Bản án về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 52/2022/DS-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 52/2022/DS-PT NGÀY 05/10/2022 VỀ YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU

Ngày 05 tháng 10 năm 2022, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số: 46/2022/TLPT-DS ngày 18/8/2022 về việc “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 10/2022/DS-ST ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Toà án nhân dân huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 62/2022/QĐ-PT ngày 13/9/2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn GB, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc (Có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bà Th: Ông Nguyễn Công Th1, sinh năm 1953; địa chỉ: Thôn VT, xã XL, huyện LT, tỉnh Vĩnh Phúc (Theo văn bản ủy quyền ngày 13/10/2020, có mặt).

- Bị đơn: Văn phòng công chứng MA; địa chỉ: Khu 3, thị trấn VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trịnh Tiến Kh- Trưởng Văn phòng (Vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông Nguyễn Trung Q, sinh năm 1960; địa chỉ: Thôn GB 1, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc (Có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của ông Q: Anh Phạm Dương H, sinh năm 1993; địa chỉ: Văn phòng Luật sư ĐC, Tổ dân P ĐC, thị trấn VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc (Theo văn bản ủy quyền ngày 12/4/2022, có mặt).

Ông Trịnh Tiến Kh, sinh năm 1952; địa chỉ: Văn phòng công chứng MA, Khu 3, thị trấn VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc, (Vắng mặt).

- Người làm chứng:

+ Anh Nguyễn Khánh H1, sinh năm 1983; địa chỉ: Thôn Khách NX, xã VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc (Vắng mặt).

+ Chị Chu Thị Ng, sinh năm 1992; địa chỉ: Thôn An LX, xã VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc (Vắng mặt).

+ Chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1981; địa chỉ: Thôn GB, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc (Có mặt).

4. Người kháng cáo: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Trung Q.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và những lời trình bày tiếp theo trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Công Th1 trình bày:

Cụ Nguyễn Thị Th2 (Đã chết năm 2017) có chồng là cụ Nguyễn Văn Th3 (Đã chết năm 1958). Cụ Th2 và cụ Th3 có 01 người con chung là bà Nguyễn Thị Th. Sau khi cụ Th3 chết, cụ Th2 xây dựng gia đình với cụ Nguyễn Trung T1 (Đã chết năm 1969). Cụ Th2 và cụ T1 có 01 người con chung là bà Nguyễn Thị P (Sinh năm 1965, chết năm 2017). Bà P có để lại di sản là quyền sử dụng đất diện tích 244m2 đất thổ cư thửa số 178, tờ bản đồ 04 ở địa chỉ: Thôn GB, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc. Quyền sử dụng đất nông nghiệp thuộc thửa đất số 10, tờ bản đồ số 02, diện tích 700m2, ở tại thôn GB 1, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc theo Giấy chứng nhận QSDĐ số I 502602 do UBND huyện YL cấp ngày 15/12/1997. Khi còn sống, năm 2006 bà P đã đồng ý cho cháu ruột là Nguyễn Thị T (Chị T là con gái ruột bà Th) thế chấp GCNQSDĐ nêu trên của bà P để vay vốn tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện YL. Năm 2016, vợ chồng chị T đã trả được nợ cho Ngân hàng và lấy lại GCNQSDĐ.

Ngày 01/9/2017, sau khi cụ Th2 chết, bà Th là người được quyền thừa kế duy nhất tài sản mà cụ Th2 và bà P để lại, nên bà Th đã làm thủ tục thông báo công khai về việc nhận thừa kế. Ngày 02/10/2017, UBND xã TL thông báo cho bà Th biết, ông Nguyễn Trung Q có đơn đến UBND xã TL trình bày đã được cụ Th2 lập di chúc để lại cho ông Q toàn bộ quyền sử dụng đất có diện tích 244m2 thửa đất số 178, tờ bản đồ 04 ở địa chỉ: Thôn GB, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc theo Giấy chứng nhận QSDĐ số I 502602 do UBND huyện YL cấp ngày 15/12/1997 đứng tên bà Nguyễn Thị P, trong khi đó bà P đã ủy quyền cho chị T thế chấp GCNQSDĐ để vay vốn Ngân hàng, GCNQSDĐ vẫn còn đang thế chấp để vay vốn.

