TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 88/2023/DS-PT NGÀY 21/03/2023 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM VÀ YÊU CẦU CHẤM DỨT HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT
Trong các ngày 14 và 21 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 348/2022/TLPT-DS ngày 16 tháng 11 năm 2022 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2022/DS-ST ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 333/2022/QĐ-PT ngày 26 tháng 12 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 38/2023/QĐ-PT ngày 17 tháng 01 năm 2023; Quyết định tạm ngừng phiên tòa số 30/2023/QĐPT-DS ngày 14 tháng 02 năm 2023; Thông báo về việc mở lại phiên tòa số 14/2023/TB-TA ngày 20 tháng 02 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Lê Văn K, sinh năm 1952; địa chỉ: số A, khu phố D, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn T, sinh năm 1990; địa chỉ: tổ V, khu phố F, phường U, thị xã T, tỉnh Bình Dương; địa chỉ liên hệ: tổ D, khu phố D, phường U, thị xã T, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 05/01/2023), có mặt.
- Bị đơn: Công ty Cổ phần C; địa chỉ: ấp A, xã H, huyện P, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Văn T – Chức vụ: Tổng Giám đốc.
Người đại diện của ông Nguyễn Văn T:
1. Ông Nguyễn Văn X, sinh năm 1967 – Chức vụ: Phó Giám đốc Nông trường Cao su N, có mặt.
2. Ông Nguyễn Thành N, sinh năm 1983 – Chức vụ: Cán bộ Phòng Thanh tra – Bảo vệ - Quân sự, có mặt.
3. Ông Nguyễn Khánh A, sinh năm 1981 – Chức vụ: Cán bộ Phòng Kỹ thuật, có mặt.
4. Ông Phạm Văn T1, sinh năm 1979 – Chức vụ: Cán bộ Phòng Công nghiệp, có mặt.
Ông X, ông N, ông A và ông T1 cùng địa chỉ liên hệ: ấp A, xã H, huyện P, tỉnh Bình Dương, là người đại diện theo ủy quyền (Văn bản ủy quyền ngày 14/5/2021).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Bà Phạm Thị P, sinh năm 1954; địa chỉ: số A, khu phố D, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Dương, có mặt.
2. Ông Trương Công G; địa chỉ: ấp A, xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, vắng mặt.
3. Ông Lê Văn L, sinh năm 1981, có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt;
4. Cháu Lê Văn L1, sinh ngày 06/4/2009;
5. Cháu Lê Thị Ngọc Tr, sinh ngày 29/9/2012;
Người đại diện hợp pháp của cháu Lê Văn L1 và cháu Lê Thị Ngọc Tr: Ông Lê Văn L, sinh năm 1981; địa chỉ: số R, khu phố D, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Dương, là cha ruột, có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
6. Bà Nguyễn Thị P1, sinh năm 1989, vắng mặt;
7. Bà Lê Thị L1, sinh năm 1985, có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt;
8. Ông Lê Văn M, sinh năm 2002, có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt;
9. Ông Lê Văn T2, sinh năm 1990, có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt;
10. Cháu Lê Hạo P, sinh ngày 25/6/2013.
Người đại diện hợp pháp của cháu Lê Hạo P: Ông Lê Văn T2, sinh năm 1990;
là cha ruột, có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.
11. Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1988, có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt;
12. Ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1983, vắng mặt;
13. Ông Lê Văn L3, sinh năm 1986, có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt; Cùng địa chỉ: số G, khu phố D, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
14. Bà Lê Thị G1, sinh năm 1979; địa chỉ: khu phố A, thị trấn T, huyện B, tỉnh Bình Dương, vắng mặt.
- Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Lê Văn K.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Nguyên đơn ông Lê Văn K trình bày:
Thửa đất số 167, tờ bản đồ số 16 tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho hộ ông Lê Văn K vào ngày 12/5/2000 có nguồn gốc do khai hoang năm 1985.
Khoảng năm 2002, Công ty Cổ phần C (viết tắt là Công ty C) đã tiến hành lắp 02 cống xả nước vào khu vực đất gia đình ông Lê Văn K, các cống này có tác dụng tiêu nước mưa từ khu vực đất của Nông trường Cao su N thuộc Công ty Cổ phần C. Nước mưa sau khi qua ống tiêu nước được xả trực tiếp vào khu vực vườn cao su của gia đình ông K.
