TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 06/2021/LĐ-PT NGÀY 01/12/2021 VỀ TRANH CHẤP TIỀN TRỢ CẤP THÔI VIỆC SAU KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 01 tháng 12 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đăk Lăk xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 05/2021/LĐ-PT ngày 11 tháng 10 năm 2021, về việc “Tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 05/2021/QĐXXST-LĐ ngày 22 tháng 10 năm 2021 và Quyết định hoãn phiên tòa số 05/2021/QĐXXST-LĐ ngày 16 tháng 11 năm 2021 giữa các đương sự:
Nguyên đơn: Bà Phạm Thị Th, sinh năm: 1965. Nơi cư trú: Thôn 9, xã CN, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Vũ Minh T, sinh năm: 1968 và bà Trần Thị V, sinh năm: 1957. Nơi cư trú: Thôn 9, xã CN, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Theo giấy ủy quyền, số chứng thực: 000011390, quyền số 06/TP/2020/CC- SCC/HĐGD, ngày 22 tháng 10 năm 2020 – Ông T, bà V có mặt.
Bị đơn: Công ty A. Địa chỉ trụ sở: Thôn 4, xã CN, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Người đại diện theo pháp luật: Ông Võ Khắc T1. Chức vụ: Giám đốc Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:
+ Bà Nguyễn Thị Phồn V1. Chức vụ: Kế toán trưởng Công ty A - Có mặt.
+ Ông Trần Văn Đ. Chức vụ: Đội trưởng đội 9 Công ty A – Có mặt. Địa chỉ: Thôn 4, xã CN, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.
Do bản án lao động sơ thẩm số: 01/2021/LĐ-ST ngày 09 tháng 7 năm 2021 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.
3. Người kháng cáo: Nguyên đơn bà Phạm Thị Th.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
* Theo đơn khởi kiện ngày 12/6/2020, đơn sửa chữa bổ sung đơn khởi kiện ngày 18/12/2020 và tại phiên toà đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn Ông Vũ Minh T trình bày:
Vào tháng 11 năm 1984 bà Phạm Thị Th được Nông trường A (nay là Công ty A) tuyển dụng vào làm công nhân lao động chăm sóc cây cà phê, được trả lương hàng tháng và được đóng Bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật từ tháng 11 năm 1984 nhưng chưa được ký hợp đồng lao động.
Ngày 01/7/1996 bà Phạm Thị Th ký kết hợp đồng lao động số DW 10.096 với Nông trường A. Theo nội dung hợp đồng lao động, thì thời hạn hợp đồng lao động các bên cam kết không xác định thời hạn, bà Th làm công nhân tại đội 9 Nông trường A và công việc là theo hợp đồng giao khoán; mức lương được hưởng bậc 3/6= 206.000 đồng theo lương khoán, phụ cấp khu vực 0.3 và được hưởng bảo hiểm xã hội theo chính sách hiện hành. Ngoài ra, theo hợp đồng được quyền chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc. Công ty trả lương cho bà Th bằng cách khấu trừ trực tiếp vào sản lượng cà phê bà Th phải nộp, còn lại sản lượng bao nhiêu thì nộp lại cho công ty.
Ngày 04/9/1996, Nông trường A đã ký hợp đồng khoán chăm sóc cây cà phê lâu năm số 694/HĐK với bà Phạm Thị Th, diện tích nhận khoán là 0,69ha tại đội 9 – Nông trường A, thời hạn 50 năm kể từ ngày 01/01/1996, bà Th thực hiện đúng theo hợp đồng lao động và hợp đồng giao khoán với công ty, được trả lương đầy đủ cho đến tháng 12 năm 2009, bà Th tự nguyện làm đơn xin nghỉ việc để chờ hưởng chế độ hưu trí và được Công ty chấp thuận nên ngày 31/12/2009 Công ty Cà phê 720 đã Ban hành quyết định số 40/2009/QĐ/TC, về việc chấp dứt hợp đồng lao động với bà Phạm Thị Th. Tại biên bản giám định khả năng lao động, ngày 29/7/2010 của Hội đồng giám định y khoa tỉnh Đắk Lắk kết luận tỷ lệ mất sức lao động của bà Phạm Thị Th là 61%. Ngày 20/8/2010 Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 1154/QĐ – BHXH về việc hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, tổng thời gian tham gia đóng bảo hiểm là 25 năm 02 tháng, đến ngày 01/9/2010 Công ty Cà phê 720 đã giao trả toàn bộ hồ sơ cho người lao động nghỉ chế độ chính sách cho bà Th. Bà Th vẫn không trả lại diện tích đất trên cho Công ty mà vẫn tiếp tục nhận khoán diện tích đất trên để canh tác.
