TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN N, TỈNH BẮC KẠN
BẢN ÁN 04/2022/DS-ST NGÀY 30/08/2022 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM
Ngày 30 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 27/2022/TLST-DS ngày 16 tháng 12 năm 2021 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 04/2022/QĐST-DS ngày 01 tháng 8 năm 2022 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Chu Tinh H, sinh năm 1977 - Nơi ĐKHKTT: Thôn Na, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Sầm Đức T - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.
- Bị đơn: Bà Lý Thị M, sinh năm 1968 - Nơi ĐKHKTT: Thôn B, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Sầm Văn K - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn. Vắng mặt có đơn xin xét xử vắng mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Doanh Thị M, sinh năm 1979. Có mặt.
- Anh Chu Quốc K, sinh năm 1999. Vắng mặt.
- Chị Chu Thị P, sinh năm 2003. Có mặt.
Cùng có nơi ĐKHKTT: Thôn Na, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.
Người đại diện theo ủy quyền của bà M, anh K, chị P: Ông Chu Tinh H, sinh năm 1977 - Nơi ĐKHKTT: Thôn Na, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, bản tự khai các lời khai trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa nguyên đơn ông Chu Tinh H trình bày:
Gia đình ông có 02 khu đất tại khu L, Thôn Na, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Nguồn gốc khu đất là do ông cha để lại. Năm 2013, ông đã được Ủy ban nhân dân huyện N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông sử dụng ổn định, thường xuyên liên tục, hàng năm trồng ngô. Đến năm 2019, do xung quanh rậm rạp, chuột phá hoại nhiều nên đến năm 2021, gia đình ông chuyển sang trồng cây keo giống. Tháng 3 năm 2021, gia đình ông mang 500 cây keo giống đến trồng tại 02 khu đất trên. Sau khi trồng xong được 2 đến 3 ngày, bà Lý Thị M tự ý đến nhổ toàn bộ số cây mà gia đình ông đã trồng trên 02 khu đất.
Sau khi xảy ra sự việc, ông đã làm đơn đến thôn Nà Y, UBND T giải quyết. Tuy nhiên, bà M không nhất trí bồi thường theo yêu cầu của ông. Do đó, ông có đơn khởi kiện yêu cầu bà M phải bồi thường cho ông tổng số tiền 1.560.000đ (Một triệu năm trăm sáu mươi nghìn đồng) gồm:
500 cây keo bà M nhổ x 1.200đ = 600.000 đồng 300 cây keo không trồng được do xảy ra tranh chấp x 1.200đ = 360.000 đồng Công trồng cây 3 ngày x 200.000đ = 600.000 đồng.
Tuy nhiên, quá trình giải quyết vụ án, ông H tự nguyện rút lại yêu cầu khởi kiện đối với bà M về 300 cây keo giống không trồng được do xảy ra tranh chấp. Đồng thời ông xin thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện, cụ thể ông H yêu cầu bà M bồi thường số cây keo giống là 450 cây và bồi thường giá trị cây giống là 1.309 đồng/cây.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo các yêu cầu của nguyên đơn.
Trong các bản tường trình, biên bản lấy lời khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa bị đơn bà Lý Thị M trình bày:
Vào ngày 13/6/2017, sau khi bố chồng bà là ông Triệu Sằn C qua đời thì gia đình có tìm thấy tờ giấy trao đổi hiện vật là 01 con trâu đực to và 01 con lợn 80kg để đổi với ông Triệu Sằn H lấy khu ruộng ở L, thuộc Thôn Na, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn vào năm 1952. Trong giấy chỉ ghi địa chỉ L, không có diện tích, các cạnh tiếp giáp, không có chữ ký của hai bên mua bán và xác nhận của chính quyền địa phương. Bà nghe nói trước đây ông bà của chồng bà có sử dụng khu đất, tuy nhiên gia đình bà chưa từng canh tác, sử dụng khu đất này. Sau đó, chồng bà là ông Triệu Văn N và em chú là Triệu Văn H đã đến khu ruộng L xem xét thì có hai thửa đã trồng cây thông và đào ao, còn vài thửa bỏ hoang. Đến ngày 17/2/2021, bà có đi phát những thửa ruộng vẫn còn bỏ hoang thì gia đình bà Doanh Thị M (vợ ông H) không có ý kiến gì. Đến ngày 23/3/2021, khi bà đang phát ruộng trên thì gia đình bà Doanh Thị M mang cây đến trồng vào hai thửa ruộng bà đã phát, bà không cho trồng nhưng gia đình bà M vẫn làm.
