Bản án về tranh chấp tiền lương và bảo hiểm xã hội số 1442/2022/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN BÌNH THẠNH, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1442/2022/LĐ-ST NGÀY 01/08/2022 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

Từ ngày 27 tháng 7 năm 2022 đến ngày 01 tháng 8 năm 2022, tại trụ sở Tòa án nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm vụ án thụ lý số 565/2021/TLST-LĐ ngày 14 tháng 4 năm 2021 về việc tranh chấp về tiền lương và bảo hiểm xã hội theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 264/2022/QĐXXST-LĐ ngày 29 tháng 6 năm 2022, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông Châu T; địa chỉ: khu Y, phường B, quận T, Thành phố H

2. Bị đơn: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải K; địa chỉ: Đường Đ, Phường H, quận B, Thành phố H.

Đại diện hợp pháp: Ông Phùng T (Văn bản ủy quyền ngày 24/5/2021)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 31/3/2021, bản tự khai và các biên bản của Tòa án, nguyên đơn trình bày: Ngày 01/9/2020, ông và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải K (sau đây gọi là công ty K) đã ký hợp đồng lao động số KH1627-20/HĐLĐ.TT, nhiệm vụ là nhân viên lái xe trung chuyển, thời gian làm việc theo ca hoặc theo nốt tài xuất bến, mức lương cơ bản là 4.279.400 đồng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật, ngoài ra ông còn được hưởng tiền thưởng và tiền hỗ trợ theo chế độ của công ty, thời hạn hợp đồng là từ ngày 01/9/2020 đến ngày 31/8/2021. Ông làm việc theo sự phân công của công ty cho đến ngày 02/11/2020, ông không lái xe đón khách ở trạm Thảo Điền nên người quản lý ở bến xe Phạm Ngũ Lão, Quận 1 là ông Cao N đã thông báo cho ông biết về việc công ty đình chỉ không cho ông làm việc, về nhà chờ cho đến khi công ty gọi đi làm. Sau 01 tháng chờ đợi không thấy công ty gọi đi làm, ông đã đến công ty K, gặp anh Nguyễn V– nhân viên phòng hành chính nhân sự để tường trình sự việc, nhận hợp đồng lao động. Sau đó, chị H (là nhân viên phụ trách bảo hiểm xã hội của công ty) có gọi điện hỏi ông khi nào đi làm việc thì ông có trả lời là khi nào công ty giải quyết xong chế độ lương và bảo hiểm trong những ngày ông bị đình chỉ, không được đi làm thì ông mới quay trở lại làm việc. Cho đến nay, ông chưa nhận được văn bản nào của công ty K về việc chấm dứt hợp đồng lao động với ông. Ông xác định việc công ty đình chỉ, không cho ông làm việc từ ngày 03/11/2020 là trái pháp luật. Ông yêu cầu công ty K phải trả cho ông số tiền tương đương 05 tháng tiền lương là 5 x 4.729.400 đồng = 23.647.000 đồng; đóng tiền bảo hiểm xã hội cho ông là 05 tháng (từ tháng 01/2021 đến hết tháng 5/2021).

