Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 25/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

BẢN ÁN 25/2022/DS-PT NGÀY 27/09/2022 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Trong ngày 27 tháng 9 năm 2022 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 10/2022/TLPT-DS ngày 29/4/2022 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum bị kháng cáo, kháng nghị. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 19/2022/QĐ-PT ngày 29 tháng 7 năm 2022 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trương Thị Thủy T, sinh năm: 1974 - Là chủ Doanh nghiệp tư nhân Nhật M; (Có mặt) Địa chỉ: Thôn 8, xã D, huyện Đ, tỉnh Kon Tum.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Bà Trương Thị Tú T2, sinh năm: 1976; Địa chỉ: Thôn 8, xã D, huyện Đ, tỉnh Kon Tum. (Vắng mặt) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Vũ Văn K, Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư K, Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai; Địa chỉ: số 12 Đ, phường I, thành phố P, tỉnh Gia Lai. (Có mặt).

2. Bị đơn: Công ty cổ phần đầu tư thủy điện ĐP 6, địa chỉ: số 79A T, phường N, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Văn K, chức vụ: Giám đốc. (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Chí Hải, Luật sư Văn phòng Luật sư G - Chi nhánh B, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương; Địa chỉ: Đường D5-5A trung tâm hành chính huyện B, thị trấn U, huyện B, tỉnh Bình Dương. (Có mặt).

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công ty cổ phần tư vấn xây dựng P; địa chỉ trụ sở: số 310, đường S, phường L, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Hữu Phong, chức danh: Giám đốc. (Vắng mặt) Địa chỉ: số 70 Huỳnh Thúc K, Tổ 4, phường T, thành phố K, tỉnh Kon Tum.

4. Người kháng cáo Bị đơn là Công ty cổ phần đầu tư thủy điện ĐP 6.

5. Viện kiểm sát kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Theo đơn khởi kiện đề ngày 04/5/2020, đơn bổ sung đơn khởi kiện ngày 03/8/2020 và trong quá trình tham gia tổ tụng, nguyên đơn bà Trương Thị Thủy T1 - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Nhật M trình bày và yêu cầu Tòa án giải quyết.

Doanh nghiệp tư nhân Nhật M (sau đây viết tắt là Doanh nghiệp) đăng ký kinh doanh hoạt động ngành nghề khai thác khoáng sản (cát xây dựng), đã được UBND tỉnh Kon Tum cấp Giấy phép khai thác khoáng sản số 65/GP-UBND ngày 16/01/2018. Sau khi hoàn tất các thủ tục hành chính đúng theo quy định của pháp luật, Doanh nghiệp đã tiến hành hoạt động khai thác cát từ ngày 25/01/2018. Vào khoảng tháng 12/2019, Doanh nghiệp phát hiện Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện ĐP 6 đã có hành vi đào đất đổ trực tiếp xuống dòng sông Đắk Psi, ngay phía trên đầu mỏ khai thác cát, dẫn đến bùn đất trôi chảy xuống mỏ cát, là nguyên nhân gây thiệt hại đến việc khai thác và kinh doanh cát của Doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã nhiều lần phản ánh, khiếu nại, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không được giải quyết. Chính quyền địa phương đã nhiều lần trực tiếp xác minh tại hiện trường, lập biên bản về hành vi vi phạm đào đất đổ trực tiếp xuống lòng sông của Công ty, nhưng Công ty vẫn cố tình không hợp tác, mà vẫn cố ý tiếp tục hành vi vi phạm đào đất đổ trực tiếp xuống lòng sông.

Tại đơn khởi kiện ngày 04/5/2020 và đơn bổ sung đơn khởi kiện ngày 03/8/2020, nguyên đơn yêu cầu Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện ĐP 6 (sau đây viết tắt là Công ty ĐP 6) bồi thường thiệt hại các khoản tổng cộng là 1.504.697.000 đồng.

Sau khi có kết quả thẩm định, tại đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 21/02/2022 nguyên đơn thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu Công ty ĐP 6 bồi thường thiệt các khoản thành tiền là: 418.123.966 đồng. Cụ thể:

1. Khoản thiệt hại do không khai thác đủ khối lượng cát được phép khai thác (tài sản bị mất):

1.1. Căn cứ xác định khối lượng cát không khai thác được: Theo Giấy phép, Doanh nghiệp được phép khai thác 7.840m3/năm. Năm 2020 khai thác được 510m3, năm 2021 khai thác được 1.501m3. Như vậy, xác định lượng cát không khai thác được của năm 2020 và 2021 là 13.669 m3. Trong đó: năm 2020 là: 7.840m3 - 510m3 = 7.330 m3, năm 2021 là: 7.840m3 - 1.501 m3 = 6.339 m3.