Di chúc lập ngày 18/4/2017 do Công chứng viên Văn phòng công chứng MA công chứng. Nhưng tại thời điểm công chứng không có GCNQSDĐ mang tên bà Nguyễn Thị P. Sau khi bà Th thu thập được bản di chúc, bà Th khẳng định bản di chúc lập ngày 18/4/2017 là trái pháp luật, vì: Vào thời điểm lập di chúc, cụ Th2 tuổi đã cao, đang ốm rất nặng và sắp qua đời, nằm liệt giường, không biết chữ, không nói được, hoàn toàn không còn minh mẫn và nhận thức được gì nên không thể biết và đồng ý với nội dung bản di chúc mà mọi việc đều do ông Nguyễn Trung Q lợi dụng việc cụ Th2 già yếu, không còn nhận thức được nên đã lập di chúc trái ý chí của cụ Th2, trái quy định của pháp luật, cụ Th2 không thể đi đến Văn phòng công chứng MA để thực hiện lập bản di chúc. Bản di chúc lại có hai người làm chứng là anh Nguyễn Khánh H1 và chị Chu Thị Ng (Khi đó đang làm việc tại Công ty Luật TNHH TH) là người được ông Q thuê làm dịch vụ, người làm chứng hoàn toàn không khách quan. Trong khi đó bà Th là con cụ Th2, là người trực tiếp nuôi dưỡng cụ Th2 và anh em con cháu ở gần không ai được biết để chứng kiến.

Nay bà Th đề nghị Tòa án giải quyết: Tuyên bố văn bản công chứng đối với di chúc của cụ Nguyễn Thị Th2 do Công chứng viên Văn phòng công chứng MA công chứng số 662, quyển số 01.2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017 là vô hiệu. Về hậu quả của văn bản công chứng vô hiệu, nguyên đơn không yêu cầu Tòa án giải quyết về hậu quả của văn bản công chứng bị vô hiệu, không yêu cầu Văn phòng công chứng MA phải bồi thường thiệt hại.

