Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản, yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 128/2023/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI HÀ NỘI

BẢN ÁN 128/2023/DS-PT NGÀY 21/03/2023 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN, YÊU CẦU CÔNG NHẬN HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU HỦY GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 21 tháng 3 năm 2023 tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 325/2022/TLPT- DS ngày 06 tháng 10 năm 2022 về việc “Tranh chấp di sản thừa kế, yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 23 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh H bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2358/2023/QĐPT-DS ngày 07 tháng 3 năm 2023 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1953 - Có mặt.

Địa chỉ: Thôn T, xã A (nay là xã AT) thành phố H, tỉnh H.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Chu Thanh N, sinh năm 1953; Địa chỉ: Thôn V, xã K, huyện K, tỉnh H.

Vắng mặt.

Tại phiên tòa bà D không ủy quyền cho ông N mà tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ của đương sự.

2. Bị đơn: Ông Phú Văn V, sinh năm 1963- Có mặt.

Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Anh Phú Xuân T1, sinh năm 1991- Có mặt. Địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Nguyễn Thế Q thuộc Công ty luật hợp danh C Có mặt.

Luật sư Phạm Thị H thuộc Công ty Luật H. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- UBND huyện T, tỉnh H.

- Cụ Đắc Thị G, (tức Dọn), chết ngày 30/8/2020.

Người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của cụ G: Bà Nguyễn Thị D.

- Bà Phú Thị S, sinh năm 1952; địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H. Có mặt.

- Bà Hoàng Thị C (tức Nguyễn Thị C), sinh năm 1937; địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H do bà Nguyễn Thị D làm đại diện.

- Bà Phạm Thị A, sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H do anh Phú Xuân T1 làm đại diện. Có mặt.

- Bà Phú Thị K, sinh năm 1957; địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H. Vắng mặt.

- Anh Nguyễn Trung H, sinh năm 1975 và chị Hoàng Thị T3, sinh năm 1977; địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H. Vắng mặt.

- Anh Phú Văn Dư, sinh năm 1994 và chị Nguyễn Thị H1, sinh năm 1996;

địa chỉ: Thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H do anh Nguyễn Trung H làm đại diện. Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện, biên bản lấy lời khai, các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và tại phiên tòa nguyên đơn trình bày:

[1]. Cụ Nguyễn Văn T (chết năm 1953) có 03 vợ là cụ Tấn Thị T2 (chết năm 1944), cụ Tấn Thị B (chết năm 1950), cụ Đắc Thị G (chết ngày 30/8/2020); các cụ chết đều không có di chúc.

Cụ T và cụ T2 có 03 con là bà Nguyễn Thị L (chết năm 2018), ông Nguyễn Văn T (chết năm 1951 không có vợ con) và bà Nguyễn Thị C. Bà Nguyễn Thị L kết hôn với ông Phú Văn T (chết năm 1996) có 03 con là bà Phú Thị S, bà Phú Thị K và ông Phú Văn V.

Cụ T và cụ B1 có 01 con là ông Nguyễn Văn B (là liệt sỹ chống Mỹ hi sinh năm 1969 không có vợ con).

Cụ T và cụ G có 01 con là bà Nguyễn Thị D.

[2]. Nguyên đơn Nguyễn Thị D, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị C, bà Phú Thị S, bà Phú Thị K trình bày:

Khi cụ T và 03 vợ còn sống các cụ có quyền sử dụng 2.091m2 đất (đất ở, đất vườn, đất ao) tại các thửa số 157, 158, 161, 163 tờ bản đồ 13 thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H (hiện vợ chồng ông V, bà A đang quản lý, sử dụng). Trên đất có 03 gian nhà ở, 01 gian bếp nhỏ bằng tre và một số cây trồng. Cụ T lấy cụ T2, sau khi cụ T2 chết cụ T lấy cụ B1 và sau khi cụ B1 chết cụ T lấy cụ G các cụ đều ở trên diện tích đất này. Năm 1953, sau khi cụ T chết, bà L và chồng không sống chung với nhau được nên đã đưa các con là bà S về ở nhà đất của các cụ cùng với cụ G, ông B và bà D. Do có mâu thuẫn trong cuộc sống nên khoảng năm 1956, cụ G đã chuyển sang sống tại diện tích đất khác ở cùng làng, ông B đi bộ đội và hy sinh năm 1969, mẹ con bà L tiếp tục sinh sống trên diện tích đất này. Sau khi bà S và bà K lấy chồng ở riêng, bà L và vợ chồng ông V, bà A cùng các con quản lý và sử dụng đất. Năm 1980, ông Phú Văn V đã tự ý kê khai đứng tên chủ sử dụng và ngày 10/7/2000 ông V được Ủy ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích đất trên.

Bà D, bà C, bà S, bà K yêu cầu Tòa án chia thừa kế di sản của các cụ là quyền sử dụng đất nêu trên theo quy định của pháp luật và chia bằng hiện vật cho những người thuộc diện thừa kế; hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q953119 do UBND huyện T cấp ngày 10/7/2000 đối với các thửa đất số 157, 158, 161, 163 tờ bản đồ số 13 thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H mang tên anh Phú Văn V.

