Bản án về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh theo hợp đồng xây dựng số 23/2021/KDTM-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 23/2021/KDTM-PT NGÀY 03/12/2021 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU THỰC HIỆN NGHĨA VỤ THANH TOÁN PHÁT SINH THEO HỢP ĐỒNG XÂY DỰNG

Ngày 03 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 12/2021/TLPT-KDTM ngày 13 tháng 5 năm 2021 về việc tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh theo hợp đồng xây dựng.

Do Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2021/KDTM-ST ngày 23 tháng 3 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo, kháng nghị.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 102/2021/QĐ-PT ngày 13 tháng 7 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 154/2021/QĐ-PT ngày 19 tháng 11 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TL (viết tắt là Công ty TL); địa chỉ trụ sở: Số 122C HL, quận HB, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị Tố H, Luật sư của Công ty Luật NH thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng (Theo Giấy ủy quyền ngày 19/4/2021); Ông Đào Mạnh Đ - Chức vụ: Phó Giám đốc - Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TL (Văn bản ủy quyền số 08/GUQ-TL ngày 28 tháng 5 năm 2020); đều có mặt.

- Bị đơn: Công ty TNHH Đào tạo và KCT Hải Phòng (viết tắt là Công ty KCT); địa chỉ trụ sở: Thôn 5, xã BS, huyện AD, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông Nguyễn Hồng H1, địa chỉ: Phòng 604, tháp A, tòa nhà HTP, số 102 TT, quận DD, thành phố Hà Nội (theo Giấy ủy quyền số 10/2021/UQ ngày 07/10/2021); có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Hà Duy T và bà Lê Thị T1; cùng cư trú tại số 9/274 Lạch Tray, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng; đều có mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hà Duy T: Bà Nguyễn Thị Thanh H - Luật sư của Công ty Luật TNHH HM và Cộng sự thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; có mặt.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TL; bị đơn là Công ty TNHH Đào tạo và KCT Hải Phòng; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Hà Duy T và bà Lê Thị T1.

- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung kháng cáo:Theo đơn khởi kiện, bản tự khai, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn là Công ty TL do ông Đào Mạnh Đ là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

Từ tháng 3 năm 2008 đến tháng 12 năm 2010, Công ty TL và Công ty Cổ phần chế tạo thiết bị và lắp máy CL (nay là Công ty TNHH Đào tạo và KCT Hải Phòng) đã ký các hợp đồng nguyên tắc số 03-08/HĐNT ngày 19/3/2008; số 01- 09/HĐNT ngày 06/01/2009 và số 02-10/HĐNT ngày 25/12/2010 có nội dung Công ty TL thi công xây dựng các công trình của Công ty KCT tại thôn 5, xã BS, huyện AD, thành phố Hải Phòng trong các năm 2008, 2009 và 2010. Sau đó Công ty TL đã thi công các hạng mục theo đúng hợp đồng đã ký đảm bảo tiến độ, chất lượng; được nghiệm thu theo từng hạng mục, từng phần việc và đã được bàn giao cho Chủ đầu tư đưa vào sử dụng. Sau khi Công ty TL lập 04 bản quyết toán các hạng mục mà Công ty TL đã thi công xây dựng cho Công ty KCT thì Chủ đầu tư là Công ty KCT và Nhà thầu xây dựng là Công ty TL đã thống nhất giảm trừ 3% giá trị; sau giảm trừ, giá trị quyết toán làm căn cứ thanh toán của Chủ đầu tư cho Nhà thầu xây dựng là 14.814.265.016 đồng. Các bản quyết toán này đã được ông Hà Duy T là người đại diện theo pháp luật của Công ty KCT ký tên, đóng dấu, xác định giá trị thi công vào ngày 24/6/2011. Đến ngày 08/7/2011, hai bên ký kết Biên bản đối chiếu công nợ có nội dung thể hiện giá trị quyết toán được duyệt là 14.814.265.016 đồng; giá trị đã tạm ứng đến ngày 22/5/2010 là 5.917.070.000 đồng; giá trị còn nợ là 8.897.195.016 đồng. Từ khi đối chiếu công nợ, đến ngày 05/6/2017, Công ty KCT đã thanh toán cho Công ty TL số tiền 3.365.000.000 đồng, số tiền còn thiếu là 5.532.195.016 đồng hiện chưa được thanh toán. Nay, nguyên đơn đề nghị Tòa án buộc Công ty KCT phải thanh toán cho Công ty TL số tiền nợ gốc là 5.532.195.016 đồng và số lãi phát sinh từ ngày 08/7/2011 đến ngày 30/4/2020 là 6.829.515.335 đồng (lãi suất nguyên đơn yêu cầu được tính theo tham chiếu về mức lãi suất của Ngân hàng nhà nước quy định); tổng cộng là 12.361.710.351đồng. Thời điểm bị đơn thanh toán cho nguyên đơn cuối cùng là ngày 05/6/2017; từ đó đến nay nguyên đơn không có văn bản yêu cầu bị đơn trả nợ.

Công ty KCT có quan điểm không chấp nhận số nợ trên với lý do nguyên đơn không cung cấp được các giấy tờ xuất xứ vật liệu, giá vật tư; biên bản nghiệm thu số lượng, chất lượng trong quá trình thi công; biên bản hoàn thành công trình và bàn giao đưa vào sử dụng; bản vẽ hoàn công... là không có căn cứ bởi lẽ Công ty TL đã bàn giao các tài liệu, hồ sơ đó cho Chủ đầu tư trước thời điểm các bên lập quyết toán. Đối với một số hạng mục bị đơn cho rằng thuộc hạng mục khác hoặc không được nêu trong Hợp đồng đã lập giữa các bên, Công ty TL xác định đường cống D400, D600, D800 thuộc hợp đồng số 01-09/HĐNT; còn lại là các hạng mục phát sinh trong quá trình thi công nên sau khi được sự đồng ý của Chủ đầu tư, Công ty TL đã tiến hành thi công và được Công ty KCT thừa nhận trong quyết toán đã được các bên xác nhận.

Về việc bị đơn trình bày do chất lượng công trình không đảm bảo nên năm 2014, Công ty TL đã đồng ý giảm trừ giá trị thanh toán cho Công ty Kết cấu là không đúng. Bởi lẽ, vào thời gian đó, Công ty TL có yêu cầu Công ty KCT hoàn trả cho Công ty TL 4.000.000.000 đồng trong thời gian 06 tháng để thu hồi nợ; việc thỏa thuận nêu trên không được lập thành văn bản và nay Công ty TL không đồng ý với thỏa thuận nêu trên.

Đối với việc Công ty KCT bị thu hồi Giấy chứng nhận doanh nghiệp, nguyên đơn đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Công ty TL sẽ có trách nhiệm xuất hóa đơn giá trị gia tăng và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đối với khoản nợ trên theo quy định của pháp luật.

