Bản án về yêu cầu thực hiện hành vi hành chính số 58/2024/HC-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 58/2024/HC-PT NGÀY 25/01/2024 VỀ YÊU CẦU THỰC HIỆN HÀNH VI HÀNH CHÍNH

Ngày 25 tháng 01 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa công khai xét xử vụ án hành chính phúc thẩm thụ lý số 813/TLPT-HC ngày 27 tháng 11 năm 2023 về việc “Yêu cầu thực hiện hành vi hành chính” do có kháng cáo của người khởi kiện đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 25/2023/HC-ST ngày 21 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 228/2024/QĐ-PT ngày 10 tháng 01 năm 2024 giữa:

1. Người khởi kiện: Bà Phạm Thị Hồng L (tên đệm khác Phạm Thị L) sinh năm 1955; địa chỉ: Thôn P, xã Y, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc; có mặt.

2. Người bị kiện:

2.1. Ủy ban nhân dân (sau đây viết tắt là UBND) xã Y, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện hợp pháp: Ông Nguyễn Văn H – Chức vụ: Phó Chủ tịch UBND xã Y; có mặt.

2.2. Ủy ban nhân dân huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc

Người đại diện hợp pháp: Ông Hà Thái D – Chức vụ: Phó Chủ tịch UBND huyện Y; có đơn xin xét xử vắng mặt.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

3.1. Ông Nguyễn Văn T sinh năm 1953 (chồng bà L), có mặt.

3.2. Chị Nguyễn Thị Thanh L1 sinh năm 1979 (con bà L), vắng mặt.

3.3. Chị Nguyễn Thị Q sinh năm 1983 (con bà L), vắng mặt.

3.4. Chị Nguyễn Thị Thu H1 sinh năm 1990 (con bà L), vắng mặt.

3.5. Anh Nguyễn Đức D1 sinh năm 1992 (con bà L), vắng mặt. Đều có địa chỉ: Thôn P, xã Y, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện theo uỷ quyền của chị L1, chị Q, chị H1, anh D1: Bà Phạm Thị L sinh năm 1955; địa chỉ: Thôn P, xã Y, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc; có mặt.

3.5. Hợp tác xã N1, xã Y, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc.

Người đại diện hợp pháp: Ông Trần Việt T1 - Chức vụ: Chủ nhiệm hợp tác xã; có mặt.

3.6. Ông Phan Văn G sinh năm 1957 và bà Đặng Thị T2 sinh năm 1959; đều có địa chỉ: Thôn P, xã Y, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc; đều vắng mặt.

3.7. Ông Nguyễn Văn Y sinh năm 1963 và bà Đào Thị T3 sinh năm 1964; đều có địa chỉ: Thôn P, xã Y, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc; đều vắng mặt.

Người kháng cáo: Bà Phạm Thị Hồng L.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án sơ thẩm và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, người khởi kiện bà Phạm Thị Hồng L đồng thời là người đại diện của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Nguyễn Thị Thanh L1, anh Nguyễn Đức D1, chị Nguyễn Thị Q và chị Nguyễn Thị H1 trình bày như sau:

Gia đình bà có diện tích đất nông nghiệp 3.192m2 tương đương 8 sào 14 thước, tại khu sân bóng thôn P, xã Y, huyện Y. Nguồn gốc là do bà thầu của Hợp tác xã nông nghiệp (sau đây viết tắt là HTX N1) Phương Trù, thời hạn thầu 15 năm, từ năm 1994 - 2009, giá tiền thầu là 11.600.000 đồng (trong hợp đồng thầu ghi diện tích là 3.216m2). Năm 1996, ông Đào Quang N - Chủ nhiệm HTX N1 cắt bớt 720m2 trong tổng diện tích gia đình bà thầu để bán cho ông Hoàng Văn H2 cùng ở thôn P. Sau đó, cùng năm 1996 UBND xã Y yêu cầu bà nộp 4.200.000 đồng để được thầu tiếp đến hết năm 2013 và UBND xã Y làm hồ sơ gửi UBND huyện Y cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây viết tắt là GCNQSDĐ) với diện tích 3.192m2 cấp cùng với các thửa đất khác cho gia đình bà.