[3]. Bị đơn Phú Văn V và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Phạm Thị A trình bày:

Nguồn gốc đất anh chị đang sử dụng đúng như bà D trình bày. Sau khi cụ T bị thực dân Pháp bắt và giết năm 1953 thì mẹ con cụ G đã chuyển đi sang ở chỗ khác, đất của cụ T bị bỏ hoang. Năm 1955, bà L và các con chuyển về sinh sống trên đất và thực hiện các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước từ đó đến nay. Khoảng cuối những năm 1970, đầu năm 1980 khi Nhà nước tiến hành kiểm kê và yêu cầu các hộ kê khai thì gia đình ông V đã đứng ra kê khai. Năm 1993, lúc đó bà L già yếu nên ông đã kê khai toàn bộ thửa đất đứng tên ông. Thực tế diện tích đất gia đình ông bà còn 02 thửa ao khác nhưng do không có khả năng nộp thuế nên gia đình đã trả lại Nhà nước. Năm 2000 ông V được cấp giấy chứng nhận đối với toàn bộ diện tích đất 2.091m2. Từ thời điểm gia đình ông V, bà A ở trên đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không ai có ý kiến hay tranh chấp gì. Ông V và bà A xác định diện tích đất phía nguyên đơn yêu cầu tranh chấp không còn là di sản của cụ T và các bà vợ mà thuộc quyền sử dụng hợp pháp của ông bà. Do đó ông V và bà A không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Quá trình ở trên đất vợ chồng ông V, bà A đã có công sức gồm: tôn cao đất tại vị trí vợ chồng ông bà đang ở (thuê múc bùn dưới ao và xin đất ruộng nơi khác chở về để nâng cao trung bình khoảng 50cm diện tích đất vợ chồng ông sử dụng); xây tường bao bảo vệ đất; trông nom đất từ năm 1956 đến nay. Năm 2018 ông V, bà A đã chuyển nhượng một phần diện tích đất có chiều mặt đường là 20,3m sâu hết đất cho vợ chồng anh H, chị T3. Vợ chồng anh H đã thanh toán đủ tiền, hai bên có lập giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất và chưa chứng thực tại chính quyền địa phương, do nguyên đơn khởi kiện nên hai bên chưa hoàn thiện được thủ tục chuyển nhượng. Năm 1993 khi Nhà nước giao đất nông nghiệp, gia đình ông bị trừ 03 khẩu (gồm bà L và vợ chồng ông), 02 con của ông được giao đủ ruộng ngoài đồng. Trường hợp Tòa án xác định diện tích đất đang tranh chấp là di sản thừa kế của các cụ, ông V và bà A đề nghị trích trả công sức đóng góp của vợ chồng ông, phần diện tích đất 03 gia đình ông bị trừ vào ao đề nghị chia bằng hiện vật.

[4] Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Nguyễn Trung H đồng thời là người đại diện theo ủy quyền của chị Hoàng Thị T3, anh Phú Văn D và chị Nguyễn Thị H1 trình bày: Ngày 28/6/2018, anh H và chị T3 nhận chuyển nhượng của ông V và bà A khoảng hơn 400m2 đất (mặt đường là 20,3m, phía sau là 21m), vợ chồng anh đã trả đủ tiền cho vợ chồng ông V, hai bên đã lập giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất viết tay ngày 28/6/2018. Sau đó vợ chồng anh H đã cho vợ chồng con gái là Nguyễn Thị H1 và Phú Văn D xây nhà kiên cố diện tích 84,3m2 trên diện tích đất này. Hiện gia đình anh và vợ chồng ông V không tranh chấp đối với phần diện tích đã chuyển nhượng này và đề nghị Tòa án công nhận việc mua bán chuyển nhượng để hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

[5]. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Ủy ban nhân dân huyện T đề nghị Tòa án căn cứ vào hồ sơ, tài liệu thu thập được, đối chiếu quy định pháp luật và xem xét, quyết định yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nguyên đơn theo quy định của pháp luật.

[6]. Kết quả xác minh tại UBND xã P Về diện và hàng thừa kế của cụ T đúng như các bên trình bày. Nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp do ông cha của bà L để lại, bà L và ông V sử dụng trước năm 1980 (không có tài liệu xác định thời điểm cụ thể). Diện tích đất theo bản đồ 299 thể hiện gồm 03 thửa là thửa 308 = 71m2 loại đất T, thửa 307 = 873m2 loại đất A, thửa 305 = 253m2 loại đất lâu năm khác tất cả đều mang tên ông Phú Văn V. Theo bản đồ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giai đoạn 1998 - 2000 gồm 4 thửa là: Thửa 157 = 710m2 loại đất T, thửa 158 = 962m2 loại đất A, thửa 161 = 245m2 loại đất Q, thửa 163 = 165m2 loại đất A. Năm 2000 toàn bộ diện tích đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông V, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện đồng loại trong phạm vi toàn xã.

