Bản án về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu chia di sản thừa kế số 08/2023/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN ĐỊNH, TỈNH THANH HOÁ

BẢN ÁN 08/2023/DS-ST NGÀY 13/07/2023 VỀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU VÀ YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Trong ngày 13/7/2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 34/2022/TLST- DS ngày 22/8/2022, về việc: “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” và “Yêu cầu chia di sản thừa kế” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 23/2023/QĐXXST-DS ngày 25/5/2023 và quyết định hoãn phiên tòa số 27/2023/QĐST-DS ngày 24/6/2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Trịnh Thị B, sinh năm: 1957, địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Luật sư Trần Hải L, sinh năm: 1984, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hải Triều - Trần Gia, địa chỉ: Tầng 6, số 222 Điện Biên Phủ, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh.

- Bị đơn: Văn phòng công chứng A (nay là Văn phòng công chứng C), địa chỉ: Khu 1, thị trấn QL, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Người Đ diện theo pháp luật: Bà Phạm Thị Phượng, chức vụ: Trưởng Văn phòng.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1 1. Ông Nguyễn Văn D, sinh năm: 1970. ĐKHKTT: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Nơi ở hiện nay: Số nhà C15, Khu dân cư KT, Tổ 7, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Người Đ diện theo ủy quyền của ông D là: Ông Trịnh Hữu G, sinh năm:

1958, địa chỉ: Thôn K, xã YT, huyện Yên Định, Thanh Hóa.

2. Cụ Nguyễn Thị H, sinh năm: 1947, địa chỉ: Khu phố TN, thị V, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

3. Bà Nguyễn Thị N, sinh năm: 1969, địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

4. Chị Nguyễn Thị Hồng O, sinh năm: 1986, địa chỉ: Thôn R, xã Z, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

5. Chị Nguyễn Thị P, sinh năm: 1987, địa chỉ: Thôn R, xã Z, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

6. Chị Nguyễn Thị E, sinh năm: 1990, địa chỉ: Thôn R, xã Z, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

7. Anh Nguyễn Tuấn K, sinh năm: 1992, địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

8. Chị Nguyễn Thị Nữ Việt S, sinh năm: 1995, địa chỉ: Thôn Đ, xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Người Đ diện theo ủy quyền của bà N, chị I, chị P, chị E, chị S là: Anh Nguyễn Tuấn K, sinh năm: 1992, địa chỉ: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.

Tại phiên tòa, có mặt bà Trịnh Thị B, Luật sư Trần Hải L, ông Trịnh Hữu G, anh Nguyễn Tuấn K; vắng mặt Văn phòng công chứng C và cụ Nguyễn Thị H.

NỘI DUNG VỤ ÁN

*Tại đơn khởi kiện đề ngày 26/3/2022, bản tự khai ngày 12/9/2022 và 15/12/2022, quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Trịnh Thị B trình bày:

Vợ chồng cố Nguyễn Ngọc T (chết năm 1958) và cố Nguyễn Thị Đ (chết năm 1988) sinh được 02 người con là cụ Nguyễn Thị S (sinh năm 1934, chết ngày 12/10/2021) và cụ Nguyễn Thị H, sinh năm 1947. Cụ S kết hôn với cụ Nguyễn Văn Nuôi (chết năm 1982), sinh được 03 người con gồm: Ông Nguyễn Hùng M (tên gọi khác Nguyễn Văn M) sinh năm 1960, chết ngày 12/5/2016 (là chồng bà B), bà Nguyễn Thị N sinh năm 1969 và ông Nguyễn Văn D sinh năm 1970.

Cố T và cố Đ được Nhà nước giao cho 01 thửa đất ở tại thôn 5 (nay là thôn X) xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa từ trước năm 1980, nay là thửa đất số 204, tờ bản đồ 07, diện tích 329,7m2.

Sau khi kết hôn, vợ chồng cụ S và các con ở trên thửa đất 204 cùng cố Đ.

Năm 1991, ông D lập gia đình và mua đất ra ở riêng, chỉ còn cụ S, vợ chồng bà B và bà N ở trên đất. Vợ chồng bà B chăm sóc, phụng dưỡng cố Đ, cụ S và đã đứng ra trả hết số nợ 4 tấn lúa cho gia đình, nên cố Đ và cụ S đã nói cho vợ chồng bà B thửa đất 204. Năm 1988, vợ chồng bà B xây dựng ngôi nhà cấp bốn 5 gian. Đến năm 2004, vợ chồng bà B đã làm nhà 02 tầng và các công trình khác kiên cố như bây giờ. Sau khi ông M chết, thì bà B quản lý, sử dụng đất. Thửa đất này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là Giấy CNQSDĐ) số H733413 cho ông M vào năm 1999. Năm 2015, cụ S khởi kiện yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ cấp cho ông M, Tòa án nhân dân (sau đây viết tắt là TAND) tỉnh Thanh Hóa xử hủy Giấy CNQSDĐ. TAND cấp cao tại Hà Nội đã xử phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm.

Ngày 07/4/2017, cụ S lập di chúc để lại thửa đất 204 cho ông D bà B không biết. Đến tháng 3/2022, Văn phòng công chứng C lên UBND xã Y công bố di chúc bà B mới biết.

Bà B khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố bản di chúc của cụ Nguyễn Thị S lập ngày 07/4/2017 tại Văn phòng công chứng A, số công chứng 576, quyển số 14-TP/CC-SCC là vô hiệu, vì các lý do:

- Tại thời điểm lập di chúc, cụ S không phải là người đứng tên trên Giấy CNQSDĐ đối với thửa đất 204, bản án của TAND tỉnh Thanh Hóa chưa có hiệu lực pháp luật, Giấy CNQSDĐ cấp cho ông M vẫn có giá trị.

- Tại thời điểm lập di chúc, cụ S không phải là chủ sở hữu thửa đất 204, thửa đất đang có tranh chấp, nguồn gốc đất do cố T và cố Đ để lại thì cả cụ S và cụ H được hưởng, chưa chia thừa kế, nên chưa xác lập quyền sở hữu cho cụ S. Cụ S chưa được cấp Giấy CNQSDĐ nên không có đủ điều kiện để lập di chúc theo Điều 188 Luật Đất đai. Vì vậy nội dung di chúc là vi phạm điều cấm của luật.