Ngày 10/9/1996, UBND huyện Y cấp GCNQSDĐ mang tên Phạm Thị L. Đối với thửa số 71, tờ bản đồ 01, diện tích 144m2; thửa số 37, tờ bản đồ 03, diện tích 816m2; thửa số 52, tờ bản đồ 04, diện tích 360m2; thửa 08, tờ bản đồ 05, diện tích 336m2; thửa số 07, tờ bản đồ 05, diện tích 72m2; thửa số 44, tờ bản đồ 05, diện tích 360m2 là các thửa bà được cấp theo Nghị định 64-CP cho các thành viên trong gia đình theo hạn mức Nhà nước quy định (năm 1996 gia đình bà gồm 6 người: Bà, chồng bà là ông T và các con là Nguyễn Thị Thanh L1, Nguyễn Thị Q, Nguyễn Thị Thu H1, Nguyễn Đức D1 nhưng anh D1 khi đó còn nhỏ nên không được giao đất ruộng, tổng gia đình bà được cấp 5 khẩu), mỗi khẩu được diện tích bao nhiêu thì bà không nhớ chính xác.

Còn đối với thửa 01, tờ bản đồ 01 diện tích 3.192m2, nguồn gốc thửa đất này là bà ký hợp đồng giao thầu diện tích canh tác ngày 11/12/1994 với đại diện HTX N1, theo đó bà được giao thầu sân bóng tổng diện tích là 3.216m2 tương đương 8 sào 14 thước với tổng giá trị 11.600.000đ; bà đã canh tác 15 năm từ 01/01/1995 đến 30/12/2009. Tuy nhiên sau khi bà canh tác được 01 năm thì HTX làm đường điện thắp sáng cho dân nên thiếu tiền thì thỏa thuận với bà là bán cho bà 8 sào 14 thước với giá 10.000.000 đồng nhưng bà không đủ tiền nên HTX đã cắt bán cho ông Hoàng Văn H2 02 sào trong tổng diện tích bà đang thầu để ông H2 canh tác, đến năm 2013 ông H2 trả lại ruộng cho bà canh tác; còn lại 6 sào 14 thước thì gia đình bà nộp thêm 4.200.000 đồng để được tiếp tục sử dụng và HTX hứa sẽ cấp GCNQSDĐ đến năm 2013 theo chủ trương chung. Thực tế, khi Nhà nước cấp GCNQSDĐ đã ghi nhận toàn bộ diện tích 3.192m2 là của bà, vợ chồng bà là người trực tiếp canh tác trên diện tích 6 sào 14 thước khoán thầu; còn 02 sào ông H2 canh tác đến năm 2013 thì trả lại cho bà, hiện ông H2 đã chết. Sở dĩ số liệu trên hợp đồng thầu khoán năm 1994 thể hiện 3.126m2 là do tính cả phần diện tích đất mương, còn diện tích thực tế canh tác là đúng như giấy chứng nhận 3.192m2. Do đó, thửa đất này của bà không liên quan gì đến đất giao cho các con bà, bà là người trực tiếp đóng thuế và đóng sản phẩm cho Nhà nước từ năm 1994 đến năm 2013.

Trong quá trình sử dụng diện tích đất được giao thầu, năm 2006 bà viết tay giấy chuyển nhượng cho bà Tâm G1 04 sào, cho bà Yên T4 03 sào trong tổng diện tích 06 sào 14 thước của bà nhận thầu; việc ghi số liệu trên giấy với bà Yên T4 và bà Tâm G1 cũng chỉ áng chừng, không đo đạc. Bà xác định 2 giấy chuyển nhượng này là để hai hộ kia canh tác đất từ năm 2006 đến năm 2013 thì trả lại cho bà, còn các khoản thuế phí nghĩa vụ sử dụng đất phát sinh từ năm 2006 đến 2013 thì bà vẫn là người đóng thuế cho Nhà nước theo diện tích ghi trên giấy chứng nhận là 3.192m2.

Năm 2013, Nhà nước thu hồi của gia đình bà 3.192m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng D, thôn P, xã Y, huyện Y; trong đó có 102,1m2 là thu hồi để làm đường liên huyện từ Bờ Kênh đến Trại Cá và 3.089,9m2 là thu hồi để làm công trình sân bóng xã Y. Tuy nhiên khi thu hồi đất, gia đình bà không nhận được bất kì thông báo nào liên quan đến thủ tục thu hồi và bồi thường thửa đất trên mà UBND xã Y cùng UBND huyện Y đã tự ý san phẳng để làm đường và sân bóng từ năm 2013, do vậy bà đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết:

+ Buộc UBND huyện Y chi trả tiền bồi thường đối vối diện tích đất 102,1m2 mà UBND huyện đã thu hồi để làm đường giao thông theo giá thị trường là 153.000.000 đồng/01 sào đất (01 sào = 360m2), tương đương 425.000 đồng/m2 = 43.392.500 đồng.

