Bản án về yêu cầu chia di sản thừa kế, phân chia đất nông nghiệp, đòi tài sản là quyền sử dụng đất số 41/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

BẢN ÁN 41/2022/DS-PT NGÀY 25/11/2022 VỀ YÊU CẦU CHIA DI SẢN THỪA KẾ, PHÂN CHIA ĐẤT NÔNG NGHIỆP, ĐÒI TÀI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 25 tháng 11 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Th xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ L số 27/2022/TLPT-DS ngày 12 tháng 8 năm 2022 về việc “Yêu cầu chia di sản thừa kế, phân chia đất nông nghiệp, đòi tài sản là quyền sử dụng đất”, do có kháng cáo đối với Bản án số 03/2022/DS-ST ngày 22/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Th, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 59/2022/QĐXXPT-DS ngày 12 tháng 10 năm 2022 giữa các đương sự:

1. N đơn: Anh Lê Văn T, sinh năm 1977; Nơi cư trú: Thôn L, xã T, T, tỉnh Th.

Địa chỉ liên hệ: Phòng 206, A3, khu tập thể cơ khí T, phường T, quận T, thành phố Hà Nội.

Nơi ở hiện nay: Tòa S216 V o Đ – G, Thành phố Hà Nội.

2. Bị đơn:

- Chị Lê Thị M, sinh năm 1968;

- Ông Lê Duy H, sinh năm 1928;

Đều có nơi cư trú: Thôn L, xã T, T, tỉnh Th.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

- Anh Lê Văn Đ, sinh năm 1964;

- Chị Lê Thị Y, sinh năm 1972;

Đều có nơi cư trú: Thôn L, xã T, T, tỉnh Th.

- UBND xã T, huyện T, tỉnh Th.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Quang D - Chủ tịch UBND xã T.

- Anh Nguyễn Văn T, sinh năm 1994;

- Anh Trần Thành C, sinh năm 1994;

- Anh Trần Trung Đ, sinh năm 2001;

Đều nơi cư trú: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Th.

- Anh Lê Duy D, sinh năm 1958 và vợ là chị Phạm Thị T; Nơi cư trú: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Th.

- Chị Lê Thị L, sinh năm 1960;

Nơi cư trú: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Th.

- Anh Lê Duy N, sinh năm 1962;

- Anh Lê Duy H, sinh năm 1971;

- Anh Lê Duy T1, sinh năm 1973 và vợ là chị Lê Thị Hải T; Đều có nơi cư trú: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Th.

- Anh Lê Duy H, sinh năm 1975;

Nơi cư trú: Tổ 22, khu 2, phường H, thành phố H, tỉnh Quảng Ninh.

Người được ông H, anh D, chị L, anh N, anh H, anh H1, chị T, chị T1 ủy quyền: Anh Lê Duy T1.

Người kháng cáo: Anh Lê Văn T.

(Anh T, chị M, chị Y có đơn xin xét xử vắng mặt, những người có quyền lợi liên quan vắng mặt lần thứ 2)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. N đơn – Anh Lê Văn T trình bày:

Bố mẹ anh là ông Lê Văn H (chết năm 2000) và bà Nguyễn Thị T, (chết năm 2013). Bố mẹ anh không có con nuôi chỉ có 4 con chung là Lê Văn Đ, Lê Thị M, Lê Thị Y và anh. Quá trình chung sống, bố mẹ anh không tạo lập được tài sản chung gì. Khoảng năm 1981, 1982 bố mẹ anh ly hôn, bố anh về quê nội ở Hà Tây (cũ) để sinh sống, còn mẹ anh và 4 anh chị em anh sống cùng ông bà ngoại là cụ Nguyễn Hữu H (chết năm 1991) cụ Nguyễn Thị H (chết năm 1989). Cụ H, cụ H không có con nuôi chỉ có một con chung là mẹ anh. Cụ H có một con riêng là Nguyễn Thị H (chết năm 2012), bà H không kết hôn với ai và có một con là anh Nguyễn Văn T2, ngoài ra không có con nào khác. Khi còn sống, cụ H và cụ H có khối tài sản chung là 02 mảnh đất, gồm thửa số 60 và thửa đất số 106 đều thuộc bản đồ 299 nằm gần đối xứng nhau trên trục đường 39B thôn Lục Nam, xã Thái Xuyên. Hai cụ chết không để lại di chúc. Đối với thửa đất số 60 giữa anh, anh Đ và anh T2 có tranh chấp và đã được giải quyết bằng bản án 06/2019/DS-ST ngày 27 tháng 08 năm 2019 đã có hiệu lực pháp luật. Đối với thửa đất số 106 tờ số 06 bản đồ 299 (Theo bản đồ 2006 là thửa số 25 và một phần thửa đất số 22 tờ số 06) thì quá trình sử dụng đất như sau: Vào khoảng năm 1988 anh Lê Văn Đ là chuyển khẩu vào một cơ quan Quân sự và làm việc tại đây. Vào khoảng năm 1991 chị Lê Thị M đi lấy chồng và chuyển khẩu về sinh sống với gia đình nhà chồng tại xã Thái Hòa, huyện Thái Thụy, tỉnh Th. Vì vậy, từ năm 1991 gia đình anh chỉ còn lại 04 khẩu gồm có: Bà Nguyễn Thị T (chủ hộ), bà Nguyễn Thị H, chị Lê Thị Y và anh. Năm 1993 thực hiện Nghị định 64/NĐ-CT của Chính Phủ và Quyết định 652 của UBND tỉnh Th về giao đất nông nghiệp cơ bản. Gia đình anh được Nhà nước cân đối và giao đất nông nghiệp cho 04 khẩu gồm (bà T, bà H, chị Y và anh) trong đó bao gồm cả thửa 106. Khoảng những năm 1994, 1995, do chị M có mâu thuẫn với gia đình chồng, không thể ở cùng được nên bà T đã cho vợ chồng chị M sử dụng một phần thửa đất 106 để xây dựng nhà ở và sinh sống cho đến nay. Năm 2002 theo Quyết định 948 về giao đất nông nghiệp của UBND tỉnh Th, bà T là chủ hộ đã tách hộ gia đình bà T tách thành 02 hộ, bà T và bà H đã thống nhất về phân chia đất nông nghiệp như sau:

+ Hộ gia đình bà T (chủ hộ) gồm 03 khẩu là bà T, chị Y và anh là Lê Văn T được giao cho sử dụng các thửa đất nông nghiệp sau:

1. Thửa đất số 25 tờ bản đồ số 06. Năm 2014 Nhà nước thu hồi 75m2 đất ONT và 44,7m2 đất LNK được bồi thường 294.062.000 đồng, chị M đã nhận toàn bộ tiền bồi thường.

2. Một phần thửa đất số 22 tờ bản đồ số 06 diện tích 169,5m2. Nhà nước đã thu hồi vào năm 2014 số tiền được đền bù là 261.878.000 đồng, chị M ký nhận tiền đền bù (anh được nhận 61.000.000 đồng).

