Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 444/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 444/2023/DS-PT NGÀY 08/09/2023 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 08 tháng 9 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 643/2022/TLPT-DS ngày 30/12/2022 về việc "Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 180/2022/DS-ST ngày 28/6/2022 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hà Nội bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 341/2023/QĐ-PT ngày 20/7/2023; Quyết định hoãn phiên tòa số 362/QĐPT-HPT ngày 08/8/2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Đinh Thái D, sinh năm 1982.

Trú tại: Số 3 ngách 20/12, ngõ 20, TDP số 2 phường X, quận T, Thành phố Hà Nội.

2. Bị đơn: Bà Phạm Thị C, sinh năm 1956.

Trú tại: Số 5 ngách 20/12, ngõ 20, TDP số 2 phường X, quận T, Thành phố Hà Nội.

Đại diện theo ủy quyền: Bà Lê Thị H, sinh năm 1983.

Trú tại: Xóm 14, Hậu Ái, V, Đ, Thành phố Hà Nội.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà C: Ông Vũ Thế H – Luật sư tại Công ty Luật TNHH Gia L và Liên danh, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Bà Cấn Thị T, sinh năm 1984.

Trú tại: Số 3 ngách 20/12, ngõ 20, TDP số 2 phường X, quận T, Thành phố Hà Nội.

Do có kháng cáo của bà Phạm Thị C là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm vụ án có nội dung như sau:

Nguyên đơn và đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Ông Đinh Thái D là chủ sở hữu, chủ sử dụng đối với thửa đất và tài sản trên đất có địa chỉ: Số 3, ngách 20/12, ngõ 20, TDP số 2, phường X, quận T, Hà Nội. Ngày 31/10/2020, bà Phạm Thị C (hộ gia đình liền kề) đã tháo dỡ nhà cũ, đào móng, thi công xây dựng nhà mới cạnh nhà ông D. Trong quá trình thi công, giai đoạn tháo dỡ nhà cũ, máy xúc đã đè gàu xúc vào tường nhà ông D gây rung lắc mạnh căn nhà và rạn nứt một số hạng mục; quá trình đào móng và thi công nhà mới đã ảnh hưởng đến ngôi nhà của ông D. Ông D đã làm đơn trình báo lên chính quyền địa phương và chính quyền địa phương đã cử đoàn công tác vào lập biên bản hiện trường. Tại biên bản lập ngày 25/11/2020 ghi nhận hậu quả như sau:

Tầng 1: Tường phòng khách có 02 vị trí nứt: vị trí 1: vết nứt dài 2,9m, rãnh nứt rộng 0,1mm; vị trí 2: vết nứt dài 1,5m, rãnh nứt 0,1mm; trần tầng 1: vết nứt dài 2,6m; bản thang khu phụ tầng 1: vết nứt dài 1,6m;

Tầng 2: Cổ bản thang: vết nứt dài 0,8m; trên tầng 2: vết nứt dài 1,3m; rãnh nứt rộng 0,1mm;

Tầng 3: Bản thang tầng 3: vết nứt dài 1,7m; rãnh nứt rộng 0,1mm;

Tầng 4: Vết nứt dài 0,8m; rãnh nứt rộng 0,1mm; cổ trần tầng 4: có rạn nứt cổ trần.

Qua nhiều buổi hòa giải tại địa phương, bà C vẫn không khắc phục bồi thường thiệt hại cho gia đình ông D.

Từ những thiệt hại thực tế căn nhà của gia đình ông D mà nguyên nhân trực tiếp do quá trình thi công tháo dỡ, đào móng, xây dựng nhà mới của bà C gây ra, nay ông D yêu cầu bà C bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho ông D số tiền thiệt hại tạm tính là: 135.000.000 đồng.

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

+ Bà Phạm Thị C không chủ động liên hệ với chủ sở hữu công trình liền kề để kiểm tra hiện trạng của công trình liền kề trước khi tiến hành thi công xây dựng.

Tại khoản 1, Điều 8 Thông tư 05/2015/TT-BXD quy định về giải quyết tranh chấp và xử phạt vi phạm thì: “1. Trước khi thi công xây dựng, chủ nhà chủ động liên hệ với các chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra hiện trạng và ghi nhận các khuyết tật của công trình liền kề, lân cận (nếu có). Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận có trách nhiệm phối hợp với chủ nhà để kiểm tra, ghi nhận hiện trạng công trình làm căn cứ giải quyết các tranh chấp (nếu có)”.