Quá trình sử dụng đất ông V xây dựng nhà ở, công trình phụ và các công trình, vật kiến trúc khác trên toàn bộ thửa đất số 157. Năm 2018 vợ chồng ông V chuyển nhượng cho anh H một phần diện tích đất thuộc thửa 161,163 gia đình anh H đã san lấp ao và xây dựng nhà ở kiên cố và trồng cây trên đất nhận chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng chưa được UBND xã chứng thực và chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

Năm 1993 khi chia đất canh tác, định mức giao ruộng tại xã P là con của ông V tổng là 2.520m2, bà L được giao thêm 72m2 do là người có công nuôi liệt sỹ, tổng cộng là 2.592m2. Hộ gia đình ông V bị trừ 03 suất ruộng, mỗi suất là 72m2, tổng là 216m2 trừ vào đất vườn theo tỉ lệ 1:1 không thể hiện là trừ của ai trong 05 khẩu. Toàn bộ thuế sử dụng đất từ trước đến nay đều do vợ chồng ông V nộp.

[7]. Những người làm chứng là cụ Đắc Văn M, Hoàng Tiến C, Đắc Văn N trú tại thôn T, xã P, huyện T đều xác định khuôn viên diện tích đất của cụ T trước đây như hiện trạng ông V đang sử dụng.

[8]. Kết xem xét thẩm định tại chỗ và định giá xác định: Hiện trạng diện tích đất vợ chồng ông V đang quản lý sử dụng gồm 714m2 đất + 953,2m2 ao, gia đình anh H đang quản lý sử dụng 407,6m2 đất, tổng cộng diện tích đất đang có tranh chấp là 2074,8m2. Trên diện tích đất đều có nhà ở, công trình phụ, cây cối, các đương sự đề nghị không định giá tài sản trên đất, chỉ định giá loại đất. Kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản huyện T xác định: Đơn giá đất ở tại nông thôn bám đường thôn là 1.350.000 đồng/m2; đất trồng cây lâu năm vị trí trong đê là 80.000 đồng/m2; đất nuôi trồng thủy sản vị trí trong đê là 75.000 đồng/m2.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 23 tháng 8 năm 2022, Tòa án nhân dân tỉnh H đã quyết định:

Căn cứ khoản 2, khoản 3, khoản 5 Điều 26, Điều 34, Điều 37, Điều 147, Điều 158, Điều 165 Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 129, Điều 133, Điều 609, Điều 612, Điều 613, Điều 618, Điêu 649, Điều 651, Điều 660, Điều 357, Điều 468 Bộ luật Dân sự; Điều 26 Luật Thi hành án dân sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Xử:

[1]. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc chia thừa kế tài sản của cụ Nguyễn Văn T, cụ Tấn Thị T2, cụ Tấn Thị B theo quy định của pháp luật.

[1.1]. Xác định quyền sử dụng thửa đất số 157, 158, 161 và 163 tờ bản đồ số 13 thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H là của cụ Nguyễn Văn T, cụ Tấn Thị T2, cụ Tấn Thị B và cụ Đắc Thị G tổng diện tích 2.074,8m2 gồm: 300m2 đất ở, 664m2 đất trồng cây lâu năm và 1.110,8m2 đất ao, tổng giá trị 541.430.000 đồng.

Trích trả công sức quản lý, bảo vệ di sản và diện tích đất ruộng của bà L, ông V, bà A được trừ vào đất của các cụ = 714m2 đất (gồm 300m2 đất ở, 410m2 đất vườn và 04m2 đất ao).

Tài sản của cụ T, cụ T2, cụ B1 và cụ G sau khi trừ công sức quản lý bảo vệ và trừ đất ruộng của bà L và vợ chồng ông V còn 1.360,8m2 đất (gồm 254m2 đất vườn và 1.106,8m2 đất ao) giá trị 103.330.000 đồng.

[1.2]. Xác định diện, hàng thừa kế, thời điểm mở thừa kế Cụ Nguyễn Văn T có ba vợ là cụ Tấn Thị T2, cụ Tấn Thị B và cụ Đắc Thị G. Cụ T2 chết năm 1944, người hưởng di sản của cụ T2 gồm: Cụ T, bà C, ông T và bà L. Cụ B1 chết năm 1950, người hưởng di sản của cụ B1 gồm: Cụ T và ông B. Ông T chết năm 1951, người hưởng thừa kế của ông T là cụ T. Ông B là liệt sỹ chống Mỹ hi sinh năm 1969, những người hưởng di sản của ông B gồm: Bà L, bà C và bà D (hàng thừa kế thứ hai). Cụ T chết năm 1953, người hưởng di sản của cụ T gồm: Cụ G, bà C, bà L, ông B và bà D. Bà L chết năm 2018, người hưởng di sản của bà L gồm: bà S, bà K và ông V. Ngày 20/8/2020 cụ G chết, do cụ G có bà D là con duy nhất nên tài sản của cụ G được phân chia trong vụ án được giao cho bà D nhận và bà D phải thực hiện nghĩa vụ của cụ G trong vụ án (nếu có).

[1.3]. Phân chia theo giá trị Xác định bà D được hưởng các phần tài sản gồm: Tài sản của cụ G là 484,78m2 (gồm 90,48m2 đất vườn và 394,30m2 đất ao) + di sản thừa kế của cụ T là 80,8m2 (gồm 15,08m2 đất vườn và 65,72m2 đất ao) + di sản thừa kế của ông B là 97,81m2 (gồm 18,26m2 đất vườn và 79,55m2 đất ao), tổng cộng là 633,38m2 (gồm 123,82m2 đất vườn và 539,57m2 đất ao), tổng giá trị 50.372.748 đồng.