- Tại thời điểm lập di chúc, cụ S không còn minh mẫn, sáng suốt. Mặc dù cụ S không bị bệnh tâm thần, nhưng không được khôn bằng người khác. Ông D đã dỗ dành cho cụ S điểm chỉ vào di chúc.

- Sở tư pháp tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản trả lời khẳng định hồ sơ công chứng di chúc thiếu bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật công chứng 2014.

Bà B không yêu cầu giải quyết hậu quả sau khi tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Về yêu cầu chia thừa kế của ông D quan điểm của bà B như sau:

Cố T và cố Đ chết không để lại di chúc. Cụ H đã đi lấy chồng và xác nhận để lại phần di sản của mình cho cụ S nên thửa đất trên thuộc về cụ S. Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959, tài sản có trước và sau khi cưới đều là tài sản chung của vợ chồng nên thửa đất này thuộc quyền sở hữu của vợ chồng cụ S và cụ Nuôi. Cụ Nuôi đã chết năm 1982, đến nay chưa chia thừa kế. Bà B đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện chia thừa kế theo khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự. Phần thừa kế của cụ Nuôi là 1/2 thửa đất thuộc quyền sở hữu của bà B là người đang quản lý, sử dụng thửa đất.

Đối với 1/2 thửa đất là di sản thừa kế của cụ S đề nghị chia theo quy định của pháp luật. Bà B yêu cầu được trích công sức bằng 01 suất thừa kế của cụ S. Đề nghị chia di sản của cụ S thành 04 phần gồm: Bà B, ông M, bà N và ông D, mỗi người hưởng 1/4 di sản của cụ S. Ông M đã chết 05 người con của bà B được hưởng thừa kế thế vị phần của ông M. Đối với phần thừa kế ông D được hưởng bà B không đồng ý chia đất, bà sẽ thanh toán giá trị phần thừa kế bằng tiền cho ông D.

*Tại văn bản trình bày ý kiến ngày 31/8/2022, bị đơn là Văn phòng công chứng C trình bày:

Ngày 02/3/2022, Văn phòng công chứng C đã tiếp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn D về việc công bố di chúc của cụ Nguyễn Thị S và đã thực hiện việc công bố di chúc theo quy định của pháp luật.

Công chứng viên của Văn phòng công chứng A (nay là Văn phòng công chứng C) thực hiện việc công chứng di chúc của cụ S là ông Trần Thế Sơn đã chết vào tháng 9/2017. Văn phòng công chứng C đã trích xuất toàn bộ hồ sơ lưu trữ về yêu cầu công chứng di chúc thì thấy: Việc công chứng viên Trần Thế Sơn công chứng di chúc của cụ S đối với quyền sử dụng thửa đất số 204 cho con trai Nguyễn Văn D là hoàn toàn có cơ sở. Văn bản công chứng di chúc số 576, quyển số 14TP/CC/SCC có giấy tờ chứng minh tài sản kèm theo yêu cầu công chứng di chúc là bản án hành chính số 06/2017/HCST ngày 22/02/2017 của TAND tỉnh Thanh Hóa và nội dung bản án cũng đã thể hiện rất rõ thửa đất số 204 là của cụ S. Tại thời điểm lập di chúc thì thửa đất đang đứng tên ông Nguyễn Văn M, nhưng ông M đã lừa dối làm giấy chứng nhận sang tên mình, nên cụ S đã khởi kiện và theo quyết định của bản án số 06/2017/HCST thì thửa đất trên hoàn toàn là của cụ S. Mặt khác, tại bản án phúc thẩm số 19/2017/HCPT ngày 08/11/2017 của TAND cấp cao Hà Nội đã quyết định giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm, hủy Giấy CNQSDĐ cấp cho ông M. Đồng thời, UBND huyện Yên Định đã có thông báo thu hồi và hủy Giấy CNQSDĐ cấp cho ông M. Tất cả các văn bản trên đã thống nhất xác định về bản chất quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 204 là của cụ S. Vì vậy, việc công chứng viên Trần Thế Sơn đã công chứng di chúc cho cụ S ngày 07/4/2017 về bản chất là không sai phạm và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bất kỳ ai.

Do đó Văn phòng công chứng C đề nghị Tòa án xem xét không tuyên bố di chúc của cụ S là vô hiệu.

*Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 18/11/2022, bản tự khai ngày 12/10/2022 và 27/4/2023, quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn D và người Đ diện theo ủy quyền là ông Trịnh Hữu G trình bày:

Vợ chồng cố Nguyễn Ngọc T (chết năm 1958) và cố Nguyễn Thị Đ (chết năm 1985) sinh được 02 người con là cụ Nguyễn Thị S và cụ Nguyễn Thị H. Cụ S kết hôn với cụ Nguyễn Văn Nuôi, sinh được 03 người con là: Ông Nguyễn Hùng M (tên gọi khác Nguyễn Văn M), bà Nguyễn Thị N và ông Nguyễn Văn D.

Cố T và cố Đ được Nhà nước giao cho thửa đất ở số 204, tờ bản đồ 07, diện tích 329,7m2 tại thôn X, xã Y, huyện Yên Định.

Khi còn sống cố T, cố Đ và cụ S ở trên thửa đất này. Cụ H đi lấy chồng và sống ở huyện Vĩnh Lộc. Ông M, bà N và ông D khi sinh ra cũng ở trên đất này. Khi trưởng thành, ông D lấy vợ và mua đất ra ở riêng. Vợ chồng ông M đã phá nhà cũ, xây dựng nhà ở và các công trình kiên cố trên thửa đất. Bà N không lấy chồng, sống cùng cụ S và gia đình ông M. Sau khi cụ S và ông M chết, bà B là người quản lý thửa đất.

