TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI
BẢN ÁN 10/2024/HNGĐ-PT NGÀY 29/03/2024 VỀ YÊU CẦU XIN LY HÔN
Ngày 29 tháng 3 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử phúc thẩm vụ án hôn nhân gia đình thụ lý số 43/2024/TLPT-DS ngày 18 tháng 12 năm 2023 về việc “Xin ly hôn” do có kháng cáo của bị đơn đối với Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 54/2022/DS-ST ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố H.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1549/2024/QĐ-PT ngày 20 tháng 02 năm 2024 giữa:
Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Minh H1, sinh năm 1971; Trú tại: Số 208, đường L, phường N, quận H2, Thành phố H (Có mặt).
Bị đơn: Ông PV, sinh năm 1949.
Quốc tịch: B. Số hộ chiếu: EM 130731 do Bộ ngoại giao B cấp ngày 02/10/2014.
Trú tại: Số 71, R 9660 B1, Vương Quốc B.
SĐT: 0032 491 33 04 24 (Có mặt).
Người phiên dịch cho bị đơn: Bà Vũ Thị H3 sinh năm 1987; Địa chỉ: Số nhà 79, ngõ 59, phố D, phường M1, quận C, thành phố H (Có mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo Bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, nguyên đơn bà Nguyễn Thị Minh H1 trình bày:
Về quan hệ hôn nhân: Bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV đăng ký kết hôn ngày 29/8/1997 tại UBND thành phố H. Sau khi kết hôn vợ chồng chung sống hòa thuận được một thời gian. Tuy nhiên trong quá trình chung sống, do khác nhau về văn hóa, lối sống, tuổi tác nên phát sinh nhiều mâu thuẫn. Bà H1 đã phải cố gắng để hòa nhập và nuôi các con khôn lớn. Nay các con đã trưởng thành và tình cảm vợ chồng đã rạn nứt từ lâu nên năm 2015 bà H1 quay trở về Việt Nam còn ông PV tiếp tục sinh sống tại B, vợ chồng chính thức ly thân từ năm 2018. Kể từ đó đến nay, ông PV và bà Nguyễn Thị Minh H1 không liên lạc với nhau, mỗi người đều có cuộc sống riêng. Do cuộc sống vợ chồng không thể hàn gắn được, mục đích hôn nhân không đạt được nên bà H1 làm đơn đề nghị Tòa án giải quyết cho được ly hôn ông PV.
Về con chung: Bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV có 02 con chung: Anh GV, sinh ngày 26/9/1997, anh DV, sinh ngày 09/12/1998. Cả hai con chung đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng.
Về tài sản, vay nợ chung: Trong quá trình chung sống, bà H1 và ông PV không tạo lập tài sản chung. Trước khi kết hôn, bà H1 và ông PV đã tự thỏa thuận với nhau về việc độc lập tài sản và tài chính. Khi ông PV mua bất động sản hay tài sản gì ở nước ngoài, bà H1 đều từ chối quyền tài sản chung và ngược lại khi bà H1 mua bất động sản gì hay tài sản ở Việt Nam thì ông PV đều ký vào văn bản công chứng từ chối tài sản. Vì vậy, vợ chồng không có tài sản chung. Về các khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng không nợ và không cho ai vay tài sản.
