TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
BẢN ÁN 151/2023/DS-PT NGÀY 14/02/2023 VỀ TRANH CHẤP TIỀN ĐẶT CỌC THAM GIA ĐẤU GIÁ CỔ PHẦN
Trong các ngày 12 tháng 01 và ngày 14 tháng 02 năm 2023, tại phòng xử án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 399/2022/TLPT-DS ngày 07 tháng 11 năm 2022, về việc: “Tranh chấp tiền đặt cọc tham gia đấu giá cổ phần”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 224/2022/DS-ST ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 5882/2022/QĐ-PT ngày 22 tháng 11 năm 2022 và Quyết định hoãn phiên tòa dân sự phúc thẩm số 19935/2022/QĐ-PT ngày 21 tháng 12 năm 2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Trần Văn C, sinh năm 1962; địa chỉ: CR, tuyến BT, huyện V, tỉnh L.
Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông Nguyễn Trọng N, sinh năm 1976, địa chỉ: Số 22C đường Vũ Ngọc P, Phường 13, quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh (Giấy ủy quyền số công chứng 1004 lập ngày 04/4/2019 tại Văn phòng Công chứng Z).
2. Bị đơn: Công ty Cổ phần Chứng khoán F; địa chỉ trụ sở chính: Số 52 đường W, phường B, quận TH, Thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Bà Nguyễn Thị Thanh H, địa chỉ: Số 61 đường G, phường ĐK, Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh (Giấy ủy quyền ngày 19/8/2022).
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: BTC.
Địa chỉ trụ sở chính: Số 28 đường THĐ, phường PCT, quận HK, Thành phố Hà Nội.
Người kháng cáo: Công ty Cổ phần Chứng khoán F – bị đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Tại đơn khởi kiện ngày 08/4/2019, đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 10/7/2022, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn là ông Trần Văn C có ông Nguyễn Trọng N là người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Ngày 26/12/2018, ông Trần Văn C nộp số tiền là 37.737.290 đồng vào tài khoản Công ty Cổ phần Chứng khoán F- Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Công ty F) để tham gia đấu giá mua cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T (sau đây viết tắt là Công ty T) theo Giấy nộp tiền ngày 26/12/2018.
Ngày 09/01/2019, ông C có tham gia đấu giá mua cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty T do Công ty F là đơn vị tổ chức bán đấu giá cổ phần; do chưa từng tham gia đấu giá mua cổ phần nên ông C đã ghi sai bước giá trên phiếu tham dự đấu giá. Kết thúc buổi đấu giá, bà Lê Quang Ngọc T1 - đại diện Công ty F cho rằng việc ông C ghi sai bước giá là vi phạm Quy chế bán đấu giá ban hành kèm theo Quyết định số 124-2018/QĐ/FS-FCF ngày 14/12/2018 của Công ty F (sau đây gọi tắt là Quy chế đấu giá). Từ việc nhận định mang tính chủ quan này dẫn đến hội đồng đấu giá cho rằng ông C vi phạm Quy chế bán đấu giá nên không đồng ý hoàn trả lại tiền cọc cho ông C.
Theo quy định tại điều 21 Quy chế đấu giá thì ông C sẽ được nhận lại tiền đặt cọc vào ngày 14/01/2019 nhưng tới nay ông C vẫn chưa nhận được số tiền này.
Ngày 13/3/2019, căn cứ theo: Khoản 2 Điều 75 Luật số 01/2016/QH14 về Đấu giá tài sản, Điều 21 Quy chế đấu giá, ông C nộp đơn khiếu nại đến bà Lê Quang Ngọc T1 yêu cầu hoàn trả lại số tiền đặt cọc nhưng không được giải quyết thỏa đáng nên ông C nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.
Việc không hoàn trả tiền cọc là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại rất lớn đến ông C cũng như uy tín của Tổ chức bán đấu giá; quyền lợi chính đáng của ông C không được bảo vệ vì các lý do sau:
Thứ nhất: Trước ngày Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực pháp luật thì các công ty chứng khoán đều liệt kê các hành vi ghi sai bước giá là vi phạm quy chế đấu giá. Trong trường hợp này, tại Điều 19 của Quy chế đấu giá của Công ty F ban hành đã không liệt kê việc ghi sai bước giá là vi phạm quy chế đấu giá; do vậy, việc ghi sai bước giá không vi phạm quy chế đấu giá.