Năm 1999, ông M tự ý làm thủ tục kê khai đứng tên thửa đất, đã được Nhà nước cấp Giấy CNQSDĐ số H733413. Cụ S đã khởi kiện yêu cầu hủy Giấy CNQSDĐ cấp cho ông M. Tại bản án hành chính sơ thẩm số 06/2017/HCST ngày 22/02/2017, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên hủy Giấy CNQSDĐ cấp cho ông M. Tại bản án hành chính phúc thẩm số 319/2017/HC-PT ngày 08/11/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Ngày 29/3/2017 và ngày 17/5/2018 cụ H đã lập giấy xác nhận khi đi lấy chồng đã dỡ sân gạch mang về nhà chồng, nên đất bố mẹ để lại là của cụ S.

Ngày 07/4/2017, cụ S đã lập di chúc để lại toàn bộ thửa đất này cho ông D. Bà B khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng di chúc ngày 07/4/2017 là vô hiệu, ông D đề nghị Tòa án xem xét di chúc theo quy định của pháp luật, nếu Tòa án tuyên bố di chúc vô hiệu thì ông D cũng chấp nhận.

Ông D có yêu cầu độc lập đối với phía nguyên đơn, yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế của cố T, cố Đ và cụ S, cụ thể:

- Yêu cầu công nhận cụ S là người được hưởng thừa kế toàn bộ thửa đất 204 do cố T và cố Đ để lại.

- Phân chia di sản thừa kế của cụ S là thửa đất số 204 theo pháp luật, chia cho 3 người thừa kế là ông D, bà N và ông M (ông M đã chết thì các con được thừa kế thế vị). Nguyện vọng của ông D được chia 1/3 thửa đất (phần đất ở giữa) để làm nhà thờ.

*Tại bản tự khai ngày 02/3/2023, quá trình giải quyết vụ án anh Nguyễn Tuấn K là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đồng thời là người Đ diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị N, chị Nguyễn Thị Hồng I, chị Nguyễn Thị P, chị Nguyễn Thị E và chị Nguyễn Thị Nữ Việt S trình bày:

Anh K và những người ủy quyền cho anh K gồm bà N, chị I, chị P, chị E và chị S đều thống nhất với phần trình bày của bà B, đề nghị Tòa án tuyên bố di chúc của cụ S vô hiệu và đề nghị chia di sản của cụ S là thửa đất số 204 theo pháp luật như sau: Xác định 1/2 thửa đất là di sản của cụ Nuôi hết thời hiệu khởi kiện thì thuộc quyền sở hữu của bà B. Di sản của cụ S là 1/2 thửa đất chia thành 04 phần, gồm: 01 phần trích công sức bảo quản di sản cho bà B, 03 phần còn lại chia cho 03 người con của cụ S. Đối với kỷ phần thừa kế mà anh K, bà N, chị I, chị P, chị E và chị S được hưởng, đều xin tặng cho bà B.

*Tại biên bản lấy lời khai ngày 22/5/2023, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cụ Nguyễn Thị H trình bày:

Bố mẹ cụ H là cố Nguyễn Ngọc T (chết năm 1958) và cố nguyễn Thị Đ (chết năm 1988). Cố T và cố Đ sinh được 02 người con là cụ Nguyễn Thị S và cụ Nguyễn Thị H. Cố T và cố Đ chết để lại di sản thừa kế là thửa số 204, diện tích 329,7m2. Cụ H và những người thừa kế của cố Đ chưa từng lập văn bản phân chia di sản thừa kế của cố T và cố Đ. Khi còn sống, cố T và cố Đ không làm giấy tờ tặng cho thửa đất này cho ai. Việc cụ S lập di chúc ngày 07/4/2017 cụ H không biết. Bà B khởi kiện yêu cầu tuyên bố di chúc của cụ S vô hiệu, quan điểm của cụ H đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Đối với yêu cầu chia thừa kế của ông D, quan điểm của cụ H là từ chối nhận di sản thừa kế của cố T và cố Đ, đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

*Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 30/3/2023:

Thửa đất đang tranh chấp là thửa đất số 204, tờ bản đồ 07 (bản đồ địa chính xã Y đo đạc năm 2013), địa chỉ thửa đất: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, diện tích 329,7m2. Trên thửa đất này có các công trình do vợ chồng bà Trịnh Thị B xây dựng bao gồm: Nhà chính 02 tầng, nhà ngang, bếp, nhà vệ sinh, nhà tắm, bể nước, chuồng bò, sân, mái tôn, cổng, tường rào.

*Kết quả định giá tài sản ngày 13/4/2023 của Hội đồng định giá tài sản:

- Thửa đất số 204 có giá là 257.166.000đ; Nhà chính 02 tầng có giá là 231.194.000đ; Nhà ngang có giá là 41.793.000đ; Sân gạch hoa có giá là 3.996.000đ; Sân bê tông trước cổng có giá là 893.000đ; Mái tôn xốp trước nhà chính có giá là 8.791.000đ; Tường hoa có giá là 2.177.000đ; 02 cột cổng có giá là 1.904.000đ; Tường rào bao quanh có giá là 5.357.000đ.

- Bếp có giá là 58.147.000đ; Nhà vệ sinh và nhà tắm có giá là 7.935.000đ; Bể nước có giá là 1.408.000đ; Sân bê tông trước bếp có giá là 1.355.000đ; mái tôn trước bếp có giá là 3.665.000đ; Bức tường ngang trước bếp có giá là 388.000đ; Bức tường giáp nhà Do Ngoan có giá là 1.042.000đ; Chuồng bò có giá là 2.477.000đ.

Tổng giá trị tài sản định giá là 629.688.000đ (Sáu trăm hai mươi chín triệu, sáu trăm tám mươi tám nghìn đồng).

Các đương sự đều thống nhất với kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ và kết quả định giá tài sản. Tòa án đã tổ chức hòa giải nhưng các đương sự không thống nhất được việc giải quyết vụ án.