Thực tế, trước khi thi công đập phá công trình cũ để xây dựng công trình mới trên đất, bà Phạm Thị C không liên hệ với ông D, bà Toàn để kiểm tra hiện trạng công trình liền kề là ngôi nhà mà ông D, bà Toàn đang là chủ sở hữu.

+ Bà Phạm Thị C không phối hợp với chủ sở hữu công trình liền kề là ông D, bà Toàn để kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục khi công trình liền kề (nhà của ông D) có dấu hiệu bị lún, nứt.

Ngày 25/11/2020, UBND phường X, quận T, thành phố Hà Nội đã cử tổ công tác vào nhà ông D, bà Toàn để khảo sát dấu hiệu bị lún, nứt và xác định nguyên nhân và đề nghị bà Phạm Thị C tạm dừng thi công, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho gia đình ông D, bà Toàn nhưng bà C không hợp tác xác định nguyên nhân, khắc phục hậu quả mà vẫn ngang nhiên tiến hành thi công xây dựng và hoàn thiện căn nhà.

Khoản 2, Điều 8 Thông tư 05/2015/TT-BXD, ngày 30/10/2015 Quy định về quản lý chất lượng xây dựng và bảo trì nhà ở riêng lẻ có quy định như sau:

“Trong quá trình thi công xây dựng, nếu công trình liền kề, lân cận có dấu hiệu bị lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ sập đổ do ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở gây ra, chủ nhà phải phối hợp với chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình liền kề, lân cận để kiểm tra, xác định nguyên nhân và thống nhất biện pháp khắc phục. Trường hợp các bên không thống nhất thì tranh chấp phát sinh được giải quyết theo quy định của pháp luật.” Cũng tại điểm a Khoản 1, Điều 6 Thông tư 05/2015/TT-BXD quy định:

“a), chủ nhà được tự tổ chức thi công xây dựng và chịu trách nhiệm về an toàn xây dựng và các ảnh hưởng của việc xây dựng nhà ở đến các công trình liền kề, lân cận”.

+ Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: Điều 174 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng: “Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn,.. không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.” Điều 605 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác”.

Theo kết quả định giá của Công ty Cổ phần Giám định và Thẩm định giá Phương Đông và Công ty Cổ phần liên doanh Tư vấn và Xây dựng Cofec, thiệt hại do công trình nhà ở bị nứt phải khắc phục có tổng chi phí là: 94.000.000 đồng. Nguyên đơn đã tạm ứng các khoản chi phí tố tụng khác gồm chi phí giám định và thẩm định giá là: 8.000.000 đồng; Chi phí giám định tư pháp trong hoạt động đầu tư xây dựng là 30.000.000 đồng.

Nay, yêu cầu bà C phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, khắc phục hậu quả cho ông D, bà Toàn theo quy định của pháp luật với số tiền thiệt hại là 132.000.000 đồng bao gồm các khoản nêu trên.

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

Hiện tại chưa có cơ sở xác định được nguyên nhân các vết rạn chân chim nhà ông D có phải do công trình nhà bà C gây ra hay không. Nhà bà C xin cấp phép xây dựng 4 tầng nhưng thực tế bà C chỉ xây 02 tầng, khi đào móng đào nông hơn móng nhà ông D 40cm, xây cách tường nhà ông D 5cm. Bà C không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông D và đề nghị Toà án bác yêu cầu khởi kiện của ông D.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan – bà Cấn Thị T ủy quyền cho ông Phí Văn Hiếu trình bày như đề nghị của ông D.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 180/2022/DS-ST ngày 28/6/2022 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hà Nội đã quyết định:

1/ Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Thái D đối với bà Phạm Thị C về việc: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài HĐ”.

2/ Buộc bà Phạm Thị C phải bồi thường cho ông Đinh Thái D và bà Cấn Thị T về việc: Xây dựng công trình "Nhà riêng gia đình bà Phạm Thị C" đã gây ra ảnh hưởng biến dạng, rạn nứt cho công trình: “Nhà riêng gia đình ông Đinh Thái D, bà Cấn Thị T " với tổng số tiền: 78.285.000đồng và phải thanh toán trả ông D, bà Toàn tổng số tiền giám định: 38.000.000đồng.

Tổng cộng: Bà C phải bồi thường và thanh toán cho bà Toàn, ông D số tiền là: 116.285.000 đồng.