3. Thửa đất số 32 tờ bản đồ số 06, diện tích 536m2 loại đất LUC 4. Thửa đất số 24 tờ bản đồ số 06,diện tích 425,5m2 loại đất TSN 5. Đất đồng Kênh, diện tích 647m2 và Dược mạ 88m2.

+ Hộ gia đình bà H (chủ hộ) gồm 02 khẩu là bà H và anh T được giao sử dụng các thửa đất:

Đồng Kênh 351 m2; Đồng Đỗi 429 m2 và Dược Mạ 48m2.

Sau khi được UBND xã giao đất, giữa hộ gia đình bà T và hộ gia đình bà H đã sử dụng ổn định và giữa bà H và bà T không có tranh chấp gì. Vào khoảng năm 2005 chị Y đã tách hộ và được bà T cho xây dựng nhà và sinh sống trên một phần thửa đất 106. Vì vậy, từ khoảng năm 2005 hộ gia đình anh còn 02 khẩu là bà T và anh. Năm 2013 bà T chết. Năm 2018, UBND xã Thái Xuyên làm lại sổ hộ khẩu mới cho anh. Qua tất cả mọi chứng cứ như trên cho thấy những người được quyền sở hữu và sử dụng thửa đất số 106 là: Bà T, chị Y và anh. Chị Lê Thị M hiện nay đang sinh sống trên thửa đất số 106 nhưng không có quyền được sử dụng và thừa hưởng thửa đất số 106.

Anh được biết mẹ anh có viết 02 bản di chúc vào năm 2011 và năm 2012. Đối với bản di chúc năm 2011 anh cho rằng không hợp pháp vì khi đó mẹ anh chịu sự tác động, o ép của chị M. Đến năm 2012, mẹ anh đã giấu chị M để viết bản di chúc năm 2012 với nội dung cho anh toàn bộ tài sản và gửi bản di chúc tại UBND xã Thái Xuyên. Bản di chúc năm 2012 đã được Tòa án các cấp công nhận là hợp pháp. Đến năm 2019 sau khi có bản án của Tòa án nhân dân tỉnh Th anh mới biết mình có quyền lợi đối với mảnh đất 106 và biết việc bà T chỉ được quyền định đoạt 1/3 thửa đất 106.

Nay anh yêu cầu Tòa án giải quyết cụ thể như sau:

1. Yêu cầu Tòa án xác định di chúc năm 2011 của bà T là không hợp pháp và căn cứ di chúc năm 2012 của bà T để chia di sản thừa kế là đất nông nghiệp của bà T cho anh. Cụ thể, phần đất nông nghiệp của hộ gia đình bà T được phân chia theo quyết định 948 năm 2002 gồm 3 người là anh, bà T và chị Y nay phân chia anh được hưởng 2/3 phần gồm phần của anh và bà T, chị Y được hưởng 1/3 còn lại.

2. Biên bản thẩm định tại chỗ và bản đồ kèm theo là chính xác anh không có ý kiến gì và đề nghị: Tòa án xác định chị Y được quyền sử dụng 150 m2 trong thửa số 25 phần còn lại giao cho anh được quyền sử dụng. Đối với ngôi mộ 11 m2 nằm trong thửa đất anh đề nghị xác định là đất công do UBND xã quản lý. Đối với phần diện tích chị M đã xây dựng 209,5 m2 và tạo lập anh đồng ý thanh toán bằng tiền cho chị M.

3. Đối với số tiền 261.000.000 đồng nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng thửa đất số 22. Anh không có ý kiến gì về giá và mức bồi thường. Việc UBND xã Thái Xuyên giao cho chị M, anh Đ và chị Y 200.000.000 đồng và giao cho anh 61.000.000 đồng là chưa đúng. Anh đề nghị chia 261.000.000đồng làm ba cho anh, chị Y và bà T. Anh được nhận hai phần là 174.000.000 đồng, phần còn lại của chị Y. Anh yêu cầu anh Đ, chị Y và chị M phải liên đới trả lại anh số tiền còn thiếu là 113.000.000 đồng.

4. Đối với số tiền đền bù thửa đất số 25 trị giá 294.000.000 đồng mà chị M đã nhận, anh đồng ý trừ đi số tiền đền bù là tài sản trên đất do chị M tạo lập là 69.000.000 đồng. Số tiền đền bù quyền sử dụng đất là 225.000.000 đồng chia thành 3 phần cho bà T, anh và chị Y. Anh được nhận 2 phần là 150.000.000 đồng, chị Y được sử dụng phần còn lại. Anh yêu cầu chị M phải trả cho anh số tiền 150.000.000 đồng.

5. Anh có nguyện vọng được quyền sử dụng đất nông nghiệp là thửa đồng kênh và thửa 24 và phân chia thửa 32 cho chị Y sử dụng.

6. Đối với phần đất 199 m2, đang tranh chấp với hộ gia đình ông Lê Duy H, anh đề nghị Tòa án căn cứ vào biên bản làm việc ngày 19/5/2011 của Thanh tra huyện Thái Thụy và Kết luận thanh tra huyện Thái Thụy để giao quyền sử dụng diện tích 199m2 đất này cho anh và anh đồng ý đền bù tiền cây cối cho hộ gia đình ông H số tiền 5.407.000 đồng.

* Trong bản tự khai, đơn yêu cầu phản tố, các lời khai tiếp theo chị Lê Thị M trình bày:

- Chị nhất trí về huyết thống, hàng thừa kế như anh T trình bày là đúng.

Chị có chồng là anh Trần Văn H (chết năm 2010). Chị và anh H có hai người con là anh Trần Thành C, sinh năm 1994 và Trần Trung Đ, sinh năm 2001. Hiện anh C và anh Đ sinh sống cùng chị tại thửa đất tranh chấp.

- Năm 1992, chị được mẹ chị tặng cho quyền sử dụng đất để chị xây dựng nhà ở trên thửa đất 106. Vợ chồng chị đã xây dựng nhà và ở ổn định từ đó đến nay. Quá trình chị xây dựng nhà và ở anh em trong gia đình đều biết, không ai có ý kiến tranh chấp gì, được UBND xã Thái Xuyên xác nhận chị ở ổn định không có tranh chấp. Chị đã nộp thuế quyền sử dụng đất từ đó đến nay. Bản di chúc năm 2012, mẹ chị định đoạt toàn bộ thửa đất 106 cho chị và chị Lê Thị Y có sự chứng kiến của chính quyền địa phương và các anh chị em, anh T không có bất kỳ quyền lợi nào liên quan đến thửa đất 106. Bản thân anh T cũng nhiều lần thừa nhận bằng văn bản việc mẹ chị đã cho thửa đất số 106 cho 2 chị và chị Y (Chị đã giao nộp bản phô tô bản tự khai và đơn kêu cứu của anh T cho Tòa án) còn bản di chúc năm 2012, mẹ chị đã định đoạt toàn bộ tài sản của mẹ chị cho anh Lê Văn T và trong các tài sản giao đó không có liên quan đến thửa đất 106. Hiện nay thửa đất số 25 do chị và chị Y đang cùng nhau quản lý sử dụng. Thửa đất số 24 hiện do chị đang quản lý sử dụng. Thửa đất số 32 và đất ruộng Đồng Kênh và đất ruộng Dược mạ hiện đang bỏ hoang không ai sử dụng.