*Tại phiên tòa:

- Bà Trịnh Thị B giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị tuyên bố di chúc của cụ S vô hiệu, đề nghị chia di sản thừa kế của cụ S là thửa đất 204 theo pháp luật, trích công sức bảo quản di sản thừa kế cho bà bằng 01 suất thừa kế. Bà B không đồng ý chia đất cho ông D, mà thanh toán giá trị phần thừa kế bằng tiền cho ông D.

- Người Đ diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Văn D giữ nguyên yêu cầu độc lập, yêu cầu chia thừa kế thửa đất 204, xin được chia phần thừa kế là đất, xin nhận các tài sản trên phần đất được chia và chấp nhận thanh toán giá trị tài sản trên đất cho bà B.

- Anh Nguyễn Tuấn K thống nhất với phần trình bày của bà B.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày:

Căn cứ các điều 123, 609, 623, 624, 630 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 188 Luật Đất đai; Điều 40, Điều 41, Điều 52, Điều 56 Luật công chứng năm 2014, đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên bố bản di chúc của cụ Nguyễn Thị S lập ngày 07/4/2017 tại Văn phòng công chứng A, số công chứng 576, quyển số 14-TP/CC-SCC là vô hiệu, không yêu cầu giải quyết hậu quả sau khi tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Căn cứ các điều 649, 650, 651, 652 và 660 Bộ luật Dân sự năm 2015, đề nghị HĐXX xem xét thửa đất 204 là di sản thừa kế cố T và cố Đ để lại cho cụ S. Đề nghị chia di sản của cụ S là thửa đất 204 thành 04 suất, gồm: Trích công sức bảo quản di sản cho bà B bằng 01 suất thừa kế, chia cho 03 người thừa kế là ông M, bà N, ông D mỗi người 01 suất. Phần thừa kế của ông M thì 05 người con của ông M và bà B được thừa kế thế vị. Bà N và các con của bà B đều tặng cho phần thừa kế của mình cho bà B. Đối với phần thừa kế chia ông D, bà B sẽ thanh toán giá trị bằng tiền cho ông D.

- Quan điểm của Đ diện Viện kiểm sát tại phiên tòa:

+ Về Tố tụng: Tòa án thụ lý giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền, xác định đúng quan hệ tranh chấp. Quá trình G lập hồ sơ vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã thực hiện đúng quy định tại các điều 70, 71, 72, 73 Bộ luật Tố tụng dân sự.

+ Về nội dung: Căn cứ Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các điều 117, 122, 123, 609, 611, 612, 613, 614, 620, 623, 624, 625, 626, 627, 628, 630, 635, 636, 649, 650, 651, 652 và 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; các điều 100, 168, 188 Luật Đất đai; Điểm d khoản 1 Điều 40, Điều 41, Điều 52 và Điều 56 Luật công chứng năm 2014. Đề nghị HĐXX giải quyết:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, tuyên bố bản di chúc của cụ Nguyễn Thị S lập ngày 07/4/2017 là vô hiệu.

Chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Xác nhận thửa đất số 204, diện tích 329,7m2 là di sản thừa kế của cụ S. Trích công sức bảo quản di sản cho bà B bằng 1/2 suất thừa kế là 47,1m2. Phần còn lại chia cho 3 người thừa kế gồm ông M, bà N và ông D mỗi người được chia 94,2m2 (giá trị là 73.476.000đ). Ông M đã chết, nên 05 người con của ông M là chị P, chị E, chị I, anh K và chị S được thừa kế thế vị phần thừa kế của ông M, mỗi người được hưởng 18,84m2. Bà N và các con của ông M tặng cho bà B phần thừa kế họ được hưởng, nên tổng diện tích đất bà B được chia là 235,5m2.

Chia đất thực tế: Chia cho ông D phần đất giáp nhà Do Ngoan có diện tích 4,1m x 21,3m = 87,33m2, còn thiếu so với di sản được hưởng là 6,87m2, ông D được quản lý, sử dụng các công trình bà B đã xây trên phần đất này, ông D phải thanh toán giá trị tài sản trên đất cho bà B là 76.417.000đ. Chia cho bà B phần đất còn lại có diện tích là 242,37m2 (giá trị là 189.048.600đ), bà B phải thanh toán tiền chênh lệch cho ông D đối với phần đất chênh lệch bà B được hưởng thêm là 6,87m2, tương ứng số tiền là 5.358.600đ, được đối trừ vào số tiền ông D phải thanh toán cho bà B. Ông D còn phải thanh toán cho bà B 71.059.000đ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Căn cứ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, TAND huyện Yên Định thụ lý và giải quyết vụ án “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” và “Yêu cầu chia di sản thừa kế” là đúng quy định về thẩm quyền xét xử, theo quy định tại khoản 5 và khoản 11 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về sự vắng mặt của đương sự: Văn phòng công chứng C và cụ Nguyễn Thị H có đơn xin xét xử vắng mặt. HĐXX căn cứ Điều 227 và Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt họ.

[3] Về thời hiệu khởi kiện:

Trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện. Căn cứ khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự và khoản 2 Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện trong vụ án này.

Về thời hiệu yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng di chúc vô hiệu: Nguyên đơn yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thuộc trường hợp vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật theo Điều 123 Bộ luật Dân sự. Căn cứ khoản 3 Điều 133 Bộ luật Dân sự đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế.

Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cố Nguyễn Ngọc T và cố Nguyễn Thị Đ: Cố T chết năm 1958, thời điểm mở thừa kế là năm 1958. Về năm chết của cố Đ: Bà B và cụ H khai cố Đ chết năm 1988, ông D khai cố Đ chết năm 1985. Theo xác minh tại địa phương thì cố Đ chết năm 1985, vì vậy xác định cố Đ chết năm 1985, thời điểm mở thừa kế là năm 1985. Theo quy định tại Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế được tính từ ngày 10/9/1990. Ngày 18/11/2022, ông D yêu cầu chia di sản thừa kế của cố T và cố Đ là đã quá 30 năm kể từ ngày 10/9/1990. Vì vậy, căn cứ khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế của cố T và cố Đ đã hết.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ Nguyễn Thị S: Cụ S chết ngày 12/10/2021. Ngày 18/11/2022, ông D yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ S là còn thời hiệu khởi kiện.

