Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 17/2022/DS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH THUẬN, TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 17/2022/DS-ST NGÀY 30/03/2022 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 30 tháng 3 năm 2022 tại Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01A/2021/TLST-DS ngày 15 tháng 10 năm 2021 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 40/2022/QĐXXST-DS ngày 14/3/2022 giữa các đương sự:

* Nguyên đơn:

1 - Ông Dương Hoàng G, sinh ngày 01/01/1966 (Có mặt tại phiên tòa);

2 - Bà Hồ Thị M, sinh năm 1965 (Có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa).

Cùng địa chỉ: khu phố A, thị trấn B, huyện C, tỉnh Kiên Giang.

* Bị đơn: Bà Lê Thị T, sinh năm 1936, địa chỉ: ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Kiên Giang (Có mặt tại phiên tòa).

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện đề ngày 08 tháng 7 năm 2021 nguyên đơn ông Dương Hoàng G , bà Hồ Thị M trình bày: Vào khoảng tháng 7 năm 2020 vợ chồng ông có nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ vợ chồng ông Nguyễn Văn P và bà Trần Thị Thúy H đối với phần đất thuộc thửa đất số 01, tờ bản đồ số 10-2020, đất tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Kiên Giang, đất có diện tích 481,1m2. Phần đất trên đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT442715, số vào số cấp GCN: CH02720 do ông Nguyễn Văn P và bà Trần Thị Thúy H đứng tên và đã được đánh biến động sang tên ông Dương Hoàng G và bà Hồ Thị M vào ngày 24/7/2020. Đất có vị trí tứ cận như sau:

+ Phía trước giáp lộ thị trấn - Vàm Chắc Băng;

+ Phía bên phải giáp đất ông Danh S;

+ Phía bên trái giáp đất ông Lê Phú L;

+ Phía sau giáp Kênh Xáng C.

Việc chuyển nhượng này do các bên hoàn toàn tự nguyện và đúng quy định pháp luật. Sau khi nhận chuyển nhượng đất xong vợ chồng ông có nhu cầu xây dựng hàng rào để quản lý phần đất vừa nhận chuyển nhượng nên ông bà đã tiến hành mướn nhân công xây dựng hàng rào, rào bằng lưới B40, cặm trụ đá loại 1,8m - 2m với tổng chi phí là 5.010.000 đồng, trong đó:

- Tiền mua trụ đá 15 cây loại 1,8m - 2m: 70.000đ x 15 cây = 1.050.000đồng;

- Tiền lưới B40 loại 1,5m: 140kg x 24kg=3.360.000đồng.

- Tiền mướn nhân công: 150.000đ/người x 04 người = 600,000 đồng.

Khi ông G, bà M tiến hành làm hàng rào bà Lê Thị T có ra ngăn cản, bà T nói là đất của bà T. Nhưng do đây là đất ông, bà nhận chuyển nhượng từ người khác, thủ tục đúng quy định pháp luật và đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận đăng ký biến động cho vợ chồng ông, bà đứng tên sở hữu nên ông, bà có căn cứ để tiếp tục xây dựng hàng rào.

Vợ chồng ông tiến hành làm hàng rào ngày 31/5/2021 đến ngày 01/6/2021 bà Lê Thị T dùng búa đập phá trụ đá làm ngã đổ hàng rào lưới B40. Ông, bà không biết bà T đập phá như thế nào nhưng trụ đá gãy làm nhiều khúc nằm đè lên lưới B40.

Sau khi trình báo chính quyền địa phương lập biên bản thì ông, bà để nguyên hiện trường tài sản bị đập phá cho đến hôm nay và hiện tại lưới B40 đã đứt ra thành nhiều đoạn nằm rải rác trên đất. Ông giữ nhận thấy việc bà T đập phá hàng rào của ông là không đúng và hậu quả đã gây thiệt hại tài sản của ông và ông đã yêu cầu UBND xã B giải quyết nhưng kết quả không thành. Bà T cương quyết khẳng định phần đất mà ông làm hàng rào là đất của bà, bà không mua bán hay chuyển nhượng cho ai nên bà có quyền đập phá hàng rào của ông xây dựng.

Nay ông G, bà M yêu cầu Tòa án giải quyết: Buộc bà Lê Thị T bồi thường thiệt hại cho ông, bà gồm tiền mướn nhân công và chi phí nguyên vật liệu để xây dựng hàng rào như sau:

- Tiền mua trụ đá 15 cây loại 1,8m - 2m: 70.000đ x 15 cây = 1.050.000đồng;

- Tiền lưới B40 loại 1,5m: 140kg x 24kg =3.360.000đồng.

