Quyết định GĐT về tranh chấp hợp đồng tín dụng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 03/2023/KDTM-GĐT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

QUYẾT ĐỊNH GĐT 03/2023/KDTM-GĐT NGÀY 20/03/2023 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 20 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh thương mại: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn M; địa chỉ trụ sở: Số 86 N, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Quốc H - Chức vụ: Giám đốc.

2. Bị đơn:

Ngân hàng Thương mại C; địa chỉ trụ sở: Tháp BIDV - Số 194 Trần Quang Khải, phường L, quận K, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phan Đức T - Chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Công ty Cổ phần L; địa chỉ trụ sở: Lô F5 Đường N3-D5, Khu Công Nghiệp T, tỉnh Bình Dương.

3.2. Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch Vụ I; địa chỉ trụ sở: Số 59 Hoàng Kế Viên, Phường K, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.3. Ông Phan Quốc H; địa chỉ: Số 86 N, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

3.4. Bà Lê Thị Thu T; địa chỉ: Số 76 Y Bih A Lê Ô, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

3.5. Bà Hàng Thị Ngọc H; địa chỉ: Số 29 Phạm Cư Lượng, Phường K, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.6. Ông Phan Đình Đ; địa chỉ: Số 163B Đinh Tiên Hoàng, phường Đ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.7. Ông Phan Hồng S và bà Phan Thị Thanh T; địa chỉ: Số 36/105 Lê Thị Hồng, Phường X, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

3.8. Cháu Lê Hồng P1 và cháu Lê Hồng P2.

Người đại diện theo pháp luật: Bà Hàng Thị Ngọc H.

3.9. Ông Phan Hùng A; địa chỉ: Số 86 N, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn, Công ty Trách nhiệm hữu hạn M trình bày:

Ngày 15-11-2012, Công ty Trách nhiệm hữu hạn M và Ngân hàng Thương mại C (sau đây viết tắt là Ngân hàng BIDV) ký Hợp đồng tín dụng ngắn hạn hạn mức số 01/2012/HĐHM, theo đó Ngân hàng BIDV cấp hạn mức tín dụng là 180 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng; ngày 20-3-2013, Ngân hàng BIDV và Công ty M ký Hợp đồng thế chấp hàng tồn kho số 01/2013/ HĐTCHTK. Tài sản thế chấp là cà phê gửi tại kho Công ty Cổ phần L (sau đây viết tắt là Công ty L), việc giải ngân căn cứ vào giá trị cà phê có trong kho. Để thực hiện việc gửi giữ hàng tồn kho, ngày 20-3-2013, Ngân hàng BIDV, Công ty M và Công ty L ký Hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa số 01/2013/HĐTK. Theo quy định của hợp đồng, các bên thỏa thuận chuyển giao quyền sở hữu tài sản thế chấp cho Ngân hàng BIDV kể từ thời điểm hàng nhập kho Công ty L, đồng thời thoả thuận nếu Công ty L để hàng hóa bị mất mát, hư hỏng, hoặc xác nhận không đúng số lượng, chất lượng, Công ty L phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho Ngân hàng BIDV, mà không phải bồi thường cho Công ty M. Đặc biệt, nêu rõ trách nhiệm quản lý, giám sát và thẩm định hàng hóa gửi kho của Ngân hàng BIDV, phương thức giải ngân vốn vay và chuyển giao quyền sở hữu tài sản thế chấp.

