Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động số 776/2023/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC - THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 776/2023/LĐ-ST NGÀY 24/03/2023 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT LAO ĐỘNG

Ngày 20 và ngày 24 tháng 03 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 12/2020/TLST-LĐ ngày 19 tháng 10 năm 2020 về việc “Tranh chấp xử lý kỷ luật lao động” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 581/2023/QĐXXST–LĐ ngày 28 tháng 02 năm 2023, Quyết định hoãn phiên tòa số 473/2023/QĐST–LĐ ngày 21 tháng 02 năm 2023 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Trần Hữu T, sinh năm 1981 Địa chỉ: 10/35 đường C, Phường S, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Trần Hữu T:

1. Bà Hứa Lê T, sinh năm 1964 - luật sư của Công ty Luật TNHH Tâm Quang – thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh;

Địa chỉ: Số nhà D, Đường S, phường B, quận S, thành phố Hồ Chí Minh (Có đơn xin vắng mặt).

2. Bà Nguyễn Gia H, sinh năm 1975, luật sư của Công ty Luật TNHH Tâm Quang – thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh mặt).

Địa chỉ: Số nhà D, Đường S, phường B, quận S, thành phố Hồ Chí Minh (Có Bị đơn: Công ty TNHH N Địa chỉ: đường N, khu C, phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền:

1. Ông Triệu Văn H (có mặt) 2. Ông Huỳnh Đức H (vắng mặt) 3. Ông Nguyễn Đăng N (có mặt) Địa chỉ: Phòng D2 – Số 40 đường Bà C, phường S, Quận D, Thành phố Hồ Chí Minh.

(Theo giấy ủy quyền ngày 25/10/2021 và Giấy ủy quyền ngày 15/03/2023)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện và lời khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn ông Trần Hữu T trình bày:

Ông Trần Hữu T và công ty TNHH N có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 10000580/2015/HDLD từ ngày 04/12/2015 với chức danh công việc là trợ lý giám sát bộ phận tại phòng ban TD do ông KoKuBun làm quản lý.

Nhưng từ ngày 18/07/2018, Công ty đã điều chuyển ông T qua bộ phận Cắt gọn (PPC), sau đó lại chuyển qua bộ phận ép nhựa (Mold) do ông Nguyễn Thái D làm quản lý mà không báo trước hoặc không có bất kỳ văn bản nào của cấp quản lý có thẩm quyền đã ký về việc điều chuyển vị trí công việc của ông T, đây là việc làm trái với nội quy Công ty và quy định của pháp luật. Vì cuộc sống, ông T có con nhỏ nên đã cố gắng làm việc dù không đúng trình độ và chuyên môn của tôi.

Vào khoảng 09 giờ ngày 16/04/2020, ông Nguyễn Thái D là quản lý bộ phận ép nhựa (Mold) cũng đã điều chuyển ông T qua vị trí đóng gói của bộ phận PC, để làm việc mà không có bất cứ văn bản hay bàn bạc trước với ông T, nên ông T không đồng ý và yêu cầu ông D đưa văn bản của giám đốc về việc điều chuyển công việc này.

Chiều cùng ngày, trên đường đi làm về tại cầu vượt Trạm 2 ông D và ông T có va quẹt xe, có sự cãi nhau. Đây là sự tranh cãi nhỏ, không có bất kỳ sự can thiệp nào của cơ quan nhà nước hay công an tham dự.

Nhưng ngày 13/05/2020, công ty tiến hành họp kỷ luật ông Trần Hữu T, ngoài vụ việc xảy ra vào sáng ngày 16/4/2020, mà còn áp dụng kỷ luật với hành vi vào chiều ngày 16/4/2020, giữa ông T và ông D có xảy ra va chạm ở tai trạm 2, thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ). Về nội dung, thì tại biên bản họp xem xét kỷ luật lao động ngày 12/5/2020, tại phần nội dung Điểm 1 của biên bản có ghi “…căn cứ vào chứng cứ điều tra và biên bản xác nhận của công an phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ) đã chứng minh rõ lỗi vi phạm của ông Trần Hữu T…” qua đó Công ty kết luận ông T đã vi phạm Điểm 6 Điều 38 trong nội quy Công ty. Đây là sự kết luận vô cùng bất hợp lý của các Công ty.

Tại văn bản ngày 11/5/2020, ông D có đến Công an phương Tân Phú, thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ) xác nhận với nội dung như sau “xác nhận vào ngày 21/04/2020 có đến trình báo của ông D về việc anh bị ông T có lời nói xúc phạm nhân phẩm của người khác, hiện công an phường đang tiếp nhận và xử lý” trong văn bản này Công an không có bất kỳ kết luận hay chứng cứ điều tra nào như trong biên bản họp xét kỷ luật lao động đã nêu.

Và sự việc xảy ra chiều ngày 16/4/2022, ông D không đi trình báo cơ quan Công an phường ngay khi xảy ra, mà đến 05 ngày sau ông D mới đi trình báo cho công an và lý do ông D xin công an xác nhận là “để nộp cho công ty”, ông D không có một chứng cứ nào để chứng minh rằng ông Trần Hữu T đã đánh ông D. Vì vậy, cho thấy sự việc này hoàn toàn do ông D tự suy diễn, sự việc xảy ra không có sự đối chất nào giữa ông D và ông Trần Hữu T; cũng như không có bất kỳ buổi làm việc nào với cơ quan công an. Vì vậy, sự việc này không được công nhận, cũng không có chứng cứ từ cơ quan có thẩm quyền, mà chỉ là ý chí cá nhân ông D, cũng như của Công ty N nhằm ép ông T, kỷ luật ông T trái pháp luật.

Đây là việc làm sai trái của Công ty TNHH N gây ảnh hưởng đến uy tín của ông Trần Hữu T cũng như quyền lợi đáng có của ông Trần Hữu T. Do đó ông Trần Hữu T yêu cầu Tòa án giải quyết cho ông những yêu cầu sau:

1. Yêu cầu hủy quyết định xử lý kỷ luật lao động số 202005/01 QĐKL ngày 13/05/2020 và phải có văn bản thông báo công khai trong Công ty về việc này.

2. Khôi phục lại chức vụ Trợ lý giám sát (Assistant Supervisor), các mức lương, thưởng, trợ cấp và phụ cấp phù hợp với chức vụ Trợ lý giám sát của ông Trần Hữu T.

Đưa ông Trần Hữu T trở về lại bộ phận gia công khuông mẫu (TD) để phù hợp với trình độ và chuyên môn của ông Trần Hữu T và đúng như hợp đồng lao động đã ký.

3. Buộc công ty bồi thường các khoản tiền:

+ Tiền trợ cấp và phụ cấp chức vụ Trợ lý giám sát kể từ ngày ra quyết định xử lý kỷ luật không đúng quy định pháp luật. Tạm tính từ ngày 18/5/2020 tạm tính đến ngày 18/03/2023 là 33 tháng với số tiền là 1.600.000đ x 33 = 52.800.000 VNĐ. (gồm 500.000đ phụ cấp trách nhiệm, 300.000đ phụ cấp quản lý và 800.000đ phụ cấp đi lại, tiền xăng theo chức vụ) + Thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm xã hội và các khoản tiền trợ cấp và phụ cấp khác đã trừ của ông Trần Hữu T.

+ Tiền trợ cấp và phụ cấp cho công việc nặng nhọc, độc hại kể từ tháng 01/2020 tạm tính đến ngày 18/02/2023, với số tiền là 1triệu/1tháng, 39 tháng tương đương số tiền là 39.000.000 đồng (ba mươi tám triệu đồng).

+ Vì làm trong môi trường độc hại và nặng nhọc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông T. Do đó ông T yêu cầu công ty bồi thường cho ông T số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

Tổng số tiền ông T yêu cầu Công ty bồi thường tạm tính là: 111.800.000 đồng (Một trăm mười một triệu tám trăm ngàn đồng).

Việc bồi thường thực hiện ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn la ông Triệu Văn H trình bày:

Chúng tôi không đồng ý với tất cả các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bởi lẽ:

- Hành vi ông T lớn tiếng cự cãi, chống đối và hăm dọa ông D chỉ là biểu hiện bên ngoài của hành vi “Chống đối sự phân công hợp lý của cấp trên”. Mục đích hành động thật sự của ông T là nhằm phản đối, không chấp hành sự phân công của cấp trên.

- Xét đến hoàn cảnh diễn ra vi phạm như mô tả dưới đây, hành vi của ông T có mức độ nghiêm trọng nhất định, và không thể chỉ bị xử lý với hình thức khiển trách bằng văn bản.

- Công ty TNHH N là một trong 5 công ty thành viên của tập đoàn N đang hoạt động tại khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Tập đoàn N là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh với 5 nhà máy có vốn đăng ký hơn 380 triệu USD, tập trung sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chính xác cho ngành vi điện tử, góp phần phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố Hồ Chí Minh trong 20 năm qua. Riêng với Công ty TNHH N, Công ty đã đầu tư tổng cộng 106 triệu USD kể từ khi thành lập và tuyển dụng trên 2.000 công nhân viên Việt Nam làm việc cho Công ty, tạo ra doanh thu lớn và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đóng góp ngân sách chung của Thành phố.

Là thành viên của tập đoàn lớn trên thế giới và là một doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Công ty luôn tuân thủ đúng tất cả những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, và cũng yêu cầu những nhân viên đang làm việc trong Công ty cũng phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nội quy của Công ty.

Trong bối cảnh ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid 19, nguồn đơn hàng của Công ty không ổn định; có những thời điểm tại một số bộ phận, một số công đoạn tạm thời hết việc làm, tuy nhiên một số bộ phận, một số công đoạn khác thì cần phải xuất hàng gấp. Đơn cử như trường hợp tại công đoạn Mold nơi ông T làm việc tạm thời hết việc, nhưng tổ đóng gói thì cần làm gấp để kịp xuất hàng. Khi đó, bắt buộc Công ty TNHH N phải có sự phân công nhân sự tạm thời ngay lập tức; nếu không, lô sản phẩm sẽ không xuất kịp hàng và gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện đơn hàng. Qua đó, có thể thấy rằng: Trong những hoàn cảnh khó khăn như ảnh hưởng của dịch bệnh hiện nay, nếu Công ty TNHH N không thể linh hoạt phân công nhân sự tạm thời ngay lập tức, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH N sẽ bị tê liệt và Công ty TNHH N sẽ không thể duy trì công việc ổn định cho toàn thể 2.000 nhân viên của Công ty TNHH N được.

Do vậy, việc ông T không tuân thủ đúng mệnh lệnh phân công nhân sự, không hợp tác với Công ty TNHH N bằng cách thực hiện các hành vi bạo lực đối với cấp quản lý trước nhóm đông người lao động khác trong bối cảnh khó khăn như trình bày trên là một tiền lệ xấu trong lực lượng lao động của Công ty TNHH N và là một hành động không đúng với lương tâm và trách nhiệm của một nhân viên chính thức.

Nên, việc Công ty TNHH N xử lý kỷ luật ông T do đã có hành vi không tuân thủ phân công hợp lý và chống đối cấp trên theo Điều 38 Nội quy lao động là phù hợp với bản chất hành vi vi phạm của ông T và quy định của Nội quy lao động.

- Ngoài ra, Công ty TNHH N cũng không đồng ý khi ông T cho rằng “Công ty đã cố tình ngụy tạo thêm chứng cứ nhằm đề gây bất lợi” cho ông T. Tại văn bản trình bày ý kiến đã nộp cho Quý Tòa ngày 15/12/2020 và ngày 14/04/2021, chúng tôi đã làm rõ các căn cứ để xử lý kỷ luật ông T về hành vi “Không phục tùng sự phân công công việc hợp lý và có hành vi chống đối người quản lý” và “Cố ý gây rối trật tự trong Công ty TNHH N hoặc có hành vi hăm dọa người khác” - Bản tường trình ngày 17/04/2020 và 19/11/2020 của bà Nguyễn Ngọc H – Trợ lý Trưởng bộ phận PC, liên quan đến sự việc ông T có hành vi chống đối quản lý là ông Nguyễn Thái D – Trưởng bộ phận Mold vào sáng ngày 16/04/2020. Bà H đã xác nhận chứng kiến việc ông T lớn tiếng cự cãi và quăng công cụ làm việc để chống đối khi ông D yêu cầu ông T sang hỗ trợ khu vực đóng gói của bộ phận PC (được nộp kèm Bản tự khai ngày 15/12/2020).

- Bản tường trình ngày 17/12/2020 của ông Phạm Ngọc H – Quản lý tổ bảo vệ, liên quan đến sự việc ông T có hành vi đánh ông D vào chiều ngày 16/04/2020 (được nộp kèm Bản tự khai ngày 14/04/2021).

- Biên bản ghi nhận sự việc giữa ông T và ông D ngày 17/04/2020, có sự tham gia của một số nhân viên Công ty TNHH N. Biên bản này ghi nhận sự việc “va quẹt xe” chiều ngày 16/04/2020 giữa ông T và ông D tại khu vực Cầu vượt trạm 2 – Thủ Đức, trên đường đi làm về từ Công ty TNHH N đến nhà ông D và không đề cập đến sự việc chống đối cấp trên của ông T vào sáng ngày 16/04/2020. Do đó, việc có mặt hay không có mặt Bà H không ảnh hưởng đến nội dung biên bản.

Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng bản tường trình được lập nhằm mục đích làm rõ và xác nhận sự việc đã diễn ra, có xác nhận của người trình bày. Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 không có quy định bản tường trình phải được viết tay để có giá trị pháp lý. Do đó, hình thức thể hiện dưới dạng chữ viết tay hay đánh máy (nhưng có chữ ký xác nhận của người trình bày) không làm ảnh hưởng đến nội dung, hiệu lực của bản tường trình, và tùy thuộc vào lựa chọn của người lập bản tường trình. Trong bản trình bày, các cá nhân trình bày sự việc đã diễn ra; do đó, việc lập sau khi sự việc xảy ra là hoàn toàn phù hợp.

Vào ngày 17/04/2020, Công ty được ông D thông báo về việc ông T va quẹt xe và chặn đường đánh ông D. Do ngày 17/04/2020 là ngày thứ Sáu mà Công ty còn phải thực hiện các thủ tục để tổ chức cuộc họp nội bộ trước với ông D và ông T để nắm tình hình; do đó, việc đại diện cơ quan công an được mời đến Công ty làm việc vào ngày 20/04/2020 (ngày thứ Hai tuần sau đó) là hoàn toàn phù hợp. Và, khoảng thời gian 3 ngày cũng không đủ dài để khiến mọi việc không còn được khách quan, như ông T tự trình bày.

Đối với ý kiến của nguyên đơn cho rằng bị Công ty TNHH N chèn ép chuyển đến làm tại môi trường làm việc độc hại:

Các vị trí công việc của ông T từ khi vào làm cho Công ty đến nay không thuộc danh mục các vị trí công việc trong Công ty được đánh giá là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có khả năng bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Kết quả khảo sát các yếu tố tâm sinh lý lao động và ergonomics do Viện y tế công cộng Tp. Hồ Chí Minh (Bộ Y tế) lập cho Công ty. Môi trường làm việc của Công ty cũng không có thông số nào vượt quá tiêu chuẩn an toàn lao động.

Ngoài ra, theo cơ cấu tổ chức hoạt động của Công ty, Công ty không có Phòng xử lý nước thải. Do đó, trình bày của ông T về việc bị thuyên chuyển qua nhiều bộ phận và đến Phòng xử lý nước thải là không chính xác.

Từ những lập luận, chứng cứ và cơ sở pháp lý đã trình bày tại các Bản tự khai đã trình nộp và văn bản này, chúng tôi cho rằng toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không có căn cứ và không đồng ý với tất cả các yêu cầu này.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bà Nguyễn Gia H trình bày:

Ông Trần Hữu T và Công ty có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 10000580/2015/HDLD từ ngày 04/12/2015 với chức danh công việc là trợ lý giám sát bộ phận tại phòng ban TD do ông Nguyễn Văn L làm quản lý trực tiếp và Quản lý cấp trên là ông ASAKURA theo sơ đồ tổ chức của Công ty.

Nhưng từ ngày 18/07/2018, Công ty đã điều chuyển ông T qua bộ phận Cắt gọn nhựa (PPC), sau đó lại chuyển qua bộ phận ép nhựa (Mold) do ông Nguyễn Thái D làm quản lý mà không báo trước và cũng không có văn bản nào của cấp quản lý có thẩm quyền gửi cho ông T.

Vào khoảng 09 giờ ngày 16/04/2020, ông Nguyễn Thái D là quản lý bộ phận ép nhựa (Mold) cũng đã điều chuyển ông T qua vị trí đóng gói của bộ phận PC để làm việc mà không có bất cứ văn bản hay thông báo trước với ông T, nên ông T không đồng ý và yêu cầu có văn bản thông báo về việc điều chuyển.

Chiều cùng ngày, trên đường đi làm về tại cầu vượt Trạm 2 ông D và ông T đã có va quẹt xe và có sự cãi nhau.

Từ sự việc trên, Công ty đã tiến hành họp và ra quyết định kỷ luật ông Trần Hữu T vào ngày 13/5/2020. Việc kỷ luật này, Công ty đã làm sai theo quy định pháp luật với ông T và cũng sai phạm trong việc quản lý, phân công công việc cho ông T. Tôi xin phân tích rõ những sai phạm từ phía Công ty như sau.

Tôi xin nêu vấn đề sai phạm của Công ty trong khi họp xem xét kỷ luật ông Trần Hữu T.

Về quy trình tổ chức phiên họp kỷ luật 1. Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 122 Bộ Luật lao động 2019 và khoản 1 Điều 70 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm Công ty cần tiến hành lập biên bản vi phạm đối với người lao động và thông báo đến tổ chức công đoàn của Công ty nhưng Công ty đã không có thực hiện việc này.

2. Căn cứ vào khoản 1,2 Điều 123 Bộ LLĐ 2019 và điểm a, b khoản 2 Điều 70 của Nghị định 145/2020/NĐ-CP, Công ty phải báo trước 05 ngày trước khi phiên họp diễn ra và khi không tổ chức được buổi họp như thông báo thì Công ty và ông T sẽ thỏa thuận về thời gian và địa điểm họp mới và thực tế, thì không có sự thỏa thuận nào, ngày 12/05/2020 thì công ty đã tổ chức cuộc họp xem xét kỷ luật ngay sau ngày của thư mời họp ngày 11/5/2020 mà không có bất kỳ thông báo nào bằng văn bản cho ông T.

3. Căn cứ vào Khoản 3 Điều 70 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thì “Nội dung cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và cuộc họp xử lý kỷ luật lao động phải có chữ ký của người tham dự cuộc họp theo quy định, trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.” Nhưng trong Biên bản họp, thì bên đại diện ban chấp hành Công đoàn đã ký và ghi ngày ký 20/5/2020 nghĩa là Biên bản này vào ngày họp không có chử ký của đại diện Công Đoàn mà không nêu lý do trong biên bản và biên bản họp xem xét kỷ luật lao động ngày 12/05/2020 cũng không có dấu xác nhận của Công ty.

Như vậy, Biên bản họp vào ngày 12/5/2020 chưa đúng thủ tục nhưng Quyết định về việc xử lý kỷ luật lao động đã được ký vào ngày 13/5/2020. Vậy liệu Quyết định kỷ luật này có đúng và hợp pháp hay không? Còn về nội dung áp dụng để kỷ luật, Công ty đã sai phạm như sau. Thứ nhất, Tại biên bản họp xem xét kỷ luật lao động ngày 12/5/2020, tại phần nội dung Điểm 1a của biên bản có ghi (trích) “…căn cứ vào chứng cứ điều tra và biên bản xác nhận của công an phường Tân Phú Quận 9 (cũ) đã chứng minh rõ lỗi vi phạm của ông Trần Hữu T…” (hết trích) qua đó Công ty kết luận ông T đã vi phạm Điểm 6 Điều 38 trong nội quy Công ty. Tại văn bản ngày 11/5/2020 mà ông D đến Công an phường Tân Phú Quận 9 (cũ) gửi đơn xin xác nhận rằng ông D có nộp đơn trình báo cho Công an phường vào ngày 21/4/2020 và Công an phường đã xác nhận như sau “ xác nhận vào ngày 21/04/2020 Công an phường Tân phú, thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ) có tiếp nhận đợn trình báo của anh Nguyễn Thái D trình báo về việc anh bị ông Trần Hữu T có lời nói xúc phạm nhân phẩm của người khác, hiện công an phường tiếp nhận và xử lý” chứ trong văn bản này Công an không có bất kỳ kết luận hay chứng cứ điều tra nào như trong biên bản họp xét kỷ luật lao động đã nêu.

Và sự việc xảy ra chiều ngày 16/4/2020, ông D không đi trình báo cơ quan Công an phường ngay khi xảy ra, mà đến 05 ngày sau ông D mới đi trình báo cho công an và ngày 11/5/2020, với lý do ông D nêu xin công an xác nhận là “để nộp cho công ty”, ông D không có nộp bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh rằng ông T đã xúc phạm ông D. Vì vậy, cho thấy sự việc này, hoàn toàn do ông D tự diễn, sự việc xảy ra không có sự đối chất nào giữa ông D và ông T; cũng như không có bất kỳ buổi làm việc nào với cơ quan công an phường. Vì vậy, sự việc này không được ghi nhận, cũng không có chứng cứ từ cơ quan có thẩm quyền, mà chỉ là ý chí cá nhân ông D và cũng xảy ra ở ngoài Công ty.

