Bản án về tranh chấp tiền lương và bồi thường thiệt hại số 42/2022/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 1, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 42/2022/LĐ-ST NGÀY 06/07/2022 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG VÀ BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Trong ngày 06 tháng 7 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân Quận 1, Tp. H đã xét xử sơ thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 7/2021/LĐST ngày 14/01/2021 về việc “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2329/2022/QĐXXST-LĐ ngày 13 tháng 5 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa số 2951/2022/QĐST-LĐ ngày 08 tháng 6 năm 2022, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông CK, sinh năm 1952.

Địa chỉ liên hệ: Căn hộ A1.1214, Tòa nhà G, 132 B, Phường M, Quận B, Tp.H.

Ngưi đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Quang P, sinh năm 1974 (Theo Giấy ủy quyền lập ngày 07/12/2020).

Địa chỉ: Phòng 22, Tòa nhà F, 23 PK, phường Đ, Quận M, Tp. H (Yêu cầu xét xử vắng mặt).

Ngưi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Trung H, sinh năm 1967 – Luật sư của Công ty Luật TNHH Đ.

Địa chỉ: Phòng 5A, 23 PK, phường Đ, Quận M, Tp. H (Có mặt).

- Bị đơn: Công ty TNHH Tập đoàn JH.

Địa chỉ: 24 - 26 H, P. N, Quận M, Tp. H.

Ngưi đại diện hợp pháp của bị đơn:

Ông Nguyễn Hùng N, sinh năm 1977 là người đại diện theo pháp luật Địa chỉ: 210 T, Phường N, Quận M, Tp. H (Có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo Đơn khởi kiện ngày 07/12/2020, Đơn yêu cầu xét xử vắng mặt ngày 06/7/2022 của ông Nguyễn Quang P là người đại diện hợp pháp của nguyên đơn và tại phiên toà, ý kiến của ông Phạm Trung H là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Nguyên đơn là ông CK có quốc tịch Anh, đến tạm trú và làm việc tại Việt Nam theo Giấy phép lao động số 1025/2020/SLĐ-TPHCM do Sở Lao động Thương Binh và Xã hội Tp. H cấp có thời hạn từ ngày 27/02/2020 đến hết ngày 17/01/2022.

Nguyên đơn ký với bị đơn Hợp đồng lao động số 01/JH GROUP LTD (không đề ngày tháng năm) làm việc tại số 24 - 26 H, Phường N, Quận M, Tp. H với chức vụ Bếp trưởng trong thời hạn 05 năm tính từ ngày 01/11/2019 đến ngày 31/10/2024; mức lương 6.000 USD/tháng trả bằng đô la Mỹ, không bao gồm các loại thuế; thời gian làm việc 06 ngày/tuần.

Thực hiện hợp đồng từ tháng 11/2019 đến tháng 02/2020, bị đơn yêu cầu nguyên đơn nghiên cứu thực đơn các món ăn và trả đủ tiền lương bằng tiền mặt đô la Mỹ. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020 bị đơn không giao việc và ngưng trả lương cho nguyên đơn. Nguyên đơn đến địa chỉ 24 - 26 H, Phường N, Quận M thì Công ty không hoạt động, không có nhân viên nào làm việc tại đây. Nguyên đơn cố gắng liên hệ để gặp ông Nguyễn Thái H (là người đại diện theo pháp luật) hỏi rõ, mặc dù phía Công ty cho biết vẫn giữ ý định thuê nguyên đơn làm việc nhưng lại không giao việc làm, không trả lương và cũng không có biện pháp nào khác hỗ trợ đã đẩy nguyên đơn và gia đình vào tình thế khó khăn không mong muốn.