Nguyên đơn không đồng ý với việc đại diện bị đơn đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu để giải quyết vụ án.

Tại Bản tự khai, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bị đơn là Công ty TNHH Đào tạo và KCT Hải Phòng do Hà Duy T là người đại diện trình bày:

Công ty KCT và Công ty TL ký các hợp đồng nguyên tắc có nội dung như đại diện nguyên đơn trình bày là đúng. Các hợp đồng nguyên tắc này do những người đại diện theo pháp luật của các bên tham gia giao kết hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc. Sau khi ký kết các hợp đồng nguyên tắc này, Công ty TL đã thực hiện việc thi công các hạng mục theo hợp đồng nhưng khối lượng thi công không đúng, chất lượng thi công không đảm bảo theo hồ sơ quyết toán; có những phần việc chưa hoàn thành nhưng đã được đưa vào quyết toán. Công ty TL đã thực hiện quyết toán khi chưa đủ các hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật như không có các giấy tờ xuất xứ vật liệu, giá vật tư; biên bản nghiệm thu số lượng, chất lượng trong quá trình thi công; biên bản hoàn thành công trình và bàn giao đưa vào sử dụng; bản vẽ hoàn công...

Căn cứ vào quyết toán do nguyên đơn lập, ngày 24/6/2011, Công ty KCT đã ký xác nhận giá trị xây dựng là 14.814.265.016 đồng (đã giảm trừ 3% giá trị); bao gồm 04 bản quyết toán mà nguyên đơn đã giao nộp cho Tòa án. Đến ngày 08/7/2011, hai bên đã ký Biên bản đối chiếu công nợ có nội dung như đại diện nguyên đơn đã trình bày. Việc Công ty KCT ký các bản quyết toán, Biên bản đối chiếu công nợ là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc. Tuy nhiên, Biên bản đối chiếu công nợ ngày 08/7/2011 không phải là căn cứ để buộc bị đơn thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn vì các quyển quyết toán và biên bản đối chiếu công nợ chỉ xác định giá trị tạm tính, chốt đến ngày ký quyết toán, ký biên bản đối chiếu.

Năm 2014, Công ty TL và Công ty KCT có thỏa thuận (không bằng văn bản) về nội dung, Công ty TL cắt lỗ (do công trình không đảm bảo chất lượng) chỉ yêu cầu Công ty KCT phải thanh toán cho Công ty TL 4.000.000.000 đồng nên Công ty KCT đã chuyển trả cho Công ty TL 3.365.000.000 đồng (ngày gần nhất là ngày 05/6/2017); tổng số tiền Công ty KCT đã trả cho Công ty TL là 9.282.070.000 đồng.

Nay Công ty TL khởi kiện yêu cầu trả nợ gốc, lãi, Công ty KCT không chấp nhận trả nợ theo yêu cầu khởi kiện do Công ty TL không cung cấp được giấy tờ xuất xứ vật liệu, giá vật tư; biên bản nghiệm thu số lượng, chất lượng trong quá trình thi công; biên bản hoàn thành công trình và bàn giao đưa vào sử dụng; bản vẽ hoàn công... Ngoài ra Công ty TL còn quyết toán một số hạng mục không có trong hợp đồng hoặc có trong hợp đồng khác. Tuy không đồng ý với giá trị quyết toán như trên nhưng bị đơn không có khiếu nại hoặc thắc mắc gì về nội dung quyết toán, biên bản đối chiếu công nợ tại cơ quan có thẩm quyền trước khi Công ty TL khởi kiện.

Bị đơn đề nghị áp dụng quy định về thời hiệu để tính toán số lãi chậm trả. Đối với việc Công ty KCT bị thu hồi giấy chứng nhận, bị đơn chưa làm thủ tục giải thể.

Ngày 10/01/2021, Công ty KCT có đơn yêu cầu phản tố có nội dung đề nghị giảm trừ khối lượng theo quyết toán và yêu cầu Công ty TL phải bồi thường với tổng số tiền là 7.911.971.029 đồng (trong đó yêu cầu giảm trừ là 6.711.971.029 đồng; yêu cầu bồi thường thiệt hại là 1.200.000.000 đồng). Ngày 25/01/2021, Công ty KCT có đơn phản tố bổ sung, đề nghị Tòa án buộc Công ty TL phải hoàn trả số tiền 9.282.070.000 đồng mà Công ty KCT đã trả cho Công ty TL cho đến thời điểm Công ty TL hoàn thiện hồ sơ.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Hà Duy T và bà Lê Thị T1 trong quá trình giải quyết vụ án:

Thống nhất với lời trình bày của đại diện bị đơn. Ngày 10/01/2021, ông Hà Duy T và bà Lê Thị T1 có đơn yêu cầu độc lập có nội dung như đơn yêu cầu phản tố của bị đơn ngày 10/01/2021. Ông Hà Duy T và bà Lê Thị T1 không đồng ý với việc Công ty TL buộc Công ty KCT phải chịu 7% chi phí quản lý và 10% chi phí chịu thuế Giá trị gia tăng; cách tính chi phí nhân công của Công ty TL chưa hợp lý. Đề nghị Tòa án trưng cầu đơn vị có đủ chức năng thẩm định đánh giá về chất lượng, giá trị công trình.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phát biểu quan điểm:

Về tố tụng, đề nghị Tòa án triệu tập Công ty Cổ phần Đầu tư CL (là Công ty mẹ của Công ty KCT) tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì các hoạt động của Công ty KCT đều do Công ty Cổ phần Đầu tư CL quyết định; mặt khác trước khi thành lập Công ty TL, ông Đào Mạnh Đ là Đội trưởng sản xuất thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư CL. Việc Chánh án Tòa án nhân dân huyện AD ban hành Công văn để giải quyết yêu cầu thay đổi Thẩm phán - Chủ tọa phiên tòa là chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ có quan điểm các bên ký Quyết toán, Biên bản đối chiếu công nợ khi chưa có đủ hồ sơ như biên bản nghiệm thu số lượng, chất lượng trong quá trình thi công; biên bản hoàn thành công trình và bàn giao đưa vào sử dụng; bản vẽ hoàn công... là không đúng quy định của pháp luật; mặt khác hồ sơ đã quyết toán cả các hạng mục không có trong hợp đồng đã ký hoặc thuộc hợp đồng khác do đó các quyển quyết toán, biên bản đối chiếu công nợ không là căn cứ để buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn. Đề nghị Tòa án tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ đối với tài sản có liên quan.

Quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Tại Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 07/2021/KDTM-ST ngày 23/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng đã: Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 184, điểm e khoản 1 Điều 127, Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 162, 518, 519, 520, 525 Bộ luật Dân sự 2005; Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 62, 63, 75, 80, 81, 94 Luật Xây dựng 2003; Điều 74, 85, 87, 306, 319 Luật Thương mại; Điều 2, 4, 6, 7 và 8 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008; Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020; Căn cứ Điều 6, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TL:

Buộc Công ty KCT, ông Hà Duy T, bà Lê Thị T1 phải liên đới trả cho Công ty TL 5.532.195.016 đồng Đình chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty TL về việc đề nghị Tòa án buộc Công ty KCT phải trả lãi chậm thanh toán.