Mục đích vay vốn của Công ty M là bổ sung vốn lưu động thu mua cà phê; việc giải ngân vốn vay được căn cứ vào giá trị cà phê trong các hợp đồng mua bán cà phê; việc gửi giữ cà phê được thực hiện trước khi Ngân hàng BIDV thực hiện việc giải ngân. Tài sản thế chấp của Công ty M nhập vào kho do Ngân hàng BIDV chỉ định, quyền sở hữu cà phê được chuyển giao có thời hạn cho Ngân hàng BIDV, Ngân hàng BIDV sẽ thực hiện giải ngân vốn vay cho bên bán. Khi có khách hàng mua hàng và đáp ứng đủ các điều kiện về thanh toán, Ngân hàng BIDV sẽ chuyển giao cà phê cho Công ty M bằng lệnh xuất kho để chuyển giao cho khách hàng mua. Như vậy, Ngân hàng BIDV được sở hữu tài sản thế chấp từ thời điểm cà phê được nhập vào kho do Ngân hàng BIDV chỉ định và chuyển giao lại quyền sở hữu cho Công ty M bằng lệnh xuất kho.

Sau khi ký hợp đồng tín dụng, Công ty M đã thực hiện đúng quy định của hợp đồng, cà phê đã nhập kho theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng thuê kho. Tuy nhiên, Ngân hàng BIDV không thực hiện đúng trách nhiệm của mình được quy định tại hợp đồng thuê kho, nên đã xảy ra việc mất cà phê. Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương, thì nguyên nhân dẫn đến việc mất tài sản thế chấp là do hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bị can Lê Hồng H và H đã bị khởi tố và truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tại Cáo trạng số 09/QĐ-KSĐT-P1 ngày 04-7-2016, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương xác định: Lê Hồng H đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng BIDV là 2.008,356 tấn cà phê, có trị giá là 81.322.154.900 đồng. Trong quá trình giải quyết vụ án, Lê Hồng H chết vì tai nạn giao thông, nên ngày 08-11-2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định đình chỉ vụ án. Ngày 12-11-2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương có Công văn số 269/CV- VKS-P1 gửi Ngân hàng BIDV Đắk Lắk, đề nghị Ngân hàng khởi kiện vụ án dân sự để thu hồi tài sản về cho Nhà nước.

Theo quy định của hợp đồng thế chấp, hợp đồng thuê kho và Cáo trạng số 09/QĐ-KSĐT-P1 ngày 04-7-2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương, thì toàn bộ cà phê Công ty M đã thế chấp cho Ngân hàng BIDV là thuộc sở hữu của Ngân hàng, Ngân hàng BIDV phải có trách nhiệm quản lý, kiểm tra giám sát toàn bộ số cà phê này, việc để mất cà phê, dẫn đến Công ty M không có cà phê giao cho khách hàng là lỗi của Ngân hàng BIDV, do đó Ngân hàng phải chịu trách nhiệm hoàn trả trị giá cà phê nêu trên cho Công ty M cụ thể:

Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 5 của Hợp đồng thuê kho giữ hàng hoá, thì Ngân hàng BIDV có trách nhiệm thẩm định hàng nhập kho, xuất hàng và nhận biên bản giao hàng từ Công ty L để thực hiện việc giải ngân; theo khoản 2 Điều 8 thì Ngân hàng BIDV là bên duy nhất có quyền phát lệnh xuất kho. Như vậy, theo thỏa thuận tại hợp đồng, Ngân hàng BIDV là bên có toàn quyền đối với hàng nhập kho, xuất kho.

Thứ hai: Tại Điều 2 của Hợp đồng thuê kho giữ hàng hoá quy định: “Số lượng hàng hóa mà bên A (Công ty Anh Minh) và bên C (Công ty Anh Linh) đã xác nhận gửi cho bên B (Ngân hàng) là lượng hàng hóa tồn kho cuối cùng thuộc quyền sở hữu của bên B”. Theo như phân tích trên, thì Ngân hàng BIDV là bên chịu thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, điều này cũng phù hợp với Nghị định số 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch bảo đảm.

