Bản án về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền bảo hiểm thất nghiệp số 02/2022/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN LONG THÀNH, TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 02/2022/LĐ-ST NGÀY 30/08/2022 VỀ VIỆC TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG, TIỀN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP

Trong ngày 26/8/2022 và 30/8/2022, tại Tòa án nhân dân huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 14/2022/TLST – LĐ ngày 24/3/2022 về “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền bảo hiểm thất nghiệp” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 02/2022/QĐXXST– LĐ ngày 04/8/2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1980.

Địa chỉ: Số nhà A, hẻm B, tổ C, ấp D, xã AP, huyện LT, tỉnh Đồng Nai.

- Bị đơn: Công ty TNHH BS Technology.

Địa chỉ: đường A, khu CNTL, xã TA, huyện LT, Đồng Nai.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Minh Đ – Trưởng phòng nhân sự.

Địa chỉ: Tổ C, khu KS, thị trấn LT, huyện LT, tỉnh Đồng Nai (Văn bản ủy quyền ngày 05/4/2022) Ông H, ông Đ có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, biên bản hòa giải và tại phiên tòa, nguyên đơn ông Nguyễn Văn H trình bày:

Ông bắt đầu làm việc tại Công ty TNHH BS Technology vào khoảng tháng 9/2017, đã ký 02 hợp đồng lao động nhưng không nhớ rõ nội dung. Ngày 01/01/2020, hai bên tiếp tục ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, công việc của ông là tổ phó bộ phận điện, mức lương cơ bản 5.020.000đ/tháng, tiền chuyên cần 500.000đ/tháng.

Do dịch bệnh Covid, từ tháng 7/2021, Công ty cho khoảng 70% công nhân nghỉ không lương, còn khoảng 30% làm việc 3 tại chỗ. Ông thuộc trường hợp nghỉ việc không lương. Ngày 27/9/2021, ông có đơn xin nghỉ việc và ấn định ngày nghỉ của mình trong đơn là ngày 15/10/2021. Giữa tháng 10/2021 ông nghe nói Công ty đã cho toàn bộ công nhân đi làm nhưng lại không gọi ông đi làm. Ông gọi điện nhiều lần cho chị Loan nhân viên phòng nhân sự nhưng chị Loan nói Tổng giám đốc không ký đơn xin thôi việc của ông. Tháng 10/2021, ông nhờ ông Trần Văn Thao là Trưởng bộ phận điện của công ty đưa sổ bảo hiểm cho phòng nhân sự để chốt sổ bảo hiểm cho ông nhưng ông không nhận được sổ bảo hiểm.

Tại Tòa án, ông được Công ty cho biết đã ban hành Quyết định nghỉ việc và tháng 3/2022 đã chốt sổ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, ông đã trực tiếp nhận Quyết định thôi việc và sổ bảo hiểm xã hội nên xin rút lại 02 yêu cầu khởi kiện là buộc Công ty ban hành quyết định nghỉ việc và buộc Công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông. Sau khi được Tòa án công khai chứng cứ, ông xác định bắt đầu vào làm việc tại Công ty từ tháng 9/2017 (trước đây ông khởi kiện xác định ngày vào làm việc là tháng 9/2016). Vì vậy, đối với các khoản yêu cầu bồi thường, ông H cũng xin thay đổi cho chính xác với thời gian làm việc.

Ông H khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH BS Technology phải thanh toán các khoản bồi thường:

- Trợ cấp thôi việc: 05 năm x ½ x 5.520.000đ = 13.800.000đ.

- Tiền bảo hiểm thất nghiệp: 60% x 5.020.000đ x 5 tháng = 15.060.000đ.

- Bồi thường 45 ngày lương: 8.280.000đ.

- Bồi thường theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 hỗ trợ người lao động không hưởng lương do đại dịch Covid là: 3.710.000đ.

- Bồi thường tháng lương thứ 13 năm 2021 là: 5.520.000đ. Tổng cộng ông H yêu cầu Công ty bồi thường: 46.370.000đ.

* Theo bản tự khai, Biên bản hòa gải và tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bị đơn, ông Nguyễn Minh Đ trình bày:

Ông Nguyễn Văn H vào Công ty TNHH BS Technology làm việc từ ngày 04/9/2017, vị trí công nhân tổ điện, có ký hợp đồng học nghề thời hạn từ ngày 04/9/2017 đến ngày 03/11/2017 với mức lương 4.800.000đ/tháng.

Ngày 04/11/2017 Công ty ký hợp đồng lần 2, thời hạn từ ngày 04/11/2017 đến ngày 31/12/2017 mức lương 4.800.000đ/tháng.

Ngày 01/01/2018, Công ty ký hợp đồng lần 3 từ ngày 01/8/2018 đến ngày 31/12/2018, chức danh Tổ phó bộ phận điện, mức lương 5.050.000đ/tháng.

Ngày 01/01/2019, Công ty ký tiếp hợp đồng lần thứ 4, thời hạn từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019 chức danh Tổ phó bộ phận điện, mức lương 5.280.000đ/tháng.

Ngày 01/01/2020, Công ty ký tiếp hợp đồng lần 5 không xác định thời hạn, chức danh Tổ phó bộ phận điện, mức lương 6.520.000đ/tháng. Đến tháng 3/2021 tăng thêm 200.000đ/tháng, tổng lương là 6.720.000đ/tháng.

Do tình hình dịch bệnh Covid, Công ty cho 70% công nhân viên nghỉ không lương, còn 30% làm việc 03 tại chỗ. Do bộ phận điện không còn việc làm nên Công ty cho ông H nghỉ không lương bắt đầu từ ngày 14/7/2021. Đến ngày 27/9/2021 ông H viết đơn xin nghỉ việc với lý do lương không đủ sống. Ngày 27/10/2021, căn cứ vào đơn xin thôi việc, Công ty ra quyết định cho ông H nghỉ việc.

Ngày 28/10/2021, phòng nhân sự Công ty gọi điện cho ông H theo số điện thoại trong hồ sơ là 0128.333.5476 nhưng không liên lạc được, ông H cũng không liên lạc với Công ty để giao quyết định thôi việc và chốt sổ bảo hiểm xã hội. Ngày 01/3/2022, ông H đến phòng bảo vệ Công ty nộp sổ bảo hiểm xã hội và phòng nhân sự đã chốt sổ bảo hiểm xã hội xong ngày 17/3/2022.

Nay, ông H có đơn khởi kiện, Công ty có ý kiến như sau:

- Đối với yêu cầu khởi kiện buộc Công ty đã ban hành quyết định cho ông H nghỉ việc và chốt sổ bảo hiểm xã hội thì Công ty đã thực hiện xong, ông H xin rút đối với yêu cầu này, Công ty không có ý kiến gì.

- Tiền trợ cấp thôi việc: Công ty chỉ chấp nhận trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông H khoảng thời gian đầu chưa tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp là 0,4 năm x ½ x 5.020.000đ = 1.004.000đ. Sau khi Công ty đóng bảo hiểm thất nghiệp cho ông H thì việc chi trả thuộc về Bảo hiểm xã hội.

- Tiền bảo hiểm thất nghiệp: Số tiền này Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả.

- Bồi thường 45 ngày lương: Công ty không vi phạm. Người lao động xin thôi việc chứ Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng nên Công ty không bồi thường.

- Bồi thường theo Nghị quyết 68: Tiền hỗ trợ do dịch bênh Covid sẽ do Bảo hiểm xã hội chi trả.

- Bồi thường lương tháng 13: Theo Luật lao động thì không bắt buộc Công ty phải chi trả số tiền này.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Thành có ý kiến:

- Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và Thư ký: Về việc thụ lý vụ án, xác định quan hệ pháp luật, tư cách tố tụng, về việc xác minh, thu thập các tài liệu chứng cứ vụ án và thời hạn chuẩn bị đưa vụ án ra xét xử đều được Thẩm phán thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

- Về nội dung vụ án:

Qua xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự và tranh luận, đề nghị Hội đồng xét xử:

+ Đình chỉ đối với phần yêu cầu khởi kiện mà nguyên đơn đã rút trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa.

+ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc bị đơn thanh toán tiền trợ cấp thôi việc, tiền trợ cấp thất nghiệp, bồi thường theo Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính Phủ và tiền thưởng năm 2021.

+ Đối với các yêu cầu khác, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng:

- Thẩm quyền giải quyết vụ án: Bị đơn Công ty TNHH BS Technology (gọi tắt là Công ty) có trụ sở ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nên Tòa án nhân dân huyện Long Thành thụ lý, giải quyết là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, Điều 35 và điểm a, khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.

- Về quan hệ pháp luật: Ông Nguyễn Văn H khởi kiện yêu cầu Tòa án xem xét, giải quyết việc Công ty TNHH BS Technology đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, buộc Công ty bồi thường các khoản liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp theo luật việc làm. Do đó, Tòa án nhân dân huyện Long Thành căn cứ vào khoản 1 Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự xác định quan hệ là “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền bảo hiểm thất nghiệp”.

- Quá trình giải quyết vụ án, Công ty đã ban hành Quyết định thôi việc và chốt sổ bảo hiểm xã hội cho ông H, ông H đã nhận. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông H xin rút một phần yêu cầu khởi kiện về việc buộc Công ty ban hành Quyết định thôi việc và chốt sổ bảo hiểm xã hội nên Hội đồng xét xử đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện.

- Khi khởi kiện vụ án, ông H xác định vào làm việc tại Công ty từ tháng 9/2016, nhưng qua phiên họp công khai chứng cứ, ông H xác định vào Công ty làm việc từ tháng 9/2017. Từ đó, ông H đã có bản tự khai và tại phiên tòa cũng xin thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện. Việc ông H thay đổi một phần yêu cầu khởi kiện cho phù hợp với hợp đồng lao động là không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên chấp nhận.

[2] Nội dụng vụ án:

Qua các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện: Ông Nguyễn Văn H vào Công ty TNHH BS Technology làm việc từ ngày 04/9/2017, vị trí công nhân tổ điện, có ký hợp đồng học nghề thời hạn từ ngày 04/9/2017 đến ngày 03/11/2017 với mức lương 4.800.000đ/tháng. Ngày 04/11/2017 hai bên ký hợp đồng lần 2, thời hạn từ ngày 04/11/2017 đến ngày 31/12/2017 mức lương cơ bản 4.220.000đ/tháng, ngoài ra có các khoản phụ cấp nên tổng cộng 4.800.000đ/tháng. Ngày 01/01/2018, hai bên ký hợp đồng lần 3 từ ngày 01/8/2018 đến ngày 31/12/2018, mức lương cơ bản 4.480.000đ/tháng, tổng cộng thu nhập 5.050.000đ/tháng. Ngày 01/01/2019, hai bên ký tiếp hợp đồng lần thứ 4, chức danh Tổ phó tổ điện, thời hạn từ ngày 01/01/2019 đến ngày 31/12/2019, mức lương cơ bản 4.704.000đ/tháng, tổng thu nhập 5.280.000đ/tháng. Ngày 01/01/2020, hai bên ký tiếp hợp đồng lần thứ 5 không xác định thời hạn, mức lương cơ bản đóng bảo hiểm xã hội là 5.020.000đ/tháng, tổng thu nhập 5.520.000đ/tháng.

Tại phiên tòa, ông Đ là người đại diện theo ủy quyền của Công ty xác định mức lương trong hợp đồng lao động với ông H thể hiện đúng như nêu trên, nhưng từ tháng 01/2020, căn cứ vào tình hình thực tế, Công ty hỗ trợ phụ cấp cho ông H thêm 1.000.000đ/tháng nên mức lương thực tế là 6.520.000đ/tháng; Đến tháng 3/2021, Công ty tăng thêm 200.000đ/tháng, tổng lương là 6.720.000đ/tháng, nhưng mức lương đóng bảo hiểm xã hội vẫn là 5.020.000đ/tháng. Do tình hình dịch bệnh nên hai bên không ký phụ lục hợp đồng được.

Ông H cũng thừa nhận mức lương thực tế ông H nhận từ tháng 01/2020 là 6.520.000đ/tháng, từ tháng 3/2021 cho đến trước khi nghỉ việc mức lương là 6.720.000đ/tháng Do tình hình dịch bệnh Covid 19 nên bắt đầu từ tháng 7/2021, Công ty cho 70% công nhân viên nghỉ không lương, còn 30% làm việc 03 tại chỗ, trong đó ông H thuộc trường hợp nghỉ không lương. Ngày 27/9/2021 ông H viết đơn xin nghỉ việc với lý do lương không đủ sống, tự ấn định ngày nghỉ việc là 15/10/2021. Mặc dù ông H tự ấn định ngày nghỉ là ngày 15/10/2021 chưa phù hợp với quy định của Bộ luật lao động, nhưng người lao động cũng đang trong quá trình nghỉ không lương, chưa biết ngày nào sẽ tiếp tục đi làm và đến ngày 27/10/2021, Công ty ra quyết định cho ông H nghỉ việc. Tại phiên tòa ông H xác định đơn xin nghỉ việc là do ông H nhờ người khác viết giúp dựa trên cơ sở ý chí tự nguyện của ông H. Như vậy, ông H viết đơn xin thôi việc và được công ty chấp nhận nên thuộc trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật lao động.

Đối với các yêu cầu khởi kiện của ông H, xét thấy:

[2.1] Tiền trợ cấp thôi việc:

Ông Nguyễn Văn H đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty nên căn cứ Điều 46 Bộ luật lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

Theo lời trình bày của các đương sự và Sổ bảo hiểm xã hội có trong hồ sơ vụ án thì ông H làm việc tại Công ty từ ngày 04/9/2017 đến hết tháng 7/2021. Bắt đầu từ tháng 11/2017, ông H được Công ty ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn và bắt đầu đóng bảo hiểm thất nghiệp. Như vậy, thời gian ông H chưa tham gia bảo hiểm bắt buộc là từ tháng 9/2017 đến tháng 11/2017. Căn cứ điểm c, khoản 3 và khoản 5 Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động thì tiền trợ cấp thôi việc của ông H được tính như sau:

0,5 năm x ½ x (6.720.000đ x 5 + 6.520.000đ)/6 = 1.672.000đ. [2.2] Tiền bảo hiểm thất nghiệp:

Ngày 27/10/2021, căn cứ vào đơn xin thôi việc của ông H, Công ty ban hành quyết định cho ông H nghỉ việc. Ông H xác định khoảng tháng 10/2021, ông đã đưa sổ bảo hiểm đến để Công ty chốt sổ bảo hiểm cho ông. Còn Công ty thì cho rằng tháng 3/2022 ông H mới gửi sổ bảo hiểm xã hội tại phòng bảo vệ. Để làm rõ nội dung vụ việc, Tòa án nhân dân huyện Long Thành đã liên hệ qua điện thoại với chị Loan – trước đây là trưởng phòng nhân sự, đề nghị chị Loan cung cấp họ, địa chỉ nhưng chị Loan từ chối và cho biết bận nhiều việc nên không đến Tòa án được. Trao đổi qua điện thoại trước sự chứng kiến của ông H, ông Đ thì chị Loan xác nhận ông H giao sổ bảo hiểm trước tết âm lịch, nhưng do Công ty còn nợ tiền bảo hiểm xã hội nên không chốt sổ bảo hiểm cho ông H được. Tại phiên tòa, ông Đ cũng xác nhận đến khoảng tháng 1, 2 năm 2022, Công ty mới đóng hết tiền bảo hiểm xã hội nên tới tháng 3/2022 mới chốt sổ bảo hiểm cho người lao động.

Như vậy, có đủ căn cứ xác định ông H đã giao sổ bảo hiểm cho Công ty nhưng mãi tháng 3/2022 Công ty mới chốt sổ bảo hiểm cho người lao động.

Theo khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 và văn bản trả lời số 806/CV-DVVK ngày 08/7/2022 của Trung tâm dịch vụ việc làm – Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai thì trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp. Sau khi ông H nghỉ việc, Công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội kịp thời là đã vi phạm Điều 48 Bộ luật lao động, khiến ông H không nộp hồ sơ đúng hạn và đến nay thì đã quá thời hạn nộp hồ sơ theo quy định nên không được truy lĩnh tiền trợ cấp thất nghiệp.

Tại phiên tòa, ông H xác định đến nay ông H vẫn chưa có việc làm, Công ty TNHH BS Technology cũng mới trả sổ bảo hiểm cho người lao động và cũng không xác định được ông H có đi làm việc nơi khác hay không.

Việc ông H không được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp để khắc phục những khó khăn do không có việc làm, nhất là trong thời gian dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp và rất nguy hiểm là do lỗi của Công ty TNHH BS Technology. Vì vậy, cần buộc Công ty phải bồi thường cho ông H tiền trợ cấp thất nghiệp lẽ ra ông H được hưởng theo quy định của pháp luật để tránh gây thiệt thòi cho người lao động.

Theo khoản 2 Điều 50 Luật việc làm quy định: cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Ông H đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 11/2017 đến tháng 7/2021, tổng cộng 44 tháng với mức lương trung bình đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối cùng trước khi nghỉ việc là 5.020.000đ/tháng. Căn cứ khoản 1, 2 Điều 50 Luật việc làm, ông H được hưởng 03 tháng tiền trợ cấp thất nghiệp, được tính như sau:

60% x 5.020.000đ x 03 tháng = 9.036.000đ.

[2.3] Bồi thường 45 ngày lương.

Theo ông H, bắt đầu từ tháng 10/2021 người lao động đã trở lại làm việc nhưng Công ty lại không gọi ông đi làm. Lẽ ra từ khi ông nộp đơn xin nghỉ việc đến khi có quyết định nghỉ việc thì ông vẫn được đi làm 45 ngày và hưởng lương trong những ngày này. Vì vậy, ông H yêu cầu Công ty phải bồi thường 45 ngày lương.

Theo ông Đ thì khoảng tháng 10/2021, một số bộ phận thiếu nhân sự nên Công ty đã gọi công nhân đi làm, nhưng do tình hình dịch bệnh nên sản xuất trì trệ, không có việc làm, nhiều công nhân vẫn nghỉ không lương.

Như vậy, bắt đầu từ tháng 10/2021 Công ty hoạt động trở lại. Xuất phát từ tình hình thực tế gặp nhiều khó khăn sau dịch bệnh nên không phải 100% công nhân trong Công ty TNHH BS Technology đều được gọi đi làm việc. Ngày 27/9/2021, ông H có đơn xin nghỉ việc, ấn định ngày nghỉ là ngày 15/10/2021, đến ngày 27/10/2021 Công ty ban hành quyết định nghỉ việc. Đây cũng là khoảng thời gian ông H nghỉ không lương nên ông H yêu cầu Công ty phải bồi thường 45 ngày lương do không được đi làm là không có căn cứ nên không chấp nhận.

[2.4] Bồi thường theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 hỗ trợ người lao động không hưởng lương do đại dịch Covid:

Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 được Chính Phủ ban hành với mục đích: Hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động. Nguồn tiền hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xuất phát từ ngân sách Nhà nước. Ngày 07/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19.

Đối chiếu với các văn bản nêu trên, ông H thuộc trường hợp nghỉ không lương trên 30 ngày nên được hỗ trợ 3.710.000đ.

Tại Điều 16 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về trình tự thủ tục để người lao động hưởng tiền trợ cấp được thực hiện như sau: Doanh nghiệp đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm và gửi hồ sơ theo quy định đến Ủy ban nhân dân huyện nơi đặt trụ sở chính.

Như vậy, người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm không thể tự mình liên hệ để hưởng tiền hỗ trợ. Theo quy định trên, để ông H được hưởng tiền hỗ trợ của Chính Phủ, Công ty TNHH BS Technology có trách nhiệm lập danh sách đề nghị cơ quan bảo hiểm xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm và nộp hồ sơ đến Ủy ban nhân dân huyện Long Thành để được xem xét. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ- TTg, Công ty TNHH BS Technology đã không lập danh sách, không gửi hồ sơ của ông H đến Ủy ban nhân dân huyện Long Thành nên ông H không được hưởng tiền hỗ trợ từ Chính phủ. Việc ông H không được hỗ trợ kịp thời để khắc phục gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động là do lỗi của Công ty TNHH BS Technology. Vì vậy, cần buộc Công ty phải bồi thường cho ông H số tiền 3.710.000đ.

[2.5] Bồi thường tháng lương thứ 13 năm 2021 là: 5.520.000đ.

Tại phiên tòa, ông H xác định lương tháng thứ 13 chính là tiền thưởng của doanh nghiệp đối với người lao động sau khi kết thúc năm tài chính.

Tại Điều 18 của Thỏa ước lao động tập thể được ký kết giữa người sử dụng lao động là Công ty TNHH BS Technology và Ban chấp hành công đoàn cơ sở đại diện cho tập thể người lao động thì: tùy thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm, người sử dụng lao động sẽ trích thưởng cho người lao động, chế độ thông thường bằng 01 tháng lương đối với người lao động làm việc đủ 12 tháng trở lên; trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì được hưởng tỷ lệ tương ứng theo quy định của Công ty.

Mặc dù đây là tiền thưởng, theo ông Đ trình bày thì Luật lao động không bắt buộc nhưng đã được quy định trong Thỏa ước lao động tập thể đang có hiệu lực do chính Công ty cung cấp. Hơn nữa, theo báo cáo tài chính niên độ từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021 thì lợi nhuận sau thuế của Công ty TNHH BS Technology là 14.738.183.927đ. Trong năm 2021, ông H làm việc hết tháng 6 thì nghỉ không lương, sau đó nghỉ việc. Như vậy, theo Điều 18 Thỏa ước lao động tập thể nêu trên thì ông H được hưởng tỷ lệ thưởng tương ứng với thời gian làm việc. Cụ thể, ông H được hưởng ½ mức lương là:

6.720.000đ : 2 = 3.360.000đ.

Trên cơ sở phân tích nêu trên, tổng số tiền ông H khởi kiện yêu cầu được Tòa án chấp nhận là: 17.778.000đ.

[3] Về án phí LĐ - ST: Công ty TNHH BS Technology phải chịu án phí đối với phần yêu cầu khởi kiện của ông H được Tòa án chấp nhận. Ông H được miễn nộp án phí đối với yêu cầu bồi thường trợ cấp thôi việc, bồi thường thiệt hại 45 ngày lương. Ông H phải nộp án phí đối với một phần yêu cầu bồi thường tiền thưởng là lương tháng thứ 13 không được Tòa án chấp nhận.

Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Long Thành tại phiên tòa phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên ghi nhận.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 32; khoản 1, Điều 35 và điểm a, khoản 1 Điều 39; Điều 203, 220, 235, 264, 266 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự.

- Căn cứ vào Điều 13, 34, 35, 46, 48 Bộ luật lao động; khoản 1, 2 Điều 50 Luật việc làm.

- Áp dụng Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động; khoản 1 Điều 17 của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP ngày 12/3/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật việc làm về bảo hiểm thất nghiệp; Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính Phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19.

- Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1/ Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H đối với Công ty TNHH BS Technology về việc buộc Công ty ban hành Quyết định thôi việc và chốt, trả sổ bảo hiểm xã hội.

2/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H đối với Công ty TNHH BS Technology.

Buộc Công ty TNHH BS Technology phải trả cho ông Nguyễn Văn H số tiền trợ cấp thôi việc là 1.672.000đ, tiền bảo hiểm thất nghiệp là 9.036.000đ, bồi thường khoản tiền hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch covid-19 là 3.710.000đ, tiền thưởng năm 2021 là 3.360.000đ, tổng cộng 17.778.000đ (mười bảy triệu bảy trăm bảy mươi tám ngàn đồng).

3/ Về án phí LĐ – ST: Công ty TNHH BS Technology phải nộp 533.000đ;

Ông H phải nộp 300.000đ án phí Lao động sơ thẩm.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật sân sự năm 2015.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Các đương sự được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

291
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền bảo hiểm thất nghiệp số 02/2022/LĐ-ST

Số hiệu:02/2022/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Long Thành - Đồng Nai
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:30/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về