Xác định bà C được hưởng các phần tài sản gồm: Di sản thừa kế của cụ T2 là 170,10m2 (gồm 31,75m2 đất vườn và 138,35m2 đất ao) + di sản thừa kế của cụ T là 80,8m2 (gồm 15,08m2 đất vườn và 65,72m2 đất ao) + di sản thừa kế của ông B là 97,81m2 (gồm 18,26m2 đất vườn và 79,55m2 đất ao), tổng cộng là 348,70m2 (gồm 65,09m2 đất vườn và 283,62m2 đất ao), tổng giá trị 26.478.825 đồng.

Chấp nhận sự tự nguyện của bà S và bà K về việc tặng cho toàn bộ phần tài sản được hưởng thừa kế của bà L cho ông V và bà A. Xác định tài sản của vợ chồng ông V, bà A hưởng các phần tài sản gồm: Công sức quản lý, bảo vệ di sản và diện tích đất ruộng của bà L, ông V, bà A bị trừ vào đất của các cụ= 714m2 đất (gồm 300m2 đất ở, 410m2 đất vườn và 04m2 đất ao) + phần di sản của bà L được hưởng chuyển cho ông V gồm: Di sản thừa kế của cụ T2 là là 170,10m2 (gồm 31,75m2 đất vườn và 138,35m2 đất ao) + di sản thừa kế của cụ T là 80,8m2 (gồm 15,08m2 đất vườn và 65,72m2 đất ao) + di sản thừa kế của ông B là 97,81m2 (gồm 18,26m2 đất vườn và 79,55m2 đất ao), tổng cộng là 1.062,7m2 (gồm 300m2 đất ở, 475,09m2 đất vườn và 287,62m2 đất ao), tổng giá trị 464.587.285 đồng.

[1.4]. Giao, chia hiện vật [1.4.1]. Chấp nhận yêu cầu độc lập của anh Nguyễn Trung H và chị Hoàng Thị T3. Công nhận Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 28/6/2018 giữa vợ chồng ông V, bà A và vợ chồng anh H, chị T3 có hiệu lực pháp luật. Xác định anh H và chị T3 đã trả đủ tiền theo thỏa thuận cho ông V, bà A. Anh H và chị T3 có quyền sử dụng 414,2m2 đất (gồm 254m2 đất vườn và 160,2m2 đất ao) được xác định theo các điểm từ A1, A2, B1, B2, A10 đến A1 trên sơ đồ kèm theo bản án. Quan hệ sử dụng đất giữa vợ chồng anh H, chị T3 và vợ chồng chị H1, anh D là người xây nhà trên đất do các bên tự giải quyết, nếu có tranh chấp thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết bằng vụ án khác [1.4.2]. Giao cho ông V, bà A quyền sử dụng 714m2 (gồm 300m2 đất ở, 410m2 đất vườn và 04m2 đất ao) được xác định theo các điểm từ A5, A6, A7, A8, A9 đến A5 trên sơ đồ kèm theo bản án. Trên đất có nhà ở, công trình vật kiến trúc và cây trồng của vợ chồng ông V.

[1.4.3]. Giao cho bà D quyền sử dụng 597,9m2 đất ao được xác định theo các điểm từ B2, B1, A3, A4, B4, B3 đến B2 trên sơ đồ kèm theo bản án, giá trị 44.842.500 đồng. Ông V, bà A có trách nhiệm trả bà D 5.530.248 đồng tiền chênh lệch giá trị tài sản.

[1.4.4]. Giao cho bà C quyền sử dụng 348,7m2 đất ao được xác định theo các điểm từ B3, B4, A5, A9 đến B3 trên sơ đồ kèm theo bản án, giá trị 26.125.500 đồng. Ông V, bà A có trách nhiệm trả bà C 325.875 đồng tiền chênh lệch giá trị tài sản.

Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

[2]. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số Q953119 do UBND huyện T cấp ngày 10/7/2000 đối với các thửa đất số 157, 158, 161, 163 tờ bản đồ số 13 thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H mang tên anh Phú Văn V.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí và thông báo quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 26/8/2022 Ông Phú Văn V kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Có đơn đề nghị miễn giảm toàn bộ án phí.

Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Luật sư phía ông V bổ sung các đơn đánh máy có xác nhận công chứng của ông Hoàng Tiến C, ông Hoàng Tiến K, ông Đắc Văn N, bà Hoàng Thị H, bà Nguyễn Thị H, ông Đào Thế L, ông Đắc Văn M. Các đơn này có nội dung giống nhau và thể hiện nội dung: các ông, bà còn bé nên không biết nguồn gốc đất của cụ T và không có ý kiến xác nhận nguồn đất ông V đang quản lý sử dụng là của cụ T.

Phía Nguyên đơn cung cấp thêm ý kiến của ông Hoàng Tiến C, bà Hoàng Thị H, ông Đắc Văn N, bà Phú Thị S (là chị ông V là người không nhận đất cho ông V phần thừa kế của bà), bà Nguyễn Thị C, ông Hoàng Tiến S, Cụ Nguyễn Ngọc H, ông Nguyễn Văn C, ông Nguyễn Trọng B, ông Nguyễn Văn T. Tất cả các văn bản đều viết tay đề ngày 8/3/2023 với nội dung xác nhận toàn bộ đất ông V đang quản lý là tài sản của cụ Nguyễn Văn T.