Bị đơn-Văn phòng công chứng MA, người đại diện ông Trịnh Tiến Kh vắng mặt nhưng quá trình giải quyết vụ án ông Kh trình bày: Ngày 18/4/2017, Văn phòng công chứng MA có soạn thảo bản di chúc đề ngày 18/4/2017 tại Văn phòng. Sau đó Văn phòng công chứng MA đại diện là ông Kh có đến nhà cụ Nguyễn Thị Th2 ở xóm Ch, thôn GB, xã TL, huyện YL. Lý do ông Kh phải đến gia đình cụ Th2 vì khi đó cụ Th2 bị ốm, nằm một chỗ không đi lại được. Cụ Th2 không nói được, chỉ chớp mắt, gật đầu. Tại nhà cụ Th2 gồm có ông Kh, cụ Th2, ông Q, anh H1 và chị Ng (Thời điểm này anh H1, chị Ng đang làm ở Công ty Luật Thịnh Hưng). Trước mặt mọi người ông Kh có công bố nội dung bản di chúc cho mọi người cùng nghe. Sau đó ông Kh hỏi cụ Th2 xem cụ Th2 có nhất trí với bản di chúc không thì cụ Th2 gật đầu và chớp mắt. Cụ Th2 có điểm chỉ ngón trỏ phải vào bản di chúc. Anh H1, chị Ng ký vào mục người làm chứng trong bản di chúc. Sau đó ông Kh tiến hành công chứng đối với bản di chúc nêu trên. Bản di chúc có số công chứng 662, quyển số 01/2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017. Ông Kh khẳng định việc Văn phòng công chứng MA lập bản di chúc ngày 18/4/2017 là đúng quy định pháp luật. Bà Th khởi kiện đề nghị tuyên bố Văn bản công chứng đối với di chúc của cụ Nguyễn Thị Th2, số công chứng 662, quyển số 01.2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017 là vô hiệu, quan điểm của ông Kh không đồng ý. Ông Kh đề nghị Tòa án giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật và xin vắng mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Trung Q- Người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Trung Q là anh Phạm Dương H trình bày: Trước đây cụ Th2 sống với bà P, không may bà P qua đời đột ngột, cụ Th2 tuổi cũng cao cần có người chăm sóc. Ngày 12/3/2017, gia đình nội tộc ông Q có họp gia đình để cùng nhau thống nhất việc chăm sóc cụ Nguyễn Thị Th2 và thống nhất quyền sử dụng đất của cụ Th2 được thừa kế từ bà Nguyễn Thị P sẽ trả lại nội tộc họ Nguyễn Trung để sau này làm nơi thờ cúng. Khi cụ Th2 có thay đổi về sức khỏe thì bà Th và ông Q sẽ phải có trách nhiệm báo cáo cho họ tộc để cùng chăm sóc cụ. Khi bà Th bận việc không chăm sóc được thì ông Q sẽ thay bà Th chăm sóc cụ Th2. Tại buổi họp các ý kiến đều thống nhất với nội dung trên. Bà Th đã đề xuất từ bỏ quyền thừa kế sử dụng đất của cụ Th2 vì đất đai cụ Th2 là đất đai của tổ tiên 4 đời để lại. Khi cụ Th2 qua đời thì đất đai trả lại cho tổ tiên họ tộc Nguyễn Trung. Kết thúc buổi họp gia đình, biên bản đã được thông qua cho mọi người và không ai có ý kiến gì phản đối hay bổ sung thêm ý kiến gì và cùng nhau ký tên. Theo mong muốn của cụ Th2 là cụ muốn lập Di chúc để lại tài sản cho ông Q để sau này làm nơi thờ cúng cho họ tộc nên ông Q có nhờ Luật sư để tiến hành các thủ tục liên quan tới di chúc. Ngày 18/4/2017, trước mặt công chứng viên là ông Trịnh Tiến Kh và hai người làm chứng là ông Nguyễn Khánh H1 và chị Chu Thị Ng (Là nhân viên của Công ty luật Thịnh Hưng), cụ Th2 đã điểm chỉ vào bản di chúc. Trước khi điểm chỉ cụ Th2 đã được nghe lại toàn bộ nội dung của bản di chúc. Khi lập di chúc, tuy cụ Th2 không đi lại được nhưng cụ vẫn tỉnh táo và vẫn biết được mọi người. Ngày 12/10/2017 ông Q thực hiện các thủ tục để khai nhận di sản thừa kế đối với di sản mà cụ Th2 để lại tại Văn phòng công chứng MA. Nay bà Th có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên văn bản công chứng vô hiệu, quan điểm của anh H cho rằng yêu cầu của bà Th là không có căn cứ.

Người làm chứng- chị Chu Thị Ng vắng mặt nhưng quá trình giải quyết vụ án chị Ng trình bày: Chị không có quan hệ gì với cụ Th2. Ngày 18/4/2017, do anh Nguyễn Khánh H1 giới thiệu về việc cụ Th2 đang muốn tìm 02 người làm chứng về việc cụ Th2 lập di chúc. Sau khi nghe anh H1 trao đổi, chị Ng đồng ý làm người làm chứng cho cụ Th2 trong bản di chúc của cụ Th2. Chị Ng được anh H1 đưa đến nhà cụ Th2 ở thôn GB 1, xã TL. Tại thời điểm lập di chúc chị Ng là người trực tiếp đánh máy, nội dung là cụ Th2 trực tiếp đọc cho chị Ng đánh máy, còn hình thức là chị Ng làm theo đúng thể thức của Văn phòng công chứng. Thời điểm đó cụ Th2 minh mẫn, sáng suốt. Nhà cụ Th2 lúc đó có ông Nguyễn Trung Q, chị Ng, anh H1 và ông Kh- đại diện Văn phòng công chứng, ngoài ra có ai nữa không thì chị không nhớ. Chị không nhớ cụ Th2 nằm hay ngồi để đọc nội dung di chúc cho chị đánh máy. Chị có ký vào bản di chúc của cụ Th2 với tư cách là người làm chứng. Di chúc lập ngày 18/4/2017 được lập tại nhà cụ Nguyễn Thị Th2.

