Bản án về tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc số 121/2023/LĐ-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 121/2023/LĐ-PT NGÀY 06/02/2023 VỀ TRANH CHẤP TIỀN TRỢ CẤP THÔI VIỆC

Trong các ngày 6 tháng 1 và 6 tháng 2 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố H xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 66/2022/LĐPT ngày 22/11/2022 về: “Tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc”.

Do bản án lao động sơ thẩm số 3604/2022/LĐ-ST ngày 20/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, Thành phố H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 6289/2022/QĐ-PT ngày 13/12/2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 252/2023/QĐ-PT ngày 06/01/2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông H , sinh năm 1971;

Thường trú: Số 37, đường L, phường B, thành phố T, Thành phố H;

Đại diện theo ủy quyền: Ông S , sinh năm 1992 (Theo Giấy ủy quyền lập ngày 17/5/2021 tại Văn phòng công chứng TTV, tỉnh B) (có mặt)

Địa chỉ liên lạc: Số 18, đường Đ, phường B, thành phố thành phố T, Thành phố H;

2. Bị đơn: BQL huyện C Trụ sở: Số 1541, đường R, ấp A, xã A, huyện C, Thành phố H;

Đại diện theo pháp luật: Ông H1 – Trưởng BQL huyện C.

Đại diện theo ủy quyền: Ông T (Theo Giấy ủy quyền số 612/GUQ-BQL ngày 22/12/2021 của BQL huyện C). (có mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện ghi ngày 17/5/2021, Đơn sửa đổi bổ sung yêu cầu khởi kiện ngày 03/11/2021, Bản tự khai, Biên bản hòa giải, nguyên đơn – ông H có ông S là đại diện theo ủy quyền trình bày:

Ông H công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố từ ngày 01/01/1991 tới hết ngày 31/12/1999 và sau đó, Ban quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố được giao về Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ quản lý và được đổi tên thành BQL huyện C, nên ông H đã tiếp tục làm việc tại đơn vị mới này từ ngày 01/01/2000 tới ngày 28/5/2001 theo hình thức nhân viên hợp đồng. Thế nhưng vì lý do cá nhân nên ông H đã quyết định không làm ở đây nữa và được BQL huyện C đồng ý.

Tới ngày 28/5/2001, ông H đã được BQL huyện C trả cho ông H toàn bộ số lương và các khoản phụ cấp, trợ cấp cho tới hết ngày 31/5/2001. Theo đó, tiền lương và các khoản phụ cấp được liệt kê chi tiết theo giấy thôi trả lương ngày 28/5/2001 với Hệ số lương: 2.14; Lương được hưởng: 2.14 x 210.000 = 449.000 đồng; Phụ cấp khu vực: 0.2 x 210.000 = 42.000 đồng; Cộng lương: 491.400 đồng và các quyền lợi khác.

Vì thời điểm đó còn thiếu hiểu biết pháp luật, ông H đã không hề hay biết tới việc mình đúng ra còn được hưởng thêm khoản trợ cấp khi thôi việc tại BQL huyện C. Mãi cho tới hiện tại, sau khi ông H chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty VHH là đơn vị tiếp nhận ông vào làm sau đó, ông H mới phát hiện mình còn hưởng thêm khoản trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.

Do đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình nên ông H đã tới gặp trực tiếp BQL huyện C làm việc. Ban quản lý rừng phòng hộ đồng ý chi trả trợ cấp thôi việc nhưng chỉ chi trả cho ông H số tiền trợ cấp thôi việc đúng bằng với số tiền trợ cấp từ cách đây 20 năm trước, điều này hoàn toàn không còn phù hợp với thực tế, cũng như quy định pháp luật.

Vậy nên, ông H đã từ chối phương án chi trả trợ cấp thôi việc như vậy và quyết định khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức yêu cầu giải quyết các vấn đề sau:

- Yêu cầu buộc BQL huyện C phải chi trả một lần và toàn bộ số tiền trợ cấp thôi việc cho ông H từ ngày 01/01/1991 tới ngày 31/5/2001 là: ((3.920.000 đồng x 2.14 + 3.920.000 đồng x 0.2)/2 ) x 10 năm = 45.864.000 đồng (Bốn mươi lăm triệu, tám trăm sáu mươi tư ngàn đồng) (Trong đó: 3.920.000 đồng là mức tiền lương tối thiểu tại thời điểm hiện tại để làm cơ sở tính trợ cấp thôi).