+ Buộc UBND huyện Y và UBND xã Y ban hành quyết định thu hồi, lập phương án bồi thường đối với diện tích đất 3.089,9m2 mà Nhà nước đã thu hồi để làm công trình sân bóng xã Y theo giá bồi thường như trên.

Tổng số tiền bà buộc UBND huyện Y phải bồi thường là 425.000 đồng x 3.192m2 = 1.356.000.000 đồng (một tỷ ba trăm năm mươi sáu triệu đồng).

+ Buộc UBND huyện Y và UBND xã Y bồi thường cho bà số tiền thiệt hại do gia đình bà không canh tác được từ năm 2013 đến nay với số tiền là 37.240.000 đồng/năm x 10 năm = 372.400.000đồng.

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện UBND huyện Y trình bày:

Thủ tục cấp GCNQSDĐ của bà L với diện tích 3.192m2 tại xứ đồng Dệ Kênh, được thể hiện trong GCN số 00519 ngày 10/9/1996 đứng tên bà L do UBND huyện cấp, UBND huyện cho rằng toàn bộ diện tích đất bà L thầu của HTX được đưa vào GCNQSDĐ là không đúng vì bà L có hợp đồng thầu đất với HTX, thời hạn thầu từ ngày 01/01/1995 đến 30/12/2009 là hết thời hạn thầu. Năm 1996, UBND xã Y lập hồ sơ đề nghị UBND huyện cấp GCNQSDĐ với diện tích 3.192m2, việc cấp GCNQSDĐ này là sai nên UBND xã Y đã có văn bản đề nghị UBND huyện hủy bỏ một phần GCNQSDĐ đối với diện tích 3.192m2 là đất thuộc quỹ đất 95% của thôn cho bà L thầu. Đối với 3.000m2 nằm trong diện tích 3.192m2 mà UBND huyện có Thông báo số 414/TB-UBND ngày 09/6/2014 thu hồi đất để thực hiện công trình: Xây dựng sân thể thao làng P thì đến nay UBND huyện vẫn chưa ban ban hành Quyết định thu hồi và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với công trình trên, lý do là vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng.

Do GCNQSDĐ của bà L được cấp có cả diện tích đất thầu của HTX nên UBND xã đề nghị UBND huyện hủy bỏ GCNQSDĐ của bà L. Ngày 24/11/2021, UBND huyện có thông báo yêu cầu bà L giao nộp GCNQSDĐ; ngày 30/12/2021, UBND huyện ra Quyết định số 6431 về việc hủy bỏ GCNQSDĐ số I299228 cấp ngày 10/9/1996 cho bà L. Bà L khiếu nại QĐ 6431, ngày 20/6/2022 UBND huyện ra Quyết định số 1926 giải quyết khiếu nại và quyết định hủy bỏ Quyết định số 6431 với lý do Quyết định số 6431 sai về thuật ngữ, sai về số phát hành GCNQSDĐ và sai tên đệm của bà L. UBND huyện giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn UBND xã Y thực hiện thủ tục thu hồi GCNQSDĐ của bà L.

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện UBND xã Y, huyện Y trình bày:

Về vấn đề bà L yêu cầu UBND huyện bồi thường với diện tích 102,1m2 đã có quyết định thu hồi của UBND huyện Y, UBND xã thấy rằng khi có quyết định thu hồi đất của UBND huyện thì UBND huyện đã lập danh sách đền bù nhưng chưa làm rõ được diện tích đất này là của bà L hay của cá nhân nào nên chưa tiến hành đền bù cho bà L theo quy định. Đối với diện tích còn lại, UBND huyện chưa có quyết định thu hồi vì UBND xã chưa làm thủ tục thanh lý hợp đồng với gia đình bà L. Còn về việc cấp GCNQSDĐ cho bà L là do nhận thức của cán bộ thời đó nên đã đưa cả diện tích thầu có thời hạn vào diện tích cấp GCN để tiện cho công tác theo dõi và thu nộp sản phẩm, do vậy việc cấp GCNQSDĐ cho bà L là có sai sót nên UBND xã đã đề nghị cấp có thẩm quyền làm thủ tục hủy diện tích đất thầu có thời hạn ra khỏi GCNQSDĐ cấp cho bà L. Ngoài ra, không chỉ có hộ bà L được cấp GCNQSDĐ đối với diện tích đất giao thầu mà có 21 hộ khác cũng nhận đất thầu như vậy cũng được cán bộ thời kỳ đó lập vào danh sách và đề nghị cấp GCNQSDĐ, khi hết hạn các hộ cũng đã trả lại đất cho tập thể.

