18/01/2022 14:51

05 bản án về thay đổi người nuôi con do có hành vi bạo hành trẻ em

05 bản án về thay đổi người nuôi con do có hành vi bạo hành trẻ em

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến những hành vi bạo hành trẻ em, gây xôn xao trong dư luận. Những người bạo hành trẻ em cũng chính là cha, mẹ ruột của trẻ, hành vi này ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của con và gây mất trật tự xã hội nghiêm trọng. Khi xảy ra tình huống này, bên còn lại có quyền yêu cầu thay đổi quyền trực tiếp nuôi con.

Dưới đây, là 05 bản án về trường hợp trên, mời các bạn tham khảo.

1. Bản án về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn số 07/2020/HNGĐ-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai

- Trích dẫn nội dung: “Chị H và anh D có hai con chung là Tăng TH Ng, sinh ngày 29/3/2005 và Tăng Thụy L, sinh ngày 12/12/2011, theo bản án thì sau khi ly hôn anh D trực tiếp nuôi dưỡng các cháu Ng, L. Tuy nhiên từ sau khi ly hôn anh D không làm tròn trách nhiệm của người cha, không chăm sóc tốt cho cháu Tăng Thụy L và thường xuyên đánh đập con làm cho cháu luôn trong tình trạng hoảng loạn. Đến ngày 30/11/2019, cháu L đã bỏ về nhà anh ruột của chị là anh Nguyễn Thanh Nhã sinh sống, từ tháng 02/2020 đến nay cháu L do chị H trực tiếp nuôi dưỡng.”

2. Bản án về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn số 215/2020/HNGĐ-PT

- Cấp xét xử: Phúc thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân thành phố H

- Trích dẫn nội dung: “Hành vi đánh con, ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa chị T và các con của anh H là hành vi bạo lực gia đình quy định tại Điểm a, Điểm d Khoản 1 Điều 2 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Theo Khoản 6 Điều 4 Luật trẻ em năm 2016 quy định, hành vi đánh đập, xâm hại sức khỏe, lăng mạ, xúc phạm danh dự và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em đều là hành vi bạo lực trẻ em. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 52 Luật trẻ em năm 2016, chỉ cần trẻ em có nguy cơ bị bạo lực bởi cha, mẹ thì Tòa án có quyền ra quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ.”

3. Bản án về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn số 15/2021/HNGĐ-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện B Đ, tỉnh Bình Phước

- Trích dẫn nội dung: “Việc anh L có hành vi đánh đập cháu T1 gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển về thể chất và tinh thần của T1. Mặt khác theo qui định tại khoản 3 Điều 84 của luật Hôn nhân và gia đình thì “Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ 7 tuổi trở lên” . Xét về nguyện vọng của cháu T1 tại biên bản tự khai ngày 23/3/2021 cháu T1 có nguyện vọng được về chung sống với mẹ. Để đảm bảo được cuộc sống ổn định về mọi mặt cũng như sự phát triển bình thường về tinh thần và thể chất của trẻ em vị thành niên. Hội đồng xét xử thiết nghĩ cần thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, giao con chung cho chị T được quyền trực tiếp nuôi dưỡng là hoàn toàn phù hợp với các qui định của pháp luật.”

4. Bản án về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn số 05/2021/HNGĐ-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế

- Trích dẫn nội dung: “Kể từ ngày giao cháu Hoàng A cho anh T1 trực tiếp nuôi dưỡng thì anh T1 không có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cháu. Mọi việc chăm sóc cháu Hoàng A đều do ông bà nội cháu Hoàng chăm lo và hằng ngày, mỗi buổi sáng chị T phải đến nhà anh T1 để đưa cháu Hoàng A đi học và lo những việc khác cho cháu. Còn anh T1 thì suốt ngày say xỉn, không quan tâm, chăm sóc cháu Hoàng A và đặc biệt còn đánh đập cháu.”

5. Bản án về tranh chấp thay đổi người nuôi con sau khi ly hôn số 19/2018/HNGĐ-ST

- Cấp xét xử: Sơ thẩm

- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Bình Thuận

- Trích dẫn nội dung: “thời gian mà anh H1 chung sống với người phụ nữ khác thì anh H1 bắt đầu không còn quan tâm, chăm sóc đến cháu A nữa, mà anh H1 có hành vi đành đập và thường xuyên dùng những lời lẻ chửi cháu A. Hàng ngày cháu A không được anh H1 lo ăn uống đầy đủ. Ngoài ra, cháu A thường bị người phụ nữ sống chung với anh H1 đánh đập và đuổi ra khỏi nhà. Cháu A thường qua nhà hàng xóm ngủ nhờ. Việc học tập của cháu A, anh H1 cũng không có quan tâm; anh H1 không đóng tiền học phí cho cháu A. Chị H cho rằng anh H1 không chăm sóc, nuôi dưỡng cháu A được phát triển tốt về mọi mặt nên đề nghị Tòa án xem xét giao cháu A cho chị H được quyền nuôi dưỡng.”

Như Ý
1424

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]