Bản án về yêu cầu bồi thường theo luật trách nhiệm bồi thường nhà nước số 125/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 125/2022/DS-PT NGÀY 13/05/2022 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THEO LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC

Ngày 13 tháng 5 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 54/TBTL-TA ngày 07 tháng 4 năm 2022 về việc “Yêu cầu bồi thường theo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 06/2022/DS-ST ngày 10/3/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1480/2022/QĐ-PT ngày 18 tháng 4 năm 2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Huỳnh Chiếm H, sinh năm 1965; địa chỉ: tỉnh Đắk Lắk, có mặt - Bị đơn: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa; trụ sở: tỉnh Khánh Hòa;

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Võ Khôi T; địa chỉ: tỉnh Khánh Hòa (Theo Văn bản ủy quyền số 44/GUQ-VKS-V7 ngày 07/4/2022 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa), có mặt

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Huỳnh Chiếm L, sinh năm: 1951, vắng đơn xử vắng mặt 2. Ông Huỳnh Chiếm L, sinh năm: 1955, có mặt;

3. Ông Huỳnh Chiếm Q, sinh năm: 1962 có mặt;

4. Bà Huỳnh Thị O, sinh năm: 1968, vắng đơn xử vắng mặt 5. Bà Huỳnh Thị L, sinh năm: 1974, vắng đơn xử vắng mặt Cùng địa chỉ: tỉnh Khánh Hòa;

6. Bà Huỳnh Thị T, sinh năm: 1960; địa chỉ: tỉnh Khánh Hòa, vắng đơn xử vắng mặt 7. Ông Trần Tấn L, sinh năm: 1979; địa chỉ: tỉnh Đắk Lắk, vắng đơn xử vắng mặt 8. Ông Trần Cao T, sinh năm: 1982; địa chỉ: tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt Người đại diện theo ủy quyền của ông Huỳnh Chiếm L, ông Huỳnh Chiếm L, ông Huỳnh Chiếm Q, bà Huỳnh Thị O, bà Huỳnh Thị L, bà Huỳnh Thị T, ông Trần Tấn L, ông Trần Cao T: Ông Huỳnh Chiếm H; địa chỉ: Số 038 thôn 3, xã EaKtur, huyện Cưkuin, tỉnh Đắk Lắk (Theo Hợp đồng ủy quyền ngày 25/6/2020), có mặt Người kháng cáo: Nguyên đơn ông Huỳnh Chiếm H và bị đơn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án sơ thẩm và các tại liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nội dung vụ án như sau:

Tại đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Huỳnh Chiếm H trình bày: Ngày 17/12/1981, ông Huỳnh Chiếm P, (bố ông H) bị Công an huyện N bắt tạm giam oan vì bị tình nghi giết Chủ tịch ủy ban nhân dân xã N để khởi tố, điều tra vụ án. Trong thời gian bị tạm giam, ông P bị đánh đập rất dã man nên từ một người đang khỏe mạnh bình thường làm đội trưởng đội sản xuất đến khi được tạm tha vào ngày 10/02/1983, sức khỏe của ông P giảm sút nghiêm trọng, toàn thân tê liệt không đi lại được, mắt mờ, tai điếc, thần kinh không ổn định và nằm liệt giường, phải có người chăm sóc cho đến khi chết, ông P phải mang nỗi oan sai cho đến ngày 10/12/2009 mới nhận được bản photo Quyết định đình chỉ điều tra số 337/KSĐT ngày 25/9/1984 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh. Năm 2015, ông P chết do tự tử. Ông Huỳnh Chiếm H là con của ông Huỳnh Chiếm P yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa bồi thường thiệt hại các khoản sau:

Bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất: ông P bị bắt giam từ ngày 17/12/1981, đến ngày 10/2/1983 có Lệnh tạm tha với lý do: bị can sức khỏe bị giảm sút. Trước khi bị bắt tạm giam, ông P đang khỏe mạnh, làm đội trưởng đội sản xuât, tuy nhiên ông P đã bị bệnh nặng trong trại giam, khi được trả tự do thì tình trạng sức khỏe bị tàn phế, tê liệt toàn thân, không đi lại được, không lao động được và bị bệnh thần kinh, phải có người chăm sóc cho đến khi chết.

