Bản án về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ số 11/2021/KDTM-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 11/2021/KDTM-PT NGÀY 04/05/2021 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ TRẢ NỢ

Ngày 04 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 09/2021/TLPT-KDTM ngày 19 tháng 01 năm 2021 về việc: “Tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ”.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2020/KDTM – ST ngày 02/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1089/2021/QĐ-PT ngày 13 tháng 4 năm 2021, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Tổng Công ty Điện lực X (X). Địa chỉ trụ sở: thành phố Đà Nẵng.

Đại diện theo pháp luật: Ông Ngô Tấn C, chức vụ: Tổng Giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền gồm có:

- Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1993. Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

- Ông Huỳnh Q; bà Hoàng Thị Thanh H; ông Nguyễn Danh L. Cùng địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Đều có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Trần Khánh L - Luật sư Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn X thuộc Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng. Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Có mặt.

* Bị đơn: Công ty Cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực Y (Y). Địa chỉ trụ sở: thành phố Đà Nẵng.

Đại diện theo pháp luật: Ông Trần Quý H, chức vụ: Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc. Có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1957. Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt. mặt.

lực Y.

- Ông Lê Phúc L1, sinh năm 1960. Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Vắng - Ông Dương L2. Địa chỉ: thành phố Hà Nội. Vắng mặt.

- Ông Nguyễn Bá T. Địa chỉ: thành phố Đà Nẵng. Vắng mặt.

- Công ty Cổ phần T Gia Lai. Địa chỉ: Gia Lai. Vắng mặt.

* Người kháng cáo: Bị đơn - Công ty Cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Bản án sơ thẩm nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

* Tại đơn khởi kiện, trong quá trình tố tụng và tại phiên tòa, nguyên đơn và người bảo vệ quyền lợi cho nguyên đơn trình bày:

1. Nguồn gốc công nợ được phát sinh từ quá trình cổ phần hóa Xí nghiệp VTVT –thuộc Công ty Z (Z - nay là Tổng công ty Điện lực X); việc cổ phần hóa, quyết toán giá trị và các số liệu tài chính liên quan đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thông qua bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

Giai đoạn 2005-2006, để tạo đà và động lực phát triển khối các Doanh nghiệp nhà nước, các đơn vị thành viên của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) từng bước thực hiện quá trình cổ phần hóa các đơn vị trực thuộc.

Quá trình cổ phần hóa đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng trực tiếp chỉ đạo và giám sát thực hiện. Cụ thể, việc chỉ đạo và giám sát đã được Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Z xây dựng chủ trương và thực hiện cổ phần hóa. Cụ thể, việc chỉ đạo và giám sát của Bộ Công nghiệp được thể hiện thông qua một số Quyết định điển hình như:

- Quyết định số 3540/QĐ-TCCB ngày 31/12/2004 về việc: “Cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải trực thuộc Công ty Z”;

- Quyết định số 2344/QĐ-TCKT ngày 18/07/2005về việc: “Xác định giá trị Xí nghiệp Vật tư Vận tải của Công ty Z thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam để cổ phần hóa”;

Quyết định số 3145/QĐ-BCN ngày 06/10/2005về việc: “Phê duyệt phương án và chuyển Xí nghiệp Vật tư Vận tải của Công ty Z thành Công ty cổ phần”;

Ngày 10/01/2006, Công ty CP VTVT Xây lắp Điện lực X được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Doanh nghiệp và chính thức được hoạt động độc lập;

Ngày 29/10/2007, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1335/QĐ- BCT về việc: “Xác định phần vốn nhà nước và quyết toán chi phí cổ phần hóa của Xí nghiệp Vật tư Vận tải (thuộc Công ty Z) tại thời điểm chuyển sang Công ty cổ phần”;

Ngày 23/01/2008, đại diện của các bên gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Z và Y đã ký văn kiện: “Biên bản bàn giao tài sản, nguồn vốn giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Z và Công ty CP VTVT Xây lắp Điện lực X tại thời điểm 0 giờ ngày 10/01/2006”.

Với nội dung được thể hiện trong các Quyết định trên của Bộ Công nghiệp, có thể rút ra được các kết luận: (i) Quá trình cổ phần hóa Xí nghiệp VTVT của Công ty Z là có thực, (ii) công nợ phát sinh giữa Y và Z là có thực và (iii) các bên phải tôn trọng, nghiêm túc thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật do đơn vị chủ quan là Bộ Công nghiệp ban hành trong trường hợp này.

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 (được sửa đổi năm 2002, có hiệu lực tới 01/01/2009) thì các Quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, các quyết định của Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã được ban hành liên quan đến việc cổ phần hóa xí nghiệp VTVT trong giai đoạn 2004-2008 như viện dẫn ở trên là các văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, các tổ chức/cá nhân liên quan phải chấp hành nội dung của các văn bản này, tính hiệu lực của các văn bản này được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Khi các quyết định trên chưa bị hủy bỏ, sửa đổi, hay thay thế bằng các quyết định khác thì đương nhiên nó có hiệu lực pháp lý ràng buộc và các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng để làm căn cứ giải quyết vụ việc.

Suốt một khoảng thời gian dài từ năm 2006 tới năm 2011, công nợ giữa hai bên được theo dõi và xác nhận bằng 06 Biên bản đối chiếu công nợ, cụ thể:

Ngày 07/08/2007, giữa X và Y lập Biên bản xác nhận số liệu công nợ và cam kết phương án thanh toán. Theo nội dung biên bản, các bên xác nhận tính đến ngày 30/06/2007 thì Y còn nợ X số tiền là 10.830.607.399 đồng (Mười tỷ, tám trăm ba mươi triệu, sáu trăm lẻ bảy ngàn, ba trăm chín mươi chín đồng). Đồng thời, Y đề nghị được X bù trừ công nợ với số tiền 5.454.818.067 đồng và đề xuất sẽ thanh toán hết số nợ còn lại trước ngày 31/03/2009. Biên bản này được Ông Nguyễn Văn L – Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của Công ty Y ký xác nhận;

Ngày 16/01/2008, các bên tiến hành đối chiếu công nợ và xác nhận: tính đến ngày 31/12/2007 thì Y còn nợ Công ty Z (nay là X) tổng số tiền là 6.531.540.395 đồng (Sáu tỷ, năm trăm ba mươi mốt triệu, năm trăm bốn mươi ngàn, ba trăm chín mươi lăm đồng). Biên bản này được Ông Nguyễn Văn L – Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của Công ty Y ký xác nhận;

Ngày 16/02/2009, các bên tiến hành đối chiếu công nợ và xác nhận: tính đến ngày 31/12/2008 thì Y còn nợ Công ty Z (nay là X) tổng số tiền là 6.667.729.576 đồng (Sáu tỷ, sáu trăm sáu mươi bảy triệu, bảy trăm hai mươi chín nghìn, năm trăm bảy mươi sáu đồng). Biên bản này được Ông Lê Phúc L1 – Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của Công ty Y ký xác nhận;

