Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản số 89/2021/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 89/2021/DS-PT NGÀY 26/05/2021 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 26 tháng 5 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 51/2021/TLPT-DS ngày 29 tháng 3 năm 2021 về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 03/2021/DS-ST ngày 07/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 62/2021/QĐPT-DS, ngày 29 tháng 4 năm 2021, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn Đ (Mười Đ), sinh năm 1973. Vắng mặt. Địa chỉ: Ấp V, xã N, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Đ: Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1970 (Theo văn bản ủy quyền ngày 18/3/2020 - Bút lục 10). Có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt.

Địa chỉ: Ấp V, xã T, huyện G, tỉnh Kiên Giang.

- Bị đơn: Bà Lê Thị S (B), sinh năm 1973. Có mặt Địa chỉ: Ấp V, xã N, huyện G, tỉnh Kiên Giang - Người kháng cáo: Bị đơn bà Lê Thị S.

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn ông Nguyễn Văn Đ và người đại diện theo ủy quyền của ông Đ là ông Nguyễn Văn L trình bày: Nguyên vào năm 2017, ông Đ có trồng vườn Quýt diện tích khoảng 02 ha theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, đã trồng được 28 tháng, thu hoạch trái từ tết Nguyên đáng năm 2019 cho đến nay được 03 đợt. Vào khoảng 13 giờ ngày 03/3/2020, bà Lê Thị S có đốt rơm rạ trên đất lúa liền kề với vườn Quýt của ông Đ. Do không áp dụng các biện pháp phòng cháy nên ngọn lửa đốt đồng phía trên gió đã gây nóng làm cháy 98 cây Quýt loại C, 19 cây Quýt loại D. Theo chứng thư thẩm định giá số 125/TL-MIVC ngày 30/3/2020 của Công ty cổ phần định giá và tư vấn đầu tư Miền Tây thiệt hại trị giá 33.034.000 đồng. Nay ông Đ yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Lê Thị S phải bồi thường thiệt hại cho ông Đ số Quýt bị cháy theo chứng thư định giá với số tiền là 33.034.000 đồng.

- Bị đơn bà Lê Thị S trình bày: Bà có canh tác đất ruộng diện tích 12 công. Phần đất của bà cách phần đất của ông Khải khoảng 12 công rồi mới đến giáp vườn Quýt của ông Đ. Vào ngày 03/3/2020, bà không phải là người đốt đồng đầu tiên, bà không xác định được ai đã đốt trước đó. Sau khi lửa đã cháy, bà có phủ rơm, châm lửa đốt phần đất ruộng 12 công của bà theo thông lệ chung tại địa phương, bà con ai cũng đốt đồng, cũng không ai áp dụng biện pháp ngăn ngừa cháy, bà S thừa nhận khi đốt đồng thì bà không thông báo cho ông Đ biết. Sau khi sự việc xảy ra, bà có thấy phần đất trồng Quýt của ông Đ chỉ bị nám lá, đến nay cho thấy thiệt hại ít. Số cây Quýt bị thiệt hại như ông Đ trình bày thì bà hoàn toàn thống nhất là 98 cây loại C và 19 cây loại D. Bà không đồng ý kết quả định giá thiệt hại theo chứng thư ông Đ cung cấp. Ngày 09/11/2020 bà S có đơn yêu cầu Công ty Cổ phần thông tin và thẩm định giá Miền Nam định giá lại tài sản, theo đó kết quả tại Chứng thư số VC 20/12/315/BĐS-PQ, ngày 17/12/2020 xác định tài sản bị thiệt hại là 33.034.000 đồng.

Nay ông Đ yêu cầu bồi thường thiệt hại vườn Quýt với số tiền là 33.034.000 đồng thì bà không đồng ý, bà S chỉ đồng ý bồi thường 2.000.000 đồng, vì thiệt hại xảy ra do nhiều người cùng đốt đồng chứ không phải do mình bà gây ra.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 03/2021/DS-ST ngày 07/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang đã xét xử, quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ đối với bà Lê Thị S. Buộc bà Lê Thị S phải bồi thường thiệt hại cho cho ông Nguyễn Văn Đ tổng số tiền là 23.917.000 đồng (Hai mươi ba triệu, chín trăm mười bảy nghìn đồng) Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí, chi phí tố tụng và báo quyền kháng cáo cho đương sự theo quy định pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 22/01/2021 bà S có đơn kháng cáo: Không đồng ý bồi thường cho ông Đ số tiền 23.917.000 đồng theo bản án sơ thẩm, bà chỉ đồng ý bồi thường cho ông Đ công chăm sóc số Quýt xanh tốt trở lại số tiền 2.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, phía nguyên đơn có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt, tuy nhiên có văn bản yêu cầu giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm.

