Bản án về việc tranh chấp đòi tiền lương, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt lao động sớ 241/2023/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

 BẢN ÁN 241/2023/LĐ-PT NGÀY 06/03/2023 VỀ VIỆC TRANH CHẤP ĐÒI TIỀN LƯƠNG, ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG, BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI, TRỢ CẤP KHI CHẤM DỨT LAO ĐỘNG

Vào các ngày 9 tháng 02 và 06 tháng 3 năm 2023 tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 91/2022/TLPT-LĐ ngày 14 tháng 12 năm 2022 về việc “Tranh chấp đòi tiền lương, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt lao động”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 19/2022/LĐ-ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 6499/2022/QĐPT-LĐ ngày 26 tháng 12 năm 2022, quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 502/2023/QĐPT-LĐ ngày 12 tháng 01 năm 2023 và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 1462/2023/QĐPT-LĐ ngày 9 tháng 02 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Lâm Trần Xuân T, sinh năm 1999. Trú tại: Phường M, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Lâm Xuân N, sinh năm 1965. Trú tại: Phường M, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ liên lạc: phường L, Quận I, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Hợp đồng ủy quyền ngày 08/10/2022)

- Bị đơn: Công ty TNHH E. Trụ sở: Phường A, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Trần Bá K – Chủ tịch công ty.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Phạm Đình Q và bà Huỳnh Kim D. Cùng địa chỉ liên lạc: phường V, thành phố Đ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Theo Giấy ủy quyền số 06/2022/GUQ-CT/THADICO ngày 10/6/2022).

- Người kháng cáo: ông Lâm Trần Xuân T, là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện ngày 02 tháng 10 năm 2020, nguyên đơn ông Lâm Trần Xuân T trình bày:

Ông là nhân viên làm việc tại bộ phận thu ngân của Công ty TNHH E (Sau đây viết tắt là Công ty), đây là công việc mang tính chất thường xuyên nhưng ông chỉ được Công ty ký kết 04 hợp đồng thời vụ với thời hạn của các hợp đồng liên tục với nhau.

Quá trình làm việc tháng nào ông cũng bị Công ty gian lận, trả lương không đầy đủ, trả lương không đúng với hợp đồng và quy định của pháp luật. Công ty không trả cho ông những khoản tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với những tháng Công ty không mua bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho ông.

Các hành vi coi thường và vi phạm pháp luật của Công ty như sau: Ký kết hợp đồng lao động trái pháp luật; không trả những khoản tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp đối với những tháng Công ty không mua bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; gian lận, trả lương không đủ, không đúng với hợp đồng và quy định của pháp luật; chèn ép, ức hiếp, phân công công việc, sắp xếp thời gian nghỉ dùng cơm giữa ca, bố trí sắp xếp thời gian làm trái với quy định của pháp luật làm cho người lao động không có thời gian để nghỉ ngơi tái phục hồi sức lao động trước khi sang ca làm việc mới; đuổi không cho ông vào làm việc, bắt ép ông viết đơn xin nghỉ việc; gây khó khăn, cản trở không cho ông thực hiện quyền khiếu nại; trốn tránh trách nhiệm không giải quyết các khiếu nại; đỗ lỗi cho thuộc cấp để trốn tránh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra; không thụ lý và giải quyết các khiếu nại của ông; không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại; hành vi vi phạm pháp luật của Công ty đã gây tổn thất về sức khỏe, tinh thần và mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức cho việc khiếu nại và khởi kiện.

Mặc dù, ông đã phán ánh và khiếu nại những vấn đề nêu trên nhưng không được Công ty giải quyết nên ông khởi kiện yêu cầu Công ty bồi thường và hoàn trả tiền lương; những thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín với tổng số tiền 466.771.000 đồng, cụ thể như sau:

- Trả lương cho những ngày không được làm việc do hành vi vi phạm pháp luật của Công ty là 54.000.000 đồng.

- Hoàn trả lại tiền lương hàng tháng, tiền lương tăng ca và những khoản tiền lương mà ông được hưởng theo quy định của pháp luật nhưng đã bị Công ty xâm phạm, chiếm dụng là 60.000.000 đồng.

- Hoàn trả trực tiếp cho ông hoặc truy đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho những tháng ông không được làm việc và những tháng Công ty không mua bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp cho ông là 12.771.000 đồng.

