TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN
BẢN ÁN 01/2016/LĐ-PT NGÀY 31/08/2016 VỀ TRANH CHẤP ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 31 tháng 8 năm 2016, tại Hội trường xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận đưa ra xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 01/2016/TLPT-LĐ ngày 22/6/2016 về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”. Do bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐ-ST ngày 17/5/2016 của Tòa án nhân dân huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 01/2016/QĐ-PT ngày 08 tháng 8 năm 2016 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà H - sinh năm 1985.
Địa chỉ: Thôn 3, xã A, huyện S, tỉnh Ninh Thuận (có mặt).
2. Bị đơn: Trường Trung học phổ thông P.
Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đình L – Hiệu trưởng. Địa chỉ: Thôn 1, xã C, huyện N, tỉnh Ninh Thuận (có mặt).
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
- Ông Nguyễn Văn B – sinh năm 1961 (có mặt).
Địa chỉ: K4, phường D, TP. T, tỉnh Ninh Thuận.
- Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh N
Người đại diện theo ủy quyền: Ông T, sinh năm 1963, Trưởng phòng Tổ chức và Cán bộ theo Văn bản ủy quyền số 1328/GUQ-SGDĐT ngày 13/8/2015 (có mặt).
4. Người kháng cáo: Bà H là nguyên đơn.
NHẬN THẤY
Theo đơn khởi kiện ngày 20 tháng 01 năm 2015 và quá trình tham gia tố tụng nguyên đơn bà H trình bày:
Từ ngày 01/9/2009 đến ngày 01/9/2012, Trường Trung học phổ thông P (Trường P) do hiệu trưởng là ông Nguyễn Văn B đại diện đã ký với bà 03 hợp đồng làm việc với công việc là giảng dạy môn Văn. Các hợp đồng có thời hạn 12 tháng cụ thể gồm: Hợp đồng làm việc (không số) ngày 01/9/2009 với nội dung “hợp đồng làm việc 12 tháng, từ ngày 01/9/2009 đến ngày 01/9/2010, thử việc của ngạch mã số 15113, bậc 1, hệ số 2,34, chế độ bảo hiểm xã hội như giáo viên”; hợp đồng làm việc số 10/HĐLĐ ngày 01/9/2010 với nội dung: “thời hiệu làm việc từ ngày 01/9/2010 đến ngày 31/8/2011, thử việc ngạch mã số 15113, bậc 1, hệ số 2,34, phụ cấp 30%, bảo hiểm xã hội 21,5%, bảo hiểm y tế 4% như giáo viên” và hợp đồng làm việc (không số) ngày 01/9/2012 đến ngày 01/9/2013, thử việc ngạch mã số 15113, hệ số 2,34, bậc 1, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và quyền lợi khác như giáo viên”.
Quá trình thực hiện các hợp đồng làm việc, năm 2012, Trường P có ban hành Quyết định số 34/QĐ-PVĐ ngày 01/9/2012 về việc nâng lương cho bà từ bậc 1, hệ số 2,34 lên bậc 2, hệ số 2,67, mức lương mới được hưởng từ ngày 01/9/2012. Tháng 8/2013 bà nghỉ thai sản theo chế độ bảo hiểm và sau thời gian nghỉ thai sản Trường P không ký hợp đồng giảng dạy với bà nữa; đồng thời
Trường P ra Quyết định số 13/QĐ-THPT.P ngày 05/02/2014 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc với bà kể từ ngày 09/02/2014. Sau khi nhận được quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc, bà đã khiếu nại đến Trường P và Sở giáo dục và đào tạo tỉnh N để được giải quyết nhưng việc hòa giải không thành. Vì vậy, bà khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết những vấn đề sau:
- Buộc Trường P phải thu hồi Quyết định số 13/QĐ-THPT.P ngày 05/02/2014 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc để bà trở lại làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn.
- Trả tiền lương, phụ cấp, các khoản bảo hiểm xã hội những ngày không làm việc từ khi chấm dứt hợp đồng lao động ngày 10/02/2014 đến ngày xét xử sơ thẩm tổng cộng là 145.567.500 đồng.