Người làm chứng- anh Nguyễn Khánh H1 vắng mặt nhưng quá trình giải quyết vụ án anh H1 trình bày: Anh H1 hiện nay đang là Trưởng Văn phòng Luật sư ĐC, địa chỉ: Tổ dân P ĐC, thị trấn VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc. Anh không có mối quan hệ gia đình, họ hàng gì với cụ Nguyễn Thị Th2. Ngày 18/4/2017, ông Nguyễn Trung Q có mời anh và chị Chu Thị Ng đứng ra làm chứng cho việc cụ Th2 lập di chúc. Thời điểm đó, anh và chị Ng đều đang làm việc tại Công ty Luật TNHH TH do bà Hoàng Thị Minh D là Giám đốc công ty. Đồng ý với đề nghị của ông Q, anh và chị Ng đã đến gia đình cụ Nguyễn Thị Th2 ở thôn GB 1, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại thời điểm lập di chúc, chị Ng là người trực tiếp đánh máy, nội dung di chúc là do cụ Th2 đọc cho chị Ng đánh máy. Về hình thức, chị Ng làm theo đúng thể thức của văn phòng công chứng. Thời điểm đó, cụ Th2 bị ốm, không đi lại được nên ông Q có đưa mọi người đến nhà cụ Th2 để làm chứng. Cụ Th2 chỉ không đi lại được nhưng cụ vẫn còn minh mẫn, tỉnh táo. Tại gia đình cụ Th2 có ông Nguyễn Trung Q là người đưa anh và chị Ng đến gia đình cụ Th2. Ngoài ra, còn có đại diện Văn phòng Công chứng MA là ông trịnh Tiến Kh có mặt. Anh và chị Ng ký vào văn bản di chúc của cụ Th2 với tư cách là người làm chứng. Anh khẳng định di chúc của cụ Th2 lập ngày 18/4/2017 tại gia đình cụ Th2 đã đảm bảo về mặt hình thức và nội dung đã đúng theo quy định của pháp luật.

Người làm chứng - chị Nguyễn Thị T trình bày: Chị là con gái của bà Nguyễn Thị Th, bà Th là con gái của cụ Nguyễn Thị Th2. Năm 2015, cụ Th2 không đi lại được, không còn minh mẫn, không nhận thức được gì, nên cụ Th2 không thể đến được Văn phòng công chứng MA để lập di chúc. Bà Th là con gái cụ Th2, chị là cháu gái cụ Th2 cũng như hàng xóm không ai được chứng kiến về việc Văn phòng công chứng MA lập Di chúc và công chứng Di chúc ngày 18/4/2017. Khi đó Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 178, tờ bản đồ 04, DT 244m2 ở địa chỉ thôn GB, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc chị T vẫn đang quản lý Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên. Do vậy việc Văn phòng công chứng MA công chứng đối với Di chúc lập ngày 18/4/2017 là không đúng với quy định của pháp luật. Nay bà Th khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên Văn bản công chứng do Văn phòng công chứng MA công chứng là vô hiệu, quan điểm của chị nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bà Th.

Với nội dung trên, tại Bản án Dân sự sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 06/7/2022 của Toà án nhân dân huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định:

Căn cứ Điều 26; Điều 35; Điều 147; Điều 227; Điều 228; Điều 229 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 630; Điều 636; Điều 639 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 40; Điều 52 Luật Công chứng; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Th.

Tuyên bố Văn bản công chứng đối với di chúc của cụ Nguyễn Thị Th2 do Công chứng viên Văn phòng công chứng MA công chứng số 662, quyển số 01.2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017 vô hiệu.

Ngoài ra Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 19 tháng 7 năm 2022, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Trung Q có đơn kháng cáo, không nhất trí với bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn bà Nguyễn Thị Th giữ nguyên yêu cầu khởi kiện; ông Nguyễn Trung Q giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Các đương sự, Thẩm phán, Thư ký và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.

Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án và đánh giá chứng cứ, đại diện Viện kiểm sát nhận xét kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Trung Q là không có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 điều 308 Bộ Luật Tố tụng dân sự bác đơn kháng cáo của ông Q, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ đã thu thập có trong hồ sơ vụ án trên cơ sở thẩm tra, xem xét tại phiên toà. Căn cứ vào kết quả tranh luận, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện lời khai của các đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử thấy:

[1] Về thẩm quyền giải quyết, quan hệ tranh chấp và thủ tục tố tụng:

Theo quy định tại khoản 11 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nhân dân huyện VT giải quyết là có căn cứ. Vì tại thời điểm khởi kiện cũng như trong quá trình Tòa án nhân dân huyện VT giải quyết vụ án bị đơn là Văn phòng công chứng MA có địa chỉ tại: Khu 3, thị trấn VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc.