- Bồi thường thiệt hại về quyền lợi bảo hiểm y tế mà ông đã bị mất do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 210.000.000 đồng.

- Bồi thường những thiệt hại, những tổn thất vì sức khỏe bị xâm phạm do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 75.000.000 đồng.

- Bồi thường những thiệt hại, những tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm vì các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 40.000.000 đồng.

- Bồi thường chi phí cho người được ủy quyền để thay ông giải quyết các khiếu nại và khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty là 15.000.000 đồng.

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Lâm Xuân N trình bày: Yêu cầu Công ty phải trả các khoản sau:

- Trả lương cho những ngày ông T không được làm việc do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 27.000.000 đồng.

- Hoàn trả tiền lương hàng tháng, tiền lương tăng ca và những khoản tiền lương mà ông T được hưởng theo quy định của pháp luật nhưng đã bị Công ty chiếm dụng là 136.030.407 đồng.

- Bồi thường quyền lợi về bảo hiểm xã hội do Công ty không tham gia đầy đủ là 10.800.000 đồng.

- Hoàn trả lại tiền thuế thu nhập cá nhân mà hàng tháng Công ty đã trích tổng cộng là 6.088.365 đồng.

- Bồi thường thiệt hại về quyền lợi bảo hiểm y tế mà ông T đã bị mất do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 210.000.000 đồng.

- Bồi thường những thiệt hại, những tổn thất vì sức khỏe bị xâm phạm do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 75.000.000 đồng.

- Bồi thường những thiệt hại, những tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm vì các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 40.000.000 đồng.

- Bồi thường chi phí cho người được ủy quyền để thay ông T giải quyết các khiếu nại và khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty là 15.000.000 đồng.

Quá trình tham gia tố tụng tại Tòa, đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày: Công ty không nợ lương và chấm dứt hợp đồng trái pháp luật đối với ông T; Công ty không gây thiệt hại về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm cho ông T.

Công ty không đồng ý yêu cầu khởi kiện của ông T vì theo Hợp đồng lao động thời vụ ngày 27/08/2019, ông T làm việc tại Công ty với vị trí là nhân viên thu ngân, thời hạn hợp đồng từ ngày 27/08/2019 đến ngày 22/07/2020. Theo thỏa thuận, công việc của ông T sẽ thực hiện theo sự phân công của Công ty và được thanh toán tiền lương theo số giờ làm việc thực tế. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty có nhận được khiếu nại của ông T vào ngày 06/03/2020 về việc người quản lý trực tiếp không xếp ca làm việc cho ông.

Sau khi xem xét nội dung khiếu nại, Công ty đã nhiều lần thiện chí mời ông T tiếp tục quay trở lại làm việc theo các Văn bản ngày 09/03/2020, ngày 12/03/2020 và Quyết định giải quyết khiếu nại ngày 24/03/2020. Mặc dù nhận được các Văn bản này nhưng ông T không quay trở lại làm việc theo đề nghị của Công ty, điều này cũng được người đại diện của ông T thừa nhận tại Biên bản lấy lời khai đương sự ngày 05/04/2021: “Công ty 02 lần gửi văn bản yêu cầu ông T trở lại làm việc qua đường bưu điện, thời gian gửi thì tôi không nhớ rõ.

Ngày 22/06/2020, Công ty đã thông báo không gia hạn Hợp đồng đối với ông T khi hết hạn hợp đồng lao động. Trên cơ sở đó, ngày 21/07/2020, Công ty đã ban hành Quyết định cho ông T thôi việc kể từ ngày 23/07/2020.

Như vậy, có cơ sở cho thấy việc ông T không quay lại để tiếp tục làm việc là xuất phát từ ý chí và sự quyết định của chính ông T. Do đó, hiện nay ông T yêu cầu Công ty phải thanh toán tiền lương và tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 26/02/2020 đến đến ngày 22/07/2020 (Những ngày ông không làm việc) là không đúng quy định pháp luật và không phù hợp với thực tế quá trình thực hiện hợp đồng lao động. Mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: “Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”, Công ty ngừng đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế khi ông T không còn làm việc tại Công ty (Không phát sinh lương) là phù hợp với quy định.