Phía bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo và đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án dân sự sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và những người tham gia tố tụng trong vụ án từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm nghị án tại phiên tòa phúc thẩm đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về hướng giải quyết vụ án: Bà S có đốt đồng, đám cháy làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho vườn Quýt của ông Đ. Bản án cấp sơ thẩm xử buộc bồi thường là phù hợp. Đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bà S; Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra và công bố công khai tại phiên tòa và căn cứ kết quả tranh luận, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ của nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa, nhưng có đơn yêu cầu xét xử vắng mặt là phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 nên vẫn tiến hành xét xử theo quy định.

[2] Tài sản bị ảnh hưởng và thiệt hại là 98 cây Quýt loại C, 19 cây Quýt loại D. Căn cứ theo biên bản xác minh ngày 04/3/2020 của Ban lãnh đạo ấp V; Biên bản xem xét hiện trạng, cũng như lời khai của các đương sự đều thống nhất với số tài sản này.

[3] Giá trị tài sản bị thiệt hại theo kết quả thẩm định giá lần thứ nhất và kết quả thẩm định lần thứ 2 (do bà S yêu cầu thẩm định lại) đều xác định giá trị cây trồng bị thiệt hại là 33.034.000 đồng.

[4] Xét nội dung vụ án thấy rằng: Thực tế vào ngày 03/3/2020 bà S có đốt rơm trên phần đất ruộng của bà nhưng lửa đã cháy lan ra phần đất giáp ranh và sức nóng của đám cháy đã làm ảnh hưởng và gây thiệt hại cho tài sản của ông Đ. Khi phủ rơm cho lửa cháy, bà S không thông báo cho các hộ giáp ranh lân cận, cũng như không có biện pháp chủ động phòng cháy chữa cháy. Mặc dù, hành vi đốt rơm của bà S làm lửa cháy lan ra ngoài gây thiệt hại vườn cây ăn trái của ông Đ là hành vi ngoài mong muốn của bà S, nhưng vì là lỗi vô ý nên bà S phải chịu trách nhiệm dân sự là bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Căn cứ vào các chứng cứ, cụ thể như: Hiện trạng vườn Quýt bị khô cây do sức nóng của đám cháy tại thời diểm xảy ra thiệt hại; Kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn được xác định tại Công văn số 327/CCTTBVTV-BVTV, ngày 26/10/2020 của Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang đánh giá có 117 cây Quýt tiếp giáp với phần đất ruộng đốt rơm có biểu hiện bất thường và những triệu chứng ghi nhận không phải do sinh vật gây hại gây ra, mức độ thiệt hại về năng suất từ 81%-100%. Kết quả thẩm định giá của các công ty thẩm định giá xác định giá trị tài sản bị thiệt hại có kết quả định giá là 33.034.000 đồng, kết quả này còn phù hợp với quyết định số 1037/QĐ-UBND, ngày 07/5/2019 và Quyết định số 730/QĐ-UBD ngày 23/3/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang về việc ban hành quy định Bảng giá bồi thường cây trồng, vật nuôi là thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang năm 2019, 2020.

[4] Như vậy, có đủ cơ sở xác định hành vi đốt rơm của bà S là nguyên nhân dẫn đến hậu quả thiệt hại một phần vườn Quýt của ông Đ, số cây Quýt tiếp giáp với phía bên đất có đám cháy đã bị thiệt hại. Do dó, cấp sơ thẩm buộc bà S phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại là hoàn toàn có căn cứ. Theo đó, mức thiệt hại về năng suất theo đánh giá của cơ quan chuyên môn là từ 81%-100%, như vậy mức trung bình là 90,5%. Thiệt hại được tính cụ thể như sau: 90,5% x 33.034.000 đồng = 29.895.770 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm tính mức độ lỗi của bà S tương đương 80% thiệt hại do có yếu tố khách quan. Theo đó, bà S phải có trách nhiệm bồi thường cho ông Đ số tiền là 23.916.66 đồng (29.895.770 đồng x 80%). Tuy nhiên, phía ông Đ vẫn thống nhất số tiền này và không có kháng cáo, nên cấp phúc thẩm không có cơ sở xem xét giải quyết lại.

