TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 02/2023/LĐ-PT NGÀY 14/08/2023 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT
Ngày 14 tháng 8 năm 2023, tại điểm cầu trung tâm trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và điểm cầu thành phần trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình, xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý 02/2023/TLPT- LĐ ngày 19 tháng 5 năm 2023 về việc “Yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật”. Do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 05 tháng 4 năm 2023 củaTòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2612/2023/QĐ-PT ngày 28 tháng 7 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông A Thiagarajah V A (R1), sinh ngày 30/12/1961, Quốc tịch: Malaysia. Địa chỉ thường trú tại: Prominenu Condominium BIK A, J, 1400, B, P, Malaysia. Vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền lại: Ông Nguyễn Hà Thanh V – Luật sư, địa chỉ: Tòa nhà L, số B N, Phường A, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn ông A Thiagarajah V A1: Ông Lê Hoàng C – Luật sư thuộc Công ty L, địa chỉ: Số B N, Phường A, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh. Có mặt.
- Bị đơn: Công ty TNHH L1, địa chỉ: Khu K, xã D, huyện M, tỉnh Quảng Bình, Việt Nam. Đại diện theo pháp luật: Ông SCOTT CLIFFORD C – Tổng Giám đốc – Quốc tịch: Úc. Vắng mặt.
Đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Lê Long T; địa chỉ: Số H A, phường A, Quận H, TP Hồ Chí Minh (Giấy ủy quyền lập ngày 01/02/2021). Vắng mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Huỳnh Văn T1, Luật sư thuộc Chi nhánh số 1 Công ty luật Hợp danh M; Địa chỉ: A, chung cư E, A Hồ N, phường A, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh. Vắng mặt.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công ty L1; địa chỉ: P, số E Đ, Khu công nghiệp V - S, phường B, thành phố T, tỉnh Bình Dương; địa chỉ liên lạc: Văn phòng đại diện Công ty L1, Tầng B, Tòa nhà UOA, số F T, phường T, quận G, thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Bà Trần Thanh H – Tổng Giám đốc theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH L2, đăng ký thay đổi lần thứ 9, ngày 30/01/2023. Vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện, nguyên đơn Ông A Thiagarajah V A (viết tắt là ông R), bản tự khai, biên bản hòa giải, và bổ sung tại phiên tòa, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:
Từ ngày 01/10/2018 ông A T2 V Arumugam bắt đầu vào làm việc cho Công ty TNHH L1 (sau đây viết tắt là Công ty L1) theo Hợp đồng lao động số 2018-502821 ngày 01/10/2018, thời hạn làm việc từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2021. Theo đó tiền lương và các khoản phúc lợi khác bao gồm: Tiền lương cơ bản 206.550.000 đồng (Hai trăm linh sáu triệu năm trăm năm mươi ngàn đồng); Phụ cấp tương đương với 10% mức lương cơ bản: 20.655.000 đồng/tháng (Hai mươi triệu sáu trăm năm mươi lăm ngàn đồng); Trợ cấp khu vực: 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng). Như vậy tổng thu nhập (trước khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và các khoản bảo hiểm bắt buộc mà người lao động phải đóng: 257.205.000 đồng/tháng (Hai trăm năm mươi bảy triệu hai trăm linh năm ngàn đồng).
Ông R nhận được thư thông báo đề ngày 31/3/2020 về việc chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 30/6/2020. Sau đó, ông R nhận được thư thông báo đề ngày 24/6/2020 về việc gia hạn ngày làm việc cuối cùng của ông đến ngày 31/7/2020, tước quyền lợi sử dụng xe ô tô riêng. Đồng thời, ông R được sắp xếp chuyến bay về Malaysia vào ngày 06/8/2020.
Việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty L1 với ông R theo Điều 38.1 Bộ luật lao động 2012 do sự kiện bất khả kháng là không có cơ sở và khiên cưỡng. Bị đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho sự kiện bất khả kháng xảy ra trước và tại thời điểm có Thông báo ngày 31/3/2020, bởi trên thực tế và căn cứ theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, tỉnh Quảng Bình không xuất hiện bùng dịch bệnh Covid-19, do đó không thuộc các trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo luật Lao động quy định.
