11/09/2024 10:33

03 cây cầu bị hạn chế, cấm lưu thông tại Hà Nội do ảnh hưởng từ bão số 3 Yagi từ ngày 10/9

03 cây cầu bị hạn chế, cấm lưu thông tại Hà Nội do ảnh hưởng từ bão số 3 Yagi từ ngày 10/9

Mới đây, Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đã ban hành một số thông báo về các cầu bị cấm và hạn chế lưu thông tại Hà Nội do ảnh hưởng của bão số 3 Yagi, vậy thì những cây cầu nào bị hạn chế, cấm lưu thông tại Hà Nội trong những ngày tới?

03 cây cầu bị hạn chế, cấm lưu thông tại Hà Nội do ảnh hưởng từ bão số 3 Yagi

Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3 Yagi, đông thời mực nước sông Hồng đang dâng cao với dòng nước chảy sẽ làm ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng các công trình cầu và lưu thông đường thủy. Vì thế, để đảm bảo an toàn cho người dân, Sở Giao thông Vận tải đã ra một số Thông báo hạn chế, cấm phương tiện giao thông lưu thông trên một số cầu tại Hà Nội, gồm các cầu sau:

(1) Cầu Long Biên

- Cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng trên cầu Long Biên.

- Các phương tiện có nhu cầu đi qua cầu Long Biên lưu thông theo các cầu: Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ 15h00 ngày 10/9/2024 đến khi có thông báo thay thế.

Phương án phân luồng: Các phương tiện có nhu cầu đi qua cầu Long Biên lưu thông theo các cầu: Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

(Theo Thông báo 959/TB-SGTVT ngày 10/9/2024 của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội) 

Tải Thông báo 959/TB-SGTVT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/thong-bao-959.pdf

(2) Cầu Đuống

Cấm người đi bộ và các loại phương tiện đi lại cả hai hướng lưu thông qua cầu Đuống (Km9+667), tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, quận Long Biên và huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ 22h00’ ngày 10/9/2024 đến khi có thông báo thay thế.

Phương án phân luồng:

- Phân luồng tại chỗ:

+ Hà Huy Tập → Đặng Phúc Thông → tỉnh lộ 179 → cao tốc Hà Nội → Bắc Giang → cầu Phù Đổng → Cầu Thanh Trì và ngược lại.

+ Hà Huy Tập → Đặng Phúc Thông → tỉnh lộ 295 → Quốc lộ 18 → Võ Nguyên Giáp → Cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại.

+ Ngô Gia Tự → QL5 → Lý Sơn → cầu Đông Trù → Trường Sa → Quốc lộ 3 hoặc Trường Sa → Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại.

+ Ngô Gia Tự → QL5 → Vành đai 3 → đi cầu Thanh Trì hoặc cao tốc Hà Nội – Bắc Giang.

- Phân luồng từ xa:

+ Cao tốc Hà Nội → Bắc Giang → Cao tốc Hà Nội → Thái Nguyên hoặc QL 18 → Võ Nguyên Giáp → Cầu Nhật Tân hoặc cầu Thăng Long và ngược lại.

+ Quốc lộ 5 → Lý Sơn → cầu Đông Trù → Trường Sa → Quốc lộ 3 hoặc Trường Sa → Hoàng Sa để đi cầu Nhật Tân, cầu Thăng Long và ngược lại.

(Theo Thông báo 960/TB-SGTVT ngày 10/9/2024 của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội)

Tải Thông báo 960/TB-SGTVT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/thong-bao-960.pdf

(3) Cầu Chương Dương

- Hướng từ Hoàn Kiếm đi Long Biên: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

- Hướng từ Long Biên đi Hoàn Kiếm: Cấm các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ; cấm xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn; xe buýt được phép hoạt động.

Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ 8h30’ ngày 10/9/2024 đến khi có thông báo thay thế.

Phương án phân luồng: Các phương tiện xe khách, xe hợp đồng, xe du lịch trên 9 chỗ và xe tải có tải trọng trên 0,5 tấn có nhu cầu đi qua cầu Chương Dương lưu thông theo các cầu: Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Tuy, Thăng Long.

(Theo Thông báo 955/TB-SGTVT ngày 09/9/2024 của Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội)

Tải Thông báo 955/TB-SGTVT: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/DanLuat-BanAn/2024/TVBA/thong-bao-955.pdf

Như thế nào là thiệt hại do thiên tai gây ra?

Thiên tai là những hiện tượng tự nhiên cực đoan như bão, lũ lụt, hạn hán, động đất, sóng thần,... gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến đời sống con người và môi trường.

Tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT quy định, thiệt hại do thiên tai gây ra là những tác động của các loại hình thiên tai ảnh hưởng đến con người, động vật nuôi ở các mức độ khác nhau; làm phá hủy hoặc hư hỏng về vật chất, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế, xã hội xảy ra trong hoặc ngay khi thiên tai xảy ra.

Bên cạnh đó, mức thiệt hại về vật chất được phân thành 04 loại theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT như sau:

- Thiệt hại hoàn toàn: là những vật chất bị mất trắng hoặc bị phá hủy, hư hỏng trên 70% không thể khôi phục lại.

- Thiệt hại rất nặng: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 50-70%.

- Thiệt hại nặng: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 30-50%.

- Thiệt hại một phần: là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị hư hỏng dưới 30%.

Nguyễn Phạm Hoàng Thuy
428

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: [email protected]