Đối với yêu cầu khởi kiện của anh T, chị M có ý kiến như sau:

1. Đề nghị Tòa án công nhận di chúc năm 2011 là hợp pháp để xác định cho chị và chị Y được quyền sử dụng thửa đất số 106 bản đồ 299 (Nay là thửa 25 và 01 phần thửa 22 tờ số 6 bản đồ 299) và thửa đất màu nay chuyển thành thửa đất ao có số thửa 24 tờ số 6 bản đồ 2006.

2. Đối với phần đất tranh chấp 199m2 với hộ gia đình ông Lê Duy H: Vụ việc hai gia đình tranh chấp kéo dài, chị đề nghị theo kết luận số 09/KL – TTr ngày 02/12/2011 của Thanh tra huyện Thái Thụy và trích lục địa chính khu đất điều chỉnh ranh giới mốc giới thửa đất của gia đình chị và gia đình ông H năm 2015 để xác định diện tích đất của từng hộ gia đình, qu đó đã xác định gia đình ông H lần chiếm 199m2 vì vậy, Tòa án buộc gia đình ông H phải phá dỡ công trình trả lại đất cho gia đình chị và chị thanh toán tiền cây cối hoa màu cho ông H là 5.407.000 đồng.

3. Về số tiền được nhận bồi thường giải phóng mặt bằng của thửa đất 25 là 294.000.000 đồng trong đó 225.000.000đồng tiền đền bù về đất ở và 69.000.000 đồng tiền đền bù cây trồng và tài sản trên đất của thửa đất 106 thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chị và chị Y. Các chị đã nhận và thỏa thuận chia, chị được nhận khoảng 200.000.000 còn lại của chị Y, chị không nhớ chính xác. Anh T không có quyền yêu cầu nhận số tiền này.

4. Khi nhận được tiền giải phóng mặt bằng thửa đất số 22, quan điểm của chị, anh Đ và chị Y là để lại sửa sang mộ cho bà T và bà H. Tuy nhiên, UBND xã Thái Xuyên và đại diện trung tâm phát triển quỹ đất nói rằng diện tích đất này của mẹ chị là bà T, nên cần chia đều cho 4 người con trong đó chị, anh Đ, chị Y được nhận 200.000.000 đồng. Số tiền này chị và chị Y đã sử dụng vào việc xây mộ cho mẹ chị và dì H. Số tiền lẻ 878.000 đồng được dùng vào việc giỗ chạp năm 2016. Riêng của anh T được 61.000.000, anh T không đóng góp vào việc chung của gia đình. Mặt khác, thửa đất số 22 cũng đã được mẹ chị cho chị và chị Y. Vì vậy chị đề nghị Tòa án buộc anh T phải trả lại chị và chị Y số tiền trên. Đối với anh Đ tuy ký nhận tiền nhưng thực tế anh Đ đã sử dụng tiền trên để xây mộ cho ông bà nên chị không yêu cầu anh Đ trả lại chị và chị Y số tiền trên.

5. Năm 2011, khi chị xây dựng tường bao quanh thửa đất 25, mẹ chị khi đó còn sống đã nói để lại phần diện tích đất phía Nam giáp gồ mà theo hiện trạng đo là 79,5 m2 đất để chuyển thành đất công cộng, chuyển mộ của các cụ trong gia đình chị về đó. Ngoài ra trong thửa đất 25, chị và chị Y đang sử dụng còn có một ngôi mộ có diện tích 11 m2. Chị và chị Y xin hiến phần diện tích đất có mộ trên thành đất công cộng. Chị và chị Y tự thỏa thuận cùng sử dụng đất do mẹ chị để lại, không yêu cầu Tòa án phân chia.

- Chị xin được vắng mặt khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử.

* Tại bản tự khai, các lời khai tiếp theo anh Lê Duy T1 trình bày:

Ông Lê Duy H có vợ là bà Lê Thị N (chết năm 2013). Ông H và bà N có 6 người con gồm: Anh Lê Duy D, sinh năm 1958 và vợ là chị Phạm Thị T1; Chị Lê Thị L, sinh năm 1960; anh Lê Duy N, sinh năm 1962; anh Lê Duy H, sinh năm 1971; anh Lê Duy T1, sinh năm 1973 và vợ là chị Lê Thị Hải T; anh Lê Duy H1, sinh năm 1975. Nay anh được cả gia đình ủy quyền trình bày quan điểm của gia đình nên anh đồng ý với kết luận số 09/KL – TTr ngày 02/12/2011 của Thanh tra huyện Thái Thụy về việc phần chia đất giữa hai gia đình. Theo đó gia đình anh đồng ý trả lại diện tích đất 199,2 m2 cho gia đình bà T và gia đình bà T phải thanh toán cho gia đình anh số tiền hoa màu trồng trên đất là 5.407.000 đồng như biên bản kiểm kê của UBND xã Thái Xuyên năm 2011.

Anh xin vắng mặt tại phiên tòa.

* Tại bản tự khai chị Lê Thị Y trình bày:

Về nhân thân, quá trình sử dụng thửa đất tranh chấp và quan điểm giải quyết vụ án chị Y thống nhất lời trình bày chị M. Chị và chị M đã thỏa thuận cùng sử dụng thửa đất do mẹ chị để lại, tự thỏa thuận về tiền đền bù giải phóng mặt bằng mà chị M đã nhận, chị không yêu cầu Tòa án phân chia. Chị yêu cầu Tòa án phân chia đất nông nghiệp của chị và anh T. Chị có nguyện vọng được sử dụng thửa đất số 32 và thửa dược mạ, giao cho anh T sử dụng cả thửa Đồng kênh. Để việc sử dụng đất ruộng canh tác được thuận tiện, chị đề nghị không chia nhỏ các thửa đất. Khi phân chia phần diện tích đất nông nghiệp cho chị và anh T, nếu có sự chênh lệch diện tích mà chị được phần ít hơn thì chị tặng cho phần đó cho anh T. Chị xin vắng mặt tại phiên tòa * Tại bản tự khai anh Lê Văn Đ trình bày:

Anh đồng ý với quan điểm của chị M và chị Y, phần đất phía Bắc đường 39 B đã được bà T cho chị M và chị Y. Anh đề nghị Tòa án giao toàn quyền sử dụng phần đất phía Bắc đường 39B cho chị M và chị Y, anh không có ý kiến tranh chấp.

* Tại biên bản lấy lời khai anh Nguyễn Văn T2 trình bày:

Anh là con bà H, anh xác nhận lời trình bày của anh T, chị M về nguồn gốc đất tranh chấp là đúng. Nay anh không tranh chấp gì đối với đất nông nghiệp thuộc hộ gia đình bà T trong đó có thửa đất 106 và đề nghị Tòa án không đưa anh vào tham gia tố tụng tại phiên tòa.

