Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải số 47/2023/LĐ-ST

TOÀ ÁN NHÂN DÂN QUẬN TÂN BÌNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 47/2023/LĐ-ST NGÀY 26/10/2023 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG THEO HÌNH THỨC SA THẢI

Ngày 26 tháng 10 năm 2023, tại phòng xử án của Tòa án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 30/2017/TLST- LĐ ngày 25 tháng 7 năm 2017 về “Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 629/2023/QĐXXST-LĐ ngày 12 tháng 9 năm 2023 và Quyết định hoãn phiên tòa số 527/2023/QĐST-LĐ ngày 29 tháng 9 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị Thu H, sinh năm: 1980 Địa chỉ: B Lô O, B, Phường I, Quận D, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Thanh N, trú tại: 1 đường A, khu phố A, phường B, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (Văn bản ủy quyền, số công chứng 019174 ngày 21 tháng 11 năm 2017 lập tại Văn phòng C1, Thành phố Hồ Chí Minh) có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.

2. Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ Trụ sở: 328 đường N, Phường B, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Bà Võ Thúy H1, trú tại: H đường H, phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn (Văn bản ủy quyền ngày 24 tháng 01 năm 2018 và ngày 15 tháng 6 năm 2023) có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện ngày 14 tháng 10 năm 2013 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 29 tháng 4 năm 2014 của bà Trần Thị Thu H và quá trình giải quyết vụ án ông Nguyễn Thanh N là người đại diện của nguyên đơn trình bày:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ thành lập ngày 21/02/2009, ngay sau khi thành lập bà H vào làm việc cho Công ty và ký Hợp đồng lao động có thời hạn 02 năm từ 01/3/2009 đến 01/3/2011, hết thời hạn nêu trên, Công ty T1 ký hợp đồng có thời hạn đến ngày 02/3/2013, sau tiếp tục ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn kể từ 03/3/2013 đến nay (Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013) với chức danh chuyên môn là Thạc sĩ Bản đồ - Viễn thám, chức vụ là Phó Giám đốc Công ty, mức lương chính là 9.016.950 đồng.

Ngày 08/7/2013, bà H gửi cho Công ty bản kiến nghị nêu một số yêu sách yêu cầu công ty thực hiện. Các ngày tiếp theo bà đến Công ty làm việc không liên tục, cụ thể: Vào ngày 09, 11, 13 bà đến Công ty theo yêu cầu của lãnh đạo Công ty làm việc liên quan đến bản yêu sách nêu trên, ngày 10 và 12 tháng 7 năm 2013 nghỉ.

Ngày 15/7/2013, Công ty M bà đến họp xét kỷ luật và bà đến Công ty nhưng cuộc họp không thực hiện do Giám đốc là ông Nguyễn Tân S đi vắng. Ông T chủ trì cuộc họp nhưng không có giấy ủy quyền của ông S nên bà và các nhân viên khác không đồng ý họp nên Công ty dời cuộc họp sang ngày 16/7/2013. Ngày 16/7/2013, bà đến Công ty và bị buộc viết bản tường trình sự việc nên bà không đồng ý họp và bỏ về vì thấy Công ty không tôn trọng người lao động. Đến ngày 31/7/2013, bà nhận được Biên bản họp ngày 16/7/2013 về việc xử ý kỉ luật lao động đối với bà do Công ty T2 họp không có sự tham dự của bà.

Ngày 27/8/2013, Công ty gửi cho bà qua email Quyết định số 02270813/ĐH về việc thi hành kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với bà H do Chủ tịch Hội đồng thành viên – Ông Trương Hùng P ký. Ngày 25/9/2013, Công ty gửi cho bà qua email Quyết định về việc chấm dứt Hợp đồng lao động số 02250913/ĐH do Giám đốc Công ty – Ông Nguyễn Tân S ký và bảng công nợ. Do không đồng ý với các quyết định này nên bà đã yêu cầu Liên đoàn Lao động quận Tân Bình tiến hành hòa giải với Công ty nhưng Công ty không đến dự phiên hòa giải ngày 05/8/2013. Vì vậy, bà khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Hủy Quyết định sa thải số 02270813/ĐH ngày 27/8/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ.

- Công ty phải bồi thường 02 tháng tiền lương theo hợp đồng (9.016.950 đồng) do sa thải trái pháp luật là 18.033.000 đồng.

- Công ty T3 trong những ngày bà H không được làm việc từ 01/7/2013 đến thời điểm tòa tuyên án theo mức lương 15.000.000 đồng/tháng.

- Bà H không muốn tiếp tục làm việc nên bà yêu cầu Công ty trả trợ cấp thôi việc 04 năm x ½ tháng lương (9.016.950 đồng) = 18.033.000 đồng.

- Công ty thanh toán tiền tàu xe năm 2010 là 3.600.000 đồng và tiền thai sản do Công ty không cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho bà H là 7.000.000 đồng.

- Công ty trả tiền Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế trong thời gian bà H không được làm việc đến khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Tại đơn thay đổi và rút một phần yêu cầu khởi kiện ngày 25 tháng 10 năm 2023, bà H rút một phần yêu cầu về khoản tiền lương trong những ngày bà H không được làm việc từ 17/3/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm theo mức lương 15.000.000 đồng/tháng và khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ ngày 17/3/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Đồng thời, buộc Công ty Đ trả trợ cấp thôi việc từ ngày 01/7/2013 đến 16/3/2017 là 22.542.000 đồng.

* Trong Văn bản phản tố ngày 28 tháng 4 năm 2014, bị đơn là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bà Võ Thúy H1 đại diện trình bày:

Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Đ thừa nhận trình bày của nguyên đơn về việc ký kết Hợp đồng lao động, nội dung hợp đồng và quá trình thực hiện, nhưng không đồng ý với những yêu cầu của nguyên đơn về việc hủy Quyết định sa thải số 02270813/ĐH ngày 27/8/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ, buộc Công ty Đ phải bồi thường 02 tháng tiền lương do sa thải trái pháp luật, trả tiền lương trong những ngày bà H không được làm việc, trả trợ cấp thôi việc, thanh toán tiền tàu xe, tiền thai sản và trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Công ty Đ cho rằng Hợp đồng lao động này bị vô hiệu bởi việc ký kết không đúng thẩm quyền và trình tự pháp luật qui định, cụ thể: Tại điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2005 qui định về Hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận: “1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận: a) Thành viên, người đại diện theo uỷ quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty”.

Căn cứ vào Giấy phép kinh doanh số: 0307208745 ngày 21/02/2009, điều 47 Luật Doanh nghiệp năm 2005, căn cứ vào Biên bản họp Hội đồng thành viên Công ty Đ ngày 02/07/2010 về việc bầu ông Trương Hùng P làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, căn cứ vào Điều 15 Điều lệ của Công ty ban hành ngày 10/02/2009 qui định Hội đồng thành viên bao gồm các thành viên, quyền hạn và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên :“…,e) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, kế toán trưởng và người quản lý khác…”. Bà H là thành viên Công ty được bổ nhiệm chức danh Phó Giám đốc là thuộc trường hợp “Người quản lý khác” theo qui định tại điều này. Vì vậy, Công ty ký hợp đồng lao động với bà H bắt buộc phải thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, mà người thay mặt Hội đồng thành viên ký quyết định là Chủ tịch Hội đồng (điểm e, Điều 17 Điều lệ Công ty). Theo đó, hợp đồng lao động giữa bà H và Công ty được ký kết phải được sự chấp thuận của Hội đồng thành viên mà Chủ tịch là ông Trương Hùng P. Việc người đại diện theo pháp luật của Công ty Đ và bà H ký và tái ký các hợp đồng lao động nói trên không có sự chấp thuận Hội đồng thành viên. Bản thân bà H là thành viên Hội đồng thành viên nhưng đã làm trái qui định pháp luật, ông Nguyễn Tân S là người đại diện theo pháp luật cho Công ty Đ cũng không trình báo cho Hội đồng thành viên biết về giao dịch này và sự tồn tại các hợp đồng lao động đối với thành viên là bà H, cho thấy rõ việc ký Hợp đồng lao động giữa ông Nguyễn Tân S và bà Trần Thị Thu H là trái luật do vi phạm điểm a khoản 1 Điều 59 Luật Doanh nghiệp 2005 và điểm e Điều 17 Điều lệ Công ty nên Hợp đồng lao động này là vô hiệu. Vì vậy, bà H khởi kiện cho rằng Công ty có hành vi sa thải trái luật đối với bà là không có căn cứ, nên Công ty không có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo Điều 42 Bộ luật lao động.

Tranh chấp giữa bà H và Công ty Đ là tranh chấp về kinh doanh thương mại, vì trong quá trình làm việc tại Công ty, bà H đã không thực hiện đúng vai trò và chức trách của mình. Vì lợi ích cá nhân của bà liên quan đến mối quan hệ về kinh doanh thương mại giữa bà và Công ty, cụ thể là tranh chấp về phần vốn góp của bà vào Công ty là 450.000.000 đồng (chiếm 2,91% toàn bộ vốn điều lệ của doanh nghiệp). Trong quá trình hoạt động kinh doanh, bà H yêu cầu Công ty Đ mua lại phần vốn góp của bà và thưởng 50% số vốn góp vào Công ty. Để thực hiện được yêu cầu này, bà H đã lợi dụng quyền hạn của mình là Phó giám đốc đã có hành vi khuyến dụ, xúi giục người lao động, tạo cho họ có niềm tin lệch lạc nên họ đã hưởng ứng lời kêu gọi của bà H dẫn đến họ đã có hành vi vi phạm hợp đồng lao động, vi phạm về nghĩa vụ của người lao động đối với người sử dụng lao động, họ đã thực hiện theo yêu cầu của bà H nên đã đồng loạt đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đối với Công ty, nguyên nhân là do bà H cho rằng Công ty không đáp ứng được các yêu cầu của bà. Thấy rằng yêu cầu của người lao động là không đúng qui định của pháp luật nhưng Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Tân S đã yêu cầu bà H và tập thể lao động phải trở lại vị trí làm việc, việc người lao động đề nghị phải chờ Ban Giám đốc Công ty Đ họp xem xét theo trình tự pháp luật qui định và sẽ trả lời chính thức cho người lao động nhưng họ vẫn tự ý nghỉ làm việc mà không cần ý kiến Công ty. Trước tình trạng cấp bách do hành động vô kỷ luật của người lao động, công trình không được thực hiện theo đúng tiến độ dẫn đến hậu quả Công ty phải chịu trách nhiệm hết sức nặng nề trước chủ đầu tư và chi phí khắc phục hậu quả, đặc biệt là uy tín của Công ty Đ.

Từ ngày 08/07/2013, bà H không còn làm việc tại Công ty. Đến ngày 15/7/2013, bà H có đến Công ty theo giấy mời họp để giải quyết vụ việc (xem xét về việc nghỉ làm việc của bà H theo thông báo của bà và đối thoại về các yêu sách bà đưa ra cho Công ty) nhưng bà H không họp tác, với lý do không có mặt ông S mặc dù ông P đã thông báo do S đi công tác nên có giấy ủy quyền bằng văn bản của ông S ủy quyền cho ông Trương Hùng P chủ trì cuộc họp. Tuy nhiên, bà H vẫn không đồng ý hợp tác cho nên cuộc họp không tiến hành được mà phải hoãn lại. Ngày 16/07/2013, bà H có đến Công ty làm bản tường trình và dự họp nhưng cố tình gây rối và không ký vào biên bản họp, cũng không ghi ý kiến bảo lưu. Sau ngày 16/7/2013, bà H không đến Công ty Đ một lần nào nữa, sau đó Công ty đã thông báo lại cho bà H về nội dung xem xét hành vi trái luật của bà, đề nghị bà có ý kiến phản hồi nhưng suốt một thời gian dài Công ty không nhận được thông tin trả lời của bà H. Nếu bà H cho rằng bà là người lao động của Công ty thì thời điểm Công ty ra quyết định sa thải bà là đã quá 45 ngày kể từ ngày bà H gửi đơn thông báo nghỉ việc và đã nghỉ việc ngày 08/07/2013. Đến ngày 27/08/2013, Công ty Đ mới hành Quyết định số 02270813/ĐH về việc thi hành kỷ luật lao động đối với bà H nhằm chấm dứt hồ sơ lao động của bà H trong nội bộ Công ty và Công ty Đ không gửi quyết định này cho bà H. Căn cứ vào thực tế khách quan thì quyết định này của Công ty Đ là thừa trong quá trình giải quyết vụ việc vì không cần ban hành quyết định này thì bà H cũng đã nghỉ việc trước đó, nên hành vi ban hành quyết định sa thải bà H của Công ty Đ không làm ảnh hưởng, thay đổi bản chất khách quan của hành vi tranh chấp kinh doanh thương mại, hành vi trái pháp luật của bà H diễn ra đã hoàn thành (gần 02 tháng) trước khi Công ty ra quyết định sa thải. quyết định sa thải không phải là nguyên nhân làm cho bà H bị nghỉ việc. Vì vậy, bà H yêu cầu Công ty thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động do ban hành Quyết định sa thải trái luật đối với bà theo Điều 42 Bộ luật lao động là không có căn cứ pháp luật.

Tại đơn phản tố ngày 28 tháng 4 năm 2014, bị đơn Công ty Đ yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Tuyên bố Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013 ký giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ và bà Trần Thị Thu H vô hiệu.

- Buộc bà Trần Thị Thu H phải bồi thường cho Công ty Đ ½ tháng tiền lương và 45 ngày lương do vi phạm thời gian báo trước theo Hợp đồng lao động là 9.016.950 đồng x 02 = 18.333.900 đồng.

- Buộc bà Trần Thị Thu H hoàn trả lại tiền tạm ứng cho Công ty Đ số tiền 23.394.000 đồng (là tiền lương tháng 13/2012, chi phí đi lại và tiền tạm ứng khác).

Tại phiên tòa, đại diện Công ty Đ rút phần yêu cầu bà H bồi thường ½ tháng tiền lương, 45 ngày lương do vi phạm thời gian báo trước là 18.333.900 đồng và hoàn trả số tiền tạm ứng 23.394.000 đồng.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Tân Bình tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: Từ khi Tòa án nhân dân quận Tân Bình thụ lý vụ án đến nay, trong quá trình giải quyết vụ án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng được thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Quan điểm giải quyết vụ án:

Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Tại đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện ngày 25 tháng 10 năm 2023, nguyên đơn là bà Trần Thị Thu H rút một phần khoản tiền lương trong những ngày bà H không được làm việc từ 17/3/2017 đến nay theo mức lương 15.000.000 đồng/tháng và khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ ngày 17/3/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm, nhận thấy việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện là tự nguyện nên đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ đối với những yêu cầu này. Xét thấy Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013 ký giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ và bà Trần Thị Thu H vô hiệu, do đó đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, hủy Quyết định số 02270813/ĐH ngày 27/8/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ về việc thi hành kỷ luật lao động sa thải đối với bà H; không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H đòi Công ty Đ bồi thường 02 tháng tiền lương do sa thải trái pháp luật, trả tiền lương trong những ngày bà H không được làm việc, trả trợ cấp thôi việc, thanh toán tiền tàu xe năm 2010, tiền thai sản và trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian bà H không được làm việc từ ngày 01/7/2013 đến ngày 16/3/2017, với tổng cộng số tiền 840.599.000 đồng.

Về yêu cầu phản tố của bị đơn: Xét thấy tại phiên tòa đại diện Công ty Đ rút phần yêu cầu bà H bồi thường ½ tháng tiền lương, 45 ngày lương do vi phạm thời gian báo trước là 18.333.900 đồng và hoàn trả lại số tiền tạm ứng 23.394.000 đồng, đề nghị Hội đồng xét xử đình chỉ đối với phần yêu cầu phản tố đã rút này của bị đơn. Đồng thời, chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn tuyên bố Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013 ký giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ và bà Trần Thị Thu H vô hiệu.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định.

[1] Về pháp luật tố tụng:

[1.1] Về quan hệ pháp luật và thẩm quyền giải quyết: Bà Trần Thị Thu H khởi kiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ (sau đây gọi tắt là Công ty Đ) yêu cầu hủy Quyết định số 02270813/ĐH ngày 27/8/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ về việc thi hành kỷ luật lao động sa thải đối với bà Trần Thị Thu H. Phía bị đơn Công ty Đ có phản tố yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013 giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ với bà Trần Thị Thu H vô hiệu. Như vậy, quan hệ tranh chấp ở đây là “Tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải’’ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Bị đơn Công ty Đ có trụ sở tại C đường N, Phường B, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh nên theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vụ án này thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

[1.2] Về sự vắng mặt của đương sự: Ông Nguyễn Thanh N là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 227 và khoản 1 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định tiến hành xét xử vụ án vắng mặt ông Nguyễn Thanh N.

[1.3] Về điều kiện khởi kiện: Đối với tranh chấp về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải, theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 (nay là điểm a khoản 1 Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019) thì không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải. Đối với tranh chấp về thanh toán tiền tàu xe giữa bà Trần Thị Thu H và Công ty Đ đã thông qua thủ tục hòa giải theo quy định.

[1.4] Về thời hiệu khởi kiện: Theo xác nhận của nguyên đơn thì bà Trần Thị Thu H đã nhận được Quyết định số 02270813/ĐH ngày 27/8/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ về việc thi hành kỷ luật lao động sa thải đối với bà Trần Thị Thu H qua email vào ngày 27/8/2023. Ngày 14/10/2013, bà H nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận Tân Bình. Theo quy định tại khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012 (nay là khoản 3 Điều 190 Bộ luật lao động năm 2019) thì đối với tranh chấp lao động cá nhân thời hiệu khởi kiện là 01 năm. Như vậy, tại thời điểm nguyên đơn khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện vẫn còn theo quy định.