- Yêu cầu BQL huyện C phải trả lãi chậm trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông H được tính bắt đầu từ ngày 01/6/2001 tạm tính đến ngày 15/3/2022, với mức lãi suất tương đương lãi suất cơ bản của ngân hàng nhà nước là 9%/năm. Do đó, số tiền lãi chậm trả mà BQL huyện C chi trả cho ông H sẽ là: 45.864.000 đồng x 9% x 7592 ngày/365 = 85.857.408 đồng (Tám mươi lăm triệu, tám trăm năm mươi bảy ngàn, bốn trăm lẻ tám đồng).

Tổng cộng số tiền trợ cấp thôi việc cả gốc và lãi chậm trả mà ông H yêu cầu Tòa án buộc BQL huyện C phải chi trả là 131.721.408 đồng (Một trăm ba mốt triệu, bảy trăm hai mươi mốt ngàn, bốn trăm lẻ tám đồng).

Tại Bản tự khai, Biên bản hòa giải, bị đơn – BQL huyện C có ông T là đại diện theo ủy quyền trình bày:

Bị đơn xác nhận quá trình làm việc và thời gian làm việc của ông H tại BQL huyện C là đúng như phía đại diện nguyên đơn đã trình bày. Về hồ sơ của ông H do thời gian đã quá lâu nên hiện nay không còn lưu giữ tại BQL huyện C . Toàn bộ hồ sơ BQL huyện C hiện nay được biết là do phía ông H cung cấp.

Phía BQL huyện C cũng xác nhận vào thời điểm ông H chuyển công tác BQL huyện C chưa chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông H lý do là ông H nghỉ và chuyển công tác về Công ty VHH Tp H (không phải là cơ quan nhà nước) thì phải ra quyết định nghỉ việc cho ông H , nhưng BQL huyện C lại ra công văn số 50/CV-BQL ngày 28/05/2001 về việc chấp thuận cho chuyển hợp đồng lao động đối với ông H là không đúng quy định vào thời điểm đó.

Nay BQL huyện C cũng đồng ý thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông H trên cơ sở Bộ luật lao động năm 1994, Nghị định số 197-CP ngày 31/12/1994; Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020, cụ thể;

- Số tháng được hưởng trợ cấp: 10,5 tháng/2 = 5,25 tháng - Tổng lương bình quân 06 tháng liền kề (từ tháng 12/2000 đến tháng 05/2001) là 479.700 đồng.

Như vậy số tiền ông H được hưởng trợ cấp tại thời điểm năm 2001 là 2.518.425 đồng.

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì mức lãi suất của số tiền chưa trả trợ cấp thôi việc tính theo mức lãi suất tiền giữ không kỳ hạn cao nhất của các Ngân hàng thương mại nhà nước công bố hiện tại là 0,2%. Lãi tạm tính từ 01/6/2001 đến 30/6/2021 là 101.359 đồng. Như vậy tổng số tiền trợ cấp thôi việc BQL huyện C đồng ý trả cho ông H là 2.619.784 đồng.

Với nội dung vụ án nêu trên Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên án:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc BQL huyện C phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông H là 2.518.425 đồng, tiền lãi là 104.904 đồng, tổng cộng là 2.623.329 (hai triệu sáu trăm hai mươi ba nghìn ba trăm hai mươi chín) đồng.

Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo cho các bên đương sự.

Ngày 05/10/2022 bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án và đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn cung cấp đơn kháng cáo (sửa đổi, bổ sung) và trình bày yêu cầu kháng cáo:

Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như kéo dài thời hạn xét xử, không ghi nhận ý kiến thảo luận của Hội đồng xét xử, không có biên bản phiên tòa.

Về nội dung: Do Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng không đúng quy định pháp luật về mức lương để làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc và mức lãi suất chậm trả do hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho ông cụ thể như sau:

- Theo quy định tại Điều 26, khoản 1 Điều 7 Bộ luật Lao động năm 1994; Điều 13 Nghị định 196/NĐ-CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật lao động về tiền lương thì, tiền lương của người lao động được trả trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động nhưng không được thấp hơn lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 38/2022 NĐ-CP ngày 12/6/2022 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì, mức lương của ông là 4.160.000 đồng. Việc trả tiền trợ cấp thôi việc vào năm 2022 thì phài tính theo mức lương tối thiểu của năm 2022. Chính vì vậy ông đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm buộc bị đơn phải trả cho ông tiền trợ cấp thôi việc theo mức lương tối thiểu vùng năm 2022, nhân với bậc lương ông đang được hưởng là 2.14 và phụ cấp khu vực 0.2% tổng cộng là 48.672.000 đồng.

- Bộ luật Lao động năm 1994 không có quy định nào quy định về việc tính tiền lãi suất chậm trả của số tiền trợ cấp thôi việc, chính vì vậy phải áp dụng lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự năm 1995 mức lãi suất tiền gởi tối đa theo Quyết định số 1812/QĐ-NHNN ngày 24/10/2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về mức lãi suất tối đa đối với tiền gởi bằng đồng Việt Nam là 6,5%/năm nhân lãi suất chậm trả 150% là 9,75%/năm; Tổng số tiền lãi mà bị đơn phải trả là 102.971.283 đồng.