Thứ hai: Kể từ ngày Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực pháp luật thì việc ghi sai bước giá không bị xem là vi phạm Quy chế đấu giá nữa. Hành vi này đã được loại trừ theo quy định tại khoản 6, 7 điều 39 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Thứ ba: Khi nhận được đơn khiếu nại của ông C, bà Lê Quang Ngọc T1 lại viện dẫn Công văn số 559/STC-TCDN của Sở Tài chính tỉnh L để không hoàn trả lại tiền cọc là vi phạm pháp luật vì căn cứ theo Quy chế đấu giá, Luật Đấu giá tài sản thì Sở Tài chính tỉnh L trong trường hợp này không có thẩm quyền quyết định việc hoàn trả hay không hoàn trả tiền đặt cọc cho ông C; do vậy, việc thực hiện chỉ đạo này là vi phạm pháp luật;
Thứ tư: Sở Tài chính tỉnh L không ban hành Thông báo số 559/STC-TCDN ngày 27/02/2019 như Công ty F viện dẫn tại Công văn số 16/2019/CV/FS ngày 14/3/2019;
Thứ năm: Theo ông C hiểu việc thu tiền đặt trước của ông C không thể thực hiện bằng: Biên bản của Hội đồng đấu giá và thông báo của Sở Tài chính tỉnh L mà phải được thực hiện bằng một quyết định của Hội đồng đấu giá.
Tại đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 10/7/2022, ông C điều chỉnh lại yêu cầu khởi kiện như sau: Số tiền đặt cọc ông C yêu cầu bị đơn hoàn trả lại là 37.737.290 đồng chứ không phải 37.737.500 đồng như trong khởi kiện ngày 08/4/2019; vì số tiền đặt cọc theo giấy nộp tiền ngày 26/12/2018 là 37.737.290 đồng, trước đây ông C làm tròn thành 37.737.500 đồng. Thời điểm tính lãi kể từ ngày 15/01/2019 chứ không phải ngày 14/01/2019.
Từ những quy định của pháp luật được trích dẫn nêu trên, ông C giữ nguyên yêu cầu Tòa án nhân dân Quận X xem xét giải quyết các vấn đề sau đây:
1. Buộc Công ty Cổ phần Chứng khoán F hoàn trả cho ông C số tiền đặt cọc là 37.737.290 đồng.
2. Buộc Công ty Cổ phần Chứng khoán F bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn với lãi suất 0,83% tháng (10%/năm) nhân với số tiền không được hoàn trả tính từ ngày 15/01/2019 cho đến ngày nhận được đủ số tiền đặt cọc và tiền lãi, số tiền lãi tạm tính đến ngày 20/7/2022 là: 13.259.747 đồng.
* Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa Bị đơn- Công ty Cổ phần Chứng khoán F có bà Ngô Huỳnh Phương T2 là người đại diện theo ủy quyền trình bày:
Ông Trần Văn C nộp Đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân Quận X để yêu cầu Công ty F hoàn trả lại tiền đặt cọc với số tiền là 37.737.290 đồng và phải bồi thường thiệt hại với lãi suất 0,83%/tháng nhân với số tiền không được hoàn trả. Bị đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông C vì các lý do sau:
Thứ nhất, tại khoản 1 mục I Đơn khởi kiện, ông C nêu: “Sở Tài chính tỉnh L không ban hành Công văn số: 559/STC-TCDN ngày 27/02/2019”. Tuy nhiên, Sở Tài chính tỉnh L thực tế đã ban hành công văn này. Như vậy, việc Nhà đầu tư cho rằng Sở Tài chính tỉnh L không ban hành Công văn số 559/STC-TCDN ngày 27/02/2019 là không chính xác với thực tế.