Trước khi làm cống thì khi trời mưa, nước mưa chảy đều, dàn trải từ phần đất của Công ty C xuống phần đất của gia đình ông K nhưng sau khi làm cống xong thì nước mưa bị dồn lại chảy qua cống khiến nước chảy mạnh và tập trung khiến cho đất của gia đình ông K bị xói mòn. Trong năm 2002, ông K có đến báo với Giám đốc Nông trường Cao su N về sự việc trên thì nông trường có cử người xuống xem xét và hỗ trợ gia đình ông K bằng cách tiến hành chở cho ông K 02 xe đất tương đương với khoảng 24 khối và các bao tải để đựng đất. Ông K đã tiến hành cho đất vào các bảo tải để chắn nước tránh hiện tượng xói mòn đất. Tuy nhiên, việc dùng các bao tải để chắn nước không có hiệu quả, ông K có gửi đơn lên Giám đốc Nông trường Cao su N để giải quyết nhưng từ đó đến nay không giải quyết cho gia đình ông K. Sự việc Công ty C lắp ống xả nước mưa làm sạt lở đất của gia đình ông K thì ông K không có báo cho chính quyền địa phương biết. Quá trình tiêu nước mưa từ năm 2002 đến nay đã làm sạt lở đất, 55 cây cao su và 100 cây tràm (được trồng từ năm 1986 đến nay) đã bị nước cuốn trôi hoặc bị đổ.
Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn ông Lê Văn K và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn thay đổi lời trình bày như sau: Công ty C lắp cống tiêu nước ngầm nên gia đình ông Lê Văn K không biết. Khoảng năm 2018 hoặc năm 2019, khi thấy đất bị sạt lở nhiều, ông Lê Văn K kiểm tra thì mới phát hiện hai cống tiêu nước của Công ty C. Ông K đã nhiều lần báo với lãnh đạo của công ty về hiện tượng sạt lở nhưng không được giải quyết.
Vì vậy, nguyên đơn ông Lê Văn K yêu cầu Tòa án:
- Buộc Công ty Cổ phần C bồi thường cho gia đình ông Lê Văn K (gồm: ông Lê Văn K, bà Phạm Thị P, ông Lê Văn L, bà Lê Thị L1, ông Lê Văn T2) số tiền 1.004.135.412 đồng do hành vi xả nước ra thửa đất của ông Lê Văn K bao gồm:
+ Bồi thường sạt lở đất: 10.468m3 x 90.909 đồng/m3 = 951.635.412 đồng. (10.468m3 là thể tích hố thuộc thửa 167 của ông Lê Văn K) + Bồi thường cây cao su: 55 cây x 500.000 đồng/cây = 27.500.000 đồng.
+ Bồi thường cây tràm: 100 cây x 250.000 đồng/cây = 25.000.000 đồng.
- Buộc Công ty Cổ phần C chấm dứt mọi hành vi xả nước vào khu vực đất đang sạt lở của gia đình ông Lê Văn K.
- Buộc Công ty Cổ phần C đổ bê tông ngăn chặn toàn bộ các đường cống, đường thoát nước không cho nước chảy vào khu vực đang sạt lở.
Nguyên đơn thống nhất với thể tích hố thuộc thửa 167, tờ bản đồ 16 theo Mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý số 610-2021 ngày 20/5/2021 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên và thống nhất với Biên bản định giá ngày 18/5/2021.
- Bị đơn Công ty Cổ phần C trình bày:
Đất trồng cây cao su của Nông trường Cao su N thuộc Công ty C có vị trí giáp ranh với thửa đất số 167, tờ bản đồ số 16 tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương của hộ ông Lê Văn K. Theo địa hình tự nhiên, đất của Nông trường Cao su N (có diện tích khoảng hơn 20ha) và đất các hộ dân tiếp giáp (trong đó có đất của ông Lê Văn K) có vị trí cao hơn vị trí đất bị sạt lở. Do đó, khi mưa lớn, nước mưa từ lô D14 của Nông trường Cao su N và của các hộ dân phía trên đổ xuống đất của ông Lê Văn K gây nên hiện tượng xói mòn đất.