Chính vì các lý do trên ông đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm, sửa bản án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông H .

Bị đơn trình bày ý kiến về yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn:

Nguyên cuối tháng 5 năm 2001 ông H có làm đơn xin chuyển công tác sang đơn vị mới, phía BQL huyện C làm các thủ tục chuyển công tác cho ông theo nguyện vọng, trả lương đến hết tháng 5 năm 2001và cấp giấy thôi trả lương theo thủ tục cán bộ, nhân viên chuyển công tác để đơn vị mới tiếp tục trả lương, không trả trợ cấp thôi việc như đối với cán bộ nhân viên chuyển công tác. Sau khi ông H có yêu cầu thanh toán tiền trợ cấp thôi việc chúng tôi mới biết việc làm trước đây của chúng tôi là có thiếu sót, vì không tuân thủ theo đúng quy định của Bộ luật lao động năm 1994 về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Nay chúng tôi đồng ý thanh toán số tiền trợ cấp thôi việc và số tiền lãi cho ông H theo bản án sơ thẩm và đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bàn án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H phát biểu ý kiến: Về hình thức: Đơn kháng cáo của đương sự nằm trong hạn luật định nên hợp lệ. Hội đồng xét xử đúng thành phần, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

Về nội dung: sau khi phân tích những tình tiết khách quan của vụ án, căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự, đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố H đề nghị Hội đồng xét xử, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa sau khi phân tích, đánh giá về kháng cáo, các tình tiết của vụ án, việc giải quyết, xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm, đối chiếu những căn cứ pháp luật, Hội đồng xét xử Phúc thẩm nhận định:

[1] Bản án sơ thẩm số 3604/2022/LĐ-ST được tuyên vào ngày 20/9/2022, ngày 05/10/2022 nguyên đơn kháng cáo vì vậy đơn kháng cáo của nguyên đơn nằm trong thời hạn luật định, nguyên đơn khởi kiện đòi tiền trợ cấp thôi việc nên được miễn đóng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm do đó Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận giải quyết vụ án theo trình tự phúc thẩm. Đối với ý kiến của nguyên đơn cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Qua xem xét hồ sơ thì ý kiến của nguyên đơn là không đúng, do Tòa án cấp sơ thẩm đã đã giải quyết khiếu nại của nguyên đơn về việc chậm đưa vụ án ra xét xử, trong hồ sơ vụ án có đầy đủ biên bản nghị án, và biên bản phiên tòa.

[2] Nguyên đơn và bị đơn cùng thống nhất, nguyên đơn công tác tại Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố của nguyên đơn từ ngày 01/01/1991 tới hết ngày 31/12/1999 và sau đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ môi trường thành phố được giao về Ủy ban Nhân dân huyện Cần Giờ quản lý và được đổi tên thành BQL huyện C, ông H đã tiếp tục làm việc tại đơn vị mới này từ ngày 01/01/2000 tới ngày 28/5/2001 theo hình thức nhân viên hợp đồng. Do đó có đủ cơ sở xác định thời gian làm việc của ông H tại BQL huyện C là 10 năm 05 tháng.

[3] Quyết định về thành lập BQL huyện C số 169/QĐ-UB-CNN ngày 07/6/2000 của UBND Thành phố H (BL 44) xác định: “Ban Quản lý rừng phòng hộ huyên Cần Giờ là đơn vị sự nghiệp có thu, có tư cách pháp nhân, con giấu riêng...”.

[4] Sau thời điểm chuyển giao ông H vẫn tiếp tục làm việc tại BQL huyện C là đơn vị sự nghiệp Nhà nước có thu, do đó ông H là viên chức làm việc theo hợp đồng lao động. Tiền lương của ông được điều chỉnh bởi Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ về quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức hành chánh sự nghiệp và lực lương vũ trang. Cụ thể theo Giấy thôi trả lương số 51/CV-BQL ngày 28/5/2001 của BQL huyện C thì ông H được xếp ngạch 01 010 là nhân viên phục vụ, hệ số lương là 2,14, phụ cấp khu vực là 0,2. Mức tiền lương tối thiểu 210.000 đồng là phù hợp với Nghị định 77/2000/NĐ- CP của Chính phủ ngày 12/5/2000 về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu, mức trợ cấp và sinh hoạt phí đối với các đối tượng hưởng lương, trợ cấp và sinh hoạt phí.