Công ty chỉ đồng ý thanh toán cho ông T các khoản sau: Tiền lương, tiền công từ ngày 26/02/2020 đến ngày 11/3/2020 là 3.115.385 đồng; bảo hiểm xã hội từ ngày 01/3/2020 đến ngày 11/3/2020 là 488.613 đồng; bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/3/2020 đến ngày 11/3/2020 là 38.323 đồng; tổng cộng là 3.642.321 đồng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Cơ sở xác định tiền lương là thỏa ước lao động tập thể, mọi vấn đề của Công ty đều được điều chỉnh theo thỏa ước lao động tập thể nhưng Công ty có dấu hiệu giả tạo nên đề nghị Hội đồng xét xử không công nhận và chuyển thỏa ước lao động tập thể cho cơ quan hữu quan trưng cầu giám định để làm cơ sở ch o giải quyết vụ án hình sự.

Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án mà coi như Công ty không có thỏa ước lao động tập thể.

Công ty có ký thêm hợp đồng lao động thứ 5 nhưng Công ty không giao cho người lao động; ký hợp đồng lao động nhưng không có phỏng vấn; ký hợp đồng lao động liên tục đó là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Công ty ép nhân viên viết đơn xin nghỉ việc, buộc người lao động làm việc trước 15 phút và về trễ 15 phút, vi phạm thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi làm cho người lao động không có thời gian tái tạo sức lao động thực chất là chiếm dụng tiền lương người lao động mà nguyên đơn đã trình bày cách tính cụ thể trong quá trình giải quyết vụ án.

Công ty coi thường pháp luật cụ thể là không tiếp ông vì cho rằng ông không phải là người lao động; không giải quyết khiếu nại mà lại yêu cầu người lao động trở lại làm việc; né tránh trách nhiệm bồi thường đỗ lỗi cho cấp dưới.

Công ty không giải quyết và cố ý ngăn cản người lao động đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp làm mất thời gian đóng bảo hiểm y tế liên tục cho người lao động.

Do những sai phạm nêu trên, đề nghị Hội đồng xét xử buộc Công ty hoàn trả cho ông T các khoản sau:

- Trả lương cho những ngày ông T không được làm việc từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020 do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 27.000.000 đồng.

- Hoàn trả tiền lương hàng tháng, tiền lương tăng ca và những khoản tiền lương mà ông T được hưởng theo quy định của pháp luật nhưng đã bị Công ty chiếm dụng từ khi bắt đầu làm việc đến ngày 26/02/2020 là 191.635.035 đồng.

- Bồi thường quyền lợi về bảo hiểm xã hội do Công ty không tham gia đầy đủ từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020 là 10.800.000 đồng.

- Đối với tiền thuế thu nhập cá nhân mà hàng tháng Công ty đã trích tổng cộng là 7.396.286 đồng thì nguyên đơn xin rút lại yêu cầu này.

- Bồi thường thiệt hại về quyền lợi bảo hiểm y tế mà ông T đã bị mất do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020 là 210.000.000 đồng.

- Bồi thường những thiệt hại, những tổn thất vì sức khỏe bị xâm phạm do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 75.000.000 đồng.

- Bồi thường những thiệt hại, những tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm vì các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 40.000.000 đồng.

- Bồi thường chi phí cho người được ủy quyền để thay ông T giải quyết các khiếu nại và khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty là 15.000.000 đồng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty TNHH E trình bày:

Công ty không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Công ty chỉ đồng ý thanh toán cho nguyên đơn các khoản sau: Tiền lương, tiền công từ ngày 26/02/2020 đến ngày 11/3/2020 là 3.115.385 đồng; bảo hiểm xã hội từ ngày 01/3/2020 đến ngày 11/3/2020 là 488.613 đồng; bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/3/2020 đến ngày 11/3/2020 là 38.323 đồng; tổng cộng là 3.642.321 đồng. Bảo hiểm y tế Công ty đã đóng đến ngày 31/3/2020.

Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn không cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ nào khác cho Hội đồng xét xử; Đại diện bị đơn cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ là các bảng chi tiết trả lương cho ông Lâm Trần Xuân T.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 19/2022/LĐ-ST ngày 30/9/2022, Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử:

Căn cứ vào Điều 5, Điều 21, Điều 26, điểm a, b khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 244, Điều 266, Điều 271, khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào các Điều 15, Điều 90, Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012; Căn cứ vào khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014;

Căn cứ vào Điều 134, Điều 135, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Căn cứ vào Luật thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014;

Căn cứ vào Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Ông Lâm Trần Xuân T.