Không chấp nhận yêu cầu của Công ty KCT, của ông Hà Duy T và bà Lê Thị T1 về việc giảm trừ giá trị thanh toán 6.711.971.029 đồng; buộc hoàn trả số tiền 9.282.070.000 đồng cho đến khi hoàn thiện hồ sơ quyết toán.

Tách yêu cầu bồi thường thiệt hại 1.200.000.000 đồng của Công ty KCT Hải Phòng, ông Hà Duy T, bà Lê Thị T1 đối với Công ty TL để giải quyết bằng vụ án khác khi đương sự có yêu cầu.

Kiến nghị Cơ quan quản lý thuế thực hiện truy thu thuế đối với Công ty TL.

Ngoài ra, Bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Bản án bị kháng cáo, kháng nghị, cụ thể:

1. Ngày 05/4/2021, nguyên đơn là Công ty TL kháng cáo một phần bản án về việc đình chỉ giải quyết yêu cầu tính lãi chậm thanh toán và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc Công ty KCT phải thanh toán cho Công ty TL số tiền còn thiếu theo Hợp đồng là 5.532.195.016 đồng và lãi suất chậm thanh toán tạm tính từ ngày 09/7/2011 cho đến ngày 30/4/2020, tạm tính là 6.829.515.335 đồng.

2. Ngày 02/4/2021, bị đơn là Công ty KCT kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm do Bản án sơ thẩm không xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty, áp dụng pháp luật không đúng và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

3. Ngày 30/3/2021, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Hà Duy T và bà Lê Thị T1 kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm do Bản án sơ thẩm không xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty, áp dụng pháp luật không đúng và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

4. Ngày 07/4/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng kháng nghị phúc thẩm với nội dung:

- Việc Tòa án cấp sơ thẩm không áp dụng Điều 429 Bộ luật Dân sự mà áp dụng Điều 319 Luật Thương mại để xác định thời hiệu khởi kiện của nguyên đơn về trả lãi chậm thanh toán nên đình chỉ giải quyết yêu cầu này là không đúng, trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật.

- Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng lại quyết định giải quyết yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là không đúng quy định của pháp luật, vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

- Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng lại không tuyên nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm là không đúng quy định của pháp luật.

Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm:

Ngày 19/11/2021, bị đơn là Công ty KCT cung cấp bổ sung các tài liệu mới, cụ thể: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A0892050 do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cấp ngày 27/7/2009 cho chủ sử dụng là Công ty Cổ phần Đầu tư CL V (đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư CL); Hợp đồng góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê giữa Công ty Cổ phần Đầu tư CL V và Công ty Cổ phần Chế tạo thiết bị và Lắp máy CL V ngày 16/12/2009; Phụ lục Hợp đồng ngày 09/4/2010; Hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê ngày 25/8/2011.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo và các tài liệu như đã trình bày tại giai đoạn xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, nguyên đơn chỉ tạm tính tiền lãi chậm thanh toán đến ngày khởi kiện, nay nguyên đơn yêu cầu tính lãi đến ngày xét xử sơ thẩm. Căn cứ để nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải thanh toán là 04 quyển quyết toán đã cung cấp cho Tòa án. Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, bị đơn đã thừa nhận việc ký các quyết toán là tự nguyện, không bị ép buộc và tỉnh táo. Hồ sơ hoàn công đã được giao cho Công ty KCT để làm căn cứ để quyết toán và ký đối chiếu công nợ. Công ty TL là đơn vị thi công, việc lập hồ sơ quyết toán đã được thực hiện theo đúng quy định tại Luật Xây dựng nên Công ty KCT đã ký quyết toán và đối chiếu công nợ. Đây là cơ sở để yêu cầu Công ty KCT phải thanh toán nợ. Việc xác định tính có căn cứ của hồ sơ quyết toán là của chủ đầu tư, việc nghiệm thu do chủ đầu tư thực hiện và chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 75 Luật Xây dựng. Công trình đã được đưa vào sử dụng là thể hiện đã tiến hành nghiệm thu. Vụ việc xảy ra cách đây hơn 10 năm, Công ty KCT không khiếu nại về chất lượng công trình nên Công ty TL không lưu giữ các hồ sơ quyết toán, nghiệm thu. Giá trị khối lượng công trình không có tài liệu thể hiện đây chỉ là số liệu tạm tính, bị đơn không có ý kiến gì về bản vẽ hoàn công, biên bản nghiệm thu. Nếu không có biên bản nghiệm thu mà Công ty KCT lại ký hồ sơ quyết toán với số tiền lớn chỉ dựa vào nể nang là không có căn cứ. Công ty không liên quan đến vốn Nhà nước, các bên thỏa thuận với nhau để đưa ra hồ sơ thiết kế được chủ đầu tư là ông T duyệt và được ông Thủy kiểm soát. Khi triển khai thi công có người giám sát. Công ty là doanh nghiệp tư nhân, có vận dụng các quy định của pháp luật về quy trình nghiệm thu, quy trình thanh quyết toán. Lập dự toán thi công để chủ đầu tư xem xét, nếu được áp dụng đúng quy định của nhà nước thì dự toán còn cao hơn trong hồ sơ. Chất lượng và khối lượng thi công đã được thể hiện ở hồ sơ hoàn công, qua đó có căn cứ để xác định giá. Cùng với hồ sơ hoàn công và biên bản nghiệm thu mới ra được hồ sơ quyết toán. Mặc dù các giá trị đã được thống nhất nhưng nhà thầu đề nghị giảm 3% để ký quyết toán, Công ty đồng ý nên mới có thể ra được số liệu tại biên bản đối chiếu công nợ. Do đó, không có căn cứ để Công ty KCT từ chối thanh toán cho Công ty TL. Mặt khác, Công ty TL ký Hợp đồng với Công ty KCT nên trách nhiệm trả nợ thuộc về Công ty KCT, Công ty TL không liên quan đến mối quan hệ giữa Công ty KCT và Công ty CL V. Do đó, không có căn cứ để Công ty KCT từ chối thanh toán cho Công ty TL.

Về lãi chậm trả, theo điểm d khoản 2 Điều 48 Luật Xây dựng quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư khi chậm thanh toán phải chịu lãi suất quá hạn theo Ngân hàng mở tài khoản; đồng thời, tại Điều 42 Nghị định 48/2010/NĐ-CP cũng quy định về việc tính lãi quá hạn. Đồng thời, nguyên đơn rút một phần yêu cầu kháng cáo, chỉ yêu cầu tính lãi chậm thanh toán đến ngày 30/4/2020 là 6.829.515.335 đồng.