Ngày 26/02/2010, các bên tiến hành đối chiếu công nợ và xác nhận: tính đến ngày 31/12/2009 thì Y còn nợ Công ty Z (nay là X) tổng số tiền là 6.695.876.626 đồng (Sáu tỷ, sáu trăm chín mươi lăm triệu, tám trăm bảy mươi sáu nghìn, sáu trăm hai mươi sáu đồng). Biên bản này được Ông Lê Phúc L1 – Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của Công ty Y ký xác nhận;

Ngày 17/03/2011, các bên tiến hành đối chiếu công nợ và xác nhận: tính đến ngày 31/12/2010 thì Y còn nợ X tổng số tiền là 6.695.876.626 đồng (Sáu tỷ, sáu trăm chín mươi lăm triệu, tám trăm bảy mươi sáu nghìn, sáu trăm hai mươi sáu đồng). Biên bản này được Ông Lê Phúc L1 – Giám đốc, Người đại diện theo pháp luật của Công ty MTV ký xác nhận;

Ngày 03/08/2011, các bên tiến hành đối chiếu công nợ và xác nhận: tính đến ngày 30/06/2011 thì Y còn nợ X tổng số tiền là 6.845.876.626 đồng (Sáu tỷ, tám trăm bốn lăm triệu, tám trăm bảy mươi sáu nghìn, sáu trăm hai mươi sáu đồng). Biên bản này được Ông Lê Phúc L1 – Giám đốc của Công ty Y ký xác nhận.

Sau cổ phần hóa, Y là bên chủ động đề nghị được X chỉ định thầu và thông qua việc thực hiện hợp đồng các bên sẽ thực hiện cấn trừ nợ với nhau, cụ thể:

Y đề nghị được cấn trừ nợ với X thông qua một số giao dịch theo nguyên tắc: Y là đơn vị nhận thi công, được X tạo điều kiện và chỉ định thầu để thực hiện một số công trình cho các đơn vị trực thuộc X và X sẽ thực hiện cấn trừ nợ trên mỗi Hợp đồng mà Y thực hiện. Tiêu biểu có thể kể đến một số hợp đồng sửa chữa, thi công xây lắp đã được hai bên ký kết, thực hiện và cấn trừ nợ như:

Hợp đồng 1302X001/X-Y ký ngày 21/02/2013: Gói thầu 09cải tạo sửa chữa máy biến áp phụ tải thu hồi.

Hợp đồng 1305X017/X- Y ký ngày 22/05/2013: Gói thầu 25Sửa chữa máy biến áp phụ tải thu hồi thuộc dự án Phụ vu kế hoạch ĐTXD và dự phòng năm 2013;

Hợp đồng 1308S033/X-Y ký ngày 30/08/2013: Gói thầu 33 Sửa chữa máy biến áp phụ tải thu hồi;

Hợp đồng 1406S020/X-Y ký ngày 10/06/2014: Gói thầu 09. Cải tạo, sửa chữa máy biến áp phụ tải thu hồi, Nguyên tắc trên được xây dựng trên một thiện chí rằng: X vẫn cố gắng tạo điều kiện để Y duy trì hoạt động và phát triển, thông qua nghiệp vụ cấn trừ nợ thì cả hai bên đều giải quyết được bài toán của mình đó là giải quyết số công nợ còn tồn đọng, đồng thời Y vẫn có hợp đồng thi công để duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, sự thiếu thiện chí của Y được thể hiện khi xuất hiện các nhà đầu tư mới và thay thế các vị trí lãnh đạo của Y. Cụ thể, từ thời điểm Ông Dương L2 (2011), Ông Trần Quý H (2013) trở thành cổ đông và lãnh đạo mới của Y thì một mặt Y vẫn có văn bản xin chủ trương được X chỉ định thầu để dần cấn trừ nợ, một mặt lại không hợp tác để xác nhận công nợ còn tồn đọng với X.

Chính sự không chính trực của Y là nguyên nhân làm mất lòng tin của X và khiến X phải thực hiện quyền khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Ông Trần Quý H – người đại diện theo pháp luật của Y đã biết về khoản nợ khi sở hữu cổ phần Y và đồng thời đại diện cho Y để ký văn bản giải trình về phương án xử lý công nợ và đề nghị xem xét mức khấu trừ gửi X.

Năm 2016, Y thông qua người đại diện theo pháp luật là ông Trần Quý H đã có hai văn bản là Công văn số 22-16/Y-CV-P2 về việc giải trình phương án xử lý công nợ tồn đọng và Công văn số 23-16/Y-CV-P2 về việc đề nghị xem xét mức khấu trừ công nợ được lập ngày 22/02/2016 gửi đến X để đề xuất được X chỉ định thầu các công trình xây lắp điện và tiến hành khấu trừ trên từng hợp đồng nhằm giải quyết công nợ còn tồn đọng giữa các bên, hai tài liệu này thể hiện 02 vấn đề:

Y có nợ X và ông H – người đại diện theo pháp luật của Y đã biết rõ về các số công nợ này, đồng thuận việc có nợ và đề xuất phương án xử lý nợ. Việc từ chối nghĩa vụ công nợ tại thời điểm này của Y là sự mâu thuẫn với diễn biến về quá trình thực hiện nghĩa vụ công nợ đối với X.

Hồ sơ kế toán, báo cáo tài chính của Y đã phản ánh và thể hiện thông tin về khoản nợ của mình với X.

Bên cạnh bộ Hồ sơ cổ phần hóa Xí nghiệp VTVT, các biên bản đối chiếu công nợ thì toàn bộ các báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Y trong các năm tài chính từ 2006 tới 2011 (bộ tài liệu Y đã cung cấp cho Tòa án) là các bằng chứng nội bộ phản ánh quan hệ công nợ giữa Y và X (Xem chi tiết tại các Báo cáo tài chính do Y giao nộp cho Tòa án).

Y không thể khai nại rằng Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị hay chính các vị lãnh đạo khác của Y không hề biết và được báo cáo về khoản nợ và việc xác nhận công nợ của người đại diện theo pháp luật của Y với X trong giai đoạn 2006 - 2011 để từ đó làm cơ sở cho rằng các Biên bản xác nhận công nợ (đã được xác nhận của các bên) là không có giá trị. Trong khi, nội dung các Bản báo cáo tài chính do Y xây dựng (và đã được kiểm toán) đã thể hiện rõ quan hệ công nợ này. Một nguyên tắc pháp lý rất dễ hiểu rằng Bản báo cáo tài chính là một sơ đồ mô phỏng nguồn vốn, dòng tiền và các quan hệ tài chính đang có và đã có của một Doanh nghiệp tại một thời điểm, Bản báo cáo tài chính này rất quan trọng nên nó phải được thông qua bởi Đại hội đồng cổ đông (đối với loại hình doanh nghiệp là Công ty cổ phần- theo điểm e khoản 2 Điều 96 Luật Doanh nghiệp 2005), do đó không thể bằng một lời phủ nhận mà Y có thể tước bỏ đi một sự thật rằng mình đang nợ X.