- Căn cứ bảng lương cuối cùng do bị đơn lập, khoản trợ cấp của ông R đã tăng thành 25.045.515 đồng/tháng, sửa tổng số tiền thu nhập (trước khi khấu trừ thuế thu nhập cá nhân mà các khoản bảo hiểm bắt buộc mà người lao động phải đóng) của nguyên đơn tăng lên là: 261.604.515 đồng/ tháng (Hai trăm sáu mươi mốt triệu, sáu trăm linh tư ngàn năm trăm mười lăm đồng).
- Giảm số ngày phép trong năm từ 26 ngày trong đơn khởi kiện xuống còn 14 ngày phép chưa sử dụng, bị đơn thanh toán số tiền còn thiếu của 12 ngày phép năm chưa sử dụng tính đến tháng 07/2020.
- Căn cứ sổ bảo hiểm xã hội của nguyên đơn, bị đơn không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nguyên đơn trong thời giam làm việc từ ngày 01/12/2018 đến ngày 31/01/2019 theo quy định pháp luật.
Vì vậy, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty L1 là trái pháp luật, ông R khởi kiện yêu cầu Công ty L1 phải thanh toán các khoản sau:
1. Xin lỗi công khai với nguyên đơn vì đã chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
2. Thanh toán tiền lương trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 01/8/2020 đến ngày 30/9/2021 (14 tháng) 261.604.515 đồng/tháng x 14 tháng = 3.662.462.210 đồng;
3. Thanh toán tổng số tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là 30.732.000 đồng, cụ thể: Từ tháng 12/2018 đến tháng 01/2019 (do không tham gia bảo hiểm theo quy định pháp luật): (973.000 đồng/tháng + 834.000 đồng/tháng) x 02 tháng = 3.614.000 đồng.
- Trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 01/8/2020 đến 30/9/2021 (14 tháng): (1.043.000 đồng/tháng + 894.000 đồng/tháng) x 14 tháng = 27.118.000 đồng.
(Điều 13.1 Nghị định 143/2018/NĐ-CP, Điều 6.3 Quyết định 595/QĐ-BHXH và Điều 3.2 Nghị định 72/2018/NĐ-CP quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng 3,5% tiền lương tháng của người lao động. Mức tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội không quá 20 lần mức lương cơ sở. mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 12/2018 đến tháng 01/2019 là 1.390.000 đồng/tháng; Mức bảo hiểm xã hội bị đơn phải đóng từ tháng 12/2018 đến tháng 01/2019: (1.390.000 đồng/tháng x 20) x 3,5% = 973.000 đồng/tháng; Điều 7.1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, Điều 18.1 Quyết định 595/QĐ-BHXH, Điều 3.2 Nghị định 72/2018/NĐ-CP và Điều 1.8 Luật số 46/2014/QH13 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế hằng tháng bằng 3% tiền lương tháng của người lao động. Mức tiền lương đóng bảo hiểm y tế không quá 20 lần mức lương cơ sở. Mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 12/2018 đến tháng 01/2019 là 1.390.000 đồng/tháng. Mức bảo hiểm y tế bị đơn phải đóng từ tháng 12/2018 đến tháng 01/2019: (1.390.000 đồng/tháng x 20) x 3% = 834.000 đồng).
4. Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động trái pháp luật: 261.604.515 đồng/tháng x 02 tháng = 523.209.030 đồng.
5. Nhận ông R trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết. Trường hợp công ty L1 không đồng ý, ông yêu cầu bồi thường thêm các khoản sau:
- Thanh toán khoản tiền bồi thường thêm tương đương với 04 tháng tiền lương: 261.604.515 đồng/tháng x 04 tháng = 1.046.418.060;
- Thanh toán trợ cấp thôi việc: 03 năm x 261.604.515 đồng/tháng x ½ = 392.406.772 đồng.
- Thanh toán khoản tiền cho những ngày phép năm chưa được sử dụng:
+ Khoản tiền còn thiếu của 12 ngày phép năm chưa sử dụng tính đến tháng 07/2020 (261.604.515 đồng/22 ngày làm việc x 12 ngày) – 95.330.769 đồng = 47.362.603 đồng.
+ Tính đến ngày hết hạn hợp đồng lao động (14 ngày): 261.604.515 đồng/22 ngày làm việc x 14 ngày = 166.475.600 đồng.
