Bản án về tranh chấp yêu cầu hủy quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ, buộc công ty nhận trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết và yêu cầu đòi BTTH số 01/2022/LĐ-PT

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN

BẢN ÁN 01/2022/LĐ-PT NGÀY 22/04/2022 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HĐLĐ, BUỘC CÔNG TY NHẬN TRỞ LẠI LÀM VIỆC THEO HĐLĐ ĐÃ KÝ KẾT VÀ YÊU CẦU ĐÒI BTTH

Ngày 22 tháng 04 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 01/2021/TLPT- LĐ ngày 15 tháng 11 năm 2021 về việc: Tranh chấp quyền về yêu cầu hủy quyết định đơn phương chấp dứt HĐLĐ, buộc Công ty nhận trở lại làm việc theo hợp đồng đã ký kết và yêu cầu BTTH.

Do Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2021/QĐ-PT ngày 04 tháng 01 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 01/2021/QĐ-PT ngày 19 tháng 01 năm 2022; Thông báo chuyển ngày xét xử số 03/TB-TDS ngày 14 tháng 02 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 08/2022/QĐ-PT ngày 07 tháng 02 năm 2022; Thông báo chuyển ngày xét xử số 07/TB-TDS ngày 20 tháng 03 năm 2022; Quyết định hoãn phiên tòa số 14/2022/QĐ-PT ngày 08 tháng 4 năm 2022; giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Đinh Thị M, địa chỉ: Khu 6, thị trấn N, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Bị đơn: Công ty Nhiệt điện N - TKV. Địa chỉ: Khu 4, thị trấn N, huyện L, tỉnh Lạng Sơn.

Người đại diện theo pháp luật của bị đơn: Ông Lê Văn X - Giám đốc Công ty Nhiệt điện Na D - TKV; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

1. Ông Đặng Minh T - Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty nhiệt điện N; hộ khẩu thường trú: Tổ 27, thị trấn Đ, huyện Đ, thành phố Hà Nội; địa chỉ: Khu 4, thị trấn N, huyện L, tỉnh Lạng Sơn (Văn bản ủy quyền ngày 22/11/2021); có mặt.

2. Ông Lại Minh H, hộ khẩu thường trú: Thôn Nam Đ, xã Đ, huyện Đ, tỉnh Thái Bình; địa chỉ: Phòng 307, tòa nhà Rocland, số 16 Trần Quốc V, phường D, quận C, thành phố Hà Nội; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Trần Đại P, bà Lê Thị Mai A - Luật sư Công ty luật TNHH K; địa chỉ: Số 802, tòa nhà Kailash, số 03, ngõ 82, phố D, phường D, quận C, thành phố Hà Nội; có mặt;

- Người làm chứng: Bà Bùi Thị Hồng O - Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ ăn uống N; địa chỉ: Khu 4, thị trấn N, huyện L, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

Người kháng cáo: Bà Đinh Thị M là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án và nội dung Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn được tóm tắt như sau:

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nguyên đơn bà Đinh Thị M trình bày: Ngày 29/9/2003, bà được tuyển dụng vào làm việc tại Ban quản lý Dự án nhà máy Nhiệt điện N (nay là Công ty Nhiệt điện N – TKV) theo Quyết định số 414/QĐ-TCNS ngày 29/9/2003 của Giám đốc Ban quản lý Dự án nhà máy Nhiệt điện N, thời gian từ ngày 01/10/2003. Trong quá trình làm việc bà luôn chấp hành tốt kỷ luật lao động, thực hiện nghiêm túc các quy định của công ty, đồng thời không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ do Công ty phân công như: Năm 2003, hoàn thành lớp công nhân hóa phân tích tại trường cao đẳng Hóa chất; năm 2004 hoàn thành lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kho tàng do Tổng công ty Than Việt Nam tổ chức; năm 2013 hoàn thành chương trình đào tạo kế toán và được trường Đại học Sao Đỏ cấp bằng cử nhân kế toán. Ngày 01/01/2006, Công ty đã ký lại HĐLĐ đối với bà (HĐLĐ số 161/HĐLĐ ngày 01/01/2006) là loại hợp đồng không thời hạn. Ngày 09/9/2020, Giám đốc Công ty Nhiệt điện N - TKV đã ra quyết định số 1596/QĐ-NĐND về việc chấm dứt HĐLĐ đối với bà Đinh Thị M kể từ ngày 16/9/2020, lý do là Công ty thực hiện phương án thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động. Bà thấy rằng Quyết định số 1596/QĐ-NĐND ngày 09/9/2020 của Công ty Nhiệt điện N về việc chấm dứt HĐLĐ đối với bà là trái pháp luật, xâm hại trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Nay bà khởi kiện yêu cầu: Hủy bỏ quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật số 1596/QĐ-NĐND ngày 09/9/2020, buộc công ty nhận bà trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết và bồi thường cho bà các khoản tiền lương do mất việc làm, tiền bảo hiểm y tế, xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bồi thường tổn thất tinh thần các khoản tạm tính đến ngày xét xử 24/9/2021 là 118.455.120 đồng, lý do bà đưa ra là Công ty có xã hội hóa bộ phận nhà ăn nhưng chỉ là với lao động giản đơn như người nấu ăn và những người không có trình độ còn bà có bằng kế toán nên không thuộc trường hợp xã hội hóa.

