Bản án về tranh chấp tiền lương số 01/2023/LĐPT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

BẢN ÁN 01/2023/LĐPT NGÀY 31/03/2023 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG

Ngày 31 tháng 3 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số: 02/2023/TLPT-LĐ ngày 17/01/2023 về “Tranh chấp về tiền lương”.

Do bản án lao động sơ thẩm số: 06/2022/LĐ-ST ngày 21/11/2022 của Tòa án nhân dân huyện Yên Phong bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 04/2023/QĐ-PT, ngày 01/ 3/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Phạm Hùng C, sinh năm 1984 ( vắng mặt).

Địa chỉ: Thôn L, xã Ng, huyện V, tỉnh Bắc Giang.

Đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Anh Hà Văn Qu, sinh năm 1986 ( có mặt).

Địa chỉ: Thôn 6, xã Th, thành phố Th, tỉnh Thanh H. Anh Phạm Ngọc M, sinh năm 1979 ( vắng mặt).

Địa chỉ: Thôn S, xã Ch, huyện Đ, tỉnh Thái Bình.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh C: Luật sư Nguyễn Duy Ng và luật sư Nguyễn Thị Bích H Văn phòng Luật sư Hạnh Nguyễn thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội ( Lật sư Ng vắng mặt, luật sư H có mặt).

- Bị đơn: Công ty TNHH L.

Địa chỉ: Lô CN 10-02, khu Công nghiệp Yên Phong, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.

Đại diện theo pháp luật: Ông Kim Jae H – Chức vụ: Tổng giám đốc ( vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn:

1. Ông Bùi Xuân D, sinh năm 1973 ( có mặt).

Địa chỉ: Tổ dân phố x, Trung Sơn Tr, Tây Sơn, Hà Nội.

2. Bà Trần Thị Ngọc H, sinh năm 1993 (có mặt).

Địa chỉ: Khu phố x, Đồng T, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

3. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1994 ( vắng mặt).

Địa chỉ: Ngọc L, Cẩm G, Hải Dương. Người kháng cáo: Anh Phạm Hùng C.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm và các tài liệu trong hồ sơ thì vụ án có nội dung như sau:

Nguyên đơn là anh Phạm Hùng C và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là anh Hà Văn Qu, anh Phạm Ngọc M trình bày:

Anh Phạm Hùng C vào làm cho công ty TNHH Logistoics HTNS-L từ tháng 10/2020, làm được 02 tháng thử việc thì ngày 01/12/2020, anh ký hợp đồng lao động số 0112/2020/HĐLĐ với công ty TNHH L (sau đây gọi tắt là công ty L) do ông Kim Jea H, chức vụ Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Nội dung hợp đồng: Công ty L thuê anh là lái xe đầu kéo, công việc cụ thể theo bản mô tả vị trí công việc và thực hiện các nhiệm vụ khác do người quản lý trực tiếp và trưởng bộ phận. Loại hợp đồng: Không xác định thời hạn. Địa điểm làm việc: KCN Yên Phong, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Thời gian làm việc: 10 giờ/ngày; làm việc 26 ngày/tháng. Lương cơ bản: 7.000.000đồng/tháng; lương theo doanh thu: 5% tính theo doanh thu của xe tính đến ngày 26 của tháng. Tiền làm thêm giờ: theo quy định của Luật lao động Việt Nam. Hình thức trả lương: Thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản vào ngày cuối cùng hàng tháng. Chế độ nâng lương: Ngày 25/12 hàng năm, người lao động thỏa thuận mức lương mới với công ty và các bên thống nhất, quyết định, Phép năm và ngày nghỉ lễ: Theo quy định của Luật lao động Việt Nam.

Quá trình làm việc anh C luôn thực hiện đúng công việc được giao và không bị xử phạt hay hình thức kỷ luật gì. Nhưng công ty cố tình không sắp xếp việc làm cho người lao động nhằm làm cho người lao động mất phần lớn thu nhập và phải tự viết đơn xin nghỉ việc.

Ngày 12/4/2022, anh C viết đơn xin nghỉ việc tại công ty. Sau 45 ngày anh chính thức nghỉ việc tại công ty và làm đơn khiếu nại đến Tổng giám đốc công ty L. Ngày 14/7/2021, công ty L ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 704/QĐ-TGĐ. Anh không đồng ý với Quyết định nêu trên và khiếu nại lên Thanh tra sở lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 09/11/2021, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2. Ngày 12/5/2022, phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Phong cũng có biên bản giải quyết tranh chấp lao động giữa anh và công ty L. Tuy nhiên các quyết định đều không giải quyết triệt để yêu cầu của anh.

Nay anh yêu cầu Tòa án:

1. Buộc công ty L phải trả anh tiền làm thêm giờ với số tiền 74.436.379 đồng, cụ thể như sau: Tháng 10/2020 là: 7.324.340 đồng; tháng 11/2020 là 6.062.159 đồng; tháng 12/2020 là: 10.640.563 đồng; tháng 01/2021 là 6.076.907 đồng; tháng 02/2021 là 6.354.245 đồng; tháng 3/2021 là 13.528.020 đồng; tháng 04/2021 là 7.401.058 đồng; tháng 05/2021 là 5.269.094 đồng; tháng 07/2021 là 7.756.976 đồng; tháng 08/2021 là 4.023.017 đồng.

2. Yêu cầu công ty công khai cách tính 5% doanh thu theo xe và nếu có phần chênh lệch phải thanh toán cho người lao động do Công ty không công khai minh bạch mà chỉ trả tùy tiện, dựa trên tiêu chí nào thì người lao động không nắm được, không được giải thích, chi bao nhiêu biết bấy nhiêu.

Ngoài nội dung trên anh C không yêu cầu gì khác.

Tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn đồng ý với bị đơn về việc căn cứ giờ làm thêm theo dữ liệu GPS, nhưng cách tính sẽ là (thời gian lăn bánh + thời gian dừng đỗ) – 8 giờ/ngày = thời gian làm thêm giờ. Bởi lẽ đặc thù của lái xe là họ không chỉ vận hành mà còn phải giao hàng, chịu trách nhiệm về hàng hóa, thông quan…nhiều khi mất nhiều giờ đồng hồ, chưa kể thời kỳ covid việc đi lại khó khăn, test covid thường xuyên đều được phải được tính vào thời gian làm việc của lái xe. Do đó nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả số tiền làm thêm tính từ tháng 11/2020 đến 8/2021 theo ngày thường là 1.175 giờ bằng 59.289.663 đồng và ngày chủ nhật là 154 giờ bằng 10.365.383 đồng, số tiền làm thêm giờ tháng 10/2020 là 7.324.340 đồng, tổng số tiền là 76.979.388 đồng. Đối với yêu cầu 5% doanh thu cước vận chuyển nguyên đơn không đưa ra yêu cầu số tiền cụ thể.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày: Công ty công nhận về thời gian và nội dung thỏa thuận trong Hợp đồng lao động giữa hai bên như anh C trình bày là đúng.

Công ty không quy định thời gian làm thêm giờ, chỉ quy định về lương cơ bản và lương theo doanh thu: 5% tính theo doanh thu của xe tính đến ngày 26 của tháng. Theo luật lao động người lao động chỉ làm tối đa 8 giờ/ngày do vậy công ty chỉ đồng ý chi trả cho anh C thời gian làm thêm giờ là thời gian làm quá 8 giờ/ngày, tức 2 giờ/ngày.

Công ty chấm công theo ngày, người lao động có mặt ở công ty là được chấm công, có bảng chấm công theo tháng công ty đã cung cấp cho Tòa án. Từ tháng 4/2021, công ty yêu cầu người lao động ngày nào cũng phải có mặt tại công ty và đã trả cho người lao động mức lương cơ bản là 7.000.000 đồng.

Công ty quản lý thời gian xe chạy dựa trên GPS. Nguyên đơn căn cứ trên Zalo nhóm điều phối xe: Thời gian xuất phát là thời gian nhận lệnh điều phối và thời gian trả hàng là thời gian lái xe báo lại. Nhưng lệnh điều phối xe chỉ đặt lệnh theo ngày chứ không theo giờ. Lái xe đi trong ngày chứ không có nghĩa vụ là phải xuất phát ngay và thời gian lái xe báo lại là thời gian lái xe tự báo chứ không có biên bản gì giữa lái xe và bên nhận hàng. Đối với yêu cầu tiền làm thêm giờ nguyên đơn cho rằng thời gian chờ đợi, làm thủ tục, bốc xếp hàng là thời gian ngoài quy định thì công ty đã trả người lao động tiền ăn, tiền thuê chỗ nghỉ và 5% doanh thu theo đầu xe cho lái xe.

Đối với zalo nhóm do nguyên đơn cung cấp là do đội xe tự thành lập, do anh Nguyễn Tiến Chinh là nhân viên điều hành ở công ty. Anh Chinh có nhiệm vụ: nhận thông tin của công ty L gửi thông tin lên nhóm, phân công công việc cho các đầu xe trong ngày theo các chuyến cụ thể, các lái xe nhận lệnh và đến các địa điểm nhận hàng và giao hàng. Tuy nhiên, điểm xuất phát và điểm đến công ty quản lý qua GPS chứ không theo thời gian trên nhóm zalo này. Công ty không quy định về việc thành lập nhóm zalo này. Căn cứ tính 5% doanh thu xe là số tiền 5% lái xe được hưởng cước vận chuyển theo từng chuyến xe, ngoài ra công ty còn trả tiền ăn cho lái xe dao động từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng/ ngày (tiền ngoài 5% cước vận chuyển). Sau đó, hàng tháng công ty tổng hợp và trả cùng lương cơ bản cho người lao động. Hàng tháng anh C đều đồng ý nhận tất cả các chế độ trên và không có ý kiến gì.

Đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì quan điểm của công ty như sau:

1. Về thời gian làm thêm giờ: Công ty L đồng ý xem xét lại vấn đề làm thêm giờ cho anh C thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021. Về số thời gian làm thêm giờ thì công ty chỉ tính theo dữ liệu GPS, không đồng ý tính theo bảng tự tính của anh C. Tính số giờ làm thêm cho anh C đối với khoảng thời gian làm việc thực tế vượt 8 giờ/ngày dựa trên dữ liệu GPS. Số giờ làm thêm thực tế là 50,32 giờ tương đương số tiền 2.540.192 đồng. Về đơn giá tính công ty tính theo đơn giá 7.000.000 đồng/26 ngày/8 giờ để ra đơn giá tính.

2. Đối với 5% doanh thu: Công ty L đã trả đầy đủ cho người lao động, trường hợp chưa trả đủ công ty đồng ý xem xét cho anh C trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021.

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn chỉ đồng ý một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về trả lương làm thêm giờ từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021, và số tiền là 2.540.192 đồng, bởi lẽ:

- Căn cứ Điều 97 Bộ luật lao động 2012, Điều 6, Điều 8 Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH; Điều 98 Bộ luật lao động 2019 và Điều 55, Điều 57 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, Điều 106 Bộ luật lao động 2012 và Điều 107 Bộ luật lao động 2019, việc tính lương làm thêm phải dựa trên số giờ làm thêm theo thỏa thuận của hai bên phát sinh trong thực tế.

- Công ty không đồng ý với số giờ làm thêm anh C tính theo thời gian tổng hành trình GPS vì tổng thời gian không phải số giờ làm việc thực tế; trong tổng thời gian hành trình có rất nhiều “thời gian nghỉ trong giờ làm việc” mà theo luật thì thời gian này không tính vào giờ làm việc có hưởng lương, người lao động chỉ được hưởng lương khi mà người lao động “làm việc theo ca liên tục”. Trong trường hợp của ông Cường thì ông Cường không phải người lao động làm việc theo ca liên tục. Theo dữ liệu GPS có rất nhiều ngày thời gian tổng hành trình là hơn 10 giờ, nhưng thời gian thực tế lái xe của ông Cường chỉ khoảng 2-4 giờ, còn lại là thời gian nghỉ ngơi. Như vậy có thể thấy việc tính thời gian làm thêm giờ dựa trên tổng thời gian hành trình là không hợp pháp và không hợp lý.