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn trình bày: Ông đã được Tòa án công bố các tài liệu, chứng cứ công ty K nộp sau khi Tòa án ra quyết định xét xử vụ án. Ông đề nghị Tòa án tiếp tục phiên tòa, không hoãn phiên tòa để tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Việc ông không đón khách tại trạm Thảo Điền là vì tại thời điểm đó, ông đã lái xe đón khách khác nên theo quy định của công ty, ông không thể bỏ khách giữa hành trình để quay về trạm Thảo Điền. Ông không tranh chấp gì về lý do ông bị đình chỉ công việc trong ngày 02/11/2020. Ông xác nhận ông Cao N là trưởng đầu bến xe Phạm Ngũ Lão, là người quản lý trực tiếp của ông, không phải người đại diện theo pháp luật của công ty K, không phải người ký hợp đồng lao động với ông. Ông Cao N thông báo bằng miệng với ông về việc ông bị đình chỉ công việc cho đến khi có công ty gọi đi làm, yêu cầu ông viết bản tường trình nộp cho ông Năm và ông đã thực hiện đúng như ông Năm yêu cầu. Ông không có chứng cứ gì về sự việc này. Sau khoảng 01 tháng, ông đã đến văn phòng công ty K để xin nhận bản hợp đồng lao động, có ký nhận vào sổ của công ty và cùng ngày này, ông đã gặp ông Nguyễn V để nộp đơn trình bày về việc ông bị công ty đình chỉ công việc quá lâu, yêu cầu công ty phải giải quyết. Ông không có tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc ông đã nộp đơn cho ông V. Ông không thể cung cấp được địa chỉ cư trú của ông V, chỉ biết ông V hiện vẫn làm việc tại công ty K nhưng công ty K không cho ông V đến Tòa án để làm chứng. Ông không yêu cầu được đối chất với ông Cao N vì theo ông, ông N là người của công ty K nên sẽ nói những gì có lợi cho công ty K. Ông xác nhận bà H, nhân viên công ty K có gọi điện cho ông yêu cầu ông đi làm, nếu không đi sẽ không đóng bảo hiểm xã hội nhưng ông không đòng ý đi làm khi công ty chưa trả tiền cho ông những ngày ông bị đình chỉ công việc. Ông không báo với bà H rằng ông đã tìm được công việc khác như công ty K đã trình bày. Ông được biết, theo quy định của công ty, đình chỉ công việc là một hình thức kỷ luật, nếu đình chỉ công việc 01 ngày thì vẫn được trả lương; trường hợp người lao động nghỉ phép thì phải có đơn xin nghỉ phép, nếu người lao động nghỉ việc không phép thì sẽ không được hưởng lương trong những ngày nghỉ và ông thống nhất với nội quy lao động này. Mặc dù ông không được làm việc từ ngày 02/11/2020, không được trả lương từ ngày 03/11/2020 và hợp đồng lao động hết thời hạn ngày 31/8/2021 nhưng ông chỉ yêu cầu trả tiền lương, đóng tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2021 đến hết tháng 5/2021. Mức lương ông yêu cầu là lương cơ bản theo hợp đồng lao động là 4.729.400 đồng/tháng. Hiện nay, hợp đồng lao động đã hết thời hạn và do mâu thuẫn giữa các bên nên ông không chấp nhận ý kiến của công ty K về việc tiếp tục ký hợp đồng lao động với công ty K.