6. Tiền lãi phát sinh đối với các khoản tiền nêu trên do Công ty L1 chậm thanh toán theo mức lãi suất 10%/năm tính từ ngày 01/8/2020 cho đến ngày thanh toán, tạm tính đến ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm 05/4/2023 như sau: Tổng các khoản tiền yêu cầu bồi thường là 5.869.067.275 đồng.
Lãi phát sinh: 5.869.607.275 đồng x 10%/365 ngày x 978 ngày = 1.572.588.437 đồng.
Như vậy, tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán tạm tính đến ngày phiên tòa sơ thẩm 05/4/2023 là 7.441.655.712 đồng (Bảy tỷ, bốn trăm bốn mươi mốt triệu, sáu trăm năm mươi lăm ngàn, bảy trăm mười hai đồng).
Bị đơn Công ty TNHH L1 do ông Lê Long T người đại diện theo pháp luật tại trình bày tại bản tự khai và tại phiên tòa sơ thẩm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn luật sư Huỳnh Văn T1 trình bày:
Công ty trách nhiệm hữu hạn L1 có Mã số thuế 3100974851. Công ty được cấp giấy phép đầu tư ngày 11/3/2014 và hoạt động từ ngày 15/3/2014. Công ty L1 hoạt động trong lĩnh vực logistics nên chủ yếu là hoạt động vận tải hàng hóa, khách hàng chính là P Lào; Công ty V3 để xuất khẩu cho Phú B. Năm 2018, Công ty tuyển dụng ông A T2 V Arumugam thời hạn hợp đồng từ ngày 01/10/2018 đến ngày 30/9/2021. Đầu năm 2020 tình hình dịch bệnh covid-19 lan tràn trên toàn thế giới đã làm ảnh hưởng tới hoạt động của Công ty L1, làm ngừng trệ hoàn toàn. Khi dịch covid-19 xảy ra, việc qua lại biên giới vô cùng khó khăn dẫn tới hoạt động vận chuyển của Công ty cho khách hàng ngưng trệ hoàn toàn, đến ngày 15/3/2021 T4 đã ra quyết định cho tạm ngừng hoạt động kho ngoại quan của Công ty ở cửa khẩu C2 vì một năm trôi qua mà Công ty không có hoạt động.
Đến cuối tháng 3 năm 2020 trước tình hình công ty không có khách hàng mới nên công ty đã cho nghỉ việc gần hết số lao động của Linfox Transoprt Q trong đó có ông A Thiagarajah V A (việc cho nghỉ này chứng minh bằng thông báo bảo hiểm của Bảo hiểm xã hội tỉnh Q vào tháng 3 năm 2020 số lao động là 91 người, tháng 4 năm 2020 số lao động còn lại 17 người).
Ngày 31/3/2020, Công ty L1 có thư thông báo chấm dứt hợp đồng lao động gửi cho ông A T2 V Arumugam thông báo ngày làm việc cuối cùng là 30/6/2020. Theo luật Lao động của Việt Nam đối với lao động có thời hạn chỉ cần thông báo trước một tháng nhưng do có thỏa thuận riêng của bên Vùng là cấp trên của L1 nên công ty L1 báo trước 3 tháng khi cho ông R nghỉ việc.
Ngày 24/6/2020 do tình hình dịch bệnh lan rộng nên ông R không thể bay về nước nên công ty L1 có gia hạn thêm một tháng đến ngày 31/7/2020 là kết thúc hợp đồng.
Căn cứ Điều 38.1 Luật Lao động, khoản 2 điều 11 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, Công ty L1 đã làm đúng quy định pháp luật Việt Nam và đúng thỏa thuận của V1 đã thông báo nghỉ trước 3 tháng, căn cứ khoản 2 Điều 38 Luật lao động 2012 về việc báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động có thời hạn là 30 ngày, công ty đã làm đúng quy định và thanh toán đầy đủ các khoản cho ông R và ông R cũng đã đồng ý.