Năm 1996, Tổng Công ty Cao su Việt Nam phê duyệt cho Công ty C bắt đầu xây dựng các cống tiêu nước. Tổng số cống được xây dựng là 22 cái trong đó có 02 cái giáp với thửa đất 167 của hộ ông Lê Văn K. Các cống được hoàn thành và được nghiệm thu vào ngày 27/11/1996. Mục đích xây dựng cống là để bảo vệ các hệ thống đường giao thông trên phần đất của Công ty C và không gây nguy hiểm cho những người dân có phần đất phía trong đi lại trên tuyến đường này. Và từ khi xây dựng đến nay thì Công ty C không nhận được bất kỳ ý kiến hay đơn thư nào của gia đình ông Lê Văn K về việc cống tiêu nước làm sạt lở đất của gia đình ông K.
Công ty C thống nhất với thể tích hố thuộc thửa đất số 167, tờ bản đồ số 16 theo Mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý số 610-2021 ngày 20/5/2021 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên. Tuy nhiên, nguyên nhân hình thành hố trên thì Công ty C không thống nhất với ông Lê Văn K do Công ty C không xả nước ra thửa đất số 167. Việc hình thành hố là nguyên nhân khách quan, vườn cây cao su của công ty và đất của các hộ dân tiếp giáp có vị trí cao hơn phần đất của ông K. Do đó, khi trời mưa lớn, nước mưa đổ từ trên cao đổ xuống phần đất của ông K.
Đối với các cây cao su và cây tràm, nguyên đơn xác định bị cuốn trôi do sạt lở đất thì bị đơn không đồng ý bởi vì nguyên đơn không đưa ra được chứng cứ chứng minh.
Đối với yêu cầu bị đơn chấm dứt mọi hành vi xả nước thì công ty không đồng ý bởi vì bị đơn không xả nước ra phần đất của gia đình ông Lê Văn K.
Đối với yêu cầu đổ bê tông lấp toàn bộ các đường cống, đường thoát nước để không cho chảy vào khu vực sạt lở thì bị đơn không đồng ý vì việc lấp các cống thoát nước thì vị trí đường đi nội bộ của công ty và một phần đất trồng cây cao su sẽ bị ngập với độ sâu khoảng 1,5m và ứ đọng trong thời gian dài không có lối thoát, việc để nước ứ đọng sẽ rất nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông và tiềm ẩn việc sạt lở đất có thể gây nguy hiểm cho các hộ dân xung quanh. Do đó, việc lấp các cống phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương và các hộ dân liền kề, nếu đồng ý công ty sẽ lấp và hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những sự việc xảy ra.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn L; bà Nguyễn Thị P1, bà Lê Thị L1, ông Lê Văn M, ông Lê Văn T2, bà Nguyễn Thị Th, ông Phạm Văn Đ, ông Lê Văn L3 và người đại diện theo pháp luật của cháu Lê Văn L1, cháu Lê Thị Ngọc Tr, cháu Lê Hạo P thống nhất trình bày:
Ông Lê Văn K và bà Phạm Thị P được công nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 167, tờ bản đồ số 16 tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương, diện tích đất trồng cao su và trồng tràm từ năm 2006 đến nay. Từ năm 2004, Nông trường Cao su N thuộc Công ty C đã có hành vi: đào, đắp, xây dựng kênh, mương, rãnh, cống thoát nước,… nhằm mục đích xả nước trên đất của Nông trường Cao su N vào thửa đất của gia đình ông K. Công ty còn đặt cả trụ bê tông, hệ thống thoát nước ngầm dưới lòng đất để cho nước chảy vào khu vực đất của gia đình ông K, gây sạt lở nghiêm trọng, làm chết nhiều cây cao su, cây tràm… Sự việc đã được ông K và bà P gặp và báo trực tiếp cho ông Nguyễn Văn T – Tổng Giám đốc, ông Tược hứa không xả nước nữa nhưng cho đến nay vẫn tiếp tục gây thiệt hại. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn L; người đại diện theo pháp luật của cháu Lê Văn L1, cháu Lê Thị Ngọc Tr, cháu Lê Hạo P; bà Nguyễn Thị P1, bà Lê Thị L1, ông Lê Văn M, ông Lê Văn T2, bà Nguyễn Thị Th, ông Phạm Văn Đ, ông Lê Văn L3 thống nhất với yêu cầu của nguyên đơn và có đơn xin giải quyết vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Phạm Thị P trình bày:
Từ năm 1985, bà P và ông Lê Văn K đã khai phá thửa đất số 167, tờ bản đồ số 16 tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bà P thống nhất với lời trình bày của nguyên đơn về hành vi của Công ty C đã gây thiệt hại cho gia đình bà. Bà P yêu cầu Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Lê Thị G1 trình bày:
Bà G1 là con của ông Lê Văn K. Bà G1 thống nhất với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bà G1 không yêu cầu gì đối với vụ án và có đơn xin giải quyết vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trương Công G:
Sau khi thụ lý vụ án và thụ lý sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, Tòa án nhân dân huyện Bắc Tân Uyên đã tống đạt thông báo thụ lý vụ án và thụ lý sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trương Công G nhưng ông Trương Công G không có ý kiến phản hồi đối với nội dung vụ án. Trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trương Công G đã được Tòa án triệu tập hợp lệ để tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tham gia phiên tòa nhưng ông G vắng mặt không có lý do. Đồng thời cũng không có ý kiến và không cung cấp bất cứ tài liệu, chứng cứ gì thể hiện ý kiến đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
- Theo Biên bản xác minh ngày 15/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Tân Uyên tại vị trí sạt lở đất có nội dung:
Vị trí các cống xả nước nằm trên đường nội bộ Nông trường Cao su N thuộc Công ty C tiếp giáp với thửa đất số 167 và thửa đất số 154, tờ bản đồ số 16 tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
Các cống xả nước có hình dạng như sau:
Cống số 01: được xây dựng tại vị trí thấp nhất của con đường, là cống xả nhiều nước nhất. Cống có chiều ngang 1,9m; chiều cao 1,4m; chiều dài 07m; đường kính lòng cống 80cm.
Cống số 02: được xây dựng tại vị trí cao hơn và cách 04m về bên trái so với vị trí cống số 01. Cống có chiều ngang 1,2m; chiều cao 1,1m; chiều dài 07m; đường kính lòng cống 60cm. Cống số 02 hiện tại không có chức năng xả nước mưa do nước chảy qua cống số 01.
Hai cống nêu trên có chức năng xả nước mưa từ các thửa đất của Công ty C chảy xuống. Nước xả chảy xuống vị trí đất thuộc thửa đất số 167 của ông Lê Văn K và thửa đất số 154 của ông Trương Công G. Đây là vị trí thoát nước mưa của cả khu vực rộng do có địa hình dốc, trũng và xung quanh không có sông suối để thoát nước.
Nếu hai cống nêu trên bị lấp lại mà không có biện pháp thoát nước thay thế sẽ gây ra hiện tượng ngập sâu đường nội bộ nông trường gây khó khăn cho việc đi lại và tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng của người tham gia giao thông nếu có sạt lở đất.
- Theo Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 28/4/2021 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Tân Uyên và Mảnh trích lục địa chính có đo đạc chỉnh lý số 610 – 2021 ngày 20/5/2021 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên thể hiện:
Phần đất nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là một hố sâu, phía đầu trên của phần đất có 01 cống thoát nước mưa chống ngập úng của Công ty C (đường kính 80cm). Tài sản trên phần đất nguyên đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm có một số cây tự mọc ngoài ra không có tài sản nào khác.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2022/DS-ST ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã quyết định:
1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Văn K về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật” đối với bị đơn Công ty Cổ phần C đối với các yêu cầu:
- Buộc Công ty Cổ phần C bồi thường cho gia đình ông Lê Văn K (gồm: ông Lê Văn K, bà Phạm Thị P, ông Lê Văn L, bà Lê Thị L1, ông Lê Văn T2) số tiền 1.004.135.412 đồng do hành vi xả nước ra thửa đất của ông Lê Văn K.
- Buộc Công ty Cổ phần C chấm dứt mọi hành vi xả nước vào khu vực đất đang sạt lở của gia đình ông Lê Văn K.
