TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ YÊN BÁI, TỈNH YÊN BÁI
BẢN ÁN 54/2021/HNGĐ-ST NGÀY 16/09/2021 VỀ TRANH CHẤP THỰC HIỆN NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG VÀ ĐÒI TIỀN CÔNG CHĂM SÓC CHA, MẸ
Ngày 16 tháng 9 năm 2021, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái xét xử sơ thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số:109/2021/TLST- HNGĐ 27-4-2021 về việc: Tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và đòi tiền công chăm sóc cha, mẹ; theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 57/2021/QĐXXST- HNGĐ ngày 16-8-2021; Quyết định hoãn phiên tòa số: 47/2021/QĐST-HNGĐ ngày 31-8-2021, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn:
- Ông Lưu Bá K, sinh năm 1967. Có mặt - Bà Hoàng Bích H, sinh năm 1971. Có mặt Cùng địa chỉ: Tổ 11, phường N, thành phố Y, tỉnh Yên Bái 2. Bị đơn:
- Ông Lưu Bá Đ1, sinh năm 1950. Vắng mặt - Bà Lưu Thị Th, sinh năm 1958. Vắng mặt - Bà Lưu Thị V, sinh năm 1960. Có mặt Cùng địa chỉ: Tổ 11, phường N, thành phố Y, tỉnh Yên Bái.
- Bà Lưu Thị T, sinh năm 1952. Có mặt Địa chỉ: Số 18 L, quận H, thành phố Hà Nội
Người đại diện theo ủy quyền của ông Đ1, bà T là bà Lưu Thị V. Có mặt
- Bà Lưu Thị Kim P, sinh năm 1968. Vắng mặt Địa chỉ: Số 509 N, khu phố I, phường C, quận 2, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tại đơn khởi kiện, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, đồng nguyên đơn ông Lưu Bá K trình bày:
Tháng 06-1997, ông và vợ là bà Hoàng Bích H chuyển từ tỉnh Hà Giang về thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái) sống cùng bố là cụ Lưu Bá Đ2 và mẹ là cụ Đoàn Thị H khi đó tuổi đã cao, cụ H sức khỏe đã yếu. Theo bản cam kết gia đình ngày 06-8-1999, cụ Lưu Bá Đ2 và các anh, chị, em khác trong gia đình đồng ý sẽ giao lại toàn bộ tài sản cho vợ, chồng ông khi về Yên Bái để chăm sóc cho bố, mẹ. Đến tháng 12-1997 cụ H chết, vợ chồng ông sống cùng và chăm sóc cho cụ Đ2. Ông và bà H ở cùng cụ Đ2 khoảng 5 năm thì chuyển ra ở riêng nhưng vẫn chăm sóc, cùng ăn cơm với cụ Đ2, đến tháng 6 – 2007 thì cụ Đ2 chết. Trong thời gian nuôi dưỡng bố mẹ, vợ chồng ông không được sự quan tâm, giúp đỡ của các anh chị em trong gia đình, ông và bà H là những người duy nhất chăm sóc cho cụ Đ2, cụ H từ khi còn sống đến khi lo hậu sự cho các cụ. Ông K khẳng định khi còn sống cụ Lưu Bá Đ2 có lương hưu, tiền trợ cấp hàng tháng nên thừa khả năng chi tiêu phục vụ nhu cầu cuộc sống. Lý do từ trước đến nay, vợ chồng ông không yêu cầu các anh, chị, em phải cấp dưỡng và trả tiền công chăm sóc nuôi bố, mẹ vì tin tưởng sẽ được giao lại toàn bộ tài sản theo bản cam kết gia đình. Tuy nhiên hiện nay, di sản thừa kế của cụ H và cụ Đ2 đã được chia cho những người thừa kế theo pháp luật nên ông và bà H mới khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết buộc các bị đơn phải có nghĩa vụ trả tiền cấp dưỡng (chi phí cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu) và tiền công chăm sóc cụ Đ2 và cụ H từ tháng 6- 1997 đến tháng 6-2007, cụ thể:
+ Tiền cấp dưỡng cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của cụ Đ2, cụ H là: 1.000.000 đồng x 120 tháng = 120.000.000 đồng. Mỗi bị đơn phải chịu 24.000.000 đồng.