Bị đơn Trường Trung học phổ thông P trình bày tại các văn bản ngày 03/8/2015, ngày 16/3/2016 và tại phiên tòa:
Trường P xác nhận từ năm 2009 đến năm 2012 có ký kết 03 hợp đồng làm việc với bà H giảng dạy môn Văn tại Trường với loại hợp đồng xác định thời hạn 12 tháng là đúng như trình bày của bà H. Các hợp đồng cụ thể: Hợp đồng làm việc thời hạn 12 tháng từ ngày 01/9/2009 đến ngày 01/9/2010; hợp đồng làm việc 12 tháng từ ngày 01/9/2010 đến ngày 31/8/2011 và hợp đồng làm việc 12 tháng, từ ngày 01/9/2012 đến ngày 01/9/2013.
Thời gian từ ngày 01/9/2011 đến cuối tháng 8/2012 hai bên không ký hợp đồng nhưng bà H vẫn làm công việc giảng dạy môn Văn tại Trường P. Lý do không ký hợp đồng là sau thời gian nghỉ thai sản thì bà H trở lại làm việc và được Trường P chấp nhận. Sau khi kết thúc năm học hai bên ký lại hợp đồng thời hạn 12 tháng từ 01/9/2012 đến 01/9/2013 nên có ba hợp đồng làm việc trong thời gian bốn năm như trên.
Tháng 8 năm 2013 bà H nghỉ thai sản. Hết thời gian nghỉ thai sản giữa Trường P với bà H không tiếp tục ký kết hợp đồng nên ngày 05/02/2014 Trường P có quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc với bà H kể từ ngày 09/02/2014.
Trong thời gian làm việc bà H được hưởng lương, phụ cấp và được Trường P trích nộp đóng các khoản bảo hiểm xã hội đúng quy định.
Trường P nhận thấy việc ký kết hợp đồng làm việc với bà H khi chưa được tuyển dụng thông qua Hội đồng tuyển dụng là không đúng quy định pháp luật hiện hành về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với viên chức. Trường P nhận thấy tất cả các hợp đồng hai bên đã ký đều vô hiệu toàn bộ. Thực chất đây là hợp đồng lao động trên cơ sở nằm phục vụ nhu cầu giảng dạy tạm thời trong thời gian chờ chỉ tiêu biên chế để tuyển dụng chính thức. Tuy nhiên do các hợp đồng lao động có xác định thời hạn, thời hạn thực hiện đã hết, Trường P đã trả lương, phụ cấp đủ cho bà H trong thời gian làm việc, vì vậy không đồng ý nhận bà H trở lại làm việc và bồi thường tiền lương, phụ cấp, trợ cấp, chế độ bảo hiểm xã hội theo yêu cầu khởi kiện.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn B trình bày:
Thời gian ký kết các hợp đồng làm việc với bà H từ năm 2009 đến năm 2012 ông đang làm Hiệu trưởng Trường P là người đại diện bên người sử dụng lao động ký các hợp đồng trên. Ông thừa nhận việc ký kết hợp đồng làm việc với bà H khi chưa được tuyển dụng của cơ quan có thẩm quyền là sai quy định của pháp luật về tuyển dụng, ký kết hợp đồng với viên chức. Hợp đồng được ký theo hình thức xác định thời hạn từng năm này thực ra là những hợp đồng lao động và đã được các bên thực hiện, thời hạn hợp đồng đã hết. Thời gian làm việc bà H được Trường P trả đầy đủ lương, phụ cấp, bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật. Ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của bà H.
Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh N trình bày tại Văn bản số 1700/SGDĐT-TCCB ngày 06/10/2015 và tại phiên tòa:
Bà H chưa phải là viên chức vì chưa được tuyển dụng vào viên chức thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển theo quy định. Trường P ký hợp đồng làm việc hình thức và nội dung đối với viên chức nhưng chưa có kết quả tuyển dụng là trái quy định của pháp luật về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc với viên chức. Trường P ký các hợp đồng làm việc với bà H từ năm 2009 đến năm 2012 nêu trên đã không xin ý kiến phê duyệt theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh N vì Trường P là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh N quản lý.