Nếu có sự xung đột và tranh chấp quyền lợi giữa các cổ đông của Y với nhau khi ông Nguyễn Văn L và ông Lê Phúc L1 (người đại diện theo pháp luật) nhân danh Y xác nhận công nợ với X như ý kiến của Y đề cập thì đây bản chất là quan hệ pháp lý khác độc lập với quan hệ công nợ được giải quyết trọng vụ án này. Đó riêng là quan hệ nội bộ giữa các thành viên/cổ đông của Y với nhau hoặc giữa các thành viên/cổ đông với Y, trường hợp có tranh chấp và mâu thuẫn không thể tự giải quyết được thì các thành viên/cổ đông này có thể khởi kiện thành một vụ án độc lập theo quy định tại Khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự để được Tòa án xem xét giải quyết. Đề nghị HĐXX nhận định rõ quan hệ pháp luật này để qua đó có cái nhìn đơn giản hơn về quan hệ công nợ giữa Y và X.

Lời khai của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã xác thực khoản nợ giữa X và Y:

- Lời khai của Ông Nguyễn Văn L – Nguyên Giám đốc xí nghiệp VTVT và là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Y từ 2006-2008.

Tại Biên bản lấy lời khai ông Nguyễn Văn L do Thẩm phán Phạm Thị Xuân H lập tại Tòa án nhân dân nhân dân quận L lập ngày 22/11/2018, ông Nguyễn Văn L đã xác nhận các vấn đề:

Chữ ký trong các bản đối chiếu công nợ là của ông L; Ông ký xác nhận công nợ theo hồ sơ kế toán của Y; Ông ký đúng thẩm quyền và Y có nợ X;

Bản tự khai ngày 11/02/2020 của Ông Nguyễn Văn L thể hiện:

Ngày 10/5/2008, ông bàn giao công tác quản lý điều hành Y lại cho ông Lê Phúc L1, trong biên bản bàn giao có ghi cụ thể khoản nợ phải trả cho Công ty Z là: 6.479.594.072 đồng;

Trong quá trình điều hành doanh nghiệp, hàng năm Y có tổ chức đại hội đồng cổ đông và chia cổ tức cho các cổ đông hiện hữu. Riêng cổ đông Công ty Z chưa thanh toán vì lúc đó công ty cần vốn nên chưa chuyển cho Công ty Z.

- Lời khai của Công ty CP T Gia Lai:

Tại bản tự khai ngày 24/02/2020, Công ty CP T Gia Lai đã trình bày rõ: “Tổng số tiền bù trừ công nợ đã được thống nhất giữa Tổng công ty Điện lực X và Công ty CP VTVT Xây lắp Điện lực X là 541.000.000 đồng”.

Lời khai này trùng khớp với các số liệu công nợ mà X đã trình bày và thể hiện trên bản đối chiếu công nợ đối với Y.

- Lời khai của người làm chứng:

+ Lời khai của ông Nguyễn Quốc T – nguyên là cổ đông của Y Tại bản tự khai ngày 20/2/2020, ông Nguyễn Quốc T khai:

Ông là cổ đông của Y, là đội trưởng đội số 2, có cổ phần tương ứng khoảng 10%;

Trong suốt thời gian ông làm cổ đông tại Công ty, Công ty có tổ chức đại hội cổ đông và phân phối cổ tức cho các cổ đông.

Nội dung lời khai này của Ông T đã thể hiện Y có tổ chức đại hội cổ đông hàng năm (2006-2008) và thực tế có phân phối cổ tức cho các cổ đông hiện hữu. Lời khai này đã chứng minh nội dung trình bày của ông Trần Quý H về việc Y không tổ chức đại hội đồng cổ đông và không chia cổ tức cho cổ đông là không có cơ sở.

2. Đối với yêu cầu phản tố của Y Song song với việc chứng minh về khoản nợ 2.979.737.691 đồng chưa được Y thanh toán cho X như được trình bày ở trên thì X hoàn toàn có cơ sở để phủ nhận toàn bộ nội dung phản tố của Y yêu cầu X thanh toán số nợ là 3.171.358.145 đồng.

Tại giai đoạn sơ thẩm và phúc thẩm trước đây người đại diện theo pháp luật của Y trình bày quan điểm đối với số nợ của bị đơn và ý kiến phản tố như sau:

Số tiền Y nợ Z có nguồn gốc từ khi Y được cổ phần hóa và được Z bàn giao cho Y các khoản nợ gồm:

- Quỹ khen thưởng: 2.153.436đ;

- Quỹ đầu tư phát triển: 6.852.963đ;

- Quỹ hỗ trợ người hy sinh: 2.740.785đ;

- Quỹ dự phòng tài chính: 20.878.560đ;

- Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm: 25.000.000đ;

- Phải trả CPC vốn sửa chữa lớn: 11.655.812đ;

- Phải trả CPC vốn khấu hao tài sản cố định: 317.048.261đ;

- Quỹ phúc lợi: 1.061.142đ;

Phải trả nội bộ khác: 9.012.186.643đ.

Tổng số nợ được chuyển sang với mục nợ nội bộ là: 9.397.465.318đ Tuy nhiên tại biên bản đối chiếu công nợ ngày 07/8/2007 thể hiện số phải trả nội bộ năm 2006 chuyển sang là 9.141.516.957đ (chênh với số nợ được xác định trong biên bản bàn giao là: 9.012.186.643đ).

Sau đó từ năm 2007 trở đi tại các thư xác nhận nợ X đã xác định Y có các khoản nợ khác là nợ phải trả phụ tùng Skoda và các khoản khác: 1.950.628.206 đồng; nợ tiền nhượng bán vật tư là 28.147.050đ và nợ tiền cổ tức năm 2006 là 150.000.000đ, tiền cổ tức năm 2007 là 180.000.000đ và tiền cổ tức năm 2009 là 150.000.000đ.

Đối với các khoản nợ trên Y chỉ chấp nhận đối với khoản nợ tiền cổ phần hóa là: 961.980.883đ và số tiền nợ nhượng bán vật tư 28.147.050đ. Còn lại các khoản nợ khác Y cho rằng X chuyển giao các khoản nợ khác như trên là không đúng quy định của pháp luật nên Y không có trách nhiệm phải trả. Cụ thể:

1. Đối với số tiền quỹ khen thưởng là: 2.153.436đ, quỹ đầu tư phát triển 6.852.963đ, quỹ hỗ trợ người hy sinh: 2.780.785đ, quỹ dự phòng tài chính 20.878.560đ, quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm: 25.000.000đ.

Y cho rằng việc X để tồn tại và ghi nhận các khoản quỹ này đến sau thời điểm Xí nghiệp Vật tư Vận tải chính thức hoàn thành việc cổ phần hóa là không đúng quy định tại Điều 15 Nghị định 187/2004/NĐ-CP. Các loại quỹ này X có nghĩa vụ xử lý trước khi Y được cổ phần hóa và không cho phép được tồn động cho đến sau thời điểm Y chính thức chuyển thành Công ty cổ phần.

Vì vậy, Y không đồng ý trả X về các khoản quỹ trên.

2. Đối với số nợ Phải trả X vốn khấu hao tài sản cố định 317.048.261đ và khoản nợ phải trả X vốn sửa chữa lớn: 11.655.812đ.