Tại các bản trình bày ý kiến, các biên bản của Tòa án và tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày: Công ty K đã ký hợp đồng lao động KH1627-20/HĐLĐ.TT ngày 01/9/2020 với ông Châu T. Theo hợp đồng, ông T nhận công việc là lái xe trung chuyển, thời gian làm việc theo ca hoặc theo nốt tài xuất bến, mức lương cơ bản là 4.279.400 đồng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật, thời hạn hợp đồng là từ ngày 01/9/2020 đến ngày 31/8/2021. Theo phân công, ông T làm việc tại bến xe Phạm Ngũ Lão Quận 1, quản lý bến là ông Cao N. Ngày 02/11/2020, ông T không thực hiện công việc được giao là đón khách tại trạm Thảo Điền nên bị đình chỉ 01 ngày làm việc theo quy định của công ty. Ông Cao N thông báo cho ông T về việc bị đình chỉ một ngày làm việc này. Từ ngày 03/11/2020 cho đến khi hết hợp đồng lao động, ông T không đến bến xe để làm việc và không có bất cứ đơn xin nghỉ hoặc văn bản nào gửi công ty K về việc nghỉ việc của ông T. Nhân viên công ty K có gọi điện yêu cầu ông T đi làm thì ông T cho biết đã làm công việc khác, không tiếp tục làm việc cho công ty K nữa. Chính vì vậy, Công ty K đã ngừng đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2021. Sau đó, nhân viên công ty K có liên hệ bằng điện thoại với ông T yêu cầu ông T đến công ty để làm thủ tục nghỉ việc nhưng ông T không đến. Việc ông T không đi làm là do ông T tự ý nghỉ việc, không phải do công ty K đình chỉ công việc của ông T nên công ty K không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông T.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày: Theo nội quy lao động thì chỉ có Tổng giám đốc công ty mới có thẩm quyền cho người lao động nghỉ việc, ra các quyết định kỷ luật đối với người lao động. Ông Cao N là trường điều hành bến xe chỉ có quyền lập biên bản đối với nhân viên vi phạm nội quy lao động, ngưng tài đối với lái xe trong thời hạn 01 ngày đối với các trường hợp cấp bách và có báo cáo với trưởng phòng kinh doanh. Theo báo cáo của ông N thì do ông T vi phạm quy định về đón khách nên ông N đã ngưng tài đối với ông T trong ngày 02/11/2020. Như vậy, ngày 03/11/2020 ông T vẫn phải đi làm như bình thường. Tuy nhiên, ông T đã không đi làm dẫn đến khó khăn cho công ty K trong việc điều phối tài xế. Sau ngày 03/11/2020, nhân viên của công ty K tên là H có gọi điện cho ông T yêu cầu ông T đi làm nhưng ông T trả lời đã tìm được việc làm mới. Phía công ty K đã yêu cầu ông T đến công ty để làm thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động nhưng ông T không đến và cũng không gửi văn bản nào cho công ty K. Chính vì vậy, công ty K đã đóng bảo hiểm xã hội cho ông T đến hết tháng 12/2020 và báo ngừng đóng bảo hiểm xã hội kể từ tháng tiếp theo vì người lao động nghỉ việc không hưởng lương. Sở dĩ công ty K trả lương cho ông T đến hết ngày 02/11/2020 nhưng lại đóng bảo hiểm xã hội cho ông T đến hết tháng 12/2020 vì công ty K không biết ông T có quay trở lại làm việc trong tháng 11, 12 hay không, cho đến khi tháng 12 nhân viên công ty gọi cho ông T báo nếu không đi làm thì sẽ ngừng đóng bảo hiểm xã hội và ông T trả lời là không đi làm nữa. Công ty K xác định không nhận được bản tường trình của ông T, không ủy quyền cho ông Cao Nquyết định đình chỉ công việc của ông T như ông T đã trình bày. Từ năm 2007 đến nay, không có nhân viên nào của công ty K tên Nguyễn Hoàng V. Công ty K không có yêu cầu nào liên quan đến việc bàn giao tài sản giữa ông T và công ty K, về số tiền bảo hiểm đã đóng cho ông T tháng 12/2020. Theo quy định của công ty, tiền lương của tháng này sẽ được trả vào ngày mùng 5 của tháng tiếp theo. Công ty K đã thanh toán đầy đủ tiền lương cho những ngày ông T làm việc, kể cả ngày 02/11/2020 là ngày ông T bị đình chỉ. Vì ông T nghỉ việc không phép, tự ý nghỉ việc nên mặc dù công ty K không ban hành quyết định kỷ luật, quyết định cho thôi việc hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động nào đối với ông T nhưng ông T không được trả lương cho những ngày nghỉ việc không phép. Công ty K không giữ sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh phát biểu ý kiến:

Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án: Toà án xác định quan hệ pháp luật “Tranh chấp tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội”, thụ lý, giải quyết vụ án là đúng thẩm quyền. Ngoại trừ việc vi phạm thời hạn chuẩn bị xét xử, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa. Các đương sự chấp hành đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về việc giải quyết vụ án: Do nguyên đơn tự ý ngừng việc từ ngày 03/11/2020, vi phạm quy định tại hợp đồng lao động nên căn cứ khoản 2 Điều 98 Bộ luật Lao động, yêu cầu của nguyên đơn là không có cơ sở. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; nguyên đơn thuộc trường hợp được miễn nộp án phí.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền của Tòa án: Nguyên đơn có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả tiền lương và đóng tiền bảo hiểm xã hội cho những ngày không được làm việc nên quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp về tiền lương và tiền bảo hiểm xã hội. Căn cứ Biên bản hòa giải tranh chấp lao động ngày 25/3/2021 thì tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động đã thông qua thủ tục hòa giải cơ sở nhưng không thành, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Tố tụng dân sự. Do bị đơn có trụ sở tại quận Bình Thạnh nên căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Về việc triệu tập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng trong vụ án.