1.1. Buộc Công ty TNHH E có trách nhiệm phải thanh toán cho ông Lâm Trần Xuân T tiền lương, tiền công từ ngày 26/02/2020 đến ngày 11/3/2020 là 3.115.385 (Ba triệu, một trăm mười lăm nghìn, ba trăm tám mươi lăm) đồng, trả một lần sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thi hành tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền.

1.2. Công ty TNHH E phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật vào quỹ bảo hiểm xã hội đối với những ngày tháng còn thiếu đến ngày 11/3/2020 cho ông Lâm Trần Xuân T.

1.3. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Lâm Trần Xuân T về việc buộc Công ty TNHH E hoàn trả lại tiền thuế thu nhập cá nhân mà hàng tháng Công ty đã trích tổng cộng là 7.396.286 (Bảy triệu, ba trăm chín mươi sáu nghìn, hai trăm tám mươi sáu) đồng.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Ông Lâm Trần Xuân T về việc buộc Công ty TNHH E phải hoàn trả tiền lương hàng tháng, tiền lương tăng ca và những khoản tiền lương mà ông T được hưởng theo quy định của pháp luật nhưng đã bị Công ty chiếm dụng là 191.635.035 đồng (Một trăm chín mươi mốt triệu sáu trăm ba mươi lăm nghìn không trăm ba mươi lăm) đồng; bồi thường những thiệt hại, những tổn thất vì sức khỏe bị xâm phạm do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 75.000.000 (Bảy mươi lăm triệu) đồng; bồi thường những thiệt hại, những tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm vì các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 40.000.000 (Bốn mươi triệu) đồng; bồi thường chi phí cho người được ủy quyền để thay ông T giải quyết các khiếu nại và khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty với số tiền 15.000.000 (Mười lăm triệu) đồng.

3. Về án phí: Người lao động khởi kiện đòi tiền lương; bồi thường thiệt hại; Trợ cấp khi chấm dứt lao động được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Công ty TNHH E phải chịu là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng.

Ông Lâm Trần Xuân T yêu cầu đòi bồi thường chi phí cho người được ủy quyền để thay mặt ông giải quyết các khiếu nại và khởi kiện nhưng không được chấp nhận nên ông T phải chịu án phí là 750.000 (Bảy trăm năm mươi nghìn) đồng, cấn trừ vào 375.000 (Ba trăm bảy mươi lăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí theo biên lai thu số: AA/2019/0028561 ngày 27/5/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự quận G, ông T phải nộp thêm 375.000 (Ba trăm bảy mươi lăm nghìn) đồng.

Ngoài ra bản án còn tuyên quyền kháng cáo và nghĩa vụ thi hành án.

Sau khi xét xử sơ thẩm, trong phạm vi ủy quyền, ngày 13/10/2022 ông Lâm Xuân N có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung kháng cáo tập trung vào các vấn đề sau đây: Nguyên đơn ông Lâm Trần Xuân T thắc mắc và phản ánh Công ty TNHH E ký kết hợp đồng lao động không đúng quy định pháp luật, trả lương hàng tháng cho người lao động như lương ngày công, lương tăng ca, lương phép năm không đủ và không đúng với mức lương đã được thỏa thuận trong hợp đồng. Những nội dung trên đã được ông T phản ánh, khiếu nại nhưng không được người sử dụng lao động là Công ty TNHH E giải quyết, sau đó ông T bị đưa vào diện cần lưu ý, bị phân biệt đối xử, bị chèn ép, bị xúc phạm danh dự bằng cách không cho người lao động vào đơn vị làm việc, thúc ép người lao động viết đơn xin nghỉ việc. Sự việc trên, người lao động đã trình bày đến ban lãnh đạo, phòng nhân sự, tổng giám đốc công ty nhưng không được quan tâm giải quyết. Ngoài việc khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH E giải quyết về tiền lương, nguyên đơn còn khởi kiện yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động. Đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét lại toàn bộ nội dung sự việc có tranh chấp để giải quyết đúng, thỏa đáng quyền lợi cho người lao động là ông Lâm Trần Xuân T.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên kháng cáo, đề nghị Tòa phúc thẩm xem xét lại nội dung, quy trình tố tụng của Tòa sơ thẩm để giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: do Công ty TNHH E đã được đổi tên thành Công ty TNHH O nên hiện tại công ty Thadico có trách nhiệm cũng như thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền lợi, yêu cầu khởi kiện của ông Lâm Trần Xuân T. Qua giải quyết sơ thẩm vụ án, phía bị đơn thấy rằng Tòa án nhân dân quận G đã giải quyết đúng, đủ quyền lợi về lao động cho ông T sau khi chấm dứt việc làm, do đó đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên quyết định của bản án lao động sơ thẩm của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên xử.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc chấp hành pháp luật tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án tại giai đoạn phúc thẩm như sau:

1. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của nguyên đơn được làm và thực hiện trong thời hạn luật định nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm. Quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, các thành viên Hội đồng xét xử, thư ký Tòa án, các đương sự trong vụ án đã thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, bảo đảm đúng thời hạn xét xử phúc thẩm.

2. Về nội dung giải quyết phúc thẩm: Ông Lâm Trần Xuân T làm việc tại Công ty TNHH E theo 04 hợp đồng thời vụ. Cụ thể:

- Hợp đồng lao động thời vụ số 280/HĐTV-TET2019 ngày 16/01/2019, thời hạn hợp đồng từ ngày 16/01/2019 đến ngày 14/02/2019;

- Hợp đồng lao động thời vụ số 250/HĐTV-TET2019 ngày 15/02/2019, thời hạn hợp đồng từ ngày 15/02/2019 đến ngày 28/02/2019;

- Hợp đồng lao động thời vụ số 0012/HĐTV-GV ngày 27/02/2019, thời hạn hợp đồng từ ngày 27/02/2019 đến ngày 26/8/2019;

- Hợp đồng lao động thời vụ số 0030/HĐTV-GV ngày 27/8/2019, thời hạn hợp đồng từ ngày 27/8/2019 đến ngày 22/7/2020;

Quá trình thực hiện hợp đồng thời vụ lần thứ tư, Bị đơn có nhận được khiếu nại của ông T vào ngày 06/3/2020 về việc người quản lý trực tiếp không xếp ca làm việc cho ông T. Sau khi xem xét khiếu nại, Công ty đã có văn bản ngày 09/3/2020, ngày 12/3/2020 và quyết định giải quyết khiếu nại ngày 24/3/2020, đề nghị ông T quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, ông T không thực hiện vì cho rằng phía Công ty đã vi phạm pháp luật lao động.

Ngày 22/6/2020 Công ty đã thông báo không gia hạn hợp đồng với ông T khi hết hạn hợp đồng lao động và ngày 21/7/2020 Công ty đã ban hành Quyết định cho ông T thôi việc kể từ ngày 23/7/2020 với lý do hết hạn hợp đồng lao động. Ông T cho rằng công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và có những hành vi vi phạm pháp luật cản trở người lao động không cho vào vị trí làm việc. Ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án G giải quyết tranh chấp lao động về việc đòi tiền lương, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt lao động. Xét thấy, trong các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, có yêu cầu khởi kiện tranh chấp về tiền lương theo các hợp đồng lao động đã ký kết (trả tiền lương hàng tháng, tiền lương tăng ca và những khoản tiền lương mà nguyên đơn cho rằng được hưởng theo quy định pháp luật nhưng đã bị bị đơn chiếm dụng từ khi bắt đầu làm việc đến ngày 26/02/2020). Căn cứ vào khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012 thì tranh chấp lao động cá nhân này phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết.

Theo các tài liệu trong hồ sơ, ông T có thực hiện thủ tục khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó có đơn rút đơn khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại số 1007/QĐ-TTS- CSLĐ ngày 12/6/2020. Đây không phải là thủ tục hòa giải theo quy định của Bộ luật Lao động. Như vậy, cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Căn cứ vào khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Lâm Trần Xuân T, hủy Bản án lao động sơ thẩm số 19/2022/LĐST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, được thẩm tra công khai tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

I/ Về thủ tục tố tụng:

Đơn kháng cáo của nguyên đơn được làm và thực hiện trong thời hạn luật định, phù hợp với các quy định tại Điều 273, Điều 274 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Nguyên đơn được miễn nộp tạm ứng án phí phúc thẩm, đủ điều kiện để xem xét kháng cáo theo thủ tục phúc thẩm.