- Tiền mướn nhân công: 150.000đ/người x 04 người = 600,000 đồng.

Tổng số tiền nêu trên là 5.010.000 đồng, nhưng ông G, bà M chỉ yêu cầu Tòa án buộc bà Lê Thị T bồi thường cho ông, bà 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).

Ông G, bà M xác định chỉ yêu cầu bà T có nghĩa vụ bồi thường không yêu cầu chồng của bà T liên đới bồi thường.

* Tại biên bản lấy lời khai ngày 16 tháng 02 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận bị đơn bà Lê Thị Ttrình bày:

Theo Thông báo về việc thụ lý vụ án thì vợ chồng ông G yêu cầu Tòa án buộc bà bồi thường thiệt hại cho ông bà tiền mướn nhân công và chi phí nguyên vật liệu để xây dựng hàng rào là 5.000.000 đồng, gồm các khoản: Trụ đá 15 cây loại 1,8 mét x 70.000 đồng/cây = 1.050.000 đồng; Lưới B40 với trọng lượng 140 ký loại 1,5 mét x 24.000 đồng/ký = 3.360.000 đồng; Tiền nhân công 04 người x 150.000 đồng/người = 600.000 đồng. Bà T không đồng ý với yêu cầu của vợ chồng ông G. Vì phần đất ông G làm hàng rào có nguồn gốc là đất của bà T. Trước đây vào khoảng năm 1991 bà có cho bà Trần Thị V (hiện nay bà V đã chết) mượn cất nhà ở đậu, thời hạn cho mượn là 5 năm. Bà V ở được 1-2 năm thì bà V chết. Sau khi bà V chết thì con gái bà V là bà Huỳnh Thị U tiếp tục ở trên đất. Bà U ở được vài năm thì bán đất của bà cho ông 2 Q (hiện nay ông 2 Q cũng đã chết). Bà không đồng ý nên nhiều lần gửi đơn yêu cầu Chính quyền địa phương giải quyết nhưng lúc đó ông Q là trưởng ấp nhưng ông Q không giải quyết, bà thấy vậy mới gửi đơn ra UBND xã, lúc đó là xã B, thấy lâu quá không giải quyết nên bà tiếp tục yêu cầu xã giải quyết thì xã nói không có hồ sơ, sau đó ông 2 Q chết. Rồi từ đó đến nay bà không biết phần đất này do ai quản lý sử dụng. Đến khoảng tháng 5-6/2021 thì ông G là người ở đâu đến sử dụng phần đất của bà, ông G làm hàng rào trên đất. Bà không đồng ý nên nhiều lần đứng ra ngăn cản. Đến khi ông G chở vật tư đến xây dựng hàng rào thì bà có trình báo Chính quyền địa phương, nhưng 2-3 ngày không ai giải quyết nên bà đến đập phá hàng rào do ông G đã làm. Bà xác định đập phá toàn bộ hàng rào do ông G làm. Nhưng bà không đồng ý bồi thường, vì ông G đã làm hàng rào trên đất của bà.

* Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu:

Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đã thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên còn để vi phạm thời hạn giải quyết vụ án.

Về nội dung vụ án: Tòa án xác định quan hệ tranh chấp là bồi thường thiệt hại về tài sản cụ thể phần tài sản bị thiệt hại gồm 15 cây trụ đá, 140 kg lưới B40 và tiền nhân công làm hàng rào. Tổng số là 5.000.000 đồng.

Tại phiên tòa các đương sự xác định khi bà T đập phá phần lưới B40 không bị thiệt hại, chỉ thiệt hại phần trụ đá gồm 15 cây. Cho nên việc nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại phần tiền lưới B40 là không có căn cứ.

Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo ông G trình bày là chưa phù hợp nhưng do các đương sự không có yêu cầu về hợp đồng chuyển nhượng nên đề nghị không xem xét.