Bị đơn ông PV trình bày:
Về quan hệ hôn nhân: Như bất kỳ cuộc hôn nhân nào, đôi khi có sự khác biệt về quan điểm, tuy nhiên rất hiếm khi gây ra cãi vã bằng lời nói. Tôi coi cuộc hôn nhân của chúng tôi là hòa hợp bất chấp sự khác biệt rõ ràng về văn hóa, đồng thời bảo vệ và coi trọng gia đình tốt đẹp của chúng tôi. Tôi đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển và hạnh phúc cá nhân của Minh H1 trong suốt sự nghiệp ngoại giao của mình trong nhiều vị trí khác nhau. Cô ấy đã tham gia một cách say mê vào tất cả các nghĩa vụ và tôn vinh vị trí của một người vợ nhà ngoại giao. H1 luôn được gia đình tôi đón nhận nồng nhiệt như một thành viên thực sự của gia đình. Tôi cũng được đón nhận như vậy tại gia đình H1 tại Việt Nam. Chúng tôi thống nhất với nhau rằng sau khi tôi nghỉ hưu năm 2014, hàng năm, tôi sẽ dành 3 tháng mùa đông cùng vợ ở Việt Nam. Trong khi cô ấy sẽ cùng tôi đến B vào mùa hè. Để đạt được điều đó, tôi đã xây một ngôi nhà ở Hà Nội (ngõ V) vào năm 1999 và một ngôi nhà gỗ (Bungalow) ở N1 vào năm 2004. Tôi bắt đầu xây dựng một ngôi nhà gia đình ở B năm 2005.
Lý do Minh H1 ở lại Việt nam năm 2015 vì con trai út của chúng tôi cần phải kết thúc chương trình học tiếng Anh cấp 2 của mình và nền giáo dục tiếng Anh như vậy không được cung cấp tại B. Trong khi đó, tôi chăm sóc con trai lớn, người bắt đầu học Kinh tế ở R vào năm 2015. Mẹ già của tôi và ngôi nhà gia đình của chúng tôi ở B. Vào thời điểm đó, tôi không có lý do gì để nghĩ rằng mối quan hệ hôn nhân của chúng tôi đã rạn nứt hoặc gặp nguy hiểm. Tôi đã trải qua những tháng mùa đông ở Việt Nam và mùa hè với H1 cùng những đứa trẻ ở B, nơi chúng tôi đã đi du lịch hàng năm đến các quốc gia khác nhau ở ngoài Châu Âu.
Đến tháng 3/2019, Minh H1 cho tôi biết, khi tôi đang ở Hà Nội, rằng cô ấy muốn ly thân. Sau đó, chúng tôi đồng ý trước sự chứng kiến của các thành viên gia đình H1 và một người bạn về một cuộc chia ly tạm thời. Trong thời gian đó, cả hai chúng tôi sẽ chân thành suy nghĩ về tương lại cuộc hôn nhân của mình. Vào tháng 10/2019, H1 khi đó đang ở B cho tôi biết rằng cô ấy muốn ly hôn chính thức. Cô ấy ở lại B vào tháng 02/2020 để dự đám tang của mẹ tôi và một lần nữa vào tháng 4 năm đó. Chúng tôi giữ liên lạc bất cứ khi nào cần thiết bằng email, sms hoặc điện thoại.
Chúng tôi bắt đầu mối quan hệ của mình vào năm 1989. Chúng tôi sống với nhau như một cặp vợ chồng từ năm 1997 ở 5 quốc gia tiếp theo. Bây giờ viện dẫn “sự khác biệt văn hóa và phong cách sống khác nhau” như một lý do cho việc chia tay sau bao nhiêu năm là không đáng tin. Tôi giữ quan điểm về hòa giải. Tôi tin rằng việc khôi phục lại gia đình chúng tôi sẽ có lợi cho các con trai chúng tôi, bản thân tôi và cho cả bản thân bà Minh H1. Nếu điều đó được chứng minh là không thể, tôi yêu cầu một khoản bồi thường thích đáng cho cam kết lâu dài của tôi trong việc chu cấp cho gia đình mình với tư cách một công chức và nhà ngoại giao có hạng của B.
Về con chung: Tôi cho rằng, dù các con đều đã trưởng thành, trách nhiệm chung của chúng tôi vẫn chưa kết thúc. Dorian Van bị tổn thương bởi tình cảnh giữa tôi và Minh H1 và không thể hoàn thành chương trình học ở B. Tương lai của thằng bé bây giờ là không chắc chắn, nó sẽ rất cần sự hỗ trợ của cha mẹ. Rõ ràng, cả hai đứa đều bị tổn hại tâm lý bởi tình huống này. Chúng cũng là lý do chính khiến tôi không thể đồng ý ly hôn.