Y cho rằng các khoản nợ vốn sửa chữa lớn và vốn khấu hao tài sản là những khoản chi phí có liên quan trực tiếp đến giá trị tài sản cố định hữu hình của Doanh nghiệp Nhà nước là Y mà Y đã được X phân giao quản lý, sử dụng trong giai đoạn đơn vị hạch toán phụ thuộc là Xí nghiệp Vật tư Vận tải đang còn tồn tại. Số tiền này là của Y được giao quản lý và sử dụng theo quy định và X phải có trách nhiệm xử lý trước khi Y được cổ phần hóa. Vì vậy việc X chuyển khoản nợ này cho Y là không đúng quy định.Vì vậy Y không đồng ý trả X số nợ này.

3. Đối với số nợ chi phí đào tạo 21.000.000đ.

Đây là khoản chế độ được hưởng theo chính sách Nhà nước của doanh nghiệp cổ phần hóa là Y; Cụ thể như sau: Trong quá trình thực hiện việc cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải, theo quy định của pháp luật, Y có chế độ được hưởng theo chính sách Nhà nước là được thực hiện việc nhận không hoàn lại từ X và được quyền sử dụng khoản tiền chi phí hỗ trợ đào tạo lại nghề nghiệp đối với người lao động để bố trí việc làm mới cho những người lao động này tại công ty cổ phần; Vì vậy việc X ghi nhận khoản chi tiết công nợ phải thu từ Y có tên gọi là: “Phải trả X chi phí đào tạo đã cấp” là trái với quy định của pháp luật và trái với nội dung có trong các văn bản quản lý điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước trái với Điểm b Khoản 1 Điều 35 - Nghị định 187/2004/NĐ-CP.

4. Đối với số nợ phải trả X hàng phụ tùng Skoda và các khoản khác”, với giá trị ghi nhận là: 1.950.628.205đ.

Số nợ này được hình thành từ ý kiến của nguyên đơn, theo đó là gồm các khoản được thể hiện trong danh sách các khoản nợ phải trả được bàn giao vào ngày 10/01/2006. Cụ thể:

+ Phải trả Công ty Z (các khoản khác) với số tiền 576.337.698đ.

+ Phải trả Z Hàng phụ tùng Skoda với số tiền 1.266.537.508đ.

+ Công ty thiết bị đo điện Hà nội số tiền 107.753.000đ.

Khoản nợ này có nguồn gốc hình thành bởi: Sự ghi nhận đồng thời các khoản chi tiết công nợ phải thu, phải trả đối xứng nhau, nhằm mục đích thiết lập, chuyển hóa những khoản chi tiết công nợ không có thật, để làm cân bằng số liệu kế toán, do X và một số cá nhân tại Xí nghiệp Vật tư Vận tải đã cùng thực hiện, với mục đích tạo điều kiện cho X có thêm thời gian xử lý, hợp thức chứng từ kế toán, mà trước đó, thì X chưa có điều kiện để kịp xử lý trong giai đoạn thực hiện việc cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải; Việc X ghi nhận các khoản chi tiết công nợ đối xứng nhau trong trường hợp này là việc nội bộ của X, do đó, X có nghĩa vụ tự chịu trách nhiệm đối với các khoản chi tiết công nợ đó; Sau thời điểm kết thúc việc cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải, do chưa xử lý dứt điểm các vướng mắc số liệu, cho nên, X vẫn tiếp tục ghi nhận là khoản số liệu chi tiết công nợ phải thu khác từ Y.

+ Việc X để tồn tại và ghi nhận khoản chi tiết công nợ phải thu khác có tên “Phải trả CPC hàng phụ tùng Skoda và các khoản khác” đến sau thời điểm kết thúc việc cổ phần hóa Xí nghiệp Vật tư Vận tải là trái với quy định tại Nghị định 187/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 126/2004/TT/BTC của Bộ Tài chính. Vì vậy Y không có trách nhiệm phải trả khoản nợ này.

5. Đối với khoản nợ phải trả X các khoản khác - Số dư đến ngày 10/01/2006 với giá trị ghi nhận là 9.141.516.957đồng:

Y cho rằng khoản nợ này được hình thành theo công thức tính như sau:

Tại Biên bản thẩm tra quyết toán ngày 09/11/2006 có ghi mục nợ nội bộ là: 34.147.662.988đ (-) trừ đi giá trị vật tư hàng hóa thực tế chuyển về X thực tế ngày 28/03/2006 là:25.006.146.031đ.

Cụ thể như sau: 34.147.662.988đ -25.006.146.031 đồng = 9.141.516.957đ Khoản nợ trên bản chất chỉ là sự tự ghi nhận của X với mục đích để chuyển hóa giá trị các loại vật tư hàng hóa, mà do nhiều lý do khác nhau, nhưng đến trước thời điểm kết thúc việc cổ phần hóa, Xí nghiệp Vật tư Vận tải đã không thể bàn giao lại cho Công ty Z theo nội dung Khoản 3 Điều 2 - Quyết định số 2344/QĐ-TCKT ngày 18/07/2005 của Bộ Công nghiệp, trở thành khoản công nợ nội bộ giữa pháp nhân X và đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp Vật tư Vận tải;

Cụ thể: Xí nghiệp Vật tư Vận tải có nghĩa vụ phải thực hiện chuyển về Công ty Z số hàng hóa có giá trị là 34.150.486.002đ, nhưng chỉ bàn giao được số hàng hóa có trị giá 25.006.146.031đ còn lại hàng hóa có trị giá 9.141.516.957đ không có số liệu bàn giao nên chuyển thành nợ nội bộ. Tuy nhiên số hàng hóa có trị giá 9.141.516.957đ này đã được xử lý hết cụ thể: Trong số hàng hóa có trị giá 9.141.516.957đ thì đã tiến hành thanh lý số hàng hóa có trị giá 3.700.546.890đ, đã tiến hành cấp phát cho các đơn vị số hàng hóa có trị giá 5.390.980.543đ và đã bàn giao số vật tư không cần dùng trả lại khách hàng cho X là 49.989.524đ. Tổng số giá trị hàng hóa đã xử lý là 9.141.516.957đ.Vì vậy X đã ghi nhận số nợ 9.141.516.957đ cho Y là không đúng.

6. Đối với số nợ tiền cổ tức năm 2006 là 150.000.000đ và tiền cổ tức năm 2007 là 180.000.000đ và tiền chia cổ tức năm 2009 là 150.000.000đ, Y có ý kiến như sau:

Việc cá nhân Chủ tịch Hội đồng quản trị Y đã tự ý nhân danh Y để ban hành quyết định về mức cổ tức, hình thức chia cổ tức và đối tượng hưởng cổ tức cho năm tài chính năm 2006 và năm 2007 và năm 2009 là trái với quy định của Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và trái với quy định của Điều lệ Y được Đại hội đồng cổ đông biểu quyết thống nhất thông qua ngày 29 tháng 12 năm 2005. Vì theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ của Y thì thủ tục chia cổ tức phải được Đại hội cổ đông thông qua sau đó Chủ tịch HĐ quản trị mới ban hành quyết định chia cổ tức. Tuy nhiên năm 2006, năm 2007 và năm 2009 chưa có đại hội cổ đông thông qua việc chia cổ tức và thực tế Công ty chưa chia cổ tức cho các cổ đông. Nên không có cơ sở để chấp nhận đối với khoản nợ này.

