Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Bộ trường Bộ Lao động - Thương binh và xã hội vừa ban hành Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, có hiệu lực từ ngày 25/6/2024.
Theo Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH thì:
Chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp là hệ thống các tiêu chí về năng lực nghề nghiệp tối thiểu mà nhà giáo cần đạt được để làm căn cứ bố trí, sắp xếp kế hoạch giảng dạy; tuyển dụng, sử dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Chính vì vậy cho nên chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp được thiết lập với mục đích làm căn cứ để nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tự đánh giá năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của bản thân.
Đồng thời những tiêu chí này cũng làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xây dựng, phát triển chương trình và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa và phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
05 tiêu chí đánh giá giáo viên cao đẳng nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH bao gồm những tiêu chí sau đây:
Tiêu chí 1: Về Trình độ đào tạo
Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí về trình độ đào tạo của giáo viên cao đẳng nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Về trình độ đào tạo: Trình độ đào tạo của giáo viên cao đẳng nghề theo khoản 3 và khoản 4 Điều 54 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014;
- Về chứng chỉ kỹ năng nghề để dạy thực hành gồm:
+ Danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú, Nhà giáo ưu tú trở lên;
+ Bằng bác sĩ chuyên khoa cấp I trở lên; Bằng kỹ sư;
+ Bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương trở lên đối với một số ngành, nhóm ngành sau:
++ Nghệ thuật (trừ các ngành: Lý luận, lịch sử và phê bình mỹ thuật; Lý luận, lịch sử và phê bình sân khấu; Lý luận, lịch sử và phê bình điện ảnh, truyền hình; Lý luận, lịch sử và phê bình múa);
++ Thể dục, thể thao (trừ ngành Quản lý thể dục thể thao);
++ Máy tính và công nghệ thông tin;
++ Kế toán;
++ Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống;
++ Đào tạo giáo viên (các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Đức, Tiếng Nhật, Tiếng Hàn Quốc; Giáo dục thể chất; Huấn luyện thể thao);
++ Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài;
+ Bằng tốt nghiệp cao đẳng, cao đẳng nghề; Chứng chỉ kỹ năng thực hành nghề trình độ cao đẳng nghề; Chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề theo quy định của pháp luật; Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo quy định của Công ước quốc tế về tiêu chuẩn huấn luyện, cấp giấy chứng nhận và trực ca đối với thuyền viên (Công ước STCW);
+ Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3; Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia; Chứng nhận bậc thợ 5/7 hoặc 4/6 trở lên;
+ Chứng chỉ kỹ năng nghề bậc 4 Khung trình độ quốc gia (Niveau 4 DQR) của Cộng hòa Liên bang Đức; Chứng chỉ kỹ năng nghề trình độ cao đẳng, cao đẳng nâng cao (Diploma, Advanced Diploma) của Úc; Chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bậc 3 (Level 3 as prescribed in the National Occupational Skill Standard) trở lên của Malaysia;
+ Chứng nhận giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế; Chứng nhận huấn luyện học sinh, sinh viên đoạt giải thưởng quốc gia, khu vực, quốc tế trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp;
+ Văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận, danh hiệu khác theo quy định của pháp luật.
Tiêu chí 2: Về Trình độ nghiệp vụ sư phạm
Căn cứ tại Điều 6 Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí về trình độ nghiệp vụ sư phạm của giáo viên cao đẳng nghề trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó giáo viên cao đẳng nghề cần có một trong các minh chứng về trình độ nghiệp vụ sư phạm sau:
- Bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên; Bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cao đẳng sư phạm kỹ thuật.
- Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng nghề, dạy trình độ trung cấp nghề; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ cao đẳng, dạy trình độ trung cấp; Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề; Chứng chỉ sư phạm dạy trình độ cao đẳng; Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên đại học, cao đẳng.
Tiêu chí 3: Về Năng lực sử dụng ngoại ngữ
Theo Điều 7 Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH quy định thì giáo viên cao đẳng nghề cần có năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giảng viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng.
Tiêu chí 4: Về Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin
Cũng theo Điều 8 Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH, giáo viên cao đẳng nghề cần có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của giảng viên giáo dục nghề nghiệp dạy trình độ cao đẳng.
Tiêu chí 5: Về Học tập, bồi dưỡng nâng cao
Theo Điều 9 Thông tư 05/2024/TT-BLĐTBXH thì giáo viên cao đẳng nghề cần:
- Tham gia thực tập tại doanh nghiệp hoặc cơ quan chuyên môn hằng năm theo quy định.
- Tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng từ cấp cơ sở trở lên mỗi năm học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề, công nghệ mới, chuyển đổi số, phương pháp giảng dạy; nâng cao khả năng nghiên cứu và vận dụng đúng quy định các văn bản có liên quan đến nghề nghiệp hoặc lĩnh vực chuyên môn giảng dạy trong năm học.
Trân trọng!