Thứ hai, tại Khoản 2 mục I Đơn khởi kiện ông C nêu: “Căn cứ Khoản 3 điều 4 “Quy chế đấu giá”; điểm đ, khoản 2, điều 62 “Luật Đấu giá tài sản năm 2016” thì Sở Tài chính tỉnh L không có thẩm quyền xử lý vi phạm về “Quy chế đấu giá” của Nhà đầu tư”.
Tuy nhiên, Sở Tài chính tỉnh L không thực hiện xử lý vi phạm của Nhà đầu tư như viện dẫn. Việc xử lý vi phạm của Nhà đầu tư được Hội đồng đấu giá thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy chế đấu giá và Ban chỉ đạo thực hiện thoái vốn đã làm theo đúng nghĩa vụ được Chủ sở hữu là Ủy ban nhân dân tỉnh L phân công theo theo Quyết định số 4195/QĐ-UBND ngày 09/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh L. Cụ thể:
Việc xác định ông C ghi sai bước giá là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 12 Quy chế đấu giá được thực hiện ngay tại buổi đấu giá ngày 09/01/2019 có sự tham gia của Nhà đầu tư là ông Trần Văn C. Hội đồng đấu giá là cơ quan có đủ thẩm quyền xử lý theo quy định. Trong đó, ông Trương Hữu T3 là Chủ tịch hội đồng đấu giá (Là người đại theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh L theo Giấy ủy quyền ngày 13/12/2018, ông Trương Hữu T3 đồng thời là người đại diện phần vốn của Ủy ban nhân dân tỉnh L theo quyết định cử người đại diện phần vốn Nhà nước; đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty T tại thời điểm đấu giá.
Hội đồng đấu giá xác định và xử lý vi phạm của Nhà đầu tư trên cơ sở quy định của Quy chế đấu giá, đồng thời có sự tham vấn ý kiến của Đại diện Ban chỉ đạo thoái vốn là cơ quan có đầy đủ thẩm quyền theo quyết định số 4195/QĐ- UBND ngày 09/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh L.
Như vậy, việc xác định và xử lý vi phạm của Nhà đầu tư được tiến hành đầy đủ, đúng quy định tại buổi đấu giá và có sự chứng kiến của Nhà đầu tư và Nhà đầu tư không có ý kiến phản đối. Sau đó, ngày 10/01/2019, ông C đã có đơn cứu xét gửi đến Hội đồng đấu giá và Sở Tài chính tỉnh L để được xem xét về việc được nhận lại tiền đặt cọc.
Căn cứ Đơn cứu xét ngày 10/01/2019 của ông C, ông Nguyễn Văn B1 – Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh L – Trưởng Ban chỉ đạo thoái vốn theo quyết định số 4195/QĐ-UBND ngày 09/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh L đã chủ trì buổi họp xử lý vụ việc. Thành phần tham dự buổi họp gồm Ban chỉ đạo thoái vốn và Hội đồng đấu giá là những cơ quan có trách nhiệm xử lý vụ việc theo đúng quy định.
Chi tiết thành phần tham dự cuộc họp, diễn biến và kết quả cuộc họp được ghi lại tại Biên bản họp số 449/BB-STC ngày 18/02/2019. Như vậy, việc xử lý vi phạm của Nhà đầu tư đã được các đơn vị đúng thẩm quyền xem xét và xử lý theo quy định. Tiếp đó, đại diện Sở Tài chính tỉnh L thực hiện phúc đáp cho Nhà đầu tư theo Công văn số 559/STC-TCDN ngày 27/02/2019. Như vậy, việc Sở Tài chính tỉnh L, đại diện là ông Nguyễn Văn B1 đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo thoái vốn có đầy đủ thẩm quyền thực hiện phúc đáp cho Nhà đầu tư. Nội dung công văn phúc đáp cũng nêu rõ việc phúc đáp được căn cứ kết quả cuộc họp của Ban chỉ đạo thoái vốn và Hội đồng bán đấu giá.