Đối với khoản chia cổ tức năm 2008, Y đã có đại hội cổ đông thông qua và đã chia cho Z 150.000.000đ.

Tóm lại tất cả các khoản nợ mà Y nhận của X mang sang đều không có căn cứ nên Y không chấp nhận, chỉ chấp nhận trả số nợ tiền cổ phần hóa là 961.980.883đ và số tiền nợ nhượng bán vật tư 8.147.050đ. Tổng là 990.127.933đ.

Từ năm 2010 đến năm 2017 X đã nhiều lần tiến hành chiếm giữ trái pháp luật của Y với số tiền 4.161.486.078đ, cụ thể các khoản sau:

1. X bù lỗ theo Biên bản thẩm tra quyết toán ngày 09/11/2007 với số tiền 79.330.790đ.

2. Chuyển hàng trả lại Trung tâm thí nghiệm về Công ty với số tiền 22.205.534đ.

3. CPC bù trừ phí lưu kho, bảo quản vật tư thiết bị với số tiền 51.946.323đ.

4. CPC bù trừ nợ giữa Ban A nông thôn và Công ty cổ phần Vật tư Vận tải Xây lắp Điện lực Miền Trung141.864.496đ.

5. Bù trừ khối lượng xây lắp đường dây và trạm biến áp Lệ Thủy – Quảng Bình theo công văn số 6033 ngày 28/12/2012 với số tiền 400.000.000đ.

6. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng với số tiền 105.593.400đ.

7. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1305X017/X-Y với số tiền 170.676.000đ.

8. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1308S033/X-Y với số tiền 115.734.300đ.

9. Bù trừ công nợ theo công văn 3288/X-TCKT ngày 10/07/2013 với số tiền 456.778.223đ.

10. Bù trừ công nợ theo công văn 4541/X-TCKT ngày 19/09/2013 với số tiền 541.000.000đ.

11. Bù trừ công nợ tiền thanh toán Hợp đồng 1406S020/X-Y với số tiền 257.638.395đ.

12. Bù trừ công nợ theo công văn số 951/X-TCKT ngày 17/02/2015 với số tiền 1.438.843.617đ.

13. Bù trừ công nợ theo công văn số 4836/X-TCKT ngày 26/07/2016 với số tiền 379.875.000đ.

Tuy nhiên, Y đồng ý trả cho X số tiền cổ tức năm 2008 là: 180.000.000đ và số tiền 990.127.933đ (tiền cổ phần hóa 961.980.883đ + tiền bán vật tư 28.147.050đ = 990.127.933đ). Vì vậy Y cho rằng X đã chiếm giữ trái pháp luật số tiền thuộc sở hữu hợp pháp của Y, với số tiền có tổng giá trị là: 3.171.358.145đ (4.161.486.078đ - 990.127.933đ = 3.171.358.145đ). Nay Y yêu cầu X phải trả lại cho Y số tiền này.

* Tại các phiên hòa giải cũng như tại phiên tòa người đại diện theo pháp luật của Y trình bày:

Tại biên bản phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn nói số tiền lần thứ nhất chẳng qua là sự hợp thức hóa sự thất thoát vật tư của nhà nước, nguyên đơn đã thừa nhận tại biên bản phiên tòa. Còn lời trình bày tại buổi hòa giải ngày 07.9.2020 nguyên đơn yêu cầu thanh toán khoản tiền là mâu thuẫn với nhau.

Ông Dương L2 không biết gì, không liên quan, không thừa nhận ngay từ đầu; ông T chỉ làm có 3 tháng nên không phải là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Đối với Công ty CP T Gia Lai có phải là người liên quan hay không là do Tòa, họ chỉ là người thực hiện yêu cầu không có sự ủy quyền, họ không có quyền và cũng không có nghĩa vụ gì. Y đã hoàn tất các nghĩa vụ với công ty CP T Gia Lai, Y không khiếu nại gì. Người liên quan là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương, Cục quản lý doanh nghiệp của Bộ Tài chính, ông Thanh, ông Thắng, ông Tâm đã nghỉ, đấy là những người liên quan vì họ là người ký và hợp thức hóa tài sản của nhà nước thành món nợ tức là chuyển tài sản của nhà nước sang tư nhân thông qua cổ phần hóa.

Năm 2014, tổng công ty CP điện Lực X đã bán đấu giá thành công cổ phần của công ty, Y là người trúng đấu giá mua lại nguyên trạng quyền và nghĩa vụ của Công ty đối với cổ tức, Y thừa hưởng quyền và nghĩa vụ thì Y có quyền đòi nếu Y muốn đòi phần tiền nợ cổ tức chứ Công ty không được phép đòi vì Công ty đã bán.

Tóm lại: T bộ số liệu nợ hình thành ngày 10/01/2006 khoảng 10 tỷ 350 triệu được hình thành bởi 02 khoản số liệu trái pháp luật. 01 khoản (có giá trị ghi nhận 09 tỷ 141 triệu đồng) có nguồn gốc là do hợp thức hóa số lượng vật tư bị thất thoát hình thành trước khi cổ phần hóa; số tiền còn lại hình thành bởi 09 khoản quỹ được chuyển sang cho Công ty Cổ phần trái với quy định tại nghị định 187 của Chính phủ và Thông tư 126 của Bộ tài chính về chuyển doanh nghiệp Nhà nước thành Công ty cổ phần.

Các số liệu ghi nhận nợ sau thời điểm ngày 10/01/2006 gồm 04 khoản nợ cổ tức được ghi nhận tổng cộng 660 triệu (năm 2006, 2007, 2008, 2009), trong đó khoản cổ tức năm 2008 đã được Y thanh toán cho X. Các khoản cổ tức năm 2006, 2007, 2009 thì Y không thanh toán bởi các khoản cổ tức đó hình thành trái luật doanh nghiệp. Trong trường hợp các khoản nợ cổ tức đó hình thành đúng pháp luật thì tính từ thời điểm ngày 17/01/2014 thì EVN CPC cũng không có quyền đòi vì đã chuyển nhượng cho cá nhân khác 100%.

Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn trình bày chưa rõ về nguồn gốc hình thành các khoản nợ, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 24/5/2019 thì nguyên đơn đã thừa nhận nguồn gốc các khoản nợ hình thành trước ngày 10/01/2006 như đã trình bày nói trên (thể hiện tại biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 24/5/2019 mà chúng tôi đã xin sao chụp). Xét thấy khoản tiền cũng như hành vi hợp thức hóa số tiền vật tư và việc chuyển qua Công ty cổ phần có dấu hiệu của hình sự đề nghị Tòa xử lý.

Tại biên bản lấy lời khai do Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng thực hiện ngày 10/02/2020, ông Đinh Quý H là người đại diện theo pháp luật của Y không đề nghị Kiểm toán lại. Ông H khai đối với công ty T có ký hợp đồng, Tổng Công ty là người làm công văn trừ 400 triệu tiền điện của công ty T (chỉ trả 1,6 tỷ). Bên ông không nhận được văn bản nào nên ông không trả lời. Vì chưa thanh toán hết nên chưa thanh lý được hợp đồng phía bên ông với T.