Từ đó cho thấy hàng rào của ông G, Bà M xây dựng trên phần đất ông bà được công nhận quyền sử dụng bị bà T đập phá gây thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường. Từ những căn cứ nêu trên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận 01 phần yêu cầu của nguyên đơn đối với bị đơn buộc bà Lê Thị T có trách nhiệm bồi thường thiệt hại giá trị phần hàng rào do bà T đâp phá cụ thể như sau:

- Tiền mua trụ đá 15 cây loại 1,8m - 2m: 70.000đ x 15 cây = 1.050.000đồng;

- Tiền mướn nhân công: 150.000đ/người x 04 người = 600,000 đồng. Tổng số tiền buộc bà T bồi thường cho ông G, bà M là 1.650.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu đối với phần giá trị lưới B40 với số tiền 3.360.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được xem xét tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Bà M có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa, xét thấy sự vắng mặt của bà M không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án nên căn cứ theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bà M. Nguyên đơn ông G, bà M yêu cầu bị đơn bà T bồi thường số tiền 5.000.000 đồng vì bà T làm thiệt hại toàn bộ hàng rào của ông Gi bà M nên ông, bà yêu cầu bà T bồi thường thiệt hại. Tòa án xác định quan hệ pháp luật tranh chấp trong vụ án là “Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” và bị đơn bà Lê Thị T có nơi cư trú tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Kiên Giang theo quy định tại khoản 6 Điều 26, Điều 35, Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện nên Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận thụ lý giải quyết là phù hợp.

[2] Nội dung tranh chấp:

Nguyên đơn ông Dương Hoàng G, bà Hồ Thị M và bà Lê Thị T xác định bà T đập phá và gây thiệt hại hàng rào làm bằng trụ đá, lưới B40 của ông G, bà M làm để quản lý phần đất củ ông G nên ông G, bà M yêu cầu bà T bồi thường cho ông, bà số tiền 5.000.000 đồng.

Bà Lê Thị T xác định hàng rào ông G, bà M được xây dựng trên diện tích đất của bà và bà đã nhiều lần có ý kiến ngăn cản không cho ông G sử dụng phần đất trên nhưng ông G, bà M vẫn ngoan cố làm hàng rào trên đất của bà nên bà mới đập phá toàn bộ hàng rào như đã trình bày, cho nên việc ông G, bà M yêu cầu bà bồi thường số tiền 5.000.000 đồng là bà không đồng ý.

Từ những lý do trên nên hai bên phát sinh tranh chấp.

[3] Xét yêu cầu của ông G, bà M thấy rằng: Ông G, bà M khởi kiện yêu cầu bà T bồi thường thiệt hại với số tiền 5.000.000 đồng vì cho rằng bà T làm thiệt hại toàn bộ hàng rào làm bằng trụ đá, lưới B40 của ông G, bà T, HĐXX thấy rằng:

[3.1] Phía nguyên đơn và bị đơn đều xác định bà T có hành vi đập phá làm hư hỏng, thiệt hại hàng rào làm bằng trụ đá và lưới B40 của ông G, bà M cụ thể tại ngày 01/6/2021 thì phần thiệt hại gồm 15 cây trụ đá hư hỏng hoàn toàn, lưới B40 thì chỉ nằm rạp xuống sát đất không hư hỏng và tại biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 11/3/2022 của Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Thuận có sự chứng kiến của ông G, bà T cùng BLĐ ấp A cũng đã ghi nhận được hiện trạng hàng rào bị thiệt hại hoàn toàn không còn giá trị sử dụng nằm trên phần đất của ông G đang quản lý tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C. Theo ông G thì phần lưới B40 thiệt hại là do khi bà T đập phá rồi ông để phần lưới B40 nguyên hiện trạng không cuốn cất nên từ đó đến nay do máy móc chạy lên xuống cán lên làm đứt hư hỏng hoàn toàn không còn giá trị sử dụng.

[3.2] Trong quá trình giải quyết vụ án ông G cung cấp giấy xác nhận của chính quyền địa phương xác định phần đất mà ông G làm hàng rào hiện do bà T đập phá là phần đất ông G, bà M nhận chuyển nhượng từ bà H, ông P hiện đã được đánh biến động sang tên ông G, bà T và việc ông G có thuê nhân công làm hàng rào với thời gian và số tiền thuê như ông G trình bày là đúng.

[3.3] Tại biên bản thỏa thuận giá trị tài sản bị thiệt hại lập ngày 16 tháng 02 năm 2022 bà T, ông G thống nhất xác định giá trị tài sản của ông G bị thiệt hại do bà T đập phá như sau:

- Tiền mua trụ đá 15 cây loại 1,8m - 2m: 70.000đ x 15 cây = 1.050.000đồng;

- Tiền lưới B40 loại 1,5m: 140kg x 24kg=3.360.000đồng.