Thứ ba, tại Khoản 3 mục I Đơn khởi kiện ông C nêu: “Trước ngày “Luật đấu giá 2016” có hiệu lực thì các công ty chứng khoán đều liệt kê các hành vi ghi sai bước giá là vi phạm Quy chế đấu giá. Trong trường hợp này, tại điều 19 Quy chế đấu giá của Công ty F đã ban hành không liệt kê việc ghi sai bước giá là vi phạm quy chế đấu giá; do vậy việc ghi sai bước giá của tôi không vi phạm Quy chế đấu giá.” Tuy nhiên, bị đơn xin đưa ra các căn cứ sau đây để chứng minh viện dẫn của ông C là không phù hợp với quy định cũng như thực tế thực hiện của Nhà đầu tư:
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán năm 2010, “Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây: a) cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ ”. Đồng thời, căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định: “Việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”. Vậy, việc đấu giá đối với cổ phiếu của Ủy ban nhân dân tỉnh L sở hữu tại Công ty T được thực hiện theo quy định của Luật Chứng khoán thay vì Luật Đấu giá tài sản là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật.
Khi thực hiện thủ tục đăng ký tham dự đấu giá, ông C có nghĩa vụ đọc và nghiên cứu kỹ thông tin tại Quy chế đấu giá đồng thời tự nguyện ký vào các cam kết, đồng ý tuân thủ, chấp thuận toàn bộ quy định của Quy chế đấu giá. Cụ thể:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 8 Điều 6 của Quy chế đấu giá, ông C có trách nhiệm tuân thủ các nội dung tại Quy chế này.
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Quy chế đấu giá, ông C đồng thời có nghĩa vụ cam kết chấp thuận toàn bộ các nội dung của Quy chế đấu giá.
Căn cứ Đơn đăng ký tham gia mua cổ phần ngày 26/12/2018, ông C đã tự nguyện ký cam kết với nội dung “Tôi/chúng tôi tự nguyện tham dự cuộc đấu giá do CTCP Chứng khoán F tổ chức và cam kết thực hiện nghiêm túc quy định về đấu giá và kết quả đấu giá do CTCP Chứng khoán F công bố. Nếu vi phạm, tôi/chúng tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam.” Căn cứ Phiếu tham dự đấu giá ngày 26/12/2018, ông C đã tự nguyện ký cam kết với nội dung “Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ và Quy chế bán đấu giá cổ phần của Ủy ban Nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T do Công ty Cổ phần Chứng khoán F ban hành, tôi/chúng tôi đồng ý đấu giá mua cổ phần đã đăng ký với mức giá”.
Việc xác định vi phạm của ông C đã được thực hiện theo trình tự: Tại buổi đấu giá vào ngày 09/01/2019, có sự tham gia của ông C; Phiếu tham dự đấu giá của ông C được Ban tổ chức đấu giá mở niêm phong và kiểm phiếu, xác định là ông C ghi sai bước giá. Ban tổ chức đã thông báo đến Hội đồng đấu giá, đại diện Ban chỉ đạo thoái vốn có mặt tại phiên đấu giá để xử lý ngay tại buổi đấu giá.
Cụ thể: Ông Trần Văn C đặt giá 26.126 đồng/cổ phiếu Căn cứ Điều 10 Quy chế bán đấu giá quy định về các thông tin cơ bản của Phương án bán đấu giá, quy định:
Giá khởi điểm: 19.553 đồng/cổ phần Bước giá: 100 đồng Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 12 Quy chế đấu giá quy định về việc lập và nộp Phiếu tham dự đấu giá quy định: “Phiếu do tổ chức thực hiện báo đấu giá cấp, có đóng dấu treo của nơi cấp phiếu và đảm bảo: điền đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo quy định; phiếu không được tẩy, xóa hoặc rách nát; giá đặt mua không thấp hơn giá khởi điểm; tổng số cổ phần đặt mua tối đa bằng mức đăng ký. Phiếu tham dự đấu giá phải được bỏ trong phong bì có chữ ký của nhà đầu tư trên mép dán phong bì theo quy định”. Như vậy, mỗi nhà đầu tư có nghĩa vụ bỏ một mức giá sao cho khoảng cách giữa mức giá ghi trên phiếu đấu giá và giá khởi điểm có khoảng cách là giá trị chia hết cho 100 đồng. Ví dụ các mức giá phù hợp như: 19.553 đồng/cổ phần hoặc 19.653 đồng/cổ phần… hoặc các mức giá khác đảm bảo nguyên tắc trên. Khoảng cách giữa giá đặt mua của ông C và giá khởi điểm là 6.573 đồng, không tuân thủ đúng quy định của Quy chế đấu giá như đã được nêu tại Khoản 1 Điều 12 Quy chế đấu giá.
Căn cứ Khoản 1 Điều 19 Quy chế đấu giá quy định về việc Xử lý các trường hợp vi phạm quy định: “Những trường hợp bị coi là vi phạm Quy chế bán đấu giá và nhà đầu tư không được nhận lại tiền đặt cọc: Phiếu tham dự đấu giá không đáp ứng tại khoản 1 Điều 12 của Quy chế này”.
Căn cứ Khoản 1 Điều 23 Quy chế đấu giá quy đinh: “Mọi thắc mắc, khiếu nại của nhà đầu tư (nếu có) phải được nêu lên và giải quyết trong cuộc đấu giá. Hồi đồng bán đấu giá sẽ không chịu trách nhiệm đối với các thắc mắc, khiếu nại của Nhà đầu tư sau khi cuộc đấu giá kết thúc”.
Với những căn cứ nêu trên, Hội đồng đấu giá và đại diện Ban chỉ đạo thoái vốn xác định số lượng cổ phần của ông C đặt mua nêu trên là không hợp lệ, không ghi nhận số lượng cổ phiếu của Nhà đầu tư đặt mua vào số lượng cổ phiếu đặt mua hợp lệ. Kết quả được ghi lại tại biên bản xác định kết quả đấu giá lập ngày 09/01/2019. Ông C có mặt tại buổi đấu giá chứng kiến toàn bộ sự việc và không có ý kiến phản đối về vấn đề này.
Việc ông C không đồng ý với những quy định tại Quy chế đấu giá do Công Ty F ban hành đã vi phạm cam kết của chính Nhà đầu tư khi quyết định tham dự đấu giá cổ phiếu của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty T. Hơn nữa, việc ban hành Quy chế đấu giá khi tổ chức bán đấu giá cổ phần Công ty T đã được tiến hành theo Quy chế mẫu Ban hành theo Quyết định Số 586/QĐ-UBCK về “Ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá thông thường chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại Công ty cổ phần” ngày 06/7/2018 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Do vậy, việc xác định vi phạm của Nhà đầu tư được căn cứ theo Quy chế đấu giá của Công ty F và Luật Chứng khoán là đúng theo quy định pháp luật, cũng như việc xử lý vi phạm này do Hội đồng đấu giá và Ban chỉ đạo thoái vốn thực hiện là đúng thẩm quyền.
Thứ tư, tại Khoản 4 mục I Đơn khởi kiện ông C nêu: “Kể từ ngày Luật Đấu giá tài sản năm 2016 có hiệu lực thì việc ghi sai bước giá không bị xem là vi phạm “"Quy chế đấu giá” nữa. Hành vi này đã được loại trừ theo quy định tại khoản 6,7 Điều 39 Luật Đấu giá 2016”.
Tuy nhiên, căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Luật Đấu giá tài sản 2016 quy định về khoản loại trừ khi có sự khác nhau giữa những quy định về đấu giá. Cụ thể: “Việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”. Đồng thời, cổ phần của Công ty Cổ phần Đô thị T thuộc sở hữu Nhà nước – Ủy ban nhân dân tỉnh L. Do đó, việc tiến hành bán đấu giá cổ phiếu của Ủy ban nhân dân tỉnh L sở hữu tại Công ty Cổ phần Đô thị T phải tuân thủ Luật Chứng khoán năm 2006 sửa đổi năm 2010; Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nói cách khác, việc đấu giá nói trên được thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán và những quy định tại Quy chế đấu giá do Công ty F ban hành là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật. Như vậy, ông C không thể viện dẫn Luật Đấu giá tài sản năm 2016 để áp dụng cho trường hợp này.