Sau khi UBND xã có văn bản đề nghị UBND huyện huỷ một phần GCNQSDĐ cấp cho bà L đối với phần diện tích đất bà L đã thầu trước đó thì UBND huyện đã có quyết định hủy một phần GCNQSDĐ của bà L, sau đó UBND huyện lại ra quyết định hủy bỏ quyết định hủy GCN thì UBND xã chưa nhận được quyết định huỷ này. Nay UBND xã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét về GCNQSDĐ của bà L, UBND xã không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà L.

Đại diện hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Hợp tác xã N1 trình bày:

Toàn bộ diện tích 3.192m2 tại xứ đồng Dệ K mà bà L khởi kiện có nguồn gốc do HTX Phương T5 ký hợp đồng giao khoán với hộ gia đình bà L, thời hạn từ 01/01/1995 đến 30/12/2009; tuy nhiên bà L đã sử dụng canh tác đến năm 2013 nên ngày 03/9/2015, UBND xã có Báo cáo số 62 về việc những vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án sân vận động P, trong đó nêu: “…đề nghị UBND huyện và các cơ quan chức năng của huyện cho ý kiến, biện pháp giải quyết những thắc mắc của nhân dân.” Tại Thông báo 01 ngày 27/12/2013 gửi các hộ nhận thầu quỹ đất 95% và 5% khó chia, thì các hộ được cấp đất nông nghiệp theo Nghị định 64 tiếp tục được sử dụng đất; còn đất 95% không giao thầu nữa mà đợi hướng dẫn của Chính phủ. UBND xã thông báo để các hộ được biết để làm thủ tục thanh lý với HTX N1 và UBND xã để chủ động việc sản xuất.

Tại Công văn số 07 ngày 25/01/2016 của UBND xã gửi cho bà L cũng đã xác định diện tích đất 3.216m2 ghi trong GCNQSDĐ của bà L là diện tích đất thầu, không được tiếp tục giao thầu nữa mà thu hồi làm sân bóng.

Nay bà L khởi kiện, HTX có quan điểm Hợp đồng thầu của bà L đến 30/12/2009 đã kết thúc, tại thời điểm ngày 17/11/2013 có Nghị quyết quân dân chính không có nội dung giao thầu tiếp cho bà L do đó bà L không được tiếp tục giao thầu.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn T trình bày: Ông thống nhất với trình bày và quan điểm của người khởi kiện, đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.

Người có quyền lợi, và nghĩa vụ liên quan bà Đặng Thị T2, ông Phan Văn G trình bày: Ngày 27/7/2006, gia đình ông bà nhận chuyển nhượng diện tích đất thầu của bà L ở khu vực sân bóng để cấy lúa. Thời gian sử dụng đất từ 2006 đến hết năm 2013, diện tích nhận chuyển nhượng là 4 sào = 1.440m2 với số tiền 6.720.000 đồng, hai bên viết giấy cho nhau không có xác nhận của địa phương. Ông bà đã trả đủ tiền cho bà L và hàng năm bà L vẫn thực hiện nghĩa vụ với HTX N1. Hết năm 2013 cũng là hết thời hạn thầu với bà L nên ông bà trả đất cho tập thể, việc trả đất không có văn bản gì và bà L cũng không yêu cầu ông bà trả đất khi hết thời hạn. Năm 2013, khi còn hạn thầu đất, Nhà nước có thu hồi một phần diện tích đất thầu của ông bà (102,1m2) để làm đường giao thông liên xã T đi xã Y đoạn từ cụm C đến cầu K, khi đó ông bà vẫn canh tác cấy lúa nhưng cũng không được hỗ trợ gì, hoa màu trên đất sau đó ông bà đã thu hoạch toàn bộ. Đối với diện tích đất thu hồi này khi ông bà biết danh sách niêm yết các hộ được nhận đền bù thì ông bà mới có ý kiến số tiền được đền bù, đề nghị chia làm ba phần bằng nhau cho hộ bà L, hộ ông bà và hộ vợ chồng ông Y, bà T4; tuy nhiên bà L không đồng ý.

