niêm yết giá vàng công khai tại cửa hàng vàng, mang vàng xuất nhập cảnh không đúng quy định pháp luật… (Theo Điều 24 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).

Do đó, hiện nay cá nhân có thể dùng vàng để cho cá nhân khác vay, mượn.

Vay vàng rồi trả bằng tiền có được không?

Do hiện tại pháp luật cho phép người dân được sở hữu vàng hợp pháp, tức nguồn vàng mua vào phải được các tổ chức, cá nhân bán ra tuân thủ pháp luật về kinh doanh vàng. Đồng thời, hiện pháp luật chưa có quy định nào cấm việc cá nhân vay mượn vàng với nhau. Do đó, việc các nhân cho cá nhân vay mượn vàng là hợp pháp.

Vì vậy, nghĩa vụ trả nợ khi vay vàng cũng được thực hiện theo quy định tại Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 như sau:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

Theo đó, khi vay vàng thì phải trả vàng cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác (thỏa thuận trả bằng tiền). Nếu bên vay không thể trả vàng thì có thể trả tiền nhưng theo đúng giá vàng tại thời điểm trả nợ. 

Ví dụ: Năm 2018, Bà A mượn của ông B 1 lượng vàng, số tiền bà A bán vàng thời điểm đó là 36,72 triệu đồng.

Đến tháng 12/2023, bà A thỏa thuận trả lại tiền cho ông B thì số tiền phải trả là 74 triệu đồng (giá vàng tại thời điểm trả nợ).

>>Xem thêm: Tổng hợp 07 bản án về tranh chấp dân sự có đối tượng là vàng

Trân trọng!

Bùi Thị Như Ý
64738

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]