Bản án về vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 77/2023/HS-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HỮU LŨNG, TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 77/2023/HS-ST NGÀY 31/08/2023 VỀ VI PHẠM QUY ĐỊNH BẢO VỆ ĐỘNG VẬT NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM

Ngày 31 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn mở phiên tòa xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 71/2023/TLST-HS ngày 03 tháng 8 năm 2023 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 72/2023/QĐXXST-HS ngày 16 tháng 8 năm 2023 đối với bị cáo:

Triệu Văn Q (tên gọi khác: Không có), sinh ngày 23 tháng 3 năm 1989, tại huyện H, tỉnh Lạng Sơn. Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú và cư trú: Thôn C, xã H1, huyện H, tỉnh Lạng Sơn; trình độ học vấn: Lớp 8/12; nghề nghiệp: Làm ruộng; dân tộc: Nùng; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Triệu Văn Q1, sinh năm 1958 và bà Nông Thị D, sinh năm 1956; vợ: Hà Thị H, sinh năm 1996; con: Có 02 con cùng sinh năm 2015; tiền án, tiền sự: Không có; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú từ ngày 22/6/2023 đến nay. Có mặt.

- Người làm chứng:

1. Ông Triệu Văn Q1, sinh năm 1958. Có mặt.

2. Bà Nông Thị D, sinh năm 1956. Vắng mặt.

3. Chị Hà Thị H, sinh năm 1996. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng tháng 3/2023, Triệu Văn Q đi chăn trâu về đến bờ ruộng gần khu chuồng trại của gia đình (cách nhà ở khoảng 01 km) thì phát hiện một nhóm trẻ con đang đập 01 cá thể Rắn. Triệu Văn Q thấy cá thể Rắn bị xước xát, chảy máu nhưng vẫn còn sống, nên đã khuyên ngăn và dùng một cây gậy gỗ để gạt cá thể Rắn vào trong bao tải dứa rồi mang về nuôi, nhốt trong khu chuồng lợn bỏ không và cho ăn các loại động vật sống như Cóc, Nhái nhỏ. Sau 10 ngày khi thấy rắn đã khỏe, Triệu Văn Q mới biết là Rắn hổ chúa nên đã tự mình lấy cay và xi măng để xây một ngăn chuồng nhỏ nằm trong khu vực chuồng trại chăn nuôi của gia đình để nuôi nhốt, thỉnh thoảng đi bắt Rắn Ráo về cho ăn. Đến ngày 21/6/2023, Công an huyện Hữu Lũng kiểm tra phát hiện và thu giữ 01 cá thể Rắn dài khoảng 02 mét, khối lượng gần 03kg (ba kilogram).

Tại bản kết luận giám định hình thái động vật số 953/STTNSV, ngày 21/6/2023 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam kết luận: 01 cá thể động vật còn sống là loài Rắn hổ chúa có tên khoa học là Ophiophagus hannah, lớp Bò sát (Reptilia). Loài Rắn hổ chúa có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định số 64/2019/NĐ-CP, ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Loài Rắn hổ chúa cũng có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ban hành kèm theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP, ngày 22/9/2021 của Chính phủ.

Tại Bản cáo trạng số: 72/CT-VKS ngày 03/8/2023 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã truy tố Triệu Văn Q về Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự. Tại phiên tòa, trong lời luận tội; đại điện Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét:

Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; các Điều 38, 50, 65 của Bộ luật Hình sự. Tuyên bố Triệu Văn Q phạm tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; xử phạt bị cáo Triệu Văn Q từ 18 tháng đến 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; ấn định gấp đôi thời gian thử thách. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú giám sát, giáo dục. Không áp dụng hình phạt tiền bổ sung do bị cáo không có tài sản riêng.

Buộc bị cáo phải chịu án phí theo quy định.

Bị cáo nói lời sau cùng, thừa nhận hành vi sai trái, vi phạm quy định của pháp luật; thể hiện sự ăn năn, hối cải và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt ở mức thấp nhất cho bị cáo cơ hội làm lại cuộc đời, trở thành công dân có ích cho gia đình và xã hội.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa không có ai có ý kiến, khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên. Do đó, hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về thủ tục tố tụng: Người làm chứng bà Nông Thị D vắng mặt và đã có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; trong hồ sơ đã có lời khai, lời trình bày của người vắng mặt được thu thập hợp pháp. Việc xét xử vắng mặt người làm chứng không ảnh hưởng đến quán trình giải quyết vụ án, do đó Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt theo quy định tại Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự .

[3] Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai của những người làm chứng, biên bản sự việc, kết luận giám định hình thái động vật, đồng thời hoàn toàn phù hợp với các chứng cứ, tài liệu khác được thu thập hợp pháp và đã thẩm tra tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định: Từ khoảng tháng 3/2023, Triệu Văn Q đã có hành vi nuôi, nhốt trái phép 01 cá thể Rắn hổ chúa, có tên khoa học là Ophiophagus hannah, thuộc lớp Bò sát (Reptilia) có tên trong Phụ lục I, Danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Động cơ, mục đích của bị cáo khai ban đầu là vì tò mò do thấy loài rắn lạ, sau đó khi biết là Rắn hổ chúa thì muốn nuôi lớn để làm cảnh.

