Quyết định GĐT về tranh chấp bồi thường thiệt hại hợp đồng khoan phá đá số 12/2019/KDTM-GĐT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

QUYẾT ĐỊNH GĐT 12/2019/KDTM-GĐT NGÀY 24/09/2019 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI HỢP ĐỒNG KHOAN PHÁ ĐÁ

Ngày 24 tháng 9 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa giám đốc thẩm xét xử vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp bồi thường thiệt hại hợp đồng khoan phá đá" giữa:

1. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ QM.

Địa chỉ: 288/7 Lê Văn Quới, phường B, quận BT, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm D, Tổng Giám đốc Công ty.

2. Bị đơn: Tổng Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ - V.

Địa chỉ: Ngõ 01, Phan Đình Giót, phường P, quận T, thành phố Hà Nội.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn S, Tổng Giám đốc Công ty.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 02/12/2014, Đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 28/01/2015 và các lời khai trong quá trình tố tụng, nguyên đơn là Công ty Cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ QM – sau đây viết tắt là Công ty QM (do ông Phạm D đại diện) trình bày:

Ngày 22/02/2012, Công ty QM và Công ty Công nghiệp Hóa chất Mỏ Tây Nguyên (là Chi nhánh thuộc Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ V; sau đây viết tắt là Công ty Tây Nguyên) ký Hợp đồng kinh tế số 16/HĐTC/12 về việc Công ty QM khoán cho Công ty Tây Nguyên khoan, phá đá tại công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Phú (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Công ty QM cho rằng trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty Tây Nguyên đã thi công chậm tiến độ và tự ý di dời máy móc, thiết bị, nhân lực ra khỏi công trình, để lại khối lượng việc dỡ dang mà không thông báo bằng văn bản cho Công ty QM biết. Để kịp bàn giao công trình cho chủ đầu tư, Công ty QM phải thuê Công ty khác tiếp tục thi công phần việc dỡ dang. Ngày 25/9/2013, hai bên đã lập biên bản nghiệm thu công trình nhưng sau đó Công ty Tây Nguyên vẫn không lập đủ hồ sơ thanh quyết toán và cũng không đồng ý bồi thường cho Công ty QM các thiệt hại do việc thi công chậm tiến độ gây ra (chi phí xử lý khối lượng việc còn lại, chi phí kéo dài dự án, thiệt hại do chủ đầu tư không chấp nhận bù trượt giá). Vì vậy, Công ty QM khởi kiện yêu cầu Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - V bồi thường thiệt hại do Công ty Tây Nguyên gây ra cho Công ty QM với số tiền 3.400.000.000 đồng.

Bị đơn là Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - V (do ông Nguyễn Văn S2 đại diện) trình bày.

Ngày 22/02/2012, Công ty QM và Công ty Tây Nguyên có ký Hợp đồng kinh tế số 16/HĐTC/12 thỏa thuận về việc khoan, phá đá tại công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Phú. Sau khi ký hợp đồng, Công ty Tây Nguyên tiên hành thi công khoan nổ mìn 4 đợt từ ngày 06/4/2012 đến 18/12/2012 với tổng giá trị thực hiện là 4.963.278.539 đồng. Tổng số tiền Công ty QM còn nợ Công ty Tây Nguyên qua 04 đợt thi công là 3.279.084.691 đồng và hai bên đã ký Biên bản họp thanh lý hợp đồng ngày 07/11/2014. Riêng phần công việc còn dở dang hai bên thống nhất để lại 25% giá trị nghiệm thu của đợt 4 để xử lý. Công ty Tây Nguyên đã gửi hóa đơn, chứng từ hợp lệ nhưng Công ty QM không thanh toán tiền. Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - V không đồng ý với yêu cầu của Công ty QM về việc bồi thường thiệt hại tương ứng với số tiền 3.400.000.000₫.

Ngày 23/3/2015, Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - V có đơn phản tố, đề nghị Tòa án buộc Công ty QM trả số tiền còn nợ trong 4 đợt thi công là 3.279.084.691 đồng và lãi chậm trả theo quy định của pháp luật.

Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2016/KDTM-ST 18/5/2016, Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã quyết định: ngày Bác yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ QM về việc yêu cầu Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - V bồi thường thiệt hại do chi nhánh của mình là Công ty công nghiệp hóa chất mỏ Tây Nguyên gây thiệt hại cho Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ QM với số tiền là 3.400.000.000 đồng.

Chấp nhận yêu cầu phản tố của Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - V.

Buộc Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ QM phải thanh toán cho Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - V thông qua Công ty công nghiệp hóa chất mỏ Tây Nguyên số tiền là 3.711.104.098 đồng (trong đó tiền nợ gốc là 3.279.084.691 đồng và tiền nợ lãi là 432.019.407 đồng).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 25/5/2016, Công ty QM kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 05/2016/KDTM-PT ngày 26/9/2016, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết định:

Không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ QM; giữ nguyên Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2016/KDTM-ST ngày 18/5/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 33/2017/KN-KDTM-VC2 ngày 05/5/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã kháng nghị Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 05/2016/KDTM-PT ngày 26/9/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, đề nghị Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm nêu trên và Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2016/KDTM-ST ngày 18/5/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm lại.

Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/KDTM-GĐT ngày 21/8/2017, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng quyết định:

Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 05/2016/KDTM-PT ngày 26/9/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và hủy toàn bộ Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2016/KDTM-ST ngày 18/5/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai giải quyết sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 19/12/2017, ông Võ Văn Bình, Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai có đơn đề nghị xem xét Quyết định giám đốc thẩm nêu trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Tại Quyết định số 08/2019/KN-KDTM ngày 17/6/2019, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/KDTM-GĐT ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy Quyết định giám đốc thẩm nêu trên, hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 05/2016/KDTM-PT ngày 26/9/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai, hủy Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2016/KDTM-ST ngày 18/5/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thấy rằng: Theo Biên bản làm việc ngày 25/9/2013 giữa Công ty QM và Công ty Tây Nguyên thì tính đến ngày 25/9/2013 Công ty Tây Nguyên vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu theo quy định và chưa thi công hoàn thiện hố móng theo thiết kế; Công ty QM phải đưa búa căn vào đục để kịp tiến độ bàn giao công trình cho chủ đầu tư. Điều này thể hiện Công ty Tây Nguyên đã thi công chậm tiến độ theo hợp đồng. Phía Công ty QM cũng không thực hiện đúng nghĩa vụ thanh toán của 4 đợt nghiệm thu theo điểm 2.2 khoản 2 Điều 3 của Hợp đồng. Tại Biên bản đối chiếu công nợ ngày 05/5/2014, ngày 30/8/2014 và Biên bản họp thanh lý hợp đồng ngày 07/11/2014, Công ty QM đã thừa nhận còn nợ Công ty Tây Nguyên số tiền 3.279.084.691 đồng và cam kết sẽ trả cho Công ty Tây Nguyên 500.000.000 đồng vào cuối mỗi tháng (tính từ cuối tháng 11 năm 2014) nhưng sau đó Công ty QM không thực hiện. Như vậy, trong quá trình thực hiện Hợp đồng, cả Công ty QM và Công ty Tây Nguyên không tuân thủ các nội dung của Hợp đồng về thời gian thi công và nghĩa vụ thanh toán. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá nguyên nhân của các vi phạm này, ý chí của các bên trong quá trình thực hiện để xét lỗi.

