Bản án về tranh chấp tiền lương số 02/2023/LĐ-ST

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ T, TỈNH TRÀ VINH

BẢN ÁN 02/2023/LĐ-ST NGÀY 04/05/2023 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG

Ngày 04 tháng 5 năm 2023 tại Trụ sở Tòa án nhân dân thành phố T, tỉnh T, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 04/2022/TLST-LĐ, ngày 28 tháng 02 năm 2022 “Tranh chấp về tiền lương”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 03/2023/QĐXXST-LĐ ngày 06 tháng 02 năm 2023 và thông báo tiếp tục phiên tòa số: 03/TB-TA, ngày 03 tháng 4 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Nguyễn T, sinh năm 1961.

Địa chỉ: A171 khóm A, phường B, thành phố V, tỉnh Vĩnh Long.

- Bị đơn: Công ty cổ phần phát triển V.

Địa chỉ: Số 68 Nguyễn Chí T, khóm M, phường N, thành phố T, tỉnh T.

Người đại diện hợp pháp: Ông Lý N – Tổng giám đốc, đại diện theo pháp luật. Địa chỉ: Số 68 Nguyễn Chí T, khóm M, phường N, thành phố T, tỉnh T.

Người đại diện ủy quyền của ông Lý N: ông Võ H, sinh năm 1984. Địa chỉ: Ấp T, xã H, huyện T, tỉnh Vĩnh Long.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Điện nông thôn D.

Địa chỉ: Số 112 , khóm E, phường F, thị xã D, T.

NỘI DUNG VỤ ÁN                     

Nguyên đơn ông Nguyễn T trình bày trong quá trình giải quyết vụ án: Căn cứ quyết định nâng lương số 171/QĐ-ĐNT, ngày 22/12/2014 của Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển V thì kỳ nâng lương tiếp theo của ông là ngày 01/9/2016 từ bậc 9 lên bậc 10 theo thang bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ ngạch cán sự, nhưng đến hạn Công ty không nâng lương cho ông, sau nhiều lần yêu cầu đến ngày 20/3/2017 ông mới có quyết định nâng lương và thời hạn nâng lương của ông là ngày 01/01/2017 mà không truy lĩnh cho ông từ 01 tháng 9 đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 là 04 tháng. Tại cuộc họp ngày 28/4/2021 Công ty cho rằng Công ty xét nâng lương ở 04 tháng cuối năm và đến đầu năm 2017 thì áp dụng mức lương khoán mới theo công việc, công ty làm trái quy định mà không thừa nhận, bởi nếu áp dụng mức lương mới thì chỉ cần ký lại hợp đồng hoặc ký phụ lục hợp đồng lao động nhưng công ty lại ký quyết định nâng lương, mà thời hạn nâng lương không phù hợp với quyết định nâng lương số 171, ngày 22 tháng 12 năm 2014.

Căn cứ hợp đồng lao động thì thời giờ làm việc của ông không quá 48 giờ/tuần, trong khi thực tế thời gian hỗ trợ của ông xuyên suốt từ ngày 03 đến ngày 17 hàng tháng là 15 ngày, kể cả thứ 7 chủ nhật là 150 giờ/tháng, ông đã làm nhiều hơn so với hợp đồng lao động 46 giờ/tháng nhưng công ty không bố trí cho nghỉ bù và không thanh toán những giờ ông đã làm thêm.

Năm 2020 Công ty trả thưởng nhưng không cụ thể rõ ràng, không công bố chi tiết, không công bằng, mặc dù đã làm tròn năm, cùng hưởng số lần nhận lương xuất sắc nhưng người đang làm việc được nhận 6.813.960 đồng còn người nghỉ việc chỉ được nhận 2.988.304 đồng.

Năm 2020 công ty chưa thanh toán ngày phép năm cho ông.

Nay ông yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty cổ phần phát triển V:

1/ Trả tiền chênh lệch do nâng lương sai thời điểm theo quy định từ ngày 01/9/2016 đến tháng 31/12/2016, số tiền 874.000 đồng;

2/ Trả tiền làm thêm giờ từ tháng 4/2018 đến 31/12/2020 cho công việc trực hỗ trợ vận hành, từ ngày 03 đến hết ngày 17 hàng tháng, số tiền là 59.984375 đồng;

3/ Trả tiền 17 ngày phép năm của 2020 số tiền 4.481.818 đồng.

4/ Rút lại yêu cầu trả thêm tiền thưởng của năm 2020.

Tổng cộng số tiền yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển V thanh toán là 65.340.193 đồng.

Tại phiên tòa hôm nay ông Nguyễn T yêu cầu:

1/ Trả tiền chênh lệch do nâng lương sai thời điểm theo quy định từ ngày 01/9/2016 đến ngày 31/12/2016, số tiền 874.000 đồng;

2/ Trả tiền làm thêm giờ từ tháng 4/2018 đến 31/12/2020 cho công việc trực hỗ trợ vận hành, từ ngày 03 đến hết ngày 17 hàng tháng, số tiền là 23.403.385 đồng;

3/ Trả tiền 17 ngày phép năm 2020 số tiền 3.792.308 đồng.

4/ Rút lại yêu cầu trả thêm tiền thưởng của năm 2020.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn Công ty cổ phần phát triển V trình bày trong quá trình giải quyết vụ án:

- Đối với yêu cầu trả tiền nâng lương của ông T do tại thời điểm đó công ty có quy định các trường hợp nâng lương nếu rơi vào 6 tháng cuối năm thì sẽ chuyển sang đầu năm sau; tại thời điểm đó công ty đã chuyển sang trả lương khoán chứ không còn trả lương cố định theo chấm nữa.

- Về việc trả thêm tiền làm thêm giờ: tại thời điểm đó chi nhánh D làm việc theo ca thời gian ca tính từ 7 giờ đến 17 giờ do đó thời gian làm việc của ông T là trong thời gian làm việc bình thường nên không thể tính là làm thêm giờ.

Về trả 17 ngày phép năm chưa sử dụng cho ông T; Trong năm công ty có khuyến khích người lao động nghỉ theo phép năm để tái tạo sức lao động, nhưng không biết chi nhánh D thực hiện như thế nào; công ty thừa nhận ông T còn 17 ngày phép chưa sử dụng.

Tại phiên tòa hôm nay đại diện bị đơn giữ nguyên lời trình bày và không thống nhất với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Điện nông thôn D mặc dù được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa nên không có lời trình bày.

Vị đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm:

1. Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật Tố tụng dân sự của Thẩm phán về việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý vụ án đến trước khi xét xử; việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và Thư ký tại phiên tòa sơ thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Các đương sự đã chấp hành có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án.

2. Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa hôm nay ông Nguyễn T yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền chênh lệch do nâng lương sai thời điểm số tiền 874.000 đồng, tiền làm thêm giờ 23.403.385 đồng, tiền 17 ngày phép năm 2020 là 3.792.308 đồng. Việc nâng lương cho người lao động thuộc thẩm quyền của Ban giám đốc Công ty cổ phần Phát triển V dựa trên quy chế trả lương, thưởng, cùng với hiệu quả công việc, theo thỏa thuận tại hợp đồng lao động số 90, ngày 04/01/2016, quy định tại Điều 102 của Bộ Luật lao động 2012, quyết định nâng lương số 171, ngày 22/12/2014 thì thời gian nâng lương kỳ sau được tính từ ngày 01/9/2014 đến ngày 01/9/2016 nên yêu cầu này của ông T là có cơ sở chấp nhận. Đối với yêu cầu của Nguyễn T yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền làm thêm giờ từ tháng 04/2018 đến 31/12/2020, cho công việc trực hỗ trợ vận hành từ ngày 03 đền hết ngày 17 hàng tháng số tiền là 23.403.385 đồng. Theo quy định tại Điều 106 Bộ Luật lao động năm 2012; căn cứ Điều 2 của hợp đồng lao động số 178, ngày 02/01/2018 thì giữa ông T và Công ty cổ phần Phát triển V. Đối chiếu bảng chấm công và nhiệm vụ của ông Nguyễn T được phân công từ 04/2018 đến 31/12/2020 nhận thấy Công ty cổ phần Phát triển V phân công nhiệm vụ cho ông T là đúng chức năng, nhiệm vụ, thời gian làm việc của ông T nằm trong thời giờ làm việc bình thường nên đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu này của ông T.

Tại biên bản hòa giải ngày 28 tháng 4 năm 2021 của Phòng lao động thương binh xã hội thành phố V ông Lý N là người sử dụng lao động thừa nhận ông Nguyễn T còn 17 ngày phép năm chưa sử dụng nên yêu cầu của ông T là có cơ sở chấp nhận theo quy định tại Điều 114 của Bộ Luật Lao động nên đề nghị Tòa án buộc Công ty cổ phần Phát triển V thanh toán cho ông T 3.792.308 đồng tiền 17 ngày phép năm của năm 2020.

Về án phí buộc các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và kết quả tranh luận tại phiên tòa Tòa án nhận định:

[1] Về tố tụng: Nguyên đơn ông Nguyễn T yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bị đơn Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền chênh lệch do nâng lương sai thời điểm số tiền 874.000 đồng, tiền làm thêm giờ 59.984.375 đồng, tiền 17 ngày phép năm của năm 2020 là 4.481.818 và trả thêm tiền thưởng của năm 2020. Đây là tranh chấp về lao động và quan hệ tranh chấp về tiền lương, theo quy định tại các Điều 32, 35 và Điều 39 của Bộ Luật tố tụng dân sự vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Điện nông thôn D mặc dù được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ theo quy định tại Điều 227 và Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân thành phố T xét xử vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Điện nông thôn D.

[2] Xét nội dung ông Nguyễn T yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền chênh lệch do nâng lương sai thời điểm theo quy định từ ngày 01/9/2016 đến ngày 31/12/2016, số tiền 874.000 đồng;

Nhận thấy việc nâng lương cho người lao động thuộc thẩm quyền của Ban giám đốc Công ty cổ phần Phát triển V xem xét dựa quy chế trả lương, thưởng của công ty cùng với hiệu quả công việc của người lao động, theo thỏa thuận tại Điều mục 2 Điều 3 của hợp đồng lao động số 90, ngày 04/01/2016, theo quy định tại Điều 102 của Bộ Luật lao động 2012. Căn cứ vào quyết định nâng lương số 171, ngày 22/12/2014 thì thời gian nâng lương kỳ sau của ông Nguyễn T được tính từ ngày 01/9/2014, hai bên không có thỏa thuận khác, không có phụ lục hợp đồng thể hiện thời gian nâng lương của ông Nguyễn T khác so với quyết định số 171, ngày 22/12/2014, tại phiên tòa ngày 02/3/2023 đại diện bị đơn khai do ông T không cung cấp được bằng tốt nghiệp phổ thông và đề nghị Tòa án tạm dừng phiên tòa để bị đơn cung cấp trong thời hạn 15 ngày nhưng đến tại phiên tòa hôm nay đại diện bị đơn vẫn không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh cho lời khai của mình nên Tòa án căn cứ vào lời khai của ông T và tài liệu chứng cứ do ông T cung cấp cho Tòa án, chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn T buộc Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền chênh lệch do nâng lương sai thời điểm cho ông T từ ngày 01/9/2016 đến ngày 31/12/2016, số tiền 874.000 đồng.

[3] Đối với yêu cầu của Nguyễn T yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền làm thêm giờ từ tháng 04/2018 đến 31/12/2020, cho công việc trực hỗ trợ vận hành từ ngày 03 đền hết ngày 17 hàng tháng số tiền là 59.984375 đồng. Tại phiên tòa hôm nay, ông Nguyễn T yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền làm thêm giờ từ tháng 4/2018 đến 31/12/2020 cho công việc trực hỗ trợ vận hành, từ ngày 03 đến hết ngày 17 hàng tháng, số tiền là 23.403.385 đồng, xét việc ông T thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện là trong phạm vi khởi kiện ban đầu nên được chấp nhận.

Theo quy định tại Điều 106 của Bộ Luật lao động năm 2012 quy định làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động và theo quy định tại khoản 2 Điều 104 Bộ Luật lao động năm 2012 thì người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần trường hợp theo tuần thì thời gian làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày. Căn cứ thỏa thuận tại Điều 2 của hợp đồng lao động số 178, ngày 02/01/2018 và phụ lục hợp đồng lao động số 156, ngày 02/01/2020 giữa Công ty cổ phần Phát triển V và ông Nguyễn T do tính chất công việc, nhu cầu kinh doanh hay nhu cầu của tổ chức bộ phận Công ty có thể áp dụng thời gian làm việc linh hoạt có thể không tuân thủ lịch làm việc cố định bình thường mà làm theo ca kíp hoặc khối lượng công việc nhưng vẫn phải đảm bảo đủ số giờ làm việc theo quy định.

Đối chiếu các quy định trên và sự thỏa thuận giữa nguyên đơn và bị đơn tại. Đối chiếu bảng chấm công (bảng phô tô do ông T cung cấp) và nhiệm vụ của ông Nguyễn T được phân công từ 04/2018 đến 31/12/2020 cũng như trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa ông T khai thời gian làm việc thực tế của ông hàng tuần là từ thứ hai đến hết ngày thứ 6. Đối với những ngày từ 18 đến ngày 02 hàng tháng, thời gian là việc buổi sáng từ 07 giờ đến 11 giờ, buổi chiều từ 13 giờ đến 17 giờ, còn từ ngày 03 đến ngày 17 hàng tháng trực theo ca và thời gian làm việc từ 07 giờ sáng đến 17 giờ chiều, thời gian sau có phân công ông trực cả ngày chủ nhật. Từ đó nhận thấy Công ty cổ phần Phát triển V phân công nhiệm vụ cho ông T là đúng chức năng, nhiệm vụ, thời gian làm việc của ông T là làm việc theo ca từ ngày 03 đến hết ngày 17 hàng tháng, thời gian làm việc của ông T nằm trong thời giờ làm việc bình thường do tính chất công việc và sự phân công của Công ty, ông T không phản đối và thực hiện công việc được phân công từ năm 2018 đến hết năm 2020 (nghỉ hưu). Nay, ông Nguyễn T yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển V trả thêm tiền làm thêm giờ là không có cơ sở chấp nhận.

[4] Đối với yêu cầu của Nguyễn T yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển V trả 17 ngày phép năm chưa sử dụng với số tiền là 4.481.818 đồng. Tại phiên tòa hôm nay ông Nguyễn T thay đổi nội dung yêu cầu như sau: Trả tiền 17 ngày phép năm của năm 2020 chưa sử dụng số tiền là 3.792.308 đồng, xét việc ông T thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện là trong phạm vi khởi kiện ban đầu nên được chấp nhận.

Đối với nội dung đại diện bị đơn nại ra tại bản thỏa ước lao động tập thể ngày 18/02/2020 có nội dung “Công ty khuyến khích người lao động nghỉ hết phép năm để tái tạo sức lao động (Công ty không thanh toán tiền phép năm cho người lao động)” và đề nghị Tòa án tạm ngừng phiên tòa để cung cấp bản sao. Tại phiên tòa hôm nay đại diện bị đơn lại cung cấp bản thỏa ước lao động tập thể ngày 19/4/2020 nội dung “Công ty khuyến khích người lao động nghỉ hết phép năm để tái tạo sức lao động (Công ty không thanh toán tiền phép năm cho người lao động)”. Đối với nguyên đơn ông T cung cấp cho Tòa án bản phô tô bản thỏa ước lao động tập thể ngày 18/02/2020 nhưng không có nội dung “Công ty khuyến khích người lao động nghỉ hết phép năm để tái tạo sức lao động (Công ty không thanh toán tiền phép năm cho người lao động)” và khai đây là bản thỏa ước lao động đã được người sử dụng lao động niêm yết và ông đã phô tô lại. Tại công văn số 1189/LĐLĐ, ngày 10/4/2023 của Liên đoàn Lao động tỉnh T trả lời: Năm 2017, Liên đoàn lao động tỉnh T nhận được bản thỏa ước lao động tập thể của Công ty cổ phần Phát triển V, ký ngày 27/7/2017 có hiệu lực 03 năm; Đến năm 2021, Liên đoàn lao động tỉnh T nhận được bản thỏa ước lao động tập thể của Công ty cổ phần Phát triển V (gửi file, chưa gởi bản chính thức), ký ngày 09/3/2021, có hiệu lực 03 năm. Liên đoàn lao động tỉnh T chưa nhận được bản thỏa ước lao động tập thể ngày 18/02/2020 của Công ty cổ phần Phát triển V.