Năm 2009, ông P và gia đình khiếu nại nên ngày 10/12/2009, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa mới giao bản photocopy Quyết định đinh chỉ điều tra số337/KSĐT ngày 25/9/1984 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh cho ông P. Nội dung này thể hiện tại Biên bản làm việc ngày 24/12/2009 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho rằng lỗi không tống đạt quyết định không phải lỗi của người bị thiệt hại. Vì vậy, ông H yêu cầu Tòa án áp dụng điểm c, khoản 1 Điều 24 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; điểm d, khoản 1 Điều 8, điểm a, khoản 2 Điều 9 của Nghị định số 68/2018/ NĐ-CP ngàỵ 15/5/2018 của Chính phủ, tính thời gian bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất từ ngày bị tạm giam ngày 17/12/1981 đến ngày nhận quyết định đình chỉ điều tra 10/12/2009 là 9.910 ngày; mức bồi thường của 1 ngày tính theo lưong tối thiểu vung-nơi ông P cư trú: 9.910 ngày x (3.430.000 : 26) = 1.308.120.000 đồng.

Bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm:

Căn cứ theo lệnh tạm tha, giấy ra trại, đơn kêu oan, các báo chí, giấy khám sức khỏe năm 2013 và giấy xác nhận của UBND phường N ngày 22/9/2020 chứng minh ông P bị tàn phế, không lao động được, phải có người chăm sóc cho đến khi chết, ông H yêu cầu Tòa án áp dụng khoản 4 của Điều 26 của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước, buộc Viện kiểm sát phải bồi thường chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại từ ngày 10/02/1983 (ngày được tạm tha) đến ngày 22/3/2015 (ngày ông P tự tử chết) là 11.752 ngày, mức bồi thường theo lương tối thiểu vùng nơi người bị thiệt hại cư trú: 11,752 ngày x (3.430.000 : 26) = 1.550.360.000đ Ngày 20/3/2003, ông P tự tử cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện đa khoa N 15 ngày và chữa bệnh tại bệnh viện 87 N 5 ngày (từ ngày 19/10/2009 đến ngày 23/10/2009) do hậu quả bị bắt giam oan nên ông H yêu cầu áp dụng khoản 1, 2 Điều 26 của Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước bồi thường 20 ngày x (3.430.000 : 26) - 2.638.461đ; chi phí thuốc điều trị là 1.705.000đ (theo hóa đơn đã cung cấp cho Viện kiểm sát thể hiện qua Thông háo thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường ngày 31/7/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa). Tổng cộng là 2.638.461+ 1.705.000 = 4.345.000đ.

Tổng cộng yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm là: 1.550.360.000 + 4.345.000 = 1.554.705.000đ Bồi thường thiệt hại về tinh thần:

Ngày 10/02/1983, ông P được tạm tha theo Lệnh tạm tha số 22/KSĐT ngày 02/02/1983 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh với lý do: “Xét thấy bị can tuổi già sức khỏe bị sút kém. Nên không cần thiết giam giữ tiếp”. Từ ngày được tạm tha ông P không nhận bất cứ quyết định nào từ cơ quan chức năng và ông P không hề biết vụ án đã được đình chỉ điều tra. Đến ngày 10/12/2009, bị can mới nhận được quyết định đình chỉ điều tra nói trên từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa bang bản photo. Việc không tống đạt Quyết định đình chỉ điều tra cho ông P là lỗi ở các cơ quan Nhà nước và ông P phải mang nỗi oan ấy cho đến ngày nhận được Quyết định đình chỉ điều tra. Vì vậy, ngoài khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần trong thời gian bị tạm giam Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý bồi thường cho ông P là 142.227.272 đồng, ông H yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần từ ngày được tạm tha 10/2/1983 đến ngày nhận Quyết định đình chỉ điều tra 10/12/2009 là 9.490 ngày. Áp dụng khoản c Điều 27 của Luật trách nhiệm bôi thường Nhà nước: 9.490 ngày x 2 x (1.490.000 :

22)=1.285.463.000 đồng. Cộng các khoản bồi thường mà Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã đồng ý bồi thường cho ông P trong giai đoạn thương lượng là 260.757.272 đồng. Cụ thể:

- Bồi thường thiệt hại tinh thần trong thời gian bị tạm giam (17/12/1981 - 10/2/1983): (1.490.000/22) x 5 x 420 ngày = 142.227.272 đồng.

- Bồi thường chi phí thăm nuôi trong 14 tháng, chi phí đi lại, thuê nhà nghỉ, in ấn tài liệu, chì phí gửi đơn thư trong 11 năm và chi phí thuê lúật sư là: 118.530.000 đồng.

Tổng cộng ông H yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa bồi thường là: 1.308.120.000 + 1.554.705.000 + 1.285.463.000 + 260.757.272 = 4.409.045.272 đồng (bốn tỷ bốn trăm linh chín triệu không trăm bốn mươi lăm ngàn hai trăm bảy mươi hai đồng).

Ông Huỳnh Chiếm P chết ngày 22/3/2015, vợ ông P là bà Lê Thị Nhành chết ngày 04/11/2011, ông P và bà Nhành có 08 người con, gồm: Ông Huỳnh Chiếm L; ông Huỳnh Chiếm L; ông Huỳnh Chiếm H; bà Huỳnh Thị T; ông Huỳnh Chiếm Q; bà Huỳnh Thị O; bà Huỳnh Thị L; bà Huỳnh Thị Đ (đã chết năm 2005), có chồng là ông Trần Kim Khánh (chết), có 02 con là ông Trần Tấn L và ông Trần Cao T.

Tại Văn bản số 457/CV-VKS-P7 ngày 247572021, trong quả trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, người đại điện theo ủy quyền của bị đơn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa trình bày:

1. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất - Điều 24 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước Theo đơn khiếu nại ngày 24/12/2009, gia đình ông Huỳnh Chiếm P mới nhận được Quyết định đình chỉ điều tra số 337/KSĐT ngày 25/9/1984 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh. Tuy nhiên, trong cùng vụ án với người bị thiệt hại còn có ông Trần B (cùng xã) cũng đã được trả tự do và nhận Quyết định đình chỉ điều tra vào ngày 25/9/1984. Trường hợp không nhận được quyết định đình chỉ điều tra nhưng người bị thiệt hại vẫn không khiếu nại từ thời điểm đó mà đến năm 2009 mới khiếu nại. Tuy người bị thiệt hại chỉ bị giam 420 ngày (17/12/1981 - 10/02/1983) nhưng Viện kiểm sát đồng ý bồi thường thiệt hại phần thu nhập bị mất từ khi bị tạm giam đến thời điểm có Quyết định đình chỉ điều tra (từ ngày 17/12/1981 đến ngày 25/9/1984) là 1.012 ngày (gồm 420 ngày tạm giam và 592 ngày không giam) với số tiền là: 133.506.1534 đồng.

2. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm - Điều 26 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước - Về chi phí chăm sóc cho người bị thiệt hại: Theo quy định thì chỉ bồi thường thiệt hại chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại mất khả năng lao động. Thông tư liên tịch số: 19/2010/TTLT-BTP-BTC-TTCP ngày 26/11/2010 tại khoản 3 Điều 9 quy định: “Người không còn khả năng thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ sau khi xảy ra thiệt hại”; Nghị quyết số 03/2006/NQ- HĐTP ngày 05/7/2006 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn là “Người bị suy giảm khả năng lạo động từ 81% trở lên”. Tuy nhiên, nguyên đơn không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh việc người bị thiệt hại mất khả năng lao động phải cần người chăm sóc. Ngoài ra, Lệnh tạm tha chỉ ghi “Sức khỏe bị sút kém” thì chưa đủ căn cứ để xem xét.

- Về chi phí khám chữa bệnh: Không có tài liệu, chứng cứ chứng minh mối quan hệ nhân quả với hành vi gây thiệt hại, thời gian chữa bệnh là năm 2003 và 2009, ông Huỳnh Chiếm P đã hơn 70 tuổi, nhập viện điều trị vì sa sút trí tuệ và tăng huyêt áp.

Vì vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa không đồng ý bồi thường thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm.

3. Về yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần - Điều 27 Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước Người bị thiệt hại ông Huỳnh Chiếm P, sinh năm 1931, chết năm 2015. Ông P chết sau khi có quyết định đình chỉ điều tra (năm 1984) là 31 năm. Không có mối quan hệ nhân quả với hành vi gây thiệt hại. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đồng ý bồi thường thiệt hại về tinh thần từ khi ông P bị bắt tạm giam đếm khi có quyết định đình chỉ điều tra (420 ngày bị tạm giam và 592 ngày không bị tạm giam) số tiền 222.416.362 đồng.

4. Các chi phí khác được bồi thường - Điều 28 Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước Trong giai đoạn thương lượng, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa và người yêu cầu đã thống nhất bồi thường các chi phí khác như chi phí thăm nuôi trong 14 tháng, chi phí đi lại, thuê nhà nghỉ, in ấn tài liệu, chi phí gửi đơn thư trong 11 năm và chi phí thuê Luật sư, tổng cộng là 118.530.000 đồng. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa vẫn giữ nguyên ý kiến về mức bồi thường này.

Ông Huỳnh Chiếm H yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa phải bồi thương tổng số tiền là 4.409.045.272đ, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ đồng ý giải quyết bồi thường cho ông Huỳnh Chiếm H với số tiền 474.452.515đ (bốn trăm bảy mươi bốn triệu bốn trăm năm mươi hai nghìn năm trăm mười lăm đồng) theo như kết quả thương lượng với ông Huỳnh Chiếm H, có sự tham gia của đại diện Sở Tư pháp, Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa tại Biên bản thương lượng lần 02 ngày 23/9/2020.

Người đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Huỳnh Chiêm L, ông Huỳnh Chiếm L, ông Huỳnh Chiếm Q, bà Huỳnh Thị O, bà Huỳnh Thị L, bà Huỳnh Thị T, ông Trần Tấn L, ông Trần Cao T là ông Huỳnh Chiếm H trình bày: Ông Huỳnh Chiếm L, ông Huỳnh Chiếm L, ông Huỳnh Chiếm Q, bà Huỳnh Thị O, bà Huỳnh Thị L, bà Huỳnh Thị T, ông Trần Tấn L, ông Trần Cao T thống nhất với ý kiến của nguyên đơn ông H và không bổ sung gì thêm.

Từ các nội dung nêu trên, tại Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2022/DS-ST ngày 10/3/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã quyết định:

Căn cứ Điều 604, Điều 605, Điều 619 của Bộ luật dân sự năm 2005. Căn cứ Điều 26 Điều 27 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 Căn cứ các Điều 5, 9, 24, 26, 27, 28, 53, 76 của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Căn cứ Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn ông Huỳnh Chiếm H; Buộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho các ông/bà Huỳnh Chiếm H, Huỳnh Chiếm L, Huỳnh Chiếm L, Huỳnh Chiếm Q, Huỳnh Thị O, Huỳnh Thị L, Huỳnh Thị T, ông Trần Tấn L, ông Trần Cao T (trong đó ông Trần Tấn L, ông Trần Cao T là người được hưởng phần thừa kế từ bà Huỳnh Thị Đ) số tiền 1.679.726.425 đồng (một tỷ sáu trăm bảy mươi chín triệu, bảy trăm hai mươi sáu nghìn, bốn trăm hai lăm đồng).

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 17/3/2022 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà có đơn kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm đối với phần về khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với ông Huỳnh Chiếm P, lý do kháng cáo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà cho rằng Bản án sơ thẩm áp dụng không đúng quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 27 Luật bồi thường trách nhiệm Nhà nước; khoản 1, Điều 11 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính Phủ, không đúng với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, cụ thể, ngày 25/9/1984 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà đã ban hành và có căn cứ tống đạt Quyết định đình chỉ điều tra số 337/KSĐT ông Huỳnh Chiếm P nhưng tại Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần trong khoản thời gian từ ngày 26/9/1984 đến ngày 10/12/2009 (số ngày là 9.490 ngày tương ứng với số tiền 1.285.463.000 đồng) là không đúng, nay Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa Bản án sơ thẩm, chỉ chấp nhận về khoản bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với ông P số tiền 222.416.362 đồng theo Biên bản thương lượng.

Ngày 25/3/2022 ông Huỳnh Chiếm H có đơn kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm, lý do kháng cáo ông H cho rằng: Thứ nhất, khoảng thời gian bồi thường thu nhập thực tế quá ít, yêu cầu tính tiếp khoảng thời gian từ ngày 25/9/1984 đến ngày 10/12/1989, là 8.898 ngày tương ứng số tiền 1.174.613.847 đồng; thứ hai, về thiệt hại vật chất do sức khoẻ bị xâm phạm ông H cho rằng ông P bị bệnh nặng, hậu quả do bị giam giữ, yêu cầu bồi thường số tiền 1.550.360.000 đồng, ngoài số tiền 4.345.000 đồng, tổng cộng ông H yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm chấp nhận tổng khoản tiền yêu cầu bồi thường là 4.409.054.272 đồng, bao gồm cả số tiền mà cấp sơ thẩm đã chấp nhận (1.679.726.425 đồng).

Tại phiên toà phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà và ông Huỳnh Chiếm H đều giữ nguyên kháng cáo.

Các bên đương sự thống nhất về tài liệu, chứng cứ đã được Toà án cấp sơ thẩm đã thu thập có trong hồ sơ vụ án cũng như đều thừa nhận diễn biến và các sự kiện về khởi tố, bắt tạm giam, tạm tha, đình chỉ điều tra đối với ông Huỳnh Chiếm P xảy ra trước đây.

Kiểm sát viên tham gia phiên toà phát biểu ý kiến như sau:

- Về tố tụng: Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà, sửa Bản án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại về tinh thần và không chấp nhận kháng cáo của ông Huỳnh Chiếm H.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các tài liệu chứng cứ đã được xem xét và kết quả tranh tụng tại phiên toà phúc thẩm.

[1]. Xem xét kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà xét thấy: Ông Huỳnh Chiếm P sinh năm 1931, ở tại tỉnh Khánh Hoà, bị cơ quan điều tra Công an huyện N, tỉnh Phú Khánh (nay là thị xã N, tỉnh Khánh Hoà) khởi tố bị can ngày 17/12/1981, ông P bị bắt tạm giữ, tạm giam hình sự từ ngày 18/12/1981, đến ngày 02/02/1983 thì được tại ngoại. Ngày 25/9/1984 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh có Quyết định đình chỉ điều tra số 337/KSĐT đối với ông Huỳnh Chiếm P, xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc Viện kiểm sát nhân tỉnh Phú Khánh trước đây đã tống đạt Quyết định đình chỉ điều tra cho ông P, đến ngày 10/12/2009 ông P mới nhận được bản photocopy Quyết định đình chỉ điều tra số 337/KSĐT ngày 25/9/1984 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh.

Tại Bản án sơ thẩm đã xác định, sau khi đình chỉ điều tra Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hoà) đã không thực hiện tống đạt Quyết định đình chỉ điều tra nêu trên cho ông Huỳnh Chiếm P. Xét thấy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh trước đây đã không thực hiện đúng nguyên tắc và quy định của pháp luật (Sắc luật số 02/SL ngày 15/5/1976 của Hội đồng Chánh phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng như điểm c khoản 1, Điều 142 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988). Tại thời điểm năm 2009 đến năm 2015, ông Huỳnh Chiếm P đã có nhiều đơn thư khiếu nại, kêu oan, yêu cầu bồi thường theo Nghị quyết 388/2003/UBTVQH11, ngày 17/3/2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các đơn thư của ông P, ông H (con ông P) gửi đến Văn phòng Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh và nhiều cơ quan Nhà nước khác trước tháng 12/2009 cho thấy ông P chưa nhận được Quyết định đình chỉ điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh. Như vậy, tại Bản án sơ thẩm đã xác định khoảng thời gian từ ngày 10/2/1983 (ngày tạm tha) đến ngày 10/12/2009 (ngày nhận Quyết định đình chỉ điều tra số 337/KSĐT ngày 25/9/1984 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh) là 9.490 ngày là khoản thời gian ông P chưa nhận hoặc được thông báo về việc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh đã đình chỉ điều tra để xác định khoản thời gian ông P được bồi thường thiệt hại về tinh thần là có căn cứ.

Với khoảng thời gian nêu trên, ông P phải chịu oan ức về hành vi tố tụng của người và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra, Bản án sơ thẩm đã chấp nhận khoản tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với ông Huỳnh Chiếm P với số ngày 9.490 x 2 x 67.727 đồng, tương ứng số tiền 1.285.463.000 đồng là có căn cứ pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà kháng cáo yêu cầu xem xét lại việc áp dụng pháp luật cũng như xác định lại khoảng thời gian và khoản tiền bồi thường thiệt hại về tinh thần, tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận bồi thường đối với trường hợp ông P số tiền 222.416.362 đồng là không đúng. Do vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà.