Về vấn đề tranh chấp cổ tức, ông H khai không có sự tranh chấp giữa các thành viên công ty. Ông là người mua cổ phần từ năm 2014, hưởng toàn bộ lợi tức của công ty. Nếu cổ tức chưa chia thì ông là người được hưởng và là người đòi. Đã chuyển nhượng vốn 100% thì không còn là thành viên công ty. Sổ cổ đông đã sang tay ông thì làm sao đi nhận được cổ tức. Cổ tức chưa chia nên còn nợ, ông là người mua lại 100% thì ông mới có quyền đòi. Trong báo cáo tài chính chưa bao giờ thể hiện đã chia cổ tức, chỉ họp đại hội cổ đông năm 2008 và chia cổ tức lần này, còn lại các năm sau không họp đại hội cổ đông nên không chia cổ tức, nếu kể cả có họp thì cũng chưa chia cổ tức.

Tại phiên tòa, ông Trần Quý H vẫn giữ nguyên quan điểm và yêu cầu phản tố, yêu cầu HĐXX: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; Chấp nhận toàn bộ yêu cầu phản tố của MTV, buộc nguyên đơn một lần, với số tiền phải trả là 3.171.358.145 đồng ngay sau khi bản án có hiệu lực; yêu cầu bổ sung: Trong trường hợp Hội đồng xét xử sơ thẩm xét trong nội dung của vụ việc đang tranh chấp giữa nguyên đơn với bị đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thất thoát tài sản Nhà nước, thì yêu cầu Tòa án chuyển toàn bộ hồ sơ đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xác minh, làm rõ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đã xảy ra.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - ông Nguyễn Văn L tại các văn bản trình bày: Ông L xác định về số nợ mà Z chuyển sang cho Công ty cổ phần là đúng. Năm 2006 ông là chủ tịch HĐQT ông là đại diện theo pháp luật của Công ty và đã xác nhận nợ với Z các khoản nợ trên được chuyển sang từ giai đoạn cổ phần hóa. Ông xác nhận năm 2006 và 2007 thời điểm đó ông làm chủ tịch HĐQT là đã chia cổ tức cho các cổ đông, các cổ đông đã được chia, riêng Z chưa được chia nên Công ty xác nhận nợ tiền cổ tức của Z về thủ tục chia cổ tức năm 2006 và năm 2007 đã được thông qua đại hội cổ đông và đã báo cáo quyết toán năm.

Tại bản trình bày ngày 11/02/2020, ông L trình bày từ năm 2000 đến năm 2005 Công ty Z (nay là CPC) bổ nhiệm ông làm Giám đốc xí nghiệp Vật tư vận tải Z. Từ đầu năm 2006 đến đầu năm 2008 ông là chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vật tư vận tải Xây lắp điện lực X. Ngày 10/5/2008 ông bàn giao cho ông Lê Phúc L1 thay ông để quản lý phần vốn Nhà nước (Z) có biên bản bàn giao công tác quản lý điều hành doanh nghiệp trong đó có ghi cụ thể (có biên bản kèm theo) trong đó có khoản nợ phải trả cho Công ty Z là 6.479.594.072 đồng.

Trong quá trình điều hành hoạt động doanh nghiệp hàng năm có đại hội cổ đông và chia cổ tức cho tất cả các cổ đông hiện hữu, riêng cổ đông Công ty Z chưa thanh toán vì lúc đó công ty cần vốn nên chưa chuyển cho công ty Z. Các Cổ đông có tỷ lệ lớn trong công ty lúc đó vốn điều lệ 5 tỷ. Công ty Z – 30% (1,5 tỷ). Công ty TTT – 24% (1,2 tỷ), ông Nguyễn Bá T, ông Nguyễn Văn L, ông Nguyễn Quốc T, ông Huỳnh C, ông Nguyễn Quang V và một số ông không nhớ hết. Đề nghị Tòa căn cứ vào danh sách chia cổ tức hàng năm để biết. Ông xin vắng mặt tại phiên hòa giải và phiên tòa.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - Ông Lê Phúc L1 trình bày:

Tháng 4/2008 ông nhận công tác tại Công ty cổ phần vật tư vận tải thay cho ông L. Trong thời gian này ông đại diện theo pháp luật cho Công ty ký xác nhận các khoản nợ được nhận bàn giao từ ông L. Ông xác nhận thời gian trên Công ty có nợ Z nhưng chưa có điều kiện trả.

* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan - Công ty T Gia Lai trình bày tại bản tự khai ngày 24/02/2020:

Năm 2010 Công ty CP T Gia Lai ký hợp đồng với Công ty CP Vận Tải Xây Lắp Điện X về việc thi công xây lắp đường dây 110KV-Hệ thống thông tin công trình thủy điện X đến trụ số 167 huyện Đ – tỉnh Kon Tum. Tổng giá trị thực hiện là 5.657.605.912 đồng. Tổng số tiền công Ty CP T Gia Lai chuyển trả 5.116.605.912 đồng. Tổng số tiền bù trừ công nợ đã được thống nhất giữa Tổng Công ty X và Công ty CP Vận tải Xây Lắp Điện X là 541.000.000đồng.

Từ năm 2013 đến nay Công ty không làm việc và giao dịch với Công ty CP Vận tải Xây Lắp Điện X. Công ty xin vắng mặt tại các phiên hòa giải và phiên tòa.

* Người làm chứng ông Nguyễn Quốc T trình bày tại bản tự khai ngày 20/02/2020:

Ông là Cổ đông của Công ty cổ phần vật tư Vận tải Xấy lắp Điện Lực X – là Đội trưởng đội số 2 - có cổ phần tương ứng khoảng 10%.

Trong suốt thời gian cổ phần – Công ty có tổ chức đại hội cổ đôngvà phân phối cổ tức cho các cổ đông. Đến năm 2008 ông thoái vốn và không bết gì thêm. Ông xin vắng mặt tại phiên hòa giải và phiên tòa.

* Người làm chứng ông Huỳnh C trình bày tại bản khai ngày 19/02/2020:

Ông là cổ đông của Công ty cổ phần vật tư vận tải xây lắp điện lực X bắt đầu chuyển từ Xí nghiệp vật tư vận tải – Công ty Z nay là tổng công ty điện lực X) cho đến khi ông xin chờ nghỉ hưu vì sức khỏe vào tháng 8/2011.

Trong quá trình công tác tại Công ty ông xác nhận qua các thời kỳ Giám đốc từ anh Nguyễn Văn L sau là anh Lê Phúc L1, công ty hoạt động bình thường và cổ tức hàng năm đều được công ty chia cho cổ đông là 12% trên tổng số cổ phần hiện hữu. Sau khi ông nghỉ số cổ phần của ông chuyển lại cho anh Lê Huy Cường (5000CP) và hoạt động của công ty về sau này ông không rõ. Ông xin vắng mặt tại các phiên hòa giải và phiên tòa.