* Đại diện UBND xã T cung cấp:

- Thửa đất số 106 tờ bản đồ Địa chính số 4 (6) có nguồn gốc từ đất Q ( Đất trồng cây ăn quả) do cụ Nguyễn Văn H là ông ngoại anh Lê Văn T sử dụng, tổng diện tích thửa đất theo bản đồ 299 thiết lập năm 1985 là 1.835 m2. Trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, năm 1987 cụ H đã đồng ý để HTX Thái Xuyên điều chỉnh cắt chuyển cho ông Lê Duy H một phần diện tích là 625 m2. Ông H đã cắt chuyển sang cho con trai là anh Lê Duy D làm nhà ở trên diện tích mà UBND xã cắt đất phần trăm cho 02 hộ ông H, anh D làm nhà từ trước năm 1990. Năm 1991, cụ H chết, năm 1992 bà T là con gái cụ H cho chị M là con gái bà T làm nhà trên phần còn lại của thửa đất này (nay là thửa số 25 tờ bản đồ số 6). Năm 1993 thực hiện Nghị định 64/NĐ-CT của Chính phủ và Quyết định 652 của UBND tỉnh Th về giao đất nông nghiệp cơ bản. Căn cứ vào quy định trên, UBND xã đã qui đổi theo tỷ lệ 4m đất (vườn, màu, trồng cây, cư thừa) = 1m đất ruộng. Đối với đất ao qui đổi từ 2 - 7m đất ao = 1m đất ruộng. 02 người con của bà T là anh Đ và chị M không được giao đất nông nghiệp tại xã Thái Xuyên vì anh Đ đã chuyển khẩu vào cơ quan quân sự vào năm 1988, chị M đi lấy chồng và chuyển khẩu về xã Thái Hòa vào năm 1991.

Theo Quyết định 652 năm 1993 và 948 năm 2002 thì tổng diện tích đất nông nghiệp mà hộ gia đình bà T có 3 khẩu là bà T, anh T và chị Y khi chưa quy đổi gồm: Đất ruộng 1.271,7m2, đất ao là 831,9m2; đất vườn, đất cư thừa là 1.571,8m2. Nếu quy đổi thì tổng đất nông nghiệp là 1.852,1m2. Bà T, anh T và chị Y mỗi người được 617,3 m2. Trong đó: Thửa đất 152 là 912,8m2 trong đó hạn mức đất ở 400m2, còn lại 512,8m2 đất cư thừa, quy đổi bằng 128,2 m2 (tỷ lệ ¼) đất ruộng. Thửa đất 151 là 406,4m2 đất ao, quy đổi bằng 81,2m2 (Tỷ lệ 1/5) đất ruộng. Hai thửa đất này đã được phân chia tại bản án số 06 ngày 27/8/2019 của TAND tỉnh Th.

Thửa đất 25 là 889,5 m2 trong đó hạn mức đất ở 200m2 còn lại 689,5m2 đất cư thừa, quy đổi bằng 172,4m2 đất ruộng. Thửa đất 24 là 425,5m2 đất ao quy đổi bằng 141,8m2 đất ruộng. Thửa đất 22 là 169,5m2 đất trồng cây, quy đổi bằng 42,4m2. Phần tranh chấp với hộ gia đình ông H có diện tích 199 m2 quy đổi bằng 49,75 m2.

Tại thời điểm thực hiện Quyết định 948/năm 2002, hộ bà T tách thành 02 hộ là: Hộ gia đình bà T và hộ gia đình bà H. Hai bà đã thống nhất về phân chia đất nông nghiệp như sau:

Hộ gia đình bà T (chủ hộ), Lê Thị Y, Lê Văn T (3 khẩu) được nhà nước giao cho sử dụng các thửa đất nông nghiệp sau:

1. Một phần thửa đất số 106 tờ bản đồ số 04 thuộc bản đồ 299 nay là thửa số 25 tờ bản đồ số 6 có diện tích 889,5 m2 (Năm 2014 nhà nước thu hồi 75 m2 đất ở nông thôn và 44,7 m2 đất trồng cây) và một phần thửa số 22 tờ bản đồ số 6 có diện tích 169,5 m2 đất trồng cây (Năm 2014 Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích).

2. Thửa đất số 32 tờ bản đồ số 06, diện tích 536 m2 loại đất LUC 3. Thửa đất số 24 tờ bản đồ số 06,diện tích 425,5 m2 loại đất TSN 4. Đất đồng Kênh, diện tích 647 m2 và Dược mạ 88 m2.

Hộ gia đình bà H (chủ hộ) và con trai là anh T ( 2 khẩu) được giao sử dụng các thửa đất: Đồng Kênh 351 m2; Đồng Đỗi 429 m2; Dược Mạ 48 m2.

UBND xã không lưu trữ tài liệu việc bà H và bà T thỏa thuận phân chia về việc sử dụng đất nông nghiệp nhưng các thành viên của hai hộ gia đình đều biết, đã sử dụng ổn định từ đó đến nay, không có tranh chấp gì. Bà H và bà T đã chết nhưng anh T là con bà H cũng không có ý kiến tranh chấp đối việc diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình bà T. Việc bà T cho vợ chồng chị M sử dụng một phần thửa đất 106 từ khi nào không thể hiện nhưng theo hồ sơ lưu trữ tại UBND xã khi đền bù giải phóng mặt bằng và khi Thanh tra huyện Thái Thụy giải quyết tranh chấp thì vợ chồng chị M đã xây dựng nhà ở trên một phần đất thửa 106 từ trước năm 1993. Chị M đã ở trên đất này từ năm 1993 đến nay các thành viên hộ gia đình bà H, bà T đều biết không có ý kiến gì cho đến khi anh T khởi kiện. Khoảng năm 2004, chị Y tiếp tục xây dựng nhà trên một phần thửa đất 106. Căn cứ khoản 1 Điều 20 Nghị định 43/2014 ngày 15/5/2014 Ban giải phòng mặt bằng xác định gia đình chị M có 200m2 đất ở nông thôn nằm trong thửa đất 106.

Hộ gia đình ông H và bà T đã xảy ra tranh chấp và ranh giới quyền sử dụng đất từ khoảng năm 1990. UBND xã hòa giải không thành. Năm 2011, Ban thanh tra huyện đã hòa giải, các bên đồng ý thỏa thuận về ranh giới sử dụng đất nhưng sau đó ông H không thực hiện. Đến nay hộ gia đình ông H đồng ý giao lại cho hộ gia đình bà T như thỏa thuận năm 2011 đề nghị Tòa án xem xét, chấp nhận.

Về số tiền đền bù thửa đất số 25 là 294.000.000 đồng gồm 225.000.000 đồng đền bù đất ở và 69.000.000 đồng đền bù cây trồng và tài sản trên đất. Chính quyền đã thực hiện việc đền bù khoản tiền trên theo quy định pháp luật. Bà M đã nhận tiền và không có ý kiến gì.