Về thời hiệu: Ngày bị đơn trả tiền lần cuối cùng là ngày 05/6/2017, nguyên đơn khởi kiện vào ngày 08/5/2020. Đây là tranh chấp về hợp đồng xây dựng, do Luật xây dựng không quy định thời hiệu nên cần phải áp dụng thời hiệu theo Bộ luật dân sự. Do đó, thời hiệu khởi kiện vẫn còn.

- Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Về quan hệ pháp luật: Đây là tranh chấp Hợp đồng xây dựng, không phải tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh từ Hợp đồng xây dựng, bởi theo đơn phản tố và bản trình bày của bị đơn thể hiện, do có quan hệ giữa ông Đ, ông T có nhờ nhau để ký hồ sơ quyết toán nhằm mục đích để ông Đ lên Công ty CL thanh toán. Việc ký hồ sơ quyết toán đã có những hạng mục không có trong hợp đồng, không có hồ sơ đính kèm, toàn bộ tài liệu sau là do nguyên đơn đóng ghép trang đầu, trang sau không có. Trong khi đó, theo Điều 4.1 Hợp đồng quy định về các tài liệu để thanh toán, các tài liệu này là cơ sở nhà thầu cung cấp cho chủ đầu tư để thanh toán nhưng hồ sơ không có các tài liệu này. Việc ký biên bản đối chiếu công nợ và quyết toán công trình là giả cách, mục đích để Công ty TL quyết toán và nhận tiền từ Công ty CL.

Về việc đưa thiếu người tham gia tố tụng: Thời gian đầu, ông T là người làm thuê cho Công ty KCT, Công ty CL là chủ sở hữu chính chiếm 90% cổ phần của Công ty KCT. Ông Đ đã nhiều năm làm việc với Công ty CL. Tại hợp đồng góp vốn thể hiện, Công ty CL đã góp hơn 6.000m2 đất vào Công ty KCT. Toàn bộ tài sản trên đất đến ngày 25/8/2011 (theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) đều là tài sản của Công ty CL góp toàn bộ tài sản trên đất vào Công ty KCT. Ngày 25/8/2011, Công ty CL và Công ty KCT tiếp tục ký Hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê. Toàn bộ số tiền Công ty CL nhận được từ việc chuyển nhượng cổ phần cho ông T và chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất với đất thuê cho Công ty KCT đã hoàn tất. Công ty KCT không phải thanh toán bất kì khoản nào cho Công ty TL như nội dung khởi kiện mà nguyên đơn yêu cầu. Việc Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty CL tham gia vụ án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để xác định trách nhiệm thanh toán là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm tự bổ sung thêm người tham gia tố tụng là ông T, bà T1 mà nguyên đơn và bị đơn không có yêu cầu bổ sung người tham gia tố tụng, Tòa án không có văn bản thông báo làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người liên quan. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng lại tuyên xử không chấp nhận yêu cầu phản tố và yêu cầu độc lập là vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm để bổ sung người tham gia tố tụng là Công ty CL.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Lê Thị T1 trình bày: Số liệu quyết toán chỉ là số liệu tạm thời, do Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty bị bắt nên Công ty TL nhờ ký để đòi tiền của Công ty V nên các quyển quyết toán chỉ ký trang đầu mà chưa được được đối chiếu các nội dung khác. Hồ sơ thanh toán Công ty TL chưa cung cấp được tài liệu gì nên bản đối chiếu nợ không có giá trị.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Hà Duy T trình bày: Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn đã xác định không có tài liệu gì khác kèm theo. Tài sản nguyên đơn kiện đòi nợ thuộc sở hữu của Công ty CL thể hiện qua việc Hợp đồng chuyển nhượng tài sản giữa Công ty CL và Công ty KCT được lập sau khi Công ty KCT ký hồ sơ quyết toán với Công ty TL. Công ty KCT đã thanh toán tiền với Công ty CL nên nguyên đơn phải yêu cầu thanh toán với Công ty CL. Năm 2011, tài sản trên đất thuộc Công ty CL V, bị đơn đã đề nghị cung cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định tài sản trên đất là của ai nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét. Tòa án cấp sơ thẩm đã chưa xem xét hết các nội dung về hồ sơ xây dựng, mặc dù đã yêu cầu nguyên đơn cung cấp các hồ sơ xây dựng nhưng nguyên đơn không xuất trình được. Ngoài ra, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã đề nghị xem xét thẩm định tại chỗ để xác định các hạng mục được thanh quyết toán có trong Hợp đồng nhưng không được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận.

Tòa án cấp sơ thẩm còn vi phạm về thủ tục tố tụng: Bị đơn có đơn đề nghị thay đổi Thẩm phán nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không ra quyết định giải quyết mà lại trả lại đơn làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người đề nghị. Bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nhưng không được Tòa án xem xét thụ lý nhưng khi quyết định lại không chấp nhận yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập là làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.

Tòa án cấp sơ thẩm không đưa Công ty CL V tham gia tố tụng là thiếu sót bởi tại thời điểm chốt nợ, các công trình xây dựng là tài sản của V, không phải của Công ty KCT; Công ty KCT đã thanh toán số tiền hơn 5 tỷ đồng để mua khối tài sản này. Do đó, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, hủy Bản án sơ thẩm để bổ sung người tham gia tố tụng và tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và quan điểm về kháng nghị:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự: Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã cơ bản thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về quan điểm giải quyết vụ án:

Tính hợp pháp của các hợp đồng xây dựng: Vào các ngày 19/3/2008, 06/01/2009, 25/12/2010, giữa nguyên đơn là Công ty TL và Công ty Cổ phần chế tạo thiết bị và lắp máy CL V (nay là Công ty TNHH Đào tạo và KCT Hải Phòng) kí kết các hợp đồng nguyên tắc số 03-08/HĐNT, số 01-09/HĐNT, số 02-10/HĐNT có nội dung Nguyên đơn thi công xây dựng các hạng mục công trình của Công ty Cổ phần chế tạo thiết bị và lắp máy CL V trong thời gian năm 2008, 2009, 2010 về các hạng mục nhà kho, hệ thống thoát nước, móng cột quảng cáo, nhà để xe, trạm chứa khí hóa lỏng, bệ máy phun bi 40 và 80 tấn, nhà phun bi, tường bao nhà kho, hệ thống thoát nước các xưởng; phần móng nhà tôn cuộn, nền bê tông ngoài nhà phun bi, nền quạt gió, nền bê tông móng ray ngoài nhà.Các hợp đồng nguyên tắc trên đều trên cơ sở tự nguyện, nội dung hợp đồng không vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, thẩm quyền, và hình thức hợp đồng đảm bảo quy định do đó hợp đồng nguyên tắc trên là hợp pháp, phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên.