Việc bà H yêu cầu Trường P nhận bà trở lại làm việc và công nhận như viên chức là không có cơ sở để xem xét vì việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao, vị trí việc làm, quỹ tiền lương của đơn vị; điều kiện, quy trình, thủ tục tuyển dụng viên chức được thực hiện theo Luật Viên chức năm 2011.
Tại bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐ-ST ngày 17/5/2016 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Ninh Thuận quyết định:
Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 31, Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2011); các điều 9, 20, 23, 24, 25 và 30 Luật Viên chức năm 2011, Điều 48, 49, điểm a, b khoản 1 Điều 50, khoản 2 Điều 52, điểm a khoản 1 Điều 201, khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012; khoản 6 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước; Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp; Khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.
Tuyên xử:
- Tuyên bố các Hợp đồng làm việc (không số) ngày 01/9/2009; Hợp đồng làm việc số 10/HĐLĐ ngày 01/9/2010 và Hợp đồng làm việc (không số) ngày 01/9/2012 được ký kết giữa Trường Trung học phổ thông P với bà H bị vô hiệu toàn bộ.
- Không chấp nhận yêu cầu của bà H đối với Trường Trung học phổ thông P về việc nhận bà trở lại làm giáo viên giảng dạy môn Văn tại Trường Trung học phổ thông P.
- Không chấp nhận yêu cầu của bà H về việc yêu cầu Trường Trung học phổ thông P chi trả các khoản tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bảo hiểm xã hội tổng cộng 145.567.500 đồng.
Về án phí: Bà H không phải chịu án phí lao động sơ thẩm. Bị đơn Trường Trung học phổ thông P, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn B và Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh N không phải chịu án phí lao động sơ thẩm. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo của đương sự.
Ngày 26/5/2016, nguyên đơn bà H làm đơn kháng cáo bản án lao động sơ thẩm số 01/2016/LĐ-ST ngày 17/5/2016 của Tòa án nhân dân huyện N, tỉnh Ninh Thuận. Nội dung kháng cáo:
Bà H kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà, sửa bản án sơ thẩm theo hướng:
- Buộc Trường Trung học phổ thông P thu hồi Quyết định số 13/QĐ-THPT.P ngày 05/02/2014 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc; nhận bà vào làm việc theo hợp đồng đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc… và các chế độ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành;
- Thẩm định lại 03 bản hợp đồng làm việc giữa bà và nhà trường đã ký kết, đây là người thật, việc thật, nội dung hợp đồng không vi phạm quy định của pháp luật, chủ thể hợp đồng có đầy đủ tư cách pháp nhân. Vậy 03 hợp đồng làm việc trên không thể vô hiệu toàn phần mà chỉ vô hiệu một phần tại bản hợp đồng làm việc lần ba về thời gian là 12 tháng.
XÉT THẤY
Tại phiên toà phúc thẩm hôm nay, nguyên đơn bà H không rút đơn khởi kiện, không thay đổi, bổ sung, không rút đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án; lời trình bày và kết quả tranh luận của các đương sự. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Toà án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết là “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” là có cơ sở và đúng pháp luật.
Xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn bà H, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy:
Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, các bên đương sự đều thừa nhận: Từ ngày 01/9/2009 đến ngày 01/9/2012, Trường Trung học phổ thông P do hiệu trưởng là ông Phạm Văn B đại diện đã ký với bà H 03 hợp đồng làm việc với công việc là giảng dạy môn Văn. Trong thời gian giảng dạy tại trường, bà H được hưởng mọi chế độ như giáo viên.