Thứ ba: Tại Điều 9 của Hợp đồng thuê kho giữ hàng hoá quy định: “Nếu bên C xác nhận không đúng số lượng, chất lượng hàng hóa nhập kho của bên A hoặc tự ý xuất hàng khi không có lệnh xuất kho theo quy định tại khoản 2 Điều 5, dẫn đến lượng hàng tồn kho của bên A nhỏ hơn dư nợ vay (thiếu hàng hóa đảm bảo) thì kho dịch vụ phải bồi thường cho bên B phần hàng hóa thiếu hụt do xác nhận sai hoặc tự ý xuất và phải chịu trách nhỉệm trước pháp luật khi làm thất thoát vốn Nhà nước” và tại khoản 4 Điều 8 quy định: “Ngân hàng nhận số tiền bồi thường thiệt hại từ bên C hoặc nhận số tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm trong trường hợp hàng hóa bị mất mát, hư hỏng”.

Thứ tư: Tại Cáo trạng số 09/QĐ-KSĐT ngày 04-7-2016 và Công văn số 269/CV-VKS-P1 ngày 12-11-2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương xác định Lê Hồng H đã có hành vi chiếm đoạt của Ngân hàng số cà phê là 2.008,356 tấn, trị giá 81.322.154.900 đồng và xác định Ngân hàng BIDV là nguyên đơn dân sự trong vụ án, nên Hải và Công ty Anh Linh có trách nhiệm liên đới bồi thường cho Ngân hàng BIDV 81.322.154.900 đồng.

Từ các nội dung trên, Công ty M đã thực hiện nhập kho 2.008,356 tấn cà phê cho Ngân hàng BIDV theo đúng các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp cà phê và hợp đồng thuê kho giữ hàng hoá mà các bên ký kết. Tuy nhiên, Ngân hàng BIDV không thực hiện đúng trách nhiệm dẫn đến hàng hóa bị mất, nên Ngân hàng có trách nhiệm trả số tiền tương ứng với 2.008,356 tấn cà phê cho Công ty M để đối trừ công nợ.

Tính đến thời điểm xảy ra vụ án chiếm đoạt tài sản, dư nợ của Ngân hàng BIDV là 135.030.542.333 đồng. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ theo Hợp đồng tín dụng là 96.682.003.444 đồng, số dư nợ này là khoản tiền Ngân hàng BIDV đã giải ngân để công ty mua số cà phê mà Lê Hồng H chiếm đoạt. Thời điểm mất cà phê mà Công ty M đã giao cho Ngân hàng BIDV có trị giá 81.322.154.900 đồng, được Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định trong khoảng thời gian từ ngày 28-02-2013 đến ngày 13- 8-2013. Do vậy, đến thời điểm hiện tại không còn cà phê để làm thủ tục xuất kho để bán và Ngân hàng BIDV cũng không có cà phê khác để trả cho Công ty M dẫn đến việc dư nợ của công ty đối với Ngân hàng BIDV. Do làm mất tài sản, nên Ngân hàng BIDV phải có nghĩa vụ trả cho Công ty M lãi suất chậm trả theo mức lãi suất mà Ngân hàng áp dụng với Công ty M. Từ các căn cứ nêu trên, Công ty M khẳng định Ngân hàng BIDV phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ trị giá lô cà phê bị mất cho Công ty M, để công ty đối trừ vào dư nợ gốc của công ty tại Ngân hàng BIDV và khoản lãi phát sinh cũng phải được đối trừ tương ứng từ thời điểm Ngân hàng BIDV làm mất số cà phê trên.

Mặt khác, mức chênh lệch bình quân 01 kg cà phê giữa giá cà phê trong nước và giá cà phê xuất khẩu tại thời điểm cuối năm 2013 là 3.205,13 đồng. Do toàn bộ 2.008.356 kg cà phê trong kho Công ty L bị Lê Hồng H chiếm đoạt, nên Công ty M không có cà phê để xuất khẩu thu lợi nhuận về cho công ty. Đây là khoản lợi nhuận thực tế mà công ty bị mất do lỗi từ phía Ngân hàng BIDV. Số tiền lợi nhuận được tính như sau: 2.008.356 kg x 3.205,13 đồng/kg - 6.437.042.000 đồng.