Đến ngày 13/10/2020, nguyên đơn gửi cho bị đơn Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ký ngày 12/10/2020 theo quy định của pháp luật lao động, yêu cầu bị đơn trả tiền lương và bồi thường theo thoả thuận của hợp đồng lao động đã ký nhưng bị đơn không thực hiện.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lương của năm 2020, tiền lãi chậm trả lương và bồi thường thiệt hại tương ứng với tiền lương trong thời gian còn lại của hợp đồng lao động đến ngày 31/10/2024.

Nay tại phiên toà, nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn bồi thường số tiền tương ứng với tiền lương trong thời gian từ sau ngày 17/01/2022 đến ngày 31/10/2024 và thay đổi các yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn thanh toán các khoản như sau:

+ Tiền lương từ ngày 01/3/2020 đến ngày 16/10/2020 (là ngày nguyên đơn chính thức nghỉ việc sau khi gửi cho bị đơn Thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động), số tiền: 6.000 USD x 7,5 tháng x 23.200 đồng/USD = 1.044.000.000 đồng;

+ Tiền lãi chậm thanh toán tiền lương của tháng 3 đến tháng 9/2020 theo mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 01 tháng là 3,2%/năm, thời gian tính lãi của mỗi kỳ trả lương là sau 30 ngày của kỳ lương bị chậm thanh toán, bắt đầu tính từ ngày 01/4/2020 và chỉ yêu cầu tính lãi chậm thanh toán đến ngày 31/01/2022 của 07 kỳ lương tổng cộng 133 tháng số tiền lãi là 2.128 x 23.200 đồng/USD = 49.369.600 đồng; không yêu cầu tính lãi chậm trả đến ngày xét xử hôm nay;

+ Bồi thường số tiền tương ứng với tiền lương trong thời gian từ ngày 17/10/2020 đến ngày 17/01/2022 (từ ngày tiếp sau ngày nghỉ việc đến ngày hết hạn giấy phép lao động là 15 tháng), số tiền 90.000 USD quy đổi thành tiền là 2.088.000.000 đồng.

Tổng cộng số tiền bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là: 3.181.369.600 đồng (Ba tỷ một trăm tám mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi chín nghìn sáu trăm đồng) ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Bị đơn Công ty TNHH Tập đoàn JH, trong quá trình chuẩn bị xét xử có ông Lê Lý Quang Phục là người đại diện theo uỷ quyền tham gia tố tụng. Tại phiên toà, có ông Nguyễn Hùng N là người đại diện theo pháp luật trình bày:

Bị đơn xác nhận về việc ký Hợp đồng lao động số 01/JH GROUP LTD tuyển nguyên đơn làm Bếp trưởng, thời hạn hợp đồng 05 năm tính từ ngày 01/11/2019 đến ngày 31/10/2024, mục đích để mở nhà hàng tại địa chỉ: 24-26 H, Phường N, Quận M, Tp. H. Thời điểm ký hợp đồng lao động thì nhà hàng chưa hoạt động do cần phải chuẩn bị mặt bằng, làm thủ tục đăng ký cấp giấy phép lao động cho nguyên đơn, trong thời gian đó bị đơn yêu cầu nguyên đơn test món ăn, lên thực đơn… và trả lương bằng tiền mặt đô la Mỹ 6.000USD/tháng (lương sau thuế) cho nguyên đơn đến hết tháng 02/2020.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2020 thì kế hoạch mở nhà hàng của bị đơn không thành vì gặp phải một số khó khăn trong việc thuê mặt bằng, các cổ đông không tiếp tục góp vốn và tình hình dịch Covid tại Tp. H bùng phát. Do không có doanh thu nên bị đơn ngừng trả lương cho nguyên đơn. Bị đơn thừa nhận đã sai khi không chủ động liên hệ với nguyên đơn để trao đổi giải quyết thanh lý hợp đồng lao động với nguyên đơn đúng quy định mới xảy ra sự việc này.