1.2. Căn cứ tính lợi nhuận thu được sau thuế của 1m3 cát: Căn cứ “Tờ khai thuế tài nguyên” đã quyết toán với Cơ quan Chi cục thuế huyện Đăk Tô, thì sản lượng cát đã khai thác của năm 2019 là 4.020m3, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 70.007.447 đồng. Như vậy xác định 01m3 cát Doanh nghiệp thu được lợi nhuận sau thuế là 70.007.447 đồng/4.020m3 = 17.414 đồng.

1.3. Căn cứ khối lượng cát không khai thác được của năm 2020 và 2021, Căn cứ lợi nhuận thu được sau thuế của 1m3 cát, thì xác định khoản tiền bị thiệt hại của năm 2020 và 2021 là 238.031.966 đồng. Trong đó: Năm 2020 là 127.644.620 đồng (7.330m3 cát x 17.414 đồng/m3); Năm 2021 là 110.387.346 đồng (6.339m3 cát x 17.414 đồng/m3).

2. Khoản yêu cầu thứ hai: Chi phí để khắc phục mỏ cát với số tiền 167.092.000 đồng.

Căn cứ kết quả thẩm định hiện trạng mỏ cát do Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum trưng cầu giám định, xác định lượng bùn sét hiện có trong diện tích mỏ cát là 1.129,05 m3. Doanh nghiệp phải chi phí để khắc phục mỏ cát để khai thác được bình thường với số tiền là 167.092.000 đồng. Trong đó:

- Chi phí nạo vét, hút bùn từ lòng sông lên bờ là 99.352.000 đồng (1.129m3 x 88.000 đồng/m3);

- Chi phí mút bùn lên xe là: 11.290.000 đồng (1.129m3 x 10.000 đồng/m3);

- Chi phí thuê xe chở đến bãi đổ là: 56.450.000 đồng (1.129m3 x 50.000 đồng/m3);

3. Khoản yêu cầu thứ ba: Chi phí thuê thẩm định xác thiệt hại làm căn cứ khởi kiện là 13.000.000 đồng.

Sau khi diện tích mỏ cát bị ô nhiễm do hành vi sa thải của Công ty ĐP 6, Doanh nghiệp đã ký hợp đồng kinh tế kỹ thuật với Công ty TNHH dịch vụ thương mại xây dựng Nam Nguyên, tại hợp đồng số 04/HĐKT/NN ngày 22/5/2020 để xác định, đánh giá tính chất và mức độ thiệt hại, xác định hiện trạng bùn sét bồi lắng tại mỏ cát của Doanh nghiệp, để làm căn cứ khởi kiện. Với số tiền thuê thẩm định là 13.000.000 đồng theo hóa đơn VAT số 0000067 ngày 30/5/2021. Đây là khoản chi phí (thiệt hại) thực tế của Doanh nghiệp đã bỏ ra để xác định hiện trạng lượng bùn sét bồi lắng từ hoạt động đổ thải đất, đá ra sông Đăk Psi của Công ty ĐP 6, nên Công ty ĐP 6 phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này cho Doanh nghiệp.

Tài liệu chứng cứ mà Doanh nghiệp làm căn cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình gồm: Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ ngày 21/5/2021 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum; Báo cáo kết quả khoan khảo sát hiện trạng bùn sét bồi lắng tại mỏ cát làm VLXD thông thường ngày 27/5/2020 của Công ty TNHH dịch vụ thương mại xây dựng Nam Nguyên; Báo cáo hiện trạng mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường, ngày 07/6/2021 của Liên Đoàn quy hoạch và điều tra nước Miền Trung; và các biên bản làm việc, các báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền mà có liên quan đến hành vi đổ đất đá xuống lòng sông ĐP của Công ty, đã được nguyên đơn giao nộp cho Tòa án.