Vì vậy, Công ty M khởi kiện yêu cầu Toà án buộc Ngân hàng BIDV hoàn trả cho Công ty M giá trị cà phê bị chiếm đoạt là 81.322.154.900 đồng. Khoản tiền này được đối trừ vào dư nợ gốc 96.682.003.444 đồng của Công ty M và yêu cầu Ngân hàng BIDV bồi thường cho Công ty M khoản thu lợi nhuận thực tế bị mất là 6.437.042.000 đồng, đối trừ vào dư nợ gốc của Công ty M tại Ngân hàng.

Về lãi phát sinh theo hợp đồng đối với dư nợ gốc cũng được đối trừ tương ứng với số nợ gốc (81.322.154.900 đồng + 6.437.042.000 đồng = 87.759.196.000 đồng), tính từ ngày 14-8-2013 đến ngày xét xử 06-4-2022 là 103.928.827.863 đồng, nên Công ty M không có trách nhiệm trả cho Ngân hàng BIDV khoản lãi.

Toàn bộ số tiền Công ty M đề nghị đối trừ với Ngân hàng BIDV đến ngày 06- 4-2022 là 191.718.023.863 đồng, Công ty M chỉ còn nợ số tiền tính đến ngày 06-4- 2022 cả gốc và lãi là (213.772.317.054 đồng - 191.718.023.863 đồng = 22.054.293.191 đồng).

Bị đơn, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trình bày:

Công ty M có vay tiền tại Ngân hàng BIDV theo 07 hợp đồng tín dụng ngắn hạn và 01 giấy đề nghị giải ngân kiêm hợp đồng tín dụng, thời hạn vay đều là 03 tháng. Tính đến ngày 06-4-2022, Công ty Anh Minh còn nợ Ngân hàng là 213.772.317.054 đồng, trong đó nợ gốc là 96.682.003.444 đồng, nợ lãi là 117.090.313.610 đồng. Để bảo đảm cho tất cả các khoản vay tại Ngân hàng BIDV, Công ty M thế chấp hàng hóa là cà phê tại Hợp đồng thế chấp hàng tồn kho số 01/2013 ZHDTCHTK ngày 20-3-2013 và 05 tài sản thuộc sở hữu của của Công ty M và bên thứ ba, cụ thể:

Hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 01/2011/HĐTC ngày 24-10-2011; Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2007/HĐ ngày 28-3-2007 và Biên bản sửa đổi Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2007/PLHĐ ngày 15-5-2007; Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2005/HĐBĐ ngày 28-9-2005 và phụ lục hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/20058/PLHĐ ngày 26-10-2005; Hợp đồng thế chấp cầm cố số 03/2004/HĐ ngày 28-10-2004 và Hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba số 01/2010/HDTC ngày 16-10-2020.

Do Công ty M vi phạm nghĩa vụ trả nợ, nên Ngân hàng BIDV phản tố, đề nghị Tòa án buộc Công ty M trả cho Ngân hàng số tiền gốc, lãi tính đến ngày 06-4-2022 là 213.772.317.054 đồng và tiền lãi phát sinh trên số dư nợ gốc kể từ ngày 07-4- 2022, theo mức thỏa thuận tại các hợp đồng tín dụng cho đến khi trả xong nợ.

Trường hợp Công ty M không trả hoặc trả không đầy đủ, thì Ngân hàng BIDV có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ cho Ngân hàng. Sau khi Công ty Anh Minh thanh toán toàn bộ các khoản nợ cho Ngân hàng, thì Ngân hàng sẽ trả lại toàn bộ các giấy tờ, tài sản thế chấp cho bên thế chấp Công ty M.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Phan Quốc H trình bày:

Các tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân ông H và bà T đang thế chấp bảo đảm cho Công ty M vay vốn thì không có tranh chấp gì, đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

- Bà Lê Thị Thu T là người đại diện theo ủy quyền của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ I trình bày:

Đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Công ty M, sau khi giải quyết xong vụ án, đề nghị Công ty M, Ngân hàng BIDV trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Phan Quốc H và bà Lê Thị Thu T. Đối với tài sản cho Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ I thuê hiện các bên đã thanh lý hợp đồng vào cuối năm 2021, nay không tranh chấp gì. Do đó, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của Công ty L, đồng thời là người đại diện theo pháp luật cho các cháu Lê Hồng P1, Lê Hồng P2 là bà Hàng Thị Ngọc H trình bày:

Bà H là vợ ông Lê Hồng H, bà và ông H có 02 con chung là Lê Hồng P1 và Lê Hồng P2, bà làm việc tại Công ty L từ đầu năm 2011 đến năm 2012. Bà không nắm bắt được công việc của ông H, vì thời gian này bà chỉ hỗ trợ ông H trong vấn đề hành chính, nhân sự của công ty. Sau đó, do sinh 02 con, nên bà ngừng hoạt động tại công ty. Trong vụ kiện này, bà không có thông tin, ý kiến gì và đề nghị vắng mặt trong quá trình giải quyết và xét xử vụ án.

- Người thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của Công ty L, ông Phan Đình Đ trình bày:

Ông Đ là nhân viên Công ty L từ năm 2009 đến năm 2013, ông có tên trong giấy phép của Công ty L với phần vốn góp 1%, nhưng thực tế ông chỉ đứng tên do ông Lê Hồng H đưa vào, nhằm động viên những nhân viên làm việc lâu năm, còn vốn góp thực tế 100% là của vợ chồng ông H. Sau năm 2013, Công ty L không hoạt động, ông H cũng đã chết. Ông Đ cam kết không có bất cứ tranh chấp về số cổ phần của Công ty L, cũng như các tranh chấp của các đơn vị khác có khiếu kiện liên quan tới Công ty L.

- Ông Phan Hồng S và bà Phan Thị Thanh T trình bày:

Ông, bà là bố mẹ ông Lê Hồng H, việc làm ăn của vợ chồng ông H và Công ty L, ông bà không liên quan, không có bất cứ quyền lợi, nghĩa vụ gì.

- Ông Phan Hùng A trình bày:

Ông là Phó giám đốc Công ty M, các hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng thuê kho ... ông ký với tư cách đại diện cho Công ty M trên cơ sở được ủy quyền. Đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 06-4-2022, Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột quyết định:

Căn cứ các Điều 318, 319, 320, 323, 326, khoản 2 Điều 342, 343, 348, 349, 350, 351, 352, 355 388, 402, 404, 405, 471, 474, 478 604, 605, 608 và 618 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 91 của Luật Tổ chức tín dụng, xử:

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn M về việc:

- Buộc Ngân hàng Thương mại C hoàn trả cho Công ty M 2.008,356 tấn cà phê, có giá trị là 81.322.154.900 đồng, số tiền này được đối trừ vào dư nợ gốc 96.682.003.444 đồng của Công ty M nợ Ngân hàng Thương mại C - Chi nhánh Đắk Lắk và các khoản lãi phát sinh theo hợp đồng đối với dư nợ gốc 103.928.827.863 đồng cũng được đối trừ tương ứng, nên Công ty M không có trách nhiệm trả cho Ngân hàng Thương mại C - Chi nhánh Đắk Lắk khoản lãi phát sinh.

- Buộc Ngân hàng Thương mại C bồi thường cho Công ty M khoản thu lợi nhuận thực tế bị mất là 6.437.042.000 đồng, sổ tiền này cũng được đối trừ vào dư nợ gốc của Công ty M tại Ngân hàng Thương mại C - Chi nhánh Đắk Lắk.

Tổng cộng số tiền Công ty TNHH M không được chấp nhận yêu cầu là 191.718.023.863 đồng.

2. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn là Ngân hàng Thương mại C.

- Buộc nguyên đơn là Công ty TNHH M có trách nhiệm trả cho bị đơn là Ngân hàng Thương mại C số tiền tính đến ngày 06- 4-2022 là 213.772.317.054 đồng, trong đó gốc là 96.682.003.444 đồng và 117.090.313.610 đồng nợ lãi.