[1.5] Về việc tham gia phiên tòa của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Tân Bình:

Trong vụ án này Tòa án đã tiến hành thu thập chứng cứ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và hướng dẫn tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 01/8/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao, trường hợp này Viện kiểm sát nhân dân quận Tân Bình phải tham gia phiên tòa theo quy định.

[1.6] Việc thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố của đương sự:

[1.6.1] Theo đơn khởi kiện thì bà H yêu cầu Công ty Đ trả trợ cấp thôi việc 04 năm x ½ tháng lương (9.016.950 đồng) = 18.033.000 đồng, nay bà H yêu cầu Công ty Đ trả trợ cấp thôi việc từ ngày 01/7/2013 đến 16/3/2017 là 22.542.000 đồng (đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 25/10/2023), căn cứ khoản 1 Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì việc bổ sung yêu cầu của nguyên đơn không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[1.6.2] Đối với yêu cầu Công ty Đ phải trả tiền lương trong những ngày bà H không được làm việc theo mức lương 15.000.000 đồng/tháng và tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian không được làm việc từ 01/7/2013 đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Mặc dù, tại đơn khởi kiện ngày 14 tháng 10 năm 2013 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 29 tháng 4 năm 2014, bà H đã yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty Đ phải thanh toán trả cho bà H tiền lương trong những ngày không được làm việc theo mức lương 15.000.000 đồng/tháng và tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian không được làm việc từ 01/7/2013 cho đến thời điểm xét xử sơ thẩm, nhưng tại đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đề ngày 25/10/2023, bà H rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với khoản tiền lương trong những ngày không được làm việc và khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ ngày 17/3/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm. Xét thấy, việc rút một phần yêu cầu nói trên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định tại Điều 5 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Căn cứ khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của bà H về khoản tiền lương, khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày không được làm việc từ ngày 17/3/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm.

[1.6.3] Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty Đ đòi bà H bồi thường ½ tháng tiền lương và 45 ngày lương do vi phạm thời gian báo trước là 18.333.900 đồng, hoàn trả số tiền tạm ứng là 23.394.000 đồng; tổng cộng là 41.427.900 đồng. Mặc dù, tại đơn phản tố ngày 28 tháng 4 năm 2014, Công ty Đ đã yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà H bồi thường và hoàn trả tổng cộng số tiền 41.427.900 đồng, nhưng tại phiên tòa đại diện Công ty Đ rút phần yêu cầu phản tố đối với khoản tiền bồi thường và khoản tiền hoàn trả là 41.427.900 đồng. Xét thấy, việc rút phần yêu cầu phản tố nói trên là hoàn toàn tự nguyện, phù hợp với quy định tại Điều 5 và khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Căn cứ khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu phản tố của Công ty Đ về khoản tiền bồi thường và khoản tiền hoàn trả tổng cộng là 41.427.900 đồng. Công ty Đ không phải chịu án phí đối với yêu cầu đã đình chỉ xét xử.

[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, Hội đồng xét xử thấy rằng:

[2.1] Về tính hợp pháp của hợp đồng lao động: Bà Trần Thị Thu H vào làm việc tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ từ ngày 01/3/2009. Các bên đã ký và thực hiện hợp đồng lao động xác định thời hạn từ ngày 01/3/2009 đến ngày 01/3/2011, hợp đồng xác định thời hạn từ ngày 02/3/2011 đến ngày 02/3/2013. Sau khi hợp đồng xác định thời hạn hết hạn, các bên đã ký và thực hiện hợp đồng không xác định thời hạn từ ngày 03/3/2013 (Hợp đồng lao động số: 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013). Theo đó, bà H đảm nhận chức danh chuyên môn là Thạc sỹ bản đồ viễn thám, chức vụ Phó Giám đốc Công ty; công việc phải làm: Tham gia công tác khảo sát địa hình, thiết kế, các công việc khác theo yêu cầu và sự điều động của Giám đốc Công ty, mức lương chính thức là 9.016.950 đồng.

[2.2] Tại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, mã số doanh nghiệp: 0307208745, đăng ký lần đầu: ngày 21 tháng 02 năm 2009 và đăng ký thay đổi lần thứ 3: ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ có vốn điều lệ là 15.480.000.000 đồng, trong đó danh sách thành viên góp vốn gồm Công ty Cổ phần T4 có giá trị phần góp vốn 14.580.000.000 đồng tương ứng phần vốn góp 94,18% toàn bộ vốn điều lệ của doanh nghiệp, bà Trần Thị Thu H góp vốn 450.000.000 đồng tương ứng với tỷ lệ phần góp vốn là 2,91% và ông Võ Thiên C góp vốn 450.000.000 đồng tương ứng với phần tỷ lệ góp vốn là 2,91%. Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc Công ty N1. Như vậy, căn cứ theo khoản 1 Điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2005 thì bà H là thành viên Hội đồng thành viên Công ty Đ.

Điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định Hội đồng thành viên như sau: “1. Hội đồng thành viên gồm các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Thành viên là tổ chức chỉ định người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thanh viên. Điều lệ công ty quy định cụ thể định kỳ họp Hội đồng thành viên, nhưng ít nhất mỗi năm phải họp một lần. 2. Hội đồng thành viên có các quyền và nhiệm vụ sau đây: đ) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại Điều lệ công ty”.

Điều 15 Điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ quy định Hội đồng thành viên của công ty Đ hữu hạn hai thành viên trở lên có quyền và nghĩa vụ: “1. Hội đồng thành viên gồm các thành viên, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty. Thành viên là tổ chức chỉ định người đại diện theo ủy quyền tham gia Hội đồng thanh viên. Hội đồng thành viên họp định kỳ mỗi năm ít nhất 1 lần. 2. Hội đồng thành viên có các quyền và nhiệm vụ sau đây: e) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, ký và chấm dứt hợp đồng với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và người quản lý khác quy định tại điều lệ công ty”.

Điểm f, k khoản 2 Điều 18 Điều lệ quy định Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc có các quyền và nhiệm vụ: “f) Ký kết hợp đồng nhân dân công ty, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên. k) Các quyền và nhiệm vụ khác được quy định trong Hợp đồng lao động mà Giám đốc hoặc Tổng giám đốc ký với công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên”. Điểm d khoản 1 Điều 20 Điều lệ quy định nghĩa vụ của thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc: “1. Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc công ty có các nghĩa vụ sau đây: d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty”. Khoản 1 và khoản 4 Điều 23 Điều lệ quy định: “1. Hội đồng thành viên thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp, hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. 4. Quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản khi được số thành viên đại diện ít nhất 75% vốn điều lệ chấp thuận”.

Điểm a khoản 1 và khoản 2 Điều 59 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định về hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận: “1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận: a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty,… 2. Hợp đồng, giao dịch bị vô hiệu và xử lý theo quy định của pháp luật khi được giao kết không đúng quy định tại khoản 1 Điều này. Người đại diện theo pháp luật của công ty, thành viên có liên quan và người có liên quan của thành viên đó phải bồi thường thiệt hại phát sinh, hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ việc thực hiện hợp đồng, giao dịch đó”. Theo quy định trên thì thành viên Hội đồng thành viên có thể ký hợp đồng với Công ty nếu Hội đồng thành viên Công ty chấp nhận. Do đó, hợp đồng lao động giữa Công ty Đ với bà H là hợp đồng giữa Công ty với thành viên Hội đồng thành viên, hợp đồng này phải được Hội đồng thành viên chấp thuận, vì khi Công ty giao kết hợp đồng lao động với bà H thì bà H vừa đại diện cho lợi ích Công ty Đ vừa đại diện cho lợi ích chính mình.

[2.3] Như vậy, trước khi ký hợp đồng lao động, ông Nguyễn Tân S – Giám đốc Công ty Đ phải có trách nhiệm thông báo, gửi kèm dự thảo hợp đồng lao động tới các thành viên Hội đồng thành viên Công ty. Tuy nhiên, theo xác nhận của Công ty Cổ phần T4 là thành viên Hội đồng thành viên, với tỷ lệ phần góp vốn là 94,18% thì việc Công ty Đ ký các hợp đồng lao động với bà Trần Thị Thu H không được phía Công ty Đ thông báo và không được sự chấp thuận từ phía Công ty Cổ phần T4. Còn bà Trần Thị Thu H là thành viên góp vốn cho rằng thời điểm Công ty Đ và bà Trần Thị Thu H ký Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ thì 03 thành viên góp vốn của Công ty Đ, trong đó có bà Trần Thị Thu H đều biết và đồng ý, nhưng không có tài liệu nào chứng minh các thành viên Hội đồng thành viên Công ty biết và chấp thuận việc ký các hợp đồng lao động này, mặt khác bà H đã là nguyên đơn trong vụ án nên lời khai bà H đưa ra sẽ không khách quan nên không có căn cứ để xem xét ý kiến của bà H. Đối với thành viên còn lại là ông Võ Thiên C đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng đều vắng mặt nên không rõ ý kiến. Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, đại diện Công ty Đ đều xác định việc ông Nguyễn Tân S – Giám đốc Công ty ký các hợp đồng lao động với bà H thì không thông qua các thành viên góp vốn Công ty Đ. Căn cứ các quy định nêu trên, về nguyên tắc hợp đồng lao động giữa Công ty Đ với bà H phải được Hội đồng thành viên Công ty thông qua. Người đại diện theo pháp luật của Công ty Đ giao kết hợp đồng lao động với bà Trần Thị Thu H – Thành viên Hội đồng thành viên Công ty Đ mà không được Hội đồng thành viên Công ty thông qua thì được xác định là giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện.

Điều 146 của Bộ luật dân sự năm 2005 về hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện quy định: “1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối; nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện.

2. Người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch,…”.

Khoản 1 Điều 137 của Bộ luật dân sự năm 2005 về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu quy định: “1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập”.

[2.4] Xét thấy, việc ký kết các hợp đồng lao động nêu trên của Công ty Đ là trái quy định tại Điều 59 Luật doanh nghiệp năm 2005, làm ảnh hưởng đến lợi ích của các chủ thể khác có liên quan, cụ thể ở đây là các thành viên Hội đồng thành viên Công ty Đ nên bị coi là vô hiệu toàn bộ theo quy định tại khoản 4 Điều 166 Bộ luật lao động năm 1994, sửa đổi bổ sung năm 2002 (khoản 1 Điều 50 Bộ luật lao động năm 2012) nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa Công ty Đ và bà Trần Thị Thu H. Vì vậy, việc Công ty Đ ban hành Quyết định xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải số 02270870813/ĐH ngày 27/8/2013 với bà H là không đúng, cần hủy quyết định này của Công ty Đ. Đồng thời, việc bà H yêu cầu giải quyết các chế độ chính sách của việc bị sa thải như bồi thường 02 tháng tiền lương do sa thải trái pháp luật, trả tiền lương trong những ngày không được làm việc, trả trợ cấp thôi việc, trả tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trong thời gian không được làm việc là không có cơ sở chấp nhận.

[2.5] Xét yêu cầu của nguyên đơn đòi bị đơn thanh toán tiền tàu xe năm 2010 với số tiền 3.600.000 đồng và tiền thai sản 7.000.000 đồng (do công ty không cấp thẻ bảo hiểm y tế), nhận thấy quá trình giải quyết vụ án phía bà H không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty Đ còn nợ số tiền trên, trong khi Công ty Đ không thừa nhận số tiền này nên không có cơ sở chấp nhận.

[3] Về phản tố của bị đơn Công ty Đ yêu cầu tuyên bố Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013 giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ và bà Trần Thị Thu H vô hiệu, thấy rằng: Như đã lập luận tại đoạn [2], xét thấy Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013 giữa Công ty Đ và bà H đã bị vô hiệu ngay từ thời điểm các bên xác lập, nên việc Công ty Đ yêu cầu tuyên bố Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ vô hiệu là căn cứ chấp nhận.

[4] Đối với Quyết định số 02250913/ĐH ngày 25/9/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Trần Thị Thu H do các đương sự không yêu cầu, vì vậy Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét giải quyết trong vụ án này.

[5] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Tân Bình về việc giải quyết vụ án là có cơ sở, phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên cần được chấp nhận.

[6] Về án phí lao động sơ thẩm:

[6.1] Yêu cầu khởi kiện của bà H về hủy Quyết định số 02270813/ĐH ngày 27/8/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ được chấp nhận, nên Công ty Đ phải chịu án phí lao động sơ thẩm không có giá ngạch là 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng.

[6.2] Yêu cầu của bà H về việc buộc Công ty Đ bồi thường 02 tháng tiền lương do sa thải trái pháp luật, trả tiền lương trong những ngày không được làm việc, trả trợ cấp thôi việc, thanh toán tiền thai sản (tiền thai sản liên quan đến pháp luật về bảo hiểm y tế), trả tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trong thời gian không được làm việc không được chấp nhận nên bà H phải chịu án phí lao động sơ thẩm tương ứng với phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận. Tuy nhiên, do yêu cầu của bà H là người lao động khởi kiện đòi bồi thường liên quan đến vấn đề quyền lợi bị sa thải, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 5 Điều 16 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 thì bà H thuộc trường hợp được miễn án phí.