- Buộc Công ty Cổ phần C đổ bê tông ngăn chặn toàn bộ các đường cống, đường thoát nước không cho nước chảy vào khu vực đang sạt lở.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng, án phí và quyền kháng cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 12/9/2022, nguyên đơn ông Lê Văn K có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn ông Lê Văn K là ông Nguyễn T cho rằng: việc bị đơn đào các rãnh nước trên toàn bộ khu đất của Nông trường Cao su N hướng dòng chảy về cống nước số 01 tiếp giáp đất nguyên đơn, là vị trí thấp nhất của đất bị đơn. Đồng thời, bị đơn láng bê tông sát miệng cống dẫn đến toàn bộ hệ thống nước mưa từ nông trường đổ trực tiếp vào vào cống mà bị đơn đã đặt đổ vào đất nguyên đơn dẫn đến xói mòn đất nguyên đơn; toàn bộ diện tích đất bị thiệt hại theo kết quả đo đạc bao gồm một phần diện tích thửa đất số 154; một phần thửa đất số 282 và một phần thửa đất số 167, tất cả là do nguyên đơn khai phá, quản lý, sử dụng nhưng do khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo dạng đại trà đã cấp chồng lấn và nhầm thửa với đất ông Trương Công G (thửa đất số 154). Do đó, toàn bộ thiệt hại thửa đất số 154, thửa đất số 167 và thửa đất số 282 là thiệt hại tài sản của nguyên đơn ông K thực tế đang quản lý, sử dụng; việc định giá tài sản chỉ xác định thực tế giá đất 01m3 san lấp là không phù hợp với thiệt hại của nguyên đơn. Vì vậy, nguyên đơn kháng cáo yêu cầu hủy bản án sơ thẩm để xác định chính xác diện tích thiệt hại của nguyên đơn, thẩm định giá đối với thiệt hại mà nguyên đơn bị xâm phạm; đo đạc, xác định lại thể tích các rãnh nước do bị đơn đào, xác định hướng nước chảy, lưu lượng nước trung bình và lực chảy dòng nước khi toàn bộ nước mưa được gom vào các rãnh này. Trong trường hợp không chấp nhận với yêu cầu hủy án của nguyên đơn thì đề nghị Hội đồng xét xử sửa án sơ thẩm, buộc bị đơn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nguyên đơn, bị đơn phải chấm dứt hành vi trái pháp luật để nước thoát qua vị trí cống đặt tiếp giáp đất nguyên đơn và đổ bê tông ngăn chặn toàn bộ các đường cống, đường thoát nước không cho nước chảy vào khu vực đất của nguyên đơn đang sạt lở.
Người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty C không đồng ý với yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương phát biểu quan điểm:
- Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự tại Tòa án cấp phúc thẩm.
- Về nội dung: Nguyên đơn cho rằng bị đơn xây dựng cống thoát nước vào năm 2002. Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng nguyên đơn không đưa ra chứng cứ để chứng minh cho thời điểm bị đơn xây dựng cống thoát nước nên đã căn cứ vào hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán thi công do bị đơn cung cấp để xác định thời điểm xây dựng là vào năm 1996 (bút lục 92 đến 108). Tuy nhiên, căn cứ vào tài liệu này không thể hiện công trình mà bị đơn xây dựng cống được thực hiện vào năm 1996 chính là hệ thống cống thoát nước hiện tại đang tranh chấp. Theo biên bản lấy lời khai của đương sự đối với bị đơn (bút lục 43) thể hiện: “Theo địa hình tự nhiên, đất của Nông trường Cao su N (khoảng hơn 20ha) và đất các hộ dân tiếp giáp (trong đó có đất của ông Lê Văn K) có vị trí cao hơn vị trí đất bị sạt lở”. Bị đơn xây dựng “đường nội bộ nông trường” đã chắn dòng chảy tự nhiên, lắp đặt cống thoát nước làm thay đổi dòng chảy tự nhiên. Lẽ ra, bị đơn phải xây dựng đường thoát nước qua đất nguyên đơn để dẫn nước mưa ra hệ thống thoát nước công cộng theo quy định tại Điều 252 Bộ luật Dân sự năm 2015.
“Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.” Theo sơ đồ vị trí kèm theo Biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 06/3/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương thể hiện các mương đều hướng về khu vực đất bị sạt lở. Nên khi trời mưa, tất cả nguồn nước từ mọi hướng đều đổ về đây gây nên sạt lỡ đất của nguyên đơn nên bị đơn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nhưng bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ. Do đó, yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn có căn cứ, yêu cầu khởi kiện là có cơ sở chấp nhận nên đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đối với phần cây sao su thì không chấp nhận do nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại.