Về quan hệ tranh chấp: Bà Nguyễn Thị Th khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng đối với di chúc của cụ Nguyễn Thị Th2 do Công chứng viên Văn phòng công chứng MA công chứng số 662, quyển số 01.2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017 là vô hiệu. Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là “Yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệulà có căn cứ.

Về sự vắng mặt của đương sự: Tại phiên tòa vắng mặt bị đơn, người làm chứng nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Xét thấy trong quá trình giải quyết vụ án đã có lời khai của bị đơn, người làm chứng, sự vắng mặt của bị đơn, người làm chứng không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, cần căn cứ vào khoản 2 Điều 227; khoản 2 Điều 229 Bộ luật Tố tụng Dân sự để xét xử vắng mặt bị đơn và người làm chứng.

[2] Về hình thức đơn kháng cáo: Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Trung Q làm đơn kháng cáo trong hạn luật định về hình thức đơn hợp lệ, được xem xét giải quyết. Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn giữ nguyên đơn khởi kiện, người kháng cáo giữ nguyên kháng cáo. Các đương sự không xuất trình được thêm tài liệu, chứng cứ gì mới, đề nghị giải quyết theo pháp luật.

[3] Về nội dung: Xét kháng cáo của ông Nguyễn Trung Q cho rằng bản án sơ thẩm không khách quan, thực tế; đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Bà Nguyễn Thị Th là con ruột của cụ Nguyễn Thị Th2 và cụ Nguyễn Văn Th3. Sau khi cụ Th3 chết thì cụ Th2 lấy cụ Nguyễn Trung T1 và có 01 con chung là bà Nguyễn Thị P. Bà Nguyễn Thị P trước khi chết có các tài sản là Quyền sử dụng thửa đất số 178 diện tích 244m2 (Thổ cư lâu dài); thửa đất số 10, diện tích 700m2 (Đất lúa); thửa đất số 514, diện tích 110m2 (Đất lúa) được Uỷ ban nhân dân huyện YL cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I 502602 ngày 15/12/1997. Bà P chết ngày 23/01/2017 (Theo trích lục khai tử ngày 23/01/2017 của UBND xã TL) nhưng không để lại di chúc. Do đó, cụ Th2 là người duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà P được thừa kế toàn bộ di sản do bà P để lại là quyền sử dụng các thửa đất nêu trên. Ngày 12/6/2017 cụ Th2 chết, sau khi cụ Th2 chết thì bà Th là người thừa kết duy nhất thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ Th2.

Sau khi cụ Th2 chết, bà Th làm thủ tục thông báo công khai về việc nhận thừa kế, thì biết ngày 19/4/2017, Văn phòng Công chứng MA đã công chứng bản di chúc lập ngày 18/4/2017 với nội dung:

“Hôm nay, ngày 18 tháng 4 năm 2017. Tại trụ sở văn phòng công chứng MA. Địa chỉ: Khu 3, thị trấn VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc.

Họ và tên tôi là Nguyễn Thị Th2.

Trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt, tôi lập di chúc định đoạt phần tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của tôi như sau:

Tôi là người duy nhất thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bà Nguyễn Thị P, con gái tôi, sinh năm 1965, mất ngày 23/01/2017 theo Bản sao Trích lục khai tử số 29/TLKT-BS do UBND xã TL, huyện YL cấp ngày 23/01/2017. Trước khi chết, bà P không để lại di chúc. Các tài sản mà tôi được thừa kế từ con gái tôi là bà P bao gồm:

- 01 quyền sử dụng đất nông nghiệp thuộc thửa đất số 10, tờ bản đồ số 02, diện tích 700m2 tại thôn GB 1, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc theo Biên bản xác minh ngày 23 tháng 3 năm 2017 giữa Công ty Luật TNHH TH và UBND xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc.