- Tiền mướn nhân công: 150.000đ/người x 04 người = 600,000 đồng. Tổng số tiền ông G, bà M yêu cầu là 5.010.000 đồng.

Tại phiên tòa nguyên đơn ông G xác định giá trị nguyên vật liệu ông làm hàng rào ông mua tại của hàng vật liệu xây dựng Kiến Thành giá mua cửa hàng có ghi hóa đơn nên yêu cầu bà T phải bồi thường theo đúng giá ông mua vật liệu và bà T cũng thống nhất với giá trị vật liệu ông G yêu cầu nên HĐXX thống nhất lấy giá trị tài sản bị thiệt hại theo hóa đơn của hàng vật liệu xây dựng Kiến Thành làm căn cứ để giải quyết vụ án.

[3.4] Bà T xác định phần đất ông G, bà M làm hàng rào là đất của bà, khi thấy ông G vào sử dụng đất bà đã nhiều lần ngăn cản nhưng ông G vẫn làm hàng rào trên đất của bà nên bà đập phá hàng rào là đúng, khi đập phá thì phần lưới B40 không bị hư hỏng bà chỉ đập gãy 15 cây trụ đá nên bà không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của ông G, bà M. Hội đồng xét xử thấy rằng bà T xác định phần đất ông G làm hàng rào là đất của bà nhưng bà không có bất cứ tài liệu, chứng cứ gì chứng minh phần đất trên là của bà. Trong khi ông G cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chứng minh ông G, bà M được công nhận QSD đất trên phần đất mà ông bà làm hàng rào. Mặc khác UBND xã B cũng xác nhận phần đất ông G làm hàng rào chính là phần đất ông nhận chuyển nhượng của ông P, bà H đã được đánh biến động sang tên cho ông G, bà M theo quy định của pháp luật.

[3.5] Trong quá trình giải quyết vụ án ông G cũng đã cung cấp Quyết định 1058/QĐ-CT ngày 04/8/2005 của UBND huyện Vĩnh Thuận về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Lê Thị T với nội dung: Công nhận thông báo số 26/TB-UB ngày 04/5/2005 của UBND xã B là đúng ( nội dung thông báo số 26 của UBND xã B có nội dung như sau: Đối với diện tích đất thổ cư ngang 19 m dài 25m bà Huỳnh Thị U sang cho bà Trần Thị Thúy H mà bà T yêu cầu chuộc lại 20 giạ lúa là không có cơ sở, đồng thời yêu cầu bà U với bà H đến cơ quan nhà nước làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định); bác đơn yêu cầu của bà Lê Thị T không giải quyết. Bà T xác định bà đã nhận được các Thông báo của UBND xã B và Thông báo của UBND huyện Vĩnh Thuận.

Lẽ ra khi bà T phát hiện ông G làm hàng rào trên đất của bà thì phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xác định công nhận QSD đất cho bà. Sau khi bà được công nhận QSD đất thì bà mới có quyền yêu cầu ông G tháo dỡ hàng rào trả đất lại cho bà. Bà không làm như vậy mà ngược lại bà T xác định chỉ khi bà đập phá hàng rào của ông G thì cơ quan có thẩm quyền mới giải quyết phần đất trên cho bà.

Trong khi phần đất trên ông G, bà M đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận QSD đất. Từ đó cho thấy ông G bà M làm hàng rào trên phần đất của mình được công nhận quyền sử dụng là đúng pháp luật.

Bà T là người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự vào đập phá gây thiệt hại tài sản hợp pháp của người khác được pháp luật công nhận thì phải có trách nhiệm bồi thường theo quy định khoản 1 Điều 584, khoản 1 Điều 585, Điều 586, Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 và theo quy định tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng quy định về Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố sau đây: “ ... 1.3. Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.......” Cho nên hành vi của bà T làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phần giá trị hàng rào của ông G, bà M mà bà làm thiệt hại cụ thể:

Giá trị 15 cây trụ đá giá 1.050.000 đồng; Tiền mướn nhân công 600.000 đồng.