+ Tiền công chăm sóc cụ Đ2, cụ H là: 1.400.000 đồng x 2 người x 120 tháng = 336.000.000 đồng. Mỗi bị đơn phải chịu 67.200.000 đồng.
Tổng số tiền Ông K, bà H yêu cầu ông Lưu Bá Đ1, bà Lưu Thị T, bà Lưu Thị Th, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị Kim P mỗi người phải trả là 91.200.000 đồng.
Ông K cũng khẳng định, nội dung bản cam kết gia đình ngày 06-8-1997 chỉ có nội dung về việc vợ chồng ông sẽ là người chăm sóc cho cụ Đ2, cụ H và được hưởng toàn bộ di sản thừa kế, ngoài ra bản cam kết không nhằm mục đích hay nội dung gì khác. Đối với yêu cầu khởi kiện trong vụ án này, Ông K cũng xác định không liên quan đến di sản thừa kế của cụ Đ2, cụ H đã được Tòa án giải quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật và cũng nhằm bù trừ, thanh toán nghĩa vụ về chia di sản thừa kế đối với các bị đơn.
Đồng nguyên đơn bà Hoàng Bích H trình bày:
Bà hoàn toàn thống nhất và đồng ý với các ý kiến trình bày, yêu cầu khởi kiện của chồng là ông Lưu Bá K. Ngoài ra bà còn trình bày thêm, tháng 6-1997, Ông K chuyển từ Hà Giang về Yên Bái trước, đến tháng 8-1997 bà cũng chuyển về Yên Bái để cùng Ông K chăm sóc cho cụ Đ2 và cụ H. Bà và Ông K đã hoàn thành nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cho đến khi cụ H, cụ Đ2 chết. Nay bà yêu cầu yêu cầu Tòa án giải quyết buộc ông Lưu Bá Đ1, bà Lưu Thị T, bà Lưu Thị Th, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị Kim P mỗi người phải có nghĩa vụ trả tiền cấp dưỡng và tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Đ2 và cụ H khi còn sống tổng số tiền là 91.200.000 đồng. Về thời gian yêu cầu cấp dưỡng, công chăm sóc và chi tiết từng khoản tiền yêu cầu như Ông K đã trình bày.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bị đơn bà Lưu Thị T trình bày: Tháng 8 -1997, do sự động viên của các anh, chị, em trong gia đình nên Ông K chuyển từ Hà Giang về Yên Bái sống để chăm sóc cho bố, mẹ lúc tuổi già. Mọi người có thống nhất nếu vợ chồng Ông K thực hiện tốt nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng bố, mẹ thì sẽ giao toàn bộ tài sản cho Ông K, bà H. Lúc đầu chỉ có Ông K về Yên Bái trước, còn bà H về quê ngoại sinh con nên đến giỗ đầu của cụ H thì bà H mới về Yên Bái sống. Sau đó, Ông K, bà H ở cùng cụ Đ2 được vài tháng thì ra ở riêng tại căn nhà cũ phía trên. Trong thời gian ở cùng và ở gần cụ Đ2, Ông K và bà H không thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng bố mà thậm trí còn có lời nói, hành động xúc phạm bố. Cũng chính vì các lý do trên nên mọi người trong gia đình đã họp và hủy toàn bộ nội dung của giấy cam kết ngày 06-8-1997. Khi đó bà không ở gần nên bà Vượng và bà Th là người thường xuyên chăm sóc cho cụ Đ2. Mọi công việc chung đều do các anh, chị, em cùng đóng góp và giao cho bà Vượng quản lý, vợ chồng Ông K không có đóng góp gì. Khi còn sống, cụ Đ2 có lương hưu và tiền trợ cấp hàng tháng nên hoàn toàn đủ tài chính để tự lo chi phí sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, vợ chồng Ông K,bà H còn nhiều lần vay tiền của cụ Đ2. Trong thời gian từ khi Ông K, bà H chuyển về Yên Bái đến khi cụ Đ2 chết vào tháng 7-2007 thì cụ Đ2, cụ H, Ông K, bà H chưa từng ai có yêu cầu về việc cấp dưỡng. Do đó, bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Ông K, bà H vì yêu cầu khởi kiện là không có căn cứ.
Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, bị đơn bà Lưu Thị V trình bày:
Vào khoảng tháng 8-1997, Ông K, bà H chuyển từ Hà Giang về Yên bái sống theo sự động viên của các anh, chị, em trong gia đình để chăm sóc cho bố mẹ lúc tuổi già. Bà và một số anh, chị trong gia đình cam kết nếu Ông K, bà H nếu thực hiện tốt nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cho cụ Đ2 và cụ H thì sẽ giao toàn bộ tài sản là di sản thừa kế sau này cho Ông K, bà H. Đến tháng 12-1997, mẹ bà là cụ Đoàn Thị H chết, khoảng một năm sau thì Ông K, bà H thường xuyên sảy ra mâu thuẫn với cụ Đ2 nên đã ra ở riêng, không còn ở cùng với cụ Đ2 nữa. Ông K, bà H tuy ở gần cụ Đ2 nhưng không chăm sóc cho bố mà còn có lời nói, hành động vô lễ với bố. Từ đó bà và các anh, chị ở gần là người chăm sóc cho cụ Đ2 lúc cần. Bản thân cụ Đ2 khi còn sống có lương hưu và tiền trợ cấp hàng tháng nên hoàn toàn đủ khả năng chi tiêu cho cuộc sống, cụ Đ2 cũng chưa từng yêu cầu các con phải cấp dưỡng tiền.
Đối với bản cam kết ngày 06-8-1997, mục đích là để Ông K, bà H có sự cam kết thực hiện tốt nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng bố, mẹ và sẽ được hưởng di sản thừa kế nếu thực hiện đúng cam kết chứ hoàn toàn không có nội dung về nghĩa vụ phải cấp dưỡng của các con đối với cụ Đ2 và cụ H hay mọi người sẽ trả công chăm sóc bố, mẹ cho Ông K, bà H. Nay Ông K, bà H khởi kiện yêu cầu bà, ông Đ1, bà T, bà Th, bà Phương phải trả tiền cấp dưỡng và tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng bố, mẹ từ năm 1997 đến năm 2007 là 91.200.000 đồng là không có căn cứ vì thực tế Ông K, bà H chưa bao giờ chăm sóc, phụng dưỡng bố, mẹ. Bà không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Ông K, bà H.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Lưu Bá Đ1 trình bày:
Tháng 8-1997, do các anh, chị trong gia đình động viên nên Ông K từ Hà Giang về Yên Bái sống để chăm sóc cho bố, mẹ lúc tuổi già. Khi đó chỉ có Ông K về trước, còn vợ Ông K là bà Hoàng Bích H về quê ngoại sinh con đến khi mẹ ông là cụ Đoàn Thị H chết được một thời gian thì bà H mới về Yên Bái sống. Ông K, bà H ở cùng cụ Đ2 được vài tháng thì chuyển ra ở riêng tại căn nhà cũ, còn Cụ Đ2 ở căn nhà mới do các con cùng đóng góp xây dựng. Trong thời gian ở cùng bố mẹ, Ông K và bà H đã không thực hiện đúng nghĩa vụ chăm sóc nên cụ Đ2 và những người con khác rất bức xúc. Trong thời gian tiếp đó, bà Vượng và bà Th ở gần thường xuyên qua chăm sóc cho cụ Đ2, bà T ở Hà Nội nên chỉ cuối tuần mới về thăm bố được. Bà Th và bà Vượng được giao cho quản lý về tài chính do mọi người đóng góp để lo các việc chung trong gia đình và chăm sóc bố. Khi còn sống, cụ Đ2 có lương hưu và tiền trợ cấp hành tháng nên hoàn toàn đảm bảo về tài chính để tự lo chi phí cuộc sống hàng ngày. Ngược lại, Ông K và bà H không chăm sóc cho bố mà còn nhiều lần vay