17/03/2022 11:32

05 bản án về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

05 bản án về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Dạo gần đây, thực phẩm bẩn, thịt bẩn đang là vấn đề báo động. Từ đó vấn đề an toàn thực phẩm cũng được chú ý nhiều hơn vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe cũng như tính mạng người sử dụng. Vậy nên, tại Điều 317 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, chế tài cao nhất của loại tội phạm này có thể lên đến 20 năm tù.

Dưới đây là 05 bản án về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm: 

1. Bản án 155/2020/HS-ST ngày 01/09/2020 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Cấp xét xử: Sơ thẩm

Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Huyện Long Thành - Đồng Nai

Tóm tắt vụ án: Bắt đầu từ năm 2019, N nảy sinh ý định mua heo chết do dịch bệnh về giết mổ rồi bán cho người tiêu dùng. Nguồn gốc heo chết do dịch bệnh N mua của trang trại heo với giá 50.000 đồng/1 con khoảng 20kg. Sau khi mua về, N giết mổ bỏ vào các thùng xốp ướp đá rồi đi bán dần cho người tiêu với giá từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/1kg. Ngày 13/02/2020, tổ công tác Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng ủy ban nhân dân xã B kiểm tra tại nhà N, phát hiện và tiến hành thu giữ vật chứng.

2. Bản án 65/2020/HS-ST ngày 26/05/2020 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Cấp xét xử: Sơ thẩm

Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Thành phố Phủ Lý - Hà Nam

Tóm tắt vụ án: Hộ gia đình Hoàng Thị T sản xuất, kinh doanh giò, chả lợn từ năm 2015, nhưng không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Ngày 19/10/2019, T nhận sản xuất hơn 100kg giò, chả lợn cho 03 người khách về làm cỗ đám cưới, mỗi người đặt cọc trước 500.000đ và hẹn sáng 20/10/2019 sẽ giao nhận hàng. Trong quá trình xay, T đã cho hàn the vào thịt sống để xay cùng, sau đó gói và luộc chín. Khoảng 05h ngày 20/10/2019 bị đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất giò chả của gia đình T và đoàn phát hiện một số mẫu giò chả đều dương tính với hàn the. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản theo quy định.

3. Bản án 83/2019/HSPT ngày 25/02/2019 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Cấp xét xử: Phúc thẩm

Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội

Tóm tắt vụ án: Khoảng tháng 5/2015, Nguyễn Thị H làm nghề sản xuất, kinh doanh rượu nhưng không đăng ký kinh doanh, rượu không có nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc. Đến đầu năm 2016, H mua can nhựa loại 05 lít, 10 lít và 20 lít, vỏ chai nhựa Lavie loại 500ml, vỏ chai rượu Hà Nội của các cửa hàng phế liệu rồi thuê chị Nguyễn Thị T xúc, rửa, vệ sinh chai; thuê anh Lưu Đức T in tem nhãn các loại: “Rượu gia truyền, Rượu Duy Hảo nếp ngâm hạ thổ”; Rượu gia truyền - Rượu nếp ngâm hạ thổ Duy Hảo”; “Rượu gia truyền - Rượu táo mèo Duy Hảo”; “Rượu chuối hột Duy Hảo” trên các loại tem nhãn đều in các thông tin như: “số điện thoại 01688058572, địa chỉ: CĐ, CK, TO, Hà Nội. Thành phần 100% gạo nếp lức và men truyền thống. Năm 2007, chị Nguyễn Thị L thường nhập lẻ rượu của H, Ngày 28/2/2017, H giao bán cho chị L 05 chai rượu. Đến khoảng 17h30 phút cùng ngày, anh Nguyễn Minh K cùng và con đến ăn tại quán chị L và anh K uống 02 chén rượu trắng, loại rượu của H. Sau khi ăn và uống rượu xong, đến 6h00 ngày 01/3/2017, anh K được mọi người đưa đến Bệnh viện Giao thông vận tải cấp cứu trong tình trạng hôn mê, da xanh, niêm mạc hồng nhạt, tuyến giáp không to, hạch ngoại vi không sưng đau; chẩn đoán xác định: Ngộ độc cấp Methanol.

4. Bản án 161/2020/HS-PT ngày 11/03/2020 về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm

Cấp xét xử: Phúc thẩm

Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh

Tóm tắt vụ án: Ngày 13/4/2018, Phòng PC05 Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến nông sản tại địa chỉ: F Đường số 2, KP 5, phường TB, quận X, Thành phố M do S làm chủ, phát hiện cơ sở của S có hành vi rửa thực phẩm (củ cải) bằng hóa chất; nên thu giữ vật chứng và lập biên bản làm việc đối với S. Ngày 08/6/2018, Phòng PC05 chuyển hồ sơ cho Công an quận Thủ Đức để điều tra xử lý về hành vi “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” đối với S.

5. Bản án 45/2021/HS-ST ngày 12/07/2021 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm

Cấp xét xử: Sơ thẩm

Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân Quận Cẩm Lệ - Đà Nẵng

Tóm tắt vụ án: Khoảng 06 giờ 30 phút ngày 19.10.2020, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cẩm Lệ phát hiện tại địa chỉ số 635 đường T, phường H, quận C, Nguyễn Văn H và Phạm Thị H đang giao nhận 01 bao tải hàng hóa, bên trong chứa 50 gói hạt nêm trọng lượng khác nhau. Sau đó tiếp tục kiểm tra trong kho nhà bà H thì phát hiện nhiều bao, gói hạt nêm, bột ngọt và nhiều dụng cụ dùng để sang chiết, đóng gói. Qua quá trình điều tra xác định, Phạm Thị H liên lạc với người phụ nữ tên “Th” mua 30 bao hạt nêm hiệu SAKURA làm nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất hàng giả.  Cùng thời gian này, H mua vỏ bao bì hạt nêm có nhãn hiệu Knorr và bột ngọt có nhãn hiệu Aone để dùng sang chiết, đóng gói hạt nêm, bột ngọt thành những sản phẩm mang thương hiệu Knorr và Aone để đem ra tiêu thụ trên thị trường.

Như Ý
2219

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn