Bản án về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh số 45/2018/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN  45/2018/KDTM-PT NGÀY 12/04/2018 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ BẢO LÃNH

Trong các ngày 10/04/2018 và 12/4/2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 88/2017/TLPT-KDTM ngày 09/10/2017 về việc yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2017/KDTM-ST ngày 19/06/2017 của Tòa án nhân dân quận Tây Hồ, TP Hà Nội bị kháng cáo, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 39/2018/QĐXX- PT ngày 29/01/2018, giữa:

Nguyên đơn: Công ty VAMC

Trụ sở: số 22, phố HV, phường  LTT, quận HK, TP Hà Nội; Người đại diện theo ủy quyền: ông Trần K, bà Nguyễn Quỳnh H, ông Nguyễn Ngọc T, ông Trịnh Quốc V và bà Kiều H, theo văn bản ủy quyền số 30/VAMC- UQ ngày 30/6/2017 (ông K, bà Quỳnh H, ông T, ông V, bà Kiều H có mặt tại phiên tòa).

Bị đơn: Tng công ty cổ phần SH

Trụ sở: số 76, phố AD, phường YP, quận TH, TP Hà Nội; Người đại diện theo ủy quyền: ông Trần Anh T, theo Giấy ủy quyền số 97/UQ-TCT ngày 25/10/2017 (ông T có mặt tại phiên tòa).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Hoàng Kim T- Công ty luật TNHH MTV QTC, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội (bà T có mặt tại phiên tòa).

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: ng ty cổ phần thép SH

Trụ sở: phố ĐK, phường BH, thành phố VT, tỉnh PT; Người đại diện theo ủy quyền: ông Ngũ Thành T, theo Giấy ủy quyền số 06/GUQ-SHS ngày 02/4/2018 (ông T có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2017/KDTM- ST ngày 19/6/2017 của Tòa án nhân dân quận Tây Hồ, TP Hà Nội thì vụ án có nội dung như sau:

Ngày 09/3/2011, Ngân hàng TMCP SGHN (sau đây viết tắt là Ngân hàng) và Công ty cổ phần thép SH (sau đây viết tắt là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) đã ký Hợp đồng cấp hạn mức tín dụng số 0082403/2011/HMTD- PN/SHBHN (sau đây viết tắt là Hợp đồng tín dụng số 82403), theo đó Ngân hàng đồng ý cấp cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hạn mức tín dụng có giá trị 300 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng, kể từ ngày 09/3/2011 đến ngày 09/3/2012. Mục đích vay vốn bổ sung vốn lưu động để phục vụ hoạt động của công ty.

Biện pháp bảo đảm cho khoản vay nêu trên là:

- Thư bảo lãnh: Tổng công ty cổ phần SH (sau đây viết tắt là bị đơn) phát hành thư bảo lãnh vay vốn số 435/TCT-TCKT ngày 04/4/2011 (sau đây viết tắt là “Thư bảo lãnh”) trị giá 100 tỷ đồng, bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Ngân hàng.

- Tài sản thế chấp: thép thanh vằn các loại theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 0081706/2011/HĐTCTS-PN/SHBHN ngày 01/6/2011 (sau đây viết tắt là Hợp đồng thế chấp tài sản số 81706) với khối lượng 13.539.134 kg, có giá trị định giá là 216.000.000.000 đồng. Tài sản bảo đảm này đã được đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 19/9/2011 theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình vay vốn, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng đã nhiều lần làm việc về yêu cầu trả nợ nhưng Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thực hiện nghĩa vụ dẫn đến nợ quá hạn. Ngân hàng cũng đã làm việc và yêu cầu Bị đơn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như đã cam kết tại Thư bảo lãnh nhưng Bị đơn đã từ chối nghĩa vụ bảo lãnh. Ngày 02/5/2013, Ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu Bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ thay cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngày 25/9/2014, Ngân hàng đã bán toàn bộ khoản nợ của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Công ty VAMC (sau đây viết tắt là Nguyên đơn) theo Hợp đồng mua, bán nợ số 3309/2014/MBN.VAMC2- SHB (sau đây viết tắt là Hợp đồng mua bán nợ số 3309) và đã thông báo cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Bị đơn tại Công văn số 3224/CV- TGĐ ngày 30/9/2014.

Tính đến ngày Tòa án xét xử, Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ thay cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan số tiền là 261.878.051.607 đồng (nợ gốc là 95.438.288.472 đồng, nợ lãi trong hạn là 4.058.000.020 đồng và nợ lãi quá hạn là 162.381.763.115 đồng). Nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn số tiền trên và đồng thời phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong các Khế ước nhận nợ của Hợp đồng tín dụng số 82403 cho đến khi thanh toán xong toàn bộ số tiền nợ gốc. Trong trường hợp Bị đơn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ theo phán quyết, quyết định có hiệu lực của Tòa án, thì Nguyên đơn được đề nghị Cơ quan thi hành án có thẩm quyền phong tỏa, cưỡng chế, kê biên và phát mại các tài sản của Bị đơn để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

Đối với số nợ còn lại theo Hợp đồng tín dụng số 82403, Nguyên đơn không yêu cầu giải quyết trong vụ án này, tạo điều kiện cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra thành phẩm để có tài sản thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho Nguyên đơn.

Đại diện theo ủy quyền của Bị đơn trình bày:

Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng và không đồng ý với Thông báo số 05 ngày 15/5/2017 của Tòa án nhân dân quận Tây Hồ về việc thay đổi Nguyên đơn khởi kiện vì không có căn cứ pháp luật, với lý do Ngân hàng đã bán nợ cho Nguyên đơn nên Ngân hàng không còn quyền khởi kiện và đề nghị Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng buộc Bị đơn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ tiền gốc quá hạn, lãi chậm trả thay cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không có căn cứ vì nội dung Thư bảo lãnh, Bị đơn cam kết bảo lãnh cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc vay vốn tại Ngân hàng để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh với các điều kiện sau:

Điều kiện giải ngân là phương án sản xuất kinh doanh phải đảm bảo có hiệu quả, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về lãi suất vay và các khoản phí theo quy định. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra các hồ sơ liên quan thì Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã lập 16 phương án sản xuất kinh doanh kèm theo 16 Khế ước (từ Khế ước số 14 ngày 11/5/2011 đến Khế ước số 29 ngày 17/11/2011). Các phương án sản xuất kinh doanh này là không chính xác, không phù hợp với thực tế, không đúng với các định mức chi phí của kế hoạch giá thành kèm theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2011, tính thiếu chi phí lãi vay (khoảng 20 tỷ đồng), không tính chi phí nhân công trực tiếp (khoảng 1,9 tỷ đồng) trong cơ cấu chi phí. Do đó, phần lớn các phương án kinh doanh sau khi tính toán lại đều không đảm bảo hiệu quả, điều này chưa được Ngân hàng kiểm tra sau từng lần giải ngân để có biện pháp dừng cho vay kịp thời. Theo báo cáo kiểm toán năm 2011, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thua lỗ trong hoạt động sản xuất kinh doanh là 55,281 tỷ đồng.

Về mục đích vay vốn: theo hồ sơ vay vốn do Ngân hàng cung cấp cho Bị đơn, các Khế ước vay vốn số 21 ngày 07/6/2011, số 24 ngày 19/9/2011, số 26 ngày 04/11/2011, Ngân hàng đã cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vay vốn mua phôi SD295 với mục đích phục vụ sản xuất thép với tổng số tiền vay là 92,99 tỷ đồng. Qua thực tế kiểm tra tại cơ sở của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhận thấy trong hồ sơ giao dịch mua bán phôi thép với Công ty cổ phần B.C.H không có các hồ sơ chứng từ chứng minh việc có mua phôi nhập kho để sản xuất (không có phiếu cân hàng, không có hồ sơ giao nhận chi tiết cho từng chuyến hàng, không có biên bản giao nhận, không có chứng chỉ nguồn gốc, chất lượng cho lô hàng, không có phiếu nhập kho), thực tế không có phôi thép nhập kho như phương án kinh doanh và mục đích vay vốn gửi Ngân hàng. Mặt khác, trong khoảng thời gian 05 tháng kể từ ngày giải ngân Khế ước số 21 đến ngày giải ngân Khế ước số 26, Ngân hàng không tiến hành kiểm tra tình hình sau khi cho vay để có thể phát hiện kịp thời các sai phạm mà vẫn tiếp tục cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vay tiền để thanh toán mua phôi thép cho Công ty cổ phần B.C.H, dẫn tới làm tăng nghĩa vụ bảo lãnh của Bị đơn. Đồng thời, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan lập hồ sơ bán luôn 03 lô phôi SD 295 nói trên cho Công ty Thái Hưng theo các hoá đơn số 0000065 ngày 07/6/2011, 0000197 ngày 19/9/2011, 0000280 ngày 28/10/2011 (mà không có hồ sơ xuất kho) với tổng giá trị 94.064.330.250 đồng. Tổng số tiền thu về từ giao dịch bán phôi cho Công ty Thái Hưng, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chuyển về Ngân hàng là 16 tỷ đồng, tổng số tiền không chuyển về tài khoản mở tại Ngân hàng là 78 tỷ đồng, dẫn đến thiếu hụt dòng tiền để trả nợ.

Quản lý nguồn thu về tài khoản mở tại Ngân hàng, theo điều kiện giải ngân tại cam kết bảo lãnh của Bị đơn thì toàn bộ nguồn thu theo phương án sản xuất kinh doanh của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được Ngân hàng chấp nhận và được chuyển về tài khoản duy nhất của Người có quyền lợi, nghĩa vụ  liên  quan tại Ngân  hàng  để kiểm soát  và thu hồi nợ. Qua kiểm tra từ 04/4/2011 đến 31/12/2011, tổng số tiền bán thép thành phẩm Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thu về tài khoản tại Ngân hàng là 416.499.515.810 đồng. Ngân hàng đã không thực hiện quản lý nguồn thu theo quy định thu hồi nợ vay ngay mà để cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sử dụng cho các mục đích khác với tổng số tiền là 29,57 tỷ đồng (trong đó chuyển đi các Ngân hàng khác 19,37 tỷ đồng, thanh toán các hợp đồng mua phôi không vay vốn tại Ngân hàng là 10,2 tỷ đồng), dẫn đến thiếu hụt dòng tiền trả nợ vay.