Nay đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn đồng ý với mức lãi suất tính lãi chậm trả lương 3,2%/năm, tiền lương USD quy đổi theo tỷ giá 23.200 đồng/usd và chấp nhận số tiền lương, tiền lãi chậm trả và bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn đã nêu. Tuy nhiên, hiện nay bị đơn không có khả năng để thanh toán số tiền này cho nguyên đơn, nguyên đơn có thể xem xét cho bị đơn khi nào có tiền thì bị đơn mới thanh toán.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 phát biểu ý kiến:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng, đầy đủ quy định về trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Tuy nhiên, cần khắc phục về thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tại phiên toà, nguyên đơn thay đổi trong phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu; rút một phần yêu cầu buộc bị đơn bồi thường số tiền tương ứng tiền lương từ sau ngày 17/01/2022 đến ngày 31/10/2024 là tự nguyện, có lợi cho bị đơn nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận, đình chỉ xét xử đối với phần nguyên đơn rút yêu cầu theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Về nội dung vụ án: Căn cứ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án nhận thấy: Ngày 12/01/2019, nguyên đơn và bị đơn ký kết hợp đồng lao động số 01/JH GROUP LTD để đảm nhiệm chức vụ Bếp trưởng, mức lương $6000/tháng, thời hạn 05 năm từ ngày 01/11/2019 đến 31/10/2024 tuân theo các điều kiện sau: thời hạn Hợp đồng đầu tiên là 03 năm tính từ ngày 01/11/2019 cho đến khi giấy phép lao động hết hạn,… trước khi hết thời hạn 03 năm đầu, cả hai bên sẽ phải thực hiện các thủ tục pháp lý để xin giấy phép làm việc mới với thời hạn 02 năm. Cả nguyên đơn và bị đơn đều xác nhận việc bị đơn đã trả lương cho nguyên đơn bằng hình thức trả tiền mặt, thanh toán bằng đô la Mỹ từ tháng 11/2019 đến tháng 02/2020 và từ tháng 3/2020 trở đi, bị đơn không trả lương cho nguyên đơn nữa, cũng không tiếp tục sắp xếp công việc cho nguyên đơn nhưng bị đơn đã không trao đổi, giải thích hay giải quyết quyền lợi về hợp đồng lao động đã ký kết với nguyên đơn.

Xét các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, cụ thể:

1. Yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lương từ ngày 01/3/2020 đến ngày 16/10/2020 (thời gian 7,5 tháng), số tiền là $45.000: Xét thấy bị đơn ký hợp đồng lao động với nguyên đơn nhưng không sắp xếp công việc cho nguyên đơn làm việc đúng thoả thuận, không thông báo lý do ngừng việc được sự đồng ý của nguyên đơn đúng quy định là lỗi của bị đơn. Căn cứ quy định tại Điều 90, khoản 1 Điều 99 Bộ luật Lao động năm 2019, bị đơn phải trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho nguyên đơn. Do đó, có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn thanh toán tiền lương từ 01/3/2020 đến ngày 16/10/2020, số tiền là $45.000.

2. Yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lãi chậm trả của 07 tháng lương (từ tháng 3/2020 đến 9/2020), thời gian tính lãi chậm trả là từ 01/4/2020 đến 31/01/2022 tổng cộng 133 tháng, lãi suất 3,2%/năm: Căn cứ khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định về kỳ hạn trả lương “Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”. Tại phiên toà, bị đơn xác nhận không trả lương cho nguyên đơn từ tháng 03/2020, thống nhất với mức lãi suất nguyên đơn yêu cầu tính lãi chậm trả lương là 3,2%/năm nên có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn thanh toán tiền lãi chậm trả của các tháng lương từ tháng 3 đến 9/2020, thời gian tính lãi chậm trả từ 01/4/2020 đến 31/01/2022, tổng cộng 133 tháng với lãi suất 3,2%/năm.

3. Yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền tương ứng tiền lương trong thời gian còn lại của hợp đồng lao động từ ngày 17/10/2020 đến ngày 17/01/2022 (ngày nguyên đơn hết hạn làm việc theo Giấy phép lao động được Sở lao động thương binh xã hội cấp): Xét Hợp đồng lao động số 01/JH GROUP LTD giữa nguyên đơn và bị đơn có quy định thời hạn Hợp đồng đầu tiên là 03 năm tính từ ngày 01/11/2019 cho đến khi giấy phép lao động được cấp cho nguyên đơn hết hạn. Căn cứ công văn số 18761/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 03/6/2021 của Sở Lao động Thương binh và Xã hội xác nhận giấy phép lao động của nguyên đơn có thời hạn từ ngày 27/02/2020 - 17/01/2022. Từ đó có cơ sở xác định thời hạn kết thúc hợp đồng là ngày 17/01/2022. Căn cứ khoản 1 Điều 20 của Hợp đồng lao động số 01/JH GROUP LTD quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người sử dụng lao động không giao đúng việc hoặc nơi làm việc, không được trả lương đầy đủ, đúng hạn… Trong trường hợp như vậy, người sử dụng lao động sẽ phải bồi thường cho người lao động những thời hạn còn lại trong hợp đồng lao động. Do bị đơn không giao việc làm, không trả lương cho nguyên đơn là vi phạm thoả thuận nên có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn bồi thường tiền lương trong thời gian từ ngày 17/10/2020 đến ngày 17/01/2022.

Từ những phân tích, lập luận nêu trên, căn cứ Điều 90, khoản 4 Điều 97, Điều 99 Bộ luật Lao động 2019; khoản 1 Điều 20 Hợp đồng lao động số 01/JH GROUP LTD. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn nêu trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về pháp luật tố tụng:

[1.1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết:

Xét, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn thanh toán tiền lương, tiền lãi chậm trả lương và bồi thường thiệt hại tương ứng với tiền lương trong thời gian còn lại của hợp đồng lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ giao kết hợp đồng lao động giữa người lao động nước ngoài và người sử dụng lao động là doanh nghiệp. Thời điểm thụ lý vụ án, Toà án xác định quan hệ tranh chấp “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” là chưa phù hợp, cần điều chỉnh lại quan hệ tranh chấp giải quyết trong vụ án là “Tranh chấp về tiền lương và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng lao động”. Bị đơn có địa chỉ trụ sở chính tại 24 - 26 H, Phường N, Quận M, Tp. H. Do đó, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân Quận 1, Tp. H theo quy định tại khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[1.2] Về điều kiện khởi kiện:

Xét, nguyên đơn đã thực hiện thủ tục yêu cầu hoà giải cơ sở đối với các yêu cầu tranh chấp với bị đơn về tiền lương, tiền lãi chậm trả lương nhưng người sử dụng lao động không tham dự hoà giải theo Biên bản do Phòng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội Quận M lập ngày 23/12/2020. Do đó, quan hệ lao động tranh chấp của nguyên đơn đủ điều kiện yêu cầu Toà án giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019.

[1.3] Về việc xét xử vắng mặt đương sự:

Xét, ông Nguyễn Quang P là người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn có đơn ngày 06/7/2022 yêu cầu xét xử vắng mặt tại phiên toà. Do đó, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt người đại diện của nguyên đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[1.4] Về việc xin thay đổi, rút một phần yêu cầu khởi kiện:

Xét, nguyên đơn thay đổi đối với yêu cầu buộc bị đơn thanh toán tiền lương, tiền lãi chậm trả lương trong phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu; rút một phần yêu cầu khởi kiện buộc bị đơn bồi thường về số tiền tương ứng tiền lương trong thời gian từ sau ngày 17/01/2022 đến ngày 31/10/2024 là tự nguyện. Hội đồng xét xử chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện và đình chỉ xét xử đối với phần rút yêu cầu khởi kiện theo quy định tại Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

[2] Về pháp luật nội dung: Xét, Hợp đồng lao động (viết tắt HĐLĐ) được hai bên xác lập thoả thuận về thời hạn hợp đồng tính từ ngày 01/11/2019, tuy nhiên các nội dung của hợp đồng giao kết cơ bản phù hợp so với quy định của Bộ luật Lao động 2019 (viết tắt BLLĐ) nên áp dụng quy định của Bộ luật này để giải quyết đối với các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn tranh chấp trong vụ án.