Trong quá trình chuẩn bị xét xử, nguyên đơn yêu cầu Tòa án triệu tập ông Nguyễn Hoàng V, địa chỉ nơi làm việc: Phòng nhân sự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải K; địa chỉ: Đường Đ, Phường H, quận B, Thành phố H tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Tòa án đã tống đạt giấy triệu tập cho ông Nguyễn V tại địa chỉ nêu trên nhưng ông V không đến Tòa án. Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của Công ty K cho biết không công ty K không có người lao động có tên Nguyễn V. Nguyên đơn không cung cấp được tài liệu nào về địa chỉ cư trú, nơi làm việc của ông Nguyễn Vcũng như tài liệu chứng cứ về việc ông Nguyễn V là người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ án. Do đó, Tòa án không có căn cứ để triệu tập ông Nguyễn V tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng.

Nguyên đơn không yêu cầu triệu tập ông Cao N, không yêu cầu được đối chất với ông Cao N. Ông Cao N đã có bản khai nộp cho Tòa án trình bày về sự việc xảy ra ngày 02/11/2020 và nguyên đơn đã được biết về bản khai này. Việc giải quyết vụ án không liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của ông Cao N. Do đó, Tòa án xét thấy không cần thiết phải triệu tập ông Cao N đến tham gia phiên tòa với tư cách là người làm chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

[3] Về việc giao nộp, công khai tài liệu, chứng cứ.

Tại phiên tòa, bị đơn giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ gồm: Bản sao Thỏa ước lao động tập thể; bản sao bản mô tả công việc của chức danh Trưởng điều hành miền đông, miền tây, quốc tế; bản chính các biên bản ghi nhận sự việc ngày 03/11/2020, ngày 10/11/2020, ngày 20/11/2020 và ngày 20/12/2020; bản sao nội quy lao động. Nguyên đơn trình bày đã được biết các tài liệu bị đơn giao nộp và không có ý kiến gì đối với các tài liệu này. Nguyên đơn, bị đơn thống nhất đề nghị Hội đồng xét xử kiểm tra việc giao nộp, công khai các tài liệu nói trên tại phiên tòa và không hoãn phiên tòa để thực hiện phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ. Do đó, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành phiên tòa xét xử vụ án và công khai chứng cứ tại phiên tòa đối với các tài liệu bị đơn giao nộp bổ sung.

[4] Về hợp đồng lao động giữa nguyên đơn và bị đơn.

Nguyên đơn và bị đơn đã ký hợp đồng lao động số KH1627-20/HĐLĐ.TT ngày 01/9/2020, thời hạn từ ngày 01/9/2020 đến ngày 31/8/2021. Đây là hợp đồng lao động xác định thời hạn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012. Hợp đồng này đảm bảo các điều kiện quy định tại các điều 16, 17, 18 Bộ luật Lao động năm 2012. Người giao kết hợp đồng là người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động và người lao động có đủ năng lực hành vi dân sự. Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 5, điểm a khoản 2 điều 6 của Bộ luật Lao động năm 2012, người sử dụng lao động và người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.

[5] Về yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn trả tiền lương và đóng tiền bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2021 đến hết tháng 5/2021 Nguyên đơn và bị đơn thống nhất xác định các nội dung sau: Theo hợp đồng lao động, nguyên đơn được giao công việc là lái xe trung chuyển, đón khách về bến xe Phạm Ngũ Lão, mức lương cơ bản để đóng bảo hiểm xã hội và tính các khoản tiền phụ cấplà 4.729.400 đồng/tháng. Người trực tiếp quản lý điều hành công việc của nguyên đơn là ông Cao N– chức danh trưởng điều hành. Nguyên đơn làm việc cho bị đơn đến ngày 02/11/2020 thì nghỉ làm cho đến khi hết thời hạn của hợp đồng. Bị đơn đã trả tiền lương cho nguyên đơn đến hết ngày 02/11/2020 và đã đóng bảo hiểm hiểm xã hội cho nguyên đơn đến hết tháng 12/2020. Lý do nguyên đơn bị đình chỉ công việc (đình tài) trong ngày 02/11/2020 là không đón khách tại trạm Thảo Điền. Cho đến nay, bị đơn chưa ban hành văn bản nào về việc đình chỉ công việc của nguyên đơn. Nguyên đơn và bị đơn không tranh chấp về lý do nguyên đơn bị đình chỉ công việc ngày 02/11/2020, không tranh chấp về mức lương.

