Bản án về yêu cầu bồi thường trách nhiệm Nhà nước trong tố tụng hình sự số 183/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 183/2023/DS-PT NGÀY 21/04/2023 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TRÁCH NHIỆM NHÀ NƯỚC TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Ngày 21 tháng 4 năm 2023, tại trụ sở, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 410/2022/TLPT-DS, ngày 14 tháng 12 năm 2022 về: “Yêu cầu bồi thường trách nhiệm Nhà nước trong tố tụng hình sự”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2022/DS-ST, ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 3614/2023/QĐ-PT, ngày 03 tháng 4 năm 2023 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Nguyễn Duy C, sinh năm 1963; địa chỉ: Tổ C, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; có mặt.

Bị đơn: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng; địa chỉ: Số A, đường B, phường H, thành phố C, tỉnh Cao Bằng;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Hoàng Cao Đ - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng; có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Chị Nguyễn An N, sinh năm 1991; có mặt.

- Chị Nguyễn An D, sinh năm 2003; vắng mặt.

Cùng địa chỉ: P, Tòa nhà F, số C phố P, phường M, quận N, thành phố Hà Nội. Người đại diện theo ủy quyền của chị N, chị D: Ông Nguyễn Duy C, sinh năm 1963; địa chỉ: Tổ C, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; có mặt.

- Ông Nguyễn N1, sinh năm 1941; địa chỉ: Tổ I, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt.

- Bà Nguyễn Thị C1, sinh năm 1965; địa chỉ: Xóm L, xã H, huyện H, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt.

- Bà Nguyễn Thị C2, sinh năm 1968; địa chỉ: Tổ D, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt.

- Ông Nguyễn Trường G, sinh năm 1970; địa chỉ: Tổ C, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1972; địa chỉ: Tổ E, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt.

- Ông Nguyễn Văn H1, sinh năm 1974; địa chỉ: Tổ I, phường Đ, thành phố C, tỉnh Cao Bằng; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện bổ sung đề ngày 18/8/2021, bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn Nguyễn Duy C trình bày:

Sau hai buổi thương lượng, giữa cơ quan bồi thường là Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng và người yêu cầu bồi thường là ông Nguyễn Duy C đã thống nhất được một số nội dung yêu cầu bồi thường với tổng số tiền: 1.472.778.971 đồng. Còn 03 nội dung thương lượng không thành, ông C khởi kiện và đề nghị Tòa án giải quyết, gồm:

Thứ nhất: Đối với thiệt hại do tài sản bị xâm hại (hàng hóa trong siêu thị) tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 6.460.115.000 đồng (sáu tỷ bốn trăm sáu mươi triệu một trăm mười lăm nghìn đồng):

Vào thời điểm ông bị bắt giam, gia đình ông đang kinh doanh một siêu thị (hộ kinh doanh cá thể) do vợ ông là Hoàng Thị V đứng tên tại Giấy phép kinh doanh số: 11A8001777 ngày 02/01/2007 do UBND thị xã C. Siêu thị đã kinh doanh ổn định đến thời điểm ông bị bắt giam là 05 năm. Khi ông bị bắt giam, cơ quan điều tra không bàn giao cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào quản lý, bảo quản hàng hóa, siêu thị và kho hàng tài sản của gia đình ông trở thành vô chủ (vợ ông đã bị cơ quan điều tra bắt giam trước đó 18 ngày). Sau 5 tháng tạm giam, ông về tới nhà thì thấy toàn bộ hàng hóa trong siêu thị, kho hàng đã hư hỏng. Hơn nữa cơ quan điều tra không cho ông ra khỏi nhà, ông bị quản thúc đến hết tháng 10 năm 2012 mới có quyết định đình chỉ điều tra dẫn đến tình trạng siêu thị không thể kinh doanh, hàng hóa hết hạn sử dụng, do ẩm mốc, bao bì rách nát không thể khắc phục được, số khác thì bị mất mát, thất thoát (số mì tôm và một số đồ vật chuyển công an thu giữ sang Sở Tư pháp để trả ông, khi ông đến lấy cũng hủy luôn tại chỗ vì không còn dùng được ). Vì vậy, ông yêu cầu bồi thường thiệt hại như sau:

Bồi thường toàn bộ giá trị hàng hóa (tài sản) có trong siêu thị và kho hàng của gia đình ông có trước ngày ông bị bắt giam 26/02/2012 đã được ông thống kê trong hồ sơ gửi Tòa án với tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 6.460.115.000 đồng (Sáu tỷ bốn trăm sáu mươi triệu một trăm mười lăm nghìn đồng).