- Trong thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021, thời gian làm việc thực tế do ông Cường tự sắp xếp. Công ty chỉ gửi thông tin về chuyến hàng cho ông Cường, còn giờ xuất phát, giờ nghỉ ngơi sẽ do tự lái xe sắp xếp. Hoạt động xác định giờ làm thêm và tính lương làm thêm là hoạt động diễn ra hàng tháng. Tuy nhiên trong suốt khoảng thời gian làm tại Công ty, chưa có tháng nào ông Cường báo cáo, đối chiếu, xác minh số giờ làm thêm với công ty hay yêu cầu công ty xem xét tính giờ làm thêm, tính lương làm thêm. Như vậy công ty chỉ có thể xác định thời gian làm việc thực tế của ông Cường theo thời gian lái xe/thời gian xe lăn bánh trên dữ liệu GPS.

Chính vì vậy công ty chỉ đồng ý tính lương làm thêm giờ cho ông Cường đối với khoảng thời gian lái xe vượt 08 giờ/ ngày và theo dữ liệu GPS. Căn cứ dữ liệu GPS của các tháng từ tháng 10/2020 đến thàng 8/2021 công ty xác định số giờ làm thêm thực tế của ông Cường là 50,32 giờ.

Đối với 5% doanh thu: Công ty L đã trả đầy đủ cho người lao động.

Với nội dung trên, bản án sơ thẩm căn cứ khoản Điều 32, 35, 39, 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 95, Điều 98, Điều 105, Điều 106, Điều 107 Bộ luật lao động 2019; Điều 90, Điều 96, Điều 97, Điều 104, Điều 105, Điều 106 Bộ luật lao động 2012; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa 14;

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Hùng C. Buộc Công ty TNHH L phải trả cho anh C số tiền làm thêm giờ từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021 là 2.540.192 đồng (Hai triệu năm trăm bốn mươi ngàn một trăm chín hai đồng).

Đối với khoản tiền chênh lệch 5% tiền doanh thu hàng tháng, anh C không đưa ra được yêu cầu cụ thể nên không xem xét giải quyết.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 25/11/2022, nguyên đơn là anh Phạm Hùng C kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và đơn kháng cáo đề Hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện và đơn kháng cáo của nguyên đơn, người bảo veeh quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Hội đồng xét xử tính lương làm việc của lái xe vào thời gian ban đêm đối với những ngày mà lái xe chạy xe vào ban đêm là 30%, đồng thời xác định giờ làm việc của lái xe từ 20 tấn trở lên thì thời gian làm việc trong một ngày không quá 6 giờ, do vậy ngoài thời gian 6 giờ theo quy định thì Công ty TNHH L phải tính cho lái xe đó là giờ làm thêm để trả lương cho lái xe và khoản tiền chênh lệch 5% tiền doanh thu hàng tháng. Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn xác định đã thanh toán đầy đủ cho anh Quân và anh Quân không có khiếu nại gì trong thời gian làm việc tại Công ty do vậy đề nghị không chấp nhận đề nghị của anh Quân và đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Các bên được sợ không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Ninh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân thủ pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án của Thẩm phán, Hội đồng xét xử; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng dân sự kể từ khi thụ lý phúc thẩm cho đến phần tranh luận tại phiên tòa là đảm bảo theo đúng trình tự, quy định của pháp luật và đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ Khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, giữ nguyên bản án sơ thẩm xử.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của anh Phạm Hùng C nộp trong hạn luật định là kháng cáo hợp lệ nên được chấp nhận xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2]. Về nội dung: Anh Phạm Hùng C và công ty TNHH Logistics HTNS- L có ký kết Hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 0112/2020/HĐLĐ do ông Kim Jea H là Tổng giám đốc - người đại diện theo pháp luật. Nội dung hợp đồng: Công ty L thuê anh C là lái xe đầu kéo. Công việc cụ thể theo bản mô tả vị trí công việc và thực hiện các nhiệm vụ do người quản lý trực tiếp và trưởng bộ phận. Địa điểm làm việc tại KCN Yên Phong, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh với thời gian làm việc là 10 giờ/ngày, làm việc 26 ngày/tháng. Lương cơ bản là 7.000.000 đồng/tháng; tiền làm thêm giờ được trả theo quy định của Luật lao động Việt Nam; hình thức trả lương: Thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản vào ngày cuối cùng hàng tháng. Chế độ nâng lương: Ngày 25/12 hàng năm, người lao động thỏa thuận mức lương mới với công ty và các bên thống nhất, quyết định. Phép năm và ngày nghỉ lễ áp dụng theo quy định của Luật lao động Việt Nam.

Đến ngày 12/4/2022 anh C viết đơn xin nghỉ việc tại công ty. Anh C cho rằng Công ty vi phạm quy định của Luật lao động khi yêu cầu anh làm việc 10 giờ/ngày, ngoài ra việc chi trả 5% doanh thu xe cho anh cũng không được biết, do đó anh khởi kiện yêu cầu công ty phải trả anh tiền làm thêm giờ tổng cộng là 76.979.388 đồng và đề nghị công ty công khai cách tính 5% doanh thu theo xe và nếu có phần chênh lệch thì phải thanh toán nốt cho anh.

Bản án sơ thẩm xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh C buộc Công ty L phải trả cho anh C số tiền làm thêm giờ từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021 là 2.540.192 đồng. Còn đối với khoản tiền chênh lệch của 5% tiền doanh thu xe do anh C không đưa ra yêu cầu cụ thể nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết.

Sau khi Tòa án sơ thẩm xử, anh C kháng cáo toàn bộ bản án. Xét kháng cáo của anh C:

Thứ nhất, anh C cho rằng Tòa án xác định giờ làm việc của lái xe dựa trên dữ liệu GPS chỉ tính giờ xe lăn bánh là không phù hợp với quy định của pháp luật, không đúng với đặc thù công việc của lái xe container, lái xe phải có trách nhiệm bảo quản xe, hàng hóa trên xe từ khi nhận xe tới khi bàn giao xe về bãi của công ty, ngoài ra lái xe còn phải chờ đợi bốc xếp hàng hóa, làm thủ tục hải quan, test covid trong thời gian dịch bệnh, thời gian sửa chữa xe, đổ xăng dầu… Hội đồng xét xử thấy theo hợp đồng lao động thì các bên không thỏa thuận cụ thể về cách tính thời gian làm thêm trong ngày, tại phiên tòa sơ thẩm cả nguyên đơn và bị đơn đều đồng ý với dữ liệu GPS. Nguyên tắc hoạt động của GPS là sẽ tính thời gian bắt đầu từ lúc cắm chìa khóa vào xe, trong khoảng thời gian đó lái xe có thể làm bất cứ công việc gì, kể cả khi lái xe không ở trong xe. Công việc thực tế hàng ngày của lái xe vận chuyển hàng hóa là nhận lệnh từ nhóm trưởng, sau đó kiểm tra xe và nhận các vận dụng, tiền chi phí cầu đường, vận hành xe đến địa điểm lấy hàng. Tại địa điểm lấy hàng sẽ có người của công ty xếp hàng và kẹp chì cửa thùng xe. Sau đó lái xe vận chuyển hàng đến địa điểm giao hàng, tại địa điểm giao hàng người của công ty sẽ kiểm tra phần kẹp chì và xuống hàng, cuối cùng người lái xe sẽ lái xe về bãi. Như vậy, lái xe chủ động về thời gian khởi hành cũng như thời gian kết thúc chuyến hàng, công ty không quy định cụ thể thời gian của một chuyến hàng là bao nhiêu giờ. Ngoài ra công việc mà anh C nhận là lái xe đầu kéo vận chuyển hàng hóa, như vậy những thủ tục sắp xếp hàng hóa hay thủ tục thông quan, nhận giao hàng… là một phần công việc bắt buộc của người lái xe, công ty chỉ phải trả thêm giờ khi thời gian làm những thủ tục đó kéo dài khiến giờ làm việc của anh C lớn hơn 8 giờ/ngày và anh C cũng phải có nghĩa vụ báo lại cho công ty những tình tiết phát sinh đó. Thế nhưng trong suốt thời gian làm việc anh C chưa lần nào thông báo hay đề nghị công ty xem xét vấn đề làm thêm giờ này. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận cách tính giờ của anh C là (Thời gian lăn bánh + thời gian dừng đỗ) - 8 giờ/ngày – thời gian làm thêm là có căn cứ và bản án sơ thẩm đã xác định thời gian làm việc thực tế vượt 8 giờ/ngày của anh C là 50,32 giờ tương ứng với số tiền 2.549.142 đồng là đúng quy định của pháp luật.