Các đương sự giữ nguyên yêu cầu và lời trình bày của mình tại cấp sơ thẩm Luật sư bảo vệ quyền lợi cho ông V đề nghị Tòa án hủy bản án sơ thẩm vì các lý do: - Tại biên bản xác nhận của UBND xã P đều xác nhận qua các giai đoạn từ bản đồ 299 đến sau này ông V đều đứng tên chủ sử dụng đất, nhưng sau lại xác nhận là nguồn gốc đất ông cha để lại là mâu thuẫn.

- Những đơn do Luật sư xuất trình, những người có tên trong đơn cho rằng không có việc họ xác nhận nguồn gốc đất là của cụ T.

- Qua các thời kỳ và nhất là sau cải cách ruộng đất 1960 ông V được chia lại đất, nên đất đó là đất của ông V.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội sau khi phân tích, đánh giá các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nghe ý kiến của các đương sự tại phiên tòa, có ý kiến:

Về tố tụng: Những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn T, hiện ông Phú Văn V đang quản lý sử dụng và được cấp giấy chứng nhận. Xác định đầy đủ diện và hàng thừa kế.

Chia di sản sau khi đã trừ đi công sức quản lý di sản và đã chia trên cơ sở tôn trọng những dịch chuyển quyền sử dụng đất và tồn tại còn lại.

Các vấn đề khác Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định đúng pháp luật.

Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, đề nghị Tòa án Không chấp nhận kháng cáo của ông Phú Văn V, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, nghe lời trình bày của đương sự; ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội tham gia phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

Kháng cáo của người khởi kiện trong thời hạn luật định và hợp lệ nên được xem xét, giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Về nội dung kháng cáo của người khởi kiện:

Về kháng cáo của ông V, ông V kháng cáo toàn bộ bản án. Do đó Tòa án cấp phúc thẩm xem xét toàn bộ quyết định của bản án sơ thẩm.

Hội đồng xét xử nhận định:

Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, ông V và Luật sư xuất trình thêm chứng cứ. Phía nguyên đơn cũng xuất trình chứng cứ mới. Đánh giá những chứng cứ này, Hội đồng xét xử thấy rằng, các đơn của phía Nguyên đơn xuất trình là các đơn viết tay ngày viết đơn sau các đơn mà luật sư bên ông V xuất trình, có xác nhận của UBND xã P, hơn nữa trong các biên bản ghi ý kiến, biên bản phiên tòa sơ thẩm, phía bị đơn cũng đã thừa nhận toàn bộ diện tích đất đang sử dụng là di sản của cụ T để lại (BL 58). Đồng thời phù hợp với ý kiến của cán bộ địa chính xã, thửa đất trên do ông cha cụ L để lại (BL 127).

Tại phiên tòa bà Hoàng Thị H tham gia phiên tòa với tư cách người làm chứng khẳng định toàn bộ đất ông V đang ở là đất do cụ T để lại, bà cam đoan khai đúng sự thật.

[2.1] Vụ án tranh chấp chia thừa kế và có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T cấp cho anh Phú Văn V, nên Tòa án cấp sơ thẩm xác định thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh là đúng. Ngày 20/8/2020 cụ G chết, cụ G chỉ có bà D là con nên bà D là người thừa kế quyền và nghĩa vụ của cụ G.

[2.2]. Về diện, hàng thừa kế. Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đúng và đầy đủ, cụ thể:

Cụ Nguyễn Văn T (cụ Hội T) có ba vợ là cụ Tấn Thị T2, cụ Tấn Thị B và cụ Đắc Thị G. Cụ T2 chết năm 1944, người hưởng di sản của cụ T2 gồm: Cụ T, bà C và bà L, ông T. Ông T chết năm 1951 không có vợ con, người hưởng di sản thừa kế của ông T là cụ T. Cụ B1 chết năm 1950, người hưởng di sản của cụ B1 gồm: Cụ T và ông B. Ông B là liệt sỹ chống Mỹ hi sinh năm 1969, những người hưởng di sản của ông B gồm: Bà L, bà C và bà D (hàng thừa kế thứ hai). Cụ T chết năm 1953, người hưởng di sản của cụ T gồm: Cụ G, bà C, bà L, ông B và bà D. Bà L chết năm 2018, người hưởng di sản của bà L gồm: Bà S, bà K và ông V. Ngày 20/8/2020 cụ G chết, do cụ G có bà D là con duy nhất nên tài sản của cụ G được phân chia trong vụ án được giao cho bà D nhận và bà D phải thực hiện nghĩa vụ của cụ G trong vụ án (nếu có).