Thứ hai: Bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ cửa hàng siêu thị: 3.158.000.000 đồng (Ba tỷ một trăm năm mươi tám triệu đồng).

Doanh thu hàng ngày của siêu thị là 35.000.000 đồng/ ngày, lợi nhuận là 3% doanh thu. Cách tính thiệt hại như sau: 35.000.000 đồng/ ngày x 3% x 3.008 ngày = 3.158.400.000 đồng (ba tỷ một trăm năm mươi tám triệu đồng).

Thứ ba: Thiệt hại về tinh thần của người thân trong gia đình ông tại thời điểm ông bị bắt oan tổng số tiền yêu cầu bồi thường là 5.215.000.000 đồng (năm tỷ hai trăm mười năm triệu đồng) và đến nay ông chưa được khôi phục chậm lên lương 01 năm.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Chị Nguyễn An D và chị Nguyễn An N (Con gái ông C) thống nhất trình bày tại bản tự khai ngày 24/9/2021 như sau: Yêu cầu bồi thường cho hai chị em tổng số tiền 3.215.000.000 đồng (Ba tỷ hai trăm mười năm triệu đồng), cụ thể như sau:

+ Danh dự, nhân phẩm bị coi thường, kỳ thị khi mang danh là con của tội phạm, số tiền yêu cầu bồi thường: 500.000.000 đồng x 2 người = 1.000.000.000 đồng + Chị Nguyễn An N bị chậm quá trình vào Đảng khi còn là sinh viên học viện T1 số tiền yêu cầu bồi thường: 100.000.000 đồng.

+ Chị Nguyễn An D bị tổn thất về sức khỏe, mắc bệnh trầm cảm, số tiền yêu cầu bồi thường: 1.000.000.000 đồng.

+ Thu nhập của Nguyễn An N bị giảm sút do phải chăm sóc em gái Nguyễn An D và thời gian để theo vụ án, yêu cầu bồi thường: 215.000.000 đồng.

+ Nguyễn An N do ảnh hưởng từ vụ án nên người yêu từ chối cưới, kết hôn muộn, không được như mong muốn, yêu cầu bồi thường: 1.000.000.000 đồng.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị C2, bà Nguyễn Thị C1 trình bày tại bản tự khai ngày 27/9/2021 như sau: Nhất trí yêu cầu khởi kiện của ông C, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh bồi thường cho các mỗi người số tiền là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Trường G, ông Nguyễn Văn H trình bày tại bản tự khai ngày 27/9/2021 như sau: Nhất trí yêu cầu khởi kiện của ông C, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng bồi thường cho các ông mỗi người số tiền là 250.000.000 đồng (hai trăm năm mươi triệu đồng) vì ông G và ông H nghỉ xe 05 tháng.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn H1 trình bày tại bản tự khai ngày 22/9/2021 như sau: Nhất trí yêu cầu khởi kiện của ông C, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh bồi thường cho ông số tiền 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng).

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn N1 trình bày: Đề nghị Viện kiểm sát nhân tỉnh Cao Bằng bồi thường cho ông số tiền 1.500.000.000 đồng (một tỷ năm trăm triệu đồng).

Tại bản tự khai và quá trình giải quyết vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng trình bày:

Ngày 23 tháng 4 năm 2020 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng nhận được văn bản của ông Nguyễn Duy C yêu cầu phục hồi danh dự và bồi thường cho ông do bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh C bắt khẩn cấp, tạm giữ, khởi tố, tạm giam về tội “Che giấu tội phạm” trong vụ án Hoàng Thị V (Vợ ông C) phạm tội “Giết người” xảy ra năm 2012 không có căn cứ. Căn cứ các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của ngành Kiểm sát về bồi thường oan sai trong Tố tụng hình sự, căn cứ hồ sơ yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Duy C, nhận thấy ông C yêu cầu được bồi thường 04 khoản, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng có quan điểm như sau:

- Thiệt hại về tài sản bị xâm phạm: Căn cứ Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khoản 2 Điều 4 Nghị định 68/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, qua xác minh tại thời điểm ông C bị bắt giữ, tạm giam để điều tra, các Cơ quan tiến hành tố tụng không phát mại, không thu giữ, tạm giữ, kê biên, tịch thu làm mất tài sản có trong cơ sở kinh doanh của gia đình ông C. Do đó không có căn cứ thực hiện bồi thường.

- Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút: Gồm thu nhập thực tế bị mất từ việc kinh doanh siêu thị, thu nhập thực tế bị mất từ tiền công, tiền lương xác định tổng thiệt hại: 204.400.640 đồng (Hai trăm linh tư triệu bốn trăm nghìn sáu trăm bốn mươi đồng).