[2.1] Về yêu cầu buộc bị đơn thanh toán tiền lương từ ngày 01/3/2020 đến ngày 16/10/2020 (7,5 tháng) là 45.000 USD:

Xét, ý kiến thừa nhận của bị đơn và tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án có cơ sở xác định: Bị đơn là doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng ăn uống, ký Hợp đồng lao động số 01/JH GROUP LTD (không đề ngày tháng năm) với nguyên đơn là người lao động nước ngoài có quốc tịch Anh (British National), đăng ký thường trú tại: 8A Villa L, Permaisuri 56000, Cheras, Kuala Lumpur, Malaysia; tạm trú theo Visa thị thực tại Việt Nam để làm Bếp trưởng, nơi làm việc tại số 24-26 H, Phường N, Quận M, Tp. H với thời hạn hợp đồng là 05 năm tính từ ngày 01/11/2019 đến ngày 31/10/2024 (trong đó ấn định thời hạn của hợp đồng chia làm hai giai đoạn: thời hạn hợp đồng đầu tiên 03 năm từ 01/11/2019 đến khi giấy phép lao động hết hạn, thời hạn gia hạn thêm 02 năm sau khi hết 03 năm đầu và phải xin giấy phép mới có thời hạn 02 năm); mức lương sau thuế 6.000 USD (đô la Mỹ)/tháng.

Xét, theo Văn bản số 18761/SLĐTBXH-VLATLĐ ngày 03/6/2021 của Sở Lao động Thương binh Xã hội Tp. H cho biết: Theo đề nghị của bị đơn, Sở Lao động Thương binh Xã hội có thực hiện cấp phép lao động cho nguyên đơn, số giấy phép: 1025/2020/SLĐ-TPHCM, vị trí – chức danh công việc: Lao động kỹ thuật – Bếp trưởng điều hành, thời hạn từ ngày 27/02/2020 đến ngày 17/01/2022. Như vậy, mặc dù hai bên ký hợp đồng lao động với thời hạn 05 năm tính từ 01/11/2019 đến ngày 31/10/2024, tuy nhiên có ấn định thời hạn đầu tiên của hợp đồng lao động đến khi giấy phép lao động hết hạn, tức đến ngày 17/01/2022 là phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 151, Điều 155 BLLĐ năm 2019 (điểm d khoản 1 Điều 169, Điều 173, khoản 1 Điều 174 BLLĐ năm 2012).

Xét, thời điểm ký hợp đồng lao động hai bên thoả thuận tại Điều 3 HĐLĐ trả lương bằng đồng đô la Mỹ (USD) là phù hợp quy định tại khoản 14 Điều 4 Thông tư số 32/2013/TT-NHNN ngày 26/12/2013: “người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thoả thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó”, đồng thời cũng phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 95 BLLĐ năm 2019. Xét, hai bên đều thừa nhận việc nguyên đơn được bị đơn trả lương từ ngày 01/11/2019 đến tháng 02/2020 nhưng bị đơn không có yêu cầu xem xét lại số tiền lương đã trả cho nguyên đơn trước thời hạn phát sinh hiệu lực của hợp đồng lao động nên Hội đồng xét xử không xem xét. Như vậy, Hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên phát sinh hiệu lực kể từ ngày nguyên đơn được cấp giấy phép lao động ngày 27/02/2020 đến hết ngày 17/01/2022. Bị đơn là người sử dụng lao động nhưng không giao việc làm, không trả lương hàng tháng cho nguyên đơn đầy đủ mà không thông báo lý do ngừng việc được nguyên đơn chấp nhận, dẫn đến việc nguyên đơn phải thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 16/10/2020 là lỗi của bị đơn vi phạm thoả thuận tại hợp đồng lao động và quy định tại Điều 90, Điều 94, khoản 1 Điều 99 BLLĐ.