Việc ông R khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là không có căn cứ, vì vậy đề nghị Tòa án không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện của ông R.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Công ty TNHH L2 (gọi tắt là L1) trình bày tại Văn bản ngày 09/3/2023 như sau:
Căn cứ vào Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư số 292043000001, ngày 15/01/2014 của Công ty TNHH L1 (gọi tắt là L1) thì L1 là nhà đầu tư 100% vốn của L1. Căn cứ Điều 195 Luật doanh nghiệp 2020 thì L1 là Công ty con thuộc sở hữu của L1. Tại thời điểm tuyển dụng và ký hợp đồng lao động với ông A THIAGARAJAH V ARUMUGAM, người đại diện pháp luật của hai công ty đều là ông SCOLL CLIFFORD C. Ngày 17/8/2018 L1 có tuyển dụng ông A THIAGARAJAH V ARUMUGAM theo thư mời nhận việc ngày 17/8/2018, sau đố bố trí ông A THIAGARAJAH V ARUMUGAM là việc tại Linfox Q với vị trí công tác là Giám đốc điều phối.
Thư mời nhận việc ngày 17/8/2018 có nội dung: “Thôi việc tại L, Hợp đồng lao động của ông/bà với công ty C3 bị chấm dứt bất cứ lúc nào nếu một trong hai bên ra thông báo bằng văn bản trước ba (3) tháng.”.
Trước bối cảnh dịch Covid lan tràn dẫn đến Công ty L1 không có đơn hàng để hoạt động, từ đó công ty L1 lên phương án cắt giảm lao động. Vào ngày 10/02/2020 L1 gửi phương án sử dụng lao động cho Ban Q và thực hiện đúng theo phương án mà không có bất kỳ phản ứng nào của người lao động. Riêng ông A T2 V Arumugam vì là Giám đốc điều phối tại Linfox Q do L1 tuyển dụng và thuộc sự quản lý và điều hành của Công ty L1, nên căn cứ vào thư mời nhận việc ngày 17/8/2018, L1 thông báo cho ông A T2 V Arumugam chấm dứt hợp đồng lao động vào ngày 30/6/2020. Sau khi nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng lao động từ L Việt Nam, ông A Thiagarajah V2 Arumugam không có bất kỳ một hành động nào thể hiện sự phản đối, mà chỉ gửi các Email cho người phụ trạch L1 trao đổi về các khoản thanh toán sau khi thôi việc và thủ tục về nước. Điều này chứng minh rằng ông A T2 V Arumugam đồng ý chấm dứt hợp đồng lao động tại Linfox Q. Tuyển dụng và thông báo chấm dứt Hợp đồng lao động ông A T2 V Arumugam đều do Công ty L1 thực hiện mà không phải là Công ty L1, nên việc ông A Thiagarajah V2 Arumugam khởi kiện L1 là xác định người bị kiện là không đúng. Mặt khác L1 là công ty con thuộc sở hữu 100% vốn của L1, tại thời điểm ký hợp đồng lao động cả hai công ty này đều do một người là ông Scoll Clifford C1 làm đại diện theo pháp luật, vì vậy L1 tuyển dụng và bố trí ông A T2 V Arumugam làm việc tại Công ty L1, sau đó vì điều kiện khách quan là dịch bệnh làm cho công ty L1 không còn đơn hàng để hoạt động, buộc phải cắt giảm lao động nên L1 căn cứ vào sự thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo thư mời nhận việc ban đầu thống báo chấm dứt hợp đồng lao động với ông A T2 V Arumugam trước 03 tháng là đúng với thỏa thuận của hai bên, đúng với khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động 2012. Đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Từ những nội dung nêu trên, tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ- ST ngày 05/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định:
- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 37, Điều 39, các Điều 92, 93, 226, 266, 273, 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
- Áp dụng các Điều 22, 23, 36, 37, 38, và Điều 90 của Bộ luật Lao động 2012; Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019;
- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án, tuyên xử:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông A T2 V Arumugam đối với bị đơn Công ty TNHH L1 về: Yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về chi phí tố tụng, án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 13/4/2023 ông Nguyễn Hà Thanh V người đại diện theo ủy quyền lại của Công ty L, do ông Lê Hoàng C - Luật sư đại diện theo pháp luật, đang được nguyên đơn uỷ quyền đại diện cho nguyên đơn, có đơn kháng cáo đối với toàn bộ Bản án sơ thẩm, lý do kháng cáo, ông V cho rằng, bị đơn đã chấm dứt hợp đồng lao động với ông A T2 V Arumugam là không đúng pháp luật, Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng, do vậy, ông V yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A T2 V Arumugam.
Tại phiên toà phúc thẩm, ông Vũ g nguyên kháng cáo.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn ông A T2 V Arumugam trình bày, việc Công ty L1 chấm dứt hợp đồng lao động của với ông R là không đúng theo quy định tại Điều 38.1 Bộ luật lao động 2012, do sự kiện bất khả kháng là không có cơ sở, bị đơn không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho sự kiện bất khả kháng xảy ra trước và tại thời điểm có Thông báo ngày 31/3/2020, bởi trên thực tế và căn cứ theo các văn bản của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, tỉnh Quảng Bình không xuất hiện bùng dịch bệnh Covid-19, do đó không thuộc các trường hợp được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo luật Lao động quy định, do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa Bản án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông A T2 V Arumugam.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo.
Đại diện Viện kiểm sát nhấn dân cấp cao tại Đà Nẵng phát biểu ý kiến về vụ án như sau:
- Về tố tụng: Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện và chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thâm không chấp nhận kháng cáo của đại diện nguyên đơn, giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đã được xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên toà phúc thẩm, xét thấy:
[1]. Về tố tụng:
[1.1]. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng quan hệ pháp luật, thời hiệu và thẩm quyền giải quyết vụ án theo quy định tại các Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 37, Điều 39, các Điều 92, 93 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 149 của Bộ luật dân sự.
[1.2]. Đây là phiên tòa phúc thẩm mở lần thứ hai, việc vắng mặt của bị đơn và một số người có quyền lợi nghĩa vụ không liên quan đến kháng cáo và không ảnh hưởng gì việc giải quyết đối với vụ án, bà Trần Thanh H – Tổng Giám đốc Công ty TNHH L2 xin hoãn phiên tòa lần thứ hai không được Hội đồng xét xử chấp nhận, do vậy, Hội đồng xét xử, xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.
[2]. Về nội dung: Xem xét kháng cáo của ông Nguyễn Hà Thanh V người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông A Thiagarajah V A, Hội đồng xét xử xét thấy:
[2.1]. Về quan hệ hợp đồng lao động giữa Công ty L1 với ông A Thiagarajah V A (ông R): Trên cơ sở thư mời ngày 17/8/2018 của Công ty L1, Công ty L1 là công ty con trực thuộc Công ty L1, đã ký kết hợp đồng lao động số 2018-502821-001 ngày 01/10/2018 với ông R, thời gian làm việc từ ngày ký hợp đồng, ông R giữ chức vụ Giám đốc điều phối tại Công ty L1, quan hệ hợp đồng lao động nêu trên là tự nguyện, do hai bên thỏa thuận và phù hợp với P1. Theo bị đơn, Công ty L1, nguyên nhân do tình hình dịch Covid lan tràn, hoạt động kinh doanh sản xuất (chủ yếu là vận tải hàng hóa) của Công ty bị ngưng trệ phải thu hẹp và cắt giảm lao động, trong đó, có chấm dứt hợp đồng với ông R, ngày 31/3/2020 Công ty L1 có T3 thông báo chấm dứt hợp đồng với ông R vào ngày 30/6/2020 (trước 03 tháng), sau đó, do ông R chưa về nước được nên Công ty L1 gia hạn đến ngày 31/7/2020 là chấm dứt Hợp đồng lao động, mọi khoản theo hợp đồng đều đã được thanh toán.
Theo nguyên đơn, người đại diện của ông R cho rằng, việc Công ty L1 chấm dứt Hợp đồng lao động với ông R là không đúng pháp luật Việt Nam, bị đơn không chứng minh được sự kiện bất khả kháng vào thời điểm tháng 3/2020 tại tỉnh Quảng Bình, do đó, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bị đơn: Xin lỗi công khai với nguyên đơn vì đã chấm dứt họp đồng trái pháp luật; Thanh toán tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội, thời gian không làm việc, tiền bồi thường, tiền trợ cấp thôi việc, tiền chế độ nghỉ phép và tiền lãi phát sinh đối với các khoản tiền trên, tính đến ngày 05/4/2023 (ngày mở phiên tòa sơ thẩm), tổng cộng số tiền là 7.441.655.712 đồng và nhận ông R trở lại làm việc theo hợp đồng đã giao kết.