Về số tiền nợ giữa nguyên đơn và bị đơn: Quá trình thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã thi công các hạng mục theo hợp đồng; ngày 24/6/2011, hai bên ký 04 quyển sổ quyết toán. Căn cứ số liệu theo nội dung 04 quyết toán đã ký, ngày 8/7/2011, hai bên đã ký biên bản đối chiếu công nợ cùng xác định giá trị quyết toán được duyệt 14.814.265.016 đồng; Giá trị của Công ty KCT đã tạm ứng cho Công ty TL tính đến ngày 22 /5/2010 là 5.917.070.000 đồng; Giá trị Công ty KCT còn nợ Công ty TL đến ngày 08/7/2011 là 8.897.195.016 đồng. Bị đơn cũng thừa nhận việc kí các quyển quyết toán và biên bản đối chiếu công nợ là hoàn toàn tự nguyên, tỉnh táo, minh mẫn, không bị ép buộc nên nội dung quyết toán, biên bản đối chiếu công nợ là căn cứ xác định nghĩa vụ của bị đơn với Nguyên đơn. Mặt khác, sau khi đối chiếu công nợ, ngày 05/7/2017, bị đơn đã thanh toán cho nguyên đơn số tiền:

3.365.000.000 đồng nợ gốc, như vậy số tiền nợ gốc còn lại là 5.532.195.016 đồng là có căn cứ.

Xét nội dung các bảng quyết toán và bảng đối chiếu công nợ giữa các bên thấy: hạng mục vận chuyển ống cống (Quyển 2), giá trị 46.712.000 đồng không có trong phần đối chiếu công nợ mà các bên đã xác nhận. Quyển số 02 cũng không có xác nhận của bị đơn. Tuy nhiên, xét thấy tổng giá trị hai bên xác nhận nhỏ hơn giá trị của các bảng quyết toán nên có căn cứ để công nhận giá trị hai bên đã thỏa thuận tại bảng đối chiếu công nợ ngày 8/7/2011 là 14.814.265.016 đồng.

Một số hạng mục Bị đơn cho rằng không nằm trong hợp đồng, được trình bày tại văn bản trình bày ý kiến và đơn phản tố gửi Tòa án như sau:

Quyển quyết toán 1, hạng mục hào cáp, rãnh thoát nước trị giá 403.232.992 đồng: Bị đơn cho rằng hạng mục này không có trong hợp đồng nhưng tài liệu thể hiện trong hợp đồng 03-08 ngày 19/3/2008 có thỏa thuận về thực hiện hệ thống thoát nước; dự toán ngày 24/9/2008 có dự toán cho hạng mục hào cáp, rãnh thoát nước là 506.147.000 đồng. Quyển 2: Hạng mục bộ máy phun bi 40 và 80 tấn, trị giá 92.848.671 đồng, Bị đơn cho rằng hạng mục này không có trong hợp đồng nhưng trong hợp đồng 01/2009 có nội dung này thể hiện tại Điều 1, gạch đầu dòng thứ 2 từ trên xuống: “Trạm chứa khí hóa lỏng, bệ máy phun bị 40 & 80 tấn”. Quyển 4: hạng mục khu nhà tạm; đường tạm 28.442.100 đồng, Bị đơn cho rằng hạng mục này không có trong hợp đồng nhưng trong dự toán ngày 10/6/2008 (có xác nhận của cả hai bên) có hạng mục này với giá trị dự toán là 286.229.000 đồng cho khu nhà tạm và 71.132.000 đồng cho đường tạm. Do đó, có thể coi đây là thỏa thuận giữa các bên về việc thực hiện các hạng mục này. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận ý kiến này của bị đơn.

Đối với hạng mục đường vào công ty (78.750.568 đồng) tại quyển 4 và hạng mục các phần việc bổ sung (mặt bằng móng, đá nền bãi, xung quanh nhà phun bi - 45 29.101.191 đồng) tại quyển 4: bị đơn trình bày 2 mục này không có trong hợp đồng. Xét thấy nội dung các hợp đồng không có nội dung này, quyết toán cũng không có xác nhận của bị đơn, không có tài liệu nào 2 bên xác nhận có các hạng mục này. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn trình bày đường tạm, lán tạm là công việc phát sinh thực tế, được sự đồng ý của chủ đầu tư tuy nhiên không đưa ra được căn cứ chứng minh. Do đó, có căn cứ để giảm trừ số tiền thực hiện các hạng mục này theo yêu cầu của bị đơn, tổng cộng số tiền giảm trừ là: 107.851.759 đồng.

Đối với ý kiến kháng cáo của nguyên đơn và kháng nghị của VKSND huyện AD về thời hiệu khởi kiện:

Tòa án sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp là:“tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh theo hợp đồng xây dựng”, như vậy phải áp dụng luật chuyên ngành là Luật xây dựng để giải quyết xem về yêu cầu trả lãi chậm trả của nguyên đơn. Theo khoản 1 Điều 138 Luật Xây dựng 2014: “1. Hợp đồng xây dựng là hợp đồng dân sự được thỏa thuận bằng văn bản giữa bên giao thầu và bên nhận thầu để thực hiện một phần hay toàn bộ công việc trong hoạt động đầu tư xây dựng.” Như vậy, Luật Xây dựng không có chế tài quy định về thời hiệu khởi kiện, vì vậy phải áp dụng Bộ luật dân sự 2015 để giải quyết vấn đề thời hiệu theo yêu cần của Nguyên đơn về trả lãi chậm thanh toán. Tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Tài liệu, chứng cứ của vụ án thể hiện, ngày 05/6/2017, bị đơn thanh toán cho nguyên đơn lần cuối là 3.365.000.000 đồng nên xác định thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là ngày 05/6/2017. Ngày 08/5/2020, Công ty TL có đơn khởi kiện tại Tòa án vì vậy kể từ khi bắt đầu lại thời hiệu đến khi Nguyên đơn khởi kiện chưa quá 03 năm nên theo quy định tại Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 vẫn còn thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu của Nguyên đơn về trả lãi chậm thanh toán phát sinh từ các hợp đồng xây dựng. Tuy nhiên Tòa án huyện AD lại nhận định thời điểm bị đơn thanh toán cho nguyên đơn lần cuối vào ngày 05/6/2017 nên xác định thời điểm bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là ngày 05/6/2017. Ngày 08/5/2020, Công ty TL có đơn khởi kiện đã quá hai năm. Vì vậy Tòa án sơ thẩm áp dụng Điều 319 Luật thương mại cho rằng thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết. Việc Tòa án sơ thẩm không áp dụng Điều 429 Bộ luật dân sự 2015 mà lại áp dụng Điều 319 Luật thương mại để xác định hết thời hiệu khởi yêu cầu của nguyên đơn về trả lãi chậm thanh toán, từ đó tuyên đình chỉ giải quyết yêu cầu của Công ty TL về việc đề nghị Tòa án buộc Công ty KCT Hải Phòng phải trả lãi chậm thanh toán là không đúng, trái với nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Điều 4 Bộ luật dân sự năm 2015, ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích của Nguyên đơn. Như vậy, nội dung kháng cáo của Nguyên đơn và kháng nghị của VKSND huyện AD là có căn cứ chấp nhận. Do thời hiệu khởi kiện vẫn còn nên yêu cầu của Nguyên đơn về việc buộc bị đơn phải trả số tiền lãi chậm thanh toán là có căn cứ.