tiền, vay vàng của cụ Đ2. Cụ Đ2, cụ H chưa từng yêu cầu các con phải cấp dưỡng tiền. Ông K và bà H cũng chưa bao giờ có yêu cầu ông và các người con khác của cụ H, cụ Đ2 phải nộp tiền để nuôi bố, mẹ. Bởi lẽ, ông và các em vẫn tự giác đóng góp để chăm sóc bố, mẹ và lo các việc chung trong gia định, còn Ông K, bà H chưa bao giờ thực hiện được nghĩa vụ chăm sóc đối với cụ Đ2 và cụ H. Do đó, ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Ông K, bà H.
Trong quá trình giải quyết vụ án, bị đơn bà Lưu Thị Th trình bày:
Mẹ bà là cụ Đoàn Thị H chết vào tháng 12-1997. Sau khi cụ H chết, do sảy ra mâu thuẫn không thể ở cùng với Ông K, bà H nên cụ Đ2 được các con lần lượt đón về ở cùng. Đối với bản cam kết ngày 06-8-1997, khi đó mọi người muốn Ông K về ở cùng bố, mẹ để chăm sóc lúc tuổi già nhưng Ông K đã ép mọi người phải viết bản giấy cam kết trên. Tuy nhiên, bà Phương, ông Lan, ông Cường không đồng ý ký vào bản cam kết vì cho rằng Ông K làm vậy là đang ép bố và các anh, chị, em. Vợ chồng Ông K, bà H đã nhiều lần sảy ra mâu thuẫn với cụ Đ2. Do đó, ngày 16-12-1999 và ngày 17-12-1999, cụ Đ2 và các con đã họp gia đình thống nhất bác bỏ bản cam kết ngày 06-8-1997. Khi còn sống, cụ Đ2 có lương hưu và trợ cấp thương binh. Bà và bà Vượng vẫn thường qua chăm sóc cho cụ Đ2, bà Phương vẫn thường gửi tiền về cho cụ Đ2. Trong thời gian từ năm 2006 đến năm 2007, ông Đ1, ông Cường, ông Lan, bà T thường xuyên thay nhau về chăm sóc cho bố. Bà T cho rằng Ông K và bà H là lao động tự do, phải lo thu nhập từng ngày để nuôi hai con thì làm sao có đủ khả năng để chăm sóc cho bố. Bà yêu cầu Tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện của Ông K và bà H.
- Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa:
+ Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử đã xác định đúng quan hệ pháp luật, tiến hành xét xử vụ án đúng trình tự tố tụng, đảm bảo đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của các đương sự.
+ Về nội dung: Căn cứ Điều 147, khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Căn cứ các Điều 21 của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986;
Căn cứ các Điều 35, Điều 36, Điều 57, Điều 61 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
Căn cứ khoản 1 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề nghị Hội đồng xét xử: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lưu Bá K và bà Hoàng Bích H Về án phí: Ông K, bà H phải chịu tiền án phí DSST theo quy định Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về tố tụng: Đây là vụ án dân sự “Tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và đòi tiền công chăm sóc cha, mẹ”. Trong vụ án có bị đơn cư trú tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Do đó, căn cứ khoản 5, khoản 8 Điều 28; khoản 1 Điều 35; điểm h khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái.
