TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ DĨ AN ,TỈNH BÌNH DƯƠNG
BẢN ÁN 06/2018/LĐ-ST NGÀY 27/06/2018 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT THEO HÌNH THỨC SA THẢI, CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI, TRỢ CẤP THAI SẢN VÀ TRỢ CẤP KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Trong ngày 27 tháng 6 năm 2018, tại Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 07/2018/TLST - LĐ ngày 17 tháng 4 năm 2018 về việc “Tranh chấp về xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thai sản và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 06/2018/QĐXXST-LĐ ngày 08 tháng 6 năm 2018 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Đoàn Thị Hồng V, sinh năm 1987.
Thường trú: Số 182 đường V, khu phố T, phường Đ, thị xã D, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đoàn Văn M, sinh năm 1990; địa chỉ: Số 19/32 đường N, khu phố Đ, phường D, thị xã D, tỉnh Bình Dương. (Theo giấy ủy quyền ngày 21/3/2018).
Bị đơn: Công ty TNHH công nghiệp M.
Trụ sở: Đường B, khu 9, khu phố B, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương.
Người đại diện theo ủy quyền:
1/ Ông T - Chức vụ Phó tổng giám đốc. (Theo giấy ủy quyền ngày 15/6/2018).
Địa chỉ: Công ty TNHH công nghiệp M, đường B, khu 9, khu phố B, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương.
2/ Bà Lê Thị Yến T, sinh năm 1986, chức vụ Kế toán. (Theo giấy ủy quyền ngày 15/6/2018).
Người tham gia tố tụng khác:
Người phiên dịch: Bà Lê Thị Yến T, sinh năm 1986.
Địa chỉ: kế toán công ty TNHH công nghiệp M, đường B, khu 9, khu phố B, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương.
Ông Đoàn Văn M, ông T và bà Lê Thị Yến T có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 22 tháng 3 năm 2018, đơn khởi kiện bổ sung ngày 08/5/2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn là ông Đoàn Văn M trình bày:
Bà Đoàn Thị Hồng V vào làm việc tại Công ty TNHH công nghiệp M (sau đây gọi tắt là Công ty) và được Công ty ký hợp đồng lao động với thời hạn 03 năm từ ngày 24/11/2008 đến ngày 01/4/2011 với công việc là nhân viên trợ lý kinh doanh cho Giám đốc. Hết thời hạn hợp đồng lao động nêu trên, Công ty tiếp tục ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với nguyên đơn kể từ tháng 01/2015 với công việc là nhân viên kinh doanh mức lương tính đến thời điểm nghỉ việc là 5.729.000 đồng/tháng. Ngày 07/8/2017 do nguyên đơn bị đau đầu và đau bụng khi mang thai nên nguyên đơn không đi làm được và phải đi khám bệnh thì được bác sĩ chẩn đoán thai bị ra huyết, động thai và phải ở nhà dưỡng thai, phải tái khám hằng ngày nên nguyên đơn phải nghỉ việc vài ngày. Đến ngày 11/8/2017, nguyên đơn đi khám thai thêm một lần nữa theo chỉ định của bác sĩ thì lại tiếp tục được bác sĩ chỉ định dưỡng thai nên nguyên đơn tiếp tục nghỉ việc ngày 11/8/2017. Sáng ngày 14/8/2017, nguyên đơn đi làm lại bình thường thì nhân viên Công ty không cho vào làm việc và soạn sẵn đơn xin nghỉ, yêu cầu nguyên đơn ký tên nhưng nguyên đơn không ký. Nguyên đơn hỏi lý do tại sao thì nhân viên Công ty không trả lời và nói Công ty đã cho nguyên đơn nghỉ việc từ ngày 14/8/2017 với lý do nghỉ việc dài ngày không xin phép. Nguyên đơn đã trình bày là bị động thai không thể đi làm được theo chỉ định của bác sĩ và có trình sổ khám bệnh nhưng không được Công ty đồng ý. Ngay sau đó Giám đốc chỉ đạo nhân viên phòng nhân sự làm quyết định thôi việc và cho nguyên đơn nghỉ việc kể từ ngày 15/8/2017.
Cho rằng Công ty tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, không thông báo trước là vi phạm pháp luật nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn phải bồi thường các khoản tiền sau:
1/ Hủy quyết định cho nghỉ việc ngày 14/8/2017. Nguyên đơn không muốn trở lại Công ty làm việc.
2/ Bồi thường về chế độ thai sản, trợ cấp một lần khi sinh con, bảo hiểm xã hội. Cụ thể:
+ Về chế độ thai sản: Trợ cấp khi sinh con: 5.729.000 đồng x 6 tháng lương = 34.374.000 đồng.
+ Trợ cấp một lần khi sinh con: 2 tháng x 1.300.000 đồng = 2.600.000 đồng.
+ Chế độ bảo hiểm: Công ty chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn từ ngày 14/8/2017 là trái luật nên Công ty có trách nhiệm xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn trong thời gian cho nghỉ việc trái pháp luật.
3/ Bồi thường tiền lương trong những ngày nguyên đơn không được làm việc từ ngày 14/8/2017 đến thời điểm mở phiên tòa xét xử sơ thẩm (ngày 27/6/2018) là 10 tháng 12 ngày là: 5.729.000 đồng x 10 tháng 12 ngày = 59.199.666 đồng.
4/ Bồi thường 02 tháng tiền lương do đơn phương trái pháp luật: 5.729.000 đồng x 02 tháng = 11.458.000 đồng.
5/ Bồi thường tiền do Công ty vi phạm thời hạn báo trước là: 5.729.000 đồng x 45 ngày = 8.593.000 đồng.
6/ Bồi thường trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động: từ ngày 24/11/2008 đến tháng 01/2014 là: 5.729.000 đồng x 4 tháng = 22.916.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn rút yêu cầu bồi thường về tổn thất tinh thần là 20 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định: 3.500.000 đồng x 20 tháng = 70.000.000 đồng.
Tổng số tiền nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải bồi thường tính đến ngày 27/6/2018 là: 139.140.666 đồng.
Quá trình tố tụng ông L và tại phiên tòa sơ thẩm ông T và bà Lê Thị Yến T là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thống nhất trình bày: Thống nhất với trình bày của nguyên đơn về thời gian làm việc, công việc phải làm. Mức lương của nguyên đơn trước khi nghỉ việc là 5.235.000 đồng/tháng, phụ cấp tiền cơm là 494.000 đồng/tháng. Ngày 14/8/2017, Công ty ra quyết định cho nguyên đơn nghỉ việc là do nguyên đơn nghỉ việc nhiều ngày không xin phép. Trước yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn bồi thường số tiền 139.140.666 đồng, bị đơn không đồng ý vì nguyên đơn không đi làm sau khi Công ty có biên bản xác nhận sự việc ngày 14/8/2017 và Công ty cũng không biết nguyên đơn đang mang thai vào thời điểm ngày 14/8/2017, đồng trước khi nghỉ việc nguyên đơn có hành động xóa bỏ các file dữ liệu của Công ty trên máy tính làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Công ty.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã D tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý cho đến tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, nguyên đơn và bị đơn đã tuân theo và thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật về tố tụng dân sự.
Về nội dung vụ án: hợp đồng lao động giữa nguyên đơn và bị đơn là hợp đồng không xác định thời hạn. Từ ngày 07/8/2017 đến ngày 12/8/2017 nguyên đơn nghỉ việc để đi khám thai và điều dưỡng sức khỏe thai nhi. Đến ngày 14/8/2017, nguyên đơn trở lại làm việc thì bị đơn lập biên bản về việc nguyên đơn nghỉ nhiều ngày không xin phép và ban hành quyết định cho nghỉ việc số 10/QĐNV-MTP-2017 ngày 14/8/2017. Nguyên đơn nghỉ việc không xin phép là có thật nhưng lý do nghỉ là để đến bệnh viện để khám thai và điều dưỡng thai nhi, như vậy việc bị đơn sa thải nguyên đơn là trái luật. Khi ban hành quyết định sa thải, bị đơn đã không thực hiện đúng trình tự thủ tục, áp dụng không đúng đối tượng, trái nguyên tắc về trình tự xử lý kỷ luật theo quy định của Bộ luật Lao động. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Cụ thể:
- Hủy Quyết định nghỉ việc số 10/QĐNV-MTP-2017 ngày 15/8/2017;
- Thanh toán tiền lương, giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn trong những ngày không được làm việc đến thời điểm nguyên đơn sinh con.