Nguyên đơn khởi kiện cho rằng bị đơn đã đình chỉ công việc của nguyên đơn, không cho nguyên đơn đi làm là không đúng quy định của pháp luật. Nguyên đơn xác định người thông báo cho nguyên đơn về việc bị đình chỉ công việc cho đến khi công ty gọi đi làm là ông Cao N và ông N chỉ thông báo bằng miệng cho nguyên đơn. Lời khai này của nguyên đơn không được bị đơn thừa nhận nên căn cứ Điều 91, Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự, nguyên đơn có nghĩa vụ phải chứng minh. Tuy nhiên, nguyên đơn trình bày nguyên đơn không cung cấp, giao nộp được tài liệu, chứng cứ chứng minh về sự việc này. Trong khi đó, căn cứ Điều 2 của hợp đồng lao động, người lao động có nghĩa vụ chấp hành nội quy lao động, hoàn thành công việc cam kết theo hợp đồng. Căn cứ Điều 26 Nội quy lao động đã được bị đơn đăng ký tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh thì người có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động phải là Tổng giám đốc công ty. Nguyên đơn xác định đã biết ông Cao N chỉ là trưởng điều hành bến, không phải là người giao kết hợp đồng lao động với nguyên đơn, không phải người đại diện theo pháp luật của công ty K nên việc nguyên đơn khai chỉ căn cứ vào lời nói của ông Cao N để cho rằng nguyên đơn bị công ty K đình chỉ công việc thời gian dài là không có cơ sở. Nguyên đơn cũng thừa nhận khoảng tháng 12/2020, nhân viên của công ty K tên H gọi điện thông báo đi làm, nếu không, công ty sẽ không đóng bảo hiểm xã hội nhưng nguyên đơn không đồng ý đi làm vì công ty không trả tiền lương cho những ngày nguyên đơn nghỉ việc. Cho đến nay, người đại diện theo pháp luật của bị đơn hoặc người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền chưa ban hành văn bản hoặc ra quyết định, thông báo nào về việc xử lý kỷ luật, đình chỉ công việc đối với nguyên đơn kể từ ngày 03/11/2020. Do đó, không có cơ sở xác định bị đơn đã đình chỉ công việc của nguyên đơn từ ngày 03/11/2020 cho đến khi hết thời hạn của hợp đồng lao động. Nguyên đơn không làm công việc được giao theo hợp đồng lao động từ ngày 03/11/2020 cho đến khi hết thời hạn hợp đồng nên yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho nguyên đơn từ tháng 01/2021 đến hết tháng 5/2021 là không có căn cứ chấp nhận.

[9] Đối với phần phát biểu của đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa về việc giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử thấy: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định đúng về thủ tục tố tụng, phân tích đúng nội dung của vụ án và đưa ra ý kiến giải quyết vụ án đúng theo quy định của pháp luật.

[10] Về án phí lao động sơ thẩm Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 12, Điều 14 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016 hướng dẫn về án phí, lệ phí Toà án, nguyên đơn thuộc trường hợp miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 1 Điều 32, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 264, Điều 271 và khoản 1 Điều 273 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; các điều 5, 6, 16, 17, 18 và 50 của Bộ luật Lao động năm 2012; Điều 26 Luật Thi hành án năm 2008; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016 hướng dẫn về án phí, lệ phí Toà án;

1. Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn – ông Châu T về việc yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải K phải trả cho ông tiền lương từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 5 năm 2021 là 23.647.000 đồng và đóng tiền bảo hiểm xã hội cho ông từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 5 năm 2021.

2.Về án phí lao động sơ thẩm: Ông Châu T được miễn nộp tiền án phí.

3. Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1035
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tiền lương và bảo hiểm xã hội số 1442/2022/LĐ-ST

Số hiệu:1442/2022/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Bình Thạnh - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 01/08/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về