Về tài sản bảo đảm cho khoản vay, tại Điều 3 biện pháp đảm bảo của Hợp đồng tín dụng số 82403, thì tài sản thế chấp hàng hoá tồn kho và hàng hoá hình thành từ vốn vay là phôi thép và thép xây dựng các loại. Tỷ lệ cho vay tối đa 70% giá trị tài sản bảo đảm. Hợp đồng thế chấp tài sản số 8706, tài sản thế chấp gồm lô thép các loại khối lượng 13.539.134 kg tương đương giá trị 214.900.000.000 đồng (trước thuế VAT). Tại Biên bản kiểm kê và niêm phong tài sản thế chấp, cầm cố ngày 12/7/2011 với khối lượng tổng cộng 13.732 tấn. Qua kiểm tra từ Khế ước vay vốn số 22 ngày 09/9/2011 đến Khế ước vay vốn số 29 ngày 17/11/2011 hàng tồn kho thực tế của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã không đủ giá trị đảm bảo cho dư nợ vay (chưa tính đến hàng tồn kho thế chấp vay vốn tại các Ngân hàng khác), nhưng Ngân hàng không kiểm tra hàng tồn kho đã thế chấp theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 8706, vẫn tiếp tục cho giải ngân với tổng số tiền giải ngân cho 06 Khế ước vay vốn là 121.036.000.000 đồng. Đồng thời, Ngân hàng đã không thực hiện việc quản lý tài sản thế chấp thực tế theo biên bản kiểm kê và niêm phong tài sản thế chấp trong suốt quá trình cho vay.

Về việc giải ngân và thu hồi vốn vay thì trong tổng số nợ Ngân hàng không chỉ rõ Khế ước vay vốn cũng như số tiền nào nằm trong phạm vi bảo lãnh của Bị đơn. Trong quá trình cho vay, Ngân hàng đã không thực hiện đúng theo điều kiện bảo lãnh là toàn bộ nguồn thu theo phương án sản xuất kinh doanh của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chuyển về tài khoản duy nhất của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Ngân hàng để kiểm soát và thu hồi nợ. Khi nguồn thu của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được chuyển về số tài khoản mở tại Ngân hàng phía Ngân hàng đã không thực hiện biện pháp kiểm soát cũng như thu hồi vốn vay, hơn nữa Ngân hàng còn để cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tự ý rút số tiền trong tài khoản để sử dụng mục đích khác như chuyển sang các Ngân hàng khác, thanh toán tiền hàng cho các đối tác không nằm trong kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm 2011 dẫn đến việc không thanh toán trả nợ được vốn vay cho Ngân hàng khi đến hạn. Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã sử dụng sai mục đích nguồn vốn vay của Ngân hàng. Tuy nhiên, Ngân hàng đã không thực hiện biện pháp kiểm soát nguồn vốn vay cũng như tài sản thế chấp của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan dẫn đến việc Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thu hồi vốn kịp thời để trả nợ Ngân hàng khi đến hạn.

Như vậy, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và Ngân hàng đã không thực hiện đúng nội dung và điều kiện trong Thư bảo lãnh, nên Bị đơn không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả nợ tiền gốc, nợ lãi, nợ lãi quá hạn, phạt chậm trả cho Ngân hàng thay cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tuy nhiên, Bị đơn là cổ đông lớn của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nên Bị đơn sẽ yêu cầu Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thông qua người đại diện vốn để thu hồi công nợ của các khách hàng, phối hợp với Ngân hàng xử lý hàng tồn kho để trả nợ cho Ngân hàng.

Bị đơn xác nhận Ngân hàng đã khấu trừ trong tài khoản của Bị đơn số tiền là 4.561.711.528 đồng. Do Bị đơn không có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, bởi vậy Ngân hàng không được khấu trừ số tiền này.

Đại diện theo ủy quyền của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác nhận có vay vốn tại Ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng số 82403, mục đích vay, sồ tiền vay, số tiền bảo lãnh như Nguyên đơn trình bày là đúng, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có bổ sung gì thêm.

Trong năm 2011, do khó khăn chung khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không hiệu quả, thua lỗ dẫn đến tình trạng nợ quá hạn tại các Ngân hàng. Tính đến thời điểm xảy ra nợ quá hạn tại Ngân hàng, dư nợ gốc của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Ngân hàng là 251.444.089.079 đồng.

Căn cứ theo các Biên bản thỏa thuận đã ký và việc thực hiện bán hàng để trả nợ gốc, tạm tính đến ngày 15/3/2017, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn nợ Ngân hàng số tiền nợ gốc là 216.286.821.047 đồng. Trong thời gian qua Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã trả nợ gốc cho Ngân hàng số tiền 35,157 tỷ đồng, trong đó Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trả từ việc bán thép số tiền 29,922 tỷ, Ngân hàng thu nợ qua Bị đơn 4.561.711.528 đồng.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã dừng hoạt động từ tháng 2/2012. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Ủy ban nhân tỉnh cùng các sở, ban ngành của tỉnh Phú Thọ, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã bắt đầu tái cơ cấu lại được Công ty, khôi phục lại được hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2016.

Về Thư bảo lãnh của Bị đơn cho các khoản vay của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Ngân hàng, tính pháp lý và nghĩa vụ bảo lãnh của Bị đơn, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mong muốn giữa Bị đơn và Ngân hàng có thể thương thảo, thỏa thuận để tìm ra một phương án tốt nhất cho tất cả các bên. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cam kết sẽ tích cực cùng với Bị đơn và Ngân hàng thực hiện các cam kết để có thể cơ cấu lại các khoản nợ, giải quyết các khoản nợ trong thời gian sớm nhất.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 03/2017/KDTM- ST ngày 19/6/2017 của Tòa án nhân dân quận Tây Hồ đã quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn đối với Bị đơn. Buộc Bị đơn phải trả ngay cho Nguyên đơn số tiền là 261.878.051.607 đồng (trong đó, nợ gốc là 95.438.288.472 đồng, nợ lãi trong hạn là 4.058.000.020 đồng và nợ lãi quá hạn là 162.381.763.115 đồng).

