TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 04/2021/LĐ-PT NGÀY 29/09/2021 VỀ TRANH CHẤP XỬ LÝ KỶ LUẬT BUỘC THÔI VIỆC, ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LÀM VIỆC
Ngày 29 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động phúc thẩm thụ lý số: 03/2021/TLPT- LĐ ngày 20 tháng 8 năm 2021 về việc “Tranh chấp về xử lý kỷ luật buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc”.
Do Bản án lao động sơ thẩm số: 01/2021/LĐ - ST ngày 16/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lắk bị kháng cáo Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 04/2021/QĐ - PT ngày ngày 26 tháng 8 năm 2021 giữa các đương sự:
1.Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị T; địa chỉ: Tổ dân phố X, thị trấn S, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, có mặt;
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà T: Ông Huỳnh Thế P - Luật sư văn phòng luật sư H, thuộc đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, có mặt;
2. Bị đơn: Ban quản lý rừng L;
Địa chỉ: Đường C, tổ dân phố X, thị trấn S, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đ - Chức vụ: Giám đốc Ban quản lý rừng L; có mặt.
3. Cơ quan có quyền lợi và nghĩa vụ tham gia tố tụng dân sự: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk;
Địa chỉ: 47 Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đỗ Tuấn H1 – Chức vụ: Trưởng phòng Tổ chức Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk; có mặt.
4 Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị T.
5. Người kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện và qúa trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Nguyễn Thị T trình bày:
Trước khi được tuyển dụng Viên chức theo Luật Viên chức 2010, bà T làm việc ở vị trí Văn thư của Ban quản lý rừng L (sau đây viết tắt là Ban QLRL) theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn ngày 03 tháng 11 năm 2008.
Đến ngày 29/02/2012, bà T được tuyển dụng vào vị trí Văn thư Ban QLRL theo quyết định tuyển dụng số 129/QĐ-SNN ngày 29/02/2012 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 04/3/2020, bà T nộp đơn xin nghỉ phép từ ngày 05/3/2020 nhưng không được Giám đốc Ban QLRL là ông Nguyễn Đ chấp thuận (bằng lời nói) nên đơn xin nghỉ phép của bà T vẫn để lại phòng làm việc của ông Nguyễn Đ.
Ngày 06/03/2020, Giám đốc Ban QLRL ban hành Quyết định số 48/QĐ-BQL, có nội dung: Không giao nhiệm vụ công tác cho bà T với lý do “Tập thể, Lãnh đạo đơn vị đã nhiều lần nhắc nhở về đạo đức công vụ nhưng vẫn vi phạm và làm mất lòng tin với tập thể, lãnh đạo đơn vị”, sau quyết định này, bà T vẫn đến nơi làm việc nhưng không được giao làm việc gì và cũng không được vào phòng làm việc như trước đây.
Ngày 13/3/2020, ông Nguyễn Đ gọi bà T lên phòng Giám đốc và thông báo bằng lời nói là cho bà T nghỉ phép từ tháng 4/2020, đồng thời đơn vị tạo điều kiện cho bà T nghỉ từ ngày 13/3/2020 (nghỉ trước phép) để bà T liên hệ chuyển công tác cơ quan khác, khi đó bà T đề nghị viết lại đơn xin nghỉ phép từ tháng 4/2020 nhưng Giám đốc nói không cần và sẽ giải quyết cho nghỉ phép đúng theo quy định.
Do tin lời Giám đốc về việc cho nghỉ trước phép từ 16/3/2020 kết hợp với kỳ nghỉ phép năm từ tháng 4/2020 để liên hệ tìm công việc mới nên tối ngày 15/3/2020, bà T đã sang thành phố ĐL tìm việc làm và nghỉ phép từ 01/4/2020.