Về tài sản, nợ chung: Chúng tôi đã ký một thỏa thuận tiền hôn nhân về “phân chia tài sản” trước khi chúng tôi kết hôn vào ngày 29/08/1997 tại Đại sứ quán Vương quốc B tại Hà Nội. Theo thỏa thuận này, sẽ không có tài sản chung nào có được trong thời kỳ hôn nhân. Tôi đã lập di chúc phần lớn có lợi cho Minh H1 trong trường hợp tôi qua đời và cũng lập một tài khoản tiết kiệm đứng tên cô ấy. Theo Luật Hôn nhân của B, cô ấy cũng được đảm bảo về quyền sử dụng suốt đời ngôi nhà của gia đình và tiền trợ cấp góa phụ.
Năm 1999, một ngôi nhà của gia đình Việt Nam được xây dựng tại Hà Nội (N2) bằng kinh phí do chính tôi cung cấp. Năm 2004, một ngôi nhà gỗ bungalow được xây dựng tại N1, sử dụng kinh phí phần lớn do tôi cung cấp. Sau này, H1 có ý kiến rằng tốt hơn là bán những bất động sản này để tái đầu tư vào những bất động sản ngày càng tốt hơn ở Hà Nội và N1, tôi đã đồng ý và ký tên một cách hoàn toàn thiện chí, ủy quyền cho phép cô ấy làm điều đó. Tôi một lần nữa cung cấp thêm một khoản tiền đáng kể, vì số tiền thu được từ các bất động sản bán được không đủ cho các khoản đầu tư mới ở Hà Nội và N1. Lần cuối cùng tôi chuyển 20.000 euro vào năm 2014 để giúp mua một căn hộ tại T1, Hà Nội.
Với hỗ trợ tài chính đáng kể của tôi trong các bất động sản đa dạng, tất cả đều được thực hiện một cách thiện chí trong suốt thời kỳ hôn nhân của chúng tôi, tôi coi mình là đồng sở hữu các bất động sản tại Việt Nam được đăng ký dưới tên Nguyễn Thị Minh H1, hoặc bất kỳ người thân nào. Cụ thể như sau:
1. Đối với căn nhà trong ngõ N2, xây dựng từ năm 1999. Số tiền 100.000 USD đã được dùng để mua căn nhà cũ. Số tiền 60.000 USD được dùng để xây nhà mới. Với giá bất động sản hiện tại ở phố cổ Hà Nội, giá trị của ngôi nhà này đã tăng lên đáng kể và phải gấp nhiều lần giá mua/xây dựng ban đầu.
2. Đối với nhà gỗ (Bungalow) ở N1. Tôi đã cung cấp số tiền 20.000 USD (vào khoảng năm 2004) để đóng góp vào việc mua đất và xây dựng tài sản.
3. Đối với các bất động sản khác mua tại N1 (khoảng năm 2008). Tôi đã chuyển khoản tiền 40.000 USD từ ngân hàng B (KBC) cho Nguyễn Thị Minh H1 để hỗ trợ việc mua bán.
4. Đối với căn hộ tại T1, Hà Nội. Số tiền 20.000 USD đã được chuyển cho Nguyễn Thị Minh H1 từ quỹ cá nhân của tôi vào năm 2013.