Các bị đơn là bà Lưu Thị Th, bà Lưu Thị Kim P vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai. Căn cứ khoản 2 Điều 227; khoản 3 Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt bà Th và bà Phương.
[2] Về nội dung: Tháng 8 -1997, Ông K Bá Khương và vợ là bà Hoàng Bích H chuyển từ Hà Giang về thị xã Yên Bái (nay là thành phố Yên Bái) để chăm sóc cho bố là cụ Lưu Bá Đ2, sinh năm 1924 và mẹ là cụ Đoàn Thị H, sinh năm 1927 khi đó tuổi đã cao, cụ H sức khỏe đã yếu. Theo bản cam kết gia đình ngày 06-8-1997, những người tham gia đồng ý sẽ giao toàn bộ tài sản là di sản thừa kế của cụ Đ2 và cụ H cho Ông K, bà H nếu Ông K, bà H thực hiện tốt nghĩa vụ chăm sóc, phụng dưỡng cha, mẹ. Tháng 12-1997 cụ H chết, Ông K và bà H ở cùng với cụ Đ2 đến năm 1999 thì chuyển ra ở riêng. Đến tháng 7-2007 thì cụ Đ2 chết. Ông K, bà H cho rằng trong thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ thì những người con khác của cụ Đ2, cụ H đã không có đóng góp về tài chính, không quan tâm, giúp đỡ và cùng chăm sóc nên đã khởi kiện buộc ông Lưu Bá Đ1, bà Lưu Thị T, bà Lưu Thị Th, bà Lưu Thị V, bà Lưu Thị Kim P mỗi người phải trả tiền cấp dưỡng nuôi cha, mẹ là 24.000.000 đồng và tiền công chăm sóc cụ Đ2 và cụ H từ tháng 6-1997 đến tháng 6-2007 là 67.200.000 đồng, tổng là 91.200.000 đồng. Ông K, bà H khẳng định yêu cầu khởi kiện trong vụ án này không liên quan đến di sản thừa kế của cụ Đ2, cụ H và không nhằm bù trừ hay thực hiện nghĩa vụ về chia di sản thừa kế đối với các đương sự khác.
[2.1] Về yêu cầu tính tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng cha, mẹ: Các đương sự có mặt đều thừa nhận Ông K, bà H chuyển từ Hà Giang về thành phố Yên Bái với mục đích ban đầu là để chăm sóc cho cụ Đ2 và cụ H. Việc Ông K, bà H đồng ý chấp thuận chuyển về Yên Bái để chăm sóc cho cha, mẹ là hoàn toàn tự nguyện, không bị ép buộc. Tuy nhiên, các nguyên đơn không có sự thống nhất lời khai về thời gian thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và cũng không đưa ra tài liệu, chứng cứ chứng minh cho ý kiến của mình. Qua lời khai của người làm chứng, biên bản họp gia đình ngày 16-12- 1999, ngày 17-12-1999 và các tài liệu khác thì xác định Ông K, bà H về Yên Bái sống từ tháng 8-1997. Sau khi cụ H chết vào tháng 12-1997, Ông K và bà H sống cùng cụ Đ2 đến năm 1999 thì ra ở riêng, cụ Đ2 ở một mình đến khi chết vào tháng 7- 2007 nên việc các nguyên đơn yêu cầu tính công chăm sóc cha, mẹ từ tháng 6-1997 đến tháng 6-2007 là không có cơ sở xác thực. Giữa các đương sự cũng chưa từng có sự giao kết, thỏa thuận về việc trả công chăm sóc cha, mẹ mà đều thực hiện nghĩa vụ chăm sóc một cách tự giác. Xét thấy, việc chăm sóc, phụng dưỡng cha, mẹ khi tuổi già không chỉ là nghĩa vụ, bổn phận của con đối với cha, mẹ được pháp luật quy định mà còn là đạo đức gia đình, đạo đức xã hội, là truyền thống văn hóa dân tộc ta. Do đó, yêu cầu đòi tiền công chăm sóc cha, mẹ của Ông K, bà H là không phù hợp với quy định của pháp luật và đạo đức xã hội, đạo đức gia đình nên không được chấp nhận.