- 01 quyền sử dụng đất thổ cư thuộc thửa đất số 178, tờ bản đồ số 04, diện tích 244m2, địa chỉ thửa đất tại thôn GB 1, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc theo Biên bản xác minh ngày 23 tháng 3 năm 2017 giữa Công ty Luật TNHH TH và UBND xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nay tôi lập Di chúc để định đoạt phần tài sản của tôi nêu trên phòng khi tôi không may qua đời, các con cháu của tôi theo di chúc này mà làm, tránh khỏi những tranh chấp đáng có. Cụ thể: Sau khi tôi qua đời, Cháu tôi là ông Nguyễn Trung Q. Ngày, tháng, năm sinh: 15/02/1960 Sẽ được thừa hưởng toàn bộ di sản thừa kế thuộc sở hữu của tôi, như đã nêu trên, do tôi để lại. Tôi không để lại di sản thừa kế của tôi nêu trên cho bất cứ ai khác nữa.

Để làm chứng cho việc lập Di chúc, tôi có mời người làm chứng là:

1. Ông Nguyễn Kháng H1. Sinh ngày: 08/3/1983… Bà Chu Thị Ng Sinh ngày: 18/01/1992 Những người làm chứng nêu trên là do tôi tự lựa chọn và mời đến, họ không thuộc những người thừa kế theo Di chúc hoặc theo pháp luật của tôi, không phải là người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung Di chúc, họ có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.

Tôi đã được nghe đọc Di chúc, đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong Di chúc và điểm chỉ vào Di chúc này trước sự có mặt của công chứng viên và 02 người làm chứng.

Về địa điểm lập di chúc và địa điểm công chứng di chúc: Di chúc và văn bản công chứng di chúc đều thể hiện việc lập di chúc và công chứng di chúc được thực hiện tại Văn phòng công chứng MA, “Hôm nay, ngày 18/4/2017, tại Văn phòng công chứng MA, khu 3, thị trấn VT...”. Tuy nhiên, theo lời khai của Công chứng viên ông Trịnh Tiến Kh và những người làm chứng bà Chu Thị Ng, ông Nguyễn Khánh H1 thì việc lập di chúc và công chứng di chúc được thực hiện tại nhà của cụ Th2. Hơn nữa, căn cứ vào lời trình bày của bà Th, xác nhận của đại diện Mặt trận tổ quốc, Chi hội phụ nữ, Chi hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ, hàng xóm và trưởng thôn GB I có cơ sở để khẳng định từ năm 2015, cụ Th2 ốm nặng, cụ không đi lại được và nằm liệt tại giường. Căn cứ vào T1 hình sức khỏe của cụ Th2 tại thời điểm lập di chúc cũng như lời khai xác nhận của công chứng viên, người làm chứng thì có đủ cơ sở khẳng định địa điểm lập di chúc và công chứng di chúc là tại nhà cụ Th2. Do vậy, Di chúc và văn bản công chứng Di chúc thể hiện được lập tại Văn phòng công chứng MA, khu 3, thị trấn VT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc là không đúng.

Trong quá trình giải quyết vụ án người làm chứng anh H1 và chị Ng đều khẳng định chị Ng là người đánh máy soạn thảo Di chúc của cụ Th2 theo nội dung mà cụ Th2 trực tiếp đọc cho chị Ng. Tuy nhiên công chứng viên lại trình bày văn bản công chứng được soạn thảo trước tại Văn phòng công chứng MA, sau đó tại nhà cụ Th2 công chứng viên công bố bản di chúc cho mọi người cùng nghe và công chứng viên hỏi cụ Th2 xem có nhất trí với bản di chúc không thì cụ gật đầu và chớp mắt vì cụ Th2 không nói được. Điều này cho thấy sự mâu thuẫn và không khách quan giữa lời trình bày của Công chứng viên và người làm chứng trong việc lập di chúc của cụ Th2, vi phạm Điều 636, 639 BLDS về thủ tục công chứng di chúc tại nhà. Tại Điều 636, 639 BLDS 2015 quy định:

“1. Người lập di chúc tuyên bố nội dung của di chúc trước công chứng viên... Công chứng viên ... phải ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên bố. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận bản di chúc đã được ghi chép chính xác và thể hiện đúng ý chí của mình...”.

“1. Người lập di chúc có thể yêu cầu công chứng viên tới chỗ ở của mình để lập di chúc.

2. Thủ tục lập di chúc tại chỗ ở được tiến hành như thủ tục lập di chúc tại tổ chức hành nghề công chứng theo quy định tại Điều 636 của Bộ luật này”.