Bị đơn Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện ĐP 6 trong quá trình giải quyết vụ án trình bày:

Công ty không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Công ty có đủ điều kiện pháp lý về đầu tư, đất đai, môi trường, đáp ứng đủ điều kiện khởi công công trình theo quy định tại Điều 107 Luật xây dựng năm 2014. Đã được cấp phép thi công các hạng mục công trình. Quá trình thi công đã có sự phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, xác định vị trí đổ đất đá thải, phế thải, xây dựng thực bì phát sinh, xây dựng kè chắn, rọ đá chân các bãi thải để phòng chống đất đá cuốn trôi xuống sông Đăk Psi. Đã thực hiện việc giám sát quá trình xói lở hai bờ sông phía hạ lưu đập. Đã xây dựng phương án, giải pháp phù hợp, khắc phục các tác động tiêu cực do sạt lở đất đá hai bên bờ sông Đăk Psi. Các nội dung này được thể hiện tại quyết định số 2120/QĐ-BTNMT ngày 20/8/2020. Từ khi triển khai thủy điện, công ty chưa bị cơ quan chức năng lập biên bản, xử phạt hành chính trong các lĩnh vực có liên quan.

Nguyên nhân chính dẫn tới lượng bùn sét bồi lắng tại dòng sông Đăk Psi là do có nhiều nhánh suối đổ vào lòng sông. Cụ thể phía trên của thủy điện ĐP 6 có 16 nhánh suối đổ vào; và từ khoảng cách thủy điện đến mỏ cát của Doanh nghiệp cách 900m có 04 nhánh suối đổ vào sông Đăk Psi. Vào mùa mua nước dâng cao dòng chảy mạnh dẫn tới lượng đất bồi lắng từ phía trên thủy điện chảy xuống cùng 20 nhánh suối nhỏ khiến cho lượng bồi lắng bùn sét của dòng sông lớn. Doanh nghiệp không xem xét đến các yếu tố tự nhiên là nguyên nhân chính này, mà chỉ dựa vào hành vi đổ đất xuống long sông của cá nhân hoặc tổ chức khác ngoài ngoài Công ty để lấy cớ yêu cầu công ty bồi thường là không có căn cứ pháp lý.

Doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 65/GP-UBND ngày 16/01/2018, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền là Sở tài nguyên và môi trường xác nhận đã hoàn thành các quy định tại giấy phép để được phép khai thác. Do đó doanh nghiệp đã khai thác trái phép khoáng sản. Doanh nghiệp chưa được phép khai thác do chưa được xác nhận đủ điều kiện, nhưng yêu cầu bồi thường thiệt hại do có tác động bằng cơ giới vào khu vực sông là không hợp lý.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Công ty cổ phần tư vn xây dựng P trong quá trình giải quyết vụ án đã được triệu tập hợp lệ nhưng không nêu ý kiến về việc giải quyết vụ án.

- Kết quả thẩm định:

1. Tại Báo cáo kết quả khoan khảo sát hiện trạng bùn sét bồi lắng tại mỏ cát làm VLXD thông thường lòng sông Đăk Psi, thuộc Thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và Thôn 5, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, ngày 27/5/2020 của Công ty TNHH dịch vụ thương mại xây dựng Nam Nguyên (Do nguyên đơn thuê thm định). Kết luận:

- Lớp bùn sét nằm bên dưới lớp cát từ 0,3m - 0,7m. Bề dày lớp bùn sét trong diện tích được phê duyệt trữ lượng cát xây dựng cấp 121 từ 0,3m - 0,9m, trung bình là 0,52m;

- Khối lượng bùn sét trong diện tích được phê duyệt trữ lượng cát xây dựng cấp 121 là: 5.172 m3.

2. Tại Báo cáo hiện trạng mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc Thôn 5, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô và Thôn 5, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, ngày 07/6/2021 của Liên Đoàn quy hoạch và điều tra nước Miền Trung (Do Tòa án làm chủ đầu tư - Thuê thẩm định). Kết luận:

- Lượng bùn sét có trong diện tích mỏ được cấp phép với khối lượng là: 1.129,05 m3.

- Đánh giá chất lượng cát tại thời điểm xác định hiện trạng so với chất lượng cát được cấp phép khai thác theo báo cáo kết quả thăm dò:

+ Chất lượng cát ở thời điểm báo cáo thăm dò được sử dụng để chế tạo tất cả các cấp bê tông và mác vữa;

+ Chất lượng cát tại thời điểm xác định hiện trạng không sử dụng được cho cấp bê tông lớn hơn mác B30.

+ Lượng cát không sử dụng được cho chế tạo vữa là: 3.920,47m3.

Bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2022/DS-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đã quyết định:

Căn cứ khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 và điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, Điều 589 của Bộ luật Dân sự.