Do các bản thỏa ước lao động không thống nhất nên căn cứ điều 114 của Bộ Luật lao động năm 2012 về thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ. Qua xem xét bảng lương, các khoản thanh toán của Công ty cổ phần Phát triển V với ông Nguyễn T và tại biên bản hòa giải ngày 28 tháng 4 năm 2021 của Phòng lao động thương binh xã hội thành phố T ông Lý N là người sử dụng lao động thừa nhận ông Nguyễn T còn 17 ngày phép năm của năm 2020 chưa sử dụng. Từ những cơ sở trên xác định Công ty cổ phần Phát triển V chưa thanh toán tiền 17 ngày nghỉ phép năm của năm 2020 cho ông Nguyễn T nên yêu cầu của ông T là có cơ sở chấp nhận buộc Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền 17 ngày phép năm của năm 2020 cho ông T số tiền là 3.792.308 đồng.

Đối với bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Tòa án đã có quyết định yêu cầu cung cấp tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình nhưng không cung cấp nên phải tự chịu trách nhiệm. Theo quy định tại khoản 4 Điều 91 của Bộ luật tố tụng dân sự “Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ”.

[5] Đình chỉ giải quyết yêu cầu của ông Nguyễn T đối với yêu cầu trả thêm tiền thưởng năm 2020 do nguyên đơn ông Nguyễn T rút yêu cầu, nếu có tranh chấp thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

[6] Quan điểm của đại diện kiểm sát viên là có cơ sở, phù hợp với các tài liệu có trong hồ sơ vụ án nên Hội đồng xét xử chấp nhận.

[7] Về án phí: Căn cứ Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điều 12, 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội các đương sự phải chịu án phí theo quy định.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào Điều 32, Điều 35, Điều 39, Điều 147, Điều 227, Điều 228 và Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ vào Điều 90, Điều 102, Điều 104, Điều 106, Điều 111 và Điều 114 của Bộ luật lao động năm 2012;

Căn cứ vào Điều 12, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Nguyễn T.

Buộc Công ty cổ phần Phát triển V thanh toán cho ông Nguyễn T tổng số tiền 4.666.308 đồng (trong đó 874.000 đồng tiền chênh lệch do nâng lương sai thời điểm từ tháng 01/9/2016 đến tháng 31/12/2016 và 3.792.308 đồng, tiền 17 ngày phép năm của năm 2020).

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luât (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Nguyễn T về việc yêu cầu Công ty cổ phần Phát triển V trả tiền làm thêm giờ từ tháng 04/2018 đến 31/12/2020, cho công việc trực hỗ trợ vận hành từ ngày 03 đến hết ngày 17 hàng tháng số tiền là 23.403.385 đồng.

3. Đình chỉ giải quyết yêu cầu của ông Nguyễn T về việc buộc Công ty cổ phần Phát triển V trả thêm tiền thưởng năm 2020 do nguyên đơn ông Nguyễn T rút đơn yêu cầu, nếu có tranh chấp thì nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

4. Về án phí lao động sơ thẩm:

- Buộc Công ty cổ phần Phát triển V phải chịu 300.000 đồng án phí lao động sơ thẩm, nộp tại Chi cục thi hành án dân sự.

- Ông Nguyễn T là người cao tuổi có đơn xin miễn án phí nên ông Nguyễn T được miễn toàn bộ án phí lao động sơ thẩm. Hoàn trả ông Nguyễn T 1.633.505 đồng, tiền tạm ứng án phí ông Nguyễn T đã nộp, theo biên lai thu tiền số 0010019, ngày 21/02/2022 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố V.

5. Các đương sự có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với đương sự vắng mặt thì được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Trường hợp quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

150
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tiền lương số 02/2023/LĐ-ST

Số hiệu:02/2023/LĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Trà Vinh - Trà Vinh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành:04/05/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về