Về số tiền đền bù thửa đất số 22 là 261.000.000đồng cụ thể như sau năm 2005 khi xã Thái Xuyên đo đạc bản đồ địa chính thửa đất số 22 tờ bản đồ số 6 đã đo cả đất trong hành lang giao thông đường 39B của hộ bà Nguyễn Thị T vào thửa 22 mang tên anh Lê Duy D. Vì vậy, Ban giải phóng mặt bằng đường 39B xác định diện tích đất bị thu hồi nằm trong hành lang giao thông đường 39B của hộ bà T theo 299, diện tích đất của hộ ông D không nằm trong chỉ giới giao thông 39B. Đại diện UBND xã và các ban ngành chuyên môn của huyện đã lập biên bản về việc xác định ranh mốc giới vào ngày 25/11/2015 để xác định tổng diện tích đất của hộ gia đình bà T trong quy hoạch giải phóng mặt bằng đường 39B là 169,5 m2 có ông Lê Văn Đ là đại diện gia đình bà T đã ký xác nhận vào biên bản. UBND xã Thái Xuyên đã thực hiện đúng về việc bồi thường trên. Các con của bà T đều đã nhận tiền và tự thỏa thuận phân chia số tiền trên.

Các thửa đất 24, 25, 32 có sự biến động tăng giảm qua các thời kỳ có nguyên nhân là giữa các thửa đất không có mốc rõ ràng, có cạnh giáp với phần đất công và do sai số khi đo đạc và năm 2014 nhà nước thu hồi 75 m2 đất ở và 44,7m2 đất trồng cây, hơn nữa quá trình sử dụng đất bà T đã hiến phần đất có mồ mả thành đất công cộng là 79,5 m2 và 1 ngôi mộ 11m2 . Đối với phần đất lấn chiếm chị M còn lấn chiếm diện tích đất do UBND xã quản lý là 338,3 m2 và phần đất hộ gia đình bà T hiến tặng thuộc quyền quản lý của UBND xã đề nghị Tòa án không giải quyết trong vụ án. Căn cứ biên bản đo hiện trạng sử dụng đất khi xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án để xác định diện tích đất hiện đang sử dụng của hộ gia đình bà T như sau: Thửa đất 22 nhà nước đã thu hồi. Thửa đất số 25 có diện tích 716,5 m2 trong đó có 125 m2 đất ở và 591,5 m2 đất vườn. Phần đất tranh chấp với gia đình ông H có diện tích 199,2 m2 đất vườn. Thửa số 24 có diện tích 425,5 m2 đất ao. Thửa số 32 có diện tích 456,7 m2 đất trồng cây hàng năm. Đất dược mạ 88 m2. Đất đồng kênh 647m2.

- Về việc đóng thuế sử dụng đất: Diện tích đất nông nghiệp không phải đóng thuế quyền sử dụng đất. Chị M là người đóng thuế quyền sử dụng đất ở tại thửa đất số thửa đất số 25.

* Về định giá tài sản: Hội đồng định giá tài sản định giá giá trị thửa đất tranh chấp và các tài sản trên đất như sau:

- Đất ở cư (ONT) có giá trị 11.000.000 đồng/m2.

- Đất trồng cây lâu năm (CNT) có giá trị 121.500 đồng/m2.

- Đất ao có giá 113.400 đồng/m2.

- Đất ruộng có giá 42.000.000 đồng/m2 

Bản án số 03/2022/DS-ST ngày 22/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Th đã quyết định:

Căn cứ khoản 2, khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, 147, 157, 165, 166, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 5, 166, 167 Luật đất đai. Điều 624, 625, 630, 633, 640, khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 26/12/2016 về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Bác yêu cầu khởi kiện của anh Lê Văn T về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và yêu cầu được hưởng di sản thừa kế của bà T tại thửa đất 106 tờ số 6 bản đồ 299 (Tức thửa số 25 và 01 phần thửa số 22 cùng tại tờ số 6 bản đồ 2006). Xác định chị Y và chị M được hưởng di sản của bà T theo di chúc năm 2011. Chị Lê Thị M và chị Lê Thị Y được quyền sử dụng các thửa đất sau:

1.1. Thửa đất 25 tờ số 6 bản đồ 2006 có diện tích 716,5 m2 gồm 125 m2 đất ở và 591,5 m2 đất vườn có vị trí như sau:

- Đông Bắc giáp phần đất hộ ông Lê Duy H dài 1,2 m + 16,9 m + 6,7 m + 1 m + 20,8 m + 3,6 m + 3,8 m.

- Đông Nam giáp đất do UBND xã quản lý dài 13,1 m.

- Tây Bắc giáp đường 39 B dài 7,3 m + 6,1 m.

- Tây Nam giáp phần đất do UBND xã quản lý dài 29,9 m + 1 m + 23,7 m + 4,7 m.

1.2. Thửa đất có diện tích 199,2 m2 đất vườn có vị trí:

- Đông Bắc giáp thửa 12 dài 1,2 m.

- Đông Nam giáp đất thửa 24 dài 27,4 m + 9,5 m.

- Tây Bắc giáp phần đất hộ ông Lê Duy H dài 35,3 m.

- Tây Nam thửa đất 25 và phần đất do UBND xã quản lý dài 8,4 m.

Chị M, chị Y được quyền sở hữu toàn bộ cây cối, hoa màu trên thửa đất và thanh toán cho hộ ông Lê Duy H tiền cây cối hoa màu là 5.407.000 đồng.

1.3/ Thửa đất 24 tờ số 6 bản đồ 2006 diện tích 425,5 m2 đất ao có vị trí:

Đông Bắc giáp phần đất thửa 11 dài 14,8m.

Đông Nam giáp đất do UBND xã Hòa An quản lý dài 28 m.

Tây Bắc giáp thửa đất 199,2 m dài 27,4 m. Tây Nam giáp thửa 32 dài 13,5 m.

2/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Lê Văn T về việc phân chia đất nông nghiệp. Anh Lê Văn T được quyền sử dụng thửa đất đồng kênh có diện tích 647 m2 đất ruộng. Chị Y được quyền sử dụng đất dược mạ có diện tích 88 m2 đất ruộng và thửa số 32 tờ số 6 bản đồ 2006 có diện tích 456,7 m2 đất ruộng.

3/ Bác yêu cầu của anh Lê Văn T đòi tổng số tiền 263.000.000 đồng chị M, chị Y và anh Đ đã nhận khi đền bù giải phóng mặt bằng đường 39B tại thửa đất 106.

4/ Bác yêu cầu phản tố của chị Lê Thị M đòi số tiền 61.000.000 đồng anh T đã nhận khi đền bù giải phòng mặt bằng đường 39B tại thửa số 106.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về các nội dung khác như chi phí tố tụng, án phí, quyền kháng cáo.

Ngày 05/4/2022, anh Lê Văn T kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm do xác định sai quan hệ pháp luật, vi phạm tố tụng dân sự, không đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho anh về việc giao vị trí đất nông nghiệp.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Th phát biểu ý kiến: Trong quá trình thụ lý và giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, những người tiến hành tố tụng và nguyên đơn, bị đơn, người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của anh Lê Văn T giữ nguyên bản án sơ thẩm.

* Về tố tụng:

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN:

[1] Đơn kháng cáo của nguyên đơn anh Lê Văn T gửi trong thời hạn kháng cáo quy định tại khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự, là kháng cáo hợp lệ, được đưa ra xem xét tại phiên tòa phúc thẩm.

[2] Anh T, chị M, chị Y có đơn xin xét xử vắng mặt, người có quyền lợi liên quan trong vụ án vắng mặt lần thứ 2. Căn cứ điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử xử vắng mặt các đương sự theo quy định của pháp luật.