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện về “Yêu cầu bồi thường thiệt hại bãi cát” của nguyên đơn bà Trương Thị Thủy T1 - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Nhật M đối với Công ty cổ phần đầu tư thủy điện ĐP 6. Xử:

Buộc Công ty cổ phần đầu tư thủy điện ĐP 6 phải bồi thường thiệt hại cho bà Trương Thị Thủy T1 - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Nhật M số tiền 418.123.966 (Bốn trăm mười tám triệu, một trăm hai ba nghìn, chín trăm sáu mươi sáu) đồng.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ chậm trả, chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 04/4/2022, bị đơn Công ty cổ phần Đầu tư Thủy điện có đơn kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 04/4/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ-VKS-DS, đề nghị sửa bản án sơ thẩm. Ngày 22/4/2022, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐ-VKS-DS, đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo. Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm. Nguyên đơn, bị đơn đã thực hiện đúng và đầy đủ các quyền, nghĩa vụ theo Điều 71, 72 Bộ luật tố tụng dân sự.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm không đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (ông Hà Văn Đ) vào tham gia tố tụng là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện ĐP 6; việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được đầy đủ, không định giá tài sản bị thiệt hại, chưa xác định đúng tư cách tham gia tố tụng của bị đơn. Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, sau khi đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum phát biểu ý kiến, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thủ tục tố tụng:

[1.1] Kháng cáo của bị đơn, các quyết định kháng nghị được thực hiện theo quy định pháp luật nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[1.2] Tòa án cấp sơ thẩm có một số vi phạm thủ tục tố tụng như sau:

[1.2.1] Theo Giấy ủy quyền giữa người đại diện theo pháp luật của Công ty ĐP 6 là ông Lê Văn K với bà Dương Thị Kim C ngày 04/8/2020 thể hiện ông Khoa chỉ ủy quyền cho bà Cúc thực hiện trong phạm vi cụ thể là “thực hiện quyền của bị đơn, cụ thể: xem, ghi chép, sao chụp tài liệu, chứng cứ của nguyên đơn ” mà không ủy quyền cho bà C thực hiện toàn bộ quyền, nghĩa vụ tố tụng của bị đơn trong vụ án nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà C là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trong một số hoạt động tố tụng, thể hiện qua biên bản phiên họp kiểm tra việc tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải ngày 25/12/2020 và 10/8/2021, biên bản không tiến hành được công khai chứng cứ và hóa giải ngày 29/10/2018, biên bản lấy mẫu giám định, biên bản xem xét thẩm định tại chỗ, quyết định đưa vụ án ra xét xử cho đến thông báo thời gian mở lại phiên tòa ngày 19/01/2022, là không đúng quy định.

[1.2.2] Tại Quyết định hoãn phiên tòa ngày 22/11/2021 nêu thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau. Tuy nhiên, đến ngày 22/12/2021 ban hành Thông báo mở lại phiên tòa vào ngày 05/01/2022, ngày 31/12/2021 ban hành Thông báo mở lại phiên tòa vào ngày 21/01/2022 là quá thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 233 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2] Về nội dung:

[2.1] Về tính hợp pháp trong việc khai thác cát của DNTN Nhật M:

Theo văn bản số 1872/STNMT-TTr ngày 12/7/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum có nội dung: “Đến thời điểm ngày 19/4/2019, DNTN Nhật M thực hiện đầy đủ theo quy định nội dung Giấy phép so 65/GP-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh cấp. Tuy nhiên, qua rà soát quy định pháp luật có liên quan, tỉnh đến thời điểm hiện tại DNTN Nhật M chưa hoàn thành việc lắp trạm cân (nội dung này DNTN Nhật M đã cam kết) và chưa chấp hành việc xử lý vi phạm hành chính tại Quyết định số 03/QĐ-XPVPHC ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường nên Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có văn bản xác nhận việc hoàn thành các quy định tại Điều 65/GP-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Việc DNTN Nhật M chưa được xác nhận việc hoàn thành các quy định tại Điều 4 Giấy phép s 65/GP-UBND ngày 16 tháng 01 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh nhưng đã t chức khai thác khoáng sản là chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm chưa xác minh, làm rõ tính hợp pháp trong việc khai thác khoáng sản nhưng đã nhận định DNTN Nhật M không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính hoặc bị nhắc nhở về hành vi vi phạm trong quá trình khai thác, khẳng định việc khai thác cát của Doanh nghiệp hợp pháp là không phù hợp.

