TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN C, TỈNH SÓC TRĂNG
BẢN ÁN 16/2023/DS-ST NGÀY 23/08/2023 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO SỨC KHOẺ BỊ XÂM PHẠM
Ngày 23 tháng 8 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 75/2022/TLST-DS ngày 18 tháng 10 năm 2022 về việc tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 18/2023/QĐXXST-DS ngày 12 tháng 7 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa dân sự sơ thẩm số 17/2023/QĐST-DS ngày 02 tháng 8 năm 2023, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1966. Địa chỉ: ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (có mặt)
- Bị đơn: Ông Ngô Văn Q, sinh năm 1963. Địa chỉ: Ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
- Người làm chứng: Ông Ngô Bình A, sinh năm 1988. Địa chỉ: Ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. (vắng mặt)
Người đại diện hợp pháp của ông Ngô Bình A: Bà Nguyễn Thị Thu T, sinh năm 1978. Địa chỉ: Khóm A, Phường A, thành phố S, tỉnh Sóc Trăng (theo văn bản ủy quyền ngày 09/8/2023). (vắng mặt nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt).
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo nội dung đơn khởi kiện đề ngày 20/6/2022, các lời khai khác trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn bà Nguyễn Thị H trình bày: Nguyên vào khoảng 09 giờ ngày 10/02/2022, ông Ngô Bình A cùng ông Ngô Văn Q, bà Nguyễn Thị T, ông Ngô Minh T và một số người khác làm thuê hái dừa đến hái dừa trên phần đất đang tranh chấp giữa bà H và ông A tại địa chỉ ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Do đó, bà H có ra ngăn cản và nói rằng đất đang tranh chấp, tài sản đang tranh chấp nên không bên nào được hái dẫn đến việc hai bên cãi nhau và xảy ra xô xát với ông Q. Ông Q lao vào đánh bà H, bà H chống cự lại, ông A lao đến túm lấy tóc bà H, ông Q lao đến đánh liên tục vào đầu, cổ và mặt bà H, gạt chân bà H té xuống, ông Q tát vào mặt của bà H 09 cái, đấm vào đầu làm bà H choáng té xuống, nắm đầu bà H đập đầu vào đất. Sau đó, bà H gọi chồng đưa đi bệnh viện cấp cứu và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh S để nhập viện điều trị. Bà H đã nằm viện điều trị từ ngày 10/02/2022 đến ngày 11/02/2022 bà H mới xin xuất viện về nhà tự điều trị. Theo giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện Đa khoa tỉnh S thì bà H bị đa chấn thương phần mềm toàn thân, sưng nề vùng thái dương đỉnh phải, xay xát đa vùng 1/3 dưới cẳng tay phải.
Căn cứ thông báo về giấy chứng nhận thương tật thì tổng tỷ lệ thương tích là 02%. Sự việc đã được Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng xác minh, điều tra làm rõ hành vi của ông Q. Sự việc xảy ra làm tổn thương rất nhiều cả thể xác lẫn tinh thần, một người là chồng cũ của bà H (ông Q đã ly hôn bà H 16 năm), một người là con bà H “mang nặng đẻ đau” lại tàn nhẫn ra tay đánh đập bà H không màng tới tình nghĩa vợ chồng, mẹ con. Bà H là một người cũng đã lớn tuổi (56 tuổi), sức khỏe yếu làm sao chịu đựng được sức của hai người đàn ông đánh đập bà H. Nhận thấy hành vi của ông Q, ông A đánh bà H bị thương gây tổn hại về sức khỏe, tinh thần của bà H đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của bà H.