Đến tối ngày 20/4/2020, bà T được chị Hoàng Thị A, cán bộ phụ trách công tác tổ chức của Ban QLRL gọi điện thoại báo cho bà ngày 21/4/2020 đến đơn vị để họp nhưng không nói rõ nội dung nên bà nghĩ là họp xử lý việc bà T thâm hụt quỹ công đoàn.
Tại cuộc họp xử lý kỷ luật ngày 21/4/2020, các ý kiến đều tập trung phát biểu về những việc mà bà T đã thực hiện gồm: Việc thâm hụt quỹ công đoàn, việc nhờ đồng nghiệp đứng vay tiền ngân hàng không có khả năng chi trả, việc vay, nợ cá nhân không trả được nợ và việc trễ phép …bà T đã nhận lỗi và có phương án giải quyết nợ, đồng thời có thanh minh về lý do trễ phép nhưng được ông Nguyễn Đ động viên là việc phải đưa ra họp để có hình thức còn sẽ giải quyết cho bà T chuyển đơn vị công tác hoặc giải quyết theo chế độ xin thôi việc, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của bà T sau này.
Sau đó, Giám đốc động viên bà viết đơn xin thôi việc nhưng vì bà T không viết đơn xin thôi việc nên Giám đốc đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-BQL ngày 18/5/2020 về việc buộc thôi việc đối với bà T vì lý do chiếm đoạt quỹ công đoàn và nghỉ việc trên 07 ngày trong một tháng.
Theo bà T việc Giám đốc Ban QLRL ban hành quyết định xử lý kỷ luật bà T với hình thức “buộc thôi việc” là không thỏa đáng và không phù hợp với quy định của pháp luật, vì:
1. Giám đốc cơ quan đồng ý cho bà T nghỉ phép, nhưng lại không cấp giấy phép làm căn cứ xác định thời gian nghỉ phép là trái quy định của pháp luật lao động.
2. Giám đốc cơ quan ra Quyết định số 48/QĐ- BQL về việc không giao nhiệm vụ công tác cho bà T khi bà T chưa bị xử lý kỷ luật bởi một hình thức nào là không thỏa đáng và trái với Bộ luật lao động.
3. Việc xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với bà T đã được thực hiện không đúng trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
4. Giám đốc cơ quan đã có dấu hiệu lừa dối bà T khi cho bà T nghỉ phép để xử lý kỷ luật đối với bà T.
5. Khi nhận được quyết định buộc thôi việc, bà T đã làm đơn khiếu nại quyết định này, nhưng Giám đốc không ban hành quyết định để giải quyết khiếu nại của bà T mà chỉ ban hành giấy trả lời đơn khiếu nại ngày 08/06/2020. Bà T tiếp tục khiếu nại thì mãi đến ngày 15/7/2020, Giám đốc Ban quản lý rừng L mới ban hành Quyết định 138/QĐ-BQL giải quyết khiếu nại của bà T.
Nay bà T yêu cầu Tòa án giải quyết những vấn đề sau:
1. Hủy Quyết định buộc thôi việc số 103/QĐ-BQL, ngày 18/5/2020 của Giám đốc Ban quản lý rừng L và buộc Ban quản lý rừng L nhận bà T trở lại làm việc 2. Ban quản lý rừng L phải bồi thường thiệt hại do bà T không được bố trí công việc và không được nhận lương từ tháng 6/2020 cho đến khi vụ án được giải quyết xong, gồm các khoản:
- Tiền lương từ tháng 6/2020 đến khi giải quyết xong vụ án.
- Tiền tổn thất tinh thần do bị buộc thôi việc trái pháp luật.
- Trả các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Người đại diện theo pháp luật của bị đơn Ban quản lý rừng L là ông Nguyễn Đ trình bày:
Về nội dung vi phạm dẫn đến kỷ luật:
Ngày 04/3/2020, Ban chấp hành Công đoàn kiểm tra quỹ tiền mặt do bà T làm thủ quỹ để chuẩn bị tổ chức ngày Quốc Tế Phụ Nữ 08/3 thì phát hiện số tiền quỹ đã bị bà T chiếm dụng 10 triệu đồng nên không đủ kinh phí tổ chức ngày 8/3. Ban chấp hành công đoàn đã tổ chức họp kiểm tra về công tác tài chính vào ngày 05/3/2020, tại cuộc họp bà T đã nhận thấy sai phạm.
Qua báo cáo về hành vi chiếm đoạt tiền quỹ Công đoàn, làm mất lòng tin với tập thể nên Giám đốc đã ra Quyết định số 48/QĐ-BQL ngày 06/3/2020 không tiếp tục giao công tác Văn thư cho bà T và không để bà T làm việc cùng phòng với bà A là nhằm ngăn ngừa bà T tái phạm như trước đây.
Về việc nghỉ phép, ngày 05/3/2020 bà T có đơn xin nghỉ phép nhưng vì có liên quan đến việc chiếm dụng tài chính công đoàn chưa được làm rõ, hơn nữa ngày 6/3 công đoàn tổ chức cho phụ nữ của đơn vị mừng ngày 8/3 nên Giám đốc chưa đồng ý cho nghỉ phép. Đến ngày 16/3, Giám đốc xác nhận vào giấy phép cho bà T được nghỉ từ ngày 16/3/2020 đến hết ngày 06/4/2020. Giấy nghỉ phép được Giám đốc chuyển xuống bộ phận tổ chức để viết giấy xác nhận và để theo dõi chấm công. Việc bà T không lấy giấy xác nhận được nghỉ phép đó là quyền của bà T. Bà T hoàn toàn biết về thời gian nghỉ phép của mình và bà T đã đi qua ĐL. Tối ngày 07/4/2020 bà T đã chạy xe về huyện L khi biết mình hết phép một ngày. Nhưng ngày 08/4/2020 bà T vẫn không lên cơ quan và tiếp tục nghỉ không có đơn xin phép, bà A nhiều lần điện thoại nhưng không liên lạc được. Do đó, ngày 17/4/2020 phòng tổ chức đã có báo cáo về việc bà T tự ý nghỉ việc không có lý do.
Ngày 20/4/2020, đơn vị đã ra quyết định thành lập hội đồng kỷ luật để xử lý việc tự ý nghỉ việc của bà T. Đến ngày 21/4/2020 bà T về lại cơ quan và được mời tham dự họp xử lý kỷ luật. Tại cuộc họp bà T đã nhận thấy việc làm sai trái của mình. Hội đồng đề nghị kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Sau khi họp Hội đồng xử lý kỷ luật, đơn vị báo cáo kết quả họp kỷ luật đối với viên chức vi phạm và xin ý kiến chỉ đạo xử lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk. Sau khi tiếp nhận văn bản chỉ đạo của Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, ngày 15/5/2020, đơn vị đã họp Hội đồng kỷ luật để thực hiện các nội dung chỉ đạo của Sở. Trong đó, có sự tham gia của các thành viên Hội đồng kỷ luật gồm: Ông Nguyễn Đ – Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ban QLRL làm Chủ tịch Hội đồng kỷ luật, ông Mai Đức V – Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn làm Phó chủ tịch hội đồng kỷ luật, các thành viên Hội đồng kỷ luật gồm: Bà Hoàng Thị A – Phụ trách tổ chức hành chính, ông Nguyễn Văn C – Tổ trưởng tổ lao động, ông Nguyễn Tiến G – Trưởng phòng kỹ thuật.
Việc bà T đã tự ý nghỉ việc mà không có đơn xin phép là 16 ngày làm việc trong tháng 4/2020 (từ ngày 07/4/2020 đến 29/4/2020) là vi phạm tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức (sau đây gọi tắt là Nghị định 27).
Ngày 15/5/2020, Ban quản lý rừng L đã có báo cáo số 102/BC-BQL về kết quả họp kỷ luật đối với viên chức vi phạm, theo đó, Hội đồng kỷ luật đã bỏ phiếu thống nhất xử lý kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị T về 02 hành vi vi phạm là: Cảnh cáo đối với hành vi chiếm đoạt quỹ công đoàn và buộc thôi việc đối với hành vi nghỉ quá 07 ngày trong một tháng.
Ngày 18/5/2020, Ban quản lý rừng L đã ban hành Quyết định số 103/QĐ-BQL ngày 18/5/2020 về việc buộc thôi việc đối với viên chức Nguyễn Thị T.
Việc ra Quyết định số 103/QĐ-BQL của Ban QLRL là có cơ sở, có tính pháp lý và thực hiện đúng theo quy định của của pháp luật về các hình thức xử lý kỷ luật đối với viên chức, được quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ. Do đó, bị đơn đề nghị Toà án bác toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ - ST ngày 16/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 144, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 184, khoản 2 Điều 227, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 29; Điều 30; điểm a khoản 2 Điều 45; điểm d khoản 1 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 53; khoản 6 Điều 56 của Luật viên chức; khoản 2 Điều 200, khoản 1 Điều 201; khoản 2 Điều 202 của Bộ luật lao động; khoản 5 Điều 13 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012.
Tuyên xử:
Bác toàn bộ các yêu cầu của bà Nguyễn Thị T về việc yêu cầu Tòa án hủy Quyết định 103/QĐ-BQL ngày 18/5/2020 của Ban quản lý rừng L về việc kỷ luật bà Nguyễn Thị T với hình thức “buộc thôi việc”; yêu cầu Ban quản lý rừng L phải nhận bà Nguyễn Thị T trở lại làm việc và yêu cầu bồi thường thiệt hại do bà T không được bố trí công việc và không được nhận lương từ tháng 6/2020 cho đến khi vụ án được giải quyết xong, gồm các khoản: Tiền lương từ tháng 6/2020 đến khi giải quyết xong vụ án, tiền tổn thất tinh thần do bị buộc thôi việc trái pháp luật; trả các khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 30/6/2021, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT – VKS - LĐ với nội dung:
+ Về tố tụng: Cần xác định Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
+ Về nội dung: Tại phần xét hỏi của Kiểm sát viên, bà Nguyễn Thị T đã rút phần yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do bị buộc thôi việc trái pháp luật nhưng Chủ tọa phiên tòa không hỏi để xác định lại nội dung trên dẫn đến việc không chấp nhận quan điểm của Viện kiểm sát đề nghị đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện là thiếu sót. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm.
Ngày 01/7/2021 bà Nguyễn Thị T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xem xét lại toàn diện vụ án.
Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện và đơn kháng cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk vẫn giữ nguyên nội dung Quyết định kháng nghị phúc thẩm số: 01/QĐKNPT – VKS - LĐ ngày 30/6/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn, luật sư Huỳnh Thế P trình bày quan điểm:
Về tư cách tham gia tố tụng: Cần xác định Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Việc Giám đốc Ban QLRL xử lý hành vi thâm hụt quỹ công đoàn là sai quy định mà phải là Chủ tịch công đoàn xử lý, việc thâm hụt quỹ công đoàn do chị T khó khăn về tài chính nên có sử dụng tiền quỹ nhưng khi cơ quan có nhu cầu thì ngày 22/4/2021 chị T đã hoàn trả đầy đủ nên không còn hành vi vi phạm để xử lý.
Việc xử lý kỷ luật viên chức Nguyễn Thị T của Ban QLRL vừa không có căn cứ, vừa không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật nên Quyết định kỷ luật buộc thôi việc của Ban QLRL đối với viên chức Nguyễn Thị T là trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị T. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận kháng cáo của chị Nguyễn Thị T, sửa bản án sơ thẩm theo hướng: Chấp yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Các đương sự trong vụ án và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung:
Đại diện Viện kiểm sát đánh giá các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự:
- Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T.
