Bản án về tranh chấp thừa kế theo di chúc số 826/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 826/2023/DS-PT NGÀY 12/12/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ THEO DI CHÚC

Ngày 12 tháng 12 năm 2023, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 192/2022/TLPT-DS ngày 02 tháng 6 năm 2022 về việc: “Tranh chấp thừa kế theo di chúc”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 62/2020/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 3009/2023/QĐPT-DS ngày 16 tháng 11 năm 2023 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Trần Thị Ngọc T, sinh năm 1972 (có mặt);

Địa chỉ: Ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Luật sư Nguyễn Kim D - Công ty L2, Đoàn Luật sư Thành phố H (có mặt) - Bị đơn: Trần Thị T1, sinh năm 1963 (có mặt);

Địa chỉ: Ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Tuấn L- Văn phòng luật sư L1 và Đời sống, Thuộc Đoàn luật sư Thành phố H (có mặt);

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Trần Thị V, sinh năm 1943 (vắng mặt);

2. Châu Văn C, sinh năm 1964 (vắng mặt);

3. Châu Bá D1, sinh năm 1988 (vắng mặt);

Cùng địa chỉ: Ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

4. Trần Thị Nghi T2, sinh năm 1957 (vắng mặt);

Địa chỉ: số B, Tổ F, ấp C, xã P, huyện C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Tạm trú: Số E, ấp C, xã L, huyện C, tỉnh Long An.

5. Trần Ánh Q, sinh năm 1960 (vắng mặt);

Địa chỉ: A H, G, CA 92840, California USA.

6. Trần Quang S, sinh năm 1964 (vắng mặt);

Địa chỉ: Số B, L, Phường F, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.

- Người kháng cáo: Bị đơn là bà Trần Thị T1.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện nguyên đơn bà Trần Thị Ngọc T trình bày:

Mẹ bà T là bà Phạm Thị H, sinh năm 1922, chết ngày 28/09/2007. Cha bà T là ông Trần Văn Đ, sinh năm 1920, chết ngày 20/09/2014. Cha, mẹ của bà T hiện có 9 người con được kê khai đầy đủ theo đúng nội dung trong di chúc gồm:

1/ Trần Kim T3, sinh năm 1944 (không có vợ con) chết;

2/ Trần Thị V, sinh năm 1943;

3/ Trần Hoàng X, sinh năm 1956 (không có vợ con) đã chết theo Quyết định số 04/2015/QĐST-DS ngày 17/08/2015 của TAND huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang;

4/ Trần Thị Nghi T2 (Trần Thị N), sinh năm 1957;

5/ Trần Thị Đ1, sinh năm 1957 (không có chồng con) chết;

6/ Trần Ánh Q, sinh năm 1960;

7/ Trần Thị T1, sinh năm 1963;

8/ Trần Quang S, sinh năm 1964;

9/ Trần Thị Ngọc T, sinh năm 1972;

Ông Đ, bà H tạo bao nhiêu tài sản chia cho tất cả các người con còn sống đều có lãnh phần đất, nhà ở. Riêng bà T là con út chưa có nhà riêng. Trong số tài sản cha mẹ tạo lập được còn lại một ngôi nhà và đất tại đầu dãy mé sông chợ Ông V1 mặt tiền trước lộ sau sông chưa cấp Giấy chứng nhận. (Hiện nay là thửa đất số 02, tờ bản đồ số 10. Địa chỉ: ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang, với diện tích: 189,8m2 do cha tôi Trần Văn Đ đứng sở hữu). Cha mẹ bà T đồng ý thống nhất để lại toàn bộ tài sản cho bà T. Di chúc này được lập vào ngày 10/08/2001 có chứng thực của UBND xã Đ, Chợ G, Tiền Giang vào 14/8/2001 và đã được lưu vào số chứng thực 01 quyển số 01.

Tờ di chúc cho bà T được thừa kế toàn bộ di sản với nội dung lập ngày 10/08/2001 như sau: “Hiện nay vợ chồng tối đang ở một ngôi nhà còn lại cất kiểu kiên cố, đầu dãy mé sông chợ Ông V1, bề ngang địa chính đo 16 thước ở đầu dãy phố mặt tiền trước lộ sau sông, nhà ở địa chính chưa phát sổ chủ quyền và dãy phố nêu trên mỗi hộ hằng năm đều có đóng thuế cho nhà đất đầy đủ như các hộ trong chợ. Nay tôi làm tờ di chúc này sau khi vợ chồng tôi qua đời thì Trần Thị Ngọc T được trọn quyền làm chủ ngôi nhà thường trú hiện tại trên để cúng giỗ ông, bà không có anh em nào tranh chấp được”.

Sau khi bà T1 ra tù, căn nhà ba mẹ cho bà T1 đã bán đi trước đó, không có nơi nương tựa bà T mới đưa về ở chung với tôi vào cuối năm 2007. Vì lý do bà T làm ăn xa nhà nên bà T1 ở tại ngôi nhà này đã âm mưu làm thủ tục nhập hộ khẩu và quản lý chiếm đoạt toàn bộ nhà và đất của gia đình bà T.

- Ngày 09/11/2014, bà T có làm đơn khai nhận thừa kế di sản theo di chúc gởi đến Ban Tư Pháp xã Đăng Hưng Phước thì được biết bà Trần Thị T1 có di chúc ngày 05/03/2008 do ông Trần Văn Đ lập và ngôi nhà trên đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ & QSHN và tài sản khác gắn liền với đất do ông Trần Văn Đ làm chủ sở hữu cùng với sổ hộ khẩu số 590003667 do bà T1 làm chủ hộ.

- Ngày 31/12/2014, UBND xã Đ hòa giải đơn khởi kiện (v/v khai nhận thừa kế di sản theo di chúc) của bà T1 nhưng không thành.

Bà T là người giám hộ sức khỏe của cha và mẹ từ lúc ông bà còn sống. Di chúc ngày 05/03/2008 do ông Trần Văn Đ lập cho bà T1 có tính chất lừa dối, đe dọa, không phải là ý nguyện đích thực của ông Trần Văn Đ và bà Phạm Thị H. Vì bà T1 là người đã từng bị truy tố về tội: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”. Tờ di chúc ngày 05/03/2008 lập cho bà T1 có những điều sai phạm sau:

1. Di chúc trên có dấu hiệu không hợp lý, và thiếu cơ sở pháp lý, cụ thể là tình trạng sức khỏe của ông Trần Văn Đ trên 80 tuổi, sức khỏe già yếu, bệnh tật không được tỉnh táo, minh mẫn.

2. Việc lập di chúc được thực hiện không có điểm chỉ của ông Đ, chữ ký tên trong bản di chúc không phải là của ông Đ, không có sự chứng kiến của những người làm chứng, người giám hộ sức khỏe cho ông Đ là người thừa kế hợp pháp. Đây là dấu hiệu cho thấy có việc gian dối của việc lập di chúc.

3. Việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, QSHNO & tài sản gắn liền với đất do ông Trần Văn Đ đứng tên đại diện hộ gia đình là không hợp pháp và không hợp lý vì có yếu tố gian dối của bà T1.