Như đã nêu trong thư ngày 09/10/2021, tôi đã đồng ý và ký tên, hoàn toàn thiện chí và tin tưởng giữa vợ chồng trong hôn nhân, tại văn phòng công chứng Hà Nội và N1, giấy ủy quyền cho phép Nguyễn Thị Minh H1 đưa ra các quyết định đầu tư mà cô ấy cho là phù hợp. Nguyễn Thị Minh H1 đang giữ các bản giấy uỷ quyền nói trên. Nguyễn Thị Minh H1 viện dẫn lý do để tôi ký vào giấy uỷ quyền này là vào thời điểm đó, sẽ quá phức tạp về mặt hành chính nếu tôi, với tư cách là người nước ngoài, phải tham gia vào các giao dịch này. Rõ ràng là tôi sẽ từ chối ký các giấy ủy quyền nói trên nếu tôi biết rằng cuối cùng chúng sẽ được sử dụng với mục đích lừa đảo. Do đó, việc tuyên bố không có tài sản chung ở Việt Nam của nguyên đơn là không đúng sự thật. Nghi ngờ của tôi rằng một trong những động cơ thực sự của nguyên đơn là chiếm đoạt tài sản bất động sản chung ở Việt Nam một cách bất hợp pháp càng được củng cố. Tôi không được Nguyễn Thị Minh H1 thông báo chính xác về các giao dịch mua bán bất động sản sau đó. Vì lý do này, tôi chỉ có thể đưa ra ước tính về số tài sản hiện tại của cô ấy. Tuy nhiên, dựa trên thông tin tôi nhận được từ các nguồn khác nhau, số tài sản này phải có giá trị hơn 2.000.000 USD.
Về các khoản nợ: Tôi không biết bất kỳ khoản nợ nào.
Anh GV và anh DV – con trai bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV cùng trình bày:
Thời gian đầu, gia đình chúng tôi sống hòa thuận. Tuy nhiên từ năm 2015 giữa bố mẹ chúng tôi hay xảy ra mâu thuẫn và ngày càng trở nên trầm trọng liên quan đến bất đồng quan điểm trong cuộc sống và xã hội. Vì thế nên khi bố chúng tôi hết nhiệm kỳ công tác tại Hồng Kông năm 2015, mẹ chúng tôi bà Nguyễn Thị Minh H1 đã quyết định đưa con trai thứ hai DV về Việt Nam sinh sống. Con trai lớn GV học tiếp tại Hồng Kông. Bố chúng tôi ông PV quay trở về B sinh sống. Trong những năm về sau, bố chúng tôi có thỉnh thoảng về thăm 2 anh em chúng tôi tại Việt Nam. Bố mẹ chúng tôi không chung sống cùng nhau.
Tháng 8/2020, chúng tôi được mẹ thông báo về việc bà gửi Đơn xin ly hôn đơn phương tại Tòa án Hà Nội. Chúng tôi không phản đối và tôn trọng quyết định của bà. Bản thân chúng tôi nay đã trưởng thành và đã có cuộc sống tự lập nên việc ly hôn giữa bố mẹ chúng tôi không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi.
Về tài sản chung giữa 2 người, theo chúng tôi được biết bố mẹ chúng tôi đã cùng nhau ký một bản thỏa thuận hôn nhân với nhau về việc độc lập tài sản và tài chính tại Đại sứ quán B ở Hà Nội trước khi kết hôn.
Tại Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 54/2022/DS-ST ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố H đã quyết định:
Căn cứ vào Điều 51, khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình; Khoản 1 Điều 28, Điều 35, khoản 1, 3 Điều 39, khoản 4 Điều 147; Điều 271; Khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự; Luật phí và lệ phí số 97 ngày 25/11/2015, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án. Xử:
1. Về quan hệ hôn nhân: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện xin ly hôn của bà Nguyễn Thị Minh H1. Xử cho bà Nguyễn Thị Minh H1 được ly hôn với ông PV.
2. Về con chung: Bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV có 02 con chung: Anh GV, sinh ngày 26/9/1997, anh DV, sinh ngày 9/12/1998. Cả hai con chung đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng nên Tòa án không xem xét, giải quyết.
3. Về tài sản chung, nợ chung: Tòa án không xem xét, giải quyết. Bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV tự lo chỗ ở sau khi ly hôn.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn là ông PV có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Minh H1 giữ nguyên yêu cầu khởi kiện xin ly hôn; bị đơn ông PV giữ nguyên nội dung kháng cáo.