Sau khi nghiên cứu tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Lê Văn L, bà Lê Thị L1, ông Lê Văn M, ông Lê Văn T2, bà Nguyễn Thị Th, ông Lê Văn L3, người đại diện hợp pháp cháu Lê Văn L1 và cháu Lê Thị Ngọc Tr là ông Lê Văn L, người đại diện hợp pháp của cháu Lê Hạo P là ông Lê Văn T2 có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị P1, ông Phạm Văn Đ, bà Lê Thị G1 đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên tòa nhưng vẫn vắng mặt không lý do. Do vây, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trên theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Theo chứng cứ có tại hồ sơ thể hiện, ngày 12/5/2000, hộ ông Lê Văn K được Ủy ban nhân dân huyện Tân Uyên (nay là huyện Bắc Tân Uyên) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00119QSDĐ/TU đối với diện tích 10.602m2 thuộc thửa đất số 167, tờ bản đồ số 16 tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương. Đến ngày 09/4/2014, hộ ông Lê Văn K có đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với thửa đất trên. Ngày 27/10/2014, hộ ông Lê Văn K được Ủy ban nhân dân huyện Bắc Tân Uyên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất số vào sổ CH01634 đối với diện tích 18.462,0m2 thuộc thửa 167, tờ bản đồ 16 tại xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương.
[3] Quá trình quản lý, sử dụng đất, hộ gia đình ông K cho rằng Công ty C là chủ quản lý, sử dụng đất tiếp giáp cạnh hướng Nam của ông K đã đặt cống thoát nước mưa tiếp giáp thửa đất số 167 và đổ thẳng vào thửa đất số 167 dẫn đến đất thuộc thửa đất số 167 của ông K bị thiệt hại nên ông K khởi kiện yêu cầu Công ty C phải bồi thường thiệt hại cho ông K và chấm dứt hành vi trái pháp luật để nước thoát qua vị trí cống đặt tiếp giáp đất nguyên đơn và đổ bê tông ngăn chặn toàn bộ các đường cống, đường thoát nước không cho nước chảy vào khu vực đất của nguyên đơn.
[4] Công ty C không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Công ty C cho rằng sạt lở, xói mòn là nguyên nhân khách quan, đất của Công ty C và đất của các hộ dân tiếp giáp có vị trí cao hơn phần đất của ông K. Do đó, khi trời mưa lớn, nước mưa đổ từ trên cao đổ xuống phần đất của ông K, vị trí đặt cống là vị trí thấp nhất của đất bị đơn, việc lấp các cống thoát nước thì vị trí đường đi nội bộ của Công ty C và một phần đất trồng cây cao su sẽ bị ngập với độ sâu khoảng 1,5m và ứ đọng trong thời gian dài không có lối thoát, việc để nước ứ đọng sẽ rất nguy hiểm cho người dân tham gia giao thông và tiềm ẩn việc sạt lở đất có thể gây nguy hiểm cho các hộ dân xung quanh. Do đó, việc lấp các cống phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương và các hộ dân liền kề, nếu đồng ý công ty sẽ lấp và hoàn toàn không chịu trách nhiệm về những sự việc xảy ra.
[5] Theo nội dung các Biên bản xác minh ngày 15/6/2022 đối với ông Nguyễn Đức Nhân – Trưởng Ban Điều hành ấp 01, xã Tân Định và bà Triệu Thị Lư, là người dân gần vị trí sạt lở và các biên bản xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Tân Định đều thể hiện phần đất của Công ty C có địa hình cao hơn phần đất của những người dân khai hoang, trong đó có thửa đất của ông Lê Văn K. Trước đây, nước mưa chảy dàn đều từ cao xuống thấp theo địa hình tự nhiên nhưng từ khi Công ty C đào mương thoát nước và lắp cống tiêu thì toàn bộ nước mưa tập trung chảy xối xuống cống nước và chảy xuống đất của ông Lê Văn K, gây ra tình trạng lở đất, xói mòn ngày càng trầm trọng, tạo thành suối nước chảy lớn dần sau mỗi trận mưa. Như vậy, việc hình thành hố đất do một phần yếu tố tự nhiên (nước chảy từ địa hình cao xuống địa hình thấp) và một phần là do hành vi điều chỉnh dòng chảy nước mưa của Công ty C gây ra. Điều này cũng được chính bị đơn thừa nhận tại văn bản trình bày ý kiến của bị đơn – công ty xây dựng ngưỡng tràn bê tông tại vị trí cống xả nước; kết quả xác minh ngày 15/6/2021 thể hiện 02 cống có chức năng xả nước của Công ty C, đây là vị trí thoát nước mưa của cả khu vực rộng do có địa hình dốc, trũng và xung quanh không có có sông, suối để thoát nước. Đồng thời, theo xem xét thẩm định của Tòa án cấp phúc thẩm, chỉ có khu vực có cống đất mới bị thiệt hại, vị trí không có cống đất liền kề của ông K thì đất không bị thiệt hại.