Về mức lãi suất: Trong hợp đồng, các bên không thỏa thuận về lãi suất chậm thanh toán. Theo quy định tại Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp các bên không có thỏa thuận về lãi suất phát sinh do chậm trả tiền thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật này (10%/năm). Như vậy, tại đơn khởi kiện, Công ty TL yêu cầu tính lãi suất của số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, tương ứng với thời gian từ 09/7/2011 cho đến ngày 30/4/2020 là không có căn cứ chấp nhận.

Đối với ý kiến kháng cáo của bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cho rằng bản án không xem xét đến quyền lợi hợp pháp của Công ty, nhận định và áp dụng pháp luật không đúng:

Bị đơn cho rằng Tòa án sơ thẩm đưa thiếu người tham gia tụng là Công ty Cổ phần Đầu tư CL với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bởi vì năm 2009, Công ty CL đã góp vốn vào Công ty KCT bằng tài sản gắn liền với đất thuê thông qua hợp đồng góp vốn số công chứng 2584 ngày 16/12/2009 và phụ lục hợp đồng góp vốn số 1912 ngày 09/4/2010. Ngày 25/8/2011, giữa Công ty Cổ phần Đầu tư CL và Công ty TNHH Đào tạo và KCT Hải Phòng tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê, tài sản chuyển nhượng chính là toàn bộ hệ thống tường rào hoa, các công trình phụ trợ, hạ tầng cơ sở và các vật kiến trúc được xây dựng theo 03 hợp đồng xây dựng trên diện tích 64.003,5 m’ đất thuê với giá trị chuyển nhượng là 18.609.128.441 đồng. Do đó, theo bị đơn, Tòa án không đưa Công ty CL tham gia tố tụng để xác định ai là người có nghĩa vụ thanh toán là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Tại giai đoạn phúc thẩm, Tòa án đã thu thập bổ sung được tài liệu là hợp đồng góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê ngày 16/12/2009 giữa Công ty Cổ phần Đầu tư CL V và Công ty Cổ phần chế tạo thiết bị và lắp máy CL V (nay là Công ty KCT). Tại giai đoạn sơ thẩm, bị đơn cũng đã trình bày về việc bị đơn đã ký với Công ty Cổ phần Đầu tư CL V hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê ngày 25/8/2011. Xét thấy đây là mối quan hệ khác giữa Công ty KCT và Công ty Cổ phần Đầu tư CL, không liên quan đến hợp đồng xây dựng ký giữa Công ty Kết cẩu Thép và Công ty TL. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận việc Công ty KCT cho rằng đã thanh toán tiền cho Công ty Cổ phần Đầu tư CL thì giờ không phải thanh toán cho Công ty TL nữa.

Về việc xem xét, thẩm định tại chỗ: Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn và đại diện VKSND huyện AD đã có ý kiến đề nghị tạm ngừng phiên tòa để thu thập tài liệu chứng cứ do Tòa án chưa xem xét thẩm định tại chỗ, hồ sơ vụ án chưa có các tài liệu, chứng cứ như bị đơn trình bày nhưng xét thấy, công trình đã dùng thi công từ năm 2011, các bên cũng trình bày hiện nay nhiều hạng mục đã xuống cấp, không còn tồn tại. Hai bên cũng đã ký xác nhận công nợ và các bản quyết toán thể hiện được các hạng mục đã thực hiện. Do đó, việc xem xét, thẩm định tại chỗ tại giai đoạn này không có ý nghĩa quan trọng đối với việc giải quyết vụ án.

Qua việc phân tích về tính hợp pháp của các hợp đồng và biên bản đối chiếu công nợ thấy việc Tòa án buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền còn thiếu là có căn cứ. Do Công ty KCT đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 28/5/2020 nên theo Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp:

1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây: ...d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Do đó, Công ty KCT, ông Hà Duy T, bà Lê Thị T1 phải liên đới trả cho Công ty TL số tiền còn thiếu.

Đối với một phần kháng cáo của bị đơn và nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát huyện AD về vi phạm của tòa án khi không thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập nhưng lại tuyên không chấp nhận yêu cầu của bị đơn. Nội dung kháng cáo và kháng nghị này cần được chấp nhận bởi:

Ngày 14/01/2021 Tòa án nhân dân huyện AD nhận được đơn yêu cầu phân tố của bị đơn; yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu Công ty TL phải hoàn trả số tiền 9.282.070.000 đồng, bồi thường thiệt hại 1.200.000.000 đồng. Tòa án huyện AD không thụ lý yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tại phần nhận định của Bản án cũng nêu rõ, đối với yêu cầu trong đơn phản tố của bị đơn đề nghị Tòa án buộc Công ty TL phải hoàn trả số tiền đã thanh toán là ý kiến phản đối của bị đơn đối với nguyên đơn, không phải yêu cầu phản tố của bị đơn. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại 1.200.000.000 đồng của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập nhưng thời điểm bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu sau khi Tòa án đã tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, công khai, tiếp cận, chứng cứ và hòa giải nên căn cứ khoản 3 Điều 200, khoản 2 Điều 201 Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết yêu cầu này trong cùng vụ án. Tuy nhiên, tại phần Quyết định của Bản án tòa án sơ thẩm lại tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu của Công ty KCT Hải Phòng, ông Hà Duy T và bà Lê Thị T1 về việc giảm trừ giá trị thanh toán 6.711.971.029 đồng, buộc hoàn trả số tiền 9.282.070.000 đồng cho đến khi hoàn thiện hồ sơ quyết toán. Việc Tòa án nhân dân huyện AD không thụ lý theo yêu cầu của đương sự nhưng lại quyết định tuyên như phân tích nêu trên là không đúng quy định của pháp luật, vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của đương sự.

Đối với nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát huyện AD về việc Bản án tuyên không chấp nhận yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhưng lại không tuyên bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là có vi phạm. Nội dung kháng nghị này cần được chấp nhận bởi lẽ:

Theo khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Theo khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 6, Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30/12/2016 quy định: "Đương sự phải chịu án phi sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận”. Do đó, Bản án sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu của bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì phải quyết định về nghĩa vụ chịu án phí của họ. Bản án sơ thẩm không buộc bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có thiếu sót.