- Nguyên đơn là Công ty TNHH M phải tiếp tục trả các khoản lãi phát sinh trên số dư nợ gốc kể từ ngày 07-4-2022 cho đến khi trả hết nợ, theo mức lãi suất thỏa thuận tại 07 hợp đồng tín dụng ngắn hạn và 01 giấy đề nghị giải ngân kiêm hợp đồng tín dụng.

Sau khi nguyên đơn là Công ty TNHH M trả hết nợ gốc và lãi cho Ngân hàng Thương mại C, thì Ngân hàng có trách nhiệm trả lại cho Công ty TNHH M toàn bộ các tài sản, giấy tờ đã thế chấp tại Hợp đồng thế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 01/2011/HĐTC ngày 24-10-2011; Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2007/HĐ ngày 28-3- 2007 và Biên bản sửa đổi Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2007/PLHĐ ngày 15-5-2007; Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2005/HĐBĐ ngày 28-9-2005 và Phụ lục hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/20058/PLHĐ ngày 26-10-2005; Hợp đồng thế chấp cầm cố số 03/2004/HĐ ngày 28-10-2004. Trả lại cho ông Phan Quốc H và bà Lê Thị Thu T tài sản, giấy tờ đã thế chấp tại Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba số 01/2010/HĐTC ngày 16-10-2010.

Trường hợp nguyên đơn Công ty TNHH M không trả hoặc trả không đúng, đầy đủ, nghĩa vụ trả nợ đối với Ngân hàng Thương mại C, thì Ngân hàng có quyền yêu cầu Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền phát mại các tài sản thế chấp tại Hợp đồng thể chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 01/2011/HĐTC ngày 24-10-2011; Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2007/HĐ ngày 28-3-2007 và Biên bản sửa đổi Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2007/PLHĐ ngày 15-5- 2007; Hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2005/HĐBĐ ngày 28-9-2005 và Phụ lục hợp đồng bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2005/PLHĐ ngày 26-10-2005; Hợp đồng thế chấp cầm cố số 03/2004/HĐ ngày 28-10-2004; Hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của bên thứ ba số 01/2010/HĐTC ngày 16-10-2010 để bảo đảm cho việc thi hành án theo quy định của pháp luật.

3. Đình chỉ giải quyết, xét xử đối với yêu cầu Tòa án tuyên cho Ngân hàng Thương mại C có quyền tự xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.

- Ngày 13-4-2022, nguyên đơn là Công ty TNHH M kháng cáo bản án.

Tại Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 11/2022/KDTM-PT ngày 18-8-2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk:

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là Công ty TNHH M; giữ nguyên Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 06-4-2022 của Toà án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột.

Ngoài ra, bản án phúc thẩm còn quyết định về án phí và chi phí tố tụng.

- Ngày 05-9-2022, nguyên đơn là Công ty TNHH M có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm.

- Ngày 20-9-2022, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk có Báo cáo đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/QĐ-VKS-KDTM ngày 10-01-2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng:

Đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 11/2022/KDTM-PT ngày 18-8-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm 01/2022/KDTM-ST ngày 06-4-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo đúng quy định pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Nội dung Hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa số 01/2013/HĐTK ngày 20-3-2013 giữa Công ty M, Công ty L và Ngân hàng BIDV Đắk Lắk thể hiện:

Điều 2: “... Số lượng hàng hóa mà bên A (Công ty M) và bên C (Công ty L) đã xác nhận gửi cho bên B (Ngân hàng) là lượng hàng hóa tồn kho cuối cùng thuộc quyền sở hữu của bên B”; Điều 5: “ ... Bên C chỉ được xuất kho theo lệnh xuất kho đã có đầy đủ chữ ký, mẫu dấu đã đăng ký của bên A và bên B”; Điều 8: “ ... Bên B là bên duy nhất có quyền phát lệnh xuất kho theo đề nghị của bên A .... Được nhận số tiền bồi thường thiệt hại từ bên C hoặc nhận số tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm trong trường hợp hàng hóa bị mất mát hư hỏng” và Điều 9 quy định: “Bên C có trách nhiệm nhập và xác nhận đúng số lượng, chất lượng hàng hóa thực tế mà nhà cung cấp cho bên A giao hàng, xuất đúng, đủ số lượng, chất lượng theo lệnh xuất hàng quy định tại khoản 2 Điều 5... Nếu bên C xác nhận không chính xác về số lượng, chất lượng hàng hoá nhập kho của bên A hoặc tự ý xuất hàng khi không có lệnh xuất kho theo quy định tại khoản 2 Điều 5, dẫn đến lượng hàng hoá tồn kho của bên A nhỏ hơn dư nợ vay (thiếu hàng hoá đảm bảo) thì kho dịch vụ phải bồi thường cho bên B phần hàng hoá thiếu hụt do xác nhận sai hoặc tự ý xuất và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi làm thất thoát vốn của Nhà nước”.

Hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa số 01/2013/HĐTK ngày 20-3-2013, giữa các bên là Công ty M, Công ty L và Ngân hàng BIDV là sự thỏa thuận của các bên trên cơ sở tự nguyện, đúng thực tế và không trái quy định của pháp luật cả về nội dung, hình thức. Do đó, cần phải tôn trọng sự tự định đoạt của các bên đương sự.

Theo nội dung thỏa thuận tại Điều 2 của hợp đồng, thì lượng hàng hóa tồn kho cuối cùng thuộc quyền “Sở hữu của Ngân hàng”; theo quy định tại Điều 158 của Bộ luật Dân sự, thì Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu, mà cụ thể là Ngân hàng.

[2]. Cũng theo quy định tại các Điều 5, 8 và 9 của Hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa số 01/2013/HĐTK ngày 20-3-2013, thì Ngân hàng BIDV là bên duy nhất được quyền phát lệnh xuất kho và được nhận tiền bồi thường thiệt hại từ Công ty L hoặc nhận số tiền bảo hiểm từ tổ chức bảo hiểm, trong trường hợp hàng hóa bị mất mát, hư hỏng. Như vậy, có đủ cơ sở để xác định trong trường hợp Công ty L làm mất hàng, thì phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Ngân hàng, chứ không phải bồi thường cho Công ty M.

Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều căn cứ khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Dân sự năm 2015: “Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp)”; khoản 4 Điều 321 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định bên thế chấp có quyền “Được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp, nếu tài sản đó là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổỉ trở thành tài sản thể chấp. Trường hợp tài sản thế chấp là kho hàng, thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận” để nhận định không có bất kỳ căn cứ pháp luật nào về việc bên thế chấp “Chuyển giao quyền sở hữu có thời hạn” cho bên nhận thế chấp, từ đó không chấp nhận sự thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa số 01/2013/HĐTK ngày 20-3-2013, giữa Công ty M, Công ty L và Ngân hàng BIDV là không đúng với nội dung hợp đồng mà các bên đã ký kết.