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Bị đơn còn phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong các Khế ước nhận nợ của Hợp đồng tín dụng số 82403 cho đến khi thanh toán xong số tiền nợ gốc.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với Bản án sơ thẩm, bị đơn đã kháng cáo toàn bộ Bản án, đề nghị Tòa án phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn trình bày:

Nguyên đơn vẫn giữ các ý kiến, quan điểm đã trình bày tại Tòa án sơ thẩm. Nguyên đơn đồng ý với Bản án sơ thẩm và không kháng cáo. Tuy nhiên, để thể hiện thiện chí và tạo điều kiện cho Bị đơn có khả năng trả được nợ cho Nguyên đơn, Nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về lãi suất và đề nghị Hội đồng xét xử buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn các khoản tiền cụ thể tính đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm như sau:

- Nợ gốc là 95.438.288.472 đồng;

- Nợ lãi trong hạn là 4.058.000.020 đồng;

- Nợ lãi quá hạn là 139.478.699.509 đồng; Tổng cộng là 238.974.988.001 đồng.

Theo nội dung cam kết trong Thư bảo lãnh, Bị đơn hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ tài sản có liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong phạm vi và nội dung của bảo lãnh và cam kết, nếu đến kỳ hạn trả nợ (nợ gốc, lãi và phí nếu có) mà Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không trả được nợ hoặc không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với Ngân hàng, thì Bị đơn có trách nhiệm trả thay số tiền đến hạn hoặc thực hiện ngay các nghĩa vụ đã cam kết đó.

Thư Bảo lãnh được Bị đơn tự nguyện ký kết, hình thức và nội dung Thư bảo lãnh tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nên có giá trị thi hành đối với các bên. Việc Bị đơn và Luật sư của Bị đơn cho rằng Thư bảo lãnh ký sau Hợp đồng tín dụng và ký sau Biên bản định giá là không tuân thủ đúng quy trình cho vay của Ngân hàng là không có cơ sở bởi lẽ việc ký kết Thư bảo lãnh sau không làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ bảo lãnh mà Bị đơn đã đơn phương cam kết trong Thư bảo lãnh; không có một quy định nào của pháp luật bắt buộc hay Quy chế cho vay của Ngân hàng phải ký Thư bảo lãnh trước khi ký Hợp đồng tín dụng.

Bị đơn là cổ đông lớn nhất (chiếm đến 87,5% vốn điều lệ) của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại thời điểm ký Hợp đồng tín dụng số 82403 và phát hành Thư bảo lãnh, nhưng Bị đơn lại cho rằng Ngân hàng không kiểm tra điều kiện giải ngân, kế hoạch sản xuất, khả năng tài chính trả nợ và số dư tiền trong tài khoản của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà vẫn giải ngân cho vay là căn cứ để từ chối yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là không có cơ sở. Bị đơn đã cử người đại diện phần vốn góp của mình tham gia và điều hành các hoạt động của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của đơn vị này Bị đơn phải nắm được và trên thực tế thông qua người đại diện của mình, Bị đơn có thể yêu cầu dừng các khoản vay cũng như yêu cầu Ngân hàng không tiếp tục cấp vốn, nhưng Bị đơn đã không làm. Do vậy, Bị đơn phải thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ bảo lãnh theo Thư bảo lãnh đã phát hành. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải trả ngay cho Nguyên đơn toàn bộ số tiền gốc và lãi là 238.974.988.001 đồng.

Về số thép còn lại trong kho là tài sản thế chấp còn lại chưa bán là 2.000 tấn (thế chấp cho Ngân hàng SHB và bốn Ngân hàng khác) có trị giá khoảng 16 tỷ đồng, Ngân hàng SHB được chia theo tỷ lệ 36% tiền bán thép, số tiền này là quá nhỏ so với khoản nợ của Bị đơn còn nợ Nguyên đơn. Số thép này đã được phân chia rõ ràng theo tỷ lệ của từng Ngân hàng tương ứng với số tiền cho vay, nên không nhất thiết phải đưa các Ngân hàng khác vào tham gia tố tụng. Bản thân Ngân hàng SHB đã bán khoản nợ cho Nguyên đơn rồi, mọi quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng Nguyên đơn sẽ tiếp tục thực hiện, Ngân hàng SHB từ chối tham gia tố tụng với tư cách là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Đại diện theo ủy quyền của Bị đơn và Luật sư của Bị đơn trình bày:

Tòa án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là xét xử vụ án không có đối tượng khởi kiện, không có Hợp đồng bảo lãnh nhưng Tòa án sơ thẩm lại xác định là giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo lãnh; Thư bảo lãnh khác Hợp đồng bảo lãnh; Thư bảo lãnh không đủ các điều kiện của một hợp đồng để bị khởi kiện và xét xử. Không có Hợp đồng tín dụng nào được đề cập trong Thư bảo lãnh; không có Hợp đồng nào được ký sau Thư bảo lãnh nên không phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh của Bị đơn. Hợp đồng tín dụng số 82403 được ký trước Thư bảo lãnh số 435 là 25 ngày nên 2 chủ thể ký hợp đồng này không liên quan đến hạn mức tín dụng, điều kiện giải ngân, thủ tục giải ngân, quyền yêu cầu bảo lãnh đối với Bị đơn.