[4] Xét yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu của nguyên đơn:

[4.1] Về thủ tục, hồ sơ công chứng:

Di chúc của cụ Nguyễn Thị S công chứng ngày 07/4/2017 được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Điều 56 Luật công chứng năm 2014.

Về hồ sơ công chứng: Căn cứ hồ sơ công chứng Văn phòng công chứng C giao nộp, đối chiếu với quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật công chứng năm 2014, xét thấy hồ sơ công chứng thiếu bản sao Giấy CNQSDĐ cấp cho cụ S.

[4.2] Xét tính hợp pháp của di chúc:

- Về ý chí của người lập di chúc: Nguyên đơn cho rằng tại thời điểm lập di chúc cụ S không còn minh mẫn, sáng suốt và do ông D dỗ dành cụ S điểm chỉ vào di chúc, nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh. Bản thân nguyên đơn cũng khẳng định cụ S không bị bệnh tâm thần, chỉ là không được khôn bằng người khác. Ông D khẳng định khi lập di chúc cụ S vẫn minh mẫn, sáng suốt. Xác minh tại địa phương thì không xác định được cụ S có còn minh mẫn hay không. Vì vậy, không có căn cứ khẳng định cụ S không còn minh mẫn, sáng suốt hay bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép lập di chúc.

- Về nội dung di chúc:

Cụ S lập di chúc để lại thửa đất số 204, tờ bản đồ 07 (bản đồ địa chính xã Y đo đạc năm 2013), địa chỉ thửa đất: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, diện tích 329,7m2 cho ông Nguyễn Văn D.

Thửa đất này đã được UBND huyện Yên Định cấp Giấy CNQSDĐ số H733413 cho ông Nguyễn Văn M (tức ông Nguyễn Hùng M) năm 1999. Tại bản án hành chính sơ thẩm số 06/2017/HCST ngày 22/02/2017, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên hủy Giấy CNQSDĐ cấp cho ông M, lý do nguồn gốc đất là của cố T, cố Đ để lại, không có giấy tờ chứng minh việc chuyển nhượng hoặc tặng cho từ cố Đ, cụ S sang cho ông M. Tại bản án hành chính phúc thẩm số 319/2017/HC-PT ngày 08/11/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

Theo kết quả xác minh tại UBND xã Y thì thửa đất số 204, tờ bản đồ 07 (bản đồ địa chính xã Y đo đạc năm 2013) là đất ở, có nguồn gốc là Nhà nước giao cho cố T và cố Đ từ trước năm 1980 (theo bản đồ 299 là thửa đất số 194, tờ bản đồ số 01). Năm 1999, UBND huyện Yên Định cấp Giấy CNQSDĐ cho ông M, nhưng Giấy này đã bị tuyên hủy. Trong hồ sơ lưu trữ của xã thì cố T, cố Đ không có giấy tặng cho ai, cũng không có văn bản phân chia di sản thừa kế.

Căn cứ bản án hành chính phúc thẩm số 319/2017/HC-PT ngày 08/11/2017 và kết quả xác minh nguồn gốc đất có đủ cơ sở khẳng định thửa đất số 204, tờ bản đồ 07 là di sản thừa kế của cố T và cố Đ để lại.

Mặc dù cụ S là người quản lý, sử dụng thửa đất từ khi cố Đ chết, nhưng tại thời điểm lập di chúc, cụ S chưa được Nhà nước cấp Giấy CNQSDĐ và cũng chưa đủ điều kiện để cấp Giấy CNQSDĐ theo Điều 100 Luật Đất đai, vì thửa đất này vẫn là di sản thừa kế của cố T và cố Đ chưa được phân chia bằng bản án, quyết định của Tòa án hoặc bằng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được công chứng hoặc chứng thực của các đồng thừa kế (cụ S và cụ H). Mặc dù cụ H có giấy xác nhận để lại đất cho cụ S, nhưng giấy này làm sau khi cụ S lập di chúc và về hình thức pháp lý không phải là văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Mặt khác, khi cụ S lập di chúc, bản án hành chính sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, Giấy CNQSDĐ cấp cho ông M chưa bị hủy. Sau khi có bản án phúc thẩm tuyên y án sơ thẩm, cụ S cũng chưa làm thủ tục phân chia di sản thừa kế và đề nghị cấp Giấy CNQSDĐ cho cụ S.

Khoản 1 Điều 168 và Điều 188 Luật Đất đai quy định điều kiện để người nhận thừa kế được thực hiện quyền để lại thừa kế cho người khác là phải có Giấy CNQSDĐ hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy CNQSDĐ. Tại thời điểm lập di chúc, cụ S không có Giấy CNQSDĐ và cũng không đủ điều kiện để cấp Giấy CNQSDĐ, nên cụ S không đủ điều kiện để lập di chúc để lại thửa đất số 204 cho ông D. Vì vậy có đủ cơ sở khẳng định nội dung di chúc vi phạm điều cấm của luật.

[4.3] Từ những phân tích tại mục [4.1] và [4.2] khẳng định hồ sơ công chứng di chúc thiếu bản sao Giấy CNQSDĐ cấp cho cụ S và nội dung di chúc vi phạm điều cấm của luật. Vì vậy, bản di chúc của cụ Nguyễn Thị S lập ngày 07/4/2017 tại Văn phòng công chứng A (nay là Văn phòng công chứng C), số công chứng 576, quyển số 14-TP/CC-SCC là vô hiệu. Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn hoàn toàn có cơ sở nên được chấp nhận.

[4.4] Bị đơn cho rằng hồ sơ công chứng di chúc đúng quy định, bản chất quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 204 là của cụ S, việc công chứng viên đã công chứng di chúc cho cụ S về bản chất là không sai phạm và không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của bất kỳ ai, nên đề nghị Tòa án xem xét không tuyên bố di chúc vô hiệu. Như đã phân tích nêu trên, khẳng định quan điểm của bị đơn là không có cơ sở nên không được HĐXX chấp nhận.