* Về nội dung: Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn là anh Lê Văn T:

[1] Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm do xác định sai quan hệ pháp luật vì anh yêu cầu đòi tài sản là quyền sử dụng đất nông nghiệp thửa đất 106, Bản án sơ thẩm xác định là “Tranh chấp chia di sản thừa kế tài sản và đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất”.

Xét thấy anh Lê Văn T có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất giữa anh T với chị M, đòi diện tích 199m2 mà gia đình ông H đang sử dụng, anh T cho rằng anh được hưởng di sản của bà T để lại theo di chúc năm 2012, anh được hưởng diện tích đất nông nghiệp theo Quyết định 652 và 948 nhưng chị M, chị Y, anh Đ đều không công nhận. Chị M và chị Y cho rằng bà T đã viết di chúc năm 2011 cho hai chị. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp yêu cầu chia thừa kế phân chia đất nông nghiệp và đòi lại tài sản” là đúng quy định tại khoản 1, khoản 5 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Yêu cầu chia đất nông nghiệp là thửa 106.

[2.1] Xét về nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp thì thấy:

UBND xã Thái Xuyên cung cấp thửa đất số 106 (bản đồ 299 năm 1985) nay là thửa 25 và một phần thửa đất số 22 (giáp đất nhà anh D – con trai ông H) tổng diện tích là 1835 m2 loại đất Q (loại đất trồng cây ăn quả) tại thôn Lục Nam, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Th có nguồn gốc của cụ H và cụ H là bố mẹ đẻ của bà T. Cụ H có 1 người con riêng là bà H. Trong quá trình thực hiện chính sách đất đai, năm 1987 cụ H đã đồng ý để HTX Thái Xuyên điều chỉnh cắt chuyển cho ông Lê Duy H một phần diện tích là 625 m2. Ông H đã cắt chuyển sang cho con trai là anh Lê Duy D làm nhà ở trên diện tích mà UBND xã cắt đất phần trăm cho 02 hộ ông H, anh D làm nhà từ trước năm 1990. Cụ H chết trước năm 1990. Năm 1991, cụ H chết, không để lại di chúc. Hàng thừa kế của hai cụ là bà T và bà H. Sau khi 2 cụ mất, bà T và bà H đã thống nhất phân chia di sản. Đến năm 1993 thực hiện Nghị định 64/NĐ-CT của chính phủ và Quyết định 652 của UBND tỉnh Th về giao đất nông nghiệp cơ bản thì 02 người con của bà T là anh Lê Văn Đ và chị Lê Thị M không được giao đất nông nghiệp tại xã Thái Xuyên vì anh Đ cắt khẩu vào quân sự năm 1988, chị M đi lấy chồng, cắt khẩu về xã Thái Hòa năm 1991. Vì vậy, hộ gia đình bà T được giao đất nông nghiệp cho 04 khẩu (bà T, bà H, chị Y, anh T), sau đó bà T tách hộ với bà H cùng con trai là anh T. Hộ bà H và anh T được giao đất nông nghiệp tại các thửa đất: Đồng Kênh 351 m2;Đồng Đỗi 429 m2; Dược Mạ 48 m2. Việc phân chia đất trên không thể hiện văn bản nhưng hai hộ gia đình đã sử dụng ổn định từ năm 1993 đến nay. Sau khi bà H chết anh T không có ý kiến gì về việc phân chia đất trên.

Theo quy định của UBND tỉnh Th thì hạn mức đất ở năm 1993 tại Thái Thụy là 400m2 thổ thừa của hộ bà T sẽ quy đổi 1m cư thừa bằng 4 đến 5m ngoài đồng nên ngoài đồng, hộ bà T quy đổi vườn thành 296m2, thổ thừa quy đổi thành 240m2; đất màu quy đổi = 57m2; đất tre quy đổi = 16m2, đất ao quy đổi = 92m2. Tổng số đất cư thừa bà T quy ra đồng là 701m2. Diện tích còn lại giao ngoài đồng theo QĐ 948/năm 2002 và 652/ năm 1993 và diện tích được cấp thêm cho đủ mức ăn là 617,3 m2/1 khẩu, hộ gia đình bà T (Gồm có bà T, anh T và chị Y) khi chưa quy đổi gồm: Đất ruộng 1.271 m2, đất ao là 831,9 m2; đất vườn, đất cư thừa là 1.571,8 m2. Nếu quy đổi thì tổng đất nông nghiệp là 1.852,1 m2. Chia theo phần thì bà T, anh T và chị Y mỗi người được 617,3 m2 đất nông nghiệp (1). Trong đó:

Thửa đất số 152 có diện tích 912,8 m2 đất trong đó hạn mức đất ở 400 m2 đất còn lại 512,8 m2 đất cư thừa, quy đổi bằng 128,2 m2 (tỷ lệ 4) đất ruộng. Thửa đất số 151 có diện tích 406,4 m2 đất ao, quy đổi bằng 81,2 m2 (Tỷ lệ 1/5) đất ruộng. Hai thửa đất này đã được phân chia tại bản án số 06 ngày 27/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Th. ( các thửa đất này nằm phía bắc đường 39 B) Thửa đất số 25 có diện tích là 889,5 m2 trong đó hạn mức đất ở 200 m2 đất ở còn lại 689,5 m2 đất cư thừa, quy đổi bằng 172,4 m2 đất ruộng. Thửa số 24 có diện tích 425,5 m2 đất ao quy đổi bằng 141,8 m2 đất ruộng. Thửa đất số 22 có diện tích 169,5 m2 đất trồng cây, quy đổi bằng 42,4 m2. Phần tranh chấp với hộ gia đình ông H có diện tích 199 m2 quy đổi bằng 49,75 m2 (bà T có quyền sử dụng diện tích đất này bởi lẽ cho đến nay gia đình ông H đồng ý với kết luận thanh tra của UBND huyện Thái Thụy năm 2011) (các thửa đất này nằm phía nam đường 39B).

Theo diện tích đất quy đổi thì phần đất vườn thuộc thửa 106 và diện tích đất ao thửa số 24 vẫn thuộc hạn mức đất nông nghiệp của bà T được hưởng, không ảnh hưởng đến hạn mức đất nông nghiệp của các thành viên khác trong hộ gia đình là chị Y và anh T. Năm 1992 bà T cho chị M là con gái bà làm nhà trên 1 phần của thửa đất 106 (nay là thửa số 25).