Đến cuối năm 2013, UBND xã Y có chủ trương thu hồi diện tích đất ruộng còn lại của khu sân bóng mà bà L đấu thầu và đã viết giấy nhượng cho ông bà. Khi đó, gia đình ông bà cũng đã thu hoạch hết hoa màu và đỗ trả lại đất do đã hết hạn hợp đồng thầu với bà L. Ông bà có quan điểm nếu có tiền bồi thường thì đề nghị chia làm 3 phần bằng nhau cho nhà bà L, nhà ông bà và nhà ông bà Thuận Y1.

Người có quyền lợi, và nghĩa vụ liên quan bà Đào Thị T3 và ông Nguyễn Văn Y trình bày: Gia đình ông bà có viết giấy chuyển nhượng ruộng canh tác cho bà Phạm Thị L với nội dung: Bà L chuyển nhượng cho gia đình ông bà 3 sào đất với số tiền 4.800.000 đồng (giá 1.600.000 đồng/01 sào) vào năm 2006, thời gian canh tác từ năm 2006 đến hết 2013. Ngoài ra, ông bà thống nhất với quan điểm của ông bà Tâm G1 về thời gian Nhà nước thu hồi đất làm công trình giao thông, cũng như thời hạn hết hợp đồng, hoa màu và quan điểm của ông bà về việc chia tiền bồi thường nếu có đề nghị chia làm 3 phần bằng nhau.

Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 25/2023/HC-ST ngày 21 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định:

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 193, Điều 348 Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị L:

Buộc Ủy ban nhân dân huyện Y thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho bà Phạm Thị L đối với phần đất nhận thầu có diện tích 102,1m2 thuộc thửa số 121 và 124 bản đồ thu hồi đất để thực hiện công trình: Đường giao thông liên xã T đi xã Y đoạn từ Cụm C đến cầu K theo quy định của pháp luật.

cầu:

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị L đối với các yêu - Buộc UBND huyện Y và UBND xã Y ban hành quyết định thu hồi, lập phương án bồi thường đối với diện tích đất 3.089,9m2 mà Nhà nước đã thu hồi để làm công trình sân bóng xã Y theo giá bồi thường 153.000.000 đồng (Một trăm năm mươi ba triệu đồng)/01 sào (360m2). Tổng số tiền buộc UBND huyện Y phải bồi thường là 1.356.000.000 đồng (Một tỷ, ba trăm năm mươi sáu triệu đồng).

- Buộc UBND huyện Y và UBND xã Y bồi thường số tiền thiệt hại do gia đình bà Phạm Thị L không canh tác được từ năm 2013 đến nay với số tiền là 37.240.000 đồng/năm x 10 năm = 372.400.000đồng (Ba trăm bảy mươi hai triệu, bốn trăm nghìn đồng).

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, người khởi kiện là bà Phạm Thị Hồng L có đơn kháng cáo với nội dung kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người khởi kiện trình bày như sau: Thửa 01, tờ bản đồ 01 diện tích 3.192m2 là hợp đồng giao thầu diện tích canh tác bà ký ngày 11/12/1994 với HTX N1, với tổng giá trị 11.600.000đ mà bà đã canh tác 15 năm từ 01/01/1995 đến 30/12/2009; sau đó gia đình bà nộp thêm 4.200.000 đồng để được tiếp tục sử dụng và HTX hứa sẽ cấp GCNQSDĐ đến năm 2013, thửa đất này của bà không liên quan gì đến đất giao cho các con bà. Trong quá trình sử dụng diện tích đất được giao thầu, năm 2006 bà viết tay giấy chuyển nhượng cho bà Tâm G1 04 sào, cho bà Yên T4 03 sào trong tổng diện tích của bà nhận thầu, đến năm 2013 bà Tâm G1 và bà Yên T4 trả lại cho bà còn các khoản thuế phí, nghĩa vụ sử dụng đất phát sinh từ năm 2006 đến 2013 thì bà vẫn là người đóng thuế cho Nhà nước theo diện tích ghi trên giấy chứng nhận là 3.192m2.