Đề nghị HĐXX phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự chấp nhận kháng nghị của VKSND huyện AD, một phần kháng cáo của nguyên đơn, một phẩn kháng cáo của bị đơn, một phần kháng cáo của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, sửa một phần bản án sơ thẩm số 07/2021/KDTM ST ngày 23/3/2021 của TAND huyện AD theo hướng:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của công ty cổ phần đầu tư và xây dựng TL. Buộc Công ty KCT, ông Hà Duy T, bà Lê Thị T1 phải liên đới trả cho Công ty TL 5.454.343.257 đồng (giảm trừ 107.851.759 đồng so với bản án sơ thẩm) và số tiền lãi phát sinh từ ngày 08/7/2011 đến ngày 30/4/2020 với mức lãi suất là 10%/năm.

Tách yêu cầu bồi thường thiệt hại 1.200.000.000 đồng của Công ty KCT, ông Hà Duy T, bà Lê Thị T1 đối với Công ty TL để giải quyết bằng vụ án khác khi đương sự có yêu cầu.

Về án phí sơ thẩm: Công ty KCT, ông Hà Duy T, bà Lê Thị T1 phải chịu án phí có giá ngạch tương ứng với số tiền phải trả.

Án phí phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa nên những người kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kháng cáo của các đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

- Về thủ tục tố tụng:

[1] Về thẩm quyền và quan hệ pháp luật: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp về yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh theo hơp đồng xây dựng và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng theo quy định tại khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự là đúng quy định của pháp luật.

- Xét kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn và kháng nghị của Viện kiểm sát:

[2] + Về hiệu lực của các Hợp đồng nguyên tắc số 03-08/HĐNT ngày 19/3/2008; số 02-10/HĐNT ngày 25/12/2010, số 01-09/HĐNT ngày 06/01/2009:

[3] Theo các Hợp đồng nguyên tắc, nội dung công việc của các bên là Công ty TL thực hiện thi công xây dựng các hạng mục công trình thuộc Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị và Lắp máy CL V (nay là Công ty KCT). Theo các tài liệu tại giai đoạn xét xử sơ thẩm thể hiện việc ký hợp đồng của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc nên có hiệu lực buộc các bên tham gia ký kết phải thực hiện.

[4] Tuy nhiên, tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị đơn đã cung cấp thêm tài liệu mới là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A0892050 do Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cấp ngày 27/7/2009 cho chủ sử dụng là Công ty Cổ phần Đầu tư CL V (đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư CL) thể hiện: Việc xây dựng được thực hiện trên thửa đất tại xã BS, huyện AD, thành phố Hải Phòng; tuy nhiên, tại thời điểm các bên ký Hợp đồng nguyên tắc số 03-08/HĐNT ngày 19/3/2008 và số 01-09/HĐNT ngày 06/01/2009, thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng thuộc quyền sử dụng của Công ty Cổ phần Đầu tư CL V và được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, thời hạn sử dụng từ ngày 16/12/2003 đến ngày 16/12/2033; mục đích sử dụng để xây dựng Trung tâm đào tạo, hướng nghiệp cho người lao động. Theo đó, tại thời điểm này, Công ty KCT không có quyền sử dụng đất, việc xây dựng được thực hiện trên khu đất thuộc quyền sử dụng của Công ty CL.

[5] Đối với Hợp đồng nguyên tắc số 02-10/HĐNT ngày 25/12/2010: Ngày 27/7/2009, Công ty Cổ phần Đầu tư CL V được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất; ngày 16/12/2009, Công ty CL đã ký Hợp đồng góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê với Công ty Lắp máy (nay là Công ty KCT), tài sản góp vốn là: Hệ thống tường rào hoa thoáng trên đất, các công trình phụ trợ, hạ tầng cơ sở và các vật kiến trúc khác gắn liền với quyền sử dụng 64.003,5m2 đất thuê 30 năm để xây dựng Trung tâm đào tạo, hướng nghiệp cho người lao động tại địa chỉ: Xã BS, huyện AD, thành phố Hải Phòng. Đến ngày 13/4/2010, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đã ghi nhận việc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê với Công ty Lắp máy. Như vậy, từ ngày 13/4/2010, thửa đất là tài sản góp vốn tại Công ty Lắp máy nên Công ty Lắp máy có quyền sử dụng đất để xây dựng các công trình trên đất để thực hiện mục đích góp vốn là xây dựng Trung tâm đào tạo hướng nghiệp cho người lao động và kinh doanh sản phẩm sau thực hiện là các kết cấu chế tạo từ sắt thép.

[6] Như vậy, theo các tài liệu mới thể hiện, việc xây dựng và ký Hợp đồng nguyên tắc năm 2008, 2009 giữa Công ty KCT và Công ty TL được thực hiện trên thửa đất tại xã BS, huyện AD, thành phố Hải Phòng không thuộc quyền sử dụng của Công ty KCT hay Công ty TL mà thuộc quyền sử dụng của Công ty CL (được Nhà nước cho thuê có thu tiền sử dụng đất, thời hạn 30 năm); các tài liệu do bị đơn, nguyên đơn cung cấp tại giai đoạn xét xử sơ thẩm không thể hiện có việc chuyển giao quyền sử dụng giữa Công ty CL và Công ty KCT để Công ty KCT có quyền xây dựng trên thửa đất hay không. Do đó, việc xây dựng năm 2008, 2009 trên thửa đất thuộc quyền sử dụng của Công ty CL ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty CL nên cần bổ sung Công ty CL tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

[7] Về việc thanh toán, quyết toán các công trình đã xây dựng: Theo Điều 81 Luật Xây dựng năm 2003 quy định việc thanh toán, quyết toán trong hoạt động xây dựng: “Nhà thầu có trách nhiệm lập hồ sơ thanh toán, quyết toán khối lượng công việc đã thực hiện. Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thanh toán cho nhà thầu theo khối lượng công việc được nghiệm thu”. Đồng thời, khoản 1 Điều 80 Luật Xây dựng năm 2003 quy định về việc nghiệm thu công trình xây dựng phải thực hiện các quy định sau đây: “a, Tuân theo các quy định về quản lý chất lượng xây dựng công trình; b, Nghiệm thu từng công việc, từng bộ phận, từng giai đoạn, từng hạng mục công trình, nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Riêng bộ phận bị che khuất của công trình phải được nghiệm thu và vẽ bản vẽ hoàn công trước khi tiến hành các công việc tiếp theo; c, Chỉ được nghiệm thu khi đối tượng nghiệm thu đã hoàn thành và có đủ hồ sơ theo quy định; d, Công trình chỉ được nghiệm thu đưa vào sử dụng khi đảm bảo đúng yêu cầu thiết kế, đảm bảo chất lượng và đạt các tiêu chuẩn theo quy định”.