Trong hợp đồng lao động năm 1996 có quy định về chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật nhưng do bà Th nhận thức pháp luật còn hạn chế, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động bà Th nhận quyết định số 40/2009/QĐ/TC, về việc chấp dứt hợp đồng lao động ngày 31/12/2009 bà Th không đọc quyết định nên không biết bà Th có thuộc trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc hay không?, đến ngày 12/10/2018 bà Th mới biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm nên có đơn đề nghị Công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc và công ty ban hành công văn số 08/2018/CV –CT ngày 31/10/2018 về việc trả lời đơn đề nghị hưởng chế độ trợ cấp thôi việc là không chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà Th. Theo quy định của Bộ luật Lao động, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, bà Th được hưởng khoản tiền trợ cấp thôi việc là ½ tháng lương/01 năm, tuy nhiên Công ty cà phê 720 chưa thực hiện việc chi trả tiền tiền trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động cho bà Th.
Vì vậy, bà Phạm Thị Th khởi kiện yêu cầu Công ty A trả cho bà Phạm Thị Th số tiền trợ cấp thôi việc và số tiền lãi suất do chậm chi trả tiền trợ cấp thôi việc là 60.208.280đ, trong đó tiền trợ cấp thôi việc là 30.257.500đ và tiền lãi suất do chậm chi trả tiền trợ cấp thôi việc từ ngày 01/01/2010 cho đến ngày khởi kiện là 29.950.780đ. Số tiền trợ cấp thôi việc và tiền lãi suất phát sinh được tính cụ thể như sau:
- Tiền trợ cấp thôi việc năm 2010 mức lương của Nhà nước quy định là 650.000đ/tháng, tính đến thời điểm xin nghỉ việc là 24,5 tháng x 650.000đ/tháng : 2 x 3.8 = 30.257.500đ.
- Tiền lãi suất phát sinh từ ngày 01/01/2010 tính đến ngày 21/9/ 2020 là 9 năm 9 tháng là 3.613 ngày x 30.257.500đ x 10%/ năm/ 30 = 29.950.780đ. Số tiền lãi suất phát sinh do chậm thanh toán từ ngày 22/9/2020 cho đến nay bà Th không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết.
Như vậy tổng cộng số tiền gốc và lãi suất phát sinh nguyên đơn bà Phạm Thị Th khởi kiện yêu cầu Công ty A trả cho bà Th là 60.208.280đ (Sáu mươi triệu, hai trăm linh tám nghìn, hai trăm tám mươi đồng).
* Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn bà Trần Thị V trình bày: Bà V đồng ý với ý kiến trình bày của Ông Vũ Minh T, đề nghị HĐXX giải quyết theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị Th và không có ý kiến trình bày bổ sung gì thêm.
* Tại Bản tự khai ngày 31 tháng 7 năm 2020 và tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị đơn Công ty A, là Ông Trần Văn Đ, Bà Nguyễn Thị Phồn V1 cùng trình bày:
Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị Th, Công ty A không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn và yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Ea Kar áp dụng thời hiệu khởi kiện theo đơn đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với bà Phạm Thị Th, vì đã hết thời hiệu khởi kiện theo quy định với các lý do sau:
Thứ nhất: Bà Phạm Thị Th được tuyển dụng vào làm công nhân lao động của Nông trường A từ tháng 11/1984, nghề nghiệp chính là công nhân chăm sóc cà phê, thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) từ tháng 11/1984, số lao động số A2 40/0012403/1.1.3, SOP số 4096029456, hợp đồng lao động số DW 10.096.
Từ năm 1990 trở về trước, Bà Th được Nông trường A trực tiếp chi trả lương, tiền công lao động theo bậc lương và ngày công thực tế hàng tháng, được hưởng các khoản chế độ về BHXH và các chế độ khác theo quy định hiện hành.
Từ tháng 4 năm 1991, Nông trường xóa bỏ bao cấp thực hiện giao khoán sử dụng vườn cây theo Chỉ thị 100/CT-TW và khoán 10 của Chính phủ, chế độ tiền lương và BHXH được tính toán trong phương án khoán, quy ra sản lượng và giữ lại bằng sản phẩm cà phê quả tươi.