- Thanh toán chế độ thai sản và trợ cấp khi sinh con;
- Bồi thường 02 tháng tiền lương theo mức quy định trong hợp đồng;
- Bồi thường trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật;
Những phần khác không chấp nhận, ghi nhận việc rút yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần của nguyên đơn.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát tham gia phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về điều kiện thụ lý vụ án: Căn cứ vào đơn khởi kiện và đơn khởi kiện bổ sung của nguyên đơn thì đây là vụ án Tranh chấp về xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thai sản và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại a, b, d Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012; Điểm a, b, d Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng Dân sự. Bị đơn có trụ sở tại đường B, khu 9, khu phố B, phường A, thị xã D, tỉnh Bình Dương nên Tòa án nhân dân thị xã D thụ lý giải quyết theo quy định tại Khoản 1 Điều 35, Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự.
[2] Xem xét việc chấm dứt hợp đồng lao động: Nguyên đơn vào làm việc tại Công ty từ ngày 24/11/2008 với công việc là nhân viên trợ lý kinh doanh cho Giám đốc. Giữa nguyên đơn và bị đơn có ký kết hợp đồng lao động. Từ tháng 01/2015 nguyên đơn và bị đơn xác lập hợp đồng không xác định thời hạn với công việc là nhân viên kinh doanh mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc theo hợp đồng và mức tham gia bảo hiểm xã hội là 5.729.000 đồng/tháng. Ngày 14/8/2017 Công ty ban hành Quyết định số 10/QĐNV-MTP-2017 cho nguyên đơn nghỉ việc kể từ ngày 15/8/2017 với lý do vi phạm nội quy công ty là nghỉ việc dài ngày không xin phép. Cho rằng Công ty tự ý ban hành quyết định cho nguyên đơn nghỉ việc là trái luật nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn bồi thường tổng số tiền 139.140.666 đồng. Đại diện bị đơn thừa nhận có việc ban hành Quyết định cho nghỉ việc số 10/QĐNV-MTP-2017 ngày 14/8/2017, như vậy đây là hình thức xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải được Công ty áp dụng đối với nguyên đơn vì cho rằng nguyên đơn vi phạm nội quy Công ty về thời gian làm việc. Căn cứ vào phiếu xét nghiệm ngày 11/8/2017 của Phòng xét nghiệm y khoa BCM (bút lục 36) có cơ sở xác định vào thời điểm ngày 11/8/2017 nguyên đơn đang mang thai khoảng 11 tuần 05 ngày tuổi. Nguyên đơn thừa nhận đã không đi làm từ ngày 07/8/2017 đến 12/8/2017, tuy nhiên theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 123, Khoản 4 Điều 155 Bộ Luật lao động, bị đơn không được xử lý kỷ luật lao động nguyên đơn trong thời gian nguyên đơn có thai. Mặt khác, bị đơn đã vi phạm trình tự xử lý kỷ luật lao động là không tiến hành họp xét kỷ luật sa thải nguyên đơn, không có sự tham gia của Tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở được quy định tại Điều 123 Bộ luật lao động. Bị đơn cho rằng không biết nguyên đơn đang mang thai vào thời điểm nghỉ việc là không phù hợp. Bởi lẽ trước khi ban hành Quyết định cho nghỉ việc, bị đơn đã không để cho nguyên đơn được giải trình lý do nghỉ việc theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 126 Bộ luật Lao động. Căn cứ vào Điều 126 Bộ luật lao động thì việc sa thải nguyên đơn là trái luật, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định cho nghỉ việc số 10/QĐNV-MTP-2017 ngày 14/8/2017 là có cơ sở nên chấp nhận.
[3] Việc xác định thời gian lao động phải bồi thường: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường theo thời gian không làm việc từ ngày 14/8/2017 đến ngày xét xử sơ thẩm (ngày 27/6/2018) là không phù hợp, bởi lẽ, căn cứ trích lục khai sinh do nguyên đơn cung cấp thể hiện: ngày 06/02/2018 nguyên đơn sinh con và bắt đầu hưởng thời gian thai sản 06 tháng theo quy định tại Điều 157 Bộ Luật lao động và Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội. Tính đến ngày 27/6/2018, nguyên đơn vẫn trong thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về thai sản và Công ty không có trách nhiệm trả tiền lương cho nguyên đơn trong thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại Khoản 2 Điều 186 Bộ Luật Lao động. Do đó chỉ có căn cứ xác định thời gian không được làm việc của nguyên đơn là từ ngày 14/8/2017 đến ngày 05/02/2018.
Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật lao động 2012, Điều 33 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ về việc hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ Luật lao động thì bị đơn phải có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn thiệt hại do sa thải trái pháp luật bao gồm:
Tiền lương và phụ cấp lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 14/8/2017 đến ngày 05/02/2018 là 32.831.600 đồng tương đương 5 tháng 19 ngày, mức lương làm căn cứ bồi thường là 5.729.000 đồng/tháng.
Bồi thường 02 tháng lương do sa thải trái pháp luật: 5.729.000 đồng/tháng x 2 tháng = 11.458.000 đồng.
Ghi nhận việc nguyên đơn không yêu cầu nhận trở lại làm việc.
[4] Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện không yêu cầu bồi thường chế độ bảo hiểm số tiền 4.583.000 đồng mà chỉ yêu cầu bị đơn xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian cho nghỉ trái pháp luật thấy rằng: theo quy định tại Điều 42 Bộ Luật lao động, Điều 19 và Khoản 2 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội thì việc tham gia Bảo hiểm xã hội cho người lao động là nghĩa vụ chung của người lao động và người sử dụng lao động. Việc chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội là trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 5 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó có cơ sở buộc bị đơn xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của nguyên đơn từ ngày 14/8/2017 đến ngày 05/02/2018 theo quy định tại Khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội. Đối với thời gian nghỉ thai sản, nguyên đơn thuộc trường hợp đương nhiên vẫn tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội nên trong thời gian nghỉ thai sản từ ngày 06/02/2018 đến ngày 27/6/2018 bị đơn không có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn.
[5] Đối với yêu cầu bồi thường trợ cấp thôi việc số tiền 22.916.000 đồng thấy rằng: Nguyên đơn vào làm việc tại Công ty từ ngày 24/11/2008, như vậy thời gian làm việc thực tế của nguyên đơn tại Công ty được xác định từ ngày 24/11/2008 đến ngày xét xử sơ thẩm (27/6/2018). Đại diện nguyên đơn thay đổi chỉ yêu cầu bồi thường trợ cấp thôi việc trong thời gian từ ngày 24/11/2008 đến tháng 01/2014 thấy rằng: Căn cứ theo Điều 48 Bộ Luật lao động, Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP có cơ sở xác định thời gian được hưởng trợ cấp thôi việc của nguyên đơn là 01 tháng 08 ngày sau khi trừ thời gian nguyên đơn tham gia đóng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại Điều 140 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006. Căn cứ vào Điểm c Khoản 3 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ có cơ sở xác định số tiền trợ cấp thôi việc bị đơn có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn là 5.729.000 đồng x ¼ tháng lương = 1.432.300 đồng (01 tháng 8 ngày được tính bằng ½ năm làm việc).
[6] Đối với yêu cầu bồi thường tiền vi phạm thời gian báo trước thấy rằng: Bị đơn chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn vì cho rằng nguyên đơn đã vi phạm nghỉ nhiều ngày không xin phép, đây là hành vi xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải không phải là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, căn cứ theo Khoản 3 Điều 33 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ thì không có căn cứ buộc bị đơn bồi thường tiền do vi phạm thời gian báo trước số tiền 8.593.000 đồng.
[7] Đối với yêu cầu bồi thường tiền thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con thấy rằng: nguyên đơn sinh con vào ngày 06/02/2018, nguyên đơn có thời gian làm việc tại Công ty từ ngày 24/11/2008 đến ngày 14/8/2017 thì bị sa thải trái luật. Vào thời điểm ngày 14/8/2017, nguyên đơn đang mang thai. Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật lao động, Điều 30, Điểm b Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 31, Khoản 1 Điều 34, Điều 38 và Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội, nguyên đơn thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con nên nguyên đơn khởi kiện buộc Công ty thanh toán tiền chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con là có cơ sở để chấp nhận. Mức lương bình quân 6 tháng liền kề của nguyên đơn trước khi bị sa thải là 5.729.000 đồng/tháng nên số tiền trợ cấp thai sản nguyên đơn được hưởng tương đương 100% của 6 tháng lương là 34.374.000 đồng, số tiền hưởng trợ cấp một lần khi sinh con tương đương 2 tháng lương là 2.600.000 đồng theo mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ. Bị đơn có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn số tiền trợ cấp thai sản, trợ cấp một lần khi sinh con số tiền 36.974.000 đồng. Bị đơn có trách nhiệm liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội có thẩm quyền để quyết toán và nhận lại số tiền 36.974.000 đồng theo quy định tại Điều 101 và Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Tại phiên tòa sơ thẩm đại diện nguyên đơn rút yêu cầu bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần số tiền tương đương 20 tháng lương là 70.000.000 đồng. Xét thấy việc rút yêu cầu khởi kiện của đại diện nguyên đơn là hoàn toàn tự nguyện nên Hội đồng xét xử đình chỉ giải quyết yêu cầu trên.