[6] Chính vì ông H là viên chức làm việc cho đơn vị sự nghiệp Nhà nước nên được hưởng lương cơ sở theo Nghị định 25/CP và Nghị định 77/2000/NĐ- CP. Còn đối với người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác có thuê mướn lao động theo Bộ luật Lao động mới là đối tương được hưởng lương theo nức lương tối thiểu vùng. Tòa án cấp sơ thẩm buộc BQL huyện C phải trả cho ông H số tiền trợ cấp thôi việc theo mức lương cơ sở 210.000 đồng và tính tiền lương trung bình của 6 tháng liền kề trước khi ông H nghỉ việc là 479.700 đồng là có cơ sở (tháng 12/2000 áp dụng mức lương tối thiểu 180.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 175/1999/NĐ-CP ngày 15/12/1999, từ tháng 01 đến tháng 5/2001 áp dụng mức lương tối thiểu 210.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 77/2000/NĐ-CP ngày 15/12/2000). Tòa án cấp sơ thẩm tính khoản tiền trợ cấp thôi việc của ông là 2.518.435 đồng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động tháng 5, năm 2001 là đúng.

[7] Phía nguyên đơn cho rằng, việc chi trả trợ cấp thôi việc vào thời điểm hiện tại năm 2022 nên phải áp dụng mức chi trả của năm 2022. Tòa án xét thấy: Từ ngày 28/5/2001 ông H đã thôi công tác tại BQL huyện C các chế độ, chính sách đã ngưng tại đây, nên không có cơ sở để buộc BQL huyện C tính tiền lương cho ông đến thời điểm hiện tại hoặc buộc BQL huyện C phải tính mức lương của ông theo mức lương tối thiểu vùng (4.160.000 đồng) của người lao động làm việc cho các doanh nghiệp theo hợp đồng lao động. Vì lý do trên, Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo tăng số tiền trợ cấp thôi việc của nguyên đơn.

[8] Điều 43 Bộ luật Lao động năm 1994 về trách nhiệm thanh toán khi chấm dứt hợp đồng lao động có quy định “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày”. Việc BQL huyện C không kịp thời trả trợ cấp thôi việc cho ông H nên có trách nhiệm trả số tiền lãi trên số tiền chậm trả là đúng; tuy nhiên do Bộ luật Lao động năm 1994 không quy định tiền lãi trong trường hợp người sử dụng lao động chậm trả tiền trợ cấp thôi việc, nên chưa đủ cơ sở (về lãi suất) buộc BQL huyện C phải trả tiền lãi.

[9] Đối với yêu cầu áp dụng lãi suất theo quy định tại Bộ luật Dân sự của nguyên đơn. Tòa án xét thấy: Tại thời điểm nguyên đơn nghỉ việc Bộ luật Dân sự năm 1995 có hiệu lực, Bộ luật này chưa quy định việc áp dụng quy định của Bộ luật dân sự trong trường hợp luật khác có liên quan không quy định nên không thể áp dụng các quy định về lãi phạt trong vụ án này.

[10] Đến năm 2020 thì tiền lãi trong trường hợp người sử dụng lao động chậm trả tiền trợ cấp thôi việc được quy định cụ thể: Tại điểm a khoản 3 Điều 11 của Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của chính phủ quy định về biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp người sử dụng lao động chậm trả tiền trợ cấp thôi việc như sau: “Buộc trả đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền chưa trả tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi không trả hoặc trả không đủ tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm cho người lao động quy định tại khoản 1 Điều này;”. Nghị định này có hiệu lực hồi tố theo quy định tại Điều 57. BQL huyện C tự nguyện trả thêm khoản tiền lãi của số tiền trợ cấp thôi việc chưa trả theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các Ngân hàng thương mại nhà nước công bố hiện tại là 0,2%/năm được quy định tại Quyết định số 1729/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là phù hơp Nghị định số 28/2020/NĐ-CP nêu trên nên được Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận là đúng, Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên phần quyết định này của bản án sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn; Giữ nguyên bản án sơ thẩm số 3604/2022/LĐ-ST ngày 20/9/2022 của Tòa án nhân dân thành phố T, Thành phố H.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Buộc BQL huyện C phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho ông H là 2.518.425 đồng, tiền lãi là 104.904 đồng, tổng cộng là 2.623.329 đồng (hai triệu sáu trăm hai mươi ba nghìn ba trăm hai mươi chín đồng).

Kể từ ngày ông H có đơn yêu cầu BQL huyện C thi hành khoản tiền trên, nếu BQL huyện C chưa thi hành, thi hành không đủ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điiểm chậm trả.

2. Về án phí lao động sơ thẩm: BQL huyện C phải chịu án phí lao động sơ thẩm là 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng).

3. Ông H không phải chịu án phí sơ thẩm và phúc thẩm.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.

5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

112
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc số 121/2023/LĐ-PT

Số hiệu:121/2023/LĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:06/02/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về