- Chấp nhận Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT – VKS - LĐ ngày 30/6/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk. Sửa Bản án lao động số thẩm số 01/2021/LĐ – ST ngày 16/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lắk theo hướng:
Xác định Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Đình chỉ một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần do bị buộc thôi việc trái luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu được thu thập có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:
[1]. Xét Quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lăk, tỉnh Đắk Lắk, Hội đồng xét xử nhận định:
[1.1]. Về tư cách tham gia tố tụng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, thấy rằng: Theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Luật viên chức năm 2010 quy định: “Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ, cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý viên chức hoặc phân cấp thực hiện các nội dung quản lý quy định tại khoản 1 Điều này cho đơn vị sự nghiệp công lập được giao quản lý”. Tại khoản 10 và 11, Điều 2 Quyết định số 760/QĐ – SNN quy định Ban quản lý rừng L có nhiệm vụ và quyền hạn sau: “Quản lý tài chính, tài sản được giao, thực hiện các quy định về chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm tài chính…. Quản lý bộ máy tổ chức, công chức, viên chức, người lao động, chế độ tiền lương, khen thưởng, kỷ luật theo các quy định hiện hành của Nhà nước…”. Như vậy, các chế độ tiền lương, chính sách đãi ngộ, chế độ đào tạo, bồi dưỡng viên chức đối với bà T do Ban quản lý rừng L thực hiện. Do đó, việc khởi kiện của nguyên đơn không làm phát sinh quyền lợi, nghĩa vụ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên Tòa án nhân dân huyện Lắk không đưa cơ quan này vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là phù hợp. Do vậy, nội dung kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk về việc đưa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không có căn cứ để chấp nhận.
[1.2]. Đối với nội dung kháng nghị đề nghị đình chỉ một phần đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị T đối với yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần do bị buộc thôi việc trái pháp luật, Hội đồng xét xử xét thấy: Tại trang số 15, biên bản phiên tòa ngày 16/6/2021 (BL 274) thể hiện, tại phần tranh tụng tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk đã hỏi bà T có ý kiến gì đối với phần yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần do bị buộc thôi việc trái pháp luật và bà T trả lời: “Tại phiên tòa hôm nay tôi xin rút phần yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần”. Tuy nhiên, sau đó Chủ tọa phiên tòa không hỏi lại nguyên đơn đề xác định lại phạm vi đơn khởi kiện mà bác toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn là thiếu sót. Do đó, nội dung kháng nghị nói trên của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk là có căn cứ để chấp nhận.
[2]. Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[2.1]. Xét nội dung kháng cáo của bà Nguyễn Thị T cho rằng: Ban quản lý rừng L vi phạm pháp luật lao động khi không ký kết hợp đồng làm việc với viên chức và ban hành quyết định không giao nhiệm vụ cho viên chức không có căn cứ pháp lý, Hội đồng xét xử thấy rằng: Khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó…”. Điều 293 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án sơ thẩm, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị”.Tại cấp sơ thẩm, bà T chỉ khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định buộc thôi việc số 103/QĐ – BQL ngày 18/5/2020 và yêu cầu cơ quan nhận trở lại làm việc. Do vậy, hai nội dung kháng cáo nói trên của bà T nằm ngoài phạm vi xét xử phúc thẩm nên Hội đồng xét xử không đề cập xem xét, giải quyết. Mặt khác, mặc dù Ban quản lý không ký hợp đồng lao động với bà T nhưng thực tế bà T vẫn làm việc tại vị trí tuyển dụng từ khi được tuyển dụng đến nay. Tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm bà T cũng xác định mặc dù không được ký hợp đồng nhưng quyền lợi của bà T vẫn được đảm bảo, nên cần xác định từ trước đến nay bà T đang làm theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và cần áp dụng các quy định của Luật viên chức để xem xét, giải quyết.