[8] Từ những phân tích trên, có căn cứ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân thị xã D, tỉnh Bình Dương.
[9] Về án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn không phải chịu, bị đơn phải chịu theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các Điều 144, Khoản 1 Điều 147, Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự; Các Điều 42, 48, 123, 126, 155 và Điều 157 Bộ Luật Lao động 2012; Các Điều 19, Khoản 2 và Khoản 5 Điều 21, Khoản 5 Điều 23; Điều 31, 34, 38, 39, 101, 102 và Khoản 2 Điều 186 Luật bảo hiểm xã hội 2014; Nghị định 47/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ; Điều 14 và Điều 33 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
I. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Đoàn Thị Hồng V đối với Công ty TNHH công nghiệp M về việc sa thải trái pháp luật.
1. Hủy quyết định nghỉ việc số 10/QĐNV-MTP-2017 ngày 14/8/2017 của Công ty TNHH công nghiệp M.
2. Buộc Công ty TNHH công nghiệp M có trách nhiệm bồi thường cho bà Đoàn Thị Hồng V tổng số tiền 82.695.900 đồng do sa thải trái pháp luật, trong đó bao gồm:
- Tiền bồi thường do sa thải trái pháp luật: 11.458.000 đồng.
- Tiền lương trong những ngày không được làm việc (từ ngày 14/8/2017 đến 05/02/2018): 32.831.600 đồng;
- Tiền trợ cấp thôi việc: 1.432.300 đồng;
- Tiền chế độ thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con: 36.974.000 đồng.
3. Công ty TNHH công nghiệp M có trách nhiệm truy đóng bảo hiểm xã hội cho bà Đoàn Thị Hồng V trong thời gian cho nghỉ việc trái pháp luật từ ngày 14/8/2017 đến ngày 05/02/2018, chốt sổ bảo hiểm xã hội và trả sổ bảo hiểm xã hội cho bà Đoàn Thị Hồng V theo quy định của pháp luật.
4. Ghi nhận sự tự nguyện của bà Đoàn Thị Hồng V về việc không yêu cầu Công ty TNHH công nghiệp M nhận trở lại làm việc.
5. Công ty TNHH công nghiệp M được quyền liên hệ với Bảo hiểm xã hội có thẩm quyền để quyết toán và nhận lại số tiền 36.974.000 đồng trợ cấp thai sản và trợ cấp một lần khi sinh con của bà Đoàn Thị Hồng V theo quy định của pháp luật.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, người phải thi hành án không thi hành thì còn phải chịu lãi suất theo mức lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào thời điểm trả tiền.
6. Đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Đoàn Thị Hồng V về việc buộc Công ty TNHH công nghiệp M bồi thường thiệt hại tổn thất tinh thần số tiền tương đương 20 tháng lương là 70.000.000 đồng.
II. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đoàn Thị Hồng V về việc buộc Công ty TNHH công nghiệp M bồi thường số tiền 56.444.766 đồng. Trong đó bao gồm:
1/ Tiền vi phạm thời gian báo trước 8.593.000 đồng;
2/ Tiền trợ cấp thôi việc: 21.483.700 đồng;
3/ Tiền lương trong những ngày không được làm việc: 26.368.066 đồng;
III. Về án phí lao động sơ thẩm: Bà Đoàn Thị Hồng V không phải chịu. Công ty TNHH công nghiệp M phải chịu 3.873.500 đồng án phí lao động sơ thẩm.
IV. Án xử công khai, tuyên án có mặt các đương sự.
V. Nguyên đơn, bị đơn có mặt được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành dân sự, người phải thi hành dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thai sản và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động số 06/2018/LĐST
Số hiệu: | 06/2018/LĐST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Dĩ An - Bình Dương |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 27/06/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về