Nhưng Công ty lại căn cứ vào biên bản xác nhận của công an Phường Tân phú để xác định lỗi của ông Trần Hữu T là việc làm không đúng quy định pháp luật.

Thứ hai, Cũng trong Biên bản cuộc họp kỷ luật lao động thì Công ty áp dụng điểm 8 điều 38 nội Quy Công ty rằng ông T “Không phục tùng sự phân công công việc hợp lý và có hành vi chống đối người quản lý”. Như đã nói ở trên thì ông T đã bị điều chuyển sang các bộ phận khác làm việc mà không có bất kỳ văn bản hay sự trao đổi nào giữa ông T và cấp quản lý trực tiếp của ông nhưng ông T vẫn chấp hành sự phân công công việc. Vậy thì ông T đã không phục tùng và chống đối sự phân công công việc là không đúng.

Trong việc chuyển việc của ôn Thạnh, Công ty đã sai từ lần chuyển đầu tiên là năm 2018, nhưng vì cuộc sống ông đã cố gắng làm việc, đến ngày 16/4/2020 thì ông không đồng ý và yêu cầu đưa giấy thiên chuyển theo đúng quy định thì bị ghép tội “chống đối người quản lý”, Vậy nội quy công ty hay quy định của pháp luật được viết ra dùng để làm gì.

Từ những sai phạm nêu trên trong Biên bản họp xem xét kỷ luật lao động ngày 12/5/2020, dẫn đến Quyết định số 202005/QĐKL ngày 13/5/2020 là hoàn toàn sai và vi phạm pháp luật.

Qua những dẫn chứng ở trên thì, việc Công ty xác định lỗi của ông T theo điểm 6, Điều 38 và điểm 8 điều 38 của nội quy công ty là không có cơ sở và quy trình xử lý kỷ luật lao động không đúng theo quy định pháp luật, không đúng theo nội quy lao động mà Công ty đã đưa ra và cũng không đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Việc sai phạm thứ ba của Công ty đó là:

Do việc chuyển qua bộ phận khác làm việc, nhưng không có quyết định nên ông T không được hưởng bất kỳ chế độ về độc hại hay được cấp bảo hộ lao động theo đúng quy định trong thời gian dài, nên dẫn đến ông đã bị bệnh viêm da và viêm phổi mãn tính, đã phải uống thuốc trong thời gian dài.

Ngoài ra, khi bị kỷ luật cách chức của ông T, Công ty đã cắt đi 500.000đ tiền phụ cấp trách nhiệm, 300.000đ phụ cấp quản lý và 800.000đ phụ cấp đi lại theo chức vụ (2 lít xăng x 26 ngày công x giá xăng bình quân là 20.000/lít = 1.040.000đ/thg - 267.627đ (tiền phụ cấp của công nhân)), việc này được thể hiện rất rõ trong bảng lương tháng.

Qua những gì đã nêu ở trên đã chứng minh Công ty N đã sai hoàn toàn.

Tôi kính đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy quyết định xử lý kỷ luật lao động số 202005/01QĐKL ngày 13/05/2020 của Công ty TNHH N.

Yêu cầu buộc Công ty:

4. Khôi phục lại chức vụ Trợ lý giám sát (Assistant Supervisor), các mức lương, thưởng, trợ cấp và phụ cấp phù hợp với chức vụ Trợ lý giám sát của ông Trần Hữu T.

5. Đưa ông Trần Hữu T trở về lại bô phận Gia công khuông mẫu (TD) với công việc trước đây của ông T, để phù hợp với trình độ và chuyên môn của ông T và đúng như hợp đồng lao động đã ký.

6. Buộc công ty bồi thường các khoản tiền:

+ Tiền trợ cấp và phụ cấp chức vụ Trợ lý giám sát kể từ ngày ra quyết định xử lý kỷ luật không đúng quy định pháp luật. Tạm tính từ ngày 18/5/2020 đến ngày 18/03/2023 là 33 tháng với số tiền là 1.600.000đ x 33 = 52.800.000 VNĐ. (gồm 500.000đ phụ cấp trách nhiệm, 300.000đ phụ cấp quản lý và 800.000đ phụ cấp đi lại, tiền xăng theo chức vụ), các khoản này đã thể hiện rõ trong bảng lương nộp Tòa.

+ Công ty thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm xã hội các khoản đã giảm trừ của ông T từ 18/5/2020 đến hiện nay.

+ Tiền trợ cấp và phụ cấp cho công việc nặng nhọc, độc hại kể từ tháng 01/2020 tạm tính đến ngày 18/02/2023 nhưng ông T không được hưởng bất cứ khoản tiền nào, với số tiền là 1triệu/ 1tháng, 39 tháng = 39.000.000 đồng (ba mươi chín triệu đồng).

+ Vì làm trong môi trường độc hại và nặng nhọc, từ tháng 7/2018 đến nay nhưng không được cung cấp bảo hộ lao động đúng quy định, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của ông T. Do đó yêu cầu công ty bồi thường cho ông T số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng).

Tổng số tiền yêu cầu bồi thường tạm tính là: 111.800.000 đồng (Một trăm mười một nghìn tám trăm đồng).

Phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa:

- Về việc tuân theo pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử: đúng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn chuẩn bị xét xử từ ngày thụ lý vụ án đến ngày đưa vụ án ra xét xử có vi phạm thời hạn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

- Về việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý vụ án cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: đương sự thực hiện quyền và nghĩa vụ đúng quy định pháp luật, tuân theo nội quy phiên tòa. Đương sự có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự.

Về nội dung vụ án: Ngày 04/12/2015, ông Trần Hữu T và công ty TNHH N ký hợp đồng không xác định thời hạn, chức danh là trợ lý giám sát tại Bộ phận Gia công khuôn mẫu. Từ 17/8/2018, công ty thuyên chuyển ông sang bộ phận cắt gọn rồi qua bộ phận ép nhựa nhưng không có lý do. Ngày 16/4/2020, ông D là quản lý của bộ phận ép nhựa đã yêu cầu ông chuyển qua bộ phận khác làm nhưng ông không đồng ý vì thuyên chuyển nhiều việc và công việc phải tiếp xúc với chất độc hại. Chiều cũng ngày, trên đường đi làm về xe ông T có qua vẹt với xe của ông D, cự cải qua lại. Sau đó ông D trình báo công ty. Chiều ngày 20/4/2020, công ty mời công an vào làm việc. Ngày 12/5/2020 công ty có buổi họp xử lý kỷ luật với kết luật ông T vi phạm điểm 6, 8 Điều 38 nội quy công ty “Cố tính gây rối trật tự trong công ty và có hành vi đe dọa người khác”, “Không phục tùng sự phân công công việc hợp lý và có hành vi chống đối người quản lý” nên công ty ra hình thức kỷ luật cách chức ông T từ Trợ lý giám sát xuống chức vụ công nhân, các mức trợ cấp, phụ cấp theo công nhân theo Quyết định xử lý kỷ luật lao động số số 202005/01/QĐKL ngày 13/5/2020. Do không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật và ông phải làm công việc tiếp xúc với chất độc hại gây ảnh hưởng đến sức khỏe của ông nên ông T làm đơn gửi Tòa án với yêu cầu:

1. Hủy quyết định xử lý kỷ luật số 202005/01/QĐKL ngày 13/5/2020.

2. Khôi phục lại chức vụ trợ lý giám sát, các mức lương, thưởng, trợ cấp và phụ cấp phù hợp với chức vụ trợ lý giám sát.

3. Đưa ông T về bộ phận Gia công mẫu để phù hợp với trình độ và chuyên môn.

4. Thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp và phụ cấp chức danh trợ lý giám sát.

Căn cứ vào hồ sơ nhận thấy ngày 16/4/2020, ông Nguyễn Thái D (trưởng bộ phận Mold (Bộ phận Gia công khuôn mẫu) có điều động ông T (chức danh trợ lý giám sát) tạm dừng công việc tại khu vực xay nhựa sang hỗ trợ khu vực đóng gói của bộ phận PC vì công việc đang gấp. Theo quy định tại điểm 1.2 Điều 13 Nội quy lao động của công ty thì khi chuyển sang bộ phận khác phải báo trước ít nhất 03 ngày nên việc yêu cầu của ông D là không đúng quy định. Bên cạnh đó, công ty cho rằng ông T “Cố tính gây rối trật tự trong công ty và có hành vi đe dọa người khác” khi ngày 17/4/2020 ông T cố tình đánh ông D khi đôi bên xảy ra qua quẹt xe với nhau. Tuy nhiên sự việc này là xảy ra ngoài công ty và không có chứng cứ thể hiện rõ ông T cố ý gây mất trật tự và có hành vi đe dọa ông D. Nên căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 123 Bộ luật lao động năm 2012 và lý do công ty đưa ra để cách chức ông T là không đúng nên có cơ sở chấp nhận 04 yêu cầu trên của ông T.

5. Tiền trợ cấp và phụ cấp cho công việc nặng nhọc, độc hại kể từ tháng 15/8/2020 đến tháng 15/3/2018, tạm tính 33 tháng là 1.600.000 x 33 tháng = 52.800.000 đồng.

Số tiền 1.600.000 đồng trên gồm tiền phụ cấp trách nhiệm 500.000 đồng, phụ cấp quản lý 300.000 đồng, phụ cấp đi lại 800.000 đồng là phù hợp với phụ cấp của chức danh trợ lý giám sát theo Bảng lương tháng 3/2020 do ông T cung cấp và bị đơn cũng thừa nhận các phụ cấp này nên có cơ sở chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn.

6. Tiền phụ cấp độc hại: 1.000.000 đồng x 39 tháng (tính từ ngày 17/8/2018 đến ngày 10/11/2021) = 39.000.000 đồng.

Ông T được chuyển qua các bộ phận PPC, Mold từ ngày 17/8/2018 đến ngày 10/11/2021 và theo mục 16 Chương V Thỏa ước lao động tập thể ngày 09/3/2020 thì phụ cấp độc hại khác cho bộ phận Mold, PPC là 50.000 đồng/tháng. Công ty thừa nhận phụ cấp độc hại này được quy định từ khi thành lập công ty. Vì vậy có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu của ông T được chi trả tiền phụ cấp độc hại là 50.000 x 39 tháng = 1.950.000 đồng.

