24/05/2024 09:24

04 dấu hiệu nhận diện doanh nghiệp “ma” theo Công văn 3659/CTDON-TTHT

04 dấu hiệu nhận diện doanh nghiệp “ma” theo Công văn 3659/CTDON-TTHT

Tôi đọc được nhiều thông tin trên mạng nói về doanh nghiệp ma. Vậy tôi muốn biết doanh nghiệp ma là gì? Làm sao để nhận biết doanh nghiệp ma? Nhã Uyên – Đồng Nai.

Công văn 3659/CTDON-TTHT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/C%C3%B4ng%20v%C4%83n-3659-CTDON-TTHT.pdf 

Chào chị, ban biên tập xin giải đáp như sau:

Ngày 22/5/2024, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã ban hành Công văn 3659/CTDON-TTHT về việc cảnh báo những dấu hiệu nhận biết doanh nghiệp “ma”.

1. Doanh nghiệp “ma” là gì?

Doanh nghiệp "ma" có thể hiểu là những doanh nghiệp chỉ tồn tại trên giấy tờ, lợi dụng thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp thông thoáng, đơn giản, dễ dàng và chi phí thấp để trục lợi, thường thông qua các hành vi như:

- Mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) trái phép: Doanh nghiệp "ma" mua hóa đơn của các doanh nghiệp khác để giảm nghĩa vụ thuế của bản thân hoặc bán lại cho các doanh nghiệp khác để thu lợi nhuận.

- Rửa tiền: Doanh nghiệp "ma" được sử dụng để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền thu được từ các hoạt động phi pháp….

Theo đó, tại Công văn 3659/CTDON-TTHT 2024 Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã nêu:

Nhà nước tạo điều kiện về thủ tục đăng ký, cấp phép thành lập doanh nghiệp, không gây phiền hà cho tổ chức, cá nhân kinh doanh, tuy nhiên việc quy định như hiện tại cũng đã làm phát sinh ra các “doanh nghiệp ma” lợi dụng thủ tục đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp thông thoáng, đơn giản, dễ dàng và chi phí thấp để trục lợi.

Thời gian vừa qua, với các vụ án mua bán hóa đơn giá trị gia tăng đã và đang được điều tra, tòa án các cấp xét xử diễn ra trong thời gian gần đây trên địa bàn cả nước cho thấy, đã có một lỗ hổng lớn liên quan đến việc thành lập, quản lý, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Một số không nhỏ các đối tượng đã thành lập ra hàng chục công ty ma, được đứng tên bởi họ hàng, hay thậm chí cả những người xa lạ, nông dân ở những vùng xa xôi, hẻo lánh làm giám đốc doanh nghiệp.

Những “doanh nghiệp ma” này đè nặng lên cơ quan thuế trong công tác quản lý hóa đơn, chứng từ; đòi hỏi cơ quan chức năng cần tìm biện pháp ngăn ngừa hiệu quả “doanh nghiệp ma” này, không vì thành tích số lượng doanh nghiệp được thành lập mới mà cấp phép thành lập tràn lan, làm hao tốn nguồn lực của cơ quan quản lý.

2. Những dấu hiệu nhận diện doanh nghiệp “ma” theo Công văn 3659/CTDON-TTHT

Theo Công văn 3659/CTDON-TTHT 2024 Cục Thuế tỉnh Đồng Nai đã đưa ra 04 dấu hiệu nhận diện doanh nghiệp “ma” bao gồm:

(1) Nhận biết qua loại hình kinh doanh: Hình thức doanh nghiệp được các đối tượng thực hiện tội phạm mua bán hóa đơn thông qua việc thành lập doanh nghiệp như: Công ty TNHH hoặc công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân.

(2) Nhận biết qua đăng ký ngành nghề kinh doanh: Các “doanh nghiệp ma” thường đăng ký kinh doanh nhiều ngành nghề, trong đó phổ biến nhất là dịch vụ tổng hợp, kinh doanh thương mại, hoặc những ngành nghề không phải đăng ký vốn pháp định hay phải được cấp chứng chỉ nghề nghiệp (bất động sản, du lịch...). Qua đó các đối tượng này cho rằng có thể vượt qua sự kiểm tra của cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành hoặc cơ quan thuế.

(3) Nhận biết qua trụ sở giao dịch và thời gian hoạt động kinh doanh: Các “doanh nghiệp ma” thường đăng ký địa chỉ giao dịch tại các trung tâm, văn phòng ảo hoặc những địa chỉ thậm chí không tồn tại nhằm dễ dàng trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan thẩm quyền và bỏ trốn ngay khi bị phát hiện. Bên cạnh đó, chúng có thể thành lập ở các khu vực có điều kiện dân trí không cao, thuê trụ sở trong thời gian ngắn và đặt tại những con hẻm sâu. Thời gian hoạt động của một doanh nghiệp thường khá ngắn.

(4) Nhận biết qua phương thức thanh toán: Các “công ty ma” thường thực hiện các hoạt động trái pháp luật, do đó sẽ tránh sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty khi đăng ký, thực hiện giao dịch bằng tài khoản ngân hàng do cá nhân đứng tên hoặc tiền mặt hoặc chuyển khoản “lòng vòng” qua nhiều bên trung gian nhằm né các giao dịch, giấu nhẹm việc mua bán hóa đơn.

Đồng thời, với ứng dụng của công nghệ thông tin, ứng dụng quản lý tuân thủ thuế trong nền kinh tế số hiện nay, thì những hóa đơn, chứng từ này của doanh nghiệp được lưu vết (theo quy định phải được lưu giữ ít nhất 10 năm) và cơ quan thuế có đủ công cụ để truy lần ra các sai phạm đó.

Do đó, lựa chọn chấp hành pháp luật thuế, hay thành lập “doanh nghiệp ma” để mua bán hóa đơn, hoặc bên mua lập khống, mua khống hóa đơn, lập khống chứng từ...đều không phải là lựa chọn khôn ngoan hay đúng đắn đối với doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp cũng cần hiểu biết để quản trị trong nội bộ doanh nghiệp mình.

Trân trọng!

Nguyễn Ngọc Trầm
118

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@thuvienphapluat.vn