Năm 2013, Nhà nước thu hồi của gia đình bà 3.192m2 đất nông nghiệp tại xứ đồng D, thôn P, xã Y, huyện Y; nhưng khi thu hồi đất, gia đình bà không nhận được bất kì thông báo nào liên quan đến thủ tục thu hồi và bồi thường thửa đất trên mà UBND xã và UBND huyện Y đã tự ý san phẳng để làm đường và sân bóng từ năm 2013, do vậy bà đề nghị HĐXX chấp nhận đơn kháng cáo, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà.

Người đại diện hợp pháp của người bị kiện UBND xã Y, huyện Y trình bày:

Việc cấp GCNQSDĐ cho bà L là do nhận thức của cán bộ thời đó nên đã đưa cả diện tích thầu có thời hạn vào diện tích cấp GCN cho bà L là sai sót, UBND xã đã đề nghị cấp có thẩm quyền làm thủ tục hủy diện tích đất thầu có thời hạn ra khỏi GCNQSDĐ cấp cho bà L.

Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà buộc UBND huyện Y và UBND xã Y ban hành quyết định thu hồi, lập phương án bồi thường đối với diện tích đất 3.089,9m2 mà Nhà nước đã thu hồi để làm công trình sân bóng xã Y, buộc UBND huyện Y và UBND xã Y bồi thường số tiền thiệt hại do gia đình bà Phạm Thị L không canh tác được của bà Phạm Thị L là đúng, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bà L.

Đại diện hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Hợp tác xã N1 trình bày: Hợp đồng thầu của bà L đến 30/12/2009 đã kết thúc, tại thời điểm ngày 17/11/2013 có Nghị quyết quân dân chính không có nội dung giao thầu tiếp cho bà L nên bà L không được tiếp tục giao thầu, đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của bà L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên tòa có quan điểm:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã tuân thủ đầy đủ, đảm bảo trình tự, thủ tục từ khi thụ lý, quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đến tại phiên tòa phúc thẩm; người tham gia tố tụng đã được thực hiện đầy đủ, đảm bảo đúng các quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

- Về nội dung: Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính: Bác kháng cáo của bà Phạm Thị L, giữ y toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các chứng cứ, tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa; trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện chứng cứ; ý kiến của Kiểm sát viên và các bên đương sự về việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1]. Về tố tụng:

[1.1]. Đơn kháng cáo của bà Phạm Thị L nộp trong thời hạn kháng cáo và đúng theo quy định tại Điều 205, Điều 206 Luật Tố tụng hành chính nên đủ điều kiện được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2]. Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định đối tượng khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, tư cách đương sự tham gia tố tụng đúng pháp luật.

- Việc Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thụ lý và giải quyết là đúng theo quy định tại khoản 1 Điều 30 và khoản 3, 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính.

- Bà Phạm Thị L khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 116 của Luật Tố tụng hành chính.

[1.3]. Về việc vắng mặt của các đương sự:

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay người bị kiện là Ủy ban nhân dân huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Phan Văn G, bà Đặng Thị T2 và ông Nguyễn Văn Y, bà Đào Thị T3 vắng mặt.

Xét thấy người bị kiện đã có ý kiến trình bày đầy đủ trong hồ sơ vụ án và có đơn xin xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vắng mặt nhưng bà Phạm Thị L có ý kiến đề nghị HĐXX vẫn tiến hành xét xử vì những người này không liên quan đến kháng cáo của bà. Do vậy, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 225 Luật Tố tụng hành chính.

[2]. Xét kháng cáo của Bà Phạm Thị L HĐXX thấy như sau:

[2.1]. Về yêu cầu khởi kiện buộc UBND huyện Y chi trả tiền bồi thường đối vối diện tích đất 102,1m2 mà UBND huyện đã thu hồi để làm công trình đường giao thông theo giá thị trường là 153.000.000 đồng/01 sào đất = 43.392.500 đồng của bà L HĐXX thấy: Diện tích 102,1m2 bị thu hồi làm Công trình đường giao thông là diện tích có nguồn gốc bà L nhận thầu của HTX N1, nên căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 11 Quy định về thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đơn giá bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc ban hành kèm theo Quyết định số 18/2011/QĐ ngày 20/4/2011 của UBND tỉnh V áp dụng hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn; đất nông nghiệp để lại khó giao theo Nghị định số 64/CP thì bà L đã nhận thầu của HTX với thời gian thầu trên 3 năm nên bà L chỉ được bồi thường chi phí đầu tư về đất bằng 20% giá đất nông nghiệp cùng hạng đối với diện tích đất giao nhận khoán và sử dụng đất đối với diện tích thu hồi 102,1m2 để thực hiện Công trình đường giao thông, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Ủy ban nhân dân huyện Y thực hiện bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho bà Phạm Thị L đối với phần đất nhận thầu có diện tích 102,1m2 thuộc thửa số 121 và 124 bản đồ thu hồi đất để thực hiện công trình:

Đường giao thông liên xã T đi xã Y đoạn từ Cụm C đến cầu K là có căn cứ đúng theo quy đinh của pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay bà L cũng không đề nghị xem xét về vấn đề này do đó HĐXX không xét.

[2.2]. Về yêu cầu khởi kiện buộc UBND huyện Y và UBND xã Y ban hành quyết định thu hồi, lập phương án bồi thường cho bà L đối với diện tích đất 3.089,9m2 mà Nhà nước đã thu hồi để làm công trình sân bóng xã Y theo giá bồi thường 153.000.000 đồng/sào, Hội đồng xét xử thấy rằng:

Mặc dù tại GCNQSDĐ do UBND huyện Y chứng nhận ngày 10/9/1996 cho bà Phạm Thị L được quyền sử dụng thửa đất số 01, tờ bản đồ số 01, diện tích 3.192m2, mục đích sử dụng đất trồng trọt, thời hạn sử dụng tháng 10/2013. Tuy nhiên, như đã phân tích thì thửa đất nêu trên của bà L có nguồn gốc từ đất nhận thầu theo Hợp đồng giao thầu diện tích canh tác ngày 11/12/1994, có thời hạn từ 01/01/1995 đến hết ngày 30/12/2009 và được gia hạn miệng đến hết năm 2013. Tại thời điểm cấp GCNQSDĐ cho bà L, ngoài hộ bà L còn có 21 hộ khác cũng được UBND xã P thời kỳ đó lập danh sách đề nghị cấp GCNQSDĐ cho các hộ cùng với các thửa đất được cấp theo Nghị định 64 và các hộ này cũng được UBND huyện Y cấp GCNQSDĐ như hộ bà L đối với diện tích giao nhận thầu (theo cán bộ quản lý đất đai thời kỳ đó giải trình việc lập Danh sách và đề nghị cấp GCNQSDĐ đối với cả thửa đất giao thầu cho các hộ gia đình để thuận tiện cho việc theo dõi và thu sản đối với các hộ). Tuy nhiên, khi hết hạn hợp đồng đối với các hộ không thực hiện gia hạn thì các hộ đã trả lại cho HTX quản lý.

Ngày 09/6/2014, UBND huyện Y ban hành Thông báo thu hồi đất số 414/TB-UBND về việc thu hồi đất để thực hiện công trình: Xây dựng sân thể thao, tại thông báo thu hồi thể hiện nội dung: Tổng diện tích dự kiến thu hồi 3.000m2; thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB: Quý IV năm 2014. Mặc dù diện tích dự kiến thu hồi 3.000m2 đất nêu trên có nguồn gốc từ việc bà L nhận thầu của HTX N2 và được cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, ngày 31/12/2013 đã hết hạn hợp đồng thầu của bà L, điều này được thể hiện tại Văn bản số 01/HC-UBND ngày 27/12/2013 của UBND xã Y về việc quản lý và sử dụng quỹ đất 5% và 95% khó chia theo Nghị định 64/NĐ-CP gửi các hộ nhận thầu; Thông báo số 27/TB-UBND thông báo về Kế hoạch sản xuất quản lý đất đai trên địa bàn toàn xã năm 2014 và tại các Biên bản làm việc ngày 31/5/2016, ngày 03/6/2016 của UBND xã Y với hộ ông bà T, ông bà Y và bà D2 (con gái ông H2) (BL 458, 66, 67, 68). Đồng thời, tại phiên toà, bà L cũng khẳng định bà L chỉ thực hiện nghĩa vụ nộp sản đối với diện tích 3.192m2 mà bà đã nhận thầu và được cấp GCNQSDĐ nêu trên từ khi nhận thầu năm 1995 đến hết năm 2013. Năm 2014 cho đến nay thì bà không nộp nữa do năm 2014 bà đến nộp sản nhưng HTX N1 thông báo không thu vì đất đã vào quy hoạch.