Bà thừa nhận bà có được tự mình nhổ 450 cây keo do gia đình ông H trồng tại 02 khu đất trên theo lời trình bày của ông H vì bà cho rằng ông H trồng cây trên đất của gia đình bà nên bà đã nhổ cây mà ông H đã trồng lên khỏi mặt đất. Tại một số biên bản ghi lời khai bà đồng ý bồi thường 450 cây với giá là 1.000đ/cây, tương ứng với 450.000 đồng với điều kiện nếu số cây bà nhổ nằm trên đất của ông H đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và địa chỉ ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là khu L (không phải đồng N), Thôn Na, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn. Còn số tiền công thì sẽ đổi công bà đi phát quang khu đất nên bà không đồng ý bồi thường. Tuy nhiên tại các biên bản về sau, bà không nhất trí bồi thường toàn bộ số tiền cây giống và công trồng cây theo yêu cầu của ông H.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có đơn xin xét xử vắng mặt tại phiên tòa, đồng thời không nêu ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Tại biên bản lấy lời khai, giấy ủy quyền và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bà Doanh Thị M trình bày:
Bà là vợ của ông Chu Tinh H. Tháng 3 năm 2021, bà có được cùng ông H và con trai là anh Chu Quốc K đến khu đất L, Thôn Na, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn trồng cây. Gia đình bà trồng khoảng 500 cây keo giống. Sau khi trồng cây được khoảng 2 đến 3 ngày thì bà và ông H vào khu đất để tiếp tục trồng cây thì phát hiện các cây đã bị nhổ toàn bộ. Bà ủy quyền toàn bộ quyền và nghĩa vụ cho ông H, bà không có yêu cầu độc lập trong vụ án.
Tại biên bản lấy lời khai, giấy ủy quyền người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, anh Chu Quốc K trình bày:
Anh là con trai của ông Chu Tinh H. Tháng 3 năm 2021, anh có được cùng bố mẹ đến khu đất L, Thôn Na, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn trồng cây. Gia đình anh trồng khoảng 500 cây keo giống. Sau khi trồng cây được khoảng 2 đến 3 ngày thì bố mẹ anh vào khu đất để tiếp tục trồng cây thì phát hiện các cây đã bị nhổ toàn bộ. Anh ủy quyền toàn bộ quyền và nghĩa vụ cho ông H, anh không có yêu cầu độc lập trong vụ án.
Tại giấy ủy quyền và tại phiên tòa người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, chị Chu Thị P trình bày:
Chị là con của ông Chu Tinh H. Chị còn đi học phụ thuộc bố mẹ. Chị ủy quyền toàn bộ quyền và nghĩa vụ cho ông H, chị không có yêu cầu độc lập trong vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:
Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán về việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm xét xử; việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, Thư ký tại phiên tòa sơ thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đều thực đúng quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành tốt nội quy phiên tòa.
Về việc giải quyết vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng các Điều 26, 35, 39, 92, 147, 165, 244 BLTTDS năm 2015; các Điều 170, 584, 585, 589 BLDS năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Chu Tinh H. Buộc bà Lý Thị M phải bồi thường cho ông Chu Tinh H số tiền đã mua 450 cây keo giống với giá trị 1.309đồng/ cây và 600.000đ tiền công trồng cây.
- Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại giá trị 300 cây keo giống.
- Về án phí, chi phí tố tụng: Đương sự phải chịu án phí, chi phí tố tụng theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, Tòa án nhận định:
[1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết:
Nguyên đơn ông Chu Tinh H khởi kiện yêu cầu bà Lý Thị M, địa chỉ Thôn B, xã T, huyện N, tỉnh Bắc Kạn bồi thường thiệt hại về cây trồng và công trồng cây. Đây là quan hệ phát luật tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cụ thể là tài sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án cấp huyện theo quy định tại khoản 6 Điều 26, Điều 35, Điều 39 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về tố tụng: Tại phiên tòa, vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan anh Chu Quốc K. Tuy nhiên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 xét xử vắng mặt những người trên.
[3] Về nội dung vụ án:
Tại phiên tòa, nguyên đơn giữ nguyên ý kiến trình bày và yêu cầu. Cụ thể, ông H yêu cầu bà M bồi thường thiệt hại đối với 450 cây keo giống và công trồng cây với số tiền 1.189.000 đồng. Phía bị đơn bà M không nhất trí bồi thường toàn bộ số tiền theo yêu cầu của nguyên đơn.
Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Chu Tinh H yêu cầu bà Lý Thị M bồi thường thiệt hại do cây keo giống (loại keo lai) bị chết với số tiền 1.189.000 đồng, nhận thấy:
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông H trình bày bà M đã có hành vi nhổ 450 cây keo giống, các cây này đều được trồng tại phần đất ông H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bị đơn thừa nhận việc được tự mình nhổ 450 cây keo do nguyên đơn trồng. Điều này cũng phù hợp với biên bản làm việc ngày 07/5/2021, các biên bản hòa giải ngày 14/5/2021, 24/11/2021 do Ủy ban nhân dân xã T lập, biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và các tài liệu, chứng cứ khác. Đây là tình tiết có thật, được hai bên đương sự thừa nhận, không cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự.