Không chấp nhận các yêu cầu khác của các đương sự.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

Không nhất trí với quyết định của bản án sơ thẩm, bị đơn bà Phạm Thị C kháng cáo đối với bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa:

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Bản kết luận nguyên nhân của Công ty Cofec chỉ trích dẫn pháp luật về xây dựng, không giám định theo hướng dẫn của Bộ xây dựng nên không có căn cứ xác định tổn thất của nguyên đơn là do bị đơn gây ra. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình của bị đơn ít nhiều có ảnh hưởng đến công trình của gia đình nguyên đơn. Để giữ gìn tình cảm, phía bị đơn tự nguyện hỗ trợ nguyên đơn số tiền là 30.000.000 đồng. Đề nghị HĐXX sửa án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ghi nhận sự tự nguyện của bị đơn.

Nguyên đơn ông Đinh Thái D trình bày: Trước khi phá dỡ nhà gia đình bà C không sang chụp ảnh hiện trạng nhà ông. Tường nhà ông bị nứt hoàn toàn do công trình của nhà bà C gây ra. Đề nghị HĐXX giữ nguyên bản án sơ thẩm.

HĐXX công bố lời khai của các đương sự vắng mặt.

Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội:

Về tố tụng: Hội đồng xét xử và các đương sự tuân thủ đầy đủ các quy định của BLTTDS.

Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ kiện, đại diện VKS nhân dân Thành phố Hà Nội đề nghị HĐXX áp dụng Khoản 2 Điều 308 BLTTDS sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 180/2022/DS-ST ngày 28/6/2022 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hà Nội theo hướng: Bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; ghi nhận sự tự nguyện hỗ trợ của bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa xét thấy:

Về hình thức: Đơn kháng cáo của bị đơn bà Phạm Thị C nộp trong hạn luật định về hình thức là hợp lệ.

Về tố tụng:

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn có đơn xin xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Toàn vắng mặt tại phiên tòa. Phiên tòa hôm nay là phiên tòa lần thứ hai, HĐXX xét xử theo quy định tại Điều 296 BLTTDS.

Về nội dung:

Ông Đinh Thái D và bà Cấn Thị T là chủ sử dụng, chủ sở hữu đối với thửa đất và tài sản trên đất tại: Số nhà 3, ngách 20/12, ngõ 20, Tổ dân phố số 2, phường X, quận T, Thành phố Hà Nội.

Bà Phạm Thị C là chủ sử dụng, chủ sở hữu đối với thửa đất và tài sản trên đất tại: Số nhà 5, 20/12, ngõ 20, Tổ dân phố số 2, phường X, quận T, Thành phố Hà Nội.

Ngày 31/10/2020, bà Phạm Thị C (là hộ gia đình liền kề) đã tháo dỡ nhà cũ, đào móng, thi công xây dựng nhà mới cạnh nhà ông D, bà Toàn. Ông D cho rằng trong quá trình bà C thi công, giai đoạn tháo dỡ nhà cũ (dùng máy xúc đập phá nhà cũ) máy xúc đã đè gàu xúc vào tường nhà ông D bà Toàn gây rung lắc mạnh căn nhà và dạn nứt một số hạng mục; quá trình đào móng và thi công nhà mới đã ảnh hưởng lớn đến ngôi nhà của ông.

Đại diện theo ủy quyền của bà C cho rằng nhà bà C xin cấp phép xây dựng 4 tầng nhưng thực tế bà chỉ xây 02 tầng, khi đào móng đào nông hơn móng nhà ông D 40cm, xây cách tường nhà ông D 5cm nên việc nhà bà C xây dựng không phải là nguyên nhân gây dạn nứt tường nhà ông D.

Nhận thấy, trước khi tiến hành xây dựng ngày 05/10/2020 bà C đã được UBND quận T cấp phép xây dựng công trình nhà ở.

