Bản án về yêu cầu bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp số 01/2023/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

BẢN ÁN 01/2023/LĐ-PT NGÀY 20/09/2023 VỀ YÊU CẦU BẢO HIỂM XÃ HỘI TỈNH NINH THUẬN TIẾP NHẬN HỒ SƠ VÀ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Ngày 20 tháng 9 năm 2023, tại Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 01/2023/TLPT-LĐ ngày 10 tháng 8 năm 2023 về việc“Yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Toà án nhân dân thành phố P – T, tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 01/2023/QĐ-PT ngày 05 tháng 9 năm 2023, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1959 (Có mặt); Địa chỉ: Đ, thôn Ú, xã M, huyện N, tỉnh Ninh Thuận.

- Bị đơn: Bảo hiểm xã hội tỉnh N;

Địa chỉ: Số A đường H, phường T, thành phố P - T, tỉnh Ninh Thuận.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Mạnh T1 – Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền:

+ Ông Trần Thanh P, sinh năm 1965 – Trưởng phòng Thanh tra Kiểm tra Bảo hiểm xã hội tỉnh N (Có mặt);

+ Ông Cao Chí T2, sinh năm 1968 – Phó trưởng phòng phụ trách – Phòng chế độ Bảo hiểm xã hội – Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận (Có mặt).

- Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

+ Trung tâm Y tế huyện N, tỉnh Ninh Thuận;

Địa chỉ: Quốc lộ B, thôn T, xã Q, huyện N, tỉnh Ninh Thuận.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Q K – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm y tế huyện N (Xin xét xử vắng mặt).

+ Trạm Y tế xã M, huyện N, tỉnh Ninh Thuận;

Người đại diện theo pháp luật: Bà Trần Thị Kim D – Trưởng Trạm y tế xã M (Xin xét xử vắng mặt)

- Người kháng cáo: Ông Nguyễn Văn T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Nguyễn Văn T trình bày:

Ông Nguyễn Văn T công tác tại Trung tâm Y tế huyện N, tỉnh Ninh Thuận từ năm 1997, đến năm 1999, ông T được điều động về nhận công tác tại Trạm Y tế xã M với công việc là Y sỹ đa khoa, chuyên trách chương trình Lao quốc gia tại Trạm Y tế xã M từ năm 2000 đến năm 2004. Từ tháng 7/2012 đến năm 2018, công việc hàng ngày của ông T là khám chữa bệnh và trực cấp cứu.

Tháng 12/2012, ông T bị bệnh và nằm viện nội trú tại Bệnh viện tỉnh N thì phát hiện nhiễm bệnh nghề nghiệp là lao phổi và viêm gan siêu vi B. Năm 2018, ông T yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh N giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp là bệnh lao phổi nhưng không được giải quyết nên ông khởi kiện ra Toà án và đã được Toà án nhân dân thành phố P – T giải quyết theo Bản án số 01/2019/LĐ-ST ngày 18/01/2019, Toà án nhân dân tỉnh Ninh Thuận giải quyết theo Bản án số 01/2019/LĐ-PT ngày 12/6/2019, theo đó chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông T. Bảo hiểm xã hội N đã chi trả chế độ bệnh nghề nghiệp đối với bệnh lao phổi cho ông T. Ông Nguyễn Văn T nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí từ 25/12/2019.

Ngày 13/12/2022, ông Nguyễn Văn T khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân thành phố P – T buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp Viêm gan siêu vi B cho ông. Lý do: Hồ sơ bệnh nghề nghiệp lao phổi lần 1 không có bệnh viêm gan siêu vi B vì ông điều trị nội trú tại Bệnh viện tỉnh N, lúc vào viện “Dò hậu môn. Chẩn đoán lúc ra viện: theo dõi lao phổi, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, viêm gan siêu vi B/trên dò hậu môn”. Từ ngày 18/12/2012 đến 20/12/2012, Hội chẩn chuyên môn và chuyển ông T sang Bệnh viện lao phổi tỉnh N tiếp tục điều trị bệnh lao phổi nên chỉ có bệnh án lao phổi. Vì vậy, ông T không có giấy ra viện thời điểm đó để có hồ sơ bệnh án viêm gan siêu vi B. Ngày 26/8/2019, ông T tìm lại hồ sơ, bệnh án lưu trữ tại Bệnh viện tỉnh N để lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp viêm gan siêu vi B lần 2. Ngày 23/3/2020, ông T nộp hồ sơ lần 2 bệnh nghề nghiệp viêm gan siêu vi B. Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận không chấp nhận và được trả lời bằng văn bản số 380/BHXH-CĐBHXH ngày 18/5/2020. Không đồng ý kết quả này, ông T khiếu nại đến B và đã rút đơn khiếu nại. Ngày 23/3/2021, ông T tiếp tục nộp đơn yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh N giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp và được trả lời tại Công văn số 241/BHXH- CĐBHXH ngày 08/7/2021. Ngày 13/12/2022, ông Nguyễn Văn T nộp đơn khởi kiện yêu cầu Toà án nhân dân thành phố P – T buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận phải tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp viêm gan siêu vi B.

Theo văn bản trình bày ngày 27/3/2023 và trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên toà, đại diện theo uỷ quyền của bị đơn trình bày:

Vào năm 2019, Bảo hiểm xã hội tỉnh N đã giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp lao phổi cho ông T. Sau đó ông T nghỉ hưu và đã hưởng chế độ hưu trí từ ngày 25/12/2019.

Ngày 23/3/2021, Bảo hiểm xã hội tỉnh N tiếp nhận hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp của ông Nguyễn Văn T do viêm gan siêu vi B, số sổ bảo hiểm xã hội 4499000752, có thời gian công tác tại Trạm Y tế xã M thuộc Trung tâm Y tế huyện N. Để có cơ sở giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn T, Bảo hiểm xã tỉnh N đã tiến hành rà soát hồ sơ và tổ chức xác minh, thu thập hồ sơ tại các đơn vị có liên quan, kết quả ghi nhận như sau: Qua rà soát hồ sơ, Bảo hiểm xã hội tỉnh N nhận thấy ông T cung cấp hồ sơ không đúng, đủ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 88/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc. Cụ thể, không cung cấp được kết quả đo đạc, quan trắc môi trường lao động đối với trường hợp điều trị xong, ra viện trước ngày 01/7/2016 mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động. Mặt khác, sổ bảo hiểm xã hội của ông Nguyễn Văn T không thể hiện chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để bảo đảm điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi làm việc trong môi trường hoặc nghề nghiệp có yếu tố độc hại theo quy định tại Điều 44 luật bảo hiểm xã hội năm 2014 “Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y và Bộ L ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại”. Ông Nguyễn Văn T đã được giải quyết hưởng chế độ hưu trí với quá trình công tác không có làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ L – Thương binh và Xã hội quy định.

Tổ chức xác minh tại Trạm Y tế xã M và Trung tâm Y tế huyện N, kết quả xác minh được các bên thống nhất và lập biên bản làm việc thể hiện những nội dung chính sau đây: Các quyết định phân công nhiệm vụ của Trung tâm Y tế huyện N, biên bản họp và bảng phân công nhiệm vụ của Trạm Y tế xã M không thể hiện công việc ông T được phân công thực hiện khám điều trị bệnh viêm gan B từ tháng 01/1999 đến tháng 12/2012. Từ tháng 9/2011 – 12/2012, ông T không hưởng các loại phụ cấp độc hại, nguy hiểm liên quan đến bệnh viêm gan B. Trung tâm Y tế huyện N và Trạm Y tế xã M không cung cấp được: Danh sách bệnh nhân, đơn thuốc, chứng từ, sổ sách theo dõi công tác khám, chữa bệnh (bệnh nhân lao, bệnh nhân bị tai nạn được tiêm chích thuốc, cấp cứu bệnh nhân bị tai nạn giao thông, bệnh nhân bị viêm gan siêu vi B) do ông Nguyễn Văn T trực tiếp khám, điều trị từ 01/1999 đến tháng 12/2012. Trung tâm Y tế huyện N không thể xác định được thời điểm lây nhiễm và nguồn lây nhiễm viêm gan siêu vi B của ông T khi công tác tại Trạm Y tế xã M từ 1999 - 2012. Quá trình điều trị bệnh Viêm gan siêu vi B của ông T, đơn vị hoàn toàn không biết.

Ông Nguyễn Văn T khởi kiện là không có căn cứ nên Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận đề nghị Hội đồng xét xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Trung tâm Y tế huyện N, Trạm Y tế xã M, huyện N trình bày:

Ông Nguyễn Văn T được phân công là Y sỹ - Phó Trạm Y tế xã M từ năm 1999 đến 2019. Từ tháng 7/2012 đến nay ông T bị nhiễm bệnh “Viêm gan siêu vi B”. Thời gian từ năm 2000 đến năm 2019 Trạm y tế không tiến hành quan trắc môi trường lao động tại Trạm y tế xã M.

Thời gian lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp của ông T cơ quan đã ký xác nhận các chứng từ đầy đủ theo thủ tục quy định. Năm 2020, ông T đã nghỉ hưu theo chế độ, đề nghị cho ông T được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 04/7/2023 của Tòa án nhân dân thành phố P – T, tỉnh Ninh Thuận đã quyết định:

Căn cứ:

Điều 5, Điều 6, điểm d khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 91, Điều 147, Điều 271, Điều 273 của Bộ Luật tố tụng dân sự; Điều 143, 145, 152 Bộ Luật lao động sửa đổi, bổ sung năm 2015, Luật lao động sửa đổi, bổ sung năm 2018 ; Điều 46 Luật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 2, Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội; Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y; Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y; Điều 12, Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T về việc yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp Viêm gan siêu vi B cho ông Nguyễn Văn T. Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 13 tháng 7 năm 2023, nguyên đơn ông Nguyễn Văn T kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc thẩm hủy bản án lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Toà án nhân dân thành phố P – T, tỉnh Ninh Thuận. Vì Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cụ thể là thay đổi ngày xét xử, thay đổi hội đồng xét xử, kiểm sát viên nhưng không thông báo cho ông T biết; Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hạn chế quyền tranh luận, thiên vị bênh vực cho bị đơn dẫn đến bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông.

Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Ninh Thuận phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án:

- Hội đồng xét xử, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện đúng thủ tục tố tụng từ khi thụ lý vụ án cũng như tại phiên tòa. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt có đơn được vắng mặt nên đề nghị Tòa án vẫn tiến hành xét xử.

- Ông Nguyễn Văn T không cung cấp được chứng cứ để chứng minh thời điểm bị lây, nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B cũng như nguyên nhân bị lây, nhiễm. Hồ sơ khám chữa bệnh do ông T cung cấp không chứng minh được có phải xuất phát từ việc khám chữa bệnh tại nơi ông làm việc dẫn đến bị lây nhiễm hay không.

Do đó, đề nghị Tòa án bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn T; Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Thủ tục tố tụng [1.1] Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt đã có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết vắng mặt nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[1.2] Nguyên đơn đồng thời là người kháng cáo giữ nguyên yêu cầu khởi kiện cũng như yêu cầu kháng cáo. Nguyên đơn và bị đơn không thỏa thuận giải quyết vụ án. Tại phiên tòa, đương sự không tranh luận.

[2] Xét nội dung kháng cáo của ông Nguyễn Văn T cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng [2.1] Tòa án cấp sơ thẩm thay đổi ngày, giờ theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử có thông báo cho ông Nguyễn Văn T biết để ông T thực hiện quyền tham gia phiên tòa nên nội dung kháng cáo này của ông T không có căn cứ.

[2.2] Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử thì Viện Kiểm sát nhân dân thành phố P – T có Quyết định thay đổi Kiểm sát viên. Tại phiên tòa, Thẩm phán đã giới thiệu họ tên và việc thay đổi Hội thẩm nhân dân cũng như Kiểm sát viên nhưng ông Thành không phản đối. Biên bản phiên tòa thể hiện ông Nguyễn Văn T được tranh luận theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự nên kháng cáo về thủ tục tố tụng của ông T không có căn cứ.

[2.3] Phạm vi kháng cáo của ông Nguyễn Văn T là toàn bộ bản án sơ thẩm nên Tòa án cấp phúc thẩm rút kinh nghiệm Tòa án cấp sơ thẩm đối với việc thụ lý vụ án và hòa giải không đưa Trung tâm Y tế huyện N và Trạm Y tế xã M vào tham gia tố tụng, hòa giải với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thế nhưng Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Bản án lại đưa các chủ thể này vào tham gia tố tụng nhưng không tiến hành thủ tục hòa giải là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

[3] Xét nội dung giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm liên quan đến yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn T:

[3.1] Theo Công văn số 87/TTGĐYK-PY-KGĐYK ngày 29/3/2022 của Trung Tâm G (Cơ quan thường trực của Hội đồng giám định Y khoa Ninh Thuận là đơn vị có chức năng thực hiện khám bệnh, điều trị bệnh nghề nghiệp) thì để được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp đối với bệnh viêm gan siêu vi B, đối tượng bệnh phải chứng minh được nguồn lây nhiễm trong quá trình lao động, phục vụ bệnh nhân của mình vì bệnh viêm gan siêu vi B chỉ lây qua đường máu và đường tình dục nên người bị nhiễm phải chứng minh được quá trình lây nhiễm này, trong y học gọi là phơi nhiễm với bệnh qua việc lấy máu của bệnh nhân, sơ ý để kim tiêm có máu người bệnh đâm vào tay mình hoặc vô tình bản thân bị máu, sinh phẩm của bệnh nhân bắn vào mắt, vào vết thương trên da của mình. Quá trình phơi nhiễm này phải được cơ quan sử dụng lao động lập thành biên bản, coi đây là biên bản tai nạn lao động. Sau phơi nhiễm thời hạn từ 03 đến 06 tháng, người lao động xét nghiệm có dương tính với bệnh viêm gan siêu vi B mà trước đó người lao động được xác định chưa mắc bệnh này thì được xác định là bệnh nghề nghiệp. Ông Nguyễn Văn T cho rằng bị nhiễm viêm gan siêu vi B trong thời gian từ khoảng tháng 6/2012 đến tháng 12/2012 là do tiếp xúc với bệnh nhân nhưng ông T không biết mình bị phơi nhiễm lúc nào. Ông T không chứng minh được thời gian cụ thể và nguồn lây nhiễm viêm gan siêu vi B của ông T là từ đâu, có phải xuất phát từ việc khám chữa bệnh hay không.

[3.2] Theo Điều 2 Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp quy định: “Đối tượng phải khám phát hiện bệnh nghề nghiệp là người lao động tiếp xúc với các yếu tố có hại có khả năng mắc bệnh nghề nghiệp, ...” và “cơ sở y tế có đủ điều kiện khám bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật khám bệnh, chữa bệnh thực hiện việc khám sức khoẻ trước khi bố trí làm việc, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động, khám định kỳ cho người lao động mắc bệnh nghề nghiệp”. Cơ sở khám bệnh nghề nghiệp thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh N là đơn vị có chức năng thực hiện khám bệnh, điều trị bệnh nghề nghiệp theo Giấp phép số 289/NT-GPHĐ do Sở Y tế tỉnh N cấp ngày 09/8/2019 đã khám bệnh cho ông Nguyễn Văn T vào ngày 10/9/2020, phát hiện ông Nguyễn Văn T mắc bệnh Tăng huyết áp, Tiểu đường tuýp II và nhiễm viêm gan vi rút B mạn tính.