Nay bà H yêu cầu như sau:
Yêu cầu buộc ông Ngô Văn Q và ông Ngô Bình A cùng có trách nhiệm bồi thường cho bà H các khoản sau:
1/ Chi phí cho việc đi lại, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh S trong hai ngày 10/02/2022 và 11/02/2022 là 1.300.000 đồng (một triệu ba trăm nghìn đồng);
2/ Chi phí cho việc điều trị, bồi dưỡng sức khỏe như truyền dịch, tiêm thuốc giảm đau, ăn uống, bồi dưỡng… tại nhà trong 12 ngày kể từ ngày 12/02/2022 đến ngày 23/02/2022 là 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng);
3/ Chi phí thu nhập thực tế bị mất của chồng bà H phải nghỉ làm để chăm sóc bà H trong thời gian điều trị 500.000 đồng/ngày x 14 ngày = 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng).
4/ Bà Hằng yêu cầu bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho bà H với số tiền bằng 10 tháng mức lương cơ sở do Nhà nước quy định đối với trường hợp bị xâm phạm sức khỏe là 1.490.000 đồng/tháng x 10 = 14.900.000 đồng (mười bốn triệu chín trăm nghìn đồng).
Tổng cộng số tiền đề nghị bồi thường là: 1.300.000 đồng + 7.000.000 đồng + 7.000.000 đồng + 14.900.000 đồng = 30.200.000 đồng (ba mươi triệu hai trăm nghìn đồng).
- Bị đơn ông Ngô Văn Q: Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án Tòa án đã cấp, tống đạt, thông báo hợp lệ các văn bản tố tụng cho ông Q, ông Q biết sự việc nhưng ông Q không có ý kiến trình bày hay yêu cầu gì trong vụ án này.
- Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Ngô Bình A là bà Nguyễn Thị Thu T: Tại đơn đề nghị Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt và ghi nhận ý kiến do bà T lập ngày 22/8/2023, bà T đề nghị xét xử vắng mặt và trình bày ý kiến: Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong vụ án do Tòa án thu thập từ Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng về kết quả giải quyết tin tố giác của bà Nguyễn Thị H thì ông Ngô Bình A có tư cách tố tụng là người làm chứng. Do đó, có căn cứ để xác định ông Ngô Bình A không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, nếu bắt buộc phải tham gia tố tụng trong vụ án này thì đề nghị Hội đồng xét xử xác định lại tư cách tố tụng của ông Ngô Bình A là người làm chứng.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng về việc tuân thủ và chấp hành pháp luật tố tụng dân sự của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án. Riêng bị đơn chưa chấp hành đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án, trong quá trình giải quyết vụ án bà H yêu cầu ông Q và ông A có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà H nhưng trong quá trình điều tra Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng xác định ông A không có gây thương tích cho bà H, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H, giải quyết buộc ông Ngô Văn Q có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Nguyễn Thị H theo quy định của pháp luật và xác định ông Ngô Bình A là người làm chứng trong vụ án và không có trách nhiệm bồi thường cho bà H.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, theo phát biểu và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng, người tham gia tố tụng, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Theo nội dung yêu cầu khởi kiện ban đầu, bà H cho rằng ông Q và ông A đã có hành vi xâm phạm đến sức khỏe và gây thiệt hại cho bà H nên bà H yêu cầu Tòa án giải quyết. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng thụ lý vụ án, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm là đúng theo quy định tại khoản 6 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[2] Về xét xử vắng mặt: Tại phiên tòa bị đơn ông Ngô Văn Q đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiếp tục xét xử vụ án. Về xét xử vắng mặt đối với người đại diện hợp pháp đương sự: Bà Nguyễn Thị Thu T vắng mặt tại phiên tòa nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 227, khoản 1 Điều 228 và khoản 3 Điều 235 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử vụ án.
[3] Ông Ngô Văn Q là bị đơn, có địa chỉ cư trú tại ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[4] Tại phiên tòa sơ thẩm, bà H xác định ông A không có gây thương tích cho bà H, theo các tài liệu, chứng cứ Tòa án thu thập trong quá trình điều tra tại Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng xác định ông A không có gây thương tích cho bà H nên Hội đồng xét xử xác định ông Ngô Văn Q bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bà H, xác định tư cách của ông A trong vụ án này là người làm chứng.