[2]. Xem xét kháng cáo của ông Huỳnh Chiếm H, xét thấy:

[2.1]. Về khoản thu nhập thực tế bị mất: Ông H thống nhất với khoảng thời gian 1.012 ngày và số tiền 133.506.153 đồng, về khoản thu nhập thực tế bị mất, tuy nhiên, yêu cầu bổ sung thêm khoảng thời gian từ ngày 25/9/1984 đến ngày 10/12/2009 là 8.8998 ngày, tương ứng số tiền thu nhập thực tế bị mất là 1.174.613.847 đồng. Xét thấy, trong khoảng thời gian nêu trên ông Huỳnh Chiếm P đã được tại ngoại, quá trình khởi kiện, ông H không cung cấp được tài liệu chứng cứ gì liên quan đến thu nhập thực tế bị mất, xem xét Giấy xác nhận tình trạng sức khoẻ ngày 25/3/2013 của Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Diên là sau thời điểm tháng 12/2009, hơn nữa tại thời điểm xác nhận y tế ông P đã hơn 82 tuổi đã là người già yếu, đối với các bài báo chỉ có giá trị tham khảo, không thể sử dụng làm căn cứ để xác định việc bồi thường. Tại Bản án sơ thẩm đã xác định khoảng thời gian và số tiền bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, trên cơ sở đã thông qua thương lượng, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông H với số tiền 133.506.153 đồng là có cơ sở, do vậy Hội đồng xét xử không chấp nhận nội dung kháng cáo về khoản thu nhập thực tế bị mất đối với ông P của ông H.

[2.2]. Đối với yêu cầu thiệt hại vật chất do sức khoẻ bị xâm phạm, theo đơn kháng cáo, ông H yêu cầu bồi thường khoảng thời gian 11.752 ngày tương ứng số tiền 1.553.600.000 đồng và chi phí điều trị tại bệnh viện 87, số tiền 4.345.000 đồng. Xét thấy, ông H cũng chỉ đưa ra các bài báo mang tính chất phản ánh và một số giấy tờ y tế, công chăm sóc từ năm 2009 trở về sau nên không có cơ sở để xem xét, việc ông P tự vẫn vào năm 2015 cũng như thiệt hại vật chất mà nguyên đơn đưa ra để yêu cầu đều không chứng minh có mối quan hệ nguyên nhân – hậu quả với việc ông P bị khởi tố, bắt tạm giam của cơ quan tiến hành tố tụng, Toà án cấp sơ thẩm đã xem xét nhưng không có căn cứ để chấp nhận là đúng pháp luật, tại giai đoạn phúc thẩm ông H không cung cấp thêm được tài liệu, chứng cứ gì khác để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo, do vậy Hội đồng xét xử cũng không chấp nhận nội dung kháng cáo này của ông H.

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà cũng như kháng cáo của ông Huỳnh Chiếm H, người đại diện theo uỷ quyền của các người con của ông Huỳnh Chiếm P. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm.

Về án phí sơ thẩm, phúc thẩm theo quy định của pháp luật các đương sự không phải chịu.

Vì các lẽ nêu trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Không chấp nhận kháng cáo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hoà và kháng cáo của ông Huỳnh Chiếm H, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2022/DS-ST ngày 10/3/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Căn cứ Điều 604, Điều 605, Điều 619 của Bộ luật dân sự năm 2005. Căn cứ Điều 26 Điều 27 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 Căn cứ các Điều 5, 9, 24, 26, 27, 28, 53, 76 của Luật trách nhiệm bồi thường . của Nhà nước.

Căn cứ Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tuyên xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn ông Huỳnh Chiếm H; Buộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa phải bồi thường cho các ông/bà Huỳnh Chiếm H, Huỳnh Chiếm L, Huỳnh Chiếm L, Huỳnh Chiếm Q, Huỳnh Thị O, Huỳnh Thị L, Huỳnh Thị T, ông Trần Tấn L, ông Trần Cao T (trong đó ông Trần Tấn L, ông Trần Cao T là người được hưởng phần thừa kế từ bà Huỳnh Thị Đ) số tiền 1.679.726.425 đồng (một tỷ sáu trăm bảy mươi chín triệu, bảy trăm hai mươi sáu nghìn, bốn trăm hai lăm đông).

Về án phí sơ thẩm: Phần Quyết định của Bản án sơ thẩm có hiệu lục pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Về án phí phúc thẩm: Áp dụng khoản 1 Điều 76 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Điều 11 Nghị quyết 326/2016/UBTV/QH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định về án phí và lệ phí Tòa án, các đương sự không phải chịu án phí.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

399
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về yêu cầu bồi thường theo luật trách nhiệm bồi thường nhà nước số 125/2022/DS-PT

Số hiệu:125/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/05/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về