18/05/2022 15:16

05 Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc và phạt cọc

05 Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc và phạt cọc

Hiện nay, để đảm bảo thực hiện hợp đồng như mong muốn của bên yêu cầu giao dịch thì các bên thường tiến hành kí kết hợp đồng đặt cọc. Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về đặt cọc và Hội đồng thẩm phán TANDTC cũng đã có Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP để hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng dân sự có đặt cọc. Tuy nhiên, trên thực tế việc giải quyết tranh chấp không đơn giản.

Dưới đây, là tổng hợp 05 bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc và phạt cọc khi vi phạm hợp đồng, mời các bạn tham khảo:

1. Bản án 07/2018/DS-ST ngày 04/10/2018 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc và phạt cọc

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận

- Trích dẫn nội dung: “Theo nội dung thỏa thuận trong “Giấy bán nhà” và các Hợp đồng đặt cọc cũng như qua lời khai của nguyên đơn ông Đào Duy Đ, bị đơn là anh Từ Anh D thì vợ chồng anh Từ Anh D – chị Trương Thị T đã nhận đủ số tiền đặt cọc là 300.000.000đ nhưng không thực hiện việc chuyển nhượng 86.63m2 đất thuộc thửa số 174, tờ bản đồ QH Ba Bồn cho vợ chồng ông Đào Duy Đ - bà Trần Thị Xuân T do hiện nay thửa đất này vợ chồng anh D – chị T đã chuyển nhượng cho người khác. Như vậy lỗi làm cho hợp đồng vô hiệu hoàn toàn thuộc về bên bị đơn là anh D – chị T. Tại khoản 2 điều 358 của Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định “ … Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”…  Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 điều 358 của Bộ luật Dân sự năm 2005, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đào Duy Đ đối với vợ chồng chị Trương Thị T – anh Từ Anh D. Buộc vợ chồng chị T – anh D phải trả cho ông Đào Duy Đ và bà Trần Thị Xuân T số tiền đặt cọc là 300.000.000đ và tiền phạt cọc là 300.000.000đ.”

2. Bản án 13/2019/DS-ST ngày 19/04/2019 về kiện đòi tiền cọc và yêu cầu phạt cọc

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân thành phố P, tỉnh Gia Lai

- Trích dẫn nội dung: ”Đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả khoản tiền phạt cọc là 150.000.000 đồng. Yêu cầu của bà Trương Cẩm V là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật cần được chấp nhận vì: theo nhận định ở trên ông Nguyễn Hồng T nhận cọc và có cam kết sẽ chịu phạt cọc gấp 05 lần nếu vi phạm nghĩa vụ; ông Nguyễn Hồng T đã vi phạm nghĩa vụ của bên nhận cọc, nên Nguyễn Hồng T phải chịu phạt cọc gấp 05 lần là 30.000.000 đồng x 5 = 150.000.000 đồng.”

3. Bản án về tranh chấp yêu cầu trả tiền cọc và phạt cọc hợp đồng mua bán nhà ở số 03/2018/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai

- Trích dẫn nội dung: “Các nhận định cho thấy, các bên thỏa thuận đặt cọc vào ngày 3-1-2017 để giao kết và thực hiện hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất trong thời hạn 30 ngày, nhưng ngày 9-1-2017, chị T đã sang nhượng nhà và đất tại đường C, tổ 4, phường H, thành phố P, tỉnh Gia Lai cho người khác là đã vi phạm thỏa thuận về đặt cọc với chị V. Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc chị T phải trả cho nguyên đơn 50.000.000 đồng tiền đặt cọc và 50.000.000 đồng tiền phạt cọc là có cơ sở, phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 328 của Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 5 của Bộ luật Dân sự 2015.”

4. Bản án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc số 214/2021/DS-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Tây N

- Trích dẫn nội dung: “Ngày 28-10-2020 chị M và anh K đã thỏa thuận nếu hợp đồng có chuyện gì thì bên bán phải chịu bồi thường cho bên mua gấp đôi số tiền đặt cọc. Người đại diện của nguyên đơn cho rằng ngày 01-11-2020, hai bên thỏa thêm “Nếu anh K sai sẽ chịu phạt gấp 05 lần tiền đặt cọc”. Anh K không thừa nhận và cho rằng ngày 01-11-2020 anh có nhận thêm của chị M 30.000.000 đồng tiền đặt cọc, tổng cộng là 40.000.000 đồng, ngoài ra không có thỏa thuận nào khác. Trong giấy giao nhận tiền ngày 01-11-2020 không thể hiện là hai bên thỏa thuận lại khoản tiền phạt cọc hoặc thỏa thuận phạt cọc thêm gấp 05 lần. Mặt khác, chị M và anh K thừa nhận rằng hợp đồng chỉ lập 01 bản do chị M giữ. Anh K cho rằng chị M viết thêm câu cuối cùng trong giấy tay giao nhận tiền ngày 01-11-2020 “Nếu tôi sai sẽ chịu phạt gấp 05 lần tiền đặt cọc” là có cơ sở.”

5. Bản án 29/2018/DS-PT ngày 18/04/2018 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng

- Trích dẫn nội dung: “bà Phan Thị H đã giao và bà Lương Anh T đã nhận 04 lần với tổng số tiền đặt cọc là 370.000.000đ cụ thể: Lần 1 ngày 23/10/2015 số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng); Lần 2 ngày 24/10/2015 số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu  đồng); Lần 3 vào ngày 27/10/2015 số tiền 100.000.000 đồng (một trăm triệu đồng); Lần 4 vào ngày 28/10/2015 số tiền 70.000.000 đồng (bảy mươi triệu đồng). Tuy nhiên đến nay việc chuyển nhượng giữa các bên vẫn chưa được thực hiện nên bà Phan Thị H khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Lương Anh T trả lại cho bà Phan Thị H số tiền đã nhận là 370.000.000đ và tiền phạt cọc là 370.000.000đ.”

Như Ý
18189

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn