Bản án về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 1119/2019/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1119/2019/LĐ-PT NGÀY 27/11/2019 VỀ TRANH CHẤP TRƯỜNG HỢP BỊ ĐƠN PHƯƠNG CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

Trong các ngày 20 và ngày 27 tháng 11 năm 2019, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử công khai vụ án lao động phúc thẩm thụ lý số: 55/2019/TLPT-LĐ ngày 16 tháng 8 năm 2019 về việc: “Tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.Do Bản án lao động sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 5683/2019/QĐ-PT ngày 20 tháng 11 năm 2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà Đặng Thị Ngọc L, sinh năm 1973; cư trú tại: xã B, huyện H, tỉnh A (có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Ngọc Thanh T, sinh năm 1981; Cư trú tại: 132/25 đường X, Phường H, quận B, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy ủy quyền số công chứng 29927 ngày 14/11/2019 tại Phòng công chứng số E, Thành phố Hồ Chí Minh) (có mặt).

Bị đơn: Công ty T Trụ sở tại: Số 25 đường P, phường B, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh. Người đại diện theo pháp luật: Ông Kakazu S, sinh năm 1981; Cư trú tại: 23 + 11/6 đường H, phường T, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Người đại diện theo ủy quyền:

- Ông Mai Văn V, sinh năm 1985;

- Bà Võ Thị L, sinh năm 1992.

Cùng cư trú tại: Số 25 đường P, phường B, Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh (Theo Giấy ủy quyền số 1405/2019/GUQ-STT ngày 14/5/2019 của Công ty T) (có mặt).

Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L, bị đơn Công ty T.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L trình bày:

Nguyên đơn làm việc tại Công ty T (gọi tắt là Công ty) từ ngày 03/01/2012 thử việc theo hợp đồng bằng lời nói giữa hai bên. Sau đó nguyên đơn và bị đơn có ký Hợp đồng lao động số 01-03/TCKH/12 ngày 19/3/2012, Hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm, từ ngày 19/3/2012 đến ngày 18/3/2013; Chức danh chuyên môn: Phó giám đốc phòng Tổ chức - Kế hoạch theo sự phân công của Tổng giám đốc; Mức lương cơ bản theo thang lương, bảng lương của bị đơn là 3.920.000 đồng/tháng (mức lương này để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp), lương theo hệ số công việc là 6,50; Hình thức trả lương: Theo công việc. Đến nay hợp đồng lao động này đã trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Tuy nhiên, tiền lương thực tế mà bị đơn trả cho nguyên đơn là theo thang bảng lương của bị đơn, tiền lương thực lãnh (sau khi trừ hết các khoản phải đóng) trước khi nguyên đơn nghỉ việc là 9.960.027 đồng.

Ngày 04/8/2014, bị đơn có nghị quyết về việc nguyên đơn đảm nhiệm chức danh thư ký Hội đồng quản trị, kể từ ngày 05/8/2014. Ngày 30/12/2014, bị đơn có Quyết định số 16/QĐ/HĐQT bổ nhiệm nguyên đơn vào chức vụ kế toán trưởng của Công ty kể từ ngày 31/12/2014. Ngày 08/4/2015, bị đơn có Quyết định số 31/2015/QĐ-TGĐ bổ nhiệm nguyên đơn vào chức vụ Giám đốc Trung tâm dạy nghề Bán công T, kể từ ngày 08/4/2015. Ngày 22/01/2016, bị đơn có Quyết định số 04/2016/QĐĐC-TGĐ tạm thời điều chuyển nguyên đơn sang làm nhân viên Phòng tổ chức hành chính, kể từ ngày 28/01/2016 đến hết ngày 01/3/2016. Ngày 29/02/2016, bị đơn có Quyết định số 20/2016/QĐĐC-TGĐ tạm thời điều chuyển nguyên đơn sang làm việc tại Bộ phận pháp lý, kể từ ngày 03/3/2016 đến hết ngày 21/4/2016. Ngày 03/3/2016, nguyên đơn có văn bản gửi cho Công ty yêu cầu cung cấp quyết định hoặc nghị quyết thành lập Bộ phận Pháp lý đã được thông qua Hội đồng quản trị phê duyệt để xem có phù hợp quy định pháp luật không. Ngày 27/4/2016, nguyên đơn nhận được Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25/4/2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với nguyên đơn.

Nguyên đơn nhận thấy quyền, lợi ích của người lao động nữ đang mang thai bị xâm phạm nên ngày 09/5/2016, nguyên đơn có báo cho Tổng Giám đốc và Chủ tịch Công đoàn của Công ty về việc nguyên đơn đang mang thai (theo Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội số 65/KCB ngày 06/5/2016 của Bệnh viện N, lý do nghỉ khám thai 19 tuần). Ngày 03/6/2016, bác sỹ Lê Văn B của Bệnh viện N có chỉ định báo hiệu thai dọa sanh non (theo Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội số 48/KCB ngày 03/6/2016 của Bệnh viện N). Ngày 09/6/2016, nguyên đơn đã bị sanh non do tổn thất tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể sanh non thai 24 tuần (theo Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội số 207/KCB ngày 09/6/2016 của Bệnh viện N). Trong quá trình đến bệnh viện, nguyên đơn đã bị sanh non trước khi vào bệnh viện và gia đình tự xử lý, sau đó đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe. Nguyên đơn làm việc đến hết ngày 06/6/2016 mới nghỉ việc.

Khi chấm dứt hợp đồng lao động, Công ty đã trả tiền lương cho nguyên đơn đến ngày 06/6/2016, ngoài ra không trả thêm khoản nào khác. Hiện nay, Công ty đang giữ sổ Bảo hiểm xã hội của nguyên đơn.

Nguyên đơn cho rằng Công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với nguyên đơn vì tại thời điểm bị cho nghỉ việc, nguyên đơn là lao động nữ đang mang thai nên khởi kiện yêu cầu Công ty:

- Thu hồi, hủy bỏ Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25 tháng 4 năm 2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động, nhận nguyên đơn trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký;

- Trả tiền lương những ngày nguyên đơn không được làm việc từ ngày 06 tháng 6 năm 2016 tạm tính đến ngày 05 tháng 5 năm 2019 là 36 tháng x 9.960.027 đồng/tháng = 358.560.972 đồng; cộng với 02 tháng tiền lương là 02 tháng x 9.960.027 đồng/tháng = 19.920.054 đồng;

- Trả tiền lương từ lúc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động đang mang thai và nuôi con nhỏ trong vòng 12 tháng với số tiền là 12 tháng x 9.960.027 đồng/tháng = 119.520.324 đồng;

- Trả tiền thưởng Tết nguyên đán năm 2015 là 9.960.027 đồng x 60% = 5.976.016 đồng; Tiền thưởng Tết nguyên đán năm 2016 là 9.960.027 đồng x 50% = 4.980.014 đồng;

- Trả tiền phép 03 ngày của năm 2015, 12 ngày của năm 2016, 04 ngày của năm 2017 là 22.183.697 đồng;

- Trả 16.546.552 đồng tiền khám chữa bệnh gồm: 9.719.006 đồng của Bệnh viện Y và 6.830.546 đồng của Bệnh viện Đ do Công ty cho nguyên đơn nghỉ việc nên nguyên đơn không có bảo hiểm y tế và phải tự thanh toán tiền khám chữa bệnh;

- Bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 4.012.500 đồng/tháng x 10 tháng = 40.125.000 đồng, xin lỗi công khai trước toàn thể người lao động của Công ty và trên phương tiện truyền thông đại chúng (trên Sàn chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người lao động tối thiểu là 03 kỳ) vì bị đơn là Công ty đại chúng, tất cả thông tin đăng trên sàn chứng khoán là nguyên đơn đã từng làm việc tại Công ty, có lý lịch không tốt làm cho nguyên đơn không xin được việc làm.

- Bồi thường tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non 24 tuần, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và bao hệ lụy khác theo quy định tại Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 4.012.500 đồng/tháng x 100 tháng = 401.250.000 đồng;

- Trả tiền thù lao làm thư ký Hội đồng quản trị từ tháng 9 năm 2014 đến tháng 12 năm 2014 sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân là 3.600.000 đồng;

- Đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trả sổ bảo hiểm xã hội.

Trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn rút yêu cầu trả tiền lương từ lúc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động đang mang thai và nuôi con nhỏ trong vòng 12 tháng với số tiền là 12 tháng x 9.960.027 đồng/tháng = 119.520.324 đồng.

Theo bản tự khai và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án, bị đơn Công ty T có người đại diện theo ủy quyền ông Mai Văn V trình bày:

Công ty xác nhận có ký Hợp đồng lao động số 01-03/TCKH/12 ngày 19/3/2012 với nguyên đơn và quá trình làm việc tại Công ty đúng như phía nguyên đơn trình bày. Ngày 22/4/ 2016, Công ty có lập biên bản làm việc với nội dung: Ngày 21/4/2016 hết thời hạn điều chuyển công tác theo Quyết định số 20/2016/QĐĐC-TGĐ, Công ty xem xét và tìm cách để sắp xếp nguyên đơn về Giám đốc Trung tâm đào tạo nhưng hiện tại Trung tâm đào tạo đã có Giám đốc đứng tên trên giấy phép không thể thay đổi, hiện còn hai vị trí tương đương là Trưởng Phòng Tổ chức của Công ty V và Phó Giám đốc của Công ty G nhưng phía nguyên đơn không đồng ý với hướng giải quyết này và cho rằng đang ở chức vụ Giám đốc thì phải chuyển về vị trí tương đương là Giám đốc. Ngày 25/4/2016, Công ty đã ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn kể từ ngày 06/6/2016; Tiền lương, phụ cấp và các chế độ có liên quan được tính đến ngày 06/6/2016. Ngày 13/7/2018, Công ty đã ban hành Quyết định số 19/2018/QĐ-STT về việc thu hồi Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25/4/2016 và nhận nguyên đơn trở lại làm việc từ ngày 23/7/2018. Tuy nhiên nguyên đơn đã không trở lại làm việc theo yêu cầu của bị đơn như đã được thông báo.

Như vậy nguyên đơn đã vi phạm hợp đồng lao động, tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty. Vì vậy, Công ty chỉ phải trả tiền lương những ngày nguyên đơn không được làm việc từ ngày 06/6/2016 đến ngày 22/7/2018 (24 tháng 32 ngày làm việc) theo mức lương 7.760.027 đồng/tháng là 197.527.960 đồng cộng với 02 tháng tiền lương là 15.520.054 đồng; Công ty sẽ đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến ngày 22/7/2018 và trả sổ bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn; Do nguyên đơn không có tên trong danh sách nhận tiền thưởng Tết nguyên đán năm 2015, năm 2016 nên Công ty không đồng ý trả khoản tiền thưởng Tết nguyên đán năm 2015 là 5.976.016 đồng và năm 2016 là 4.980.014 đồng; Tổng số ngày phép năm của nguyên đơn từ tháng 01/2015 – 5/2016 là 17 ngày, nguyên đơn đã nghỉ 18 ngày có hưởng lương, quá 01 ngày. Từ tháng 6 năm 2018, nguyên đơn không làm việc nhưng Công ty vẫn trả lương nên Công ty không trả tiền phép năm cho nguyên đơn. Vì vậy, Công ty không đồng ý yêu cầu trả tiền phép 03 ngày của năm 2015, 12 ngày của năm 2016, 04 ngày của năm 2017 là 22.183.697 đồng;

Đối với yêu cầu trả 16.546.552 đồng tiền khám chữa bệnh (gồm: 9.719.006 đồng của Bệnh viện Y và 6.830.546 đồng của Bệnh viện Đ) trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án, Công ty đồng ý trả các khoản này nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, Công ty không đồng ý trả các khoản này cho nguyên đơn vì cho rằng không có chứng cứ chứng minh có thuộc phạm vi bảo hiểm chi trả hay không.

Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm theo quy định tại Điều 592 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 4.012.500 đồng/tháng x 10 tháng = 40.125.000 đồng và xin lỗi công khai trước toàn thể người lao động của Công ty và trên phương tiện truyền thông đại chúng (trên Sàn chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người lao động tối thiểu là 03 kỳ) thì Công ty không đồng ý vì thông tin Công ty đăng trên sàn chỉ liên quan đến hoạt động Công ty, không có thông tin liên quan đến nguyên đơn; Công ty không xâm phạm gì đến nhân phẩm, danh dự của nguyên đơn, quan hệ giữa các bên là quan hệ dân sự, Công ty vi phạm hợp đồng lao động thì sẽ bồi thường.

Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non 24 tuần, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và bao hệ lụy khác theo quy định tại Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 4.012.500 đồng/tháng x 100 tháng = 401.250.000 đồng, Công ty cũng không đồng ý vì những thiệt hại này do nguyên đơn tự tưởng tượng và bịa ra, không có việc có thai và sanh non, không dựa trên bất kỳ hồ sơ bệnh án nào.

Công ty đồng ý thanh toán cho nguyên đơn 3.600.000 đồng tiền thù lao làm thư ký Hội đồng quản trị từ tháng 9/2014 đến tháng 12/2014.

Tại Bản án lao động sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyên xử:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 244, Điều 271 và Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Các điều 36, 38, 41, 42, 200, 201và 202 của Bộ luật Lao động năm 2012; Luật phí và Lệ phí năm 2015; Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L về việc yêu cầu Công ty T trả tiền lương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động mang thai và nuôi con nhỏ trong vòng 12 tháng với số tiền là 119.520.324 đồng.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Tuyên bố Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25 tháng 4 năm 2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty T đối với bà Đặng Thị Ngọc L là trái pháp luật.

Buộc Công ty T nhận bà Đặng Thị Ngọc L trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký.

Buộc Công ty T phải trả cho bà Đặng Thị Ngọc L tiền lương trong những ngày không được làm việc là 198.139.356 đồng, 02 tháng tiền lương là 15.520.054 đồng, tổng cộng là 213.659.410 đồng.

Buộc Công ty T phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho bà Đặng Thị Ngọc L trong thời gian không được làm việc, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế.

Buộc Công ty T phải trả cho bà Đặng Thị Ngọc L tiền thưởng Tết nguyên đán năm 2015 là 4.656.016 đồng.

Buộc Công ty T phải trả cho bà Đặng Thị Ngọc L tiền khám chữa bệnh là 16.546.552 đồng.

Buộc Công ty T trả cho bà Đặng Thị Ngọc L tiền thù lao làm thư ký Hội đồng quản trị là 3.600.000 đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L đối với Công ty T bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm là 40.125.000 đồng và xin lỗi công khai trước toàn thể người lao động của Công ty và trên phương tiện truyền thông đại chúng (trên Sàn chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người lao động tối thiểu là 03 kỳ).

Không chấp nhận yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L đối với Công ty T bồi thường thiệt hại yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non 24 tuần là 401.250.000 đồng.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thi hành án. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm thi hành án.

3. Về án phí sơ thẩm:

Công ty T phải chịu 7.153.859 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Đặng Thị Ngọc L phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai số AA/2016/A ngày 26 tháng 4 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự Quận A. Bà Đặng Thị Ngọc L được hoàn trả lại 730.328 đồng theo biên lai số AA/2016/B ngày 26 tháng 4 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 07 tháng 6 năm 2019, nguyên đơn là bà Đặng Thị Ngọc L có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Ngày 14 tháng 6 năm 2019, bị đơn là Công ty T có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn là bà Đặng Thị Ngọc L không rút đơn khởi kiện, rút một phần kháng cáo đối với yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền 401.250.000 đồng do tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non. Bị đơn là Công ty T không rút đơn kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người kháng cáo bà Đặng Thị Ngọc L trình bày:

Nguyên đơn kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm vì Toà án cấp sơ thẩm không căn cứ mức lương trong Hợp đồng lao động số 01- 03/TCKH/12 ngày 19/3/2013 mà các bên đã ký kết. Hợp đồng này đến nay đã trở thành hợp đồng không xác định thời hạn. Theo Điều 3 của hợp đồng, mức lương cơ bản là 3.920.000 đồng, mức lương hệ số công việc là 6,50. Như vậy, mức lương thực lãnh là 3.920.000 đồng x 6,5 = 25.480.000 đồng/tháng. Toà án cấp sơ thẩm chỉ chấp nhận mức lương 7.760.027 đồng là không đúng, gây thiệt hại cho nguyên đơn. Vì vậy nguyên đơn kháng cáo yêu cầu Công ty T bồi thường cho nguyên đơn các khoản như sau:

1. Tiền bồi thường cho nguyên đơn trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 07/6/2016 đến ngày 31/10/2019 là 34 tháng 18 ngày là 25.480.000 x 34 tháng 18 ngày = 887.167.273 đồng.

2. Bồi thường 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 25.480.000 đồng x 02 tháng = 50.960.000 đồng.

3. Truy thu lương từ ngày ký hợp đồng lao động từ ngày 19/3/2012 đến ngày 06/6/2016 là 50 tháng 14 ngày là 25.480.000 đồng – 9.960.027 đồng = 15.519.973 đồng x 50 tháng 14 ngày = 785.874.996 đồng.

4. Yêu cầu trả tiền thưởng Tết nguyên đán theo chế độ phúc lợi của Công ty: Năm 2015 là 25.480.000 x 60% = 15.288.000 đồng; Năm 2016 là 25.480.000 x 100% = 25.480.000 đồng. Tổng cộng tiền thưởng năm 2015 và năm 2016 là:

40.768.000 đồng.

5. Yêu cầu trả tiền 03 ngày phép năm 2015 là 25.480.000 đồng x 3 ngày x 300% = 10.423.636 đồng; Phép năm 2016 là 12 ngày là 41694.545 đồng; Phép năm 2017 là 03 ngày là 3.474.454 đồng. Tổng cộng là 55.592.727 đồng.

6. Yêu cầu bồi thường 10 tháng tiền lương là 4.258.600 đồng x 10 tháng = 42.586.000 đồng. Tổn thất tinh thẩn do bị đơn đến nhà gia đình chồng của nguyên đơn để thực hiện hành vi niêm yết và lập vi bằng làm cho gia đình chồng mất uy tín với hàng xóm láng giềng xung quanh ghẻ lạnh với nguyên đơn.

Tổng cộng các khoản nguyên đơn kháng cáo yêu cầu Công ty T bồi thường là 1.862.948.966 đồng.

Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn.

Người kháng cáo bị đơn Công ty T có người đại diện theo ủy quyền ông Mai Văn V trình bày:

Công ty T kháng cáo không đồng ý nhận bà L trở lại làm việc vì đã vi phạm hợp đồng lao động, tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty. Lý do, ngày 25/4/2016 Công ty đã ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT chấm dứt hợp đồng lao động với bà L là chưa thoả đáng nên ngày 13/7/2018, Công ty đã ban hành Quyết định số 19/2018/QĐ-STT để thu hồi Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25/4/2016 và nhận nguyên đơn trở lại làm việc từ ngày 23/7/2018. Quyết định này Công ty giao bà L nhiều lần không nhận nên Công ty đã nộp tại Toà án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/7/2018. Công ty cũng đã niêm yết, nhắn tin, gọi điện để mời bà L đến làm việc nhưng bà L cũng không đến. Sau khi Toà án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án sơ thẩm buộc bị đơn nhận bà L trở lại làm việc nhưng bà L vẫn từ chối nhận thư. Như vậy, bà L đã vi phạm hợp đồng lao động với Công ty, tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét không chấp nhận yêu cầu buộc Công ty nhận bà L trở lại làm việc.

Đối với yêu cầu trả tiền khám chữa bệnh số tiền là 16.546.552 đồng, Công ty không đồng ý vì bà L không có chứng cứ gì để chứng minh cho việc khám chữa bệnh có thuộc phạm vi bảo hiểm chi trả hay không. Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

Về hình thức: Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đã tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L và bị đơn là Công ty T làm trong hạn luật định nên hợp lệ.

Về nội dung: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm:

- Đình chỉ một phần kháng cáo đối với yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L về việc yêu cầu Công ty T bồi thường tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non 24 tuần đối với số tiền 401.250.000 đồng do bà L rút yêu cầu kháng cáo.

- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng của nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L.

- Chấp nhận một phần yêu cầu kháng của bị đơn Công ty T đối với yêu cầu về chi phí khám chữa bệnh.

Sửa Bản án lao động sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, qua thẩm vấn công khai tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1]. Về hình thức: Đơn kháng cáo của nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L và bị đơn là Công ty T làm trong hạn luật định nên được chấp nhận.

[2]. Về nội dung: Nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L kháng cáo cho rằng bị đơn Công ty T chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn là trái pháp luật nên Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 là đúng. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm không căn cứ vào mức lương trong Hợp đồng lao động số 01-03/TCKH/12 ngày 19/3/2012 để tính bồi thường cho nguyên đơn mà chỉ tính theo mức lương thực lãnh là 7.760.027 đồng/tháng là thiệt hại cho nguyên đơn nên kháng cáo yêu cầu Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn theo mức lương theo hợp đồng là 3.920.000 đồng/tháng, lương theo hệ số công việc là 6,50 là 25.480.000 đồng/tháng.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và trình bày của các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để xác định nguyên đơn và bị đơn có ký Hợp đồng lao động số 01-03/TCKH/12 ngày 19/3/2012, thời hạn hợp đồng là 01 năm, từ ngày 19/3/2012 đến ngày 18/3/2013; Chức danh chuyên môn là Phó giám đốc phòng Tổ chức - Kế hoạch theo sự phân công của Tổng giám đốc; Mức lương cơ bản theo thang lương, bảng lương của bị đơn là 3.920.000 đồng/tháng (mức lương này để làm căn cứ tính bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp), lương theo hệ số công việc là 6,50; Hình thức trả lương theo công việc. Sau khi hợp đồng lao động nêu trên hết hạn mà nguyên đơn vẫn tiếp tục làm việc, hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 xác định hợp đồng lao động đã giao kết giữa hai bên trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn là đúng theo quy định của pháp luật.

Ngày 25/4/2016, bị đơn ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ- STT về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với nguyên đơn kể từ ngày 06/6/2016 do bị đơn không có nhu cầu tiếp tục sử dụng lao động.

Như vậy, lý do bị đơn cho nguyên đơn thôi việc không thuộc các trường hợp người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012.

Ngoài ra, tại điểm a khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động năm 2012 còn quy định: “Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất là 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn”. Ngày 25/4/2016, bị đơn ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với nguyên đơn kể từ ngày 06/6/2016 do bị đơn không có nhu cầu tiếp tục sử dụng lao động là vi phạm thời gian báo trước.

Trong quá trình giải quyết vụ án ở Tòa cấp sơ thẩm bị đơn thừa nhận việc Công ty đã ban hành Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25/4/2016 chấm dứt hợp đồng lao động với bà L là chưa thoả đáng nên ngày 13/7/2018, Công ty đã ban hành Quyết định số 19/2018/QĐ-STT để thu hồi Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25/4/2016 và nhận nguyên đơn trở lại làm việc từ ngày 23/7/2018 và đồng ý bồi thường cho bà L do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2012 xác định bị đơn đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012 là không có căn cứ.

[3]. Xét kháng cáo của nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L.

Bà Đặng Thị Ngọc L kháng cáo yêu cầu buộc Công ty T phải bồi thường theo mức lương là 25.480.000 đồng/tháng và yêu cầu tính từ ngày 19/3/2012 đến ngày xét xử phúc thẩm. Không đồng ý Quyết định số 19/2016/QĐ-STT ngày 13/7/2016 về việc thu hồi Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25/4/2016 vì bà L không biết và không nhận được.

Xét thấy, trong đơn khởi kiện và quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bà L đều yêu cầu phía bị đơn, phải bồi thường mức lương thực lãnh là 9.960.027 đồng. Bị đơn cho rằng lương thực lãnh của nguyên đơn là 9.960.027 đồng, trong đó có 2.200.000 đồng là khoán công tác phí không thuộc thu nhập lương.

Căn cứ vào Bảng tổng hợp tiền lương từ tháng 01 đến tháng 06/2016 của Công ty T (Bút lục từ 165 đến bút lục 185) thể hiện 2.200.000 đồng là khoán công tác phí.

Căn cứ Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012 và Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động thì tiền lương gồm mức lương theo công việc, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác có liên quan đến thực hiện công việc. Lương thực lãnh của nguyên đơn là 9.960.027 đồng, trong đó có 2.200.000 đồng là khoán công tác phí không thuộc thu nhập lương. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm lấy mức lương là 7.760.027 đồng làm căn cứ để giải quyết các yêu cầu của nguyên đơn là đúng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, trong đơn khởi kiện cũng như quá trình giải quyết vụ án ở Tòa cấp sơ thẩm bà L yêu cầu tính lương theo mức lương thực lãnh là 9.960.027 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm bà L kháng cáo yêu cầu tính theo mức lương 25.408.000 đồng. Xét yêu cầu tính mức lương là 25.480.000 đồng/tháng, bà L chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.

Căn cứ vào biên bản công khai chứng cứ và biên bản hoà giải Toà án nhân dân Quận A lập ngày 23/7/2018 có bà L ký tên thể hiện nội dung Công ty đã trình bày đồng ý thu hồi Quyết định chấm dứt hợp đồng lao động số 18/2016/QĐCDHĐLĐ-STT ngày 25/4/2016, đồng ý nhận bà L trở lại làm việc, kèm theo vi bằng số 1499/2018/VB-TPLQ.TĐ ngày 23/7/2018 và đã gửi qua đường Bưu điện Quyết định số 19/2018/QĐ-SST ngày 13/7/2018 nên có cơ sở xác định bà L biết việc Công ty thu hồi Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ- STT ngày 25/4/2016 và nhận bà L trở lại làm việc từ ngày 23/01/2018 nhưng bà không đồng ý trở lại làm việc nên Toà án cấp sơ thẩm chỉ buộc trả lương cho những ngày không được làm việc đến ngày 22/7/2018, không chấp nhận trả đến ngày xét xử là đúng. Việc bà L kháng cáo cho rằng không biết, không nhận được Quyết định số 19/2018/QĐ-SST ngày 13/7/2018 nên không đồng ý là không có căn cứ.

Xét, kháng cáo của bà L yêu cầu Công ty phải bồi thường theo mức lương là 25.480.000 đồng/tháng và yêu cầu tính từ ngày 19/3/2012 đến ngày xét xử phúc thẩm là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Bị đơn cho nguyên đơn thôi việc không đúng quy định của pháp luật là trường hợp người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Do đó, theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động năm 2012, bị đơn phải nhận nguyên đơn lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày nguyên đơn không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải trả tiền lương trong những ngày nguyên đơn không được làm việc là 7.760.027 đồng/tháng x 25 tháng + (7.760.027 đồng/tháng : 30 ngày) x 16 ngày = 198.139.356 đồng, cộng với 02 tháng tiền lương là 7.760.027 đồng/tháng x 02 tháng = 15.520.054 đồng, tổng cộng là 213.659.410 đồng và bị đơn còn phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho nguyên đơn trong thời gian không được làm việc, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế là có căn cứ.

Xét, yêu cầu kháng cáo của bà L buộc Công ty bồi thường trong những ngày không được làm việc tính từ ngày 07/6/2016 đến ngày 31/10/2019 là 34 tháng 18 ngày là 25.480.000 x 34 tháng 18 ngày = 887.167.273 đồng và bồi thường thêm 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 50.960.000 đồng là không có căn cứ nên Hội đồng xét xử không chấp nhận.

- Đối với yêu cầu truy thu lương từ ngày Công ty ký hợp đồng lao động với bà L đến ngày 06/6/2016 là 50 tháng 14 ngày là : 25.480.000 đồng – 9.960.027 đồng = 15.519.973 đồng x 50 tháng 14 ngày = 785.874.996 đồng.

Xét, trong đơn khởi kiện cũng như quá trình giải quyết vụ án của Tòa cấp sơ thẩm bà L không có yêu cầu. Do đó yêu cầu truy thu lương đối với số tiền 785.874.996 đồng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.

- Đối với yêu cầu trả tiền thưởng Tết nguyên đán theo chế độ phúc lợi của Công ty: Năm 2015 là 15.288.000 đồng; Năm 2016 là 25.480.000 đồng. Tổng cộng tiền thưởng năm 2015 và năm 2016 là: 40.768.000 đồng.

Xét thấy, Công ty đã có thông báo số 07/TB-16 ngày 19/01/2016 của Công ty về thưởng tết nguyên đán năm 2015 đối với nhân viên văn phòng là 60% lương thực lãnh. Như vậy, bà L có làm việc năm 2015 nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận phần yêu cầu thưởng tết năm 2015 là phù hợp. Năm 2016, bà L đã nghỉ việc nên Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đòi tiền thưởng tết năm 2016 là có căn cứ. Do đó, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà L về yêu cầu buộc Công ty trả tiền thưởng tết năm 2016.

- Đối với yêu cầu trả tiền phép 03 ngày của năm 2015, 12 ngày của năm 2016, 04 ngày của năm 2017 với số tiền là 55.592.727 đồng.

Căn cứ vào tài liệu do bị đơn cung cấp thì nguyên đơn đã nghỉ hết số ngày phép từ tháng 01/2015 - 5/2016. Từ tháng 6 năm 2018, nguyên đơn không còn làm việc tại Công ty nên yêu cầu này của nguyên đơn không có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận.

- Đối với yêu cầu bồi thường 10 tháng tiền lương là 4.258.600 đồng x 10 tháng = 42.586.000 đồng tổn thất tinh thần do bị đơn đến nhà gia đình chồng của nguyên đơn để thực hiện hành vi niêm yết và lập vi bằng làm cho gia đình chồng mất uy tín với hàng xóm láng giềng xung quanh ghẻ lạnh với nguyên đơn.

Xét, trong đơn khởi kiện cũng như quá trình giải quyết vụ án ở Tòa cấp sơ thẩm bà L không có yêu cầu. Do đó yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần đối với số tiền 42.586.000 đồng chưa được Tòa án cấp sơ thẩm xem xét nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xét.

- Đối với yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non 24 tuần, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và bao hệ lụy khác theo quy định tại Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 4.012.500 đồng/tháng x 100 tháng = 401.250.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà L rút kháng cáo đối với yêu cầu này. Xét thấy việc rút một phần kháng cáo đối với yêu cầu này của bà L là tự nguyện nên căn cứ điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 289 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu kháng cáo này của nguyên đơn.

[4]. Xét kháng cáo của bị đơn Công ty T:

Bị đơn kháng cáo cho rằng ngày 13/7/2018 Công ty đã ban hành Quyết định số 19/2018/QĐ-STT để thu hồi Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ- STT và nhận bà L trở lại làm việc từ ngày 23/7/2018 nhưng bà L vẫn từ chối nhận thư và không đến làm việc. Như vậy, bà L đã tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty nên không đồng ý nhận bà L trở lại làm việc.

Xét thấy, do bị đơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật nên phải nhận bà L trở lại làm việc. Việc bị đơn cho rằng bà L đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và không đồng ý nhận bà L trở lại làm việc là không có căn cứ vì phía bị đơn chưa yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết việc bà L đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty nên không có cơ sở để Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét.

- Đối với yêu cầu trả số tiền 16.546.552 đồng về chi phí khám chữa bệnh, gồm 9.719.006 đồng của Bệnh viện Y và 6.830.546 đồng của Bệnh viện Đ.

Theo kết quả xác minh thu thập chứng cứ từ các cơ sở y tế thì nguyên đơn có khám chữa bệnh tại bệnh viện Y và nhập viện tại Bệnh viện Đ trong khoảng thời gian từ tháng 11 năm 2016 đến tháng 6 năm 2017, đã xác định được khoảng tiền 16.546.552 đồng mà nguyên đơn đã chi trả để chữa bệnh là có thật, nên có cơ sở để Hội đồng xét xử chấp nhận, cần buộc bị đơn trả cho nguyên đơn số tiền này. Tuy nhiên, theo điểm 15 khoản 1 sửa đổi bổ sung Điều 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế năm 2014 quy định:

“Người tham gia bản hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại các Điều 26, 27, 28 của luật này thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng với mức hưởng như sau:… đ) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh, đối với các đối tượng khác”.

Do Công ty chưa đóng bảo hiểm cho người lao động trong thời gian cho người lao động nghỉ việc trái pháp luật nên Công ty phải thanh toán 80% chi phí khám bệnh nêu trên là phù hợp. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc Công ty phải trả 100% chi phí này là chưa chính xác nên chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty cần phải sửa phần này là buộc bị đơn phải thanh toán lại số tiền 80% chi phí khám chữa bệnh cho bà L là 13.237.241,6 đồng.

[5]. Đối với phần lãi suất giai đoạn thi hành án:

Theo điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao quy định “Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.” Xét thấy, tại phần Quyết định của Bản án có tuyên “Kể từ ngày có đơn thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thi hành án. Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trản lãi suất thì tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm thi hành án” là không phù hợp nên cần phải sửa phần này.

Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm đình chỉ một phần kháng cáo đối với yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L về việc yêu cầu Công ty T bồi thường tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non 24 tuần đối với số tiền 401.250.000 đồng do bà L rút kháng cáo. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng của nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L. Chấp nhận một phần yêu cầu kháng của bị đơn Công ty T đối với yêu cầu về chi phí khám chữa bệnh. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh Xét, đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là có căn cứ nên Hội đồng xét xử chấp nhận. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

[6]. Về án phí phúc thẩm:

- Do yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L không được chấp nhận nên phải chịu án phí phúc thẩm là 300.0000 đồng.

- Do yêu cầu kháng cáo của bị đơn là Công ty T được chấp nhận một phần nên không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ Điều 147; khoản 2 Điều 244; Điều 289; khoản 2 Điều 308; khoản 2 Điều 468; của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Căn cứ Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Căn cứ khoản 2 Điều 22; Điều 36; Điều 38; Điều 41; Điều 42; Điều 90 của Bộ luật Lao động năm 2012;

- Căn cứ Luật thi hành án dân sự năm 2008;

- Căn cứ Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012;

- Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Đình chỉ một phần kháng cáo đối với yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L về việc yêu cầu Công ty T bồi thường tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non 24 tuần, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình và bao hệ lụy khác theo quy định tại Điều 591 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 4.012.500 đồng/tháng x 100 tháng = 401.250.000 (Bốn trăm lẻ một triệu hai trăm năm mươi nghìn) đồng.

- Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn bà Đặng Thị Ngọc L.

- Chấp nhận một phần yêu cầu kháng của bị đơn Công ty T.

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2019/LĐ-ST ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Tòa án nhân dân Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L về việc yêu cầu Công ty T trả tiền lương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với người lao động mang thai và nuôi con nhỏ trong vòng 12 tháng với số tiền là 119.520.324 (Một trăm mười chín triệu năm trăm hai mươi nghìn ba trăm hai mươi bốn) đồng.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tuyên bố Quyết định số 18/2016/QĐ/CDHĐLĐ-STT ngày 25 tháng 4 năm 2016 về việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty T đối với bà Đặng Thị Ngọc L là trái pháp luật.

Buộc Công ty T nhận bà Đặng Thị Ngọc L trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã ký.

Buộc Công ty T phải trả cho bà Đặng Thị Ngọc L tiền lương trong những ngày không được làm việc là 198.139.356 (Một trăm chín mươi tám triệu một trăm ba mươi chín nghìn ba trăm năm mươi sáu) đồng, 02 (Hai) tháng tiền lương là 15.520.054 (Mười lăm triệu năm trăm hai mươi nghìn không trăm năm mươi bốn) đồng, tổng cộng là 213.659.410 (Hai trăm mười ba triệu sáu trăm năm mươi chín nghìn bốn trăm mười) đồng.

Buộc Công ty T phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho bà Đặng Thị Ngọc L trong thời gian không được làm việc, theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế.

Buộc Công ty T phải trả cho bà Đặng Thị Ngọc L tiền thưởng Tết nguyên đán năm 2015 là 4.656.016 (Bốn triệu sáu trăm năm mươi sáu nghìn không trăm mười sáu) đồng.

Buộc Công ty T phải trả cho bà Đặng Thị Ngọc L tiền khám chữa bệnh là 16.546.552 (Mười sáu triệu năm trăm bốn mươi sáu nghìn năm trăm năm mươi hai) đồng.

Buộc Công ty T trả cho bà Đặng Thị Ngọc L tiền thù lao làm thư ký Hội đồng quản trị là 3.600.000 (Ba triệu sáu trăm nghìn) đồng.

Không chấp nhận yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L đối với Công ty T bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm phạm là 40.125.000 (Bốn mươi triệu một trăm hai mươi lăm nghìn) đồng và xin lỗi công khai trước toàn thể người lao động của Công ty và trên phương tiện truyền thông đại chúng (trên Sàn chứng khoán, Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Người lao động tối thiểu là 03 kỳ).

Không chấp nhận yêu cầu của bà Đặng Thị Ngọc L đối với Công ty T bồi thường thiệt hại yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần dẫn đến suy nhược cơ thể bị sanh non 24 (Hai mươi bốn) tuần là 401.250.000 (Bốn trăm lẻ một triệu hai trăm năm mươi nghìn) đồng.

Đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất các bên thỏa thuận nhưng phải phù hợp với quy định của pháp luật; nếu không có thỏa thuận về mức lãi suất thì quyết định theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí sơ thẩm:

Công ty T phải chịu 7.153.859 (Bảy triệu một trăm năm mươi ba nghìn tám trăm năm mươi chín) đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Bà Đặng Thị Ngọc L phải chịu 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự sơ thẩm nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo biên lai số AA/2016/0019468 ngày 26 tháng 4 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự Quận A. Bà Đặng Thị Ngọc L được hoàn trả lại 730.328 (Bảy trăm ba mươi nghìn ba trăm hai mươi tám) đồng theo biên lai số AA/2016/0019469 ngày 26 tháng 4 năm 2017 của Chi cục thi hành án dân sự Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Án phí phúc thẩm:

Bà Đặng Thị Ngọc L phải chịu án phí phúc thẩm là 300.0000 (Ba trăm nghìn) đồng nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0007695 ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A, Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty T không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn lại số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm bị đơn đã nộp là 300.000 (Ba trăm nghìn) đồng theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2018/0007731ngày 25 tháng 6 năm 2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận A,Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự. Thi hành tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

564
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động số 1119/2019/LĐ-PT

Số hiệu:1119/2019/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 27/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về