Xét thấy: Các hợp đồng Trường Trung học phổ thông P ký với bà H từ năm 2009 đến năm 2012 trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng là loại hợp đồng lao động xác định thời hạn tuy không đúng mẫu nhưng về nội dung và hình thức của hợp đồng hoàn toàn phù hợp với quy định tại các điều 16, 17, 22 Bộ luật lao động 2012. Bà H có đủ trình độ để đảm nhận việc giảng dạy môn Văn, trường Trung học phổ thông P có nhu cầu thuê mướn giáo viên, việc chi trả các chế độ cho bà H hoàn toàn không vi phạm các nguyên tắc tài chính thì không thể cho rằng “vì bà H không phải là viên chức của trường nên 03 hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ ngày 01/9/2009 đến ngày 01/9/2012 của bà H đã ký với Trường Trung học phổ thông P là trái quy định của pháp luật về tuyển dụng viên chức” như nhận định của bản án sơ thẩm. Việc tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển là điều kiện để xem xét người đó là viên chức theo biên chế của trường Trung học phổ thông P, không phải là điều kiện để xác định hợp đồng lao động giữa bà H và Trường Trung học phổ thông P có đúng pháp luật hay không. Mặt khác, 03 hợp đồng trên đã thực hiện xong nhưng Tòa án cấp sơ thẩm tuyên vô hiệu là không cần thiết.
Xét nội dung kháng cáo của bà H: Buộc Trường Trung học phổ thông P thu hồi Quyết định số 13/QĐ-THPT.P ngày 05/02/2014 về việc chấm dứt hợp đồng làm việc; nhận bà vào làm việc theo hợp đồng đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc… và các chế độ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Bà H chưa được Hội đồng tuyển dụng tuyển dụng thông qua hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển; Hiện nay Trường Trung học phổ thông P đã đủ giáo viên dạy môn Văn nên không có nhu cầu thuê mướn giáo viên; Trong thời gian thực hiện các hợp đồng lao động nói trên Trường Trung học phổ thông P đã chi trả đầy đủ chế độ cho bà H; Từ khi nghỉ việc ngày 05/02/2014 cho đến nay bà H đang được hưởng trợ cấp thất nghiệp do vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo này của bà H.
Tuy nhiên trong thời gian bà H nghỉ thai sản, Trường Trung học phổ thông P đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không thông báo cho bà Hằng ít nhất 30 ngày theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Bộ luật lao động 2012 là vi phạm. Vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bà H buộc Trường Trung học phổ thông P phải bồi thường cho bà H một khoản tiền tương ứng với tiền lương của bà H trong những ngày không báo trước quy định tại khoản 5 Điều 42 Bộ luật lao động 2012 là: 4.605.750 đồng{(Cách tính: tiền lương 01 tháng của bà H 3.991.650 đồng : 26 ngày làm việc một tháng) x 30 ngày}
Tại phiên tòa người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn - luật sư V tranh luận: các nội dung kháng cáo của bà H là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của bà H, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm Kiểm sát viên đề nghị: Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự chấp nhận một phần kháng cáo của bà H, sửa bản án sơ thẩm.
Với phân tích đánh giá chứng cứ nói trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần nội dung kháng cáo của nguyên đơn bà H; Chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên tại phiên tòa; Không chấp nhận tranh luận của luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn; Sửa bản án sơ thẩm theo hướng nhận địnhtrên.
Về án phí: Nguyên đơn bà H được miễn toàn bộ án phí lao động phúc thẩm. Trường Trung học phổ thông P phải chịu 200.000 đồng án phí lao động sơ thẩm. Vì các lẽ trên;
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Sửa bản án sơ thẩm.
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Điểm b khoản 2 Điều 38, khoản 5 Điều 42, các điều 48, 49, điểm a khoản 1 Điều 201, khoản 2 Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012; khoản 6 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006; Khoản 2 Điều 11 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà H về việc buộc Trường Trung học phổ thông P bồi thường khoản tiền lương trong thời gian không báo trước.
- Không chấp nhận yêu cầu của bà H về việc yêu cầu Trường Trung học phổ thông P chi trả các khoản tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bảo hiểm xã hội tổng cộng 145.567.500 đồng.
Buộc Trường Trung học phổ thông P bồi thường tiền lương của 30 ngày do chấm dứt hợp đồng lao động mà không báo trước cho bà H là 4.605.750 đồng (bốn triệu sáu trăm lẻ năm ngàn bảy trăm năm mươi đồng).
Về án phí: Bà H được miễn án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm. Trường Trung học phổ thông P phải chịu 200.000 đồng án phí lao động sơ thẩm.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Án xử phúc thẩm, có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án về tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 01/2016/LĐ-PT
Số hiệu: | 01/2016/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Ninh Thuận |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 31/08/2016 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về