[5] Xét kháng cáo của bà S cho rằng do lửa cháy lan quá lớn làm nám lá Quýt của ông Đ và chỉ đồng ý bồi thường cho ông Đ công chăm sóc với số tiền 2.000.000 đồng là không có cơ sở. Bởi lẽ, ông Đ bị thiệt hại về tài sản và thiệt hại này được dựa trên kết quả đánh giá, cũng như thẩm định giá của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Do đó, số tiền bà S đề nghị bồi thường là không phù hợp với thiệt hại thực tế, nên không có cơ sở để cấp phúc thẩm chấp nhận.

[6] Từ những cơ sở nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy bản án sơ thẩm là có căn cứ; Thống nhất đề nghị của Kiểm sát viên về việc không chấp nhận kháng cáo của bà S; giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[7] Về chi phí tố tụng: Chi phí thẩm định giá lần thứ nhất là 2.750.000 đồng, ông Đ đã nộp tạm ứng chi phí. Ông Đ không được chấp nhận một phần tương ứng với 20% nên phải nộp số tiền là 550.000 đồng; Bà S bị buộc bồi thường tương ứng 80% giá trị tài sản bị thiệt hại nên phải nộp 2.200.000 đồng. Theo đó, bà S có nghĩa vụ hoàn trả lại cho ông Đ số tiền là 2.200.000 đồng.

Chi phí thẩm định giá lần thứ 2 là 3.300.000 đồng, bà S đã nộp tạm ứng chi phí. Do bà S yêu cầu thẩm định lại và kết quả không khác so với kết quả thẩm định trước đó nên bà S phải tự chịu (đã nộp xong) [8] Về án phí dân sự:

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Ông Đ phải nộp án phí với số tiền là 456.000 đồng, được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí;

Buộc bà S phải nộp án phí với số tiền là 1.196.000 đồng.

- Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên buộc bà S phải nộp là 300.000 đồng.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ: Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Áp dụng: Khoản 5 Điều 11, 584, 585 và 589 Bộ luật dân sự 2015;

- Không chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Lê Thị S.

- Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm 03/2020/DS-ST ngày 07/01/2021 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ đối với bà Lê Thị S.

Buộc bà Lê Thị S phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Nguyễn Văn Đ với số tiền là 23.917.000 đồng (Hai mươi ba triệu, chín trăm mười bảy nghìn đồng).

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm trả số tiền nêu trên, thì người phải thi hành án còn phải trả cho người được thi hành án số tiền lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đ đối với bà Lê Thị S với số tiền là 9.117.000 đồng (Chín triệu một trăm mười bảy nghìn đồng).

3. Về chi phí tố tụng:

- Chi phí thẩm định giá lần thứ nhất là 2.750.000 đồng, ông Đ đã nộp tạm ứng chi phí theo biên lai thu số 0000254, ngày 01/4/2020 của Công ty Cổ phần thẩm định giá và tư vấn đầu tư Miền Tây.

Ông Đ phải chịu số tiền là 550.000 đồng (Năm trăm năm mươi nghìn đồng);

Bà S phải nộp 2.200.000 đồng. Theo đó, bà S có nghĩa vụ phải trả lại cho ông Đ số tiền là 2.200.000 đồng (Hai triệu hai trăm nghìn đồng).

- Chi phí thẩm định giá lần thứ 2 là 3.300.000 đồng, bà S đã nộp tạm ứng chi phí theo biên lai thu số 0004720, ngày 30/12/2020 của Công ty Cổ phần thông tin và thẩm định giá Miền Nam. Buộc bà S phải tự chịu và đã nộp xong.

4. Về án phí dân sự:

- Án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc ông Nguyễn Văn Đ phải nộp án phí với số tiền là 456.000 đồng. Theo đó, được khấu trừ vào tạm ứng án phí với số tiền là 826.000 đồng theo biên lai thu số 0003240, ngày 22/4/2020 của Chi cục Thi hành án Dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang. Hoàn trả cho ông Đ số tiền thừa là 370.000 đồng (Ba trăm bảy mươi nghìn đồng);

Buộc bà Lê Thị S phải nộp án phí với số tiền là 1.196.000 đồng .

- Án phí dân sự phúc thẩm: Bà Lê Thị S phải nộp số tiền là 300.000 đồng. Theo đó, được khấu trừ vào tạm ứng án phí phúc thẩm với số tiền là 300.000 đồng theo biên lai thu số 0005876, ngày 25/01/2021 của Chi cục thi hành án Dân sự huyện G, tỉnh Kiên Giang.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

613
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản số 89/2021/DS-PT

Số hiệu:89/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:26/05/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về