Thứ hai, anh C cho rằng phía bị đơn cố tình không cung cấp những tài liệu có liên quan đến số tiền 5% doanh thu theo xe nhưng Tòa án cấp sơ thẩm đã không buộc bị đơn phải cung cấp mà chấp nhận lý do bị đơn giải thích rằng “chỉ thỏa thuận miệng với đối tác” để làm căn cứ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh C là trái quy định pháp luật. Hội đồng xét xử thấy phía công ty L đã cung cấp cho Tòa án toàn bộ bảng lương chi tiết của anh C từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021 trong đó có số tiền thưởng doanh thu của từng tháng. Ngoài ra trong suốt quá trình giải quyết vụ án anh C không đưa ra được tài liệu chứng cứ nào thể hiện việc Công ty L không trả cho anh doanh thu 5% hoặc trả thiếu số tiền đó cũng như anh C không đưa ra được yêu cầu số tiền cụ thể mà công ty L phải trả cho anh do đó Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét yêu cầu này của anh C là đúng quy định pháp luật.

Tại giai đoạn chuẩn bị xét xử, cũng như tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, anh C kháng cáo bản án nhưng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào mới nên kháng cáo của anh C không có căn cứ chấp nhận cần bác toàn bộ kháng cáo của anh C.

[3]. Về án phí: Anh Phạm Hùng C được miễn tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản Điều 32, 35, 39, 147 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 95, Điều 98, Điều 105, Điều 106, Điều 107 Bộ luật lao động 2019; Điều 90, Điều 96, Điều 97, Điều 104, Điều 105, Điều 106 Bộ luật lao động 2012; Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa 14; Giữ nguyên bản án sơ thẩm xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Hùng C. Buộc Công ty TNHH L phải trả cho anh C số tiền làm thêm giờ từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021 là 2.540.192 đồng (Hai triệu năm trăm bốn mươi ngàn một trăm chín hai đồng).

Đối với khoản tiền chênh lệch 5% tiền doanh thu hàng tháng, anh C không đưa ra được yêu cầu cụ thể nên không xem xét giải quyết.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, các bên không thỏa thuận được lãi suất thì người phải thi hành án phải chịu lãi suất theo khoản 2 Điều 468 BLDS tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án.

2. Về án phí: Công ty TNHH Logistics HTNS - L phải chịu 300.000 đồng án phí lao động sơ thẩm.

Miễn tiền án phí lao động phúc thẩm và lao động sơ thẩm cho anh Phạm Hùng C.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1545
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp tiền lương số 01/2023/LĐPT

Số hiệu:01/2023/LĐPT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bắc Ninh
Lĩnh vực:Lao động
Ngày ban hành: 31/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về