Theo nội dung trình bày của bị đơn Công ty Nhiệt điện N -TKV: Bà Đinh Thị M được tuyển dụng vào làm việc tại Ban quản lý Dự án nhà máy Nhiệt điện N theo Quyết định số 414/QĐ-TCNS ngày 29/9/2003; ký HĐLĐ xác định thời hạn (36 tháng) kể từ ngày 01/10/2003 sau đó ký Hợp đồng không xác định thời hạn từ ngày 01/01/2006. Ngày 15/4/2004 Giám đốc Công ty điều động bà Đinh Thị M từ công nhân phân xưởng Hóa về nhận công tác thủ kho Hóa chất thuộc phòng Kế hoạch Vật tư theo Quyết định số 099/QĐ- TCLĐTL ngày 07/4/2004. Từ ngày 05/4/2005, bà Đinh Thị M được điều động từ thủ kho Hóa chất phòng Vật tư sang Kế toán Nhà ăn thuộc phòng Hành chính Quản trị theo Quyết định số 108/QĐ-TCLĐTL ngày 05/2/2005, trên cơ sở đề xuất của Trưởng phòng Hành chính Quản trị và thực hiện nhiệm vụ kế toán bếp ăn từ đó cho đến khi thực hiện xã hội hóa bếp ăn theo chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Điện lực - TKV. Ngày 18/5/2017, Công ty ký HĐLĐ không xác định thời hạn với bà Đinh Thị M kể từ ngày 01/6/2017, chức danh nghề, công việc: Nhân viên - phòng hành chính quản trị. Công việc phải làm: Kế toán nhà ăn. Trong quá trình làm việc bà Đinh Thị M được cử đi học và hoàn thành các lớp công nhân hóa phân tích, nghiệp vụ kho tàng vào các năm 2003, 2004. Năm 2013 bà Đinh Thị M có bằng cử nhân kế toán do trường Đại học Sao Đỏ cấp do học tự túc. Ngày 14/8/2020, Công ty Nhiệt điện N - TKV có Thông báo số 1377/TB-NĐND về việc chấm dứt HĐLĐ đối với bà Đinh Thị M từ ngày 15/9/2020 vì lý do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động. Đến ngày 09/9/2020 Công ty ra Quyết định số 1596/QĐ-NĐND chấm dứt hợp đồng với bà Đinh Thị M kể từ ngày 16/9/2020.