Số tiền nguyên đơn đã đặt cọc là 37.737.290 đồng, sau khi có kết luận về việc xử lý tiền đặt cọc của ông C, bị đơn đã chuyển khoản số tiền 37.737.290 đồng về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thuộc BTC theo phiếu chuyển khoản ngày 11/3/2019.
Từ những lập luận và trình bày trên, bị đơn không đồng ý với toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là BTC có đơn đề ngày 27/5/2020 xin vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ án.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 224/2022/DS-ST ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Buộc Công ty Cổ phần Chứng khoán F có nghĩa vụ trả cho ông Trần Văn C số tiền đặt cọc và tiền lãi tổng cộng là 51.059.071 (Năm mươi mốt triệu không trăm năm mươi chín nghìn không trăm bảy mươi mốt) đồng, trong đó số tiền đặt cọc là 37.737.290 đồng, tiền lãi là 13.321.781 đồng.
Thời hạn thanh toán: Trả một lần ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.
Kể từ ngày ông Trần Văn C có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, Công ty Cổ phần Chứng khoán F còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.
Các bên thi hành tại Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị đơn – Công ty Cổ phần Chứng khoán F kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn không rút yêu cầu kháng cáo, các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án.
Người kháng cáo – Công ty Cổ phần Chứng khoán F có bà Nguyễn Thị Thanh H đại diện trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm với các lý do sau: Bản án sơ thẩm áp dụng Luật Đấu giá tài sản năm 2016 để giải quyết tranh chấp trong vụ án này là không đúng, bởi vì: Cổ phần của Ủy ba nhân dân tỉnh L tại Công ty T là tài sản Nhà nước nên cần áp dụng quy định của pháp luật tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014. Đồng thời, tài sản được đưa ra bán đấu giá nói trên là loại tài sản chứng khoán nên phải áp dụng pháp luật về chứng khoán để giải quyết tranh chấp trong vụ án án này theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Quy chế bán đấu giá cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty T (Ban hành theo Quyết định số 124-2018/QĐ/FS-FCF ngày 14/12/2018) và theo Quyết định số 586/QĐ-UBCK ngày 06/7/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá thông thường chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần.
Theo Điều 10 của Quy chế đấu giá quy định về các thông tin cơ bản của phương án bán đấu giá, quy định: “…Giá khởi điểm: 19.553 đồng/cổ phần, bước giá: 100 đồng…”. Do nguyên đơn đặt giá 26.126 đồng/cổ phiếu là vi phạm bước giá nên Phiếu tham dự đấu giá của nguyên đơn không hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Quy chế bán đấu giá nên căn cứ khoản 1 Điều 19 Quy chế bán đấu giá về việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định: “…Phiếu tham dự đấu giá không đáp ứng tại khoản 1 Điều 12 của quy chế này;…”. Như vậy, do nguyên đơn vi phạm quy chế bán đấu giá cổ phần, cụ thể vi phạm bước giá nên nguyên đơn phải mất tiền đặt cọc là 37.737.290 đồng. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Quy chế đấu giá thì tiền đặt cọc không được tính lãi. Số tiền đặt cọc 37.737.290 đồng của nguyên đơn, sau khi có kết luận của Hội đồng bán đấu giá về việc xử lý tiền đặt cọc của nguyên đơn, Công ty F đã chuyển khoản số tiền 37.737.290 đồng về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp thuộc BTC theo Phiếu chuyển khoản ngày 11/3/2019. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Công ty F phải trả lại tiền đặt cọc tham dự đấu giá cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty T là 37.737.290 đồng và tiền lãi là 13.321.781 đồng.
Phía bị đơn cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ gồm: Vi bằng số 01/2023/VB- TPL và Vi bằng số 02/2023/VB-TPL do Công ty Cổ phần chứng khoáng F yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại Quận 5 lập cùng ngày 03/01/2023.
Ý kiến của đại diện nguyên đơn: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến:
- Về tố tụng: Trong suốt quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phúc thẩm, Thư ký và các đương sự đã thực hiện trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật.