[6.3] Yêu cầu của bà H về việc buộc Công ty Đ thanh toán tiền tàu xe năm 2010 là 3.600.000 đồng không được chấp nhận. Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 và khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bà H phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng.

[6.4] Yêu cầu phản tố của Công ty Đ về việc tuyên bố Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013 giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ và bà Trần Thị Thu H vô hiệu được chấp nhận nên bà H phải chịu án phí lao động sơ thẩm không có giá ngạch là 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng. Tuy nhiên, do yêu cầu phản tố của Công ty Đ liên quan đến vấn đề người lao động bị sa thải, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 5 Điều 16 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009 thì bà H thuộc trường hợp được miễn án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 5; điểm a khoản 1 Điều 32; điểm c khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 2 Điều 71; khoản 1 Điều 147; điểm a khoản 2 Điều 227; khoản 1 Điều 228; Điều 244; khoản 1 Điều 273 và khoản 1 Điều 280 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào khoản 4 Điều 166 của Bộ luật lao động năm 1994 sửa đổi, bổ sung năm 2002;

Căn cứ vào khoản 1 Điều 50; Điều 51 và khoản 2 Điều 52 của Bộ luật lao động năm 2012;

Căn cứ vào Điều 47; Điều 52; Điều 54; Điều 55; Điều 56 và Điều 59 Luật doanh nghiệp năm 2005;

Căn cứ vào Điều 137 và Điều 146 của Bộ luật dân sự năm 2005;

Căn cứ vào khoản 2 Điều 11; khoản 5 Điều 16 và khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009;

Căn cứ vào Luật Thi hành án dân sự.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị Thu H.

Hủy Quyết định số 02270813/ĐH ngày 27/8/2013 của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ về kỷ luật sa thải đối với bà Trần Thị Thu H.

2. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Thu H đòi Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ bồi thường 02 tháng tiền lương là 18.033.000 đồng, trả tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 01/7/2013 đến 16/3/2017 theo mức lương 15.000.000 đồng/tháng với số tiền 772.500.000 đồng, trả trợ cấp thôi việc là 22.542.000 đồng, thanh toán tiền tàu xe năm 2010 là 3.600.000 đồng, tiền thai sản là 7.000.000 đồng, trả tiền bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế trong thời gian không được làm việc từ ngày 01/7/2013 đến 16/3/2017 với số tiền 34.957.000.

3. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của bà Trần Thị Thu H về khoản tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày 17/3/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm theo mức lương 15.000.000 đồng/tháng và khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế từ ngày 17/3/2017 đến thời điểm xét xử sơ thẩm.

4. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ.

Tuyên bố Hợp đồng lao động số 11030313/HĐLĐ ngày 03/3/2013 ký giữa Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ và bà Trần Thị Thu H vô hiệu.

5. Đình chỉ xét xử sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ về khoản bồi thường ½ tháng tiền lương, tiền lương 45 ngày do vi phạm quy định về thời hạn báo trước là 18.333.900 đồng và khoản tiền tạm ứng 23.394.000 đồng; tổng cộng là 41.427.900đ (Bốn mươi mốt triệu bốn trăm hai mươi bảy nghìn chín trăm) đồng.

6. Về án phí lao động sơ thẩm:

6.1. Miễn án phí cho bà Trần Thị Thu H đối với khoản đòi bồi thường 02 tháng tiền lương do sa thải trái pháp luật, trả tiền lương trong những ngày không được làm việc, trả trợ cấp thôi việc, thanh toán tiền thai sản, trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian không được làm việc và khoản yêu cầu phản tố của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ được chấp nhận.

6.2. Bà Trần Thị Thu H phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng, được khấu trừ vào số tiền 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng bà H đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí Tòa án số AA/2023/0023210 ngày 19 tháng 6 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.

6.3. Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ phải chịu án phí lao động sơ thẩm không có giá ngạch là 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng, được khấu trừ vào số tiền 300.000đ (Ba trăm nghìn) đồng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí Tòa án số AA/2023/0023308 ngày 06 tháng 7 năm 2023 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn trả lại cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đ số tiền chênh lệch 100.000đ (Một trăm nghìn) đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí Tòa án số AA/2023/0023308 ngày 06 tháng 7 năm 2023 và số tiền 200.000đ (Hai trăm nghìn) đồng theo biên lai thu tạm ứng án phí Tòa án số AD/2012/07002 ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chi cục Thi hành án dân sự quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh 7. Về quyền kháng cáo: Đương sự có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

84
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải số 47/2023/LĐ-ST

Số hiệu:47/2023/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Tân Bình - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 26/10/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về