[2.2]. Xét kháng cáo của bà Nguyễn Thị T về nội dung, trình tự, thủ tục ban hành Quyết định buộc thôi việc số: 103/QĐ – BQL ngày 18/5/2020 của Ban quản lý rừng L, thấy rằng:
- Về thẩm quyền ban hành Quyết định kỷ luật: Việc Ban quản lý rừng L ban hành quyết định kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị T là đúng thẩm quyền xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 27/2012/NĐ – CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ.
- Về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật: Như bản án sơ thẩm đã nhận định, trong quá trình xử lý kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị T, Ban quản lý rừng L đã vi phạm một số quy định tại Nghị định 27/2012/NĐ – CP ngày 06/4/2012 của Chính phủ, cụ thể: Chưa ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 2, Điều 7; chưa tổ chức họp kiểm điểm viên chức có hành vi vi phạm pháp luật và viên chức có hành vi vi phạm pháp luật chưa làm bản kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật theo quy định tại Điều 15; cả hai cuộc họp hội đồng kỷ luật viên chức đều không thể hiện việc viên chức vi phạm được triệu tập theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18; thành phần Hội đồng kỷ luật không đúng với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17; không thông báo trước cho bà T chậm nhất là 03 ngày làm việc trước cuộc họp hội đồng kỷ luật là vi phạm quy định tại Điều 18 về tổ chức họp hội đồng kỷ luật; biên bản họp Hội đồng kỷ luật ngày 21/4/2020 không thể hiện rõ từng hành vi vi phạm, khi bỏ phiếu đã tiến hành bỏ phiếu chung, không thể hiện rõ bỏ phiếu kỷ luật đối với hành vi vi phạm nào.
- Về hình thức kỷ luật:
+ Đối với hành vi lợi dụng việc phân công giao làm thủ quỹ công đoàn cơ sở đã tự ý chiếm đoạt tiền quỹ công đoàn. Xét thấy, đây là hành vi sử dụng tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập và của nhân dân trái với quy định của pháp luật, được quy định tại khoản 7, Điều 10 của Nghị định 27 với hình thức xử lý kỷ luật là khiển trách. Sau khi bị phát hiện, bà T đã nhận lỗi và khắc phục lại số tiền nói trên, Ban quản lý xác định đây là tình tiết giảm nhẹ nhưng lại xử lý bà T với hình thức kỷ luật cảnh cáo là vi phạm quy định tại Điều 3, Điều 10 và Điều 11 của Nghị định số 27.
+ Đối với hành vi tự ý nghỉ việc từ 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng, xét thấy: Ngày 04/3/2021, bà T có làm đơn xin nghỉ phép năm 2020 gửi ban lãnh đạo Ban quản lý rừng L để đề nghị xem xét, giải quyết cho bà T được nghỉ phép năm 2020, thời gian từ ngày 05/3/2020, tuy nhiên, ban lãnh đạo đã xét duyệt cho bà T được nghỉ từ ngày 16/3/2020 đến hết ngày 06/4/2020. Bà T cho rằng, chưa được cấp giấy nghỉ phép nên không biết được thời gian nghỉ phép là không có căn cứ. Bởi lẽ, pháp luật không quy định bắt buộc cơ quan phải cấp giấy nghỉ phép cho viên chức. Bà T là người xin nghỉ nên bà T phải có trách nhiệm chủ động liên hệ với cơ quan để xác định thời gian nghỉ phép của mình, tuy nhiên bà T không thực hiện là lỗi chủ quan của bà T. Tại biên bản họp hội đồng kỷ luật ngày 15/5/2020 có sự tham gia và ký xác nhận của bà T, bà T cũng thừa nhận từ ngày 07/4/2020 bà T đã có mặt tại huyện L. Tuy nhiên, theo bảng chấm công tháng 4 thể hiện bà T vắng mặt từ ngày 07/4/2020 đến ngày 29/4/2020 (trừ ngày 21/4/2020 bà T lên cơ quan để họp hội đồng kỷ luật). Bà T cũng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh việc bà T tự ý nghỉ việc từ ngày 07/4/2020 đến ngày 29/4/2020 là có lý do chính đáng. Do đó, bà T đã có hành vi vi phạm là tự ý nghỉ việc tổng số 07 ngày làm việc trở lên trong một tháng mà không có lý do chính đáng được quy định tại khoản 5, Điều 13 Nghị định