- Về nội dung:
Căn cứ Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014.
Do Công ty T chưa niêm yết hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nên thực hiện việc chuyển nhượng vốn góp theo phương thức đấu giá công khai nên áp dụng Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Theo các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ thể hiện ông C ghi sai bước giá trên phiếu tham dự đấu giá; căn cứ vào các quy định tại Quy chế đấu giá thì việc việc ghi không đúng bước giá không thuộc trường hợp nhà đầu tư không được trả lại tiền đặt cọc tham gia đấu giá. Do vậy, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn - Công ty Cổ phần Chứng khoán F, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 224/2022/DS-ST ngày 26 tháng 7 năm 2022 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng:
[1.1] Về sự vắng mặt của đương sự tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan – BTC có đơn xin xét xử vắng mặt; do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 2 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự tiến hành xét xử vụ án.
[1.2] Về quan hệ pháp luật: Nguyên đơn - ông Trần Văn C khởi kiện bị đơn - Công ty Cổ phần Chứng khoán F, yêu cầu bị đơn trả lại cho nguyên đơn số tiền 37.737.290 đồng đặt cọc để tham gia mua đấu giá cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T theo Giấy nộp tiền ngày 26/12/2018 và tiền lãi 10%/năm tính từ ngày 15/01/2019.
Căn cứ khoản 1 và khoản 5 Điều 6 Văn bản hợp nhất Luật Chứng khoán số 27/VBHN-VPQH ngày 18/12/2013 (Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010), về giải thích từ ngữ quy định: Chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Chứng khoán được thể hiện dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi số hoặc dữ liệu điện tử, bao gồm các loại sau đây:
a) Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
b) Quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, nhóm chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán;
c) Hợp đồng góp vốn đầu tư;
d) Các loại chứng khoán khác do BTC quy định.
Khoản 5 Điều 6 “Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định”.
Như vậy, cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T là một loại tài sản là chứng khoán. Do đó, cần xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp tiền đặt cọc tham gia đấu giá cổ phần”.
[1.3] Pháp luật áp dụng: Cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T là tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh nên cần áp dụng Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Đồng thời, theo Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: “Việc đấu giá đối với chứng khoán được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán; việc đấu giá đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước”. Như đã phân tích ở trên, tài sản bán đấu giá cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T là chứng khoán nên pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp trong vụ án này là pháp luật về chứng khoán.
[2] Về nội dung: Theo các tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình giải quyết và xét xử vụ án, sự thừa nhận của đại diện nguyên đơn tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn đã vi phạm bước giá theo Quy chế bán đấu giá cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T (Ban hành kèm theo Quyết định số 124-2018/QĐ/FS-FCF ngày 14/12/2018).
[2.1] Quy chế bán đấu giá cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T ban hành kèm theo Quyết định số 124-2018/QĐ/FS-FCF ngày 14/12/2018 được lập căn cứ vào Quy chế mẫu về bán đấu giá thông thường chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần ban hành kèm theo Quyết định số 586/QĐ-UBCK ngày 06/7/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Khoản 1 Điều 12 Quy chế đấu giá quy định về Lập và nộp phiếu tham dự đấu giá: “Phiếu tham dự đấu giá hợp lệ là: “Phiếu do tổ chức thực hiện bán đấu giá cấp, có đóng dấu treo của nơi cấp phiếu và đảm bảo: điền đầy đủ, rõ ràng các thông tin theo quy định; phiếu không được tẩy, xóa hoặc rách nát; giá đặt mua không thấp hơn giá khởi điểm; tổng số cổ phần đặt mua tối đa bằng mức đăng ký. Phiếu tham dự đấu giá phải được bỏ trong phong bì có chữ ký của nhà đầu tư trên mép dán phong bì theo quy định”.
Khoản 1 Điều 19 xử lý các trường hợp vi phạm quy định: “…Phiếu tham dự đấu giá không đáp ứng tại khoản 1 Điều 12 của quy chế này;”.