Tòa án sơ thẩm đã xác định sai đối tượng khởi kiện (đối tượng chưa đủ điều kiện khởi kiện). Ngày 25/9/2014, Nguyên đơn đã ký Hợp đồng mua bán nợ với Ngân hàng, sau khi bán toàn bộ khoản nợ thì Ngân hàng không còn là chủ nợ của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng Ngân hàng đã không thực hiện việc rút đơn khởi kiện và cho rằng Nguyên đơn có quyền kế thừa việc khởi kiện. Tòa án sơ thẩm không ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Tòa án sơ thẩm đã xét xử vượt quá yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn cụ thể là trong đơn khởi kiện đề ngày 02/5/2013, Ngân hàng đề nghị Tòa án giải quyết buộc Bị đơn phải thanh toán số tiền 146.452.617.224 đồng và chịu án phí 369.878.052 đồng là gây thiệt hại và ảnh hưởng đến quyền lợi của Bị đơn. Kể từ thời điểm khởi kiện cho đến khi xét xử sơ thẩm Nguyên đơn không có đơn sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện và việc Ngân hàng đưa Nguyên đơn thế quyền khởi kiện là không đúng quy định pháp luật. Từ năm 2016, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã đi vào hoạt động bình thường, do đó các cổ đông khác phải kế thừa quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp và trở thành Bị đơn của vụ án nếu có.

Tòa án sơ thẩm không xem xét toàn bộ các chứng cứ của các bên, không có các Quyết định điều chỉnh lãi suất làm căn cứ để tính lãi; Nguyên đơn chưa đưa ra căn cứ tính lãi, cách tính lãi và các bên chưa có văn bản đối chiếu công nợ, Tòa án sơ thẩm chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là không có căn cứ, không vô tư khách quan.

Tòa án sơ thẩm không đưa Ngân hàng SHB và bốn Ngân hàng khác liên quan đến việc thế chấp kho thép của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của Bị đơn.

Ngoài ra, Ngân hàng và Người có có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã có những sai phạm trong quá trình ký kết Hợp đồng tín dụng; Ngân hàng đã cho vay tín dụng cao hơn biên bản định giá, giải ngân vượt quá Thư bảo lãnh (vượt quá 52 tỷ đồng); Việc ký Hợp đồng tín dụng được ký trước khi có Thư bảo lãnh và trước khi làm biên bản định giá là sai với trình tự, thủ tục cho vay vốn đối với doanh nghiệp, trái quy định tại Điều 128 Bộ luật dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã lập 16 phương án kinh doanh không chính xác, không phù hợp với thực tế, kiểm toán năm 2011 của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bị lỗ 55,281 tỷ đồng; Ngân hàng không thực hiện việc quản lý nguồn thu đối với Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để cho họ sử dụng tiền trong tài khoản cho các mục đích khác; Ngân hàng không quản lý tài sản thế chấp là thép thành phẩm để cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bán cho Công ty khác dẫn đến việc không đảm bảo thu hồi được nợ, vì thế không thể buộc Bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với những sai phạm của Ngân hàng.

Trường hợp Bị đơn phải trả nợ cho Nguyên đơn theo Thư bảo lãnh thì sau khi đối trừ với số tiền Ngân hàng đã thu từ tài khoản của Bị đơn 4.561.711.528 đồng, nghĩa vụ của Bị đơn từ thời điểm Bị đơn ký thư bảo lãnh, đối trừ số tiền mà Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã trả cho Ngân hàng theo Hợp đồng tín dụng 82403, số tiền bán thép từ tài sản thế chấp thì Bị đơn chỉ còn phải trả cho Nguyên đơn số tiền 47.136.000.000 đồng.

Từ những vi phạm trên của Tòa án sơ thẩm, Bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử hủy Bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án sơ thẩm xét xử lại vụ án.

Đại diện người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày:

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác nhận đã ký kết Hợp đồng tín dụng 82403 với Ngân hàng với mục đích vay, sồ tiền vay, số tiền bảo lãnh như Nguyên đơn trình bày là đúng, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến gì.

Trong năm 2011, do hoạt động sản xuất kinh doanh của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gặp nhiều khó khăn, thua lỗ dẫn đến tình trạng nợ quá hạn tại các Ngân hàng. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã bắt đầu tái cơ cấu lại Công ty, khôi phục lại được hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2016.

Về Thư bảo lãnh của Bị đơn cho các khoản vay của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Ngân hàng, tính pháp lý và nghĩa vụ bảo lãnh của Bị đơn, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đề nghị Hội đồng xét xử xem xét và giải quyết theo quy định pháp luật. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác nhận hiện nay còn nợ Nguyên đơn số nợ gốc là hơn 215 tỷ đồng, số tiền lãi thì hai bên chưa có đối chiếu cụ thể mà bên Nguyên đơn tự tính toán và đưa ra con số. Về khoản nợ, chúng tôi xác định có nghĩa vụ trả nợ, nếu Thư bảo lãnh đúng quy định của pháp luật thì Bị đơn phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh như đã cam kết. Số thép còn lại trong kho là tài sản thế chấp khoảng 2.000 tấn (thế chấp cho Ngân hàng SHB và bốn Ngân hàng khác) trị giá khoảng 16 tỷ đồng, Ngân hàng SHB được chia theo tỷ lệ 36% tiền bán thép, số tiền này là quá nhỏ so với khoản nợ của chúng tôi. Hiện nay, chúng tôi không đủ khả năng thanh toán số tiền nợ cho Nguyên đơn, đề nghị giãn nợ cho chúng tôi để phục hồi sản xuất và có khả năng thanh toán nợ.