4. Sổ hộ khẩu cấp cho bà T1 số 590003667 làm chủ hộ là không hợp lý và không hợp pháp.

5. Bên có nghĩa vụ (bà T1) không thực hiện quyền và nghĩa vụ phụng dưỡng và thờ cúng cha mẹ của mình.

Theo ý chí tâm nguyện của ông Trần Văn Đ và bà Phạm Thị H phù hợp với phong tục và đạo đức xã hội đúng quy định của pháp luật, bà T làm đơn khởi kiện bác quyền thừa kế theo di chúc lập ngày 05/03/2008 của bà Trần Thị T1 và công nhận di chúc ngày 10/08/2001 được chứng thực ngày 14/8/2001 tại UBND xã Đ là hợp pháp. Yêu cầu Tòa án cho bà T thực hiện theo di chúc là: “Trần Thị Ngọc T được trọn quyền làm chủ ngôi nhà 02 gian và đất tại thửa đất số 02, tờ bản đồ số 10, địa chỉ ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang với tổng diện tích 189,8m2; Mục đích sử dụng đất ở tại nông thôn”; yêu cầu Tòa công nhận tờ di chúc do ông Đ bà H đã lập vào ngày 10/8/2001 là hợp pháp, bà T được hưởng toàn bộ di sản thừa kế của cha mẹ chết để lại theo di chúc này, và được liên hệ với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục chuyển quyền sở hữu nhà và QSDĐ theo quy định của pháp luật. Đề nghị Tòa không công nhận tờ di chúc lập ngày 05/3/2008 do bà Trần Thị T1 cung cấp, vì tờ di chúc này không hợp pháp.

Bị đơn bà Trần Thị T1 trình bày:

Cha bà T1 là ông Trần Văn Đ, sinh năm 1920, mẹ bà T1 là bà Phạm Thị H, sinh năm 1922, đều đã chết. Ông Đ bà H sinh được 09 người con đã chết 03 người những người chết đều không có gia đình, không có chồng, vợ, con, hiện 06 người còn sống không có ai tranh chấp di sản thừa kế, chỉ có bà T và T tranh chấp. Di sản tranh chấp là ngôi nhà 02 gian gắn liền với diện tích đất là 189,8m2 tại địa chỉ ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang là do cha mẹ tạo lập mà có, năm 2007, bà T1 về sống chung với gia đình (ở địa chỉ trên) để trực tiếp nuôi cha mẹ già.

Năm 2010, ngôi nhà 02 gian nêu trên đã quá cũ và mục, xuống cấp trầm trọng. Được sự đồng ý của ông Trần Văn Đ nên bà T1 đã tự bỏ ra số tiền là: 120.271.000 đ (Một trăm hai mươi triệu hai trăm bảy mươi mốt ngàn đồng), để mua vật tư các loại: 105.621.000đ (Một trăm lẻ năm triệu sáu trăm hai mươi mốt ngàn đồng) và tiền công thuê thợ là: 14.650.000đ (Mười bốn triệu sáu trăm năm mươi ngàn đồng) sửa chữa và làm mới lại 02 gian nhà cũ (có hóa đơn chứng từ). Việc bỏ tiền sửa chữa nhà các anh chị em gồm có: Trần Thị V, Trần Thị N (tụ T2), Trần Quang Á, Trần Quang S, Trần Thị Ngọc T, đều biết và tất cả các anh chị em lúc đó đều không có ý kiến khác.

Năm 2013 UBND xã Đ có thông báo cho gia đình bà T1 biết việc nhà nước cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình. Ông Đ có nói cho bà T biết về việc cấp đất cho hộ gia đình và ông Đ đại diện hộ đứng tên với tổng diện tích đất 189,8 m2 gắn liền với ngôi nhà 02 gian.

Bà Phạm Thị H đã chết vào ngày 28/9/2007, đến thời điểm đó gia đình bà T1 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hộ gia đình thay phiên nhau sử dụng đất cho đến năm 2013, ông Trần Văn Đ đại diện cho hộ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND huyện C, tỉnh Tiền Giang đã cấp giấy chứng nhận QSDĐ với diện tích 189,8 m2 đất ở nông thôn gắn với ngôi nhà 02 gian nêu trên, thửa số 2, tờ bản đồ số 10 (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BO.719039 - số vào sổ cấp GCN: CH.22286. Trong hộ khẩu của gia đình bà lúc đó có 05 thành viên gồm: Ông Trần Văn Đ, bà, Châu Văn C, Châu Bá D1, Trần Thị Ngọc T, đến 20/9/2014 ông Đ chết nên Trần Thị Ngọc T khởi kiện tranh chấp quyền thừa kế. Bà T1 có ý kiến sau:

1. Về phần diện tích đất 189,8 m2 cấp cho hộ gia đình tại thời điểm cấp đất năm 2013, hộ gia đình tại thời điểm này có 05 người, đề nghị chia làm 5 phần bằng nhau gồm có: Phần chồng bà T1 (ông Châu Văn C), phần con bà T1 (Châu Bá D1), phần bà T1 (Trần Thị T1), phần cha bà T1 (Trần Văn Đ), phần bà Trần Thị Ngọc T.

Ngoài phần bà T1 được hưởng 1/5, bà T1 được nhận thêm 03 phần khác là của C1, con và phần của cha là ông Đ. Bà T1 đã được ông Trần Văn Đ lập di chúc cho. Trước khi lập di chúc ông Trần Văn Đ có đi khám bệnh để lấy giấy y chứng số: 300/08 do phó giám đốc Bệnh viện T5, bác sĩ Ngô Thanh H1 ký ngày 20/02/2008. Đồng thời có sự xác nhận của UBND xã Đ do chủ tịch xã là bà Nguyễn Thị T4 ký ngày 05/03/2008 để bà T1 được hưởng căn nhà là hợp pháp và đã bỏ tiền ra sửa chữa ngôi nhà 02 gian. Còn phần còn lại của Trần Thị Ngọc T, bà T1 đề nghị được thanh toán phần diện tích đất của T bằng tiền để bà T1 trọn quyền sử dụng đất đó (vì trên đó có ngôi nhà 02 gian tôi đã sửa năm 2010). Bà T1 đã ở tại căn nhà ổn định từ năm 2007 đến nay và đã được lập di chúc cho bà.

2. Về phần nhà ở bà T1 xin được nhận toàn bộ ngôi nhà vì theo di chúc ngày 05/3/2008 cha bà cho bà được hưởng và toàn bộ tài sản trong nhà gồm: 01 tủ thờ, 01 tủ chén, 01 tủ sắt, 01 tủ sách, 01 bàn dài, 01 bàn tròn (loại xếp được), 01 đi văn, 01 cái giường.

Bà T1 yêu cầu tòa công nhận di chúc 05/3/2008 của ông Đ là hợp pháp để bà được hưởng tài sản thừa kế.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Châu Văn C trình bày:

Ông C và bà Trần Thị T1 đã ly hôn và sống riêng từ 01/01/2012 đến nay. Do đó tài sản tranh chấp giữa bà T1 và bà T ông không có ý kiến. Đề nghị Tòa án xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm có: Bà Trần Thị V, anh Châu Bá D1, bà Trần Thị Nghi T2, ông Trần Ánh Q, ông Trần Quang S đã được Tòa án tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng nhưng các đương sự này vẫn không có ý kiến gì đối với yêu cầu khởi kiện của bà T.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 62/2020/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang quyết định:

- Căn cứ vào các điều: Khoản 5 Điều 26, Điều 37, điểm b khoản 2 Điều 227, điểm c khoản 5 Điều 477, Khoản 3 Điều 479 của BLTTDS năm 2015 - Căn cứ các Điều 646, 647,650, 652, 653, 657, 663 BLDS năm 2005 - Căn cứ vào các Điều 688, 624, 625, 628, 630, 633, 635 BLDS năm 2015.

- Căn cứ vào pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án ngày 27/2/2009 và điều 147 BLTTDS năm 2015.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị Ngọc T 2. Công nhận bản di chúc chung của cụ ông Trần Văn Đ và cụ bà Phạm Thị H lập ngày 10/8/2001 là hợp pháp.

- Bản di chúc lập ngày 05/3/2008 (bà T1 cung cấp) là không hợp pháp 3. Buộc bà Trần Thị T1 và anh Châu Bá D1 phải giao lại di sản thừa kế là ngôi nhà cất trên diện tích đất 189,8m2 tại địa chỉ chỉ ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang (có sơ đồ bản vẽ kèm theo BL số 262) bà Trần Thị Ngọc T khi án có hiệu lực pháp luật. Bà T được quyền liên hệ với Cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục chuyển quyền.

4. Buộc bà Trần Thị Ngọc T phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho bà T1 tiền sửa chữa ngôi nhà là 83.653.000 đồng khi án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, bản án dân sự sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Vào ngày 05/11/2022, bị đơn bà Trần Thị T1 kháng cáo toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bị đơn bà Trần Thị T1 trình bày: Bà T1 vẫn giữ kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, bác yêu cầu khởi kiện của bà T, chia di sản của ông Trần Văn Đ theo di chúc ngày 05/3/2008 do ông Trần Văn Đ lập vì di chúc này hợp pháp, có hiệu lực pháp luật.

Luật sư Nguyễn Tuấn L là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày: Tờ di chúc ngày 10/8/2001 có chữ ký của cả cụ Đ và cụ H nhưng UBND xã Đ chỉ chứng thực chữ ký cụ Đ. Như vậy, di chúc này không thể hiện ý chí của cụ H, bà T không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh chữ ký của bà H là thật. Tại di chúc nêu trên, cụ Đ định đoạt toàn bộ tài sản cho bà T là không đúng quy định pháp luật vì tài sản này là tài sản chung của cụ Đ và cụ H chứ không phải tài sản riêng của cụ Đ. Mặt khác, di chúc nêu trên cũng đã bị thay thế bởi di chúc ngày 05/3/2008. Kết quả giám định chữ ký thể hiện chữ ký trong di chúc này đúng là của cụ Đ, di chúc được lập đúng quy định pháp luật, đây là di chúc sau cùng của cụ Đ nên có hiệu lực pháp luật. Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà T1, sửa bản án sơ thẩm, chia di sản của cụ Đ theo di chúc ngày 05/3/2008.

Nguyên đơn là bà Trần Thị Ngọc T trình bày: Không đồng ý kháng cáo của bà T1, yêu cầu Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Luật sư Nguyễn Kim D là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Di chúc ngày 10/8/2001 do chính cụ Đ viết, được UBND xã Đ chứng thực, thể hiện ý chí chung của cụ Đ và cụ H trong lúc 02 cụ còn minh mẫn. Tại phiên tòa sơ thẩm, các đương sự xác định di chúc này do cụ Đ viết và cùng bà H ký. Do đó, di chúc này là hợp pháp. Đối với di chúc ngày 05/3/2008 do bà T1 xuất trình, bản di chúc này đã được trưng cầu giám định. Tại bản kết luận giám định số 4867/CO9B ngày 22/9/2020 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định chữ ký mang tên Trần Văn Đ dưới mục người lập di chúc không phải là của cụ Đ ký ra. Về nội dung, di chúc ghi để lại tài sản cho bà T1 hiện đang sống với ông Đ trong khi bà T1 đã bỏ nhà đi cho đến năm 2003 bị bắt, xử phạt tù đến tháng 6.2008 bà T1 mới được thả thì bà T1 không thể có mặt ở nhà để ông Đ lập di chúc vào thời điểm tháng 3/2008. Như vậy, bản di chúc ngày 05/3/2008 không hợp pháp. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T là đúng quy định pháp luật nên đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bị đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc tuân thủ pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm:

- Về tố tụng: Thẩm phán và Hội đồng xét xử thực hiện đúng quy định của bộ luật tố tụng dân sự, đảm bảo cho các đương sự có các quyền và nghĩa vụ theo quy định; gửi các Quyết định, Thông báo cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự đầy đủ, đúng thời hạn. Hội đồng xét xử đúng thành phần, phiên tòa diễn ra theo đúng trình tự và quy định của pháp luật.

- Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ và đúng quy định pháp luật. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn kháng cáo nhưng không cung cấp được chứng cứ nào mới chứng minh nên đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo và giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Tòa án triệu tập hợp lệ, những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt. Căn cứ Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt những đương sự này.

[2] Nguyên đơn bà Trần Thị Ngọc T trình bày cụ ông Trần Văn Đ và cụ bà Phạm Thị H là vợ chồng. Cụ Đ và cụ H sinh được 09 người con (trong 09 người con đã có 03 người con chết không có vợ, chồng, con). Hỉện nay còn sống 06 người con gồm bà Trần Thị V, ông Trần Ánh Q, ông Trần Quang S, bà Trần Thị Nghi T2, bà Trần Thị T1, bà Trần Thị Ngọc T. Cụ Đ và cụ H không có con riêng.

Bị đơn bà Trần Thị T1 cùng những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là các anh chị em còn lại không có ý kiến gì khác với nguyên đơn về quan hệ nhân thân của cụ Đ, cụ H. Những người con này cũng được nêu tên đầy đủ trong Di chúc của cụ Đ, cụ H lập ngày 10/8/2001. Do đó, Hội đồng xét xử chấp nhận lời trình bày của nguyên đơn, xác định hàng thừa kế của cụ Đ, cụ H gồm 06 người con còn sống có tên nêu trên.

[3] Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Trần Thị Nghi T2, bà Trần Thị T1, bà Trần Thị Ngọc T thừa nhận ngôi nhà 02 gian được xây dựng trên diện tích đất 189,8m2 tại địa chỉ ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang là của cụ Đ và cụ H tạo dựng khi còn sống. Cụ Đ, cụ H sinh sống tại nhà đất này cho đến lúc chết. Năm 2007, bà T1 mới cùng chồng cũ là ông Châu Văn C và con trai là ông Châu Bá D1 về chung sống với cụ Đ. Do đó, bà T1 cùng chồng con không có công sức tạo lập đối với phần đất 189,8m2. Mặc dù đến năm 2013, lúc này cụ H đã chết, UBND huyện C, tỉnh Tiền Giang mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng phần đất trên cho hộ gia đình cụ Đ nhung theo lời thừa nhận của các con cụ Đ cũng như theo thực tế quá trình tạo lập tài sản, có đủ cơ sở để xác định ngôi nhà 02 gian được xây dựng trên diện tích đất 189,8m2 là tài sản chung của cụ Đ, cụ H. Nay cụ Đ, cụ H đã chết nên nhà đất trên là di sản thừa kế của cụ Đ, cụ H.

Việc bà T1 cho ràng tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ gia đình cụ Đ chỉ có cụ Đ, bà T1, bà T, ông C, ông D1 nên nhà đất trên thuộc sở hữu chung của 05 người là không có cơ sở để chấp nhận. Chính ông Châu Văn C là chồng cũ của bà T1 cũng xác định ông không liên quan đến nhà đất, không có tranh chấp gì đối với nhà đất của cụ Đ, cụ H.

[4] Đối với các bản Di chúc do nguyên đơn, bị đơn cung cấp, Hội đồng xét xử nhận thấy:

Bị đơn bà T1 cung cấp bản Di chúc của cụ Đ lập ngày 05/3/2008 có nội dung cụ Đại để lại nhà đất cho bà T1. Bản di chúc này đã được trưng cầu giám định. Tại bản kết luận giám định số 4867/C09B ngày 22/9/2020 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định chữ ký mang tên Trần Văn Đ dưới mục người lập di chúc không phải là của cụ Đ ký ra (BL số 408). Kết luận giám định số 5519/KL-KTHS ngày 22/11/2023 của Phân viện khoa học hình sự tại Thành phố Hồ Chí Minh xác định chữ ký của cụ Đ trong di chúc nêu trên do cụ Đ ký ra. Như vậy, kết luận giám định nêu trên có phần bất nhất với kết luận giám định số 4867/C09B nên không đủ cơ sở để làm căn cứ giải quyết vụ án. Do vậy, có đủ cơ sở để xác định Di chúc lập ngày 05/3/2008 mà bà T1 cung cấp là không hợp pháp; cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà T1 xin hưởng thừa kế theo di chúc lập ngày 05/3/2008 là có căn cứ.