[2.3]. Về xác định di sản Trên cơ sở lời khai của các đương sự, lời khai của người làm chứng, tài liệu là hồ sơ địa chính và cung cấp của UBND xã P, Tòa án có căn cứ xác định nguồn gốc thửa đất số 157, 158, 161 và 163 tờ bản đồ số 13 thôn T, xã P, huyện T, tỉnh H là của cụ Nguyễn Văn T (thường gọi là cụ Hội T), trước khi cụ T chết, trên đất hiện nay ông V, bà A đang sử dụng có nhà ở bằng tre và gỗ của các cụ. Cụ T có 03 vợ là cụ T2, cụ B1 và cụ G nên theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 quyền sử dụng, sở hữu nhà đất trên là tài sản của cụ T, cụ T2, cụ B1 và cụ G. Bà D, bà S và những người làm chứng đều xác định sau khi cụ T2, cụ B1 và cụ T chết, cụ G cùng bà D, ông B tiếp tục sử dụng đất và ở tại ngôi nhà tre, gỗ của cụ T; bà L không ở với chồng nên cùng bà S về ở với cụ G, ông B và bà D trên đất của cụ T. Do mâu thuẫn giữa mẹ kế và con riêng của chồng nên năm 1956 cụ G mới chuyển ra diện tích đất khác trong làng để ở. Ông V khai cụ G bỏ nhà đất của cụ T để đi ở chỗ khác, đất không ai quản lý nên bà L về ở là không có căn cứ. Như vậy, toàn bộ quyền sử dụng đất của cụ T, cụ T2, cụ B1 và cụ G chưa được các cụ định đoạt chuyển quyền sử dụng cho người khác nên vẫn thuộc quyền sử dụng của các cụ. Bà L sử dụng đất của các cụ từ năm 1956, quá trình sử dụng đất ông V đã kê khai và được UBND huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bản kê khai khi đề nghị cấp giấy chứng nhận, ông V cũng kê khai nguồn gốc đất là đất do ông cha để lại. Ông V và bà A chỉ căn cứ vào việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định đất đó của ông V, bà A là không có căn cứ chấp nhận. Đối với di sản là nhà ở bằng tre và gỗ của các cụ do các đương sự không yêu cầu giải quyết nên Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét là đúng pháp luật.

Theo hồ sơ địa chính, tổng diện tích đất nguồn gốc của cụ T, cụ T2, cụ B1 và cụ G là 2.091m2, kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ diện tích đất là 2.074,8m2. Quyền sử dụng đất có ranh giới rõ ràng không có tranh chấp với các hộ liền kề nên xác định diện tích đất của cụ T, cụ T2, cụ B1 và cụ G là 2.074,8m2. Theo kết quả thẩm định tại chỗ và tài liệu địa chính gồm: 300m2 đất ở giá trị 405.000.000 đồng, 664m2 đất trồng cây lâu năm giá trị 53.120.000 đồng và 1.110,8m2 đất ao giá trị 83.310.000 đồng. Tổng giá trị quyền sử dụng đất là 514.430.000 đồng.

Theo sổ theo dõi việc giao đất nông nghiệp và trừ đất nông nghiệp lưu tại xã P, năm 1993 thực hiện chính sách giao đất nông nghiệp tại địa phương, hộ bà L bị trừ 03 xuất ruộng, mỗi xuất trừ 03 thước (72m2) tổng là 216m2 đất nông nghiệp vào đất vườn theo tỉ lệ 1:1, không thể hiện trừ cho ai. Ông V và bà A xác định việc trừ 03 xuất là của bà L, ông V và bà A. Do vậy, đất vườn của cụ T, cụ B1, cụ T2 và cụ G phải trừ trả bà L, ông V, bà A mỗi người 72m2 đất vườn. Ông V và bà A khai đất ruộng bị trừ vào ao là không có căn cứ.

Bà L ở trên đất từ năm 1956, sau khi ông V lấy vợ, vợ chồng ông V sống trên đất của các cụ. Ông V và bà A khai có tôn tạo đất nâng cao nền đất nhưng không có căn cứ chứng minh. Lời khai của người làm chứng là các cụ cao niên trong thôn đều xác định đất của cụ T vẫn nguyên trạng như hiện nay. Do vậy, không có căn cứ chấp nhận lời khai của ông V và bà A về việc tôn tạo đất. Tuy nhiên, thực tế bà L và vợ chồng ông V có công trong việc quản lý, xây bờ kè ao, làm bờ rào bảo vệ di sản đến nay là hơn 60 năm, Tòa án sơ thẩm đã trích trả thỏa đáng công sức của bà L và vợ chồng ông V, bà A bằng 498m2 gồm 300m2 đất ở, 194m2 đất vườn và 04m2 đất ao.

Tổng cộng công sức quản lý, bảo vệ di sản và diện tích đất ruộng của bà L, ông V, bà A được trừ vào đất của các cụ = 714m2 đất (gồm 300m2 đất ở, 410m2 đất vườn và 04m2 đất ao).

Di sản của cụ T, cụ T2, cụ B1 và cụ G sau khi trừ công sức quản lý bảo vệ và trừ đất ruộng của bà L và vợ chồng ông V còn 1.360,8m2 đất (gồm 254m2 đất vườn và 1.106,8m2 đất ao) giá trị 103.330.000 đồng. Ngoài yêu cầu thanh toán công sức trong bảo quản di sản, các đương sự không có yêu cầu nào khác; căn cứ Điều 658 BLDS, Tòa án cấp sơ thẩm xác định phần di sản thừa kế còn lại như nêu trên là đúng.

[2.4] Di sản đã được phân chia như sau:

Trước năm 1944, toàn bộ tài sản trên là của cụ T và cụ T2. Năm 1944 cụ T2 chết, di sản của cụ T2 là ½ tài sản của cụ T và cụ T2 bằng 680,4m2 đất (gồm 127m2 đất vườn và 553,4m2 đất ao) được chia đều cho 04 người thừa kế là cụ T, bà L, ông T và bà C mỗi người 170,10m2 (gồm 31,75m2 đất vườn và 138,35m2 đất ao).