7. Bồi thường số tiền 20.000.000 đồng do ông T phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng sức khỏe.

Nguyên đơn cung cấp tài liệu thể hiện ông T bị bệnh viên phổi, viên da nhưng trong bệnh án không thể hiện nguyên nhân gây bệnh là do ông T tiếp xúc với hóa chất độc hại của công ty nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu này của ông T.

Về án phí: bị đơn phải chịu theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án: Ông Trần Hữu Thạnh nộp đơn khởi kiện yêu cầu Công ty TNHH N. Đây là tranh chấp lao động về việc “Tranh chấp xử lý kỷ luật lao động”, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH N do Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cung cấp thì bị đơn có trụ sở tại Lô I – 1 đường N1, khu công nghệ cao, phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Căn cứ vào khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a Khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, do vậy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Về yêu cầu của nguyên đơn:

[2.1] Ngày 04/12/2015 ông Trần Hữu T và Công ty TNHH N đã ký kết Hợp đồng lao động số 10000580/2015/HDLD với nội dung: Loại hợp đồng lao động: Không xác định thời hạn, từ ngày 04/12/2015; chức danh công việc: Asisstant Supervisor; Phòng ban: TD; công việc phải làm: Theo sự phân công của cấp trên, địa điểm làm việc: tại Công ty TNHH N; mức lương căn bản 7,557,900 đồng/tháng, hình thức trả lương: Bằng chuyển khoản vào tài khoản cá nhân, chế độ thưởng: Thưởng cuối năm: Mức thước tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của Công ty trong năm, và tuy theo quy định của mỗi năm; Chế độ thăng lương hằng năm: Tùy thuộc vào kế quả đánh giá hàng năm vào tháng 4 và mức tăng tùy thuộc vào tình hình doanh thu của Công ty TNHH N hằng năm; Thiết bị làm việc: Được cung cấp quần áo đồng phục và giày BHLĐ; Chế độ nghỉ ngơi: được nghỉ lễ và phép năm theo quy định hiện hành cũng như những ngày nghỉ do công ty quy định, được nghỉ giữa ca làm việc theo nội quy Công ty TNHH N, được tham gia bảo biểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Nhà nước, Nâng bậc, thăng chức, phụ thuộc vào nhu cầu của công ty và năng lực cá nhân, được đào tạo tay nghề tại trong nước và nước ngoài do nhu cầu công việc.

[2.2] Căn cứ Quyết định về việc xử lý kỷ luật lao động số 202005/01 QĐKL của Công ty TNHH N đối với ông Trần Hữu T có cơ sở xác định rằng ông Trần Hữu T bị xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức: “Đổi từ Chức vụ hiện tại là Assistant Supervisor; sang chức vụ mới Operator, bộ phận làm việc sau khi bị cách chức: Không thay đổi (sản xuất Part); Mức lương cơ bản của ông Trần Hữu T không thay đổi khi bị cách chức. Các khoản phụ cấp, trợ cấp thay đổi theo chức vụ mới. Hiệu lực thi hành kỷ luật là từ ngày 18/5/2020 đến ngày 17/05/2023 (3 năm).

[2.3] Căn cứ hợp đồng lao động số 10000580/2015/HDLD thì mức lương căn bản là 7,557,900 đồng/ tháng, như vậy lương thực tế ông T được Công ty TNHH N thanh toán với mức lương như trong hợp đồng được ký kết.

[2.4] Theo phiếu thanh toán lương hàng tháng trước khi bị kỷ luật và sau khi bị kỷ luật những khoản được phụ cấp thêm và những khoản bị khấu trừ do nghĩa vụ:

Tổng số tiền chênh lệch trước và sau khi bị kỷ luật là: 1.600.000 đồng × 33 tháng = 52.800.000 đồng.

Hội đồng xét xử nhận thấy:

Căn cứ vào hồ sơ nhận thấy ngày 16/4/2020, ông Nguyễn Thái D (trưởng bộ phận Mold (Bộ phận Gia công khuôn mẫu) có điều động ông T (chức danh trợ lý giám sát) tạm dừng công việc tại khu vực xay nhựa sang hỗ trợ khu vực đóng gói của bộ phận PC vì công việc đang gấp. Theo quy định tại điểm 1.2 Điều 13 Nội quy lao động của công ty thì khi chuyển sang bộ phận khác phải báo trước ít nhất 03 ngày nên việc yêu cầu của ông D là không đúng quy định. Bên cạnh đó, Tại biên bản họp xem xét kỷ luật lao động ngày 12/5/2020, tại phần nội dung Điểm 1a của biên bản có ghi (trích) “…căn cứ vào chứng cứ điều tra và biên bản xác nhận của công an phường Tân Phú Quận 9 (cũ) đã chứng minh rõ lỗi vi phạm của ông Trần Hữu T…” (hết trích) qua đó Công ty kết luận ông T đã vi phạm Điểm 6 Điều 38 trong nội quy Công ty. Tại văn bản ngày 11/5/2020 ông D đến Công an phường Tân Phú, thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ) gửi đơn xin xác nhận rằng ông D có nộp đơn trình báo cho Công an phường vào ngày 21/4/2020 và Công an phường đã xác nhận như sau “xác nhận vào ngày 21/04/2020 Công an phường Tân phú, thành phố Thủ Đức (Quận 9 cũ) có tiếp nhận đợn trình báo của anh Nguyễn Thái D trình báo về việc anh bị Trần Hữu T có lời nói xúc phạm nhân phẩm của người khác, hiện công an phường tiếp nhận và xử lý”. Chiều ngày 16/4/2020, ông D không đi trình báo cơ quan Công an phường ngay khi xảy ra, mà đến 05 ngày sau ông D mới đi trình báo cho công an và ngày 11/5/2020, với lý do ông D nêu xin công an xác nhận là “để nộp cho công ty”, ông D không có nộp bất kỳ chứng cứ nào để chứng minh rằng ông T đã xúc phạm ông D. Vì vậy, sự việc xảy ra không có sự đối chất nào giữa ông D và ông T. Vì vậy, sự việc này không được ghi nhận, cũng không có chứng cứ từ cơ quan có thẩm quyền. Tại Biên bản cuộc họp kỷ luật lao động thì Công ty áp dụng điểm 8 Điều 38 nội Quy Công ty rằng ông T “Không phục tùng sự phân công công việc hợp lý và có hành vi chống đối người quản lý”. Do đó công ty đưa ra lý do trên để cách chức ông T là không đúng nên Hội đồng xét xử có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu của ông T.