Quy định tại Điều 10 các thông tin cơ bản về phương án bán đấu giá, như sau: “…Giá khởi điểm: 19.553 đồng/cổ phần, bước giá: 100 đồng…”;
Bước giá là một trong những quy định cơ bản mà nhà đầu tư phải tự ghi thật chính xác trong phiếu tham dự đấu giá. Do nguyên đơn đặt giá 26.126 đồng/cổ phiếu là vi phạm bước giá nên Phiếu tham dự đấu giá của nguyên đơn không hợp lệ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 của Quy chế đấu giá; căn cứ khoản 1 Điều 19 Quy chế đấu giá về việc xử lý các trường hợp vi phạm quy định: Những trường hợp sau đây bị coi là vi phạm Quy chế đấu giá và nhà đầu tư không được nhận lại tiền đặt cọc “…Phiếu tham dự đấu giá không đáp ứng tại khoản 1 Điều 12 của quy chế này;…”. Như vậy, nguyên đơn vi phạm quy chế bán đấu giá, cụ thể vi phạm bước giá nên nguyên đơn phải mất tiền đặt cọc. Hội đồng đấu giá đã thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật về việc quyết định không trả tiền đặt cọc cho nhà đầu tư. Do đó, Công ty Cổ phần Chứng khoán F kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ nên chấp nhận.
Án sơ thẩm nhận định tranh chấp giữa các bên phát sinh trong quá trình bán đấu giá tài sản nên áp dụng khoản 6 và khoản 7 Điều 39 Luật Đấu giá tài sản năm 2016 để giải quyết tranh chấp và quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn phải trả lại tiền đặt cọc và lãi cho nguyên đơn là không đúng pháp luật.
Từ những lập luận trên, xét kháng cáo yêu cầu sửa án sơ thẩm của bị đơn có cơ sở nên chấp nhận, không chấp nhận đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.
Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 2 Điều 148 và khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ điểm a khoản 1 và khoản 5 Điều 6 Văn bản hợp nhất Luật chứng khoán số 27/VBHN-VPQH ngày 18/12/2013 (Luật chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán năm 2010);
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Luật Đấu giá tài sản năm 2016;
Căn cứ Quyết định số 586/QĐ-UBCK ngày 06/7/2018 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Ban hành quy chế mẫu về bán đấu giá thông thường chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần;
Căn cứ khoản 2 Điều 29 Chương III Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án;
QUYẾT ĐỊNH
1. Chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán F.
2. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 224/2022/DS-ST ngày 26/7/2022 của Tòa án nhân dân Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.
2.1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn C về việc: Yêu cầu Công ty Cổ phần Chứng khoán F có nghĩa vụ trả cho ông Trần Văn C số tiền đặt cọc tham dự đấu giá cổ phần của Ủy ban nhân dân tỉnh L tại Công ty Cổ phần Đô thị T là 37.737.290 đồng và tiền lãi là 13.321.781 đồng, tổng cộng là 51.059.071 đồng (năm mươi mốt triệu không trăm năm mươi chín ngàn không trăm bảy mươi mốt đồng).
2.2 Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Ông Trần Văn C phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 2.552.954 đồng (hai triệu năm trăm năm mươi hai ngàn chín trăn năm mươi bốn đồng), được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 990.412 đồng (chín trăm chín mươi ngàn bốn trăm mười hai đồng) theo biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2018/0007584 ngày 31/5/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận X. Ông C còn phải nộp thêm là 1.562.542 đồng (một triệu năm trăm sáu mươi hai ngàn năm trăm bốn mươi hai đồng).
- Công ty Cổ phần Chứng khoán F không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.
3. Án phí dân sự phúc thẩm: Công ty Cổ phần Chứng khoán F không phải chịu. Hoàn trả cho Công ty Cổ phần Chứng khoán F số tiền 300.000đ (ba trăm ngàn đồng) theo Biên lai thu số AA/2021/0006203 ngày 16/8/2022 của Chi cục Thi hành án dân sự Quận X, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án về tranh chấp tiền đặt cọc tham gia đấu giá cổ phần số 151/2023/DS-PT
Số hiệu: | 151/2023/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 14/02/2023 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về