Quá trình sử dụng đất có sự chênh lệch số liệu đo đạc của các thửa đất 24, 25, 32 là do giữa các thửa đất không có mốc giới rõ ràng và giáp với phần đất công và một phần là do sai số khi đo đạc nên diện tích các thửa đất có sự biến động. Thửa đất số 25 năm 2014 đã được nhà nước thu hồi diện tích đất 75 m2 đất ở nông thôn và 44,7 m2 đất trồng cây để mở rộng đường và phần cuối của thửa đất hộ gia đình bà T do có nhiều mồ mả, gia đình bà T đã không xây bờ tường hết đất mà hiến ra 79,5 m2 thành đất công cộng và trong thửa đất 25 còn có một ngôi mộ có diện tích 15,4 m2 chị M, anh T đều đề nghị xác định là đất công cộng. Hộ gia đình chị M còn lần chiếm diện tích đất do UBND xã quản lý là 338,3 m2. Đối với phần đất lấn chiếm và đất công cộng thuộc quyền quản lý của UBND các cấp nên HĐXX sơ thẩm không giải quyết trong vụ án này là phù hợp Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, chính sách đất đai của Nhà nước, biên bản xem xét thẩm định tại chỗ để xác định diện tích đất hiện đang sử dụng của hộ gia đình bà T gồm 3 khẩu (bà T, chị Y, anh T) như sau: Thửa đất 22 nhà nước đã thu hồi. Thửa đất số 25 có diện tích diện tích 716,5 m2 gồm 125 m2 đất ở và 591,5 m2 đất vườn. Phần đất tranh chấp với gia đình ông H có diện tích 199,2 m2 đất vườn. Thửa số 24 có diện tích 425,5 m2 đất ao. Thửa số 32 có diện tích 456,7 m2 đất trồng cây hàng năm. Đất dược mạ 88 m2. Đất đồng kênh 647m2 để từ đó xác định bà T khi chết để lại di sản thừa kế là 617,3 m2 đất nông nghiệp là thửa đất số 106 theo bản đồ 299 (tức thửa số 25 và 01 phần thửa số 22 cùng tại tờ số 6) là có căn cứ, diện tích đất này của bà T được sử dụng không ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp của chị Y và anh T được hưởng và bà T có toàn quyền định đoạt di sản này là đúng pháp luật.

[2.2] Xét tính hợp pháp của bản di chúc do bà Nguyễn Thị T để lại:

Bà T có để lại hai bản di chúc. Trong đó bản di chúc năm 2011 có nội dung: “Miếng đất phía bắc đường 39 b, phía đông giáp nhà anh Dưỡng; phía tây giáp miếng bán cho chị Diệp; phía bắc giáp anh Điều; phía nam giáp đường 39b. 1. Mảnh đất phía đông giáp nhà anh Dưỡng có chiều rộng 11m chia cho Lê Văn Đ cách ao. 2 Chia cho Lê Văn T chiều ngang 10m phía đông giáp nhà anh Đ; phía Tây giáp em Tùng tên thường gọi là Minh trong miếng đất có cả nhà và ao, ao phía đông giáp anh D - Tây giáp nhà ông Túc; bắc giáp nhà ông Điều.... mảnh đất thứ 2 nam đường 39B phía đông giáp nhà anh D, T1, H, phía nam giáp ruộng Thái An; phía Tây giáp gồ chi cho 2 đứa con gái. M là chị có 2 đứa con trai thì nhiều hơn Lê Thị Y không có con thì ít hơn” Bản di chúc năm 2012 có nội dung: “Nay tôi qua đời thì toàn bộ tài sản của tôi có cái gì thuộc về Lê Văn T không đứa nào được động vào. Số tài sản có 01 cái nhà mái bằng và 02 xuất đất 01 ao phía nam đường 39b, phía bắc giáp nhà anh Điều”. Bản di chúc năm 2012 được Tòa án nhân dân tỉnh Th xác định là bản di chúc có hiệu lực và đã phân chia di chúc thửa đất phía nam đường 39b cho anh T theo quy định.

So sánh tứ cận trong bản di chúc năm 2011 và bản di chúc năm 2012 thì bản di chúc năm 2012 thể hiện phần di sản của bà T là thửa đất 178 ở miếng đất bắc đường 39B không liên quan đến thửa đất 106 (nay là thửa đất số 25) và một phần thửa đất số 22 (là thửa đất nằm phía nam đường 39B).

Năm 2013 bà T chết, đến ngày 6/8/2013, 04 người con của bà T mở cuộc họp gia đình thực hiện 2 di chúc của bà T có ông Nguyễn Văn C đại diện dòng họ Nguyễn của bà T làm chứng, các đồng thừa kế đều thừa nhận và đã có biên bản thống nhất thực hiện theo di chúc của bà T. Các đương sự không cung cấp được tài liệu xác định di chúc bị ép viết như anh T đã nêu. Việc bà T đã định đoạt toàn bộ thửa đất phía Nam đường 39B là diện tích đất tại 2 thửa 25 có 889,5m2 đất ở, thửa 26 có 309,3m2 đất lâu năm khác theo đo đạc năm 2011 tổng diện tích là 1.199m2 cho bà M và bà Y đang sử dụng bằng di chúc của bà T. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 640 Bộ luật dân sự, xác định di chúc năm 2011 bà T để lại là hợp pháp nên không chấp nhận yêu cầu đòi diện tích thuộc quyền sử dụng của bà T đã định đoạt theo di chúc cho bà M và bà Y là có căn cứ.

[3] Yêu cầu nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại thửa đất 22 và một phần thửa đất 106 (nay là thửa đất 25) Từ phân tích tại mục [2.2] của bản án này cho thấy anh T không có quyền đòi lại tài sản mà bà T đã định đoạt hợp pháp theo di chúc năm 2011, cho nên diện tích đất do Nhà nước thu hồi để mở rộng đường 39B nằm trong thửa đất 22 và một phần thửa 106 (nay là thửa 25) là tài sản của bà T nay đã được ban giải phóng mặt bằng UBND huyện Thái Thụy và UBND xã Thái Xuyên xác định đền bù cho hàng thừa kế của bà T theo quy định pháp luật. Anh T không có quyền đòi từ bà M, chị Y và anh Đ số tiền đền bù quyền sử dụng thửa đất 22 là 174.000.000đồng và 150.000.000đồng đối với thửa 25. Tòa án cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện này của anh T là đúng quy định của pháp luật. Tại giai đoạn phúc thẩm, anh T có đơn xin xét xử vắng mặt, anh T cũng không giao nộp thêm chứng cứ nào mới do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của anh T về số tiền đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi.

[4] Đối với yêu cầu chia đất nông nghiệp của anh T được nhận đất vườn, đất không trũng:

Khi Nhà nước giao đất theo Quyết định 948 năm 2002, diện tích đất ruộng của hộ gia đình bà T là 1271 m2 gồm thửa đồng kềnh diện tích 647 m2, thửa dược mạ 88 m2 và thửa 32 có diện tích 536 m2. Tuy nhiên quá trình sử dụng đất, do giáp phần đất gồ và sai số đo đạc nên diện tích đất thửa 32 giảm còn 456,7 m2. Tại di chúc năm 2011, 2012, bà T không định đoạt đối với các thửa đất nông nghiệp sẽ được chia theo pháp luật.