Tại phiên tòa, bị đơn đồng ý với cách tính về vấn đề phụ cấp trước và sau khi bị kỷ luật của ông Trần Hữu T nhưng không đồng ý về việc ông T yêu cầu về trợ cấp những khoản tiền trợ cấp độc hại và bồi thường về số tiền ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hội đồng xét xử nhận thấy: Ông T được chuyển qua các bộ phận PPC, Mold từ ngày 17/8/2018 đến ngày 10/11/2021 và theo mục 16 Chương V Thỏa ước lao động tập thể ngày 09/3/2020 thì phụ cấp độc hại khác cho bộ phận Mold, PPC là 50.000 đồng/tháng. Tại phiên tòa Công ty thừa nhận phụ cấp độc hại này được quy định từ khi thành lập công ty cho đến nay. Vì vậy Hội đồng xét xử có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu của ông T được chi trả tiền phụ cấp độc hại là 50.000 x 39 tháng = 1.950.000 đồng.

Đối với việc ông Trần Hữu T yêu cầu công ty TNHH N bồi thường số tiền 20.000.000 đồng do ông T phải làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại ảnh hưởng sức khỏe. Nguyên đơn cung cấp tài liệu thể hiện ông T bị bệnh viên phổi, viên da nhưng trong bệnh án không thể hiện nguyên nhân gây bệnh là do ông T tiếp xúc với hóa chất độc hại của công ty nên Hội đồng xét xử không có cơ sở để giải quyết.

Do nguyên đơn không yêu cầu bị đơn trả lãi trên số tiền lương chưa thanh toán nên Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.

Như vậy đề nghị của kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức tại phiên tòa là có căn cứ và phù hợp với quy định pháp luật.

Về án phí: do yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận một phần trên số tiền là 54.750.000 đồng nên bị đơn là Công ty TNHH N phải nộp số tiền án phí là: 3.000.000 đồng.

Ông Trần Hữu T thuộc trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Vì các lẽ nêu trên.

QUYẾT ĐỊNH

- Áp dụng khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39, điểm c khoản 1 Điều 217 và khoản 2 Điều 244, Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

- Áp dụng Điều 90, 95, 96, 202, 123 của Bộ Luật Lao động năm 2012;

- Áp dụng Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động;

- Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn:

Hủy quyết định xử lý kỷ luật số 202005/01/QĐKL ngày 13/5/2020 của Công ty TNHH N đối với ông Trần Hữu T.

Buộc Công ty TNHH N Khôi phục lại chức vụ trợ lý giám sát, các mức lương, thưởng, trợ cấp và phụ cấp phù hợp với chức vụ trợ lý giám sát cho ông Trần Hữu T.

Buộc Công ty TNHH N Đưa ông Trần Hữu T về bộ phận Gia công mẫu để phù hợp với trình độ và chuyên môn của ông Trần Hữu T.

Buộc Công ty TNHH N thực hiện nghĩa vụ đóng tiền bảo hiểm xã hội và các khoản trợ cấp và phụ cấp chức danh trợ lý giám sát.

Buộc Công ty TNHH N trả tiền trợ cấp và phụ cấp cho công việc nặng nhọc, độc hại kể từ tháng 15/8/2020 đến tháng 15/3/2018, tạm tính 33 tháng là 1.600.000 x 33 tháng = 52.800.000 đồng.

Buộc Công ty TNHH N phải trả cho ông T tiền phụ cấp độc hại số tiền là = 1.950.000 đồng.

(Tổng số tiền mà Công ty TNHH N phải trả cho ông Trần Hữu T là 54.750.000 đồng). Trả một lần ngay sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật Không chấp nhận yêu cầu của ông Trần Hữu T yêu cầu số tiền bồi thường ảnh hưởng đến sức khỏe do lao động số tiền là 20.000.000 đồng Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

2. Về án phí: Công ty TNHH N phải nộp số tiền án phí là: 3.000.000 đồng tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thủ Đức khi án có hiệu lực pháp luật.

Ông Trần Hữu T thuộc trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.

Trả lại cho ông Trần Hữu T số tiền 510.000đ (năm trăm mười nghìn đồng) mà ông T đã nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án theo biên lai thu số: AA/2019/0046862 ngày 19/10/2020 của Chi cục thi hành án dân sự Quận 9 (cũ), Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Chi cục thi hành án dân sự thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án.

Đương sự có mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

489
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật lao động số 776/2023/LĐ-ST

Số hiệu:776/2023/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân TP. Thủ Đức - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 24/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về