Về năng lực hành vi của người lập di chúc: Quá trình giải quyết vụ án công chứng viên Trịnh Tiến Kh trình bày khi lập di chúc thì cụ Th2 bị ốm, nằm một chỗ không đi lại được, khi công bố nội dung di chúc ông có hỏi cụ Th2 xem có nhất trí với bản di chúc không thì cụ gật đầu và chớp mắt. Người làm chứng anh Nguyễn Khánh H1, chị Chu Thị Ng trình bày vào ngày lập di chúc thì cụ Th2 bị ốm, không đi lại được nhưng vẫn minh mẫn, sáng suốt. Bà Th cho rằng tại thời điểm lập di chúc, cụ Th2 không còn minh mẫn, tỉnh táo, nằm liệt giường, không đi lại được.

Mặc dù chưa có sự xác nhận của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan đến việc cụ Th2 bị bệnh tâm thần hay hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, căn cứ vào lời trình bày của bà Th là người trực tiếp chăm sóc cụ Th2 cho đến khi cụ Th2 chết và sự xác nhận của đại diện Mặt trận tổ quốc, Chi hội phụ nữ, Chi hội người cao tuổi, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ, hàng xóm và trưởng thôn GB I có cơ sở để khẳng định cụ Th2 bị bệnh thần kinh từ những năm 1990, thường xuyên không mặc quần áo, bỏ nhà đi lang thang. Từ năm 2015, bệnh T1 của cụ Th2 ngày càng trở nặng, cụ không đi lại được và nằm liệt tại giường, miệng nói nhảm nhí, không còn nhận biết được mọi người là ai, đại tiểu tiện tại chỗ mà không biết, tại thời điểm lập di chúc. Do vậy, có đủ cơ sở xác định tại thời điểm lập di chúc cụ Th2 không còn được minh mẫn, tỉnh táo.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 625 Bộ luật Dân sự về điều kiện của người lập di chúc: “Người lập di chúc phải là người Th niên, có đủ điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật này có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình”. Điểm a khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự quy định: “Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc...”. Như vậy, điều kiện để di chúc hợp pháp là người lập di chúc bắt buộc phải còn minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc. Tuy nhiên, ngày 18/4/2017 cụ Th2 lập di chúc trong T1 trạng không minh mẫn, sáng suốt nên di chúc này không hợp pháp.

Đối với người làm chứng trong di chúc: Người làm chứng việc lập di chúc là anh H1 và chị Ng đều do ông Nguyễn Trung Q mời đến làm chứng việc Di chúc lập ngày 18/4/2017, không phải là do cụ Th2 mời. Tại thời điểm lập di chúc người thừa kế duy nhất của cụ Th2 là bà Th lại hoàn toàn không biết và không có mặt. Tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện theo ủy quyền của ông Q trình bày, do gia đình ông Q trước đó đã nhờ Công ty Luật TNHH TH tư vấn về việc lập di chúc, do đó ông Q đã nhờ luôn anh H1 và chị Ng (Đang làm việc tại Công ty Luật TNHH TH) làm chứng trong Di chúc. Điều này có thể thấy việc không vô tư, khách quan trong quá trình mời những người làm chứng thực hiện làm chứng việc lập Di chúc vào ngày 18/4/2017.

Về hồ sơ công chứng: Hồ sơ công chứng di chúc mà Văn phòng công chứng MA cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm bao gồm: 01 Di chúc đề ngày 18/4/2017, 01 Đơn xác nhận hộ khẩu, 01 Biên bản xác minh đề ngày 23/3/2017, 01 Thông báo số 312/2017/TB-CC ngày 12/10/2017, 01 Căn cước công dân, 01 trích lục khai tử (Đều là bản phô tô), ngoài ra Văn phòng công chứng MA không cung cấp bất cứ tài liệu gì khác.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng năm 2014 về hồ sơ yêu cầu công chứng gồm:

“1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập Th một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo;

tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;

.......................

d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó”;

Như vậy, hồ sơ công chứng di chúc của cụ Th2 không có Phiếu yêu cầu công chứng và bản sao Giấy chứng nhận QSDĐ số I 502602 đối với thửa đất số 178, tờ bản đồ 04, diện tích 244m2, bản sao Giấy chứng nhận QSDĐ thửa đất số 10, tờ bản đồ số 02, diện tích 700m2 các thửa đất trên đều ở địa chỉ thôn GB 1, xã TL, huyện YL, tỉnh Vĩnh Phúc đứng tên bà Nguyễn Thị P là vi phạm. Không có Phiếu yêu cầu công chứng và bản sao Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng Văn phòng công chứng vẫn tiến hành công chứng là vi phạm về thủ tục công chứng.