Hai bên đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội có quan điểm: Sau khi phân tích tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thấy: Tòa án cấp sơ thẩm đã xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện xin ly hôn của nguyên đơn là có căn cứ; bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ mới có thể làm thay đổi nội dung vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Về thủ tục tố tụng: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Minh H1 khởi kiện yêu cầu được ly hôn ông PV. Do ông PV, quốc tịch B và hiện đang sinh sống tại Vương quốc B nên Tòa án nhân dân thành phố H đã xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ để thụ lý là đúng thẩm quyền theo quy định tại Điều 37, Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự, đồng thời xác định quan hệ pháp luật trong vụ án là ly hôn là đúng quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Về nội dung vụ án:
Bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV xây dựng gia đình với nhau trên cơ sở tự nguyện, có tìm hiểu, có đăng ký kết hôn ngày 29/8/1997 tại UBND thành phố H. Căn cứ vào Điều 8, Điều 9 Luật Hôn nhân gia đình, Hội đồng xét xử xét thấy quan hệ hôn nhân giữa bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV là hợp pháp.
Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, lời trình bày của các đương sự, thấy: Năm 2015, bà H1 cùng con trai thứ 2 về Việt Nam sống. Ông PV sống tại B. Bà H1 cho rằng vợ chồng chính thức ly thân từ năm 2018 đến nay. Vợ chồng không còn liên lạc với nhau và mỗi người đều có cuộc sống riêng. Ông PV cho rằng vợ chồng vẫn liên lạc với nhau bằng email, sms hoặc điện thoại. Ông cung cấp cho Tòa án bản in của email ngày 11/10/2021 từ địa chỉ [email protected] gửi cho bà Minh H1 với đề xuất “Cả hai chúng ta đồng ý ra ở riêng trong khi vẫn kết hôn hợp pháp, em ở Việt Nam, anh ở B hoặc nơi khác. Cả hai chúng ta đều thực hiện công việc kinh doanh hoặc sở thích cá nhân của mình, với sự tự do cá nhân tối đa”. Ông PV không đồng ý ly hôn. Trên thực tế, ông PV và bà H1 đang sống ly thân, mỗi người đều có cuộc sống riêng không còn có sự tương tác với nhau. Anh GV sinh ngày 26/9/1997 và anh DV sinh ngày 09/12/1998 là con chung của ông PV và bà H1 đều xác nhận sự thật nêu trên.
[3] Xét kháng cáo của bị đơn ông PV, Hội đồng xét xử thấy:
Mục đích của hôn nhân là xây dựng cuộc sống chung hạnh phúc giữa vợ và chồng, phải cùng nhau quan tâm, chia sẻ, thương yêu và tôn trọng. Bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV mỗi người một nơi, không quan tâm, không chăm sóc nhau, việc ai người đó làm, không có sự yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Tòa án đã 02 lần thực hiện ủy thác thông báo ông PV đến Toà để giải quyết vụ án, tham gia hoà giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng ông PV đều vắng mặt. Toà án cũng tạo điều kiện về thời gian để hai vợ chồng chủ động hàn gắn tình cảm vợ chồng song từ khi Tòa án thụ lý vụ án cho đến nay, cả bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV vẫn sống ly thân, không có biện pháp gì để cải thiện cuộc sống vợ chồng. Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bà H1 vẫn kiên quyết xin ly hôn. Xét thấy mâu thuẫn của bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV đã lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được. Với điều kiện, hoàn cảnh như hiện nay thì bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV không có cuộc sống vợ chồng hạnh phúc. Ông PV mong muốn đoàn tụ song ngoài văn bản trình bày thì ông không có bất cứ hành động nào để chứng tỏ có thiện chí hàn gắn tình cảm vợ chồng. Ông PV không đến Toà thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, không tham gia hòa giải, không có biện pháp gì cải thiện tình cảm vợ chồng nên không có căn cứ để xem xét. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng Điều 51, khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình, chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà Nguyễn Thị Minh H1 là có căn cứ.