II/ Về nội dung giải quyết vụ án:

[1] Xét kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

Nguyên đơn ông Lâm Trần Xuân T khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh với các yêu cầu:

- Trả lương cho những ngày ông T không được làm việc từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020 do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 27.000.000 đồng;

- Hoàn trả tiền lương hàng tháng, tiền lương tăng ca và những khoản tiền lương mà ông T được hưởng theo quy định của pháp luật nhưng đã bị Công ty chiếm dụng từ khi bắt đầu làm việc đến ngày 26/02/2020 là 191.635.035 đồng;

- Bồi thường quyền lợi về bảo hiểm xã hội do Công ty không tham gia đầy đủ từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020 là 10.800.000 đồng;

- Bồi thưởng thiệt hại về quyền lợi bảo hiểm y tế mà ông T đã bị mất do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2020 là 210.000.000 đồng;

- Bồi thường những thiệt hại, những tổn thất vì sức khỏe bị xâm phạm do các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 75.000.000 đồng;

- Bồi thường những thiệt hại, những tổn thất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm vi các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty gây ra là 40.000.000 đồng;

- Bồi thường chi phí cho người được ủy quyền để thay ông T giải quyết các khiếu nại và khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật của Công ty là 15.000.000 đồng.

Riêng đối với yêu cầu buộc bị đơn trả tiền thuế thu nhập cá nhân mà hàng tháng Công ty đã trích tổng cộng là 7.396.286 đồng, ông T đã rút lại yêu cầu nên tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết yêu cầu này.

Như vậy, trong các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, có yêu cầu tranh chấp về tiền lương theo các hợp đồng lao động đã ký kết (trả tiền lương hàng tháng, tiền lương tăng ca và những khoản tiền lương mà nguyên đơn cho rằng được hưởng theo quy định pháp luật nhưng đã bị bị đơn chiếm dụng từ khi bắt đầu làm việc đến ngày 26/02/2020). Căn cứ vào khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 thì tranh chấp lao động cá nhân này phải thông qua thủ tục hòa giải của Hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên trong hồ sơ vụ án chỉ thể hiện ông T có khiếu nại đến Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó rút đơn khiếu nại và được Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại số 1007/QĐ-TTS-CSLĐ ngày 12/6/2020 mà không có tài liệu nào khác thể hiện các bên đương sự đã thông qua thủ tục hòa giải cơ sở tại Cơ quan quản lý lao động tại địa phương này (cụ thể là Phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận G) trước khi khởi kiện tại Tòa án là đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 cũng như tại khoản 2 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của mỗi bên đương sự.

Theo yêu cầu của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn tại phiên tòa và ý kiến phát biểu của vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, có căn cứ chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, hủy bản án lao động sơ thẩm trên của Tòa án nhân dân quận G, giao hồ sơ về xét xử lại theo thủ tục chung.

[2] Về án phí lao động sơ thẩm: sẽ được giải quyết sau khi xét xử sơ thẩm lại.

[3] Về án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn ông Lâm Trần Xuân T và bị đơn Công ty TNHH E không phải chịu án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ Khoản 3 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự. Tuyên xử:

1. Đơn kháng cáo của nguyên đơn làm trong thời hạn luật định là hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn ông Lâm Trần Xuân T. Hủy Bản án lao động sơ thẩm số 19/2022/LĐ-ST ngày 30/9/2022 của Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh. Giao toàn bộ hồ sơ vụ án về Tòa án nhân dân quận G, Thành phố Hồ Chí Minh để giải quyết sơ thẩm lại từ đầu theo quy định pháp luật.

3. Về án phí lao động sơ thẩm: sẽ được giải quyết sau khi xét xử sơ thẩm lại.

4. Về án phí lao động phúc thẩm: Nguyên đơn ông Lâm Trần Xuân T và bị đơn Công ty TNHH E không phải chịu án phí.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

351
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về việc tranh chấp đòi tiền lương, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt lao động sớ 241/2023/LĐ-PT

Số hiệu:241/2023/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 06/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về