Anh T có nguyện vọng được sử dụng đất nông nghiệp, chị Y có nguyện vọng đối với thửa 32 và thửa dược mạ. Xét nguyện vọng của các đương sự và thực tế việc sử dụng đất của chị Y thường xuyên liên tục tại thửa đất 32 và thửa dược mạ nên giao cho anh T được sử dụng thửa đất đồng Kênh có tổng diện tích 647 m2. Giao cho chị Y sử dụng thửa đất 32 và thửa đất dược mạ. Anh T được sử dụng diện tích đất lớn hơn hạn mức đất nông nghiệp được giao tuy nhiên diện tích lớn hơn có giá trị thấp, Tại Tòa án cấp sơ thẩm xác định chị Y và các đương sự không yêu cầu anh T thanh toán tiền chênh lệch nên không đặt ra giải quyết. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy yêu cầu kháng cáo của anh T đối với phần diện tích đất nông nghiệp được giao tại bản án sơ thẩm là diện tích 647m2 tại thửa đất Đồng Kênh với lý do đất xấu, giá trị thấp thì thấy theo Quyết định 948 năm 2002 thì mục đích của Nhà nước giao đất nông nghiệp là đảm bảo cho từng khẩu trong hộ gia đình được trồng cấy để đảm bảo lương thực. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của anh T cần giữ nguyên cách chia đất nông nghiệp như Tòa án cấp sơ thẩm là phù hợp.

[5] Yêu cầu Tòa án không chấp nhận án phí 14.708.000đồng do yêu cầu của anh T không được chấp nhận;

Tại đơn khởi kiện và quá trình tố tụng anh T yêu cầu chị M, anh Đ, chị Y phải liên đới trả cho anh 113.000.000 đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng tại thửa đất số 22 và 150.000.000đồng tiền đền bù từ thửa đất số 25 nằm trong thửa đất số 106 tờ bản đồ số 299. Do Tòa án cấp sơ thẩm thấy không có căn cứ nên không chấp nhận yêu cầu này của anh T, vì vậy anh T phải chịu án phí cho yêu cầu không được chấp nhận là đúng quy định pháp luật. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy tại giai đoạn xét xử phúc thẩm anh T không cung cấp thêm chứng cứ nào mới nên không chấp nhận kháng cáo của anh T giữ nguyên quyết định này của bản án sơ thẩm.

Từ những chứng cứ, phân tích trên Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy: Những nội dung yêu cầu kháng cáo bản án sơ thẩm của nguyên đơn là anh Lê Văn T nhưng tại giai đoạn phúc thẩm anh T không đưa ra được căn cứ nào chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình là có căn cứ. Do đó, cần áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của anh Lê Văn T giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn không được chấp nhận nên nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

I. Áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự. Không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn anh Lê Văn T. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 03/2022/DS-ST ngày 22/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện Thái Thụy, tỉnh Th. Cụ thể:

Căn cứ khoản 2, khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, 147, 157, 165, 166, 271, 273 Bộ luật tố tụng dân sự. Điều 5, 166, 167 Luật đất đai. Điều 624, 625, 630, 633, 640, khoản 5 Điều 643 Bộ luật dân sự. Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 26/12/2016 về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Bác yêu cầu khởi kiện của anh Lê Văn T về đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất và yêu cầu được hưởng di sản thừa kế của bà T tại thửa đất 106 tờ số 6 bản đồ 299 (Tức thửa số 25 và 01 phần thửa số 22 cùng tại tờ số 6 bản đồ 2006). Xác định chị Y và chị M được hưởng di sản của bà T theo di chúc năm 2011. Chị Lê Thị M và chị Lê Thị Y được quyền sử dụng các thửa đất sau:

1.1. Thửa đất 25 tờ số 6 bản đồ 2006 có diện tích 716,5 m2 gồm 125 m2 đất ở và 591,5 m2 đất vườn có vị trí như sau:

- Đông Bắc giáp phần đất hộ ông Lê Duy H dài 1,2 m + 16,9 m + 6,7 m + 1 m + 20,8 m + 3,6 m + 3,8 m.

- Đông Nam giáp đất do UBND xã quản lý dài 13,1 m.

- Tây Bắc giáp đường 39 B dài 7,3 m + 6,1 m.

- Tây Nam giáp phần đất do UBND xã quản lý dài 29,9 m + 1 m + 23,7 m + 4,7 m.

1.2. Thửa đất có diện tích 199,2 m2 đất vườn có vị trí:

- Đông Bắc giáp thửa 12 dài 1,2 m.

- Đông Nam giáp đất thửa 24 dài 27,4 m + 9,5 m.

- Tây Bắc giáp phần đất hộ ông Lê Duy H dài 35,3 m.

- Tây Nam thửa đất 25 và phần đất do UBND xã quản lý dài 8,4 m.

Chị M, chị Y được quyền sở hữu toàn bộ cây cối, hoa màu trên thửa đất và thanh toán cho hộ ông Lê Duy H tiền cây cối hoa màu là 5.407.000 đồng.

1.3/ Thửa đất thửa đất 24 tờ số 6 bản đồ 2006 diện tích 425,5 m2 đất ao có vị trí:

Đông Bắc giáp phần đất thửa 11 dài 14,8m.

Đông Nam giáp đất do UBND xã Hòa An quản lý dài 28 m.

Tây Bắc giáp thửa đất 199,2 m dài 27,4 m. Tây Nam giáp thửa 32 dài 13,5 m.

2/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Lê Văn T về việc phân chia đất nông nghiệp. Anh Lê Văn T được quyền sử dụng thửa đất đồng kênh có diện tích 647 m2 đất ruộng. Chị Y được quyền sử dụng đất dược mạ có diện tích 88 m2 đất ruộng và thửa số 32 tờ số 6 bản đồ 2006 có diện tích 456,7 m2 đất ruộng.

3/ Bác yêu cầu của anh Lê Văn T đòi tổng số tiền 263.000.000 đồng chị M, chị Y và anh Đ đã nhận khi đền bù giải phóng mặt bằng đường 39B tại thửa đất 106.

4/ Bác yêu cầu phản tố của chị Lê Thị M đòi số tiền 61.000.000 đồng anh T đã nhận khi đền bù giải phòng mặt bằng đường 39B tại thửa số 106.

5/ Về chi phí tố tụng: Yêu cầu chia thừa kế của anh T không được chấp nhận, nên anh T phải chịu chi phí xem xét thẩm định và định giá tài sản là 12.000.000 đồng. Anh T đã nộp đã tạm ứng chi phí 12.000.000 đồng nên được đối trừ.

6/ Về án phí sơ thẩm: Anh Lê Văn T phải chịu 14.708.700 đồng án phí. Số tiền 300.000 đồng anh T đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0002379 ngày 02/10/2020 được chuyển sang tiền án phí. Anh T còn phải nộp 14.408.700 đồng. Chị Y phải chịu 1.143.870 đồng án phí. Chị M phải chịu 3.050.000 đồng án phí. Số tiền 1.525.000 đồng chị M đã nộp tạm ứng án phí theo biên lại thu số 0003883 ngày 31/3/2021 được chuyển sang tiền án phí. Chị M còn phải nộp 1.525.000 đồng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

7/ Về án phí phúc thẩm: Anh Lê Văn T phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm đối trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai số 0004121 ngày 14/4/2022 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thái Thụy.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

12
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu chia di sản thừa kế, phân chia đất nông nghiệp, đòi tài sản là quyền sử dụng đất số 41/2022/DS-PT

Số hiệu:41/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thái Bình
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:25/11/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về