Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường tài sản theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 462/2022/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 462/2022/DS-PT NGÀY 14/07/2022 VỀ TRANH CHẤP YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TÀI SẢN THEO LUẬT TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG CỦA NHÀ NƯỚC

Ngày 14 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố  Hồ  Chí  Minh  xét  xử  phúc  thẩm  công  khai  vụ  án  dân  sự  thụ  lý  số: 116/2022/TLPT-DS ngày 13 tháng 4 năm 2022 về việc: “Tranh chấp yêu cầu bồi thường về tài sản theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2022/DS-ST ngày 20 tháng 01 năm  2022 của Toà án nhân dân tỉnh B bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 737/2022/QĐPT-DS  ngày 15 tháng 6 năm 2022 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn B, sinh năm 1984 và bà Nguyễn Ngọc T, sinh năm 1976; cùng địa chỉ: Ấp X, xã T An, huyệnD, tỉnh B, (có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Bùi Văn T, sinh năm: 1965, địa chỉ liên hệ: Số 1238/1 Lê Hồng P, tổ 60, khu 8, phường P, thành phố T, tỉnh B (có mặt).

- Bị đơn: Ủy ban nhân dân tỉnh B.

Người đại diện hợp pháp: Ông Võ Văn M, chức vụ: Chủ tịch Ủy ban, (có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh  B, (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Hùng D– Chức vụ: Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh B (văn bản ủy quyền ngày 09/12/2020), (có đơn xin xét xử vắng mặt).

Người kháng cáo: nguyên đơn là ông Nguyễn Văn B, bà Nguyễn Ngọc T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Theo đơn khởi kiện ngày 03/11/2020, đơn khởi kiện bổ sung ngày  03/3/2021 của nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, bà Nguyễn Ngọc T và ý kiến của người đại diện hợp pháp của nguyên đơn là ông Bùi Văn T thống nhất trình bày  như sau:

Nguyên vợ chồng ông B, bà T đã bán toàn bộ tài sản gồm: Nhà - đất và vay thêm tiền của hai ngân hàng để mua một xe đầu kéo nhãn hiệu Huyndai, số loại Xeient, màu bạc, tải trọng 14.800kg, số khung 36B4EC000928, số máy  64D5E0000977, biển kiểm soát 61C- 318.69 và 01 rơ-mooc nhãn hiệu Fushi, số loại  LFS9400ZZX,  số  khung  LEB39VRZ2H0003661,  biển  kiểm  soát  61R-  027.31. Tổng số tiền vợ chồng ông B, bà T vay của hai Ngân hàng để mua là  1.389.000.000 (một tỷ ba trăm tám mươi chín triệu đồng); trong đó, vay của Ngân  hàng  TMCP Tiên Phong  là  1.124.000.000 đồng, vay của  Ngân  hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex là 265.000.000 đồng.

- Ngày 26/9/2018, ông B bị Công an thị xã B, tỉnh B bắt và tạm giữ xe vì đổ chất thải tại bãi rác công cộng. Tại Quyết định số 3208/QĐ-XPVPHC ngày  14/11/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn B, nội dung như sau:

- Hình phạt chính: Xử phạt tiền 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng);

- Hình phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ phương tiện là xe đầu kéo nhãn hiệu  Huyndai,  số  loại  Xeient,  màu  bạc,  tải  trọng  14.800kg,  số  khung  36B4EC000928, số máy 64D5E0000977, biển kiểm soát 61C- 318.69 và 01 rơ-  mooc nhãn hiệu Fushi, số loại LFS9400ZZX, số khung LEB39VRZ2H0003661, biển kiểm soát 61R-027.31.

- Ngày 26/4/2019, ông B, bà T  khởi kiện UBND tỉnh B ra Tòa án nhân dân tỉnh B để yêu cầu hủy Quyết định số 3208/QĐ-XPVPHC.

- Bản án Hành chính sơ thẩm số 43/2019/HC-ST ngày 27/11/2019 của  Tòa án nhân dân tỉnh B đã quyết định:

1/ Đình chỉ giải quyết một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn B  đổi với điểm a, khoản 6, Điều 1 của Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số  3208/QĐ-XPVPHC ngày 14/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh B đối với hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền 25.000.000 đồng.

2/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn B, hủy một phần Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3208/QĐ-XPVPHC ngày  14/11/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh B đối với hình thức xử phạt bổ sung tại điểm b, khoản 6, Điều 1 về Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính là 01 xe đầu kéo nhãn hiệu Huyndai, số loại Xeient, màu bạc,   tải trọng 14.800kg, số khung 36B4EC000928, số máy 64D5E0000977, biển kiểm soát 61C-318.69 và 01 rơ-mooc nhãn hiệu Fushi, số loại LFS9400ZZX, số khung LEB39VRZ2H0003661, biển kiểm soát số 61R-027.31.

Người bị kiện Chủ tịch UBND tỉnh B kháng cáo quá hạn. Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét kháng cáo quá hạn tại Quyết định số  05/2020/QĐ-PT ngày 12/5/2020, với nội dung không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn của Chủ tịch UBND tỉnh B; theo đó thì Bản án hành chính sơ thẩm số  43/2019/HC-ST ngày 27/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh B có hiệu lực pháp luật.

Thi hành Bản án số 43/2019/HC-ST, Công an thị xã B, tỉnh B đã trả xe cho ông B, bà T vào ngày 09/7/2020.

Việc giữ xe và gia hạn giữ xe của Công an thị xã B, tỉnh B tại các Quyết định số 259 ngày 26/9/2018, Quyết định số 276 ngày 02/10/2018 và Quyết định số 291 ngày 24/10/2018 với thời gian tổng cộng là 60 ngày (hạn chót là hết ngày  24/11/2018). Tính từ ngày 25/11/2018 cho đến ngày Công an thị xã B trả xe  (ngày 09/7/2020) thì Công an thị xã B giữ xe trái pháp luật của ông B, bà T là 20 tháng = 600 ngày.

Do  Công  an  thị  xã  B  giam  giữ  xe  trái  pháp  luật  và  Quyết  định  số  3208/QĐ-XPVPHC ngày 14/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh B trái pháp luật đã gây thiệt hại cho ông B, bà T như sau:

+ Thu nhập bị mất mỗi ngày sau khi trừ chi phí còn 3.000.000 đồng x 600 ngày = 1.800.000.000 đồng;

+ Tiền xe bị xuống cấp, hư hỏng do bị giữ trái pháp luật là: 210.000.000   đồng;

Tổng số tiền ông B, bà T yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh B phải bồi   thường số tiền là: 2.010.000.000 đồng (hai tỷ không trăm mười triệu).

* Tại Văn bản số 2096/UBND-KT ngày 19/5/2021, bị đơn Ủy ban nhân dân tỉnh B trình bày:

Xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 61C-318.69 và 01 rơ-moóc biển kiểm soát  61R-027.31 trực tiếp được sử dụng để thực hiện hành vi đổ chất thải rắn công nghiệp thông thường (bùn thải công nghiệp) khối lượng 5.100kg vào môi trường là trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; tại thời điểm vi phạm tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Nguyễn Văn B. Do đó, việc Chủ tịch  UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3208/QĐ- XPVPHC ngày 14/11/2018 với ông Nguyễn Văn B, trong đó có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 61C-318.69 và một rơ- mooc biển kiểm soát 61R-027.31 là đúng Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Bản án số 43/2019/HC-ST ngày 27/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh B  chưa đảm bảo quy định của pháp luật, với các lý do sau đây:

- Tịch thu phương tiện vi phạm hành chính (xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 61C-318.69 và 01 rơ-moóc biển kiểm soát 61R-027.31) được Ủy ban nhân dân tỉnh B áp dụng là thực hiện thủ tục xử lý hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (theo Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính  và  điểm  b  khoản  12  Điều  20  Nghị  định  số  155/2016/NÐ-CP  ngày  18/11/2016 của Chính phủ), không phải xuất phát từ việc thực hiện hợp đồng dân sự. Đây là mối quan hệ hành chính xuất phát từ công tác quản lý Nhà nước, giữa một bên là chủ thể quản lý và một bên là đối tượng quản lý (không phải quan hệ dân sự với nguyên tắc tự do cam kết, thỏa thuận trong việc xác lập  quyền và nghĩa vụ).

- Ủy ban nhân dân tỉnh B áp dụng hình thức xử phạt tịch thu phương tiện vi phạm hành chính (xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 61C-318.69 và 01 rơ-moóc biển kiểm soát 61R-027.31) là một biện pháp xử phạt bổ sung theo quy định tại Điều 26 Luật xử lý vị phạm hành chính và tại điểm b khoản 12 Điều 20 Nghị định  số  155/2016/NĐ-CP  ngày  18/11/2016  của  Chính  phủ.  Đây  hoàn  toàn không phải là hoat động kê biên theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Nghị định  163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ và khoản 6 Điều 19 Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về những tài sản không được kê biên (tài sản đang được cầm cố, thế chấp hợp pháp).

- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 166/2013/NĐ-CP được xác định rõ tại Điều 1 là quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính... Trong khi việc tịch thu phương tiện là thủ tục của xử phạt vi phạm hành chính, không phải thủ tục của biện pháp cưỡng chế. Tài sản theo quy định tại khoản 6 Điều 19 Nghị định  166/2013/NĐ-CP không phải là phương tiện để thực hiện hành vi vi phạm mà là tài sản thuộc quyền sở hữu khác của người vi phạm, được kê biên với mục đích để bán đấu giá, thu lại số tiền tương ứng với số tiền phạt vi phạm hành chính  trong quyết định xử phạt mà người vi phạm không tự nguyện thi hành (tức là để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt có hình thức phạt tiền). Trong khi xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 61C-318.69 và rơ-mooc biển kiểm soát 61R-0.27.31 là phương tiện được ông B sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm.

- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ quy định tại Điều 1 là “Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ Luật Dân sự về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự và xử lý tài sản bảo đảm”. Và tại khoản 4 Điều 4 nêu: “Trong trường hợp giao dịch bảo đảm được giao kết hợp pháp và có giá trị pháp lý đối với người thứ ba thì Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khác không được kê biên tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Việc Ủy ban nhân dân tỉnh B quyết định tịch thu phương tiện vi phạm hành chính của ông B có tính chất là một hình thức xử phạt bổ sung bên cạnh hình thức xử phạt chính; hoàn toàn không mang bản chất của hình thức kê biên. Do đó, không thể áp dụng Nghị định số 163/2006/NĐ-CP vào trường hợp của ông B. Mặt khác, tại khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Trong trường hợp các văn bản   quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Do vậy, Tòa án nhân dân tỉnh B viện dẫn Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 và Nghị định 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ mà không cân nhắc, xem xét đến Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày  18/11/2016 của Chính phủ là chưa phù hợp quy định về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.

- Tại khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “áp dụng hình thức xử phạt không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Điều 7a Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày  19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính (được bổ sung ngày 18/8/2017) cũng quy định “hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng khi nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước có quy định hình thức xử phạt này đối với hành vi vi  phạm hành chính cụ thể”. Do đó, ông Nguyễn Văn B dùng xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 61C-318.69 và một rơ-mooc biển kiểm soát 61R-0.27.31 để thực hiện hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường, hành vi này có quy định cụ thể tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ. Vì vậy, UBND tỉnh B áp dụng hình thức tịch thu phương tiện nêu trên là đúng quy định.