[3]. Tại Điều 9 của Hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa số 01/2013/HĐTK ngày 20-3-2013 quy định: “ ... Bên C (Công ty L) sẽ ký quỹ số tiền là……. đồng tại TK số 63110000xx1523 mở tại bên B (Ngân hàng) và được bên B phong tỏa để bảo đảm nghĩa vụ của bên C đối với bên A (Công ty M) và bên B khi xảy ra tổn thất”. Tuy nhiên, sau khi ký kết hợp đồng, Ngân hàng BIDV không buộc Công ty L ký quỹ là vi phạm thỏa thuận đã ký kết, chính từ việc không ký quỹ đã gây hậu quả là không thu hồi được hàng bị thiếu hụt do hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của Giám đốc Công ty Anh Linh (Lê Hồng Hải), nên đây cũng là trách nhiệm của Ngân hàng BIDV. Ngân hàng BIDV cho rằng việc ký quỹ này, Ngân hàng không có quy định và để tạo điều kiện cho Công ty L đầu tư vào trang thiết bị, máy móc để nâng cao chất lượng dịch vụ và cũng do tin tưởng Công ty L, nên không buộc Công ty L ký quỹ, nhưng đây chỉ là ý kiến đơn phương của phía Ngân hàng BIDV và ý kiến này không đúng với thỏa thuận đã ký tại hợp đồng, do đó khi xảy ra việc chiếm đoạt của ông Lê Hồng H đã không có nguồn thu để bù đắp. Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đều cho rằng “Mọi tổn thất do Công ty M gánh chịu, Ngân hàng không có trách nhiệm gì” là không đúng với cam kết, thỏa thuận của các bên khi tham gia ký kết hợp đồng và không đảm bảo “Lẽ công bằng” được quy định tại Điều 3 của Bộ luật Dân sự và Điều 45 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4]. Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Dương và Cáo trạng của Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Bình Dương xác định: Để che dấu hành vi chiếm đoạt của mình, khi khách hàng có yêu cầu xuất hàng, Lê Hồng H - Giám đốc Công ty L lấy hàng của khách hàng gửi sau xuất cho khách hàng gửi trước, lấy hàng của khách hàng này xuất bù cho khách hàng khác; đối với hàng phế phẩm, thì Hải chỉ đạo nhân viên đóng bao và sắp sếp theo từng cây hàng để khách hàng đến kiểm tra sẽ không phát hiện ra hàng bị thiếu.

Theo Hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa số 01/2013/HĐTK ngày 20-3-2013, thì Ngân hàng BIDV có quyền tiến hành kiểm tra hoặc yêu cầu Công ty M cung cấp các thông tin để kiểm tra, giám sát và quản lý tài sản bảo đảm, có toàn quyền kiểm soát tài sản bảo đảm. Mặc dù, việc kiểm tra hàng hóa trong kho đã được Ngân hàng BIDV phối hợp với Công ty M kiểm tra trong ngày 11-5-2013 và ngày 12-7-2013, theo đó Công ty M cử ông Phan Hùng A (Phó Giám đốc), bà Nguyễn Thị H (Kế toán trưởng) và Ngân hàng BIDV cử ông Nguyễn Tăng N (Phó trưởng Phòng quan hệ khách hành 1), ông Nguyễn Huy T (Chuyên viên Phòng quan hệ khách hàng 1) đến kho của Công ty M, nhưng không phát hiện ra hàng bị thiếu hụt. Do đó, việc không phát hiện ra hàng tồn kho cuối cùng bị thiếu hụt cũng có một phần trách nhiệm của Ngân hàng BIDV.

Quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã không xem xét đến trách nhiệm của Ngân hàng BIDV trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng, trong việc không thực hiện ký quỹ và trong việc thực hiện kiểm tra kho hàng, mà chỉ căn cứ vào quy định của pháp luật về thế chấp tài sản để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty M là không đánh giá khách quan, toàn diện các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Để giải quyết triệt để vụ án, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, cần huỷ bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại, theo hướng làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng BIDV khi tham gia ký kết hợp đồng thuê kho giữ hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã được Hội đồng giám đốc thẩm xem xét và có cơ sở để chấp nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 337, Điều 343, Điều 345 và Điều 349 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 12/QĐ-VKS-KDTM ngày 10-01-2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng.

1. Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 11/2022/KDTM-PT ngày 18-8-2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2022/KDTM-ST ngày 06-4-2022 của Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột về vụ án “Tranh chấp hợp đồng tín dụng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, giữa nguyên đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn M với bị đơn là Ngân hàng Thương mại C và một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk để giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm theo đúng quy định của pháp luật.

3. Quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

130
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Quyết định GĐT về tranh chấp hợp đồng tín dụng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 03/2023/KDTM-GĐT

Số hiệu:03/2023/KDTM-GĐT
Cấp xét xử:Giám đốc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 20/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về