[4.5] Bà B không yêu cầu giải quyết hậu quả sau khi tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu nên HĐXX không xem xét.

[5] Xét yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

[5.1] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn D yêu cầu chia di sản thừa kế cố T, cố Đ và cụ S đối với thửa đất số 204.

[5.2] Xác định người thừa kế:

Căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định:

- Người thừa kế của cố T và cố Đ là 02 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: Cụ Nguyễn Thị S và cụ Nguyễn Thị H.

- Người thừa kế của cụ S là 03 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: ông Nguyễn Hùng M (tên gọi khác Nguyễn Văn M), bà Nguyễn Thị N và ông Nguyễn Văn D. Ông M đã chết trước cụ S, nên 05 người con của M là người thừa kế thế vị gồm: Chị Nguyễn Thị Hồng I, chị Nguyễn Thị P, chị Nguyễn Thị E, anh Nguyễn Tuấn K và chị Nguyễn Thị Nữ Việt S.

Cụ Nguyễn Thị H từ chối nhận di sản thừa kế, việc từ chối nhận di thừa sản thừa kế của cụ H là hợp pháp nên được công nhận.

[5.3] Xác định di sản thừa kế:

Như đã phân tích tại mục [4.2], xác định thửa đất số 204, diện tích 329,7m2 là di sản thừa kế của cố T và cố Đ để lại, giá trị thửa đất được định giá là 257.166.000đ (theo đơn giá 780.000đ/1 m2). Trên đất có nhà ở và các công trình xây dựng khác do vợ chồng bà B xây dựng.

[5.4] Phân chia di sản thừa kế của cố T và cố Đ:

Cố T và cố Đ chết không để lại di chúc. Cố T và cố Đ đều chết trước năm 1990 nên đã hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế. Căn cứ khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 di sản thừa kế của cố T và cố Đ thuộc quyền sở hữu của người quản lý di sản. Xác định cụ S là người thừa kế trực tiếp quản lý di sản từ khi cố Đ chết. Mặc dù ông M, bà B và bà N ở trên đất nhưng là ở cùng cụ S, cụ S mới là người quản lý di sản. Vì vậy, di sản thừa kế của cố T và cố Đ là thửa đất số 204 thuộc quyền sở hữu của cụ S.

Quan điểm của phía nguyên đơn cho rằng: Cố T và cố Đ chết không để lại di chúc, cụ H đã xác nhận để lại phần di sản của mình cho cụ S nên thửa đất trên thuộc về cụ S, xác lập tài sản chung của vợ chồng cụ S và cụ Nuôi, 1/2 thửa đất là di sản của cụ Nuôi, đến nay hết thời hiệu chia thừa kế nên thuộc quyền sở hữu của bà B. Xét thấy nguồn gốc đất là của cố T và cố Đ, chưa cho cụ S nên chưa xác lập quyền sở hữu cho cụ S. Tại thời điểm cụ Nuôi chết, cố Đ vẫn còn sống và quản lý, sử dụng thửa đất, cố T và cố Đ mới là chủ sử dụng đất. Không có căn cứ để xác định thửa đất 204 là tài sản chung của vợ chồng cụ S và cụ Nuôi. Vì vậy, quan điểm của nguyên đơn là không có cơ sở để chấp nhận.

[5.5] Phân chia di sản thừa kế của cụ S:

- Cụ S được thừa kế di sản của cố T và cố Đ là thửa đất 204. Cụ S đã chết năm 2021, nên xác định thửa đất số 204, diện tích 329,7m2 là di sản thừa kế của cụ S. Giá trị di sản được định giá là 257.166.000đ.

- Trước khi chết cụ S để lại bản di chúc lập ngày 07/4/2017. Bản di chúc này là vô hiệu. Vì vậy chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn Văn D, chia di sản thừa kế của cụ S theo pháp luật.

- Về trích công sức bảo quản di sản thừa kế: Bà B yêu cầu trích công sức bảo quản di sản bằng 01 suất thừa kế. Xét thấy bà B sống cùng cụ S, ông M và bà N, trong đó cụ S mới là người quản lý di sản và có công sức bảo quản di sản nhiều nhất. Tuy nhiên, bà B cũng có một phần công sức bảo quản, tôn tạo di sản thừa kế, ngoài ra bà B còn trả nợ 4 tấn lúa cho gia đình và có công chăm sóc, phụng dưỡng cố Đ và cụ S, nên trích công sức bảo quản di sản cho bà B bằng 1/2 suất thừa kế mà mỗi con của cụ S được hưởng là phù hợp.

- Về chia kỷ phần thừa kế: Di sản thừa kế của cụ S được chia cho 03 người thừa kế là ông M, bà N và ông D và trích công sức cho bà B bằng 1/2 suất thừa kế, chia như sau:

+ Chia cho ông M: 94,2m2 đất, giá trị là 73.476.000đ.

Ông M chết trước cụ S, nên 05 người con của ông M và bà B là chị I, chị P, chị E, anh K và chị S được thừa kế thế vị, mỗi người được chia 18,84m2, giá trị là 14.695.200đ.

+ Chia cho bà N: 94,2m2 đất, giá trị là 73.476.000đ.

+ Chia cho ông D: 94,2m2 đất, giá trị là 73.476.000đ.

+ Trích công sức cho bà B bằng: 47,1m2 đất, giá trị = 36.738.000đ.

- Ghi nhận bà N và các con của bà B tặng cho bà B phần thừa kế họ được hưởng. Tổng diện tích đất bà B được trích công sức bảo quản di sản và nhận tặng cho là 235,5m2 (giá trị là 183.690.000đ).