Khi bà C phá dỡ nhà cũ ngày 31/10/2020 ông D cho rằng máy xúc đã đè gàu xúc vào tường nhà ông gây rung lắc mạnh căn nhà và dạn nứt một số hạng mục. Ông D đã báo chính quyền địa phương, yêu cầu nhà bà C dừng thi công. Sau sự việc này nhà bà C tạo điều kiện để ông D trát phần tường tiếp giáp nhà bà C do nhà ông D xây trước nhà bà C nên trước đây chưa trát được tường. Khi thực hiện việc trát tường ông D cũng không ghi nhận lại hoặc phản ánh với bà C về các dấu vết va chạm với gầu xúc có trên tường nhà ông D. Ông Hy Văn Vinh cán bộ QLTTXDĐT thành viên tổ công tác tham gia kiểm tra ngày 25/11/2020 có ý kiến: Tổ công tác được nghe lại việc va chạm máy xúc vào nhà ông D chứ không tận mắt chứng kiến và cũng không xác minh được điều đó. UBDN phường đã lập biên bản ghi nhận lại hiện trạng nhà ông D, tuy nhiên biên bản hiện trạng không ghi nhận dấu vết va chạm giữa gầu của máy xúc với tường nhà ông D. Như vậy, chưa có cơ sở để xác định tại thời điểm đó tường nhà ông D bị nứt là do gầu của máy xúc gây ra.

Theo lời khai của ông Nguyễn Quang Huân, tổ trưởng TDP số 2 phường X, trước khi đào móng nhà ngày 02/11/2020 gia đình bà C có yêu cầu ông D cho vào nhà để chụp ảnh hiện trạng nhưng ông D cản trở, không cho vào. Gia đình bà C tiếp tục thi công. Ngày 14/11/2020 ông D có đơn kiến nghị gửi UBND phường.

Thực hiện quyết định của UBND phường gia đình bà C đã hai lần dừng thi công công trình để ông D mời cơ quan giám định để giám định nguyên nhân gây thiệt hại nhưng ông D không mời cơ quan giám định nên gia đình bà C tiếp tục xây dựng.

Theo Biên bản hiện trạng ngày 25/11/2020 của UBND phường và thẩm định ngày 20/4/2021 của Công ty Phương Đông nhà ông D có hiện trạng:

Tại tầng 1: Tường phòng khách có 02 vị trí nứt; vị trí 1: vết nứt dài 2,9 m, rãnh nứt rộng 0,1 mm; vị trí 2: vết nứt dài 1,5 m, rãnh nứt 0,1 mm; Trần tầng 1:

Vết nứt dài 2,6 m; Bản thang khu phụ tầng 1: Vết nứt dài 1,6 m;

Tại tầng 2: Cổ bản thang: Vết nứt dài 0,8 m; Trần tầng 2: Vết nứt dài 1,3 m; rãnh nứt rộng 0,1 mm;

Tại tầng 3: Bản thang tầng 3: Vết nứt dài 1,7 m; rãnh nứt rộng 0,1 mm; Tại tầng 4: Vết nứt dài 0,8 m; rãnh nứt rộng 0,1 mm; Cổ trần tầng 4: Có rạn nứt cổ trần.

Tuy nhiên các vết nứt này hình thành trước hay sau khi nhà bà C xây dựng thì chưa được làm rõ.

Để xác định nguyên nhân gây nứt tường nhà ông D có phải do việc xây dựng công trình nhà bà C gây ra hay không Tòa án nhân dân quận T đã tiến hành trưng cầu giám định nguyên nhân tại Công ty cổ phần giám định và thẩm định giá Phương Đông. Tại Công văn số 06.22/CV-PD ngày 17/01/2022 công ty có ý kiến: Căn cứ vào thực tế hiện trường, tại thời điểm tiến hành giám định, chúng tôi không có đủ cơ sở để xác định chính xác nguyên nhân gây ra các tổn thất đối với nhà ông D như yêu cầu của Tòa án.

Để có căn cứ giải quyết vụ kiện. Tòa án nhân dân quận T đã tiến hành trưng cầu giám định nguyên nhân tại Công ty Cổ phần Liên doanh tư vấn và xây dựng – COFEC (viết tắt là Công ty COFEC). Tại Kết luận giám định xác định lỗi là hoàn toàn do việc xây dựng mới của công trình nhà bà C đã gây ra hiện tượng biến dạng, nứt công trình nhà riêng của ông D. Ngoài kết luận trên, Công ty COFEC không có Hồ sơ kỹ thuật để chứng minh kết luận trên về mặt kỹ thuật. Tại công văn số 95/2022/CV- COFEC ngày 13/6/2022 Công ty COFEC nêu ý kiến: Để thực hiện việc giám định công ty đã nghiên cứu đầy đủ các hồ sơ hai bên cung cấp trước tòa, lên trực tiếp giám định thực tế hiện trường, tham khảo kiểm chứng lại kết quả, khối lượng thực hiện, giá trị khối lượng thực tế của Công ty Phương Đông từ 4/2021 trước đây...Kết luận giám định của Công ty COFEC là đúng đắn, đúng thực tế, đúng quy định của pháp luật, bám đúng theo nội dung giám định cần thiết, hạn chế tới mức thấp nhất các chi phí không cần thiết, bằng các chứng minh khoa học, gây tốn kém cho người dân như: Khoan khảo sát địa chất công trình, quan trắc lún theo thời gian, tính toán lại kết cấu, theo dõi biến dạng vết nứt, độ thấm dột...gây tốn kém hàng trăn triệu đồng về các chứng minh vô bổ.