Công ty Nhiệt điện N khẳng định Công ty đã tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật trong việc chấm dứt HĐLĐ với bà Đinh Thị M. Do đó, Công ty không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đinh Thị M. Theo quy định tại Điều 4 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Công ty Nhiệt điện Na D thì Công ty trực thuộc và chịu sự quản lý trực tiếp của Tổng công ty Điện lực - TKV. Ngày 27/10/2017, Tổng công ty ban hành Công văn số 1889/ĐLTKV-TCLĐTL kèm theo phụ lục hướng dẫn triển khai chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Than- khoáng sản Việt Nam về việc thực hiện, triển khai công tác thuê ngoài dịch vụ phục vụ bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại cho người lao động đến các công ty con đơn vị trực thuộc. Theo đó, Tổng công ty chỉ đạo tiến tới xã hội hóa Tổ nhà ăn - trực thuộc phòng Hành chính quản trị, không thực hiện việc tự triển khai nấu ăn mà sẽ thuê đơn vị dịch vụ ngoài thực hiện công việc này. Chỉ đạo này được áp dụng chung cho tất cả các công ty con trong Tập đoàn, không riêng gì Công ty Nhiệt điện N. Căn cứ văn bản chỉ đạo này, tại các công ty con sẽ không còn tồn tại Tổ nhà ăn. Ngoài bộ phận Nhà ăn, Tổng công ty cũng chỉ đạo các công ty con, đơn vị trực thuộc thuê đơn vị dịch vụ bên ngoài thực hiện các công việc khác như Tổ bảo vệ, Tổ vệ sinh công nghiệp, Tổ lái xe…Đây là chủ trương, chính sách chung mang tính xuyên suốt trong Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản - đơn vị chủ quản của Tổng công ty Điện lực - TKV và Công ty Nhiệt điện N chỉ là một công ty con trong hệ thống chung. Do đó, Công ty Nhiệt điện N bắt buộc phải thi hành các nội dung được chỉ đạo và triển khai xã hội hóa hoạt động của Tổ nhà ăn cùng nhiều bộ phận khác. Từ đó dẫn đến việc thay đổi lại cơ cấu tổ chức, sắp xếp lại lao động trong công ty. Khoản 1 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động có quy định thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động là một trong các trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ quy định tại khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động. Và căn cứ theo khoản 10 Điều 36 Bộ luật Lao động thì đây là một trong các trường hợp người sử dụng lao động có quyền chấm dứt HĐLĐ. Công ty kiên trì mục tiêu giải quyết Xã hội hóa bộ phận nhà ăn, bảo vệ theo đúng chủ trương, các văn bản của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Điện lực - TKV về việc xã hội hóa, bà Đinh Thị M thuộc đối tượng xã hội hóa, nguyện vọng của bà Đinh Thị M về việc bố trí sắp xếp công việc như bà Đinh Thị M trình bày là không thể sắp xếp được.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn, quyết định:

Căn cứ vào các điểm a, b khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; Điều 227; Điều 228; khoản 2 Điều 229; Điều 266; Điều 271; Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Căn cứ Điều 25 Luật Công đoàn; Căn cứ khoản 10 Điều 36; Điều 38; Điều 44, Điều 46; Điều 49, Điều 192, Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012; Căn cứ Điều 13, Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ; Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 15, khoản 1 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Đinh Thị M yêu cầu hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ số 1596/QĐ-NĐND ngày 09/9/2020 của Công ty Nhiệt điện N – TKV, yêu cầu nhận trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết và yêu cầu BTTH đối với bị đơn là Công ty Nhiệt điện N – TKV.

2. Về án phí lao động sơ thẩm: Bà Đinh Thị M được miễn nộp án phí lao động sơ thẩm. Hoàn trả cho bà Đinh Thị M số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2015/0001521 ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 08/10/2021 bà Đinh Thị M nộp đơn kháng cáo yêu cầu hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng số 1596/QĐ-NĐND 09/9/2020 của Công ty Nhiệt điện Na Dương - TKV, yêu cầu Công ty nhận bà Đinh Thị M trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết; bồi thường cho bà M khoản tiền lương trong thời gian chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là 12 tháng, 09 ngày, tổng số tiền là: 54.463.000 đồng; bồi thường khoản tiền BHXH, BHYT, THTN 12 tháng là: 10.796.940 đồng; yêu cầu trả tiền lương tết dương lịch, tiền tổn thất tinh thần, tạm tính là: 100.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm bà Đinh Thị M giữ nguyên nội dung yêu cầu kháng cáo yêu cầu Công ty Nhiệt điện N nhận bà Miến trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết; BTTH theo quy định của pháp luật do chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

- Việc chấp hành pháp luật tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử, nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và các đương sự chấp hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng.