- Nội dung Bản án nhận định “phương tiện bị tịch thu là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân giữa ông B và bà T, trong vụ việc này bà T hoàn toàn không có lỗi nên việc Ủy ban nhân dân tỉnh B quyết định tịch thu xe là ảnh hưởng đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bà T” là chưa đảm bảo quy định và bản chất sự việc. Cụ thể:

+ Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu không thực hiện việc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị coi là vi phạm điều cấm trong xử lý vi phạm hành chính và bị xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định tại khoản 6 Điều 12 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì việc “áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính” khoản 2 Điều 16 Luật Xử lý vi phạm hành chính: “Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính mà sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản khác của người vi phạm, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, không đúng tính chất, mức độ vi phạm, không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm quy định khác tại Điều 12 của Luật này và quy định khác của pháp luật thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

+ Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Điều 26) và Nghị định số  155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (điểm b khoản 2 Điều 4) chỉ quy định việc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, không quy định việc không xử lý tịch thu hoặc chỉ tịch thu 01 phần đối với tang vật, phương tiện vi phạm  hành chính là tài sản chung của 02 vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Mặt khác,   ông Nguyễn Văn B là người đứng tên trong hợp đồng mua xe, giấy đăng ký chứng nhận quyền sở hữu xe cũng chỉ đứng tên ông Nguyễn Văn B. Thực tế, vợ chồng ông B có thỏa thuận thế nào về tài sản này, cũng như việc bà T (vợ ông B) không biết ông B sử dụng xe vào việc đổ chất thải trái pháp luật chỉ được Tòa án căn cứ vào lời khai của vợ chồng ông B; Tòa án chưa xem xét đến nghĩa vụ đối với tài sản chung của vợ ông B.

- Chủ tịch UBND tỉnh B ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 3208/QĐ-XPVPHC ngày 14/11/2018 đối với ông Nguyễn Văn B, trong đó áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát  61C-318.69 và một rơ-mooc biển kiểm soát 61R-0.27.31 là đúng quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh  vực  bảo  vệ  môi  trường.  Tại  Biên  bản  số  109/BB-TLGTTVPT  ngày  09/7/2020 về việc giao trả xe (thực hiện theo Bản án số 43/2019/HC-ST), ông B  và bà T  đã kiểm tra xe và không có ý kiến thắc mắc hay khiếu nại gì liên quan đến việc xe bị hư hỏng hay xuống cấp. Do đó, UBND tỉnh không chấp nhận yêu  cầu bồi thường thiệt hại của ông B, bà T.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Chủ tịch UBND tỉnh B không có ý kiến trả lời đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn yêu cầu giải quyết vắng mặt.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2022/DS-ST ngày 20 tháng 01 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh B quyết định:

- Căn cứ các Điều 5, 8, 13, 32, 52, 53, 76 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Căn cứ các Điều 7, 96, 97 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018);

- Căn cứ các Điều 26, 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Căn cứ Nghị định số 155/2016/NÐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ  Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn B và bà Nguyễn Ngọc T về việc buộc bị đơn Ủy ban nhân dân tỉnh B bồi thường thiệt hại về tài sản, về thu nhập bị mất với số tiền 2.010.000.000 (hai tỷ không trăm mười triệu) đồng.

Ngoài ra, bản án dân sự sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 27/01/2022, nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, bà Nguyễn Ngọc T  kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

* Nguyên đơn ông Nguyễn Văn B, bà Nguyễn Ngọc T có ông Bùi Văn T là người đại diện theo ủy quyền trình bày:

- Đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

* Bị đơn Ủy ban nhân dân tỉnh B và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B vắng mặt tại phiên tòa, có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

* Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Thành Phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

- Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, đảm bảo cho các đương sự có các quyền và nghĩa vụ theo quy định; gửi các Quyết định, Thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự đầy đủ, đúng thời hạn. Hội đồng xét xử đúng thành phần, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Xét yêu cầu khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại của ông B: Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định: Nhà nước không phải bồi thường nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại. Ông B khai nhận hành vi xả thải, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Do đó, lỗi làm cho phương tiện bị giữ dẫn đến thiệt hại là do bản thân ông B gây ra. Ông B phải tự chịu trách nhiệm đối với thiệt hại do lỗi của mình.