Với những nội dung nêu trên, tại bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2020/KDTM – ST ngày 02 tháng 12 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định.

Căn cứ vào các Điều 30, Điều 37, Điều 186, Điều227, Điều266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 466 Bộ luật dân sự; Điều 132 Luật doanh nghiệp năm 2014; Căn cứ Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty Điện lực X về việc “Tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ” đối với Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X. Buộc Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X có nghĩa vụ trả cho Tổng công ty Điện lực X số tiền 2.979.737.691 đồng (Hai tỷ chín trăm bảy mươi chín triệu bảy trăm ba mươi bảy ngàn sáu trăm chín mươi mốt đồng).

Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì hàng tháng bị đơn phải chịu tiền lãi theo mức lãi xuất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X đối với số tiền 3.171.358.145 đồng (Ba tỷ một trăm bảy mươi mốt triệu ba trăm năm mươi tám ngàn một trăm bốn mươi lăm đồng).

Bản án còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của đương sự.

Trong hạn luật định, Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X kháng cáo bản án.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Bị đơn - Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm. Các đương sự không hòa giải với nhau về việc giải quyết vụ án.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Trong phần phát biểu quan điểm của mình, đại diện Viện kiểm sát cho rằng: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa và các thành viên Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đương sự đã thực hiện đúng quyền nghĩa vụ của mình. Về nội dung vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được xem xét tại phiên tòa và kết quả tranh tụng tại phiên tòa; ý kiến của Kiểm sát viên; Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X (viết tắt là Y) tiền thân là Xí nghiệp Vật tư vận tải, đơn vị trực thuộc của Công ty Z (Z - nay là Tổng công ty Điện lực X, viết tắt là X) đã được Bộ Công nghiệp, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Z xây dựng chủ trương và thực hiện cổ phần hóa. Quá trình cổ phần hóa đã được Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực năng lượng trực tiếp chỉ đạo và giám sát thực hiện.

Quá trình cổ phần hóa được tiến hành theo đúng các quy định của pháp luật và được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy trình của Nhà nước, đã được kiểm toán để xác định giá trị doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Xét đơn kháng cáo của Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X; Hội đồng xét xử xét thấy:

[2] Ngày 23/01/2008, đại diện của các bên gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam, X và Y đã tiến hành bàn giao tài sản, nguồn vốn giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty Z và Công ty CP VTVT Xây lắp Điện lực X tại thời điểm 0 giờ ngày 10/01/2006. Biên bản bàn giao này thực hiện vào ngày 23/01/2008 nhưng lấy số liệu tại thời điểm 0h ngày 10/01/2006. Vì tại thời điểm này hai bên đã xác lập biên bản thẩm tra số liệu báo cáo quyết toán tài chính của Xí nghiệp vật tư vận tải và tại biên bản quyết toán công tác cổ phần hóa của Xí nghiệp cũng căn cứ báo cáo tài chính tại thời điểm ngày 10/01/2006.

[3] Theo biên bản bàn giao tài sản nguồn vốn giữa X và Y thể hiện: Tài sản tính vào giá trị doanh nghiệp là: 31.101.880.353 đồng; Giá trị thực tế phần vốn nhà nước: 6.038.268.859 đồng; Nợ phải trả: 25.063.611.494 đồng; Trong số nợ phải trả được bàn giao sang có thể hiện Y nợ X số tiền được ghi nhận là nợ phải trả cho Z là 9.397.465.318 đồng.

Sau khi cổ phần hóa Y hoạt động độc lập và từ năm 2007 hàng năm Y đã có xác nhận công nợ với X, cụ thể như sau:

Ngày 07/8/2007, X và Y có biên bản xác nhận số liệu công nợ, trong đó xác định: Y nợ X là: 10.830.607.399 đồng. Biên bản này được ký xác nhận bởi đại diện lãnh đạo X và Y do ông Nguyễn Văn L đại diện theo pháp luật ký.

Ngày 14/12/2007, X có công văn số 6466/CV với nội dung X thống nhất bù trừ công nợ cho Y số tiền 5.282.047.887 đồng. Ngày 16/01/2008, hai bên có thư xác nhận công nợ trong đó xác nhận đến ngày 31/12/2007 Y còn nợ X số tiền: 6.531.540.395 đồng (tại thời điểm này có phát sinh nợ thêm tiền cổ phần hóa theo biên bản bàn giao là 961.980.883 đồng).

Ngày 16/02/2009, hai bên có thư xác nhận công nợ trong đó xác định đến ngày 31/12/2008 Y nợ X số tiền 6.667.729.576 đồng vì tại thời điểm này phát sinh thêm tiền nợ cổ tức: 330.000.000 đồng (năm 2006 là 150.000.000 đồng, năm 2007 là 180.000.000 đồng).

Ngày 26/12/2010, hai bên có thư xác nhận nợ tính đến ngày 31/12/2009 Y còn nợ X số tiền 6.695.876.626 đồng (thời điểm này có tăng thêm số tiền nợ là tiền nhượng bán vật tư 28.147.050 đồng).

Ngày 17/03/2011, hai bên có thư xác nhận nợ tính đến ngày 31/12/2010 Y còn nợ X số tiền 6.695.876.626 đồng.

Ngày 03/08/2011, các bên tiến hành đối chiếu công nợ và xác nhận: Tính đến ngày 30/06/2011 thì Y còn nợ X tổng số tiền là 6.845.876.626 đồng.

Như vậy: Theo các chứng cứ của nguyên đơn đưa ra, tính đến 30/6/2011 Y còn nợ X tổng số tiền là 6.845.876.626 đồng đã được các bên xác nhận.

Kể từ ngày 10/01/2015 đến ngày 05/01/2016, X đã tiến hành đối soát công nợ giữa các bên và xác định: Tính đến ngày 31/12/2015 thì Y còn nợ X tổng số tiền là 4.798.456.308 đồng, X đã tiến hành gửi thư yêu cầu Y xác nhận số công nợ này nhưng Y không hợp tác để xác nhận, (có Bản đối chiếu công nợ nhưng chưa có xác nhận của Y).

Từ năm 2016 đến 2018, X vẫn tiến hành bù trừ công nợ cho Y và hiện Y còn nợ X tổng số tiền là 2.979.737.691 đồng trong đó có số tiền cổ tức của các năm 2006, 2007 và 2009 là 480.000.000 đồng. Tiền cổ tức năm 2008 Y đã chi cho X.

[4] Như vậy khoản nợ 2.979.737.691 đồng được xác định từ khoản nợ đầu tiên được xác nhận là 10.830.607.399 đồng vào năm 2007, sau đó qua các lần bù trừ công nợ hai bên đều có biên bản xác nhận nợ hàng năm và những lần xác nhận nợ cuối cùng là ngày 17/3/2011 và ngày 03/8/2011, các bên tiến hành đối chiếu công nợ và xác nhận: Khoản nợ này được xác định trong phần giá trị thực tế của doanh nghiệp được xác định tại Quyết định số 1335/QĐ-BCT ngày 29/10/2007 của Bộ Công thương về việc: “Xác định phần vốn Nhà nước và quyết toán chi phí cổ phần hóa của Xí nghiệp Vật tư Vận tải (thuộc Công ty Z) tại thời điểm chuyển sang Công ty cổ phần.