Qua công văn này, thể hiện Công ty COFEC đã không thực hiện các phương pháp kỹ thuật như: Khoan khảo sát địa chất công trình, quan trắc lún theo thời gian, tính toán lại kết cấu, theo dõi biến dạng vết nứt, độ thấm dột.... Như vậy, kết luận nguyên nhân của Công ty COFEC không dựa trên các chứng minh khoa học, không chỉ ra phương pháp giám định, phân tích số liệu về chuyên môn nên kết luận nguyên nhân của Công ty COFEC không phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 31 Luật giám định tư pháp, do đó không có căn cứ để chấp nhận.

Quá trình Công ty COFEC tiến hành giám định phía bị đơn không được thông báo để chứng kiến việc giám định trên thực tế của Công ty COFEC theo quy định tại Điều 101 BLTTDS, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Bản án sơ thẩm căn cứ vào Kết luận giám định ngày 31/5/2022 của Công ty Cổ phần Liên doanh tư vấn và xây dựng – COFEC để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ, không phù hợp với quy định tại Điều 584 BLDS.

Xét thấy, việc xây dựng của gia đình bà C ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến công trình nhà ở của ông D như trình bày của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn nên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Theo tính toán của Công ty Phương Đông, giá trị thiệt hại là 78.235.000 đồng. Bà C tự nguyện hỗ trợ ông D, bà Toàn với số tiền 30.000.000 đồng là phù hợp với quy định của pháp luật nên ghi nhận. Do đó cần sửa án sơ thẩm, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ghi nhận sự tự nguyện của bà C.

Quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hà Nội một phần phù hợp với nhận định của HĐXX.

Về án phí và chi phí tố tụng:

Án phí dân sự phúc thẩm:

Do sửa án sơ thẩm và bà C là người cao tuổi nên bà C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Án phí dân sự sơ thẩm:

Nguyên đơn ông D yêu cầu bà C bồi thường số tiền 132.000.000 đồng nhưng được chấp nhận tổng số là 30.000.000 đồng nên phải chịu 5.100.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Đối trừ vào số tiền 3.375.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 00021167 ngày 14/01/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận T, ông D còn phải nộp tiếp 1.725.000 đồng.

Bà C là người cao tuổi nên được miễn án phí dân sự sơ thẩm.

Chi phí tố tụng, chi phí giám định: Do nguyên đơn được chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện, nên bị đơn bà C phải chịu một phần chi phí tố tụng là 10.000.000 đồng. Ông D đã thanh toán các chi phí tố tụng nên bà C phải thanh toán cho ông D số tiền chi phí tố tụng là 10.000.000 đồng.

Vì các lẽ trên, áp dụng Khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 180/2022/DS-ST ngày 28/6/2022 của Tòa án nhân dân quận T, Thành phố Hà Nội.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

- Điều 584 Bộ Luật dân sự;

- Điểm đ Khoản 1 Điều 12, Điều 26, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Đinh Thái D đối với bị đơn bà Phạm Thị C về việc: “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

- Ghi nhận sự tự nguyện của bà C về việc hỗ trợ ông D, bà Toàn số tiền 30.000.000 đồng để khắc phục hậu quả.

Về án phí:

Án phí dân sự phúc thẩm:

Bà C không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Án phí dân sự sơ thẩm:

Nguyên đơn ông D phải chịu 5.100.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Đối trừ vào số tiền 3.375.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai số 00021167 ngày 14/01/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận T, ông D còn phải nộp tiếp 1.725.000 đồng.

Bà C không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

Chi phí tố tụng, chi phí giám định: Bà C phải thanh toán cho ông D số tiền là 10.000.000 đồng chi phí tố tụng.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

248
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 444/2023/DS-PT

Số hiệu:444/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về