Do đó, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán tiền lương theo thoả thuận tại hợp đồng lao động từ ngày 01/3/2020 đến ngày 16/10/2020 (7,5 tháng) với số tiền 45.000 USD là có cơ sở chấp nhận.

[2.2] Về yêu cầu buộc bị đơn thanh toán tiền lãi chậm trả của 07 kỳ lương từ tháng 3 đến tháng 9/2020 theo mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 01 tháng 3,2%/năm, tính từ ngày 01/4/2020 đến ngày 31/01/2022 (133 tháng) là 2.128 USD:

Căn cứ khoản 4 Điều 97 BLLĐ quy định “… nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương”. Xét, tại phiên toà, bị đơn xác nhận không mở tài khoản trả lương tại ngân hàng và đồng ý với mức lãi suất 3,2%/năm để tính lãi suất chậm trả lương. So với mức lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 01 tháng tham khảo tại các Ngân hàng thương mại trên địa bàn Quận M Thành phố H thời điểm hiện nay giao động từ 3 - 3,5%/năm nên mức lãi suất nguyên đơn yêu cầu tính lãi chậm trả 3,2%/năm là phù hợp. Bị đơn chậm trả tiền lương của 07 kỳ từ tháng 3/2020 đến tháng 9/2020 nên phải trả tiền lãi chậm trả sau 30 ngày của mỗi kỳ lương, bắt đầu tính từ ngày 01/4/2020, đồng thời nguyên đơn chỉ yêu cầu tính lãi chậm trả đến ngày 31/01/2022; không yêu cầu tính tiền lãi chậm trả đến ngày xét xử là có lợi cho nguyên đơn nên ghi nhận.

Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị thanh toán tiền lãi chậm trả của 07 kỳ lương từ tháng 3 đến tháng 9/2020, số tiền: 6.000 x 3,2%/năm x 133 tháng = 2.128 USD là có cơ sở chấp nhận.

[2.3] Về yêu cầu buộc bị đơn bồi thường số tiền tương ứng với tiền lương trong thời gian từ ngày 17/10/2020 đến ngày 17/01/2022 (15 tháng) là 90.000 USD:

Xét, tại Điều 20 HĐLĐ về chấm dứt hợp đồng hai bên thoả thuận: “Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người sử dụng lao động không giao đúng việc hoặc nơi làm việc, không được trả lương đầy đủ, đúng hạn… Trong trường hợp như vậy, người sử dụng lao động sẽ phải bồi thường cho người lao động nhưng thời hạn còn lại trong hợp đồng lao động”. Theo nhận định đánh giá tại mục [2.1] nêu trên, hợp đồng lao động ký kết giữa hai bên phát sinh hiệu lực trong thời hạn nguyên đơn được cấp giấy phép lao động. Bị đơn không giao việc làm, không trả lương đầy đủ, đúng hạn nhưng không trao đổi thống nhất giải quyết quyền lợi hay thanh lý hợp đồng lao động với nguyên đơn theo quy định pháp luật, dẫn đến việc nguyên đơn thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bị đơn từ ngày 16/10/2020 là có căn cứ. Do đó, nguyên đơn yêu cầu bị đơn bồi thường số tiền tương ứng với tiền lương trong thời hạn hợp đồng lao động còn lại từ ngày 17/01/2020 đến khi hết hạn giấy phép lao động ngày 17/01/2022 (15 tháng) với số tiền 90.000 USD là có cơ sở chấp nhận.