Sau khi cụ T2 chết, tài sản của cụ T gồm ½ tài sản chung của cụ T và cụ T2 là 680,4m2 đất (gồm 127m2 đất vườn và 553,4m2 đất ao) + phần tài sản cụ T được nhận thừa kế của cụ T2 170,10m2 (gồm 31,75m2 đất vườn và 138,35m2 đất ao), tổng cộng là 850,50m2 (gồm 150,75m2 đất vườn và 691,75m2 đất ao). Khi cụ T kết hôn với cụ B1, tài sản của cụ T trở thành tài sản chung của hai cụ.

Năm 1950 cụ B1 chết, di sản của cụ B1 là ½ tài sản chung của cụ T và cụ B1 là 425,25m2 (gồm 79,38m2 đất vườn và 345,87m2 đất ao) được chia đều cho cụ T và ông B mỗi người 212,63m2 (gồm 39,69m2 đất vườn và 172,94m2 đất ao).

Năm 1951 ông T chết, di sản của ông T là 170,10m2 (gồm 31,75m2 đất vườn và 138,35m2 đất ao) nhận thừa kế của cụ T2. Ông T không có vợ con nên di sản của ông T do cụ T được hưởng toàn bộ.

Sau khi cụ B1 và ông T chết, tài sản của cụ T gồm ½ tài sản chung của cụ T và cụ B1 là 425,25m2 (gồm 79,38m2 đất vườn và 345,87m2 đất ao) + phần tài sản cụ T được nhận thừa kế của cụ B1 là 212,63m2 (gồm 39,69m2 đất vườn và 172,94m2 đất ao) + phần tài sản cụ T được nhận thừa kế của ông T là 170,10m2 (gồm 31,75m2 đất vườn và 138,35m2 đất ao), tổng cộng là 807,97m2 (gồm 150,81m2 đất vườn và 657,16m2 đất ao). Khi cụ T kết hôn với cụ G, tài sản của cụ T trở thành tài sản chung của hai cụ.

Năm 1953 cụ T chết, di sản của cụ T là ½ tài sản chung của cụ T và cụ G bằng 403,99m2 (gồm 75,41m2 đất vườn và 328,58m2 đất ao) được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ T là cụ G, ông B, bà D, bà L và bà C mỗi người 80,8m2 (gồm 15,08m2 đất vườn và 65,72m2 đất ao).

Năm 1969 ông B hi sinh, di sản của ông B gồm phần tài sản nhận thừa kế của cụ B1 và cụ T tổng là 293,42m2 (gồm 54,77m2 đất vườn và 238,65m2 đất ao). Do ông B không có vợ con, tại thời điểm ông B hi sinh, hàng thừa kế thứ nhất của ông B không còn ai nên di sản của ông B được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ hai gồm bà C, bà L và bà D mỗi người 97,81m2 (gồm 18,26m2 đất vườn và 79,55m2 đất ao).

Sau khi cụ T chết, tài sản của cụ G gồm ½ tài sản chung của cụ G và cụ T là 403,99m2 (gồm 75,41m2 đất vườn và 328,58m2 đất ao)+ phần di sản cụ G được hưởng của cụ T là 80,8m2 (gồm 15,08m2 đất vườn và 65,72m2 đất ao), tổng là 484,78m2 (gồm 90,48m2 đất vườn và 394,30m2 đất ao). Năm 2020 cụ G chết, tài sản của cụ G được giao toàn bộ cho bà D.

Như vậy, bà D được hưởng các phần tài sản gồm: Tài sản của cụ G là 484,78m2 (gồm 90,48m2 đất vườn và 394,30m2 đất ao) + di sản thừa kế của cụ T là 80,8m2 (gồm 15,08m2 đất vườn và 65,72m2 đất ao) + di sản thừa kế của ông B là 97,81m2 (gồm 18,26m2 đất vườn và 79,55m2 đất ao), tổng cộng là 633,38m2 (gồm 123,82m2 đất vườn và 539,57m2 đất ao).

Bà C được hưởng các phần tài sản gồm: Di sản thừa kế của cụ T2 là 170,10m2 (gồm 31,75m2 đất vườn và 138,35m2 đất ao) + di sản thừa kế của cụ T là 80,8m2 (gồm 15,08m2 đất vườn và 65,72m2 đất ao) + di sản thừa kế của ông B là 97,81m2 (gồm 18,26m2 đất vườn và 79,55m2 đất ao), tổng cộng là 348,70m2 (gồm 65,09m2 đất vườn và 283,62m2 đất ao).