- Về phương án chia đất thực tế:

Ông D yêu cầu được chia phần đất ở giữa để làm nhà thờ. HĐXX xét thấy: Yêu cầu được chia đất của ông D là chính đáng, phù hợp với quy định của pháp luật, nên được chấp nhận. Tuy nhiên, xét thấy ngoài phần đất chia cho ông D, thì phần còn lại chia hết cho bà B, nếu chia cho ông D phần đất ở giữa sẽ cắt đôi phần đất chia cho bà B, ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình bà B. Vì vậy, chia cho ông D phần đất phía ngoài hướng Đông Bắc giáp hộ ông Do Ngoan là phù hợp. Trên phần đất này có các công trình bà B đã xây dựng, nên phải cắt diện tích đất cho phù hợp để không ảnh hưởng đến các công trình. Phía ngoài mặt đường có chuồng bò có chiều rộng 4,4m, nhưng bên trong phần bếp và phần đất trống còn lại chỉ rộng tổng là 4,1m. Nếu cắt cho ông D phần đất rộng 4,4m chạy thẳng đến hết chiều dài đất thì phần bên trong sẽ lấn sang nhà ngang của Bi là 0,3m, ảnh hưởng đến kết cấu công trình này. Vì vậy, chia cho ông D phần đất có chiều rộng 4,1m, chiều dài đến hết đất là 21,3m, diện tích 87,33m2 là phù hợp. Ông D thiếu 6,87m2 đất so với kỷ phần thừa kế được chia, bà B hưởng phần đất này nên có nghĩa vụ thanh toán lại giá trị chênh lệch cho ông D là 5.358.600đ.

Giao cho ông D được quyền sở hữu các công trình bà B đã xây dựng trên phần đất được chia gồm: Bếp (58.147.000đ); Nhà vệ sinh (phần nằm trên đất chia cho ông D) và nhà tắm (7.935.000đ); Bể nước trong bếp (1.408.000đ); Sân bê tông (1.355.000đ); mái tôn trước bếp (3.665.000đ); Bức tường ngang trước bếp (388.000đ); Bức tường giáp nhà Do Ngoan (1.042.000đ); Chuồng bò (phần nằm trên đất chia cho ông D) (2.477.000đ). Tổng giá trị tài sản là 76.417.000đ. Ông D có nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trên đất cho bà B là 76.417.000đ.

Chia cho bà B phần đất còn lại có diện tích là 242,37m2. Bà B phải thanh toán tiền chênh lệch cho ông D là 5.358.600đ.

Quan điểm của bà B đề nghị chia thừa kế cho ông D bằng tiền không phù hợp nên không được chấp nhận.

[6] Về chi phí thẩm định, định giá: Ông D đã nộp tiền tạm ứng chi phí thẩm định và định giá. Sau khi thẩm định và định giá chi phí hết 4.300.000đ. Số tiền này chia đều cho 03 người được chia thừa kế, cụ thể: Bà N và ông D mỗi người phải chịu 1.433.300đ. Chị I, chị P, chị E, anh K và chị S cùng chịu chung số tiền là 1.433.300đ. Ghi nhận sự tự nguyện của anh K xin chịu thay chi phí thẩm định, định giá cho bà N, chị I, chị P, chị E và chị S. Tổng số tiền anh K phải chịu là 2.866.600đ. Anh K có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông D số tiền là 2.866.600đ. [7] Về án phí:

- Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận, bị đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đ.

- Đối với yêu cầu chia di sản thừa kế, những người thừa kế phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch tương ứng với phần di sản được chia, cụ thể:

Ông D phải chịu án phí là 3.673.800đ.

Bà N phải chịu án phí là 3.673.800đ.

Chị I, chị P, chị E, anh K và chị S, mỗi người phải chịu án phí là 734.760đ. Ghi nhận anh K tự nguyện nộp thay phần án phí cho bà N, chị I, chị P, chị E và chị S. Tổng số tiền án phí dân sự sơ thẩm anh K phải nộp là 7.347.600đ.

Bà B là người cao tuổi, có đơn xin miễn án phí nên được miễn án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 5 và khoản 11 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, các điều 147, 157, 165, 227, 228, 271 và 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Các điều 117, 122, 123, 609, 611, 612, 613, 614, 620, 623, 624, 625, 626, 627, 628, 630, 635, 636, 649, 650, 651, 652 và 660 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 100, Điều 168, Điều 188 Luật Đất đai; Điểm d khoản 1 Điều 40, Điều 41, Điều 52 và Điều 56 Luật công chứng năm 2014; Điểm đ khoản 1 Điều 12, Điểm a khoản 7 Điều 27 Nghị Quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban TH vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là bà Trịnh Thị B.

Tuyên bố Bản di chúc của cụ Nguyễn Thị S lập ngày 07/4/2017 tại Văn phòng công chứng A (nay là Văn phòng công chứng C), số công chứng 576, quyển số 14-TP/CC-SCC là vô hiệu.

2. Chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn D, chia di sản thừa kế của cố Nguyễn Ngọc T, cố Nguyễn Thị Đ và cụ Nguyễn Thị S theo quy định của pháp luật.

3. Xác nhận cố Nguyễn Ngọc T chết năm 1958, cố Nguyễn Thị Đ chết năm 1985 không để lại di chúc; cụ Nguyễn Thị S chết ngày 12/10/2021, để lại di chúc ngày 07/4/2017 (di chúc đã bị tuyên vô hiệu).

4. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cố T và cố Đ gồm 02 người con là: Cụ Nguyễn Thị S và cụ Nguyễn Thị H. Xác nhận cụ Nguyễn Thị H từ chối nhận di sản thừa kế.

5. Xác nhận hàng thừa kế thứ nhất của cụ S gồm 03 người con là: Ông Nguyễn Hùng M (tên gọi khác Nguyễn Văn M), bà Nguyễn Thị N và ông Nguyễn Văn D. Ông Nguyễn Hùng M đã chết ngày 12/5/2016 (chết trước cụ S), nên 05 người con của ông M và bà B được thừa kế thế vị, gồm: Chị Nguyễn Thị Hồng I, chị Nguyễn Thị P, chị Nguyễn Thị E, anh Nguyễn Tuấn K và chị Nguyễn Thị Nữ Việt S 6. Xác nhận di sản thừa kế của cố T và cố Đ là quyền sử dụng đất đối thửa đất số 204, tờ bản đồ 07 bản đồ địa chính xã Y đo đạc năm 2013) diện tích 329,7m2, địa chỉ thửa đất: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, có giá trị là 257.166.000đ (Hai trăm năm mươi bảy triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn đồng).