- Về quan điểm giải quyết vụ án: Căn cứ các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và diễn biến công khai tại phiên tòa thấy năm 2003, Ban Quản lý dự án nhà máy nhiệt điện N nay là Công ty Nhiệt điện N -TKV (viết tắt là Công ty) ký HĐLĐ với chị Đinh Thị M, thời hạn 36 tháng. Ngày 01/01/2006 ký Hợp đồng số 161, hợp đồng không xác định thời hạn. Ngày 18/5/2017 Công ty ký tiếp HĐLĐ số 004/HĐLĐ-NĐND không xác định thời hạn, chức danh nghề, công việc: Nhân viên - phòng hành chính quản trị. Công việc phải làm là hoàn thành công việc theo định mức lao động và các công việc khác theo yêu cầu, trong quá trình làm việc căn cứ năng lực trình độ và yêu cầu công việc Giám đốc công ty có thể tạm thời sắp xếp, bố trí điều động thực hiện công việc khác theo quy định pháp luật lao động, quy chế, quy định nội bộ công ty.

Thực hiện chủ chương của Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam -Tổng công ty Điện lực TKV về việc triển khai thuê ngoài thực hiện một số dịch vụ phục vụ người lao động từ 01/01/2018, theo đó những người lao động của bộ phận phục vụ đời sống chuyển sang làm việc cho nhà cung cấp dịch vụ. Công ty Nhiệt điện N – TKV là đơn vị thành viên trực thuộc, đã tổ chức thông báo đến toàn thể người lao động, họp tuyên truyền công tác tái cấu trúc tinh giảm lao động, xã hội hóa dịch vụ phụ trợ, chị M cũng được thông báo, biết chủ trương này. Trên cơ sở đó Công ty đã xây dựng Phương án sử dụng lao động theo Quyết định số 311/QĐ ngày 26/02/2019, cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động, xóa bỏ 2 tổ là Tổ bảo vệ và Tổ nhà ăn thuộc Phòng tổ chức hành chính, giảm số lao động ở các tổ này trong đó có chị Miến. Ngày 09/9/2020 Công ty ra Quyết định số 1596/QĐ-NĐND (Quyết định số 1596) về việc chấm dứt HĐLĐ với chị M kể từ ngày 16/9/2020.

Xét thấy trong HĐLĐ giữa Công ty và chị M trên không nêu quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (viết tắt HĐLĐ) của Công ty đối với trường hợp “ thay đổi cơ cấu tổ chức, tổ chức lại lao động”, nhưng tại khoản 1 Điều 6 có nêu “Những thỏa thuận về lao động không ghi trong hợp đồng này thì áp dụng các quy định của Nội quy lao động và các quy định khác của pháp luật lao động hiện hành”, Quyết định số 1596 ban hành trong thời điểm Bộ luật lao động năm 2012 (BLLĐ) có hiệu lực nên việc chấm dứt HĐLĐ và phải tuân thủ các quy định của Bộ luật lao động.

Xét tính hợp pháp của Quyết định chấm dứt HĐLĐ: Khi xây dựng phương án sử dụng lao động đã có sự tham gia ý kiến của Ban chấp hành Công đoàn Công ty, được Sở lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn phê duyệt theo Công văn số 293/CV ngày 12/3/2019. Phương án sử dụng lao động đã được thực hiện theo đúng các quy định Điều 44, 46 BLLĐ 2012 và Điều 13 Nghị định số 05/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính Phủ. Ngày 24/7/2019 Công ty ra Thông báo số 1528/TB về việc chấm dứt HĐLĐ với chị Miến vào ngày 15/9/2019. Do chị M đang mang thai, nên ngày 06/9/2019 Công ty gia hạn thời gian chấm dứt HĐLĐ đến khi chị M sinh con, nuôi con nhỏ đủ 01 tuổi. Sau khi chị M trở lại làm việc, do không bố trí được công việc nên công ty bố trí chị Miến thực hiện công tác phục vụ văn phòng. Ngày 27/7/2020 Công ty ra Thông báo số 1377/TB về chấm dứt HĐLĐ, thông báo trước 45 ngày, đến ngày 09/9/2020 Công ty ra QĐ số 1596 về việc chấm dứt HĐLĐ với chị M kể từ ngày 16/9/2020 là đảm bảo đúng quy định tại khoản 10 Điều 36 BLLĐ.