Bị đơn cho rằng chúng tôi sử dụng tiền vay không đúng mục đích là không đúng, chúng tôi sử dụng đúng mục đích vay vốn là phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh của Công ty, chúng tôi mua phôi thép và chế thành phẩm để bán. Ngoài ra, khi mua phôi thép và được giá thì chúng tôi có thể bán ngay lại cho các Công ty khác để thu lời (trên thực tế chúng tôi đã bán ngay và lãi gần 2 tỷ đồng). Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, chúng tôi gặp nhiều khó khăn về tài chính, hơn nữa lãi suất thời điểm năm 2011 quá cao, chênh lệch đầu vào, đầu ra thấp, chúng tôi phải bù lỗ nên dẫn đến không có khả năng thanh toán được các khoản nợ cho Nguyên đơn.

Tại thời điểm Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ký kết Hợp đồng tín dụng với Ngân hàng, Bị đơn là cổ đông lớn nhất với 87,5% vốn điều lệ của Công ty, đại diện phần vốn góp của Bị đơn tại Công ty là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc, Trưởng ban kiểm soát và một thành viên không chuyên trách, việc Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vay nợ tại Ngân hàng, Bị đơn biết và tham gia vào quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh của Công ty.

Quá trình người đại diện phần vốn của Bị đơn tham gia vào quản lý tại Công ty đã sảy ra sai sót và đã bị khởi tố vụ án hình sự và đã bị xét xử bằng một Bản án có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên số tiền thất thoát liên quan đến tiền bán hàng của một khách hàng của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với số tiền 2,8 tỷ đồng và không liên quan đến khoản vay hay kho hàng đã thế chấp hiện đang tranh chấp trong trong vụ án này.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không kháng cáo Bản án sơ thẩm, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Bị đơn kháng cáo trong thời hạn luật định và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên kháng cáo của Bị đơn là hợp lệ.

Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án từ thủ tục thụ lý vụ án, thời hạn chuẩn bị xét xử và tiến hành phiên tòa. Thư ký đã làm đầy đủ nhiệm vụ và phổ biến nội quy phiên tòa. Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm hôm nay, các đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đã được tranh luận và trình bày căn cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Về nội dung vụ án: đề nghị sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận một phần kháng cáo của Bị đơn và đề nghị của Nguyên đơn tại phiên tòa về lãi suất.

Về án phí phúc thẩm: Tòa án sơ thẩm cho Bị đơn nộp án phí phúc thẩm chưa đúng quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử điều chỉnh lại về phần này, đồng thời sửa lại án phí sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, sau khi nghe ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

Về tố tụng: Bị đơn kháng cáo Bản án sơ thẩm trong thời hạn luật định và đã nộp tiền án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Do vậy, kháng cáo của Bị đơn là hợp lệ.

Về xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án này, Tòa án sơ thẩm xác định đây là tranh chấp hợp đồng bảo lãnh là chưa chính xác, do đó Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định quan hệ tranh chấp là “yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh”.

Về nội dung kháng cáo của Bị đơn:

Bị đơn kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn vì các lý do sau:

- Việc Ngân hàng bán nợ cho Nguyên đơn nhưng không thực hiện việc rút đơn khởi kiện đối với Bị đơn. Ngày 24/4/2015, Ngân hàng và Nguyên đơn ký biên bản thỏa thuận về việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ liên quan của Bị đơn và đề nghị Tòa án nhân dân quận Tây Hồ thay đổi Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp bảo lãnh là trái quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, Tòa án nhân dân quận Tây Hồ không ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án mà kéo dài tới ngày 05/5/2017, Tòa án nhân dân quận Tây Hồ mới ra Thông báo số 05 về việc thay đổi Nguyên đơn khởi kiện là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và làm ảnh hưởng tới quyền và nghĩa vụ của các bên.

Xét yêu cầu kháng cáo này của Bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy việc Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Bị đơn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả nợ thay Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án sơ thẩm, Ngân hàng đã bán khoản nợ của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Nguyên đơn theo Hợp đồng mua bán nợ số 3309 là phù hợp với các quy định của pháp luật. Tại Điều 309 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định, bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ dân sự có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận. Khoản 4 Điều 74 Bộ luật tố tụng dân sự quy định trường hợp tổ chức được chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về dân sự thì tổ chức đó kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng. Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 34/2015/NĐ-CP ngày 31/3/2015 của Chính phủ cũng đã quy định là bên mua nợ được kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của tổ chức tín dụng bán nợ, bao gồm cả quyền và nghĩa vụ tố tụng trong việc khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm tại Tòa án.

Tại Điều 4 của Hợp đồng mua bán nợ số 3209 các bên đã thỏa thuận là Nguyên đơn có quyền kế thừa đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng đối với khoản nợ đã mua, kế thừa quyền khởi kiện tại Tòa án và ủy quyền lại cho Ngân hàng tiếp tục tham gia tố tụng tại Tòa án trong vụ kiện trên.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử nhận thấy Bị đơn yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án vì Ngân hàng không có quyền khởi kiện là không có cơ sở. Tòa án nhân dân quận Tây Hồ tiếp tục giải quyết vụ án đối với Nguyên đơn là đúng với quy định của pháp luật, do đó kháng cáo này của Bị đơn không có cơ sở để chấp nhận.

- Về kháng cáo của Bị đơn đề nghị đưa Ngân hàng SHB và bốn Ngân hàng khác vào tham gia tố tụng do có liên quan đến kho thép thế chấp cho các Ngân hàng này, Hội đồng xét xử nhận thấy hiện nay trong kho hàng còn 2.000 tấn thép theo Nguyên đơn và Người có quyền lợi, nghĩa vu liên quan cho biết thì số thép này trị giá khoảng 16 tỷ đồng đã được chia cho các Ngân hàng theo tỷ lệ vốn cho vay, Ngân hàng SHB được chia 36%. Hiện nay, các Ngân hàng không có tranh chấp đối với kho thép này do đó xác định là các Ngân hàng không có liên quan trong vụ này nên nội dung kháng cáo này của Bị đơn không có căn cứ để chấp nhận.