[2.2] Về xác định hành vi gây thiệt hại, chủ thể bồi thường thiệt hại Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện ĐP 6 ký hợp đồng với Công ty cổ phần tư vấn xây dựng P để thi công xây dựng, cung cấp vật tư, thiết bị, lắp đặt thiết bị và chuyển giao công nghệ dự án nhà máy đầu tư Thủy điện ĐP 6. Sau khi ký hợp đồng, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng P đã hợp đồng thuê ông Hà Văn Đ là nhà thầu phụ thi công một số hạng mục công trình. Trong quá trình thi công công trình thủy điện ĐP 6, nhà thầu là Công ty P đã nhiều lần có hành vi đào đất, đá, san lấp mặt bằng lấy từ hạng mục xây dựng nhà máy, đổ đất xuống lòng sông Đăk Psi. Biên bản vi phạm hành chính ngày 16/4/2020 của UBND xã Đ, huyện Đ về hành vi vi phạm hành chính trong việc thi công công trình thủy điện ĐP 6 thể hiện: Công ty P hợp đồng với cá nhân ông Hà Văn Đ (nhà thầu phụ) để thi công công trình, việc thi công đổ thải trực tiếp xuống lòng sông Đăk Psi do ông Hà Văn Đ tự ý thực hiện, ông Hà Văn Đ thừa nhận hành vi vi phạm của mình, cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ liên quan đến hợp đồng thi công giữa Công ty cổ phần tư vấn xây dựng P với ông Hà Văn Đ để có căn cứ xem xét Công ty cổ phần tư vấn xây dựng P, ông Hà Văn Đ có lỗi dẫn đến thiệt hại hay không nhưng đã xác định chủ thể bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nguyên đơn là Công ty ĐP 6 là có thiếu sót; đồng thời không đưa ông Hà Văn Đ tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự.

[2.3] Về xác định mức bồi thường thiệt hại Cấp sơ thẩm xác định số tiền bồi thường thiệt hại như sau: Thiệt hại = (Khối lượng cát được khai thác theo Giấy phép - khối lượng cát khai thác thực tế) x giá 1m3 cát (giá 1m3 cát = Lợi nhuận sau thuế năm 2019/ khối lượng cát khai thác được năm 2019).

Cấp sơ thẩm xác định khối lượng cát không khai thác được năm 2020-2021 bằng cách lấy khối lượng khai thác theo giấy phép 7840m3/năm trừ khối lượng khai thác thực tế là không phù hợp. Vì năm 2019, khi Công ty ĐP 6 chưa xả thải xuống sông Đăk Psi thì DNTN Nhật M chỉ khai thác cát được 4020m3/năm.

Các đương sự không thỏa thuận về giá trị thiệt hại nhưng cấp sơ thẩm không tiến hành định giá hay giám định thiệt hại, mà căn cứ vào “Tờ khai thuế tài nguyên” của DNTN Nhật M tại Chi cục Thuế khu vực số 2 tỉnh Kon Tum để xác định giá mỗi 1m3 cát là 17.414đ (bằng lợi nhuận sau thuế năm 2019 chia cho khối lượng cát khai thác được năm 2019) là có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến việc xác định mức bồi thường thiệt hại không khách quan, chính xác.

[3] Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ và chứng minh chưa được thực hiện đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung, khắc phục được và có vi phạm thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự nên cần chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện ĐP 6, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum và chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum, hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp nhân dân thanh phố Kon Tum để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[4] Về chi phí tố tụng: Chi phí tố tụng được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[5] Về án phí:

[5.1] Về án phí phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm nên ông Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện Đăk Psi 6 không phải chịu án phí phúc thẩm.

[5.2] Về án phí sơ thẩm: Án phí sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự, Chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện ĐP 6, chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Kon Tum.

Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 05/2022/DS-ST ngày 24/3/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum. Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

2. Về chi phí tố tụng: Chi phí tố tụng được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

3. Về án phí: Căn cứ Điều 144, Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 6, Điều 18, Điều 19, Điều 24, Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện ĐP 6 không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả cho Công ty cổ phần đầu tư Thủy điện ĐP 6 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí Tòa án số AA/2021/0000749 ngày 12/4/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.

Án phí sơ thẩm được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Bản án phúc thm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

216
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 25/2022/DS-PT

Số hiệu:25/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kon Tum
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 27/09/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về