Quá trình giải quyết vụ án, đại diện theo ủy quyền của ông Q là anh H có giao nộp cho Tòa án cấp sơ thẩm Biên bản họp gia đình ngày 12/3/2017 và tại phiên tòa, anh H cho rằng: Ngày 12/3/2017, tại cuộc họp gia đình bà Th đã đề xuất từ bỏ quyền thừa kế sử dụng đất của cụ Th2 vì đất đai cụ Th2 là đất đai của tổ tiên 4 đời để lại. Khi cụ Th2 qua đời thì đất đai trả lại cho tổ tiên họ tộc Nguyễn Trung nên anh H cho rằng bà Th đã từ bỏ quyền thừa kế của mình, bà Th không có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng Di chúc đã được Văn phòng công chứng MA công chứng số công chứng 662 quyển số 01/2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017 là vô hiệu. Hội đồng xét xử thấy: Biên bản họp gia đình được lập trước khi có Di chúc lập ngày 18/4/2017. Sau khi bà P chết, cụ Th2 là người thừa kế di sản của bà P để lại và là người có quyền định đoạt đối với di sản thừa kế đó nhưng cụ Th2 lại không có mặt tại buổi họp gia đình ngày 12/3/2017, mặt khác tài sản chưa được sang tên cho cụ Th2 cũng như nội tộc gia đình ông Q không có quyền tự định đoạt đối với di sản thừa kế do bà P để lại. Và trong vụ án này, bà Th khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng Di chúc đã được Văn phòng công chứng MA công chứng số công chứng 662 quyển số 01/2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017 là vô hiệu bà Th không yêu cầu chia di sản thừa kế.

Từ những phân tích trên Hội đồng xét xử thấy văn bản công chứng ngày 18/4/2017, số công chứng 662 quyển số 01/2017/TP/CC-SCC/HĐGD của Văn phòng công chứng MA có vi phạm về mặt hình thức, trình tự, thủ tục về việc công chứng và có nhiều vi phạm khác. Do vậy, Việc Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Th. Tuyên bố Văn bản công chứng đối với di chúc của cụ Nguyễn Thị Th2 do Công chứng viên Văn phòng công chứng MA công chứng số 662, quyển số 01.2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017 vô hiệu là có căn cứ. Yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Trung Q là không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về giải quyết hậu quả pháp lý của văn bản công chứng vô hiệu: Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm các đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của văn bản công chứng vô hiệu, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không yêu cầu Văn phòng công chứng MA bồi thường thiệt hại nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là có căn cứ.

[4] Về án phí: Do kháng cáo của ông Nguyễn Trung Q không được chấp nhận nên ông Q phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Bởi các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Điều 293; khoản 1 Điều 308; Điều 313 Bộ Luật Tố tụng dân sự: Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Trung Q, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 10/2022/DS-ST ngày 06/7/2022 của Tòa án nhân dân huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc.

Căn cứ Điều 26; Điều 35; Điều 147; Điều 227; Điều 228; Điều 229 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 630; Điều 636; Điều 639 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 40; Điều 52 Luật Công chứng; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

Tuyên bố Văn bản công chứng đối với di chúc của cụ Nguyễn Thị Th2 do Công chứng viên Văn phòng công chứng MA công chứng số 662, quyển số 01.2017/TP/CC-SCC/HĐGD ngày 18/4/2017 vô hiệu.

Án phí dân sự: Văn phòng công chứng MA phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Ông Nguyễn Trung Q phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự phúc thẩm. Đã nộp số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng (do anh Phạm Dương H nộp thay) tại biên lai thu tạm ứng án phí số 0005596 ngày 11 tháng 8 năm 2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện VT, ông Q đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

32
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 52/2022/DS-PT

Số hiệu:52/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:05/10/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về