[5] Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã có cơ sở khẳng định: Ngày 10/02/2022, ông Ngô Bình A cùng ông Ngô Văn Q, bà Nguyễn Thị T, ông Ngô Minh T và một số người khác làm thuê hái dừa đến hái dừa trên phần đất đang tranh chấp giữa bà H và ông A tại địa chỉ ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Do đó, bà H có ra ngăn cản và nói rằng đất đang tranh chấp, tài sản đang tranh chấp nên không bên nào được hái dẫn đến việc hai bên cãi nhau và xảy ra xô xát với ông Q. Ông Q lao vào đánh bà H, bà H chống cự lại, ông A lao đến túm lấy tóc bà H, ông Q tiến đến đánh liên tục vào đầu, cổ và mặt bà H, gạt chân bà H té xuống, ông Q tát vào mặt của bà H 09 cái, đấm vào đầu làm bà H choáng té xuống, nắm đầu bà H đập đầu vào đất. Sau đó, bà H gọi chồng về đưa bà H đi bệnh viện cấp cứu và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh S để nhập viện điều trị. Bà H đã nằm viện điều trị từ ngày 10/02/2022 đến ngày 11/02/2022 bà H mới xin xuất viện về nhà tự điều trị. Sự việc này được ông Ngô Văn Q thừa nhận tại cơ quan công an và được ghi nhận trong nội dung Biên bản ghi lời khai ngày 21/4/2022 và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 36/QĐ-XPHC ngày 17/5/2022 của Công an huyện C, tỉnh Sóc Trăng, nên đây là những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Do đó, ông Q đã có hành vi đánh bà H xâm phạm đến sức khỏe và gây thiệt hại cho bà H nên ông Q phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà H theo quy định tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[6] Về chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại: Tòa án có thu thập các hóa đơn, chứng từ để chứng minh các khoản chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bà H khám, điều trị tại các cơ sở y tế sau thời điểm bà H bị ông Q gây thương tích vào ngày 10/02/2022, bao gồm: Các toa, hóa đơn bán hàng, đây cũng là các nội dung khám, điều trị phù hợp và có liên quan đến thương tích của bà H do hành vi của ông Q gây ra; đồng thời, sức khỏe là một trong những điều quan trọng nhất đối với cuộc sống của mỗi con người, nên việc bà H khám, điều trị tại cơ sở y tế nêu trên là cần thiết, chi phí mà bà H bỏ ra cho việc này cũng được xem là “Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại” theo quy định tại khoản 3 Điều 589 và khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015; cho nên toàn bộ khoản chi phí khám, điều trị, bồi dưỡng sức khỏe là 7.000.000 đồng (bảy triệu đồng) là chi phí hợp lý nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[7] Đối với chi phí đi lại phát sinh trong quá trình khám, điều trị thì khoảng cách từ nơi cư trú của bà H tại ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh S là khoảng trên dưới 55 km; cho nên khoản chi phí chuyến đi về nhà từ Bệnh viện Đa khoa S về nhà tại ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng và hai chuyến đi, về tái khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh S mà bà H yêu cầu 900.000 đồng là chi phí hợp lý được chấp nhận.
[8] Về thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại trong thời gian điều trị: Bà H thừa nhận hiện nay bà không có công việc ổn định, chỉ ở nhà chăm lo công việc gia đình. Xét thấy, bà H không mức thu nhập ổn định, không thể xác định được chính xác thu nhập thực tế là bao nhiêu và bà H cũng không yêu cầu gì nên Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.