Về các chế độ được hưởng khi chấm dứt HĐLĐ: Mức lương chị M được hưởng thời điểm mất việc là 4.389.000đ, chị M làm việc cho Công ty từ năm 2003 đến ngày 15/9/2020 nên Công ty phải trả khoản trợ cấp mất với tổng số tiền là 24.139.500đ. Ngoài ra Công ty còn chi hỗ trợ từ quỹ phúc lợi của Công ty và của Tổng công ty điện Lực với tổng số tiền là 35.000.000đ. Việc giải quyết các chế độ được đảm bảo theo quy định Điều 49 BLLĐ, Điều 14 Nghị định số 05, Điều 1 Nghị định 148/NĐ-CP ngày 24/10/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 05.

Chị M kháng cáo cho rằng Công ty giữ nguyên không thay đổi cơ cấu, công nghệ nên việc chấm dứt HĐLĐ với lý do trên là trái pháp luật và bản thân chị được đào tạo có trình độ, không phải là lao động giản đơn nên không thuộc diện xã hội hóa. Xét thấy căn cứ Điều lệ Công ty ban hành kèm theo Quyết định số 126/QĐ ngày 03/02/2016 thấy tại Điều 3 Về cơ cấu tổ chức có bộ máy giúp việc gồm Văn phòng và các phòng kỹ thuật, nghiệp vụ, trong đó Phòng tổ chức – hành chính có 3 tổ gồm: Tổ Văn phòng, Tổ nhà ăn, Tổ bảo vệ. Việc chuyển sang thuê ngoài dịch vụ nấu ăn và bảo vệ nên xóa bỏ 2 Tổ nhà ăn và bảo vệ, do không bố trí được công việc cho chị M, Công ty phải tổ chức lại lao động và có quyền chấm dứt HĐLĐ được pháp luật cho phép với lý do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động, thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 44 BLLĐ, điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 05. Theo HĐLĐ trên chị M là nhân viên phòng hành chính quản trị, bản thân chị có trình độ cử nhân kế toán, nhưng khi ký hợp động làm việc là thực hiện công việc theo yêu cầu, sắp xếp của Giám đốc Công ty, như vậy chị M không phải thực hiện công việc có chuyên môn, thực hiện một công việc nhất định, quá trình làm việc có thể bố trí công việc khác. Do vậy khi xóa bỏ Tổ nhà ăn thì toàn bộ nhân viên không bố trí, sắp xếp được công việc khác thì Công ty phải chấm dứt lao động, mặt khác theo chủ chương thuê ngoài dịch vụ phục vụ thì số lao động chuyển sang đơn vị dịch vụ, sau khi chấm dứt HĐLĐ với chị Đinh Thị M Công ty đã yêu cầu và Hợp tác xã dịch vụ ăn uống N tiếp nhận chị Đinh Thị M vào làm việc và HTX đã đồng ý tiếp nhận, bố trí công việc cho chị Đinh Thị M làm công việc cũ đang làm nhưng chị không đồng ý. Như vậy Công ty đã thực hiện đúng chủ chương của Tổng công ty Điện lực TKV.

Đối với khoản tiền yêu cầu Công ty bồi thường theo đơn kháng cáo gồm các khoản: Tiền lương trong thời gian bị chấm dứt HĐLĐ, tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tiền thưởng tết và tiền bồi thường tổn thất tinh thần với tổng số là 165.260.440 đồng, xét thấy vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu, tại cấp sơ thẩm là 118.455.120 đồng, mặt khác việc chấm dứt HĐLĐ là đúng quy định Công ty N không có lỗi nên không có căn cứ chấp nhận bồi thường số tiền trên.

Do vậy không có căn cứ hủy Quyết định số 1596 trên và buộc Công ty Nhiệt điện N phải nhận chị M trả lại làm việc. Tuy nhiên về hình thức Quyết định số 1596 không ghi căn cứ pháp lý áp dụng như các điều luật của BLLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của BLLĐ để đảm bảo đầy đủ tính pháp lý, Công ty cần rút kinh nghiệm trong việc ban hành văn bản ở các trường hợp tương tự.