- Thiệt hại về tinh thần do bị bắt, giữ, giam để điều tra oan sai: Tổng số tiền:

429.185.999 đồng (Bốn trăm hai chín triệu một trăm tám mươi năm nghìn chín trăm chín mươi chín đồng).

- Các chi phí khác được bồi thường bao gồm chi phí đi lại, thuê phòng ngủ, chi phí in ấn tài liệu, gửi đơn thư, chi phí thuê luật sư, chi phí đi lại để thăm gặp thân nhân trong thời gian ông C bị tạm giữ, tạm giam…Tổng số tiền 373.540.000 đồng (Ba trăm bảy mươi ba triệu năm trăm bốn mươi nghìn đồng).

Tổng số tiền ông C được bồi thường: 1.007.126.639 đồng (một tỷ không trăm linh bảy triệu một trăm hai mươi sáu nghìn sáu trăm ba mươi chín đồng).

Tại buổi hòa giải ngày 26/11/2021:

Nguyên đơn Nguyễn Duy C: Giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Những gì đã thương lượng được thì đề nghị giữ nguyên. Chỉ đề nghị Tòa án giải quyết 03 nội dung chưa thống nhất được tại biên bản thương lượng với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng. Đối với yêu cầu khôi phục chậm một năm chưa được lên lương không yêu cầu Tòa án giải quyết.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Đề nghị Tòa án xử theo quy định của pháp luật về các yêu cầu bồi thường của ông Nguyễn Duy C. Hai lần thương lượng trước bản chất là hòa giải không thành. Ông đề nghị Tòa án xét xử lại từ đầu tất cả các yêu cầu bồi thường của ông C, còn 02 biên bản thương lượng ngày 09/7/2021 và ngày 14/7/2021 là không còn giá trị.

Tại công văn số 2931 ngày 10/11/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng có ý kiến như sau: Đối với các nội dung đã thương lượng trước đây giữa Viện kiểm sát và ông C đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng xét xử bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng rút lại một số nội dung đã thương lượng và chỉ chấp nhận việc bồi thường thiệt hại về tinh thần căn cứ theo Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nội dung này Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tiến hành xác minh, thương lượng, kết quả việc bồi thường được tính làm 02 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thời gian bị tạm giữ, tạm giam: Căn cứ điểm b khoản 3 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Điều 11 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể: Ngày 26/02/2012 ông C bị bắt đến ngày 23/7/2012 ông C được thay thế bằng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, số ngày ông C bị bắt tạm giam là 149 ngày. Cách tính như sau:

149 ngày bị bắt tạm giam, tạm giữ x 5 ngày lương cơ sở = 745 ngày lương cơ sở. Một tháng lương cơ sở tại thời điểm tiếp nhận văn bản bồi thường là 1.490.000 đồng. Căn cứ khoản 7 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định “ngày lương cơ sở được xác định là 01 tháng lương cơ sở chia cho 22 ngày:

1.490.000 đồng : 22 ngày = 67.727 đồng. Số tiền thiệt hại do bị tạm giữ, tạm giam sẽ là: 745 ngày x 67.727 đồng = 50.456.615 đồng.

Giai đoạn 2: Thời gian không bị tạm giam: Căn cứ điểm c khoản 3 Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; khoản 2 Điều 11 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Cụ thể: Từ ngày 24/7/2012 ông C được thay thế biện pháp ngăn chặn từ Tạm giam bằng biện pháp lệnh Cấm đi khỏi nơi cư trú; đến ngày 02/10/2012 được hủy bỏ biện pháp ngăn chặn do được đình chỉ điều tra, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đến ngày 19/3/2020 được đình chỉ điều tra vụ án đối với bị can do hành vi không cấu thành tội phạm. Vậy thời gian không bị tạm giam là: 7 năm 7 tháng 27 ngày = 2.796 ngày. Cách tính: 1 ngày không bị tạm giam x 2 ngày lương cơ sở: 2.796 ngày x 2 x 67.727 đồng = 378.729.384 đồng.

Như vậy tổng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần: 50.456.615 đồng + 378.729.384 đồng = 429.185.999 đồng. Với số tiền bồi thường này giữ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng và ông C trước đây đã thống nhất thương lượng được và đến nay quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh vẫn giữ nguyên. Còn đối với các nội dung khác Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng rút lại nội dung đã thương lượng.