[9] Về chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị: Trong khoảng thời gian bà H khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa S thì bà H được chăm sóc bởi chồng bà H hiện cư trú tại ấp A, xã A, huyện C, tỉnh Sóc Trăng. Bà H trình bày công việc hiện nay của chồng bà là tài xế lái xe dịch vụ với thu nhập 500.000 đồng/ngày. Qua xác minh và được chính quyền, địa phương (là Trưởng Ban nhân dân ấp A, xã A, huyện C) xác nhận lời trình bày của bà H về mức thu nhập của chồng bà như trên là đúng sự thật và xác nhận mức thu nhập bình quân của lao động nam làm các ngành nghề tự do tại địa phương hiện nay là khoảng từ 300.000 đồng/ngày/người do chồng bà H là lao động có tay nghề nên bà H yêu cầu tiền công người nuôi bệnh 500.000 đồng/người/ngày là hợp lý nhưng theo đơn khởi kiện bà H yêu cầu tiền công người nuôi bệnh là 14 ngày là chưa hợp lý vì bà H nằm viện trong thời gian 02 ngày (từ ngày 10/02/2022 đến ngày 11/02/2022). Từ đó, xác định khoản thu nhập thực tế mà chồng bà H bị mất trong khoảng thời gian 02 ngày công nuôi bệnh bà H là 500.000 đồng/ngày x 02 ngày = 1.000.000 đồng là hợp lý.
[10] Ngoài các khoản thiệt hại phải bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên thì khoản 2 Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu. Trong quá trình giải quyết vụ án bà H yêu cầu ông Q phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần số tiền 14.900.000 đồng tương đương 10 lần mức lương lương cơ sở tại thời điểm khởi kiện và hiện nay mức lương cơ sở đã thay đổi (mức lương cơ sở tại thời điểm xét xử là 1.800.000 đồng) do tỷ lệ thương tích của bà H theo kết quả giám định là 02%, bà H nằm viện 02 ngày nên việc yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần 10 lần mức lương cơ sở là cao nên Hội đồng xét xử cần xác định lại khoản tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho bà H là 05 tháng mức lương cơ sở với số tiền là 1.800.000 đồng x 05 tháng = 9.000.000 đồng là hợp lý.
[11] Như vậy, các khoản thiệt hại của bà H được xem xét, chấp nhận là 900.000 đồng + 7.000.000 đồng + 1.000.000 đồng + 9.000.000 đồng = 17.900.000 đồng.
[12] Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà H về việc yêu cầu ông Q có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà H với số tiền là 17.900.000 đồng.
[13] Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Sóc Trăng tại phiên tòa sơ thẩm là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử chấp nhận.
[14] Về án phí sơ thẩm: Bà H không phải chịu án phí sơ thẩm; ông Q phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với số tiền bị Tòa án buộc bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 24, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 6 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 92, Điều 147, khoản 1 Điều 244, Điều 266, Điều 271, khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Căn cứ khoản 1 Điều 584, khoản 3 Điều 589, Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐTP ngày 06/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; điểm b khoản 1, khoản 3 Điều 24, khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm. Buộc ông Ngô Văn Q có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà Nguyễn Thị H với số tiền 17.900.000 đồng (mười bảy triệu chín trăm nghìn đồng). Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H về việc yêu cầu ông Ngô Bình A bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm.
2. Về chậm thực hiện nghĩa vụ: Kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bên phải thi hành án không thi hành khoản tiền nêu trên, thì hàng tháng còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án cho đến khi thi hành án xong.
3. Về án phí sơ thẩm: Bà Nguyễn Thị H không phải chịu án phí sơ thẩm. Ông Ngô Văn Q là người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn án phí nhưng ông Q không có đơn xin miễn án phí nên phải chịu án phí sơ thẩm là 895.000 đồng (tám trăm chín mươi lăm nghìn đồng).
4. Về quyền kháng cáo: Bà Nguyễn Thị H được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án; ông Ngô Văn Q được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo trình tự phúc thẩm.
5.Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm số 16/2023/DS-ST
Số hiệu: | 16/2023/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Cù Lao Dung - Sóc Trăng |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 23/08/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về