Tại phiên tòa sơ thẩm, bà S và bà K tặng cho toàn bộ phần tài sản hai chị được hưởng của bà L cho ông V và bà A. Việc tặng cho là hoàn toàn tự nguyện nên được chấp nhận. Cho tới nay, bà K không gửi ý kiến về thay đổi quyết định nêu trên. Tại phiên tòa phúc thẩm bà S vẫn khẳng định đất ông V đứng tên trên giấy chứng nhận là của cụ T. Tuy nhiên chị vẫn từ chối nhận kỷ phần được chia, tặng cho ông V kỷ phần đó. Như vậy, tài sản của vợ chồng ông V, bà A được nhận gồm: Công sức quản lý, bảo vệ di sản và diện tích đất ruộng của bà L, ông V, bà A được trừ vào đất của các cụ = 714m2 đất (gồm 300m2 đất ở, 410m2 đất vườn và 04m2 đất ao) + phần di sản của bà L được hưởng chuyển toàn bộ cho ông V gồm: Di sản thừa kế của cụ T2 là là 170,10m2 (gồm 31,75m2 đất vườn và 138,35m2 đất ao) + di sản thừa kế của cụ T là 80,8m2 (gồm 15,08m2 đất vườn và 65,72m2 đất ao) + di sản thừa kế của ông B là 97,81m2 (gồm 18,26m2 đất vườn và 79,55m2 đất ao), tổng cộng = 1.062,7m2 (gồm 300m2 đất ở, 475,09m2 đất vườn và 287,62m2 đất ao).

Ông V, bà A đang sử dụng là 714m2 (gồm 300m2 đất ở, 410m2 đất vườn và 04m2 đất ao) và đã xây dựng nhà ở công trình, vật kiến trúc trên toàn bộ diện tích đất. Do vậy, cần giao cho anh chị sử dụng toàn bộ diện tích đất này. Giao cho bà C, bà D quyền sử dụng đất tại vị trí ao giữa đất giao cho anh H, chị T3 và đất giao cho ông V, bà A. Ông V và bà A có trách nhiệm trả chênh lệch giá trị tài sản cho bà C, bà D bằng tiền.

Khi chia di sản còn lại của cụ T, Tòa án cấp sơ thẩm đã trừ đi công sức gìn giữ bảo quản di sản, đồng thời chia hiện vật trên cơ sở diện tích đất nhà đã được xây, gia đình ông V đang quản lý sử dụng, phần gia đình ông V đã bán, phần đất chưa xây để giao hợp lý cho các đương sự, không làm xáo trộn ảnh hưởng lớn đến cuộc sống ổn định của các đương sự là có căn cứ.

[2.5]. Về việc Tòa án cấp sơ thẩm xem xét yêu cầu độc lập của anh H, chị T3: Ngày 28/6/2018, ông V và bà A đã chuyển nhượng cho anh H và chị H1 diện tích đất mặt đường thôn tính từ giáp đất ông Nên là 20,3m, cạnh đất giáp ao chị Giang (phía sau) là 21m, diện tích theo kết quả đo vẽ là 414,2m2 (gồm 254m2 đất vườn và 160,2m2 đất ao). Hai bên có lập giấy viết tay có chữ ký của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng, bên anh H, chị T3 đã trả đủ tiền chuyển nhượng theo thỏa thuận, đã nhận đất để san lấp, xây nhà ở kiên cố. Tại thời điểm hai bên thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mặc dù có căn cứ xác định đất là di sản của các cụ như phân tích ở trên nhưng ông V và bà A đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất chuyển nhượng. Đồng thời, các bên đương sự tới nay vẫn đồng thuận về việc chuyển nhượng này. Do vậy, xác định anh H, chị H1 là người thứ ba ngay tình. Căn cứ khoản 2 Điều 133 Bộ luật Dân sự Tòa án sơ thẩm đã công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông V và vợ chồng anh H có hiệu lực và quyết định các vấn đề liên quan đến yêu cầu này là có căn cứ.

[2.6]. Về yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông V: Do xác định quyền sử dụng đất là di sản của cụ T để lại chưa chia, nên Tòa án cấp sơ thẩm quyết định hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện T cấp mang tên ông V là có căn cứ.

[3]. Về việc quyết định các chi phí và án phí: tại cấp sơ thẩm Bà D tự nguyện chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nên Tòa án không xem xét.

[4]. Về án phí sơ thẩm: căn cứ điểm 7 Điều 27 Nghị quyết 326 UBTVQH về án phí, Tòa án cấp sơ thẩm tính án phí theo kỷ phần các đương sự được hưởng, cũng như miễn án phí cho người già theo Điều 12 Nghị quyết 326 UBTVQH; anh H, chị H1 được chấp nhận yêu cầu nên không phải chịu án phí là đúng.

Như vậy, các quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật. Do đó Hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Vị đại diện VKS cấp cao tại Hà Nội, bác toàn bộ kháng cáo của ông V, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[5] Án phí phúc thẩm: Đối với yêu cầu miễn án phí của ông V. Ông V chưa đủ 60 tuổi, hoàn cảnh gia đình không thuộc diện hộ nghèo; không thuộc đối tượng được miễn giảm án phí. Do kháng cáo của ông V không được chấp nhận nên ông V phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí và lệ phí Tòa án.

[1]. Không chấp nhận kháng cáo của ông Phú Văn V, giữ nguyên toàn bộ quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2022/DS-ST ngày 23 tháng 8 năm 2022 của Tòa án nhân dân tỉnh H.

[2]. Về án phí: ông Phú Văn V phải nộp 300.000đ án phí phúc thẩm, ghi nhận ông V đã nộp tại biên lai thu tiền số 01369 ngày 29/8/2022 tại Cục thi hành án dân sự tỉnh H.

[3]. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

134
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp thừa kế tài sản, yêu cầu công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 128/2023/DS-PT

Số hiệu:128/2023/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/03/2023
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về