[2.2] Về chi phí cho nhu cầu sinh hoạt thiết yếu cho cụ Đ2, cụ H từ tháng 6- 1997 đến tháng 7-2007, đây là những khoản chi phí thuộc về nghĩa vụ cấp dưỡng mà Ông K và bà H yêu cầu các bị đơn phải thực hiện. Tuy nhiên, trước ngày 01-01-2001, là thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực, không có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ. Tại Điều 21 quy định “con có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ…” nên việc con chăm sóc, phụng dưỡng cha, mẹ là nghĩa vụ đương nhiên và không đặt ra vấn đề về cấp dưỡng. Do đó, yêu cầu cấp dưỡng cho cụ Đ2 và cụ H trong khoảng thời gian này là không có căn cứ. Từ ngày 01-01-2001 đến khi cụ Đ2 chết vào tháng 7/2007 là thời điểm Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực và có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha mẹ, cụ thể tại Điều 57 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định “ Con đã thành niên không sống cùng cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”. Tuy nhiên, cụ Đ2 là người có lương hưu, có thu nhập, có tài sản đủ đảm bảo tự nuôi được bản thân nên không đặt ra vấn đề cấp dưỡng đối với cụ Đ2. Mặt khác, trong khoảng thời gian này, cụ Đ2, Ông K, bà H cũng không ai có yêu cầu các bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nên khi cụ Đ2 chết là đã chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 61 Luật hôn nhân gia đình năm 2000. Do đó, yêu cầu buộc các bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng ở thời điểm hiện tại là không có căn cứ nên không được chấp nhận.
[3] Về án phí: Ông K và bà H phải chịu tiền án phí về cấp dưỡng không có giá ngạch và án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch về yêu cầu đòi tiền công chăm sóc cha, mẹ không được Tòa án chấp nhận theo quy định.
[4] Về quyền kháng cáo: Các đương sự được quyền kháng cáo bản án theo quy định của pháp luật.
[5] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát là có căn cứ nên được chấp nhận.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ các Điều 147, khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 271, Điều 273 của Bộ luật Tố tụng Dân sự;
Căn cứ Điều 21 của Luật hôn nhân và gia đình năm 1986;
Căn cứ các Điều 35, Điều 36, Điều 57, Điều 61 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000;
Căn cứ khoản 1 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lưu Bá K và bà Hoàng Bích H.
2. Về án phí: Ông Lưu Bá K và bà Hoàng Bích H phải chịu tiền án phí về cấp dưỡng là 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) và tiền án phí dân sự có giá ngạch là 16.800.000 đồng (Mười sáu triệu tám trăm nghìn đồng) nhưng được trừ số tiền tạm ứng án phí mà Ông K, bà H đã nộp là 11.120.000 đồng (Mười một triệu một trăm hai mươi nghìn đồng) theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí số AA/2017/0009025 ngày 26-4-2021 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Yên Bái. Ông K và bà H còn phải nộp 5.680.000 đồng (Năm triệu sáu trăm tám mươi nghìn đồng) tiền án phí.
3. Về quyền kháng cáo: Ông Lưu Bá K, bà Hoàng Bích H, ông Lưu Bá Đ1, bà Lưu Thị T, bà Lưu Thị V có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bà Lưu Thị Th, bà Lưu Thị Kim P có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ hoặc bản án được niêm yết.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo các điều 6,7,7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự
Bản án về tranh chấp thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng và đòi tiền công chăm sóc cha, mẹ số 54/2021/HNGĐ-ST
Số hiệu: | 54/2021/HNGĐ-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thành phố Yên Bái - Yên Bái |
Lĩnh vực: | Hôn Nhân Gia Đình |
Ngày ban hành: | 16/09/2021 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về