7. Xác nhận thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản của cố T và cố Đ đã hết. Vì vậy, toàn bộ di sản thừa kế là thửa đất số 204 của cố T và cố Đ thuộc quyền sở hữu của người quản lý di sản là cụ S.

8. Xác nhận di sản thừa kế của cụ S là quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 204, tờ bản đồ 07 bản đồ địa chính xã Y đo đạc năm 2013) diện tích 329,7m2, địa chỉ thửa đất: Thôn X, xã Y, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, có giá trị là 257.166.000đ (Hai trăm năm mươi bảy triệu một trăm sáu mươi sáu nghìn đồng).

9. Chia thừa kế di sản của cụ S theo pháp luật, như sau:

- Chia kỷ phần thừa kế:

+ Chia cho ông Nguyễn Hùng M: 94,2m2 đất, giá trị là 73.476.000đ.

Chị Nguyễn Thị Hồng I, chị Nguyễn Thị P, chị Nguyễn Thị E, anh Nguyễn Tuấn K và chị Nguyễn Thị Nữ Việt S được thừa kế thế vị đối với phần di sản ông M được thừa kế, mỗi người được chia 18,84m2, giá trị là 14.695.200đ.

+ Chia cho bà Nguyễn Thị N: 94,2m2 đất, giá trị là 73.476.000đ.

+ Chia cho ông Nguyễn Văn D: 94,2m2 đất, giá trị là 73.476.000đ.

+ Trích công sức cho bà B bằng: 47,1m2 đất, giá trị = 36.738.000đ.

Ghi nhận bà N, chị I, chị P, chị E, anh K và chị S tự nguyện tặng cho bà B phần thừa kế họ được hưởng. Tổng diện tích đất bà B được trích công sức và nhận tặng cho là 235,5m2.

- Về chia đất thực tế (có sơ đồ kèm theo):

+ Chia cho ông Nguyễn Văn D phần đất phía ngoài hướng Đông Bắc, giáp hộ ông Do Ngoan, diện tích 87,33m2, có tứ cận và kích thước như sau:

Hướng Đông Nam giáp đường thôn, cạnh dài 4,1m.

Hướng Đông Bắc giáp hộ ông Do Ngoan, cạnh dài 21,3m. Hướng Tây Bắc giáp hộ ông Thanh Thọ, cạnh dài 4,1m. Hướng Tây Nam giáp phần đất chia cho bà B, cạnh dài 21,3m.

Giao cho ông D được quyền sở hữu các công trình bà B đã xây dựng trên phần đất ông D được chia gồm: Bếp; Nhà vệ sinh (phần nằm trên đất chia cho ông D) và nhà tắm; Bể nước trong bếp; Sân bê tông; Mái tôn trước bếp; Bức tường ngang trước bếp; Bức tường giáp nhà ông Do Ngoan và chuồng bò (phần nằm trên đất chia cho ông D).

+ Chia cho bà Trịnh Thị B phần đất còn lại, diện tích 242,37m2, có tứ cận và kích thước như sau:

Hướng Đông Nam giáp đường thôn, cạnh dài 10,7m.

Hướng Đông Bắc giáp đất chia cho ông D, cạnh dài 21,3m.

Hướng Tây Bắc giáp hộ ông Thanh Thọ, gồm 3 đoạn gấp khúc: 11,8m, 2,3m và 0,7m.

Hướng Tây Nam giáp ngõ xóm, cạnh gấp khúc, không thẳng, dài 10,5m và 9,7m.

Phần góc ngã ba đường cạnh dài 0,7m.

Bà B được quyền sở hữu các công trình do bà B đã xây dựng trên phần đất bà B được chia.

- Nghĩa vụ thanh toán:

Bà B có nghĩa vụ thanh toán cho ông D số tiền chênh lệch tương ứng 6,87m2 đất bà B được chia thêm là 5.358.600đ.

Ông D có nghĩa vụ thanh toán thanh toán cho bà B giá trị tài sản trên phần đất ông D được chia là 76.417.000đ.

Sau khi đối trừ nghĩa vụ, ông D còn phải thanh toán cho bà B số tiền 71.059.000đ (Bảy mươi mốt triệu không trăm năm mươi chín nghìn đồng).

Bà B và ông D có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để yêu cầu cấp Giấy CNQSDĐ đối với phần đất được chia sau khi thi hành án xong.

10. Chi phí thẩm định, định giá: Anh Nguyễn Tuấn K có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông Nguyễn Văn D số tiền chi phí thẩm định, định giá là 2.866.600đ (Hai triệu tám trăm sáu mươi sáu nghìn sáu trăm đồng).

11. Về án phí:

- Văn phòng công chứng C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch là 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng).

- Ông Nguyễn Văn D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 3.673.800đ (Ba triệu sáu trăm bảy mươi ba nghìn tám trăm đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí 6.429.000đ mà D đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Yên Định, theo biên lai thu số AA/2021/0003672 ngày 25/11/2022. Trả lại cho ông D 2.755.200đ (Hai triệu bảy trăm năm mươi lăm nghìn hai trăm đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp.

- Anh Nguyễn Tuấn K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 734.760đ. Ngoài ra, anh K tự nguyện nộp thay phần án phí của bà N là 3.673.800đ và của chị I, chị P, chị E, chị S, mỗi người là 734.760đ. Tổng số tiền án phí anh K phải nộp là 7.347.600đ (Bảy triệu ba trăm bốn mươi bảy nghìn sáu trăm đồng).

- Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho bà Trịnh Thị B.

12. Về quyền kháng cáo: Bà B, bà N, ông D, anh K, chị I, chị P, chị E và chị S có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Văn phòng công chứng C và cụ H có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc từ ngày bản án được niêm yết công khai.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự, có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án, theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật Thi hành án dân sự./. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

12
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu chia di sản thừa kế số 08/2023/DS-ST

Số hiệu:08/2023/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Yên Định - Thanh Hoá
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/07/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về