Ngày 22 tháng 02 năm 2016 Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X có văn bản số 22 -16/Y – CV – P2 gửi Tổng công ty Điện lực X về việc “Giải trình phương án xử lý công nợ tồn đọng”, văn bản do ông Trần Quý H ký.

Bản án sơ thẩm đã xem xét đánh giá các tài liệu chứng cứ, cũng như ý kiến của các bên đương sự để chấp nhận đơn khởi kiện của Tổng công ty Điện lực X về việc “Tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ” đối với Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X. Buộc Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X có nghĩa vụ trả cho Tổng công ty Điện lực X số tiền 2.979.737.691 đồng (Hai tỷ chín trăm bảy mươi chín triệu bảy trăm ba mươi bảy ngàn sáu trăm chín mươi mốt đồng) là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm không có chứng cứ mới nào cần được xem xét, do vậy nội dung kháng cáo của Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X về nội dung trên là không có căn cứ được chấp nhận.

[5] Đối với nội dung phản tố của bị đơn yêu cầu X phải trả cho Y số tiền là 3.171.358.145 đồng: Y cho rằng từ năm 2010 đến năm 2017 phía X đã nhiều lần tự ý thu hồi nợ các đối tác của Y mà không được sự đồng ý của Y với tổng số tiền 4.161.486.078đồng. Tuy nhiên, Y đồng ý trả cho X số tiền cổ tức năm 2008 là 180.000.000đồng và số tiền 990.127.933đồng (tiền cổ phần hóa là 961.980.883đồng + tiền bán vật tư là 28.147.050đồng = 990.127.933đồng). Vì vậy, Y cho rằng X đã chiếm giữ trái pháp luật số tiền thuộc sở hữu hợp pháp của Y là 3.171.358.145đồng (4.161.486.078đồng - 990.127.933 đồng = 3.171.358.145đồng). Y yêu cầu X phải trả lại cho Y số tiền này.

Xét thấy: Khoản nợ Y nhận bàn giao tại thời điểm cổ phần hóa là có căn cứ. Quá trình hoạt động qua các thời kỳ Y đã tiến hành bù trừ công nợ với X đều được hai bên đại diện lãnh đạo Công ty xác nhận và có lời khai xác nhận của bên thứ 3 là Công ty CP T Gia Lai với hợp đồng về việc thi công xây lắp đường dây 110KV- Hệ thống thông tin công trình Thủy Điện X đến trụ số 167 huyện Đ – tỉnh Kon Tum. Đến nay số nợ còn lại 2.979.737.691 đồng, Y không đưa ra chứng cứ nào khác để chứng minh còn trả thêm cho X khoản tiền nào khác. Đối với số tiền cổ tức các năm 2006, 2007 và 2009 là 480.000.000 đồng có căn cứ xác định Y đã chi trả cổ tức cho các cổ đông và đã được Đại hội cổ đông hàng năm họp thông qua, trong báo cáo tài chính của công ty các năm đều thể hiện số tiền chia cổ tức cho các cổ đông của công ty. Vì vậy, X yêu cầu Y trả khoản tiền cổ tức là có căn cứ. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là có căn cứ đúng pháp luật, do vậy đơn kháng cáo của bị đơn về nội dung trên cũng không có căn cứ được chấp nhận. Ngày 22 tháng 2 năm 2016 Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X có văn bản số 23 -16/Y – CV – P2 gửi Tổng công ty Điện lực X về việc “Đề nghị xem xét mức khấu trừ công nợ”, văn bản do ông Trần Quý H ký.

[6] Đối với nội dung kháng cáo và ý kiến của đại diện Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X cho rằng vụ án có dấu hiệu hình sự do vậy đề nghị Tòa án cấp sơ thẩm cũng như cấp phúc thẩm chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ những sai phạm của những người liên quan. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Xuất phát từ khoản nợ khi cổ phần hóa Doanh nghiệp và sau đó đã được các bên khấu trừ công nợ và dẫn đến việc khởi kiện tranh chấp của Tổng công ty Điện lực X là nguyên đơn đối với bị đơn là Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý giải quyết vụ kiện về Kinh doanh thương mại là có căn cứ. Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm không phát hiện những vi phạm và có dấu hiệu hình sự do vậy không chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, cấp phúc thẩm thấy là đúng pháp luật. Do vậy, kháng cáo và ý kiến của đại diện Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X về nội dung trên cũng không có căn cứ được chấp nhận. Tuy nhiên, theo quy định của Luật khiếu nại tố cáo thì bị đơn vẫn có quyền gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền nếu cho rằng vụ án có dấu hiệu hình sự, đồng thời phải chịu trách nhiệm về những nội dung tố cáo của mình.

Về án phí: Kháng cáo của bị đơn - Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ nêu trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự:

Không chấp nhận đơn kháng cáo của Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X; giữ nguyên bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 10/2020/KDTM-ST ngày 02/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Căn cứ vào các Điều 30, Điều 37, Điều 186, Điều 227, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 466 Bộ luật dân sự; Điều 132 Luật doanh nghiệp năm 2014; Căn cứ Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH ngày 30/12/2016 của UBTVQH về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng công ty Điện lực X về việc “Tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ” đối với Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X. Buộc Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X có nghĩa vụ trả cho Tổng công ty Điện lực X số tiền 2.979.737.691 đồng (Hai tỷ chín trăm bảy mươi chín triệu bảy trăm ba mươi bảy ngàn sáu trăm chín mươi mốt đồng).

Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị đơn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì hàng tháng bị đơn phải chịu tiền lãi theo mức lãi xuất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

2. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X đối với số tiền 3.171.358.145 đồng (Ba tỷ một trăm bảy mươi mốt triệu ba trăm năm mươi tám ngàn một trăm bốn mươi lăm đồng).

3. Án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm:

3.1. Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X phải chịu 187.021.915 đồng. Nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai thu số 2970 ngày 13/6/2018 tại Chi cục Thi hành án quận Liên Chiểu là 64.825.666 đồng, Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X phải tiếp tục nộp số tiền còn lại là 122.196.249 đồng (Một trăm hai mươi hai triệu một trăm chín mươi sáu ngàn hai trăm bốn mươi chín đồng).

3.2. Hoàn tiền tạm ứng án phí cho Tổng công ty Điện lực X là 54.797.376 đ (Năm mươi tư triệu bảy trăm chín bảy nghìn ba trăm bảy mươi sáu đồng) theo biên lai số 2882 ngày 15/5/2018 tại Chi cục Thi hành án quận Liên Chiểu.

4. Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

5. Án phí phúc thẩm: Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X phải chịu 2.000.000 (Hai triệu) đồng án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm. Số tiền 2.000.000 (Hai triệu) đồng Công ty cổ phần Vật Tư Vận Tải Xây Lắp Điện Lực X đã nộp tạm ứng theo biên lai thu tiền số 0002761 ngày 15 tháng 12 năm 2020 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng nay được chuyển thành tiền án phí phúc thẩm.

Bản án này là phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

497
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ số 11/2021/KDTM-PT

Số hiệu:11/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 04/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về