Tại biên bản làm việc ngày 11/01/2022 ông Nguyễn Duy C trình bày: Không nhất trí với công văn số 2931/CV-VKSCB ngày 10/11/2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng. Ông C đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện những nội dung đã thương lượng thành theo biên bản thương lượng ngày 14/7/2021. Tại buổi làm việc ông Nguyễn Duy C giữ nguyên yêu cầu khởi kiện theo đơn khởi kiện đề ngày 18/8/2021 đề nghị Tòa án giải quyết các yêu cầu theo đơn khởi kiện đề ngày 18/8/2021, không bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2022/DS-ST, ngày 21 tháng 3 năm 2022, Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã căn cứ vào Điều 4, 5, 6, 7, 13, 14, 15, 22, 23, 27, 52, 53 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017; Nghị định 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 Quy định cho tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Duy C về yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản là hàng hóa trong siêu thị và thiệt hại thu nhập thực tế bị mất từ kinh doanh siêu thị, yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần của những người thân trong gia đình của ông Nguyễn Duy C. Ngoài ra, bản án còn tuyên phần chi phí tố tụng, án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

- Ngày 06/4/2022, nguyên đơn ông Nguyễn Duy C có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng đã gửi hồ sơ kháng cáo quá hạn đến Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để giải quyết theo thẩm quyền. Tại Quyết định không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn số 31/2022/QĐ-PT, ngày 12/7/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của ông Nguyễn Duy C. - Ngày 12/4/2022, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chị Nguyễn An N và chị Nguyễn An D (con gái ông Nguyễn Duy C) có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Chị Nguyễn An N có mặt; chị Nguyễn An D vắng mặt.

- Người đại diện theo ủy quyền của chị Nguyễn An N và chị Nguyễn An D là ông Nguyễn Duy C có mặt, giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của chị Nguyễn An D. - Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích, đánh giá các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa có quan điểm: Chị Nguyễn An N và chị Nguyễn An D không thuộc đối tượng được Nhà nước bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của hai chị, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng.

[1.1] Đơn kháng cáo của chị Nguyễn An N và Nguyễn An D có nội dung và hình thức phù hợp, trong thời hạn kháng cáo, đúng quy định tại các Điều 271, 272, 273 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do đó, việc kháng cáo là hợp lệ và được giải quyết theo trình tự phúc thẩm.

[1.2] Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có kháng cáo là chị Nguyễn An D vắng mặt, nhưng đã có người đại diện theo ủy quyền là ông Nguyễn Duy C có mặt; vắng mặt một số người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án nhưng họ không có kháng cáo. Nguyên đơn ông Nguyễn Duy C, đại diện của bị đơn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có kháng cáo là chị Nguyễn An N và đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đều đề nghị tiến hành xét xử vụ án. Hội đồng xét xử căn cứ đề nghị của các đương sự có mặt tại phiên tòa, của kiểm sát viên và quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự để tiến hành xét xử vụ án.

[2]. Về nội dung: Xét kháng cáo của chị Nguyễn An N và Nguyễn An D, Hội đồng xét xử nhận thấy:

[2.1] Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị thiệt hại là hàng hóa trong siêu thị với tổng số tiền yêu cầu bồi thường như sau: 6.460.000.000 đồng.

Căn cứ Điều 23 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước: “1. Trường hợp tài sản đã bị phát mại, bị mất thì thiệt hại được xác định căn cứ vào giá thị trường của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tính năng, tiêu chuẩn kỹ thuật, tác dụng và mức độ hao mòn của tài sản trên thị trường tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này. Thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra. 2. Trường hợp tài sản bị hư hỏng thì thiệt hại được xác định là chi phí có liên quan theo giá thị trường tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này để sửa chữa, khôi phục lại tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng không thể sửa chữa, khôi phục thì thiệt hại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều này.” Trong quá trình giải quyết vụ án ông C không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc tài sản bị thiệt hại. Tại công văn số: 258/CSHS- Đ4 ngày 10/3/2022 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh C xác định: “Quá trình khám nghiệm hiện trường thu giữ 19 mục đồ vật tài liệu có chứa hoặc nghi có chứa dấu vết tội phạm liên quan đến vụ án:

- Lúc 17 giờ 20 phút ngày 05/02/2012 tạm giữ 01 chậu nhựa màu hồng, 01 đôi tất dính máu, 01 con gấu bông có nhiều dấu vết nghi máu.

- Lúc 14 giờ ngày 06/02/2012 tạm giữ 01 chiếc điện thoại Nokia màu đen viền đỏ đã qua sử dụng.