[3.3] Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, quy định danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh nghề nghiệp, Phụ lục 30 (hướng dẫn chẩn đoán, giám định suy giảm khả năng lao động do bệnh Viêm gan vi rút B nghề nghiệp) quy định giới hạn tiếp xúc tối thiểu là mức tiếp xúc thấp nhất với yếu tố có hại trong quá trình lao động để có thể gây nên bệnh nghề nghiệp. Theo đó, yếu tố gây bệnh được ghi nhận trong phần đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp của báo cáo kết quả quan trắc môi trường lao động; Hoặc Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính theo quy định hiện hành trong trường hợp bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Quá trình điều trị bệnh thì ông T không cung cấp các tài liệu trên cho Trung tâm K nên không thể xác định được thời điểm ông T bị nhiễm viêm gan siêu vi B.

[3.4] Điều 8 Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30-6-2016 của Bộ Y hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp thì ông T phải cung cấp hồ sơ khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để cơ sở khám bệnh nghề nghiệp xác định bệnh nghề nghiệp gồm: Kết quả thực hiện quan trắc môi trường lao động; Biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính thực hiện theo mẫu quy định tại phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp bị bệnh nghề nghiệp cấp tính mà tại thời điểm xảy ra bệnh nghề nghiệp cấp tính chưa kịp xác định được mức tiếp xúc yếu tố có hại; Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án bệnh có liên quan đến bệnh nghề nghiệp (nếu có).

[3.5] Ông Nguyễn Văn T cung cấp được chứng cứ, không chứng minh được nguồn lây nhiễm, nguyên nhân lây nhiễm, thời gian, địa điểm bị lây nhiễm bệnh viêm gan siêu vi B nên Tòa án cấp sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T là có căn cứ. Ông Nguyễn Văn T kháng cáo nhưng không cung cấp thêm chứng cứ mới nên Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận quan điểm giải quyết của Kiểm sát viên tại phiên tòa; Bác toàn bộ kháng cáo của ông Nguyễn Văn T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Vụ án tranh chấp về lao động nên ông Nguyễn Văn T không phải chịu án phí sơ thẩm cũng như án phí phúc thẩm lao động.

Vì các lẽ trên, căn cứ Điều 308 khoản 1 của Bộ luật tố tụng dân sự;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng:

Điều 32 khoản 1 điểm d; Điều 147 khoản 1; Điều 148 khoản 1; Điều 313 khoản 6 của Bộ Luật tố tụng dân sự; Điều 143, 145, 152 Bộ Luật lao động sửa đổi, bổ sung năm 2015, 2018; Điều 46 Luật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 2, Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội; Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y; Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ Y; Điều 12, Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Bác toàn bộ kháng cáo của ông Nguyễn Văn T, giữ nguyên bản án Lao động sơ thẩm số 01/2023/LĐ-ST ngày 04 - 7 - 2023 của Tòa án nhân dân thành phố P – T, tỉnh Ninh Thuận.

- Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận về việc yêu cầu Bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp viêm gan siêu vi B.

- Ông Nguyễn Văn T không phải chịu án phí lao động sơ thẩm cũng như án phí lao động phúc thẩm.

Trường hợp Bản án, Quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được Thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận Thi hành án, quyền yêu cầu Thi hành án, tự nguyện Thi hành án hoặc bị cưỡng chế Thi hành án theo quy định các Điều 6, 7 và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu Thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

Án xử công khai phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (20/9/2023).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

411
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án về yêu cầu bảo hiểm xã hội tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận hồ sơ và giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp số 01/2023/LĐ-PT

Số hiệu:01/2023/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Ninh Thuận
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:20/09/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về