[4] Về con chung: Bà Nguyễn Thị Minh H1 và ông PV có 02 con chung: Anh GV, sinh ngày 26/9/1997, anh DV, sinh ngày 09/12/1998. Cả hai con chung đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét, giải quyết là phù hợp.
[5] Về tài sản chung: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Minh H1 không đề nghị Tòa án giải quyết phần tài sản chung, nợ chung vì vợ chồng không có tài sản chung.
Ông PV kê khai tài sản chung vợ chồng gồm:
Căn nhà trong ngõ N2, xây dựng từ năm 1999. Số tiền 100.000 USD đã được dùng để mua căn nhà cũ. Số tiền 60.000 USD được dùng để xây nhà mới. Với giá bất động sản hiện tại ở phố cổ Hà Nội, giá trị của ngôi nhà này đã tăng lên đáng kể và phải gấp nhiều lần giá mua/xây dựng ban đầu.
Nhà gỗ (Bungalow) ở N1. Ông đã cung cấp số tiền 20.000 USD để đóng góp vào việc mua đất và xây dựng tài sản vào khoảng năm 2004.
Các bất động sản khác mua tại N1 (khoảng năm 2008). Ông đã chuyển khoản tiền 40.000 USD từ ngân hàng B (KBC) cho bà Nguyễn Thị Minh H1 để hỗ trợ việc mua bán.
Căn hộ tại T1, Hà Nội. Số tiền 20.000 USD đã được chuyển cho Nguyễn Thị Minh H1 từ quỹ cá nhân của ông vào năm 2013.
Ông PV cho rằng với hỗ trợ tài chính đáng kể của mình trong các bất động sản trong thời kỳ hôn nhân nên xác định là đồng sở hữu các bất động sản tại Việt Nam được đăng ký dưới tên Nguyễn Minh H1, hoặc bất kỳ người thân nào.
Tại Điều 85 và Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định nghĩa vụ chứng minh: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó”.
Toà án nhân dân thành phố H đã ra Thông báo yêu cầu ông PV cung cấp, giao nộp cho Tòa án các tài liệu, chứng cứ về động sản và chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà đối với các bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, trước khi kết hôn, bà H1 và ông PV đã ký hợp đồng hôn nhân tự thỏa thuận với nhau về việc độc lập tài sản và tài chính. Mặt khác ông PV thừa nhận đã ký giấy ủy quyền tại Văn phòng công chứng Hà Nội và N1 cho phép bà Nguyễn Thị Minh H1 đưa ra các quyết định đầu tư bà cho là phù hợp và bà Nguyễn Thị Minh H1 đang giữ các bản giấy ủy quyền nói trên. Ông PV không cung cấp được chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án liên quan đến yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng. Từ đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét giải quyết phân chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân giữa ông PV và bà Nguyễn Thị Minh H1 trong vụ án này và dành quyền yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân tại vụ án khác là đúng quy định.
Tổng hợp những phân tích đánh giá trên, Hội đồng xét xử xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Minh H1 là có căn cứ, đảm bảo được quyền, lợi ích của các bên đương sự. Tại cấp phúc thẩm, bị đơn kháng cáo nhưng không xuất trình được tài liệu khác có thể làm thay đổi nội dung vụ án nên không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo, Hội đồng xét xử đồng tình với quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa và giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[6] Về án phí: Kháng cáo không được chấp nhận, lẽ ra ông PV phải chịu án phí dân sự phúc thẩm nhưng xét thấy ông PV là người cao tuổi, thuộc trường hợp miễn án phí nên miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông PV.
Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
QUYẾT ĐỊNH
1. Bác kháng cáo của ông PV; giữ nguyên quyết định của Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 54/2022/DS-ST ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Tòa án nhân dân thành phố H.
2. Về án phí: Ông PV được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tuyên án.
Bản án về yêu cầu xin ly hôn số 10/2024/HNGĐ-PT
Số hiệu: | 10/2024/HNGĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 29/03/2024 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về