- Lúc 11 giờ 37 phút ngày 08/02/2012 tạm giữ 01 chiếc điện thoại Nokia màu xám viền đen, 01 con dao Inox cán nhựa màu đen dài 25,3cm.

- Lúc 14 giờ 30 phút ngày 12/3/2012 tạm giữ 03 chiếc quần dài màu đen, 01 chiếc găng tay màu xám đen, 01 chiếc áo thu đông cao cổ dài tay màu xanh lá cây, 02 đôi tất nữ màu trắng.

- Ngày 19/3/2012 tiến hành khám nghiệm hiện trường tầng 2 nhà ông Nguyễn Duy C thu giữ: 01 dấu vết nghi máu trên tường, 01 tấm ga trên giường nạn nhân Triệu Thị T, 01 dấu vết nghi máu trên mặt bàn máy khâu, 01 chiếc kéo bằng sắt màu đen dài 33cm.

- Ngày 13/4/2012 tiến hành khám nghiệm hiện trường bổ sung thu giữ: 01 thanh chốt cài ngang loại phi 14 có hai lỗ móc khóa, 01 bì đeo cổ tay vải ni lông in hình Đôrêmon, 01 hộp cát tông “Thebol” có dấu vết nghi máu, 01 đôi giầy nhựa màu đen, 01 đôi giầy da màu đen.

Ngoài ra, sau khi khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra (PC02) Công an tỉnh C bàn giao tài sản của gia đình cho đại diện gia đình có mặt khi tiến hành các hoạt động điều tra nên không kiểm đếm, thu giữ, phát mại tài sản là hàng hóa trong siêu thị nhà ông Nguyễn Duy C. Như vậy, tại thời điểm ông C bị bắt giữ, giam để điều tra các cơ quan tiến hành tố tụng không thu giữ, phát mại, tạm giữ, kê biên, tịch thu, làm mất tài sản có trong cơ sở kinh doanh của gia đình ông C do đó Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại là hàng hóa trong siêu thị với số tiền yêu cầu bồi thường là: 6.460.000.000 đồng là đúng.

[2.2] Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ cửa hàng siêu thị: 3.158.000.000 đồng:

Sau khi khám nghiệm hiện trường, thực nghiệm điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh C đã bàn giao tài sản của gia đình cho đại diện gia đình có mặt khi tiến hành điều tra. Mặt khác, siêu thị do vợ ông C đứng tên, trực tiếp kinh doanh, còn ông C là công chức Nhà nước, chị Nguyễn An N và Nguyễn An D tại thời điểm xảy ra vụ án năm 2012 còn nhỏ (Chị Nguyễn An N sinh năm 1991; chị Nguyễn An D sinh năm 2003) nên không thể có thu nhập thực tế bị mất từ kinh doanh siêu thị. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm hại là hàng hóa trong siêu thị là chính xác.

[2.3] Về yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần:

Theo quy định tại Điều 2 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định đối tượng được bồi thường là: “Cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần do người thi hành công vụ gây ra thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại luật này” và Điều 5 quy định: “Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

1. Người bị thiệt hại;

2. Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

3. Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự;

4. Cá nhân, pháp nhân được những người quy định tại các khoản 1,2 và 3 Điều này ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường”.

Trong vụ án này người bị thiệt hại là ông Nguyễn Duy C, ông C đã đạt được một số thỏa thuận với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc bồi thường, ngoài ra còn có đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường trách nhiệm của Nhà nước trong tố tụng hình sự theo đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, tại Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng không quy định bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thân trong gia đình của người bị thiệt hại. Do đó, chị Nguyễn An N và chị Nguyễn An D không thuộc đối tượng có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường theo quy định tại Điều 5, Điều 27 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

[3] Từ những phân tích trên, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn An N và chị Nguyễn An D; quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tại phiên tòa về việc đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn An N và Nguyễn An D, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm là chính xác nên được chấp nhận.

[4] Về án phí: Chị Nguyễn An N và chị Nguyễn An D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

1. Không chấp nhận kháng cáo của hai chị Nguyễn An N và chị Nguyễn An D. 2. Giữ nguyên quyết định tại bản án sơ thẩm số 03/2022/DS-ST, ngày 21 tháng 3 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng về việc: “Yêu cầu bồi thường trách nhiệm Nhà nước trong tố tụng hình sự”.

3. Về án phí: Chị Nguyễn An N và chị Nguyễn An D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.  

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

34
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu bồi thường trách nhiệm Nhà nước trong tố tụng hình sự số 183/2023/DS-PT

Số hiệu:183/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:21/04/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về