Năm 1996 thực hiện quy định của Nhà nước, Nông trường tiến hành làm hợp đồng lao động và hợp đồng lao động được ký kết giữa Giám đốc Nông trường với toàn bộ công nhân trong đó có bà Phạm Thị Th, theo nội dung hợp đồng lao động số DW 10.096 ký ngày 01/7/1996 được ký kết giữa Công ty với bà Th thì tại Điều 1 của hợp đồng có ghi rõ: “Công việc phải làm theo hợp đồng khoán”, tiền lương và các khoản chế độ BHXH nằm trong phương án khoán và thể hiện trong hợp đồng khoán. Đến ngày 4/9/1996, Nông trường ký lại hợp đồng khoán mới thay thế cho hợp đồng khoán năm 1991 theo Nghị định số 01/NĐ-CP ngày 4/11/1995 của Thủ tướng chính phủ và Quyết định số 109/TT-BNN ngày 27/2/1995 của Bộ trưởng bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Hợp đồng khoán đất chăm sóc cây lâu năm với bà Th số 694/HĐK ngày 4/9/1996 với diện tích là 0.69 ha cà phê trồng năm 1984, Thời hạn giao khoán đất để chăm sóc là 50 năm.
Đến năm 2006, thực hiện Nghị định số 135/NĐ-CP ngày 4/11/2005 của Chính phủ và theo Thông tư số 102/2006/TT-BNN ngày 13/11/2006 của Bộ nông nghiệp và chỉ đạo của Tổng công ty cà phê Việt Nam hướng dẫn về làm hợp đồng khoán mới, Nông trường tổ chức ký lại hợp đồng mới giai đoạn 1 từ năm 2007-2010, hợp đồng của bà Th số 238/2007/HĐ ký ngày 23/10/2007 với diện tích 7,145 m2 cà phê kèm theo biên bản giao nhận đất khoán, hợp đồng số 46/2008/HĐ ngày 28/3/2008 với diện tích 2.603 m2 sản xuất cây lúa nước. Đến năm 2011 ký lại hợp đồng của giai đoạn 2 từ năm 2011-2015, hợp đồng số 76/9/2011/HĐGNH ký ngày 3/8/2011 với diện tích là 7.145 m2 cà phê và hợp đồng số 167/2/2011/HĐGNK ngày 10/8/2011 với diện tích 2.603 m2 sản xuất cây lúa nước và phụ lục hợp đồng kéo dài thêm 01 năm 2016 số 76/9/2016/PLHĐ ngày 11/4/2016 của hợp đồng cà phê năm 2011-2015 do năm 2017 phải nhổ thanh lý để tái canh theo kế hoạch sản xuất của Công ty và phụ lục hợp đồng kéo dài thêm 2 năm của hợp đồng khoán lúa nước năm 2011-2015 số 167/2/2016/PLHĐ ký ngày 1/4/2016 với diện tích đất lúa là 2.603 m2. Tổng diện tích 2 loại là 0.97 ha.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, bà Th thực hiện theo đúng công việc, không bị kỷ luật hay vi phạm hợp đồng và được trả lương đầy đủ như nguyên đơn trình bày. Đến tháng 12/2009 bà Th có đơn xin nghỉ việc để hưởng chế độ hưu chờ theo quy định, được công ty chấp thuận và Công ty đã ban hành Quyết định số 40/2009/QĐ-CT ngày 31/12/2009 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Phạm Thị Th. Kể từ ngày Công ty ban hành Quyết định, trong Quyết định đã ghi rõ nội dung “Công ty không chi trả tiền trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động” và ngày 01/9/2010 Công ty đã giao trả hồ sơ cho lao động nghỉ chế độ chính sách cho bà Th, bà Th đã ký vào sổ được lưu trữ tại Công ty nhưng không có đơn yêu cầu và không có khiếu nại gì. Đến ngày 12/10/2018, bà Th mới làm đơn đề nghị công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc và công ty có công văn số 08 ngày 31/10/2018 về việc trả lời cho bà Th không thuộc đối tượng được chi trả tiền trợ cấp thôi việc, với lý do bà Th không trả đất lại cho công ty, vẫn đứng tên trong hợp đồng giao nhận khoán.
Nay bà Phạm Thị Th khởi kiện yêu cầu công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc và lãi suất phát sinh thì công ty không đồng ý chi trả, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 167 Bộ luật lao động 1994 thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, kể từ ngày mỗi bên tranh chấp là 01 năm, như vậy bà Th tự nguyện làm đơn xin nghỉ việc từ tháng 12/2009 và đến ngày 01/9/2010 công ty đã giao hồ sơ bảo hiểm cho bà Th, đến nay là 12 năm thì thời hiệu khởi kiện đã hết. Do đó, đề nghị Tòa án nhân dân huyện Ea Kar áp dụng thời hiệu khởi kiện theo đơn đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện của phía bị đơn đối với nguyên đơn bà Phạm Thị Th.