Thời điểm gia đình ông H đang trồng cây, giữa bà M, anh K và bà M đã xảy ra tranh cãi với nhau về việc tranh chấp khu đất. Sau khi gia đình ông H trồng cây, bà M đến nhổ toàn bộ cây đã trồng, nhưng gia đình ông H không biết nên không thể ngăn cản hành vi của bà M. Hành vi nhổ cây của bà M đã dẫn đến hậu quả 450 cây keo giống mà ông H trồng đã bị chết do thời điểm nhổ các cây đều là cây non, sức sinh trưởng kém, các cây đều đã bị nhổ rời hẳn khỏi mặt đất, toàn bộ bầu đất bung ra, rễ cây không còn bám đất nên không thể trồng lại được, đồng thời khi sự việc nhổ cây xảy ra, giữa hai bên đương sự đang tranh chấp về quyền sử dụng đất nên hai bên không thể canh tác sử dụng khu đất đã trồng cây, vì vậy gia đình ông H không thể trồng lại số cây đã bị nhổ ở trên dẫn đến các cây giống đã bị chết. Cho thấy, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi nhổ cây của bà M với hậu quả 450 cây keo giống bị chết. Bà M đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý. Như vậy, cho thấy việc 450 cây keo giống của ông H bị chết là do lỗi của bà M.
Về mức bồi thường: Ông H yêu cầu bà M bồi thường giá trị mỗi cây keo giống là 1.309 đồng. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bà M có ý kiến về mức giá của cây là 1.000 đồng. Tại Biên bản định giá tài sản ngày 20/7/2022, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng dân sự xác định giá trị đối với 01 cây keo giống vào thời điểm xảy ra thiệt hại tháng 3 năm 2021 là 1.309đồng/cây. Đối với kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản, hai bên đương sự đều nhất trí, không ai có yêu cầu định giá lại. Xét thấy mức giá mà nguyên đơn yêu cầu là phù hợp với mức giá trong kết luận của Hội đồng định giá tài sản nên cần chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Về công lao động: Theo đơn khởi kiện và tại phiên tòa, nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường tiền công trồng cây với số tiền 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng). Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bị đơn cho rằng bà đã có công đi phát quang khu đất nên sẽ đổi công phát quang khu đất của bà với công trồng cây của gia đình ông H nên không nhất trí bồi thường. Tuy nhiên, thấy rằng việc bà M đi phát quang khu đất là do bà tự ý thực hiện, gia đình ông H không biết và không được thuê bà M đến phát khu đất của gia đình. Ngoài lời khai của bà M, không có căn cứ nào khác để khẳng định việc bà M có được phát khu đất trên hay không. Do đó, ý kiến của bà M không có cơ sở chấp nhận. Qua xác minh tại địa phương, thấy rằng mức tiền công lao động chân tay theo ngày công lao động tại địa bàn xã T, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn dao động từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng. Do đó, mức tiền công mà nguyên đơn yêu cầu là có căn cứ chấp nhận.
Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, ý kiến của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn và chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn.
[3] Về án phí dân sự sơ thẩm: Do toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, xét thấy bị đơn là người dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ và có đơn xin miễn án phí nên miễn án phí cho bị đơn.
Về chi phí tố tụng: Do toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu các chi phí tố tụng theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 92, Điều 147, Điều 165, Điều 166 và các Điều 227, 244, 266, 271 và 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
Căn cứ các Điều 170, 584, 585, 586, 589 của Bộ luật dân sự năm 2015 Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Chu Tinh H
1. Buộc bà Lý Thị M bồi thường cho ông Chu Tinh H tổng số tiền 1.189.000 đ (Một triệu một trăm tám mươi chín nghìn đồng). Trong đó:
- Số tiền bồi thường 450 cây keo giống, loại keo lai là 589.000đ (Năm trăm tám mươi chín nghìn đồng).
- Số tiền công trồng cây là 600.000đ (Sáu trăm nghìn đồng).
Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của ông Chu Tinh H về việc yêu cầu bà Lý Thị M bồi thường thiệt hại về 300 cây keo giống.
3. Về án phí: Nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả ông Chu Tinh H số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) ông H đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu số 0000275, ngày 15/12/2021 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, tỉnh Bắc Kạn.
Bị đơn được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.
4. Về chi phí tố tụng: Buộc bà M phải hoàn trả cho ông H số tiền 1.000.000đ (Một triệu đồng) chi phí tố tụng cho việc định giá tài sản.
5. Về quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm số 04/2022/DS-ST
Số hiệu: | 04/2022/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Na Rì - Bắc Kạn |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 30/08/2022 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về