Từ những nội dung trên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 27/9/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Về án phí phúc thẩm nguyên đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Việc vắng mặt của những người tham gia tố tụng tại phiên tòa: Tại phiên tòa phúc thẩm vắng người làm chứng bà Bùi Thị Hồng O đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do, trong hồ sơ đã có lời khai, những người có mặt tại phiên tòa đều đề nghị Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án, xét thấy: Việc vắng mặt của bà Bùi Thị Hồng O không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng như quá trình giải quyết vụ án, căn cứ Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

[2] Xét nội dung kháng cáo của bà Đinh Thị M yêu cầu hủy bỏ quyết định chấm dứt hợp đồng số 1596/QĐ-NĐND của công ty Nhiệt điện N, yêu cầu Công ty Nhiệt điện N nhận bà M trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết; bồi thường cho bà M khoản tiền lương trong thời gian chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật là 12 tháng, 09 ngày, tổng số tiền là 54.463.000 đồng; bồi thường khoản tiền BHXH, BHYT, THTN 12 tháng là 10.796.940 đồng; yêu cầu trả tiền lương tết dương lịch, tiền tổn thất tinh thần, tạm tính là 100.000.000 đồng; nhận thấy:

[3] Bà Đinh Thị M được tuyển dụng vào làm việc tại Ban quản lý Dự án nhà máy Nhiệt điện N theo Quyết định số 414/QĐ-TCNS ngày 29/9/2003; ký HĐLĐ xác định thời hạn (36 tháng) kể từ ngày 01/10/2003, sau đó ký lại Hợp đồng không xác định thời hạn từ ngày 01/01/2006. Ngày 15/4/2004 Giám đốc Công ty điều động bà Đinh Thị M từ công nhân Phân xưởng hóa về nhận công tác Thủ kho hóa chất thuộc Phòng Kế hoạch vật tư theo Quyết định số 099/QĐ-TCLĐTL ngày 07/4/2004. Từ ngày 05/4/2005, bà Đinh Thị M được điều động sang làm kế toán nhà ăn thuộc Phòng hành chính quản trị theo Quyết định số 108/QĐ-TCLĐTL ngày 05/2/2005 và thực hiện nhiệm vụ kế toán nhà ăn từ đó cho đến khi thực hiện xã hội hóa bếp ăn theo chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Điện lực-TKV theo Văn bản số 1889/ĐLTKV-TCLĐTL ngày 27/10/2017 về việc triển khai thuê ngoài thực hiện một số dịch vụ phục vụ người lao động. Từ 01/01/2018, triển khai việc thuê ngoài dịch vụ phục vụ bữa ăn giữa ca và bồi dưỡng độc hại cho người lao động với điều kiện bắt buộc là các nhà cung cấp phải nhận lại nguyên trạng số lao động và thực hiện chế độ trả trợ cấp mất việc làm theo quy định cho những lao động này, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người lao động hiểu rõ bản chất của việc xã hội hóa tránh ảnh hưởng đến tâm lý người lao động. Kèm theo công văn này, Tổng Công ty cũng ban hành Phụ lục lưu ý hướng dẫn các đơn vị trực thuộc triển khai.

[4] Thực hiện văn bản chỉ đạo của Tổng công ty, Công ty Nhiệt điện Na Dương đã ban hành Quyết định số 311/QĐ-NĐND ngày 26/02/2019 xây dựng phương án sử dụng lao động để thực hiện chủ trương xã hội hóa (có ý kiến của tổ chức Công đoàn cơ sở). Theo đó Công ty đã bố trí cho bà Đinh Thị M chuyển sang tổ bếp ăn để nhận công việc hiện đang làm và được tổ bếp ăn chấp nhận nhưng bà Đinh Thị M không đồng ý. Do không thể sắp xếp, bố trí công việc khác nên công ty buộc phải chấm dứt HĐLĐ với bà Đinh Thị M, việc chấm dứt HĐLĐ không phải riêng bà Đinh Thị M trong danh sách còn có 29 người khác bao gồm 14 người tổ nhà ăn và 15 người tổ bảo vệ. Nội dung phương án xã hội hóa người lao động được công ty triển khai theo đúng quy định tại Điều 44, Điều 46 Bộ luật Lao động và khoản 3 Điều 13 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ. Ngày 19/4/2018 Công ty đã tổ chức họp tuyên truyền công tác tái cấu trúc tinh giảm lao động, xã hội hóa dịch vụ phụ trợ và có sự tham gia của tổ chức Công đoàn theo quy định tại Ðiều 46 Bộ luật Lao động, bà Đinh Thị M là tổ trưởng công đoàn nên biết rõ về chủ trương này. Ngày 26/02/2019 Công ty đã gửi Công văn số 312/NĐND-TCHC đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn để thông báo về việc cho người lao động thôi việc do thay đổi cơ cấu, tổ chức, tổ chức lại lao động trong doanh nghiệp theo phương án sử dụng lao động ban hành theo quyết định 311/QĐ-NĐND ngày 26/02/2019 của Công ty Nhiệt điện N. Ngày 12/3/2019 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Công văn số 293/SLĐTBXH-LĐVLBHXH thông báo phê duyệt phương án sử dụng lao động mà Công ty Nhiệt điện N đã xây dựng. Ngày 24/7/2019 Công ty Nhiệt điện N đã ban hành Công văn số 1526/NĐND-TCHC gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn để thông báo cho thôi việc do thay đổi cơ cấu, tổ chức, tổ chức lại lao động trong doanh nghiệp thực hiện theo đúng khoản 3 Điều 44 Bộ luật Lao động và cùng ngày 27/4/2019 Công ty ban hành Thông báo số 1528/TB-NĐND về việc chấm dứt HĐLĐ đối với bà Đinh Thị M, thời điểm cho thôi việc là ngày 15/9/2019.