Tại Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐST ngày 09/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar đã quyết định:
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm đ khoản 1 Điều 40, khoản 2 Điều 184; Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 3 Điều 37; khoản 1 Điều 42; Điều 145; khoản 1 Điều 167 của Bộ luật Lao động 1994, sửa đổi bổ sung năm 2007; khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012; khoản 3 Điều 190 Bộ luật Lao động năm 2019; Khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 14 Nghị định 44/2003/NĐ – CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về Hợp đồng lao động; điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ngày 30/12/2016, quy định về án phí lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị Th về việc yêu cầu Công ty A phải trả số tiền trợ cấp thôi việc và lãi suất phát sinh do chậm chi trả tiền trợ cấp thôi việc là 60.208.280đ (Sáu mươi triệu, hai trăm linh tám nghìn, hai trăm tám mươi đồng); Trong đó tiền trợ cấp thôi việc là 30.257.500 đồng; tiền lãi suất phát sinh do chậm chi trả là 29.950.780 đồng.
2. Về án phí: Nguyên đơn bà Phạm Thị Th không phải chịu án phí lao động sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Ngày 23/7/2021, nguyên đơn bà Phạm Thị Th kháng cáo đối với Bản án số 01/2021/DSST ngày 09/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk. Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hủy bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:
Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Ngày 01/7/1996 bà Phạm Thị Th đã ký hợp đồng lao động với Nông trường A. Đến tháng 12/2009 bà Th có đơn xin nghỉ việc để hưởng chế độ hưu chờ theo quy định, được công ty chấp thuận và ngày 31/12/2009 Công ty đã ban hành Quyết định số 40/2009/QĐ-CT về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Phạm Thị Th. Công ty đã giao quyết định và trả hồ sơ cho lao động nghỉ chế độ chính sách cho bà Th, bà Th đã ký vào sổ được lưu trữ tại Công ty nhưng không có đơn yêu cầu và không có khiếu nại gì. Đến ngày 12/10/2018, bà Th mới làm đơn đề nghị Công ty chi trả tiền trợ cấp thôi việc thì đã hết thời hiệu khởi kiện. Do đó đề nghịu HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ các tài liệu chứng cứ, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của bà Phạm Thị Th trong hạn luật định nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Về nội dung kháng cáo:
Tháng 12 năm 2009 bà Phạm Thị Th có đơn tự nguyện xin nghỉ việc chờ hưu và Công ty cà phê 720 đã ban hành Quyết định số 40/2009/QĐ-CT, ngày 31/12/2009 về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với bà Phạm Thị Th, có nội dung “số tiền được hưởng khi nghỉ việc là không, vì vẫn còn nhận đất sản xuất của Công ty” nên công ty không chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà Th và ngày 01/9/2010 công ty đã bàn giao toàn bộ hồ sơ bản gốc cho bà Th. Do đó, tại thời điểm xin nghỉ việc bà Th đã biết quyền được yêu cầu công ty chi trả trợ cấp thôi việc, cũng như việc Nông trường cà phê 720 không chi trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà Th là ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Th, nhưng đến ngày 12/6/2020 bà Th mới làm đơn khởi kiện Công ty A để yêu cầu, căn cứ khoản 1 Điều 167 Bộ luật Lao động 1994; khoản 2 Điều 202 Bộ luật Lao động năm 2012; Khoản 3 Điều 190 Bộ luật lao động năm 2019; khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự, khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng Dân sự, thì thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân giữa bà Phạm Thị Th và Công ty A đã hết. Bị đơn có đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện để không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ nên cần chấp nhận.
Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định thời hiệu khởi kiện vụ án không còn (Bị đơn cũng đã có đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện). Đáng lẽ ra cấp sơ thẩm phải áp dụng điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm vẫn tiếp tục giải quyết và đưa vụ án ra xét xử là không đúng quy định của pháp luật. Do thời hiệu khởi kiện đã hết, bị đơn có đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu. Vì vậy, cần chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn hủy Bản án lao động sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 4 Điều 308; Điều 311 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
Căn cứ khoản 2 Điều 11 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Phạm Thị Th.
Hủy toàn bộ Bản án lao động sơ thẩm số 01/2021/LĐST ngày 09/7/2021 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar. Đình chỉ việc giải quyết vụ án.
2. Hậu quả của việc đình chỉ: Khi đình chỉ giải quyết vụ án, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
3. Về án phí: Nguyên đơn được miễn toàn bộ tiền án phí.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.
Bản án về tranh chấp tiền trợ cấp thôi việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động số 06/2021/LĐ-PT
Số hiệu: | 06/2021/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 01/12/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về