[2.2]. Xem xét nguyên nhân, lý do chấm dứt Hợp đồng lao động của Công ty L1 đối với ông R, xét thấy: Ngày 11/3/2020, WHO đã tuyên bố dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus Corona (SARS- CoV-2) là một đại dịch toàn cầu, tại Việt Nam, ngày 23/01/2020 đã phát hiện ca nhiễm Covivd đầu tiên và sau đó lây lan ra nhiều nơi, đến ngày 01/4/2020 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch COVID- 19 tại Việt Nam, đồng thời, cùng ngày Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, theo đó, thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01/4/2020 trên phạm vi toàn quốc, dự báo, dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế - xã hội của đất nước. Đứng trước tình hình trên, trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam nói chung, tại địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng, bất kỳ là ai cũng phải chấp hành pháp luật, tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về nhiệm vụ chống dịch COVID-19, hoạt động của Công ty L1 là không ngoại lệ, đặc biệt là một đơn vị chuyên doanh về vận tải hàng hóa, thực tiễn diễn biến hoạt động chống dịch ngay tại những địa phương chưa nhiễm dịch tại thời điểm đầu năm 2020 là rất quyết liệt, xem xét tình hình hoạt động cụ thể tại Công ty L1 cũng đã cắt giảm nhiều người lao động, tháng 03/2020 giảm 74 người lao động, tháng 04/2020 giảm 05 người lao động, với đặc điểm tình hình nêu trên, Công ty L1 đã có văn bản Thông báo và chấm dứt hợp đồng lao động với ông R là do điều kiện, hoàn cảnh khách quan, không do lỗi chủ quan xuất phát từ phía người sử dụng lao động.
Mặt khác, về phía ông R, sau khi nhận được Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động ngày 31/3/2020 thì ông R không có bất kỳ ý kiến phản đối đối việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty L1, đồng thời, hai bên cũng đã tiến hành trao đổi qua Email thể hiện các nội dung “Thu dọn hành lý, vé máy bay, các khoản thanh toán sau khi chấm dứt hợp đồng và nguyên đơn đã nhận đầy đủ các khoản thanh toán này”, ngày 31/7/2020 ông R cũng đã ký thanh toán các khoản của Công ty L1 trước khi về nước.
Về thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty L1 thực hiện đảm bảo đúng đầy đủ quy định của pháp luật về chấm dứt hợp đồng, tuy nhiên, với tình hình thực tế nêu trên, thì các thủ tục chấm dứt Hợp đồng với ông R không tránh hỏi một số thiếu sót về hình thức như Luật sư của phía nguyên đơn đã viện dẫn. Tuy nhiên, tại thời điểm chấm dứt hợp đồng, ông R đã thống nhất và không có yêu cầu gì.
Theo quy định tại diêm c khoản 1 Điều 38 Bộ luật lao động năm 2012 quy định: “Do thiên tai, hỏa hoạn, hoặc lý do bât khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc”, nay là điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019 quy định: “Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khẳc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc” Như vậy, việc Công ty L1 chấm dứt hợp đồng lao động với ông R, tại thời điểm tháng 7/2020 là do điều kiện dịch bệnh Covid 19, hơn nữa, ông R cũng đã thể hiện sự đồng tình việc chấm dứt hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật, tại Bản án lao động sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông R là có căn cứ, đúng pháp luật, tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo không cung cấp tài liệu, chứng cứ gì mới, do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận đơn kháng cáo, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm, như đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa.
[3]. Về án phí sơ thẩm, không có kháng cáo nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[4]. Về án phí phúc thẩm: Ông A Thiagarajah V A1 không phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1, Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Hà Thanh V đại diện cho nguyên đơn ông A T2 V Arumugam, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 05/4/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
Áp dụng các Điều 22, 23, 36, 37, 38, và Điều 90 của Bộ luật Lao động 2012; Điều 36 Bộ luật lao động năm 2019, xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông A T2 V Arumugam đối với bị đơn Công ty TNHH L1 về: Yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
2. Về án phí lao động sơ thẩm, không có kháng cáo kháng nghị nên có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Về án phí dân sự phúc thẩm: Áp dụng điểm a, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án, ông A T2 V Arumugam được miễn án phí lao động phúc thẩm.
Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật số 02/2023/LĐ-PT
Số hiệu: | 02/2023/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 14/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về