[2.4] Xét tại phiên toà, bị đơn thống nhất tỷ giá quy đổi đồng đô la Mỹ thành tiền đồng Việt Nam là 23.200 đồng/USD, chấp nhận thanh toán tiền lương, tiền lãi và bồi thường theo yêu cầu của nguyên đơn nêu trên. Tuy nhiên, người đại diện theo pháp luật của bị đơn cho biết hiện bị đơn không có khả năng để thanh toán ngay toàn bộ số tiền cho nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị bị đơn cho biết về phương án thanh toán nhưng bị đơn không nêu được thời gian và phương án thanh toán cụ thể để có thể thoả thuận với nguyên đơn. Do đó, Hội đồng xét xử không có cơ sở để xem xét ý kiến của bị đơn.

[2.5] Xét đại diện Viện kiểm sát nhân dân Quận 1 phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng và giải quyết nội dung vụ án phù hợp với những đánh giá, nhận định của Hội đồng xét xử nêu trên.

Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán cho nguyên đơn các khoản, gồm:

+ Tiền lương từ ngày 01/3/2020 đến ngày 16/10/2020 là: 45.000 USD x 23.200 đồng/USD = 1.044.00.000 đồng;

+ Tiền lãi chậm trả lương của 07 kỳ là: 2.128 USD x 23.200 đồng/USD = 49.369.600 đồng;

+ Tiền bồi thường là: 90.000 USD x 23.200 đồng/USD = 2.088.000.000 đồng. Tổng cộng số tiền bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn là: 3.181.369.600 đồng (Ba tỷ một trăm tám mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi chín nghìn sáu trăm đồng) ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

[3] Về án phí lao động sơ thẩm:

Căn cứ khoản 1 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Xét, toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên bị đơn phải chịu án phí lao động sơ thẩm tính trên số tiền phải thanh toán cho nguyên đơn. Đối với phần yêu cầu khởi kiện đình chỉ xét xử do nguyên đơn xin rút yêu cầu, nguyên đơn được miễn tiền tạm ứng án phí lao động nên không giải quyết về án phí lao động theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 khoản 1 Điều 147, điểm b khoản 1 Điều 227; Điều 203; Điều 244, Điều 264; Điều 271 và Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 90, Điều 94, Điều 95, khoản 4 Điều 97, khoản 2 Điều 151, Điều 155, khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019;

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014;

Tuyên xử:

1. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Buộc Công ty TNHH Tập đoàn JH có nghĩa vụ thanh toán cho ông CK tổng số tiền 3.181.369.600 đồng (Ba tỷ một trăm tám mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi chín nghìn sáu trăm đồng) ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày ông CK có đơn yêu cầu thi hành án, nếu Công ty TNHH Tập đoàn JH chậm thi hành khoản tiền nêu trên thì Công ty TNHH Tập đoàn JH còn phải chịu tiền lãi tương ứng với thời gian và số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Thi hành án tại Cơ quan thi hành án có thẩm quyền.

2. Đình chỉ giải quyết phần yêu cầu khởi kiện của ông CK buộc Công ty TNHH Tập đoàn JH bồi thường số tiền tương ứng tiền lương trong thời gian từ ngày 17/01/2022 đến ngày 31/10/2024.

3. Về án phí lao động sơ thẩm:

Công ty TNHH Tập đoàn JH phải chịu án phí lao động sơ thẩm số tiền là 45.181.370 đồng (Bốn mươi lăm triệu một trăm tám mươi mốt nghìn ba trăm bảy mươi đồng).

Ông CK được miễn tiền tạm ứng án phí, án phí lao động đối với phần yêu cầu khởi kiện đã được đình chỉ giải quyết.

4. Về quyền kháng cáo:

Đương sự có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 (Mười lăm) ngày kể từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định.

5. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

27
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tiền lương và bồi thường thiệt hại số 42/2022/LĐ-ST

Số hiệu:42/2022/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận 1 - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 06/07/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về