số 27 nên việc Ban quản lý rừng L áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Việc vi phạm về trình tự, thủ tục ban hành Quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc số 103/QĐ – BQL ngày 18/5/2020 của Ban quản lý rừng L như Hội đồng xét xử vừa nhận định ở trên cũng không làm thay đổi nội dung của hình thức kỷ luật đối với bà T. Mặc khác, trong quá trình công tác, bà T cũng đã nhiều lần bị xử lý kỷ luật vào năm 2014, 2017 nhưng bà T vẫn không khắc phục mà còn tiếp tục có hành vi mượn nợ ở ngoài cơ quan, nhân danh cơ quan để mua nợ tại các cơ quan trên địa bàn huyện L làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan. Vì vậy, việc bà T kháng cáo đề nghị Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm xem xét lại Quyết định buộc thôi việc số 103/QĐ – BQL ngày 18/5/2020 của Ban quản lý rừng L là không có căn cứ để chấp nhận.
[3]. Đối với yêu cầu bồi thường tiền lương từ tháng 6/2020 đến khi vụ án được giải quyết xong, yêu cầu trả các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày không được làm việc của nguyên đơn và buộc Ban quản lý rừng L phải bố trí cho nguyên đơn được trở lại làm việc: Do giữ nguyên nội dung Quyết định buộc thôi việc số 103/QĐ – BQL ngày 18/5/2020 nên các yêu cầu khởi kiện nói trên của nguyên đơn không được chấp nhận là có căn cứ.
[4]. Từ những phân tích, nhận định nói trên, Hội đồng xét xử xét thấy, cần chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT – VKS - LĐ ngày 30/6/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk và không chấp nhận đơn kháng cáo của bà Nguyễn Thị T.
[5]. Về án phí : Bà Nguyễn Thị T thuộc đối tượng được miễn nộp tiền án phí theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí của Tòa án nên không phải chịu án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1]. Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT – VKS - LĐ ngày 30/6/2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Lắk.
Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn bà Nguyễn Thị T.
Sửa Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐ – ST ngày 16/6/2021 của Tòa án nhân dân huyện Lắk Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32, khoản 1 Điều 35, khoản 1 Điều 39, khoản 3 Điều 144, khoản 1 Điều 147, khoản 2 Điều 184, khoản 2 Điều 227, Điều 266, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 29; Điều 30; điểm a khoản 2 Điều 45; điểm d khoản 1 Điều 52; khoản 1, 2 Điều 53; khoản 6 Điều 56 của Luật viên chức; khoản 2 Điều 200, khoản 1 Điều 201; khoản 2 Điều 202 của Bộ luật lao động; khoản 5 Điều 13 Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06/4/2012.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị T đối với các yêu cầu sau:
+ Tuyên hủy Quyết định số 103/QĐ-BQL ngày 18/5/2020 của Ban quản lý rừng L và tiếp nhận bà Nguyễn Thị T trở lại làm việc.
+ Bồi thường thiệt hại do không được bố trí công việc và không được nhận lương từ tháng 6/2020 cho đến khi vụ án được giải quyết xong.
+ Trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do bà T đã bị buộc thôi việc không đúng quy định. Bà T được hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật.
2. Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị T đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần do bị buộc thôi việc trái luật.
3. Về án phí: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bà Nguyễn Thị T được miễn nộp án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp xử lý kỷ luật buộc thôi việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc số 04/2021/LĐ-PT
Số hiệu: | 04/2021/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 29/09/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về