[5] Trước đó, ngày 18/5/2017, Công ty ký HĐLĐ số 004/HĐLĐ-NĐND không xác định thời hạn với bà Đinh Thị M kể từ ngày 01/6/2017, chức danh nghề, công việc là nhân viên Phòng hành chính quản trị, công việc phải làm là hoàn thành khối lượng công việc theo định mức lao động đã ban hành theo Quyết 1013/QĐ-NĐND ngày 23/5/2017 và các công việc đột xuất khác thuộc quan hệ lao động do người chỉ huy trực tiếp phân công. Khi thực hiện xã hội hóa theo Văn bản số 1889/ĐLTKV-TCLĐTL ngày 27/10/2017 của Tổng Công ty Điện lực-TKV về việc triển khai thuê ngoài thực hiện một số dịch vụ phục vụ người lao động từ 01/01/2018, trong đó có triển khai việc thuê ngoài dịch vụ phục vụ bữa ăn cho người lao động. Ngày 27/4/2019 Công ty ban hành Thông báo số 1528/TB-NĐND về việc chấm dứt HĐLĐ đối với bà Đinh Thị M, thời điểm cho thôi việc là ngày 15/9/2019. Tuy nhiên trong thời gian này bà Đinh Thị M đang mang thai. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như ý kiến chỉ đạo của Tổng Công ty điện lực ngày 06/9/2019 Công ty Nhiệt điện N ra thông báo số 1838/TB-NĐND gia hạn thời gian chấm dứt HĐLĐ đối với bà Đinh Thị M cho đến khi sinh con và nuôi con nhỏ đủ 01 tuổi. Ngày 16/3/2020, bà Đinh Thị M đi làm lại sau khi hết kỳ nghỉ thai sản Công ty không thể bố trí được công việc cũ cho bà Đinh Thị M (vì đã xã hội hóa tổ nhà ăn nên không còn chức danh kế toán nhà ăn), Công ty đã phân công cho bà Đinh Thị M tạm thời làm công việc chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, lương và các chế độ được giải quyết đúng quy định pháp luật và dự kiến, sau 02 tháng sẽ thỏa thuận lại vị trí lao động tạm thời khác để giao bà Đinh Thị M làm cho đến khi bà Đinh Thị M chính thức thôi việc vào ngày 09/9/2020. Do bà Đinh Thị M không đồng tình và tiếp tục gửi đơn đến Tổng công ty điện lực để phản ánh nhưng không được chấp nhận. Ngày 14/8/2020, Công ty Nhiệt điện N - TKV ra Thông báo số 1377/TB- NĐND chấm dứt HĐLĐ đối với bà Đinh Thị M từ ngày 16/9/2020, thông báo trước 45 ngày. Ngày 09/9/2020 Công ty điện lực Na Dương ban hành Quyết định số 1596/QĐ-NĐND chấm dứt hợp đồng với bà Đinh Thị Miến kể từ ngày 16/9/2020, xét thấy: việc Công ty nhiệt điện N đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Đinh Thị M là do có sự thay đổi về cơ cấu xã hội hóa doanh nghiệp của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam theo đúng quy định khoản 10 Điều 36 của Bộ luật lao động. Tuy nhiện, Quyết định số 1596/QĐ-NĐND chấm dứt hợp đồng với bà Đinh Thị M về nội dung không sai nhưng về hình thức văn bản quyết định chấm dứt HĐLĐ đối với bà Đinh Thị M không ghi căn cứ áp dụng điều luật luật của Bộ luật lao động để chấm dứt HĐLĐ đối với bà Đinh Thị M là thiếu sót cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