Đối với bản di chúc lập ngày 10/8/2001 do nguyên đơn bà T cung cấp, đây là bản di chúc chung của cụ Đ, cụ H; bản di chúc này do chính cụ Đ viết, cụ Đ, cụ H cùng ký tên vào bản di chúc, được UBND xã Đ chứng thực; tại thời điểm lập di chúc cụ Đ và cụ H còn minh mẫn, sáng suốt, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Cấp sơ thẩm nhận định di chúc lập ngày 10/8/2001 được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về hình thức và nội dung nên hợp pháp, từ đó công nhận giá trị của di chúc ngày 10/8/2001 là có căn cứ. Do di chúc ngày 10/8/2001 là hợp pháp nên bà T1, ông D1 phải giao lại di sản thừa kế là nhà đất tại địa chỉ ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang cho bà T quản lý, sử dụng đồng thời bà T có nghĩa vụ hoàn trả lại cho bà T1 số tiền sửa chữa ngôi nhà là 83.653.000 đồng.

[5] Từ những phân tích nêu trên, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm theo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

[6] Về án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn bà Trần Thị T1 là người cao tuổi nên được miễn.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 646, 647, 650, 652, 653, 657, 663 của Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp và quản lý sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Luật thi hành án dân sự;

Tuyên xử:

Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn bà Trần Thị T1. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số: 62/2020/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị Ngọc T:

- Công nhận bản di chúc chung của cụ ông Trần Văn Đ và cụ bà Phạm Thị H lập ngày 10/8/2001 là hợp pháp. Bản di chúc lập ngày 05/3/2008 do bị đơn bà Trần Thị T1 cung cấp là không hợp pháp.

- Bà Trần Thị T1 và ông Châu Bá D1 phải giao lại cho bà Trần Thị Ngọc T di sản thừa kế của cụ Trần Văn Đ, cụ Phạm Thị H là nhà đất diện tích 189,8m2 tại địa chỉ ấp B, xã Đ, huyện C, tỉnh Tiền Giang, đã được UBND huyện C, tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BO.719039, số vào sổ cấp GCN: CH.22286 ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật. (Có Sơ đồ bản vẽ kèm theo tại BL số 262) Bà Trần Thị Ngọc T được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được đứng tên toàn quyền sử dụng, sở hữu đối với nhà đất.

2. Bà Trần Thị Ngọc T phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho bà Trần Thị T1 số tiền chi phí sửa chữa ngôi nhà là 83.653.000 đồng (Tám mươi ba triệu sáu trăm năm mươi ba ngàn đồng) ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về án phí:

3.1 Án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Trần Thị Ngọc T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 23.283.824 đồng (Hai mươi ba triệu hai trăm tám mươi ba ngàn tám trăm hai mươi bốn đồng). Sau khi khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí mà bà T đã tạm là 200.000 đồng (Hai trăm ngàn đồng) theo biên lai thu số 001579 ngày 03/6/2016 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Tiền Giang, bà T còn phải nộp 23.083.824 đồng (Hai mươi ba triệu không trăm tám mươi ba ngàn tám trăm hai mươi bốn đồng).

- Do bà Trần Thị T1 là người cao tuổi nên được miễn.

3.2 Án phí dân sự phúc thẩm: bà Trần Thị T1 được miễn.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

48
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế theo di chúc số 826/2023/DS-PT

Số hiệu:826/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 12/12/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về