[4] Bị cáo là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của bản thân vi phạm pháp luật nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp; hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến chế độ quản lý của Nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, xâm phạm đến sự phát triển, cộng sinh bền vững của môi trường sinh thái. Đảm bảo căn cứ quy kết bị cáo đã phạm Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; tội danh và hình phạt quy định tại điểm a khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự, Bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn đã truy tố là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

“Điều 244. Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm 1. Người nào vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;

… 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

[5] Để quyết định hình phạt ngoài việc xem xét, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm hành vi phạm tội của bị cáo nêu trên, cần phải xem xét đến nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để cá thể hóa trách nhiệm hình sự, mức và cách thức chấp hành hình phạt:

[6] Về nhân thân: Triệu Văn Q có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, chưa từng bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính; bản thân chăm chỉ lao động, phát triển kinh tế chăn nuôi tại gia, sống có trách nhiệm với cộng đồng.

[7] Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không có.

[8] Tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong suốt quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, thực sự thể hiện thái độ ăn năn hối cải về sai lầm của bản thân nên được hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[9] Bị cáo phạm tội lần đầu, hành vi phạm tội bột phát chỉ vì tò mò nên đã cứu con Rắn lạ mang về nuôi, nhốt phục vụ nhu cầu sử dụng của cá nhân không nhằm mục đích buôn bán. Bị cáo sinh ra trong gia đình có công với cách mạng, chú ruột là ông Triệu Thành T tham gia chiến tranh biên giới chống Tàu năm 1979. Bị cáo là người dân tộc thiểu số (dân tộc Nùng) và có trình độ văn hóa thấp (lớp 8/12) nên hiểu biết pháp luật có phần bị hạn chế. Hằng năm, gia đình Triệu Văn Q được Ủy ban nhân dân xã H1 xác nhận đã ủng hộ, đóng góp các khoản Quỹ nhân đạo, từ thiện (Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ chăm sóc người cao tuổi; ủng hộ đường biên, cột mốc tỉnh Lạng Sơn...), ngoài ra còn đóng góp, ủng hộ xây dựng nông thôn mới năm 2023 với số tiền 1.000.000 đồng; Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng thêm các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[10] Hình phạt chính: Đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm, xét thấy hành vi của bị cáo thực hiện tội phạm do thiếu hiểu biết quy định pháp luật về cấm nuôi, nhốt trái phép động vật nguy cấp, quý, hiếm (bị cáo biết con rắn là động vật hoang dã nhưng không biết là động vật thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ). Bị cáo có nhân thân tốt, không có tình tiết tăng nặng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự; bị cáo là lao động chính trong gia đình, nuôi bố mẹ già, vợ và hai con nhỏ; có nơi cư trú rõ ràng, trước khi phạm tội bị cáo luôn chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, thể hiện khả năng tự sửa chữa lỗi lầm, cam kết không tái phạm. Hội đồng xét xử quyết định áp dụng hình phạt tù trên mức khởi điểm của khung hình phạt và cho hưởng án treo, ấn định gấp đôi thời gian thử thách, cho bị cáo cải tạo tại địa phương dưới sự giám sát, giáo dục của gia đình và chính quyền nơi cư trú; tạo điều kiện cho bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

[11] Hình phạt bổ sung: Tại Biên bản xác minh ngày 26/6/2023 có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã H1, huyện H, tỉnh Lạng Sơn thể hiện Triệu Văn Q sống chung cùng bố, mẹ, vợ con và không có tài sản riêng, không có công việc thu nhập ổn định; Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt tiền bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 244 Bộ luật Hình sự do không khả thi trong công tác thi hành án.

[12] Xử lý vật chứng: Ngày 21/6/2023, Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện H đã bàn giao cá thể Rắn cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc là phù hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

[13] Bị cáo là người bị kết án nên phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự ; điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

[14] Đề nghị luận tội của đại diện Viện kiểm sát phù hợp với các nhận định nêu trên nên được Hội đồng xét xử chấp nhận. Đề nghị giảm nhẹ hình phạt trong lời nói sau cùng của bị cáo đã được Hội đồng xét xử xem xét, cân nhắc trong quá trình nghị án.

[15] Bị cáo có quyền kháng cáo phần bản án theo quy định tại các Điều 331, 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 244; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 50; các khoản 1, 2, 5 Điều 65 của Bộ luật Hình sự.

Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 106, khoản 2 Điều 136, Điều 331, Điều 333 của Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Tội danh.

Tuyên bố bị cáo Triệu Văn Q phạm tội Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

2. Hình phạt Xử phạt bị cáo Triệu Văn Q 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 03 (ba) năm, thời hạn chấp hành tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 31/8/2023.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã H1, huyện H, tỉnh Lạng Sơn giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Gia đình người được hưởng án treo có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú trong việc giám sát giáo dục trong thời gian thử thách. Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.

3. Xử lý vật chứng.

Giao cá thể Rắn hổ chúa còn sống cho Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội cứu hộ, chăm sóc; xác nhận đã thi hành xong theo biên bản giao nhận động vật hoang dã lập ngày 21/6/2023 giữa Cơ quan cảnh sát Điều tra Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn và Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã.

4. Án phí: Buộc bị cáo Triệu Văn Q phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm để nộp ngân sách Nhà nước.

5. Quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

65
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về vi phạm quy định bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm số 77/2023/HS-ST

Số hiệu:77/2023/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Hữu Lũng - Lạng Sơn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/08/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về