- Bị đơn kháng cáo cho rằng Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn, buộc Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn số tiền nợ gốc và lãi tổng cộng 261.878.051.607 đồng là không có căn cứ và trái quy định của pháp luật. Tòa án sơ thẩm đã không xem xét đến việc tính lãi của Nguyên đơn là không khách quan.

Xét yêu cầu kháng cáo này của Bị đơn, Hội đồng xét xử xét thấy Hợp đồng tín dụng số 82403 có nội dung là Ngân hàng đồng ý cấp cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hạn mức tín dụng có giá trị 300 tỷ đồng với thời hạn 12 tháng, kể từ ngày 09/3/2011 đến ngày 09/3/2012, để đảm bảo cho khoản vay nêu trên là: Bị đơn phát hành Thư bảo lãnh trị giá 100 tỷ đồng, bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại Ngân hàng; Hợp đồng thế chấp tài sản số 81706 với khối lượng 13.539.134 kg, có giá trị định giá là 216 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm này đã được đăng ký giao dịch bảo đảm ngày 19/9/2011 tại Trung tâm dăng ký giao dịch, tài sản TP Hà Nội.

Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo 29 Khế ước nhận nợ. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã tất toán xong các Khế ước từ số 01 đến số 13. Kể từ Khế ước số 14 đến Khế ước số 29 cho đến nay Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không trả nợ đúng hạn, vi phạm nghĩa vụ thanh toán, dẫn đến khoản vay bị quá hạn kể từ ngày 16/11/2011.

Căn cứ Điều 7 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 và Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2006/NĐ- CP, quy định về lựa chọn giao dịch bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ dân sự là trong trường hợp một nghĩa vụ dân sự được bảo đảm bằng nhiều biện pháp bảo đảm, mà khi đến hạn bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ, thì bên nhận bảo đảm có quyền lựa chọn giao dịch bảo đảm để xử lý hoặc xử lý tất cả các giao dịch bảo đảm, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Theo nội dung cam kết trong Thư bảo lãnh, Bị đơn hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ tài sản có liên quan đến nghĩa vụ bảo lãnh vay vốn của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong phạm vi và nội dung của bảo lãnh và cam kết, nếu đến kỳ hạn trả nợ (nợ gốc, lãi và phí nếu có) mà Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không trả được nợ hoặc không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết với Ngân hàng, thì Bị đơn có trách nhiệm trả thay số tiền đến hạn hoặc thực hiện ngay các nghĩa vụ đã cam kết đó, ngay khi nhận được văn bản thông báo của Ngân hàng và các hồ sơ chứng minh vi phạm nghĩa vụ trả nợ của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Ngay sau khi Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nợ quá hạn thì ngày 16/3/2012, Ngân hàng đã gửi Công văn số 146/2012/SHB- HN đề nghị Bị đơn thực hiện ngay nghĩa vụ bảo lãnh. Ngoài ra, Ngân hàng và Bị đơn đã nhiều lần trao đổi theo các Biên bản làm việc ngày 11/4/2013 và ngày 24/5/2013.

Kể từ khi được Ngân hàng giải ngân, đối với số nợ gốc 100 tỷ đồng theo Thư bảo lãnh của Bị đơn, Bị đơn mới trả được số tiền 4.561.711.528 đồng (do Ngân hàng chủ động thu nợ từ tài khoản của Bị đơn). Tính đến ngày xét xử sơ thẩm, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan còn nợ Nguyên đơn số tiền nợ gốc 95.438.288.472 đồng. Đối với số nợ còn lại theo Hợp đồng tín dụng số 82403, Nguyên đơn không yêu cầu giải quyết trong vụ án này, nên Tòa án sơ thẩm không xem xét là hoàn toàn phù hợp và đúng quy định của pháp luật.

Theo cam kết trong Thư bảo lãnh của Bị đơn, do Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vi phạm nghĩa vụ trả nợ, do đó Nguyên đơn yêu cầu Bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trả toàn bộ số nợ trên cho Nguyên đơn, Tòa án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của Nguyên đơn là hoàn toàn có căn cứ pháp luật. Vì trong vụ án này Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã vay tiền của Ngân hàng để phục vụ cho việc mua thép về sản xuất và kinh doanh, do thua lỗ đến nay vẫn chưa trả được nợ cho Ngân hàng. Việc Bị đơn là cổ đông lớn nhất (chiếm đến 87,5% vốn điều lệ) của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, khi phát hành Thư bảo lãnh, nhưng Bị đơn lại cho rằng Ngân hàng không kiểm tra điều kiện giải ngân, kế hoạch sản xuất và khả năng tài chính trả nợ và số dư tiền trong tài khoản của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà vẫn giải ngân cho vay là căn cứ để từ chối yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là không có căn cứ để chấp nhận.

Trên thực tế, Bị đơn là cổ đông lớn nhất của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, theo quy định của Luật Doanh nghiệp Bị đơn đã cử người đại diện phần vốn góp và điều hành các hoạt động của Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của đơn vị này Bị đơn phải nắm được và trên thực tế thông qua người của mình, Bị đơn có thể yêu cầu dừng các khoản vay cũng như yêu cầu Ngân hàng không tiếp tục cấp vốn, nhưng Bị đơn đã không thực hiện. Do vậy, Bị đơn phải thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ bảo lãnh theo Thư bảo lãnh đã phát hành.

- Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về số tiền nợ lãi, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Tính đến ngày xét xử sơ thẩm, Nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc Bị đơn phải trả số tiền nợ lãi trong hạn 4.058.000.020 đồng và nợ lãi quá hạn là 162.381.763.115 đồng. Tòa án sơ thẩm đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu tính lãi của nguyên đơn là chưa phù hợp với thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng tín dụng và các Khế ước nhận nợ.

Theo Điều 1.5, Điều 1.6 Hợp đồng tín dụng số 82403 và các Khế ước nhận nợ thì các bên thỏa thuận: có 02 khế ước thỏa thuận áp dụng lãi suất cố định; 01 khế ước thỏa thuận 06 tháng điều chỉnh 1 lần; 03 khế ước thỏa thuận lãi suất 03 tháng điều chỉnh 1 lần… lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn.

Theo bảng kê tính lãi Nguyên đơn xuất trình cho Tòa án sơ thẩm thì kể từ thời điểm bị đơn vi phạm nghĩa vụ trả nợ đến ngày xét xử sơ thẩm, Nguyên đơn vẫn áp dụng một mức lãi suất đối với Bị đơn mà không điều chỉnh theo các quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng là chưa đúng.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyên đơn xuất trình các Quyết định điều chỉnh lãi suất trong từng thời kỳ, Nguyên đơn đã rút một phần yêu cầu tính lãi đối với Bị đơn và đề nghị Tòa án buộc Bị đơn thanh toán tổng số tiền cụ thể: nợ gốc là 95.438.288.472 đồng, nợ lãi trong hạn là 4.058.000.020 đồng, nợ lãi quá hạn là 139.478.699.509 đồng. Tổng cộng là 238.974.988.001 đồng. Sau khi kiểm tra, đối chiếu bảng kê tính lãi nguyên đơn xuất trình tại phiên tòa phúc thẩm, đối chiếu với các quyết định điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng, Hội đồng xét xử thấy Nguyên đơn đã tính lại lãi phù hợp với thỏa thuận của các bên trong Hợp đồng tín dụng và các Khế ước nhận nợ, phù hợp với các quy định của pháp luật nên Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu tính lãi của Nguyên đơn.

Do vậy, cần sửa Bản án sơ thẩm về lãi suất, cụ thể là Bị đơn phải trả cho Nguyên đơn số tiền gốc và lãi tính đến ngày 19/6/2017 là 238.974.988.001 đồng.

Tòa án sơ thẩm không yêu cầu Nguyên đơn cung cấp cho Tòa án các Quyết định điều chỉnh lãi suất là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết các vụ án (về tranh chấp hợp đồng tín dụng) tương tự.

Do sửa về phần lãi suất nên cần sửa phải sửa phần án phí của Bản án sơ thẩm. Bị đơn kháng cáo được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

- Các điều 293, 294 và 308 Bộ luật tố tụng dân sự;

- Các điều 474, 476 Bộ luật dân sự năm 2005;

- Luật các tổ chức tín dụng năm 2010;

- Nghị quyết số 326/2016/UBNVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Tổng công ty cổ phần SH. Sửa  Bản  án  kinh doanh thương  mại  sơ thẩm số  03/2017/KDTM- ST ngày 19/6/2017 của Tòa án nhân dân quận Tây Hồ, TP Hà Nội;

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty VAMC đối với Tổng công ty cổ phần SH.

Buộc Tổng công ty cổ phần SH phải trả cho Công ty VAMC số tiền:

- Nợ gốc là 95.438.288.472 (chín mươi lăm tỷ bốn trăm ba mươi tám triệu hai trăm tám mươi tám nghìn bốn trăm bảy mươi hai) đồng;

- Nợ lãi trong hạn là 4.058.000.020 (bốn tỷ không trăm lăm mươi tám triệu hai mươi) đồng;

- Nợ lãi quá hạn là 139.478.699.509 (một trăm ba mươi chín tỷ bốn trăm bảy mươi tám triệu sáu trăm chín mươi chín nghìn năm trăm linh chín) đồng;

Tổng cộng là 238.974.988.001 (hai trăm ba mươi tám tỷ chín trăm bảy mươi tư triệu chín trăm tám mươi tám nghìn và một) đồng.

Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm, Tổng công ty cổ phần SH còn phải tiếp tục trả khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong các Khế ước nhận nợ của Hợp đồng cấp hạn mức tín dụng số 0082403/2011/HMTD-PN/SHBHN ngày 09/3/2011 cho đến khi thanh toán xong số tiền nợ gốc.

3. Về án phí:

- Tổng công ty cổ phần SH phải chịu 346.974.988 (ba trăm bốn mươi sáu triệu chín trăm bảy mươi tư nghìn chín trăm tám mươi tám) đồng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Xác nhận Tổng công ty cổ phần SH đã nộp 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo Biên lai số 06275 ngày 18/7/2017 tại  Chi cục thi hành án dân sự quận Tây Hồ, số tiền này sẽ được trừ vào số tiền án phí Tổng công ty cổ phần SH còn phải nộp là 346.674.988 (ba trăm bốn mươi sáu triệu sáu trăm bảy mươi tư nghìn chín trăm tám tám) đồng.

- Hoàn trả cho Công ty VAMC 127.226.000 (một trăm hai bảy triệu hai trăm hai sáu nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0007994 ngày 15/5/2013 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Tây Hồ, TP Hà Nội.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án và người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận việc thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm xử công khai và có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

9888
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh số 45/2018/KDTM-PT

Số hiệu:45/2018/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 12/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về