Tại Điều 252 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Người sử dụng lối cấp, thoát nước phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì người sử dụng lối cấp, thoát nước không phải bồi thường thiệt hại.” Trong trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm chưa điều tra làm rõ quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề theo quy định viện dẫn trên, nếu không thoát nước qua bất động sản của ông K thì với vị trí đất tự nhiên của Công ty Cổ phần C thì việc thoát nước của công ty sẽ như thế nào, trường hợp thoát nước buộc phải qua đất ông K thì lối cấp thoát nước thích hợp là bao nhiêu trong diện tích đất ông K.
[6] Theo kết quả đo đạc tại Mảnh trích lục địa chính ngày 20/5/2021 của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên thể hiện:
- Tổng diện tích khu đo 1.807,6m2, trong đó diện tích 484,1m2 + 562,7m2 thuộc một phần thửa đất số 167; diện tích 300,9m2 + 87,4m2 thuộc một phần thửa đất số 282; diện tích 372,5m2 thuộc một phần thửa đất số 154.
- Tổng thể tích hố do nước xói mòn trong khu đo là 18.076,0m3, trong đó thể tích 4.841,0m3 + 5.627,0m3 thuộc một phần thửa đất số 167; diện tích 3.009m3 + 874m3 thuộc một phần thửa đất số 282; diện tích 3.725m3 thuộc một phần thửa đất số 154.
Theo kết quả cung cấp thông tin của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bắc Tân Uyên thể hiện thửa đất số 282 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và kết quả xác minh tại Ủy ban nhân dân xã Tân Định thể hiện thửa đất số 282 do gia đình ông K quản lý, sử dụng; thửa đất số 154 đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia đình ông Trương Công G. Tòa án cấp sơ thẩm đưa ông G vào tham gia tố tụng là phù hợp. Tuy nhiên, theo kết quả xác minh tại Công A xã Tân Định tại địa chỉ ấp 01 xã T, huyện B, tỉnh Bình Dương không có ai tên Trương Công G đăng ký thường trú hoặc tạm trú tại địa chỉ nêu trên nhưng Tòa án cấp sơ thẩm vẫn tiến hành niêm yết tại địa chỉ nêu trên là không đảm bảo về thủ tục cấp, tống đạt văn bản tố tụng cho ông G, vi phạm tố tụng. Trong trường hợp này Tòa án cấp sơ phải tiến hành thủ tục thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 180 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Trường hợp ông G không có mặt tham gia tố tụng thì trên cơ sở kết quả đo đạc đối chiếu với giấy chứng nhận yêu cầu cơ quan chuyên môn cấm mốc thực địa để xác định chính xác ranh giới giữa thửa đất số 154 và thửa đất số 167 của ông K để xác định chính xác diện tích đất ông K bị thiệt hại.
[7] Từ những phân tích trên, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm thu thập chứng cứ chưa được thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng nên Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm.
[8] Đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa là không phù hợp.
[9] Về án phí dân sự phúc thẩm: Người kháng cáo không phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ Điều 148, khoản 3 Điều 308 và Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn.
2. Hủy Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2022/DS-ST ngày 06 tháng 9 năm 2022 của Tòa án nhân dân huyện Bắc Tân Uyên,tỉnh Bình Dương.
Chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương giải quyết lại theo thủ tục chung.
3. Về án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn ông Lê Văn K không phải chịu. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm và yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật số 88/2023/DS-PT
Số hiệu: | 88/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 21/03/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về