Như vậy, mặc dù diện tích đất thu hồi theo Thông báo thu hồi đất số 414/TB-UBND ngày 09/6/2014 của UBND huyện Y và diện tích thu hồi được thể hiện trong GCNQSDĐ cấp cho bà L. Tuy nhiên, căn cứ theo khoản 10 Điều 38, khoản 1 Điều 42, điểm a khoản 1 Điều 43 Luật Đất đai năm 2003 thì diện tích đất thu hồi nêu trên không thuộc trường hợp được bồi thường, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Do đó, yêu cầu khởi kiện của bà L về việc đề nghị UBND huyện Y, UBND xã Y ban hành Quyết định thu hồi, lập phương án bồi thường cho bà L đối với diện tích đất mà Nhà nước thu hồi để làm sân bóng xã Y theo đơn giá bồi thường 153.000.000 đồng/sào không được chấp nhận.

[2.3]. Xét yêu cầu khởi kiện của bà L buộc UBND huyện Y và UBND xã Y bồi thường số tiền thiệt hại do gia đình bà không canh tác được từ năm 2013 đến nay với số tiền là 37.240.000 đồng/năm x 10 năm = 372.400.000đồng, thấy rằng từ năm 1996 một phần diện tích nhận thầu của bà L đã được HTXNN Phương Trù giao sang cho ông H2 canh tác; đồng thời phần còn lại thì năm 2006 bà L đã chuyển nhượng bằng giấy viết tay cho hộ ông bà Tâm G1 và hộ ông bà Yên T4 trực tiếp canh tác cho đến khi hết hạn thì trả lại diện tích đất cho tập thể. Tại thời điểm thu hồi 102,1m2 làm Công trình Đường giao thông thì hộ ông bà Tâm G1 và hộ ông bà Yên T4 đang canh tác trên đất đó theo giấy chuyển nhượng đất giữa bà L với bà T2, ông Y (chuyển nhượng đến hết năm 2013), tuy nhiên đến thời điểm 31/12/2013 khi UBND huyện ban hành Quyết định phê duyệt phương án chi tiết bồi thường thì theo lời khai của hai hộ cũng đã thu hoạch hết hoa màu, đồng thời tại phiên toà bà L cũng khẳng định sau khi hai hộ ông bà Tâm G1, ông bà Y trả lại đất thì bà L có trồng bí đao, đậu tương nhưng đến tháng Giêng năm 2014 thì gia đình bà cũng đã thu hoạch hết. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện trên của bà L là có căn cứ.

[3]. Từ những phân tích trên thấy rằng yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị Hồng L đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc UBND huyện Y và UBND xã Y ban hành quyết định thu hồi, lập phương án bồi thường đối với diện tích đất 3.089,9m2 mà Nhà nước đã thu hồi để làm công trình sân bóng xã Y theo giá bồi thường 153.000.000 đồng/01 sào (360m2). Tổng số tiền buộc UBND huyện Y phải bồi thường là 1.356.000.000 đồng (Một tỷ, ba trăm năm mươi sáu triệu đồng). Buộc UBND huyện Y và UBND xã Y bồi thường số tiền thiệt hại do gia đình bà Phạm Thị L không canh tác được từ năm 2013 đến nay với số tiền là 37.240.000 đồng/năm x 10 năm = 372.400.000đồng (Ba trăm bảy mươi hai triệu, bốn trăm nghìn đồng) là không có cơ sở để chấp nhận.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử thấy Toà án cấp sơ thẩm đã quyết định đảm bảo quyền lợi của người khởi kiện nên không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Phạm Thị L. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[4]. Về án phí: Do yêu cầu kháng cáo của người khởi kiện không được chấp nhận nên phải chịu án phí hành chính phúc thẩm. Tuy nhiên bà L là người cao tuổi và đã có đơn xin miễn án phí nên miễn án phí hành chính phúc thẩm cho bà L.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng hành chính, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Bác kháng cáo của người khởi kiện là bà Phạm Thị L; giữ nguyên Bản án hành chính sơ thẩm số 25/2023/HCST ngày 21 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

2. Về án phí: Bà Phạm Thị L được miễn án phí hành chính phúc thẩm. Bản án hành chính phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

41
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu thực hiện hành vi hành chính số 58/2024/HC-PT

Số hiệu:58/2024/HC-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hành chính
Ngày ban hành: 25/01/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về