[6] Về quyền lợi của bà Đinh Thị M: Thời gian bà Đinh Thị M làm việc cho Công ty điện lực N từ ngày 01/10/2003 đến hết ngày 15/9/2020, bà Đinh Thị M đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ ngày 01/01/2009 do vậy Công ty phải trả trợ cấp mất việc làm cho bà Đinh Thị M là 63 tháng (từ ngày 01/10/2003 đến ngày 01/01/2009). Do vậy Công ty trả khoản trợ cấp mất việc cho bà Đinh Thị M là 5,5 tháng lương, với số tiền là 4.389.000đ x 5,5 = 24.139.500 đồng là đảm bảo quyền lợi cho bà Đinh Thị M theo quy định của Điều 49 của Bộ luật lao động. Mặt khác Công ty còn hỗ trợ khoản tiền từ quỹ phúc lợi của Công ty và của Tổng Công ty Điện lực, tổng số tiền là 31.500.000 đồng (đã trừ thuế thu nhập cá nhân), như vậy phía Công ty Nhiệt điện N đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 38; 47, 48 của Bộ luật lao động.

[7] Tại phiên tòa phúc thẩm bà Đinh Thị M trình bày lý do bị chấm dứt HĐLĐ là do cơ cấu tổ chức của Công ty nhiệt điện N không có gì thay đổi so với cơ cấu tổ chức trước đó; bà là kế toán nhưng Công ty lại bố trí cho bà làm công việc dọn vệ sinh cơ quan và cắt tỉa cây cảnh là không phù hợp vơi chuyên môn; bà là tổ trưởng công đoàn có biết việc triển khai xã hội hóa của Công ty theo quy định của Tổng Công ty điện lực Việt Nam - TKV, nhưng việc triển khai xã hội hóa là tuyên truyền vận động người lao động thực hiện, không thể cưỡng bức người lao động buộc thôi việc được. Hội đồng xét xử, xét thấy: Lý do bà Đinh Thị M đưa ra bị Công ty điện N - TKV chấm dứt HĐLĐ là không có căn cứ, không phù hợp với quy định tại Điều 38, 39 của Bộ luật lao động. Do vậy, bà Đinh Thị M kháng cáo yêu cầu Công ty Nhiệt điện N nhận bà Đinh Thị M trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết và phải bồi thường các khoản tiền chi phí theo quy định của pháp luật là không có căn cứ để chấp nhận, cần giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

[8] Đối với đề nghị của người đại diện bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đưa ra là có căn cứ, phù hợp quy định của pháp luật nên được chấp nhận.

[9] Phát biểu quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa phù hợp với quan điểm của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[10] Về án phí phúc thẩm: Bà Đinh Thị M là người lao động khởi kiện vụ án lao động, đã có đơn đề nghị xin miễn án phí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 15, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án bà Đinh Thị M thuộc trường hợp được miễn án phí nên không phải chịu án phí phúc thẩm Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm a khoản 1 Điều 12, Điều 14, Điều 15, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khoá 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.

1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Đinh Thị M yêu cầu hủy quyết định chấm dứt HĐLĐ số 1596/QĐ-NĐND ngày 09/9/2020 của Công ty Nhiệt điện N - TKV, yêu cầu nhận trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết và yêu cầu BTTH đối với bị đơn là Công ty Nhiệt điện N - TKV; giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ-ST ngày 27 tháng 9 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

2. Về án phí lao động: Bà Đinh Thị M được miễn tiền án phí lao động sơ thẩm và phúc thẩm; hoàn trả cho bà Đinh Thị M số tiền tạm ứng án phí lao động sơ thẩm 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2015/0001521 ngày 14 tháng 6 năm 2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

837
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp yêu cầu hủy quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ, buộc công ty nhận trở lại làm việc theo HĐLĐ đã ký kết và yêu cầu đòi BTTH số 01/2022/LĐ-PT

Số hiệu:01/2022/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 22/04/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về