Đối với phần lưới B40 bị thiệt hại hoàn toàn như hôm nay cũng có phần lỗi của ông G, bà M vì khi bà T đập phá thời điểm đó chưa hư hỏng hoàn toàn, lưới chỉ ngã đổ do trụ đá gãy đè lên nếu như ông G, bà M cuốn lại bảo quản sau khi chính quyền địa phương lập biên bản thì còn sử dụng được nhưng do ông để mặc không người quản lý tài sản của mình nên mới xảy ra việc xe cuốc chạy lên, xuống làm đứt nhiều đoạn không sử dụng được như hiện nay. Như vậy, phần lưới B40 bị thiệt hại do lỗi hỗn hợp của cả hai bên nên ông G, bà M phải tự chịu trách nhiệm với phần lỗi của mình. Từ đó HĐXX xét buộc bà T chỉ có trách nhiệm bồi thường 50% giá trị phần lưới B40 cụ thể 3.360.000 đồng x 50% = 1.680.000 đồng; ông G bà M tự chịu thiệt hại 50% với số tiền 1.680.000 đồng.

Như vậy bà T có trách nhiệm bồi thường cho ông G, bà M giá trị phần hàng rào bị thiệt hại do lỗi của mình tương ứng với số tiền là:

- Giá trị 15 cây trụ đá giá 1.050.000 đồng;

- Tiền mướn nhân công 600.000 đồng;

- Tiền lưới B40 1.680.000 đồng.

Tổng cộng: 3.330.000 đồng.

Xét đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát có căn cứ nên Tòa án chấp nhận một phần đề nghị.

Từ những phân tích trên, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu bồi thường thiệt hại giá trị hàng rào của ông G, bà M với giá trị là 5.000.000 đồng là có cơ sở để chấp nhận một phần. Buộc bà T phải bồi thường cho ông G, bà M số tiền 3.330.000 đồng.

[4]Về án phí sơ thẩm và chi phí định giá: Căn cứ Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và Điều 6, khoản 3 Điều 26 của Nghị quyết 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với số tiền không được chấp nhận là 300.000 đồng. Khấu trừ số tiền tạm ứng án phí mà nguyên đơn đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0003518, ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận.

Bà T phải chịu án phí giá ngạch 5% tương ứng số tiền của nguyên đơn được chấp nhận là 3.330.000 đồng là 300.000 đồng, do bà T thuộc diện người cao tuổi có đơn xin miễn án phí nên bà được miễn toàn bộ số tiền án phí là 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: khoản 6 Điều 26; Điều 35; Điều 39; Điều 166; Điều 147; Điều 228, Điều 266; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 584, khoản 1, 4 Điều 585, Điều 586, Điều 589 Bộ luật Dân sự 2015 và theo quy định tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao.

Điều 6, Điểm đ khoản 1 Điều 12, khoản 4 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Dương Hoàng G, bà Hồ Thị M về việc yêu cầu bị đơn bà Lê Thị T bồi thường thiệt hại giá trị hàng rào do bà T đập phá với số tiền 3.330.000 đồng.

2. Buộc bà Lê Thị T bồi thường thiệt hại giá trị hàng rào do bà T đập phá với số tiền 3.330.000 đồng. Cụ thể như sau:

- Giá trị 15 cây trụ đá giá 1.050.000 đồng;

- Tiền mướn nhân công 600.000 đồng.

- Tiền lưới B40 1.680.000 đồng Kể từ ngày ông G, bà M có đơn yêu cầu thi hành án nếu bà T không trả đủ số tiền trên thì còn phải chịu tiền lãi đối với số tiền chậm trả theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

3. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Dương Hoàng G, bà Hồ Thị M về việc yêu cầu bị đơn bà Lê Thị T bồi thường thiệt hại giá trị hàng rào do bà T đập phá với số tiền 1.680.000 đồng.

4. Về án phí sơ thẩm: Do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên nguyên đơn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với số tiền không được chấp nhận là 300.000 đồng. Khấu trừ số tiền tạm ứng án phí mà nguyên đơn đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0003518, ngày 06 tháng 10 năm 2021 của Chi Cục thi hành án dân sự huyện Vĩnh Thuận.

Bà T phải chịu án phí giá ngạch 5% tương ứng số tiền của nguyên đơn được chấp nhận là 3.330.000 đồng là 300.000 đồng, do bà T thuộc diện người cao tuổi có đơn xin miễn án phí nên bà được miễn toàn bộ số tiền án phí là 300.000 đồng.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

5. Các đương sự có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án là ngày 30/3/2022, đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

584
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng số 17/2022/DS-ST

Số hiệu:17/2022/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Vĩnh Thuận - Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:30/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về