Ông B cho rằng bản án hành chính số 43/2019/HC-ST ngày 27/11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh B trước đó đã hủy một phần Quyết định số 3208/QĐ- XPVPHC ngày 14/11/2018 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B đối với hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu phương tiện vi phạm của ông B để làm căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại là không có cơ sở, bởi: Bản án hành chính hủy một phần Quyết định số 3208 để trả phương tiện vi phạm cho ông B vì lý do phương tiện này là tài sản chung của vợ chồng ông B, bà T và đang được thế chấp Ngân hàng PG Bank, không phải hủy vì lý do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh B không có thẩm quyền ra quyết định. Như vậy bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông B là đúng quy định pháp luật. Kháng cáo của ông B, bà T là không có cơ sở xem xét. Vì các lẽ trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của ông B, bà T, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Theo Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số 064053 của Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh B cấp ngày 24/01/2018 thì xe ô tô đầu kéo biển kiểm soát 61C-318.69 và rơ-mooc biển kiểm soát 61R-0.27.31 (kèm theo xe) thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn B.

Ngày 26/9/2018, ông B đã bị Công an thị xã B lập biên bản, tạm giữ phương tiện do có hành vi điều khiển xe đầu kéo, kéo theo rơ-móc đổ chất thải công nghiệp (bùn thải - khối lượng 5.100 kg) xuống khu đất trống trên tuyến đường D9 thuộc Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, thị xã B. Ngày 14/11/2018 Chủ tịch UBND tỉnh B đã ban hành Quyết định số 3208/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với ông B, nội dung như sau:

- Hình phạt chính: Xử phạt tiền 25.000.000 (hai mươi lăm triệu đồng);

- Hình phạt bổ sung: Tịch thu toàn bộ phương tiện là xe đầu kéo nhãn hiệu  Huyndai,  số  loại  Xeient,  màu  bạc,  tải  trọng  14.800  kg,  số  khung  36B4EC000928, số máy 64D5E0000977, biển kiểm soát 61C- 318.69 và 01 rơ- mooc nhãn hiệu Fushi, số loại LFS9400ZZX, số khung LEB39VRZ2H0003661, biển kiểm soát 61R-027.31.

Tại Bản án Hành chính sơ thẩm số 43/2019/HC-ST của Tòa án nhân dân tỉnh B đã hủy một phần Quyết định số 3208/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt bổ sung là tịch thu xe đầu kéo và rơ-móc kèm theo xe, với lý do phương tiện này là tài sản chung của vợ chồng ông B, bà T.

Hội đồng xét xử nhận thấy, việc xe đầu kéo và rơ-móc kèm theo xe bị tịch thu hoàn toàn do lỗi của ông B vì đã có hành vi chở chất thải công nghiệp đổ vào môi trường tự nhiên, vi phạm nghiêm trọng pháp luật bảo vệ môi trường được quy định tại khoản 5 Điều 7, Điều 96, 97 của Luật Bảo vệ môi trường năm  2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018). Ông B cũng thừa nhận hành vi vi phạm của  mình.

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Nhà nước không bồi thường các thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại.

Từ những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của nguyên đơn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm theo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

[2] Về án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn không phải nộp án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 5, 8, 13, 32, 52, 53, 76 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;

- Căn cứ các Điều 7, 96, 97 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018);

- Căn cứ các Điều 26, 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính;

- Căn cứ Nghị định số 155/2016/NÐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ  Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;

Tuyên xử:

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn Văn B và bà Nguyễn Ngọc T về việc buộc bị đơn Ủy ban nhân dân tỉnh B bồi thường thiệt hại về tài sản, về thu nhập bị mất với số tiền 2.010.000.000 (Hai tỷ không trăm mười triệu) đồng.

2. Về án phí:

- Nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

393
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp yêu cầu bồi thường tài sản theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 462/2022/DS-PT

Số hiệu:462/2022/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành:14/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về