[2]. Đối với phần công việc còn dang dở, tại Biên bản họp thanh lý Hợp đồng ngày 07/11/2014, Công ty QM và Công ty Tây Nguyên thống nhất giữ lại 25% giá trị nghiệm thu của đợt 4 để làm chi phí xử lý các công việc tồn đọng của hố móng do việc không thi công hoàn thiện hố móng bằng công tác nổ nhỏ. Trong trường hợp này, khi giải quyết vụ án, Tòa án các cấp phải xác định khối lượng công việc thực tế còn lại là bao nhiêu, có tương ứng với với 25% giá trị nghiệm thu của đợt 4 hay không? Trường hợp số tiền 25% giá trị nghiệm thu của đợt 4 không đủ để chi phí xử lý các công việc tồn đọng thì Công ty Tây Nguyên phải trả cho Công ty QM số tiền còn thiếu. Trường hợp khối lượng công việc còn lại trong thực tế ít hơn 25% giá trị nghiệm thu của đợt 4 thì Công ty QM phải trả Công ty Tây Nguyên phần giá trị dư ra. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa thu thập chứng cứ để làm rõ và tính cụ thể khối lượng công việc thực tế còn tồn đọng là bao nhiêu, mà lại bác yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty QM là không có căn cứ.

Quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng không xem xét sai sót của Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm mà nhận định rằng: Số tiền 25% của đợt 4 giữ lại để xử lý khối lượng công việc mà Công ty Tây Nguyên chưa hoàn thiện không liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là chưa thỏa đáng. Bên cạnh đó, cấp giám đốc thẩm nhận định đối với yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn trên cơ sở so sánh giá trị tạm tính của hợp đồng với giá trị khối lượng công việc đã nghiệm thu để cho rằng Công ty Tây Nguyên mới hoàn thành 50% khối lượng công việc nhận khoán là không đúng. Trường hợp này cần căn cứ vào Biên bản thanh lý Hợp đồng ngày 07/11/2014 để xác định khối lượng công việc thực tế theo thỏa thuận giữa hai bên trong Hợp đồng và thu thập chứng cứ để làm rõ những thiệt hại (nếu có) mà Công ty QM phải gánh chịu như nguyên đơn yêu cầu.

[3]. Ngày 23/3/2015, Tổng Công 3 ty Công nghiệp Hóa chất mỏ - V có đơn phản tố, đề nghị Tòa án buộc Công ty QM thanh toán số tiền còn thiếu trong 4 đợt thi công là 3.279.084.691 đồng và lãi chậm trả theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã xem xét, giải quyết cả yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của nguyên đơn và yêu cầu phản tố của bị đơn, nhưng Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/KDTM-GĐT ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng chỉ nhận định đối với phần yêu cầu đòi bồi thường của nguyên đơn, còn đối với yêu cầu phản tố của bị đơn thì không xem xét, nhưng lại tuyên hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm 1 để giao xét xử sơ thẩm lại là không đúng.

[4]. Ngoài ra, Hợp đồng số 16/HĐTC/12 ngày 22/02/2012 giữa Công ty QM và Công ty Tây Nguyên liên quan đến hoạt động xây dựng, được xác lập trên cơ sở Hợp đồng thi công xây dựng số 01/HP-XD/HĐ ngày 18/8/2011 giữa Công ty cổ phần Điện Tam Long với Công ty QM, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng Luật thương mại để giải quyết vụ án là không đúng. Trong trường hợp này, cần xác định quan hệ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, nên cần áp dụng pháp luật xây dựng. Trường hợp pháp luật xây dựng không quy định thì áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 337, Điều 342, khoản 3 Điều 343, Điều 345 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

1. Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 08/2019/KN-KDTM ngày 17/6/2019 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

2. Hủy Quyết định giám đốc thẩm số 25/2017/KDTM-GĐT ngày 21/8/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng, hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 05/2016/KDTM-PT ngày 26/9/2016 của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai và hủy Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2016/KDTM-ST ngày 18/5/2016 của Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai về vụ án "Tranh chấp bồi thường thiệt hại hợp đồng khoan phá đá” giữa nguyên đơn là Công ty Cổ phần Xây dựng thương mại và Dịch vụ QM với bị đơn là ổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ - V.

3. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm, đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

49
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Quyết định GĐT về tranh chấp bồi thường thiệt hại hợp đồng khoan phá đá số 12/2019/KDTM-GĐT

Số hiệu:12/2019/KDTM-GĐT
Cấp xét xử:Giám đốc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:24/09/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về