[8] Như vậy, trách nhiệm lập hồ sơ thanh toán, quyết toán là của nhà thầu dựa trên việc nghiệm thu công trình; chủ đầu tư cũng có trách nhiệm phải thanh toán, nhưng không chỉ dựa trên hồ sơ quyết toán mà dựa trên khối lượng công việc được nghiệm thu. Mặc dù, Công ty KCT thừa nhận có ký hồ sơ quyết toán và biên bản đối chiếu công nợ nhưng các bên không cung cấp cho Tòa án cấp sơ thẩm được các biên bản, hồ sơ nghiệm thu công trình, tài liệu về việc bàn giao công trình. Theo Bảng tổng hợp quyết toán, có một số các hạng mục công trình phát sinh không có theo Hợp đồng nguyên tắc như đường ống cống thoát nước D400, 600, 800; hào cáp tại xưởng nhà chính…Theo trình bày của bị đơn thì nhiều hạng mục của công trình xây dựng chưa được thi công xong, chưa được nghiệm thu và bàn giao cho Công ty KCT. Mặt khác, đến tháng 6/2011, các bên tiến hành việc quyết toán, tuy nhiên, các tài liệu tại giai đoạn sơ thẩm chưa xác định được các bên đã hoàn thành công trình, bàn giao công trình thời điểm nào. Đồng thời, theo tài liệu mới do bị đơn bổ sung thể hiện, ngày 16/12/2009, Công ty CL đã tiến hành góp vốn tại Công ty KCT, tài sản góp vốn là Hệ thống tường rào hoa thoáng trên đất, các công trình phụ trợ, hạ tầng cơ sở và các vật kiến trúc khác gắn liền với quyền sử dụng 64.003,5m2 đất. Như vậy, trên phần diện tích đất thuê này có các tài sản của Công ty KCT đang được Công ty TL xây dựng nhưng lại được Công ty CL góp vốn tại Công ty KCT, việc góp vốn đã được công chứng và được ghi nhận tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại thời điểm góp vốn, chưa làm rõ việc bàn giao công trình của Công ty TL cho Công ty KCT từ thời điểm nào, việc góp vốn có bao gồm các tài sản Công ty TL đang xây dựng không, tài sản của Công ty CL gồm những tài sản nào.

[9] Theo Hợp đồng chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê ngày 25/8/2011 giữa Công ty CL và Công ty KCT thể hiện tài sản chuyển nhượng là toàn bộ hệ thống tường rào hoa, các công trình phụ trợ, hạ tầng cơ sở và các vật kiến trúc được xây dựng trên diện tích 64.003,5m2 đất, theo đó: Giá trị xây dựng tài sản trên đất là 5.796.273.826 đồng, gồm tường rào thoáng, cổng, bảng hiệu, nhà bảo vệ, hệ thống thoát nước, hệ thống đường nội bộ, móng đá nền bãi. Các công trình được chuyển nhượng này gồm một phần công trình do Công ty TL xây dựng cho Công ty KCT, một số công trình xây dựng còn lại đã được thể hiện trong quyết toán nhưng không được liệt kê tại hợp đồng chuyển nhượng trong khi việc chuyển nhượng toàn bộ hạ tầng cơ sở và các vật kiến trúc được xây dựng trên đất. Do không có hồ sơ nghiệm thu công trình và hồ sơ bàn giao công trình nên cần phải xem xét, thẩm định tại chỗ để làm rõ, các công trình đã xây dựng thực tế gồm những công trình nào, hiện trạng, chất lượng công trình... Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, Công ty KCT có đề nghị Tòa án xem xét thẩm định tại chỗ hiện trạng công trình xây dựng nhưng không được chấp nhận. Việc không tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ chưa được thực hiện nên chưa có căn cứ để đánh giá việc thực hiện xây dựng có đầy đủ các hạng mục như theo hồ sơ quyết toán hay không.

[10] Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, bị đơn cung cấp thêm một số tài liệu mới thể hiện có người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là Công ty Cổ phần Đầu tư CL, tuy nhiên tại giai đoạn xét xử sơ thẩm, Công ty CL chưa được tham gia tố tụng và chưa được xem xét đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đồng thời, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, chưa thực hiện việc xem xét, thẩm định tại chỗ để xem xét, đánh giá hiện trạng việc xây dựng có phù hợp với hồ sơ quyết toán hay không, tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.

[11] Do xuất hiện tình tiết mới dẫn tới việc triệu tập thiếu người tham gia tố tụng và việc thu thập chứng cứ, chứng minh của Tòa án cấp sơ thẩm chưa được thực hiện đầy đủ mà giai đoạn xét xử phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được nên cần chấp nhận kháng cáo của bị đơn, hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

[12] + Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát và các ý kiến của bị đơn về việc vi phạm tố tụng của Tòa án cấp sơ thẩm:

[13] Về việc xem xét thời hiệu: Do việc ký Hợp đồng giữa các chủ thể là pháp nhân vì mục đích lợi nhuận nên được điều chỉnh theo Luật Thương mại; do đó, việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu tính lãi chỉ 2 năm theo Điều 319 Luật Thương mại mà không theo Điều 429 Bộ luật Dân sự là có căn cứ và đúng quy định nên không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.

[14] Về việc giải quyết yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập: Xét thấy, thời điểm bị đơn có yêu cầu phản tố và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập; vụ án đã tiến hành hòa giải, tại biên bản hòa giải thể hiện bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu phản tố hay yêu cầu độc lập. Mặt khác, Tòa án cấp sơ thẩm cũng không tiến hành thụ lý các yêu cầu này, do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không phải xem xét, giải quyết yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, tại phần quyết định của Bản án sơ thẩm lại tuyên không chấp nhận yêu cầu của Công ty KCT, của ông T, bà T1 là vượt quá phạm vi khởi kiện, vi phạm khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên có căn cứ để chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát.

[15] Từ những căn cứ trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, chấp nhận một phần kháng nghị của Viện kiểm sát và chấp nhận kháng cáo của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Hủy Bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

- Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm:

[16] Do Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm. Ông Hà Duy T là người cao tuổi nên được miễn nộp tạm ứng án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 148, Điều 184, Điều 227, khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Căn cứ các điều 162, 518, 519, 520, 525 Bộ luật Dân sự 2005; các Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự 2015; các Điều 62, 63, 75, 80, 81, 94 Luật Xây dựng 2003; các Điều 74, 85, 87, 306, 319 Luật Thương mại; các Điều 2, 4, 6, 7 và 8 Luật Thuế GTGT 2008; Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020 Căn cứ Điều 26, Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xử: Hủy Bản án sơ thẩm số 07/2021/KDTM-ST ngày 23/3/2021 của Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện AD, thành phố Hải Phòng để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Về án phí dân sự sơ thẩm: Án phí dân sự sơ thẩm sẽ được xác định lại khi giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Về án phí dân sự phúc thẩm:

Trả lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng TL số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0013105 ngày 07/4/2021.

Trả lại cho Công ty TNHH Đào tạo và KCT Hải Phòng số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 2.000.000 đồng theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0013116 ngày 14/4/2021.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

410
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán phát sinh theo hợp đồng xây dựng số 23/2021/KDTM-PT

Số hiệu:23/2021/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 03/12/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về